TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Nhớ Bạn Tri Âm
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Nhớ Bạn Tri Âm

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Quán Nhỏ Sau Trường
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Lâm Huê



Ngày tham gia: 14 May 2009
Số bài: 53

Bài gửiGửi: Sun Apr 07, 2019 10:27 pm    Tiêu đề: Nhớ Bạn Tri Âm



15 năm ấy.

1.

Ước mơ nhà lầu xe hơi cuộc đời thượng lưu quý tộc thì ngoài tầm tay, chớ cứ lèn xèn hai quả tim vàng một túp lều tranh một lu nước lạnh nào có khó gì! Nói vậy chớ với tính cách xã hội lễ nghi còn sót lại, để hai quả tim vàng tui và Chút nhỏ về chui chung trong túp lều tranh cũng là nhờ ơn cha mẹ hai bên.

“Dù cho lá thắm chỉ hồng

Nên duyên thì cũng tuỳ lòng mẹ cha”.

Cha mẹ hai bên thương nên lo tác hợp cho hai đứa, nhưng cơ quan bệnh xá chỗ Chút nhỏ làm thì thù hằn ra mặt! Nói cả cơ quan thì cũng tội, cũng người tốt kẻ xấu chớ! Có bác sĩ Cự ngoài Bắc vào giữ chức trưởng bệnh xá nhưng không có đảng, nghe nói ông thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản thành thị nên chuyên môn thì nhà nước xài còn tin tưởng thì miễn bàn. Có chú Để y tá quân y viện thời trước lưu dụng,... là những người hiền lành có học.

“Người hiền lành có học hay có học nên hiền”.

Bệnh xá còn có Mr. Luý nữa. Kệ, mình gọi Mr. cho xứng với quyền uy của Luý. Người làng Xung Phong, Chiến Đấu gì đó, nhà nghèo, học tới lớp 5, một đêm “tổ chức” về làng dụ dỗ, Luý ta chạy theo lên núi, đầu óc không đến đỗi nào, tổ chức cho học y tá, rồi y sĩ tiếp theo.

Mr. Luý trồng cây si nặng cô nàng Chút nhỏ của tui, cả bệnh xá ai cũng biết. Chỉ có Chút nhỏ của tui tuổi trẻ vô tư là không biết, cứ là vô tư nhận những tô mì bốc khói thơm lừng trong những đêm trực bệnh do Mr. nấu mời. Vô tư nghĩ tình đồng nghiệp mời nhau. Nên cũng an nhiên mà để dành phần mì gói bồi dưỡng trực của mình chờ chuyến tới theo má chàng đi thăm nuôi.

Rồi si thành sị! Mr. từ mê chuyển hoá thành thù khi hay tin chàng của Chút nhỏ, là tui, không chết trở về!

Một đêm nhà bếp luộc bắp đầu mùa tổ thanh niên tăng gia thu hoạch, cả bệnh xá quây quần, chợt ai đó nhắc để phần cho Chút nhỏ đang trực bệnh. Chỉ vậy thôi mà Mr. Luý xửng cồ cự nự:

- Không có để dành cho ai hết! Có mặt thì ăn, không thôi!

Bác sĩ Cự thì lúc nào cũng nhỏ nhẻ ôn tồn:

- Trước sao sau vậy, thay đổi làm chi.

Vậy đó. Tháng 11, tháng của mùa đông, nhưng cứ văn chương thời thượng, “hạ đỏ có chàng đến hỏi”, Chút nhỏ xin phép, Mr. ấy không cho. Đám hỏi không có Chút nhỏ sau rèm bước ra, ông ba vợ thương tình: Con tui tui biết! Để tui thay mặt con gái tui nhận lời cầu hôn của nhà trai.

Tháng 12, mùa đông, mùa cưới. Thời buổi cơm sắn bo bo nên kiếm được chiếc xe “đại hao su” nho nhỏ đón dâu là quý. Đàng trai gọn nhẹ sáu người, ba tui, cô Út thay má tui đang bệnh, ông bà mai, dượng Trúc chụp hình và tui chú rể.

Chút nhỏ xin phép tiếp và Mr. Luý, ta là tổ chức, tổ chức là ta, cấm phép tiếp!

Nhưng đâu được nà! Đời người con gái chỉ một lần lên xe bông, quan trọng lắm! Không cho phép thì gan thử một lần, em xin trốn!

Tuần sau trở lại Bệnh xá là mười ngày kiểm điểm. Viết hoài viết hủy đến rã cả cánh tay mà Mr. ta chưa chịu, chưa thành khẩn ăn năn!

“Trời đất thiệt tình ngó xuống mà coi, tui chưa chồng, chàng chưa vợ, hai tui yêu nhau có cha mẹ thương tình cho cưới nhau, thì lấy nhau, hà cớ gì mà hối hận với ăn năn!

“Mười bữa nay nhịn ông đã nhiều, viết bao nhiêu là giấy mực, mà ông đọc vẫn không thông, có khi nào ông nhớ lại, mình mới lớp năm trường làng?

“Thôi thì cũng đành giã từ Bệnh xá! Giã biệt núi rừng Khánh Vĩnh từ đây!”

Chút nhỏ của tui gan thêm lần nữa, lần này là gan tới bến! Bỏ Bệnh xá để về với chàng tui, với túp lều tranh và lu nước lạnh.

Lúc rời Bệnh xá, chú Để Y tá lưu dụng len lén đến bên Chút nhỏ vỗ về:

- Cháu ráng lên nghe! Hai đứa mới bắt đầu cuộc sống, khó khăn nhiều, canh cho kỹ đó nghe!

Chút nhỏ nhanh nhẩu:

- Tụi cháu canh kỹ lắm mà, không sao đâu chú!

Chú Để cười:

- Ừ. Canh kỹ chớ có Canh Thân!


2.

Trẻ người non dạ nói năng bộp chộp chớ canh kỹ cái khỉ mốc gì. Mà cũng tại thằng Hà là đứa bạn thân em kế tui đi ăn cưới ông anh mang tặng quà giả mạo. Ngày đó cả nước vật lộn với bo bo, khoai sắn, nên quơ quào món gì coi được được gói chút giấy hoa là thành quà cưới. Hà đang làm đoàn thanh niên phường, nó ghé tạt vào phòng cán sự phụ nữ kế hoạch hoá gia đình, chị ơi chị, cho em xin một hộp cao su bong bóng đi!

- Chi vậy? Mày chưa có vợ mà, lấy chi thứ này, thằng quỷ sứ?

- Dạ, em không xin cho em. Em muốn làm quà tặng ông anh.

À, cái loại bong bóng này thì tui biết. Khoảng đâu năm 66, 67, khi đó tui được 13, 14 tuổi, cái thời mà cứ thứ bảy, chủ nhật cuối tuần là có lính Mỹ từ phi trường Tháp Chàm đổ xuống phố đầy đường, và những cao su bong bóng cũng vứt đầy, bọn nhỏ tụi tui thường lượm về thổi chơi làm bong bóng. Gặp người lớn nghiêm mặt phán, đồ người ta liệng dưới đường, đất cát dơ dáy, đem ngậm vô miệng có mà mang bệnh! Thì áp dụng vệ sinh khoa học đem đi rửa, đổ nước vào, một ca,hai ca, rồi đến cả gàu, bóng tròn to bằng quả banh lớn, nhưng là bóng nước dập dềnh, đá bềnh bồng nhưng không bể, chắc nuội!

Tưởng bóng nào cũng như bóng nào, luôn luôn chắc nuội, nên rất yên tâm, gọi là canh kỹ.

Cho đến một hôm Chút nhỏ nắm lấy bàn tay tui đặt lên bụng nàng xoa xoa, anh thấy gì không hở, nó tròn tròn. Có con gái Quỳnh Như trong bụng rồi hở em? Đúng là người canh không bằng trời tính. Bắt Canh Thân phải dự phần Canh Thân! Cũng chỉ là ước mơ cho đời con không khổ. Nhưng không sao, trời sanh voi sanh cỏ, cha mẹ hết lòng lo toan thì con có đến đỗi nào?

Rồi tui lấy những báu vật bong bóng ra chế nước như ngày xưa còn bé hay chơi. Một ca, hai ca, ca thứ ba bóng mới vừa bằng trái bưởi thì bóng vỡ tan nước đổ ào. À thì ra thế! Coi cái hộp, tìm mải mới ra: Ma dê in Tàu!

Không sao, nhờ vậy mới có tin vui báo má.

Dắt Chút nhỏ đến bên giường má, tui cầm tay má đặt lên bụng Chút nhỏ. Không nói gì vậy mà má hiểu, má nén cái đau nhức thường xuyên cắn xé trong đầu má để nở nụ cười. Má tui mãn nguyện vì ít ra má cũng cảm nhận được cái mầm sống nhỏ nhoi là cháu nội của má đang tượng hình. Má tui nằm liệt giường cả tháng nay. Ung thư đã mổ rồi nay nó di căn. Bệnh viện Sài gòn đã cho má về nhà nằm nghỉ. Giờ hàng ngày là những viên thuốc giảm đau và làm vệ sinh vết loét sau lưng má. Những con gì thường cắn làm má ôm đầu rên xiết, con ơi, chạy lên bàn thờ thắp nhang cho bà ngoại cứu má đi con.

Tui thắp nhang và nhìn di ảnh, ngoại ơi, có phép mầu cho ngoại bước ra.

Sau những lần như vậy, má có vẻ dịu cơn đau, má ngủ thiếp đi dăm phút.


3.

Con so nhà mạ, con rạ nhà chồng.

Thì dự định đến tháng thứ tám tui sẽ đưa nàng về lại quê hương biển xanh cát trắng nhờ cậy má vợ tui lo toan chuyện sinh nở. Vậy mà cũng có được đâu! Ông trời tính khác. Đến tháng thứ bảy của nàng, đang khỏe mạnh ngon lành vậy chớ, Chút nhỏ vẫn thường chỉ cho tui xem cái bụng, đó đó, thấy chưa, bàn chân con chòi ra đó, nó đạp! Thì núi rừng Khánh Vĩnh lâu nay vắng biệt bóng nàng, hôm nay nhớ quá nàng công chúa Bạch Tuyết của Bệnh xá ngày nào, nó xồng xộc tìm thăm, mang theo quà muôn thuở của núi rừng, sốt rét!

Tưởng rời xa núi rừng là tiệt nọc sốt rét rừng. Là quên đi không còn những ngày thời con gái có những lúc lên làm chủ tịch! Là sao? Là những ngày không phải xuống phòng thăm bệnh, quấn mềm rên hừ hự nghỉ ngơi tại phòng mình, có y tá đồng nghiệp trực chạy tới chạy lui lo cặp nhiệt với thuốc men, nằm tại giường có cơm dâng nước rót, không phải làm chủ tịch sao?

Chút nhỏ lên cơn sốt. Cứ chiều là nóng rồi lạnh run cầm cập, quấn mấy mềm không đủ. Tui chỉ biết ngồi bên giữ chặt tay nàng cho bớt cơn có giật. Lạy trời cho cơn sốt mau qua chớ dám thuốc men gì, ký ninh, cloroquin kỵ thai mà!

Đến ngày thứ ba, Chút nhỏ nghe con đạp dữ. Chắc phải đi khám xem sao anh à! Cũng hên có Bảo sanh Hồng Lan gần nhà đi ba bước tới. Cô mụ khám phán liền:

- Sanh trong ngày! Nhà gần đây cứ về khi nào đau hung chạy xuống!

Trời đất! Sao lẹ vậy? Lỡ hôm nay không đi khám thì ra sao nhỉ? Tui lớ ngớ. Chút nhỏ cũng lớ ngớ ra. Lúc này các cô em gái của tui, mới 12, 13 tuổi chớ mấy, tỏ ra thành thạo mọi điều:

- Chị về Nha Trang không kịp rồi. Thôi giờ chị lo gội đầu đi. Hồi trước má thường làm vậy.

Trở lại nhà bảo sanh, cô mụ cho Chút nhỏ lên bàn. Cô bấm ối. Nước ối bắn tung toé, cô la ơi ới và tiếng trẻ khóc o oe. Chút nhỏ không cần rặn, không vật vã rên la. Chỉ có tiếng cô mụ thảng thốt la:

- Nóng như nước sôi, trẻ nào chịu nỗi?

Vậy mà con gái tui đã chịu nổi đến ba ngày đêm mẹ sốt! Chỉ chực hờ có cô mụ bấm ối cho là như tên bắn vọt khỏi bụng mẹ đón mừng đời!

Thủ tục chuyển bệnh cấp kỳ. Cầm tờ giấy ghi “Sản phụ sốt rét. Sơ sinh 7 tháng” gia đình mới của tui ba người cùng leo lên một chiếc xích lô trùm bạt trực chỉ Bệnh viện tỉnh nửa cây số tới. Tui bồng con gái tui nhỏ xíu nhẹ hều, có 2 kí lô chớ mấy, được quấn trong chiếc khăn lông, đôi mắt ráo hoảnh nhìn cha. Ôi, cái đầu lớn ngang quả cam.

Hên! Con gái tui hên! Năm 1980 mới sau 1975 “giải phóng” có năm năm nên lồng ấp “đế quốc Mỹ” để lại chưa hư. Nghe đâu đó năm sau lồng ấp hư chổng gộng mà ngân sách trên chưa duyệt để đi mua cái mới.

Hên! Con gái tui hên! Năm 80 còn bao cấp nên nhập viện không tiền. Và lòng người còn nhiều miền Nam tính, nên các cô y tá chưa biết đòi những “thủ tục đầu tiên”!

Được lồng ấp 15 ngày, con gái tui giờ khỏe mạnh lắm rồi. Những liều thuốc trị sốt rét cũng ít nhiều hiệu quả, Chút nhỏ tui cũng gọi là có sữa nhiều hơn chút cho con gái no hơn. Về nhà được rồi đấy, cô y tá hỏi đặt tên con gái là gì để cô ghi vào giấy chứng sinh trước khi xuất viện.

Hỏi Chút nhỏ:

- Tên con gái đã đặt rồi, từ thuở người Phạm Thái còn lang thang trong các núi rừng “cải tạo”?

Thôi đừng Trương Quỳnh Như nữa, cha ơi! Mẹ sợ tên vận vào người sẽ khổ đời con.

- Ừ, cũng phải. Phạm Thái thất chí nên chỉ biết uống rượu tiêu sầu! Thời buổi này lại toàn rượu mía, rượu bắp, với rượu bo bo, lại còn chấm thêm thuốc rầy Mytox, có mà xơ gan cổ chướng, chắc chắn đời tan Phạm Thái Hùng!

Chợt trong đầu loé lên sĩ khí, vang vang trong đầu bài Hịch Alpha: “Bạn có quyền đối mặt với mọi người, với một tâm hồn dõng dạc,... như một phượng hoàng con dám ngạo nghễ mở mắt nhìn ánh mặt trời”. Hịch này của Trường Sơn Dã Mã, giờ niên trưởng nơi đâu?

- Phượng Hoàng! Có tên cho con rồi em ơi. Như con nhà võ tướng! Như hiệp sĩ thời xưa! Trương Phượng Hoàng!

Năm Phượng Hoàng lên ba, một buổi dì Kiều của cháu dẫn cháu đi chơi, dì hỏi han:

- Cháu đi mẫu giáo chưa?

- Dạ chưa.

- Ở nhà cha có dạy cho cháu học gì chưa?

- Dạ có.

- Cháu đã học được gì nào?

- Dạ: Dũng cảm! Kiêu hùng! Cô độc! Lừng lẫy! Lạnh lùng!

Dì Kiều trố mắt nhìn cô cháu lên ba như mới ở trên trời rơi xuống.

Cũng gần đúng thôi, cháu đã có ba ngày đêm trui rèn trong một hỏa diệm sơn!


4.

- Chú mang cây “dên” này ra thằng Quý thợ tiện kêu nó “ép” gấp lấy liền. Khách cần xong xe chiều nay đó chú!

- Lỡ nó hẹn thì sao? Tui hỏi lại Kính, vừa là sư phụ vừa là cháu của tui.

- Thì chú khéo léo năn nỉ nó!

Từ ngày xách cái Lệnh Tha ra khỏi trại về nhà tui sắm cho mình cái nghề sửa xe đạp. Hợp tác làm ăn với Kính, bạn học cùng lớp năm xưa, lại có dây mơ rễ má bà con, tui vai chú lớn.

Lý lịch nháp sơ của Kính: Tổng động viên 1968 Kính đi chuyên viên Không quân, được đi du học Mỹ hai năm về làm lính thợ, chuyên sửa các máy bay bà già L19, trực thăng, khu trục, A37,... ở phi trường Thành Sơn, Tháp Chàm. 1975 xong cuộc, bộ đội vào tiếp quản không rành máy bay Mỹ nên mời Kính ở lại làm thầy. Khi trò đã giỏi rồi thì thầy hoá thành dư, thôi thì cũng ơn sư phụ, trò cấp cho thầy cái bằng khen mang về lộng kính treo tường cho xôm tụ với thời đại mới. Thời buổi khó khăn, nhà nhà đi kinh tế mới hà rầm, Kính tự an ủi, dù sao mình cũng được hai năm ngồi mát ăn bát cơm không độn. Thích ứng với hoàn cảnh mới, sửa máy bay ra sửa Honda, cùng loại máy nổ bốn thời, hút ép nổ xả! Thứ bay trên trời còn sửa được, đôi khi còn “độ”, thì nhằm nhò gì mấy cái xe Nhật bổn Honda, Suzuki,... này chỉ chạy vòng vòng dưới đất!

Cái động từ “độ” này rất ư thịnh hành phổ biến nói ra ai cũng biết vào thời bấy giờ, là việc làm đem râu ông nọ cắm cằm bà kia, phụ tùng khan hiếm mà, miễn chạy là được.

Phần tui, năm 1972 mùa hè đỏ lửa tổng động viên lần nữa, hết học được ngoài trường dân tui nhào vào trường lính, lại trường dạy nói mới sang, ĐHCTCTĐL có viết tắt ai cũng đọc ra. Đứt phim, đi tù nhưng văn chương chữ nghĩa cho đời bớt tủi gọi là đi học tập.

Học một năm là tốt nghiệp trung cấp, hai năm là cao đẳng, bốn năm là đại học. Cũng có trường cao học, tiến sĩ, sáu năm, tám năm hay hơn hơn nữa, chắc do phải làm luận án nên cần nhiều thời gian để viết. Có thằng bạn, chắc là xuất sắc, như ngày xưa học trò giỏi đậu hai cái tú tài hạng ưu hay bình được học bổng đi du học Sorbonne, Oxford, Harvard, là các trường lừng danh thế giới, nó đi đại học Cổng Trời, học hơn mười năm mới lãnh được văn bằng. Trường này khó lắm, ngàn người vào học có mấy người ra!

Tui lèn xèn thôi vậy mà cũng lấy được cử nhân, hè hè, cũng bốn năm rưỡi hơn chớ bộ! Lý giải, một viên đạn bắn chết một quân thù, còn một lời nói xét ra lấy đi bốn mạng, gấp bốn lần. Nên đừng có phân bì sao hai trường có chung hàng rào nằm sát bên nhau mà người đi trung cấp kẻ le lói đại học hay học đại!

Cầm tấm bằng vinh quy bái tổ, tui đang lơ ngớ kiếm việc làm thì gặp lại Kính, bạn học xưa kiêm luôn thằng cháu cũ. Thăm hỏi nhau mới vỡ lẽ cần nhau. Kính đang ngắm nghía nhà ba má tui có mặt tiền trước phố mở tiệm sửa xe rất tiện.

Hợp đồng tác chiến! Kính ôm Honda tui lo xe đạp kiêm việc chạy hàng phụ tùng kiếm hoa hồng.

Hôm nay gặp ông khách ở huyện xa lên phố, than phiền chiếc 67 của ông hết “bốc” cần chẩn khám. Bác sĩ xe Văn Kính mổ xe rã máy tức thì, tìm ra bệnh “dên rơ, phải ép”.

Kính đưa cây dên kêu tui đem ra thợ tiện là do vậy, nhiệm vụ, quyền lợi của tui, chạy hàng kiếm hoa hồng, là tránh nói từ “ăn lời” nghe sao phàm tục quá.

Lần đầu đi ép dên, gặp Quý thợ tiện kêu đưa trăm rưỡi, để cây dên rơ lại đó, lấy cây dên cùng loại đã ép sẵn đem về cho khách, là xong.

- Đâu được! Là đổi đồ của khách sao? Tui hỏi.

Quý cười:

- Không chịu đổi thì mai lấy, tối nay tui ép gấp cho, giờ bận lắm.

Đành mang cây dên cũ về hỏi Kính. Kính chê ngay, chú sao dở ẹc, mua cho nó vài điếu Samit là xong ngay, thôi chú để tui đi, bảo đảm! Ông khách phụ họa theo:

Chú đệ tử này sao quá thiệt thà! Cái thời buổi Samit là đầu câu chuyện mà không biết gì ráo trọi.

Rồi Kính đi cả tiếng đồng hồ sau và mang về cây dên thành phẩm thiệt. Với vài điếu thuốc mời ông khách và tui. Đến chiều thì xe khách cũng xong. Chạy thử xe bốc ngon rồi. Tính tiền, Kính ghi, công rã,ráp máy 100, ép sên 250. Tổng cộng 350. Ông khách khen Kính lanh lợi, “boa” cho 20 nữa!

Giá cả vá xe đạp lúc bấy giờ hai đồng một lỗ, vá ép Honda năm đồng, rút căm niền xe hai chục đồng mua được hai ký gạo.

Khách đi rồi Kính móc túi đưa cho tôi tờ 50, vừa cười nói:

- Tui tặng chú huê hồng. Cây dên hồi trưa thằng Quý nó đưa chú không chịu lấy, thì tui ra lấy thôi. Bữa nay hơi mệt tui chạy về nhà làm một giấc cho khỏe nên đi lâu. Mà đi về nhanh, khách đâm nghi ngờ.

Hà hà!! Tốt nghiệp đại học gì đâu mà khờ khạo quá! Đúng y, thiệt thà là cha đứa dại. Mà có lẽ, đến già đầu tui vẫn mãi là cha đứa dại.

Sống với nghề cũng được năm bảy tháng thì đến mùa đông xe ế. Tâm lý chung, trời mưa gió lụt lội hơi sức đâu lo xe, chờ cuối năm cận Tết sửa luôn một lần cho mới.

Kính kinh nghiệm có thừa, biết hết thời tiết nắng mưa, thị trường đắc ế, nên trốn biệt ở nhà, không thèm ra tiệm, để mặc mình tui bắt chiếc ghế xẹp ngồi ngó mông lung ra đường ngóng khách.

Ngồi ngắm phố ngáp ruồi hoài, chắc tui phải kiếm đường binh khác quá!


5.

Tui, Chút nhỏ và con gái một tuổi vậy là đã lên trú ngụ rẫy Gò Mô này được nửa năm. Nhờ cái gác gỗ mái tole của ba tui đã dựng trước đó làm chỗ nghỉ trưa nên cũng đỡ khổ cho vợ chồng tui, khỏi dựng túp lều tranh.

Nhà tui có 5 sào đất rẫy này, là đất của ông Hai Lý, Lý là chức Lý trưởng đời xưa, ông Hai là em rể của bà nội tui, ngày xưa ông giàu lắm, có đất có nhà chỗ này chỗ khác, riêng tại xóm Gò Mô này ông Hai có hai mẫu rưỡi.

Bà con biết rồi, trước 75 Miền Nam có ông Tổng Thống Thiệu quê quán gió cát Phan Rang. Một lần về thăm ông nhận ra quê nhà ông nông dân còn nghèo quá, ông Tổng Thống mới hỏi ông Tỉnh Trưởng rằng thì là Trung Tâm Nghiên Cứu Nông Nghiệp Nha Hố thuộc tỉnh mình có tìm tòi ra cây trồng nào thích hợp khí hậu thổ nhưỡng đất Phan rang mình chưa?

Nhờ vậy mới biết các giống mía đường 310, F146,... mới có nhà máy Đường Tháp Chàm, và rộ lên phong trào trồng mía đường khắp tỉnh.

Ba tui làm thầy giáo, lên lớp một buổi, còn dư một buổi và còn ham làm giàu nên hưởng ứng phong trào. Vốn đầu tư thì ông ghé Ngân hàng, đất đai nhà tui không có thì ba tui ghé bà Hai Lý, nói chuyện với dì thân mật để dì chuyển đạt lên ông dượng. Nhờ vậy ba tui thuê được hai mẫu rưỡi đất ở Gò Mô này trồng mía.

Mía đường phải đúng năm mới có chữ đường cao, mới có tiền nhiều. Một năm lao động của ba tui và các em trai kế tui được đền bù xứng đáng, trả nợ ngân hàng xong nhà tui có cái TV 20 inch. Như mà năm 75 chậm đến thì mùa mía thứ hai chắc là má tui yêu cầu ba na tủ lạnh về nhà. Phan rang xứ nóng như rang mà! Có đá cục bào làm si-rô đá bào cho mấy nhóc tì và la-ve trái thơm ướp lạnh cho ba ăn cơm ngon miệng.

Các em trai tui ngoài giờ học còn phụ giúp việc nương rẫy, chủ yếu là lo quản lý hai cái máy dầu bơm nước thay phiên nhau chạy hết công suất, gọi là phụng sự gia đình. Còn tui, đi lính, gọi là phục vụ quốc gia, nên cũng được ba tui chiếu cố trong lần ông ghé quân trường thăm tui.

- Con có muốn mua sắm gì không, ba cho?

Mở cờ trong bụng, đang sinh viên năm thứ hai, năm chót, thèm bộ vest dân sự chi đâu! Tính toán, bộ vest, hai áo sơ mi thay đổi, cà ra quách, nút măng séc, tiền vải, tiền công, chắc tròm trèm bốn chục ngàn. Thêm đôi giày da nâu nâu có cổ mười ngàn, đưa hai cái phẹt-mơ-tia Mỹ gỡ ra từ áo phiu-dắt-kết bớt được một ngàn. Thôi kệ, tính cho tròn:

- Ba má cho con xin năm chục may bộ vest.

Hình như đôi mắt ba tui xoe tròn kinh ngạc. Xin chi xin dữ! Nhưng đã nói với thằng con dịch dật này rồi, bốn con ngựa rượt theo không kịp.

Tui nhớ, cuối năm 1974, tui đang ăn theo lon Trung sĩ, mười tám ngàn, dù không còn trừ tiền áo quần Jasper, Worsted, nhẫn cổ truyền, như năm thứ nhất, giờ chỉ còn trừ tiền ăn, được lãnh sáu, bảy ngàn là nhiều.

Xin đến những năm chục là chơi bạo. Nên đêm di tản buồn, lội bộ đến Cầu Đất rồi mà xe GMC trường chưa thấy tăm hơi quay lại đón, áo đẫm mồ hôi dù đêm Đà lạt lạnh. Bước chân nặng trịch. Hành trang từ từ liệng. Sắc-ma-ren, túi gạo.

Chỉ còn súng,đạn,nón sắt và bi đông nước.

Và ba lô với bộ vest dân sự tui mới dạo phố được hai lần, tui phải mang về ra mắt ba má và các em của tui xem nữa chớ, anh Hai diện vest đẹp nhất nhà.

Ha ha, ngày cưới, chú rể tui không phải lo đi may hay mượn áo, mà rất văn minh thời thượng, rất xứng đôi bên cô dâu công chúa Bạch Tuyết Chút nhỏ của tui.

Cái tật cà kê dê ngỗng!

Trở lại mùa mía thứ hai của ba tui, ôi chao, sắp ăn tới miệng thì đại nạn 75 ập tới. Ông Hai Lý sợ thân phận mình giống như các địa chủ miền Bắc năm 54, 55. Nghe nói có mỗi một mẫu, mà mẫu Bắc bộ có ba ngàn sáu trăm mét vuông, đã bị quy địa chủ bị quý ông nông dân đấu tố, bị đem chôn sống ló đầu cho bò bừa qua bừa lại. Còn ông, đất tới hai mẫu rưỡi Tây, là hai hecta rưỡi, là hai vạn năm ngàn mét vuông. Nội cái rưỡi của ông, bò đã bừa qua bừa lại cái đầu ông, cái đầu bà. Thêm hai hecta nữa, tội nặng hơn, chắc quý ông nông dân lại moi thây ông bà lên quăng vào vạc dầu sôi!

Nên ông Hai kêu ba tui, bảo thôi để đất đó dì dượng đem đi hiến nhà nước cho yên.

Thời thế đổi thay, chắc gì yên ở phố, nên ba tui ra sức thuyết phục ông Hai:

- Tụi nó chưa nói gì mà dượng. Dượng cũng nên để lại phần cho dì dượng dưỡng già chớ? Với lại nhín chút đỉnh cho con có đất làm ăn nuôi bầy con.

Ba tui than thở, thêm bà Hai nặng tình dì cháu chêm vào, ông Hai xiêu lòng, quyết định đem một mẫu đi giao. Năm sào ông bà dưỡng già. Năm sào cho cháu bên ông. Năm sào cho cháu bên bà, là ba tui. Ông bà giàu vậy mà không có mụn con nào, nên đã chọn cháu bên ông làm con nuôi, cho mai sau có người cúng giỗ.


6.

Hết những ngày tui ngồi trước nhà ngáp ruồi nhìn ông đi qua bà đi lại!

Hết những sáng Chút nhỏ đi vào chợ Dinh ngồi ké sạp đường đậu của cô Tư tui buôn trà. Buôn hàng sáo ấy mà. Nghĩa là bạn hàng Di Linh, Bảo Lộc đem một, hai ký trà xuống thì mua rồi bán lẻ lại cho khách đi chợ, bữa có bữa không.

Giờ đất này, hai sào rưỡi ba chia cho vợ chồng tui ra riêng làm ăn, là tha hồ cuốc tới cuốc lui.

He he! “Hạ quyết tâm” sống chết đất này, nên dù địa danh nơi đây đã có, xóm Gò Mô, tui đặt thêm tên Đất Hứa. Nhìn quanh trời đất mênh mông chỉ có mỗi khung gác gỗ nhà tui cô độc, xa xa có năm, bảy cái mộ lẻ loi, cũng nhợn. Gặp lúc con chó Ki nhà ba tui đẻ, tui bắt một con cho đêm hôm có tiếng tăm chó sủa, cho an toàn xa lộ!

Đất tui, Đất Hứa, tui gọi con cún tên Ru, là tắt của tên Jerusalem! Tui hiểu đơn sơ là đất hứa của người Do Thái.

Lên kế hoạch lấy ngắn nuôi dài, trồng rau ăn trước, rồi bầu, bí, khổ qua.

Đi chợ sắm cái gàu dai, tui với Chút nhỏ mỗi người trấn giữ một bờ mương, hai tay nắm giữ hai đầu sợi dây dừa buộc vào cái gàu thiếc hốt nước dưới mương quăng lên sòng nước. Năm bảy cái đầu quăng nước đâu đâu, tung toé giữa trời. Tập riết cũng quen. Cô y tá dạo nào chích thuốc cho bà con dân tộc, nay về đồng bằng, chai sê-rum là gàu, cũng gọi là chuyền nước bổ cho cây.

Con gái giờ đã biết bò, tấn gối chắn mền cho chơi một mình trên gác, con la é é thì cha mẹ chạy vào, rẫy với nhà liền nhau cũng tiện.

Rồi cũng thấy trái bầu, trái bí, nằm lềnh trên đất. Là Chút nhỏ tui có đồ đi bán chợ. Làm hai giỏ cần xé nhỏ móc sau bọt-ba-ga xe đạp là đạp xuống chợ Dinh cách năm cây số. Dốc lên cầu Đạo Long hơi cao nhưng sáng sớm thường trời chưa nổi gió, cũng đỡ gồng cho cặp giò Chút nhỏ của tui..

Mà có đồ bán chợ là vui rồi, hết mệt!

Đến khi bầu rộ, xe đạp thồ không hết, Chút nhỏ đưa mắt nhìn cái xe cải tiến, ước lượng chất được mấy chục trái bầu đây? Cũng ngộ cho thời đại mới! Ngày xửa ngày xưa, thời thực dân, phong kiến, xe lôi trong Nam, xe kéo ngoài Bắc, người kéo người. Ngày nay, Chút nhỏ tui cũng có chiếc xe hai bánh với hai càng kéo, người kéo người ngồi, là xưa, nay thời cải tiến, người kéo bầu,kéo bí!

Trưa nàng kéo xe về, bữa nay bán được nhiều tiền hơn mọi bữa nên nàng mua thức ăn nhiều hơn, thêm ba bị nước mía mát lạnh nữa. Nàng đưa tay gạt mồ hôi trên trán vừa kể:

Hồi sáng lúc sắp lên cầu, cũng ơn ớn! Em nhớ hồi còn ở Khánh Vĩnh, sinh hoạt thanh niên đêm nào cũng hát, cũng “hò dô ta nào kéo pháo vượt qua đèo”, bèn chuẩn bị kéo xe chạy, vừa chạy vừa hát cho nó lên tinh thần!

Hò dô ta nào kéo bí ta vượt qua cầu!

Hò dô ta nào kéo bí ta vượt qua cấu!

Tui chen vào:

- Cái gì có cấu trong đó? Còn gặp lúc không có bí chỉ có bầu sao hát?

- Thì, hò dô ta nào kéo bấu ta vượt qua cấu! Thơ ông Bút Tre thường vậy có sao đâu? Mà chưa hết, để em kể tiếp cho nghe, đang hừng chí nên chạy hoài, xe băng băng đến hết cầu đổ dốc hồi nào không hay. Xe đang trớn chạy giờ lao xuống dốc, chân không ghì được hai tay em bóp thắng ghi đông, nhưng em lộn rồi, đây đâu phải xe đạp, em la thắng, thắng! Thời may có hai bà đang quét sân nhà hai bên đường nghe em la vội liệng chổi, bà bên này bà bên kia đường nhào ra nắm lấy thùng xe rị lại. Cũng hên sáng sớm vắng xe chớ thấy bà bên kia đường nhào ra bạt mạng cứu em, thiệt là tội nghiệp. Xuống hết dốc rồi hai bà còn mắng yêu trước khi từ giã, con gái con đứa, chạy đâu rần rật. Lần sau cẩn thận! Chắc ý hai bà em còn thiếu nữ chưa con.

Đang hút nước mía tui bật cười sặc sụa, rồi lịm đi, nước mía văng trộn cùng nước mắt. Ai nói Chút nhỏ của tui không biết tiếu lâm!

Lâm Huê

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Quán Nhỏ Sau Trường Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân