TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - MIẾN ĐIỆN SAU CUỘC BẦU CỬ DÂN CHỦ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

MIẾN ĐIỆN SAU CUỘC BẦU CỬ DÂN CHỦ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7359

Bài gửiGửi: Sun Dec 06, 2015 1:02 pm    Tiêu đề: MIẾN ĐIỆN SAU CUỘC BẦU CỬ DÂN CHỦ


MIẾN ĐIỆN SAU CUỘC BẦU CỬ DÂN CHỦ

Bấm vào để xem hình lớn hơn

Miến Điện sau cuộc bầu cử dân chủ

Lý Anh

(Hà Hùng sưu tầm)

Xưa nay hiếm có cuộc bầu cử Quốc hội tại một quốc gia bình thường, nhỏ bé được coi trọng. Chỉ có cuộc bầu cử dân chủ ngày 08/11/2015 ở Miến Điện được nhiều người trên thế giới chú ý đến. Bà Aung San Suu Kyi, khôi nguyên Nobel Hòa Bình năm 1991, người từng cống hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh mang lại tự do, dân chủ, nhân quyền... được nhiều người ca ngợi là “NỮ THẦN DÂN CHỦ”, mới đưa được tầm mắt của cộng đồng quốc tế hướng về đất nước Chùa Vàng.

Kết quả bầu cử chính thức công bố tối 12/11 cho biết, trong cuộc bầu cử dân chủ diễn ra lần đầu tiên trong lịch sử Miến Điện, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy – NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo giành được 348 ghế trong Quốc hội, nhiều hơn mức tối thiểu để đạt được một đa số trong Quốc hội 664 ghế. NLD giành được quyền giới thiệu hai vị ra tranh chức tổng thống sau khi giành được hơn 50% số ghế tại Thượng và Hạ viện. Ứng viên còn lại sẽ do quân đội chỉ định theo hiến pháp. Tuy nhiên, bà không thể giữ chức Tổng thống Cộng hòa Miến Điện là người có quyền lực cao nhất. Lý do vì hiến pháp 2008 được viết ra có một điều khoản ám chỉ bà Suu Kyi, cấm công dân Miến Điện có người thân trong gia đình mang quốc tịch nước ngoài trở thành tổng thống, dù 75% số ghế trong quốc hội tán thành, vẫn không thay đổi được hiến pháp. Ngoài ra còn nhiều khó khăn trở ngại khác ảnh hưởng đến việc lãnh đạo đất nước của NLD nói chung, bà Aung San Suu Kyi nói riêng.

Nhiều người đặt câu hỏi: “NLD giành được quá nửa số ghế trong Quốc hội, nhưng... quân đội còn nhiều quyền lực, mâu thuẫn giữa các sắc dân và tôn giáo ở Miến Điện vô cùng căng thẳng, tương lai Miến Điện sẽ ra sao?”.

Thái độ của tướng lĩnh quân sự

Sau cuộc bầu cử ngày 08/11, các trạm kiểm phiếu làm việc chậm chạp. Mặc dù vậy, dân chúng bên ngoài vẫn tin rằng, thế nào NLD do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo cũng giành được thắng lợi, rủ nhau đến phía ngoài trụ sở NLD chúc mừng. Tuy nhiên bà Suu Kyi lại khuyên mọi người hãy ra về. Bà nói: “Bây giờ chưa phải là lúc chúc mừng chúng tôi giành được thắng lợi. Tiện đây, tôi xin nhắc nhở quý vị một điều, dù không giành được thắng lợi, cũng nên dũng cảm và bình tĩnh chấp nhận thất bại. Điều quan trọng là kẻ thắng cần khiêm tốn và khoan dung, không nên coi thường những ứng cử viên bị loại. Xin tóm tắt một câu là ‘thắng không kiêu ngạo, thua không nản lòng’”.

Sau khi biết rõ NLD giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử, bà Aung San Suu Kyi vẫn chưa cùng những người ủng hộ tổ chức ăn mừng. Ngày 10/11, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Channel News Asia, chuyên loan báo tin tức Châu Á – Thái Bình Dương, trụ sở ở Tân Gia Ba, bà Suu Kyi tiết lộ kế hoạch điều hành đất nước của mình: “Tôi sẽ là người ra các quyết định vì tôi là lãnh đạo NLD chiến thắng. Tổng thống bầu ra chỉ là người được chọn để theo quy định của hiến pháp. Vị Tổng thống được bầu phải hiểu rõ, ngưởi đó không có thẩm quyền và phải hành động phù hợp với lợi ích của NLD”. Bà Aung San Suu Kyi không được làm Tổng thống vì có hai con trai giữ quốc tịch Anh Quốc. Tuy vậy bà đã vẫn tuyên bố, không làm tổng thống, bà sẽ là người “trên tổng thống” (to be above the President).

Với dự định đóng vai trò lãnh đạo quan trọng trong chính phủ mới, ngày 11/11, bà viết thư gửi ba chính khách có địa vị cao nhất ở Miến Điện là: Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, đương kim Tổng thống Thein Sein và Chủ tịch Quốc hội Liên bang Miến Điện U Shwe Mann, đề nghị gặp nhau để thảo luận việc thành lập chính phủ mới. Trong thư gửi ngày 11/11, bà Suu Kyi viết: “Điều quan trọng nhất là chính phủ mới hoạt động vì niềm kiêu hãnh của đất nước và mong muốn hòa bình của nhân dân Miến Điện”.

Ngày 12/11/2015, tướng Min Aung Hlaing viết trên trang mạng xã hội: “Sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới do Liên minh Quốc gia vì Dân chủ vừa giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử tự do hôm 08/11 thành lập”. Ông ta nói sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi vào tháng 12/2015 thảo luận “không giới hạn” (no limits) việc chuyển giao quyền lực sau khi NLD giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 08/11.

Một ký giả tờ Washington Post hỏi ông có bằng lòng hợp tác với một phụ nữ từng bị ông giam cầm trong hơn 20 năm sau khi bà ấy đòi cải cách dân chủ không? Tướng Min Aung Hlaing nói “Tại sao không?”. Khi trả lời những câu hỏi liên quan đến việc cho phép bà Aung San Suu Kyi trở thành tổng thống để lãnh đạo đất nước theo nguyện vọng của người dân, Tướng Min Aung Hlaing nói cá nhân ông sẵn sàng, nhưng bổ sung thêm: “Tôi không thể quyết định một mình. Theo Chương 12 của hiến pháp, chỉ có Quốc hội mới có quyền thảo luận việc sửa đổi hiến pháp. Cá nhân tôi không thể làm chuyện đó”.

Được biết, trước cuộc bầu cử ngày 08/11, tướng Min Aung Hlaing từng từ chối nói chuyện với bà Aung San Suu Kyi. Lần này, ông không thế làm ngơ trước kết quả bầu cử do Hội đồng bầu cử khẳng định NLD đã giành được chiến thắng áp đảo, khiến ông phải tỏ ra “biết điều” hơn trước.

Thái độ của đương kim Tổng thống Thein Sein cũng là điều thuận lợi cho bà Aung San Suu Kyu lãnh đạo đất nước sau này. Ông được coi là một người khá ôn hòa, sau khi trở thành tổng thống đã thực hiện nhiều cuộc cải cách mạnh mẽ: Thả hàng ngàn tù nhân chính trị, bình thường hóa quan hệ với NLD, làm thân với phương Tây, cắt đứt một số quan hệ với Trung Quốc, điển hình là việc hủy bỏ dự án xây thủy điện Myitsone theo tiếng gọi của người dân và hàng loạt thay đổi mạnh mẽ khác. Ông cũng là người đầu năm 2014 lên tiếng về việc có thể thay đổi hiến pháp năm 2008, cho phép “bất cứ công dân nào” cũng có thể trở thành tổng thống. Ngày 12/11, chính phủ Miến Điện cho biết, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gọi điện thoại khen ngợi Tổng thống Thein Sein đã tạo điều kiện để cuộc bầu cử tự do diễn ra tốt đẹp.

Những khó khăn, trở ngại

Theo hiến pháp Miến Điện, Thượng và Hạ nghị viện có 664 ghế, Chánh phó Tổng thống Miến Điện do Thượng viện, Hạ viện và 25% nghị viện quân đội cử ra 3 người, sau đó toàn thể nghị viện trong Quốc hội bỏ phiếu bầu. Một trong ba người trên vị nào được nhiều phiếu nhất trở thành Tổng thống, hai vị còn lại sẽ là phó Tổng thống.

Kết quả bầu cử ngày 08/11, NLD giành được 348 ghế, có thể một mình thành lập chính phủ mới, bà Aung San Suu Kyi phải là người giữ chức tổng thống, tuy nhiên, năm 2008, giới cầm quyền quân sự khống chế Quốc hội, bỗng nhiên sửa đổi hiến pháp, thêm vào hai điều khoản nhằm vào bà Suu Kyi: Một là cấm người có thân thuộc quốc tịch nước ngoài không được làm tổng thống. Như vậy bà Suu Kyi có hai người con mang quốc tịch Anh Quốc, bị tước bỏ quyền làm tổng thống nếu NLD giành được thắng lợi trong bầu cử như năm 1990. Hai là bảo đảm cho tướng lĩnh quân đội nhiều quyền hành rộng rãi, giới quân nhân giành 25% số ghế trong quốc hội không qua bầu cử, sau này muốn sửa đổi hiến pháp phải có ba phần tư nghị viên đồng ý mới có hiệu lực. Ba bộ cực kỳ quan trọng đối với sự ổn định của nền chính trị Miến Điện là Nội vụ, Quốc phòng và Biên giới đều do quân đội quân đội quản lý.

Các tướng lĩnh trong quân đội cũng là những kẻ nắm hết huyết mạch kinh tế của Miến Điện. Họ có mỏ vàng, mỏ cẩm thạch, xưởng chế tạo bia rượu, nhiều ngành nghề quan trọng khác cũng không thuộc chính phủ quản lý. Bộ trưởng những bộ quan trọng như Quốc phòng, Nội chính, Biên giới đều do Tổng tư lệnh quân đội bổ nhiệm. Quân cảnh cũng phải chịu sự chỉ huy của tướng lĩnh quân đội.

Quyền lực chính trị và kinh tế hùng hậu như thế, nhưng không được người dân tín nhiệm, lại chịu áp lực của phương Tây, quân đội phải rút vào hậu trường, tạm thời làm kẻ “quan sát”, nếu động chạm đến quyền lợi của quân đội, họ trở mặt là chuyện dễ như trở bàn tay. Đặc biệt, bà Aung San Suu Kyi trở thành người “trên Tổng thống”, nếu quân đội không chấp nhận cũng là một trong những trở ngại lớn. Một quan chức cao cấp trong NLD từng nói: “Ai làm Tổng thống cũng phải được quân đội chấp nhận”. Một nhà ngoại giao từng làm việc ở Miến Điện đã nhận xét: “Quyền lực của quân đội to hơn Tổng thống”.

Bà Aung San Suu Kyi từng bị quân đội giam lỏng trong thời gian 15 năm, năm 2005 mới được trả tự do. Nghĩ đến việc xây dựng một nước Miến Điện tự do và dân chủ, bà từ bỏ hận thù cá nhân, luôn luôn thực hiện sách lược mềm dẻo, tìm cách đối thoại với giới quân nhân. Bà thường xuyên có những phát ngôn tôn trọng quân đội và ngỏ ý không muốn trả thủ chế độ độc tài quân sự. Chiến lược này của bà đã thành công. Aung San Suu Ky đã có được lòng tin của các tướng lĩnh và họ chấp nhận chia sẻ quyền lực với NLD. Bởi vậy, nhiều người cho rằng, sau khi NLD lên cầm quyền, dưới sự lãnh đạo tài tình của ba Aung San Suu Kyi, đất nước Miến Điện sẽ đổi thay, người dân được tự do và dân chủ, thoát khỏi cuộc sống nghèo nàn. Tuy nhiên, với tình hình Miến Điện hiện nay, NLD và bà Aung San Suu Kyi không thể không hợp tác với quân đội. Sau này thực sự muốn thay đổi, chính phủ của bà Aung San Suu Kyi sẽ phải giải nhiều bài toán khó, nhất là cải thiện nền kinh tế và thúc đẩy nhân quyền. Bởi vậy, sau khi hết “tuần trăng mật” với quân đội, quyền lợi của các tướng lĩnh quân sự sẽ là... “quả bom nổ chậm” đối với bà Aung San Suu Kyi và NLD.

Miến Điện là quốc gia có nhiều dân tộc, trong nước có những tổ chức chống chính phủ. Mâu thuẫn giữa các người theo Phật giáo và Hồi giáo vô cùng gay gắt. Đặc biệt là vấn đề người Rohingya theo đạo Hồi với nửa triệu người đủ tư cách đi bầu cử, nhưng không được công nhận là công dân để đi bỏ phiếu. Đó chính là thách thức lớn nhất về nhân quyền hiện nay. Bà Aung San Suu Kyi là người khéo léo biết đoàn kết những người xung quanh, kể cả kẻ từng giam cầm mình là tướng lĩnh quân đội, bây giờ trở thành người lãnh đạo đất nước, bà có thể đoàn kết các sắc dân và hòa giải những mâu thuẫn giữa Phật giáo và Hồi giáo hay không là điều người dân trong nước và cộng đồng quốc tế đang chờ xem. Nếu không thể đoàn kết các sắc dân, hòa giải giữa hai tôn giáo, con đường dân chủ của Miến Điện còn nhiều gian truân!

Lý Anh


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân