TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Di chúc sống và bản chỉ thị trước
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Di chúc sống và bản chỉ thị trước

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Sun May 08, 2016 9:45 pm    Tiêu đề: Di chúc sống và bản chỉ thị trước

Di chúc sống và bản chỉ thị trước

Bấm vào để xem hình lớn hơn

“Di chúc sống” là chữ tôi tạm dịch từ chữ “living wills” của người Mỹ. Với cuộc sống ngày càng phức tạp, dân chúng trong một nước văn minh, thượng tôn pháp luật như nước Mỹ thường phải chuẩn bị, “planning” đủ thứ chuyện, trong đó có cả chuyện bịnh, chuyện chết. Chuyện chết thì đã có di chúc, còn chuyện bịnh thì phải có “di chúc sống”, sống ở đây có nghĩa là mình muốn sống như thế nào khi đã bịnh nặng đến nỗi không còn có khả năng quyết định chuyện sống chết của mình nữa. Do đó, cần phải lập “di chúc sống” nói rõ ước nguyện khi gần đất xa trời: có muốn được cứu sống để phải lệ thuộc vào máy trợ thở hay sống như cây cỏ không?

Chúng ta có thể nghĩ rằng “di chúc sống” là chỉ để cho những người già nua hay bệnh hoạn. Tuy nhiên nghĩ cho kỹ, chuyện sống chết thật khó lường, những cảnh dở sống dở chết có thể xẩy ra ở bất cứ tuổi nào, do đó, tất cả những người trưởng thành đều nên có di chúc sống.

Thực ra “di chúc sống” chỉ là một phần của toàn bộ “bản chỉ thị trước” (advance directives) gồm những mẫu liệt kê sẵn những săn sóc, cứu chữa người bệnh muốn bác sĩ làm khi họ mất khả năng tự quyết định vì bị hôn mê, lú lẩn Tất cả chúng ta nên tìm hiểu ý nghĩa của “di chúc sống” và “bản chỉ thị trước”, cách thành lập chúng và sự ích lợi của chúng đối với gia đình và bản thân chúng ta.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Bản chỉ thị trước

Như trên đã nói, bản chỉ thị trước là những chỉ dẫn được viết ra khi chúng ta còn bình tĩnh sáng suốt về những săn sóc y khoa chúng ta muốn có khi không còn khả năng tự quyết định. Lúc đó, các bác sĩ và người thân của chúng ta sẽ dựa trên bản hướng dẫn trước này để hành động. Tất cả những người trên 18 tuổi đều có thể thành lập bản này.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Bản chỉ thị trước có thể gồm:

  • Di chúc sống: Đây là một văn kiện có giá trị pháp lý nêu rõ những chữa trị y khoa và những biện pháp kéo dài sự sống mà người viết muốn hay không muốn được thực hiện cho chính mình. Những biện pháp này gồm có: trợ thở bằng máy, ăn bằng ống đút vào bao tử, cứu cấp tim mạch... Ở một vài tiểu bang, di chúc sống có thể được gọi bằng những tên khác thí dụ như thông báo về săn sóc y khoa hay hướng dẫn về săn sóc y khoa...

  • Tờ thay mặt về y khoa (medical power of attorney): Đây cũng là một bản văn có giá trị pháp lý cử một người thay mặt người ký tên để đưa ra những hành động cứu chữa họ trong trường hợp họ không còn khả năng tự quyết định. Những bản văn này cũng cho phép người thay mặt được dùng bản di chúc sống hướng dẫn quyết định của họ và trong trường hợp xảy ra những chuyện không được nói tới trong di chúc sống, họ có quyền quyết định theo tinh thần những ước muốn của người ký tên. Bản văn thay mặt về y khoa này khác với bản văn thay mặt POA thông thường về vấn đề tài chánh. Nếu bạn không có bản văn y khoa này, quyền quyết định cách cứu chữa bạn sẽ thuộc về người phối ngẫu. Nếu bạn không có người phối ngẫu, quyền này thuộc về người con đã trưởng thành hay cha mẹ của bạn.

  • Mệnh lệnh 'không cấp cứu” (do not resuscitate order DNR): Đây là bản văn “ra lệnh” các bác sĩ hay nhân viên y tế không cấp cứu khi tim bạn ngưng đập hay bạn ngưng thở. Lệnh này có thể được bác sĩ để sẵn trong hồ sơ y khoa.

Di chúc sống và tờ thay mặt về y khoa cũng có những chỗ giới hạn. Dĩ nhiên chúng ta khó thể nghĩ ra đủ hết những trường hợp có khả năng xẩy ra cho mình, do đó bản di chúc sống có thể không áp dụng được vì trường hợp xẩy ra không được liệt kê trong văn bản. Tờ thay mặt cũng không thể liệt kê hết những chỉ dẫn cho tất cả các trường hợp, do đó bạn chỉ có thể đặt hết tin tưởng vào người thay mặt để quyết định giùm cho bạn.

Cách lý tưởng nhất là nói chuyện cặn kẽ với người thân của mình về quan niệm sống, những giá trị mà mình muốn giữ gìn đã ảnh hưởng đến những quyết định của mình. Những bày tỏ này sẽ khiến người thân hiểu rõ bạn hơn và có quyết định đúng cho bạn. Tuy nhiên, lời nói miệng không có giá trị pháp lý.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Chọn người quyết định

Chọn người thay mặt cho mình để làm những quyết định quan trọng khi thập tử nhất sinh là chuyện khó. Người này không nhất thiết phải là người trong gia đình bạn, cũng không phải là người bạn chọn thay thế để làm những quyết định về tài chánh. Không nên chọn một người chỉ vì bạn nghĩ rằng mình “có bổn phận” phải chọn họ. Bạn phải tin rằng người này hiểu bạn và sẽ làm theo những gì bạn muốn. Người này nên ở cùng thành phố với bạn, phải là người trưởng thành, có đầu óc và bình tĩnh khi có biến. Khi đã chọn được người thay mặt, bạn nên cho gia đình và người thân biết.


Bấm vào để xem hình lớn hơn

Chuyện cần bàn

Bạn nên suy nghĩ cặn kẽ về những giá trị trong cuộc sống mà bạn cho là quan trọng, điều gì bạn nghĩ là làm cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa. Cách cứu chữa là để tìm lại được cuộc sống tốt đẹp hay chỉ kéo dài đời sống cách nào cũng được? Những chuyện sau đây cần được bàn tới:

  • Cấp cứu tim mạch: Làm cho trái tim đập lại khi nó ngừng đập, giúp thở trở lại. Phương pháp cứu cấp này rất hiệu quả trong những trường hợp đột quỵ tim, nơi người trẻ tuổi, sức khỏe còn tốt, nhưng ít hiệu quả nơi người già, ở giai đoạn cuối của bệnh nặng. Nếu không cứu cấp, có thể đưa đến hôn mê, chết trong vòng 5- 10 phút.

    Bạn nên cho biết rõ bạn có muốn - và khi nào bạn muốn - được cấp cứu tim mạch bằng phương pháp CPR hay bằng luồng điện khiến tim bạn đập trở lại. Tình trạng bệnh như thế nào thì bạn muốn hay không muốn cấp cứu? Nếu không muốn được cấp cứu, bạn có thể để một cái lệnh DNR - đừng cấp cứu - trong hồ sơ.

  • Máy trợ thở: Máy sẽ hoàn toàn “thở” cho bạn nếu bạn không thở được nữa. Phương pháp này được dùng trong những trường hợp chấn thương hay bệnh khiến phổi không làm việc được hoặc nạn nhân không thể thở được. Bác sĩ dùng cách này để giúp bệnh nhân thở trong khi chữa bệnh. Tuy nhiên nó sẽ không giúp bệnh nhân ở giai đoạn cuối hay trường hợp bệnh quá nặng, mà chỉ kéo dài sự sống nhân tạo. Nếu không dùng cách này, nạn nhân sẽ từ từ ngưng thở và chết tuy có thể dùng thuốc để làm giảm bớt đau đớn.

    Suy nghĩ xem khi nào và bao lâu mình muốn được đặt vào máy trợ thở. Tình trạng bệnh như thế nào thì bạn muốn máy trợ thở.

  • Thức ăn và nước uống: Bác sĩ có thể cho thức ăn và nước vào cơ thể bạn bằng đường tĩnh mạch hay đặt ống vào bao tử. Dùng cách này để giúp nạn nhân trong lúc bị bệnh không thể ăn uống được. Có lợi khi đây là một tình trạng bệnh tạm thời, không giúp ích nếu đây là bệnh nặng ở giai đoạn cuối, chỉ kéo dài giai đoạn hấp hối. Nếu không cho thức ăn và nước, nạn nhân sẽ đi vào hôn mê và chết trong vòng 1 tới 3 tuần lễ.

    Suy nghĩ xem khi nào và bao lâu bạn muốn được nuôi bằng như vậy. Tình trạng bệnh ra sao thì bạn muốn dùng những cách này.

  • Lọc thận: Khi thận của bạn không còn làm việc nữa, những chất thải của cơ thể cần phải được máy lọc ra. Khó có thể biết được chuyện lọc thận sẽ còn phải kéo dài bao lâu. Nếu không lọc thận, những chất thải sẽ càng nhiều hơn trong máu đưa đến hôn mê, trụy tim, chết.

    Suy nghĩ xem khi nào và bao lâu bạn muốn được chữa bằng cách này. Tình trạng bệnh ra sao thì bạn muốn lọc thận?

  • Chữa trị vào giai đoạn cuối: Gồm có thuốc trụ sinh, thuốc giảm đau, máy trợ thở... Suy nghĩ xem bạn có muốn dùng tất cả các cách này cho dễ chịu không. Nên nhớ những phương cách này cũng có thể chỉ làm cái chết lâu đến hơn thôi. Nói một cách tổng quát, những phương cách cứu chữa này rất hiệu quả trong những trường hợp bệnh ngắn hạn, bệnh nhân có nhiều cơ hội phục hồi. Nhưng trong những trường hợp bệnh nặng đến giai đoạn cuối thì những cách này chỉ làm đau đớn khó chịu thêm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp nằm ở giữa, cơ hội phục hồi không rõ ràng. Những trường hợp “xám” này là những lúc khó quyết định.


Hiến tặng cơ quan

Suy nghĩ xem bạn có muốn hiến tặng những bộ phận trong người, mắt, các mô tế bào... hay hiến nguyên xác để nghiên cứu khoa học. Nếu muốn hiến nguyên xác, có thể liên lạc với trường y khoa gần nơi mình ở nhất.



Điền đủ giấy tờ cần thiết

Tất cả những giấy tờ – di chúc sống, tờ thay mặt, lệnh không cấp cứu... - đều phải được viết ra rõ ràng. Mỗi tiểu bang có những luật lệ khác nhau về tờ chỉ thị trước này. Bác sĩ của bạn có thể cho bạn những mẫu đơn cần thiết. Nhiều cơ quan như National Hospice va Paliative Care Organization cho không những mẫu này trên trang nhà của họ. Bạn có thể tham khảo ý kiến của 1 luật sư mặc dù thường không cần thiết. Sau khi đã điền đầy đủ giấy tờ, nên đưa bản sao cho bác sĩ của bạn, cho người thay mặt, các người thân trong gia đình, bạn bè...



Đọc lại và cập nhật những giấy tờ này thường xuyên

Sức khỏe bạn có thể thay đổi và cái nhìn của bạn cũng có thể thay đổi. Do đó thỉnh thoảng nên đọc lại những giấy tờ này để xem có cần sửa đổi không. Nếu sửa đổi, cần dùng mẫu giấy tờ mới. Bàn với bạn bè, người thân và bác sĩ. Xé bỏ tờ cũ.

Nếu không còn đủ thì giờ làm tờ mới và bạn muốn thay đổi, xóa bỏ cái cũ, chỉ cần nói cho bác sĩ hay người thân biết. Khi nào bạn còn sáng suốt, hiểu rõ tình trạng sức khỏe của mình, biết cân nhắc lợi và hại của những cách chữa trị, và nói cho mọi người chung quanh hiểu, bạn sẽ là người nắm vận mạng của chính mình.

Nói tóm lại, nếu bạn có tờ di chúc sống và bản chỉ thị trước, gia đình bạn có thể tránh được cảnh xào xáo tìm cách quyết định cho bạn khi bạn đang nằm đó, không còn khả năng tự quyết định nữa. Và cũng có thể tránh cảnh gia đình phải ra tòa để tòa quyết định hộ.

BS Nguyễn Thị Nhuận
Nguồn: viendongdaily.com

Về Đầu Trang
Dangthanhnien



Ngày tham gia: 08 Jun 2014
Số bài: 13

Bài gửiGửi: Fri May 13, 2016 7:53 pm    Tiêu đề: Đọc , thấy buồn buôn..

Bài viết về kiến thức và kỹ thuật pháp lý; nhưng đọc thấy buồn buồn . Chợt nhớ mấy dòng trên G+ của một người Ninh Thuận:

       "Lưỡi chát, miệng đắng không hồi phục...Dấu hiệu thôi tha thiết  cõi người.
Không uống mà say , đứng ngồi nghiêng ngã …! Tiếng chuông kêu gói ghém chuyện đời.

Mà chuyện đời, chuyện người … vô thủy vô chung, nên bắt đầu từ đâu?"

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tản Mạn Cuộc Sống Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân