TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tâm hồn Huy Cận Qua Hai Bài Thơ Mưa
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tâm hồn Huy Cận Qua Hai Bài Thơ Mưa

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Tue Aug 04, 2015 10:36 pm    Tiêu đề: Tâm hồn Huy Cận Qua Hai Bài Thơ Mưa


Tâm hồn Huy Cận qua hai bài thơ Mưa


Một chút nắng vương mình qua ngõ. Một mùi hương xao động không gian. Một làn gió thoảng qua dịu mát… Tất cả, tất cả cứ chợt đến rồi chợt đi chỉ để lại trong thi nhân một nỗi niềm hoài vọng. Nhưng tấc hồn hoài vọng ấy đâu chỉ dành riêng cho những gì gọi là sinh sắc. Đã rất nhiều nhà thơ tìm thấy cảm hứng của mình trong những cơn mưa. Thả hồn mình vương theo hạt mưa ấy, Huy Cận đã đưa vào thơ Việt Nam hình ảnh những cơn mưa thật đẹp. Cũng gởi hồn mình vào mưa, nhưng ở Buồn đêm mưa (Lửa thiêng) và Mưa xuân trên biển (Đất nở hoa), thi nhân đã để lại trong lòng người đọc những ấn tượng khác nhau.
   Nhà văn... đã từng suy ngẫm đến tận cùng trí nghĩ về con người và đặc biệt là tâm hồn của họ. Con người là một thực thể bí mật, không ai dám chắc mình đã hiểu hết tâm hồn con người. Chỉ có thể dám chắc rằng tâm hồn ấy sẽ không thôi dành cho ta một sự bất ngờ. Tâm hồn là một chuỗi nghĩ suy, lo lắng, hay là sự phân vân kéo dài của những buồn, vui, hờn, giận. Không ai có thể đi hết chiều sâu hồn người. Và đặc biệt là với thi nhân, tâm hồn họ lại càng khó đoán biết hơn. Giữa những ranh giới chênh vênh của cảm xúc thơ, người đọc như những nghệ sĩ xiếc vụng về, chỉ dám bước từng bước nhỏ mong sao chạm được vào thế giới tâm tư của người thơ. Bước theo con chữ mà Huy Cận dệt nên, ta có thể cảm nhận được nỗi buồn sâu lắng, thiết tha. Không hoàn toàn là nỗi buồn tĩnh tại, tâm hồn Huy Cận cũng như những con sóng. Nếu trước 1945, con sóng buồn trào dâng mạnh mẽ, dữ dội; thì sau 1945, điệu buồn ấy có phần được giải toả hơn. Buồn đêm mưa và Mưa xuân trên biển dường như đứng trên hai thái cực của những con sóng lòng Huy Cận. Nếu Buồn đêm mưa đã được sóng đưa đến tận ngọn nguồn của mình thì Mưa xuân trên biển lại nhẹ nhàng ẩn dưới những lớp chân sóng. Nơi đó, nỗi buồn đã toả lan đi và sinh sắc cuộc đời đã dần hiện lên sau làn mưa xuân. Ngay cả với một sự vật, sự việc cũ nhưng Huy Cận đã có những cách nhìn, cách khám phá và thể hiện khác nhau. Có được điều ấy phải chăng là nhờ tâm hồn Huy Cận đã có sự vận động chuyển dịch mạnh mẽ ? Những tình cảm mới đã giúp nhà thơ tìm thấy những điều mới lạ ngay trong những gì tưởng chừng đã cũ.
   Đỗ Lai Thuý đã từng đề từ cho bài viết của mình về Huy Cận bằng thơ Hàn Mặc Tử:
                      Van lạy không gian xoá những ngày

   Hồn thơ Huy Cận, theo ông, là một hồn thơ của không gian, của những nỗi khắc khoải không gian bất tận. Tìm đâu trong thơ Huy Cận cũng tràn ngập những không gian. Không gian thêm sầu, thêm buồn, thêm nhớ cho thi sĩ. Không gian đẩy đưa những ý nghĩ, những niềm thổn thổn thức, suy tư. Và trong Buồn đêm mưa hay Mưa xuân trên biển ta cũng phải thoáng băn khoăn, ám ảnh vì không gian đó. Ngay trong câu đầu tiến của Buồn đêm mưa đã bộc lộ những gì rất Huy Cận, những nỗi niềm rất riêng của ông:
                    Đêm mưa làm nhớ không gian
                    Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la

   Lạ quá ! Trong văn chương từ cổ chí kim, ta chỉ gặp nỗi nhớ người, nhớ cảnh, nhớ về những kỉ niệm đã xa. Nay trong những dòng thơ Huy Cận, ta lại giật mình vì nỗi nhớ không gian. Một không gian mơ hồ, khó xác định. Không phải là những thôn Đoài, thôn Đông trong thơ Nguyễn Bính. Lại chẳng phải là vườn tược thôn Vĩ khuất lấp trong thơ Hàn. Đó là không gian nào đây ? Thực hay mộng ? Ngoại giới hay tâm giới ? Dìu dặt theo những điệu nhạc thơ, ta không còn cảm giác nghe được tiếng mưa, chỉ cảm được tiếng hồn buồn của tác giả đang từng "giọt rơi tàn theo lệ ngân" (Xuân Diệu). Ta như quên đi những cơn mưa thật mà bị ngập hồn trong cơn mưa lòng của tác giả. Không gian tâm tưởng ấy lại càng gợi thêm sầu, thêm buồn như chính cái nhan đề của bài thơ vậy.Buồn đêm mưa, tự cái nhan đề đã lây lan đến người đọc một cảm xúc buồn bã xa xăm. Khác với Mưa xuân trên biển, một nhan đề đã gieo vào lòng người đọc một xúc cảm nhẹ nhàng, không gợi buồn man mác. Và chính tiêu đề ấy đã gợi ra không gian cho cả bài thơ: một không gian rộng lớn của biển, của trời. Cả hai không gian ấy đều là không gian vũ trụ, "không thể lấy kích tấc thường mà đo đếm được" (Hoài Thanh). Một đằng là không gian của vũ trụ tâm hồn và một đằng là vũ trụ thực của đất trời sông biển và của cuộc đời. Không gian của vũ trụ thực ấy dễ đem lại cho ta một cảm giác đơn côi. Nhưng những hoạt động của sự sống đã kéo con thuyền sầu của Huy Cận đến một bến bờ khác hơn, một bến bờ của những niềm vui và hạnh phúc.
   Không gian nghệ thuật nếu chỉ đứng riêng rẽ một mình thì khó có thể làm tròn bổn phận của nó. Đặt trong tương quan với thời gian, không gian sẽ làm bật lên được nhiều điều. Thời gian mà Buồn đêm mưa gợi lên rất dễ thấy, đó là thời gian của một đêm khuya, u hoài và tịch mịch. Thời gian cuả những cơn Mưa xuân trên biển lại không hề thấp thoáng chút gì của ánh tịch dương, gợi những khoảng sâu thời gian của một đêm tối. Huy Cận như tô đậm hơn cái buồn, cái áo não đến thê thiết của lòng mình. Bóng tối chính là cái gợi được trong lòng ta nhiều nỗi u ẩn nhất. Đặt tâm hồn mình trên trục thời gian ấy, làm sao người thơ không khỏi cảm thấy buồn khi chính ông cũng là người thu hút cả cái mạch sầu ngàn năm ? Cơn sóng của nỗi buồn kia đã được nhà thơ trải rộng ra và dần dần mất hút ở Mưa xuân trên biển. Ta chỉ còn gặp ở đây một cuộc sống thanh bình, một phiên chợ mai. Phiên chợ mai kia, phải chăng là hình ảnh gợi nhắc một ấn tượng thời gian rõ ràng, thời gian của mặt trời, của những ánh nắng ban mai, của sự sống ngồn ngộn tươi non. Chỉ có ban ngày, người thơ mới có thể nhìn thấy mọi vật ngồn ngộn sức sống như thế. Không gian ngoại cảnh đã giúp người đọc hiểu hơn về thời gian của những hạt Mưa xuân trên biển này.
   Những ấn tượng chung, cảm nhận chung của người đọc về khoảng thời gian của hai tác phẩm này cũng chỉ có thể giúp người đọc bắt mạch được hồn Huy Cận ở một chừng mực nào đó, rất khiêm nhường thôi. Viết về mưa, nhưng Huy Cận lại xây dựng những hình tượng mưa rất khác nhau. Ở Buồn đêm mưa, mưa như hiện lên một cách rõ rệt hơn, cụ thể hơn và gần gũi hơn. Bởi điệu mưa cũng chính là điệu lòng mang mang thiên cổ sầu của nhà thơ. Tiếng mưa rơi hay cũng chính là tiếng lòng vang vọng ? Ngỡ như ta cảm nhận được cả sắc diện và nhịp điệu của mưa mà cũng là của cả đất trời:
                     Tai nương nước giọt mái nhà
                     Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn

   Tiếng mưa rơi trên mái sao nghe như tiếng của cả vũ trụ. Điệu hồn lục bát vốn dĩ đã đủ khiến ta ngậm ngùi, Huy Cận còn khơi gợi thêm trong điệu buồn cố hữu ấy bằng những từ láy, những vần, những điệu nghe đến xa xót não lòng ! Chỉ là những từ láy như nặng nặng, buồn buồn mà dư âm cứ lan toả, vang ngân mãi. Vần lưng, vần chân được Huy Cận dồn trong hai câu thơ như diễn tả sự nối tiếp nhau, liên tiếp nhau của những hạt mưa rơi. Không những thế, tác giả còn chú ý đến những bước chuyển, điệu nhịp của mưa:
                   Rơi rơi… dìu dịu… rơi rơi…
   Bạch Cư Dị đã từng miêu tả tiếng đàn của người ca kĩ bến Tầm Dương một cách huyền diệu đến mức người đọc phải ngỡ ngàng. Khi nàng dừng mà âm điệu, tiếng đàn vẫn còn vang vọng mãi:
                   Hữu thời vô thanh tắng hữu thanh

   Phải chăng Huy Cận cũng dùng lí thuyết "vô thắng hữu" ấy cho thơ mình ? Những dấu ba chấm lặng lẽ, vô hồn, tưởng như chỉ là chút điểm xuyến của câu thơ lại gợi lên nhiều điều. Mưa cứ rơi nhẹ nhàng, dịu dàng, từng giọt một. Không hiểu sao ta lại liên tưởng đến câu văn "hoa bàng rụng xuống vai Liên, khe khẽ, thỉnh thoảng từng loạt một" (Hai đứa trẻ - Thạch Lam). Một bên là văn một bên là thơ, nhưng có cái gì đó rất tĩnh, rất duy cảm. Động đấy mà tĩnh đấy. Phải chăng đó là cái tĩnh lặng trong hồn thi sĩ ? Cái nỗi buồn tự ngàn đời của thi nhân ? Cảm nghe trong tiếng mưa rơi là cả những lời vu vơ mà tác giả đang cảm nhận. Tiếng mưa càng làm không gian thêm quạnh vắng và nỗi lòng nhà thơ thêm đơn côi. Không chỉ tiếng mưa mà cảnh cứ hiu hắt, cứ buồn man mác một nỗi niềm u uẩn trong tâm hồn thi sĩ.
                   Gió về lòng rộng không che
                   Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư

Gió góp thêm một nhịp tâm hồn cho mưa để diễn tả nỗi lòng nhà thơ. Ta chợt nhớ những vần thơ của Nguyễn Đình Thi:
                   Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
                   Những phố dài xa xác hơi may
                                   (Đất nước)

   Nguyễn Đình Thi cũng dùng hình ảnh hơi may ấy nhưng lại kèm theo tiếng thơ xao xác. Tiếng lá uốn mình trên con đường nhỏ dưới nhịp đi của hơi may thôi mà đã gợi được cả cái xa xác của hồn phố đầu thu. Âm điệu thơ Nguyễn Đình Thi cũng buồn vậy. Buồn như chính nỗi buồn của Huy Cận. Nhưng Huy Cận không chỉ tả lá rơi mà còn tả lòng mình theo cái hơi may ấy. Chỉ là hơi may tức đã là gợn nhẹ lắm, thế mà Huy Cận lại cho nó chỉ hiu hắt thôi. Bốn bế tâm tư Huy Cận chở gió sao mà quạnh quẽ thê thiết đến vậy. Hồn buồn nghìn xưa, vạn cổ như chất chứa đầy thêm.
   Hình tượng thiên nhiên trong Buồn đêm mưa đã thể hiện sâu sắc nỗi buồn của Huy Cận. Những giọt mưa trong Mưa xuân trên biển rải đều ra trên mỗi khổ thơ chứ không xuất hiện đứt nối và cách quãng như trong Buồn đêm mưa. Tâm trạng chủ thể trữ tình không quá lộ rõ, không chỉ gởi gắm vào mưa mà còn trải rộng ra ở nhiều hoạt động khác. Mở đầu bài thơ là làn mưa xuân nhẹ nhàng rơi trong một khung cảnh ấm áp, thanh bình:
                   Mưa xuân trên biển thuyền yên chỗ

   Không gian như tràn ngập những giọt mưa yên bình, thanh nhẹ. Ta cảm nhận được trong hình ảnh mưa là cả một sự giao hoà, gắn kết với cảnh vật chung quanh, của cuộc sống thường nhật. Không còn trĩu nặng tâm tư, chứa chất những buồn sầu, cô đơn, mưa giờ đây một ý nghĩ tươi mát, trong trẻo hơn, thậm chí:
                   Lưa thưa mưa biển ấm chân trời

   Chân trời xa đã được bao phủ bởi một tia nhìn ấm áp. Nếu mưa ở Buồn đêm mưa làm tâm hồn nhà thơ lạnh lùng, xao xác:
                   Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
thì giờ đây lại là một hình ảnh khác hẳn. Những u buồn sầu não như đã tan loãng đi, nhường chỗ cho một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống mới. Không chỉ làm ấm những chân trời xa, giờ đây còn:
                   Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm

   Hình ảnh thơ có nét gì rất lạ nhưng lại rất gợi tả và gợi cảm. Mưa xuân làm con thuyền trở nên tươi tốt hơn. Tính từ chứng nhận hình ảnh cây buồm đã được động từ hoa nên càng thể hiện rõ nét những đặc tính mới của mưa. Mưa giờ đây không chỉ là hình ảnh biểu trưng, để nhà thơ thể hiện tấm lòng mà đã góp thêm một cách nhìn mới mẻ hơn về cây buồm, về sự sống, sự vươn tới tương lai căng phồng hạnh phúc. Tâm hồn nhà thơ căng nở hơn để hòa vào cuộc sống mới đang được xây dựng hay nói như Chế Lan Viên thi Huy Cận đã “phá cô đơn ta hòa hợp với người”. Niềm vui mới ấy còn thể hiện qua rất nhiều cảnh vật khác:
                   Tôm cá chắc đầy phiên chợ mai
                   Sắm tết thuyền về dăm bến đỗ
   
Những cảnh sinh hoạt bình thường của người dân chài, những hình ảnh một mẻ lưới tốt tươi đã được Huy Cận miêu tả sống động. Ánh mắt của nhà thơ mới chỉ mong cầu một sự giao hòa, vượt thoát khỏi những giam hãm của thân thể nay đã đổi khác. Nhà thơ hướng con mắt yêu thương của mình đến cả những:
                   Em bé thuyền ai ra giỡn nước
và những hình ảnh rất đẹp, rất thơm:
                   Cơm giữa ngày mưa gạo trắng thơm
   Nhưng không phải Huy Cận đã hoàn toàn quên lãng, quay mặt đi với cái hồn buồn Đông Á của mình. Điểm xuyến cho bài thơ vẫn là những hình ảnh hư ảo, mông lung. Tưởng như người thơ đang để tâm hồn mình bảng lảng giao hòa với đất trời mênh mông. Xen lẫn với hình ảnh tươi vui là hình ảnh một chiếc đảo đơn côi nhưng đẹp lạ lùng:
                   Đảo xa thăm thẳm vệt mưa dài

   Tâm linh thơ Phương Đông như đã gợi cho Huy Cận một chiều khác của cuộc đời. Thăm thẳm là tính từ chỉ chiều sâu, nhưng dường như nó còn gợi ra cả một tâm hồn thi sĩ. Vệt mưa dài cũng đơn độc, đơn côi như chiếc đảo xa vậy. Tuy bề ngoài, nhà thơ đã trải lòng ra với đời; nhưng trong những góc khuất của tâm hồn, vẫn còn đó một Huy Cận triền miên đi về với người xưa, với những mạch sầu thiên cổ. Đây mới đúng là Huy Cận, mới thực là Huy Cận, một “ngọn lửa vẫn còn thiêng”.

   Những hình tượng mưa, những không gian, thời gian mưa, dù luôn được đặt trên trục ngôn ngữ để cảm nhận, nhưng ngôn ngữ cũng đã có ý nghĩa riêng. Valéry đã từng nói: Thơ là sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa. Những từ láy mà Huy Cận sử dụng cũng như có sự phân vân kéo dài giữa điệu hồn tác giả và điệu mưa rơi Buồn đêm mưa, có lẽ và có thể đã đạt đến một mức độ khá cao về nghệ thuật sử dụng ngôn từ của nhà thơ. Những nặng nặng, buồn buồn gợi trong ta những cảm nhận, suy tư đang trĩu nặng lòng nhà thơ. Những từ láy đứng giữa câu như đẩy tâm tư nhà thơ đến biên độ xa hơn, sâu hơn. Người đọc cũng cảm nhận được những rời rạc, lẻ loi trong lòng tác giả. Phụ âm "r" đứng liền kề nhau như làm tăng hơn sự rung động của chữ nghĩa, tỏa lan đến người đọc bao cảm xúc sâu xa. Những vu vơ, những hững hờ không chỉ gợi cảm giác mà còn đặc tả được cả những sắc thái tâm hồn thi sĩ. Đưa một lượng từ láy khá lớn như vậy vào thơ, Huy Cận hẳn như muốn bày tỏ lòng mình sâu sắc và tha thiết nhất. Mưa xuân trên biển không phải là không có từ láy nhưng mật độ không dày đặc như Buồn đêm mưa. Mượn ngoại cảnh để diễn tả tâm hồn khác với tự bộc lộ tâm trạng phải chăng là ở chỗ đó ? Điểm nhìn của chủ thẻ trữ tình khác nhau nên hai bài thơ có nhiều nét khác biệt cũng phải thôi.
   Có ai đó nói rằng: Thơ là tập hợp của những khoảng không lời. Ta bay giữa những khoảng không lời đó. Mỗi khổ thơ của Buồn đêm mưa chỉ có hai dòng lục bát. Dư âm cứ lan tỏa mãi quanh hai dòng lục bát đó. Những “vị buồn”, những “sắc buồn” như thấm sâu hơn vào lòng người đọc phải chăng là ở cả những khoảng trống ấy. Âm hưởng của vần, của điệu và của những thanh bằng như cộng hưởng với nhau để rồi vượt thoát khỏi vần chữ lan tỏa ánh sáng đến cho người đọc. Mưa xuân trên biển với thể thơ thất ngôn đã giúp nhà thơ diễn tả những cảm giác, những tâm tình mới. Tâm hồn thi sĩ như say theo những hoạt động tươi vui, căng tràn sức sống của người dân biển trong cuộc sống mới.
   Hai bài thơ, hai dòng cảm xúc về mưa đã gợi được những nét đặc sắc của hồn thơ Huy Cận ở hai giai đoạn sáng tác trước và sau năm 1945. Những suy nghĩ, trăn trở, những tình cảm trong ông đã được bộc lộ qua không gian, thời gian, hình tượng và những hình thức nghệ thuật độc đáo. Lạc vào thế giới thơ ấy, người đọc càng cảm nhận sâu sắc hơn những miền sâu thẳm nơi tâm hồn Huy Cận.
   Huy Cận tìm thấy những điều mới, những tình cảm mới trong những sự vật đã cũ. Nhưng ông không quay lưng lại hoàn toàn với cái cũ. Ẩn hiện trong cái mới là một hồn buồn cổ xưa. Huy Cận đã đưa người đọc đến những miền miên viễn của tâm hồn trong cả lúc buồn bã, âu sầu hay trong cả những niềm vui giữa cuộc sống. Và phải chăng đó là điều làm cho thơ Huy Cận sống mãi
Nguyễn Lê Kim Ánh
THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng


Buồn Đêm Mưa                                                          
Đêm đêm làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la
Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi
Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ
Tương tư hướng lạc phương mờ
Trở nghiêng gối mộng hững hờ nằm nghe
Gió về lòng rộng không che
Hơi mây hiu hắt bốn bề tâm tư
(Lửa thiêng – 1940)

Mưa xuân trên biển
Mưa xuân trên biển, thuyền yên chỗ
Tôm cá chắc đầy phiên chợ mai
Sắm tết thuyền về dăm khóm đỗ;
Đảo xa thâm thẩm vệt mưa dài.
Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mui,
Lưa thưa mưa biển ấm chân trời.
Chiếc tàu chở đá về bến Cảng
Khói lẩn màu mây tưởng đảo khơi.
Em bé thuyền ai ra giỡn nước,
Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm.
Biển bằng không có dòng xuôi ngược,
Cơm giữa ngày mưa gạo trắng thơm.
(Hồng Gai, 2-59)
(Đất nở hoa – 1960)







Nguồn Net


********


Thụy Khuê

Huy Cận (1919-2005)


Nhà thơ Huy Cận đã từ trần ngày 19 tháng 2 năm 2005 vừa qua, tại Hà Nội, thọ 86 tuổi.

Tác giả Lửa thiêng là một trong những nhà thơ mới cuối cùng, đã ra đi, mang theo một thời đại, khép lại một cõi thơ: Thơ mới ra đời những năm 30, chính xác hơn, ngày 10 tháng 3 năm 1932 với bài "Tình già" của Phan Khôi, đăng trên Phụ nữ Tân văn  số 122. Và cõi thơ ấy đã tồn tại đến ngày nay, với những thăng trầm, dày dạn; đôi khi không ngại dùng quyền lực để  tồn tại, như trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, các chủ soái Thơ mới đầy quyền uy như Tố Hữu, Xuân Diệu... đã lạm dụng chức quyền để nghiền nát những nhà thơ trẻ muốn đổi mới thơ ca như Trần Dần, Lê Đạt...

Huy Cận là bạn đồng hành của Xuân Diệu, ông cũng là một trong những nhà thơ quan chức cuối cùng còn sót lại của một thời đại, mà đời thơ trùng hợp với đời quan......... Ngày nay, những gì mà Huy Cận để lại cho đời, đã và sẽ chỉ còn một ngọn Lửa thiêng đã bùng lên từ thời 20 tuổi, thời mà ngòi bút ông chưa từng nhúng vào hệ lụy của thế quyền.



Cù Huy Cận sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ học trường làng, trung học ở Huế; đến 1939 ra Hà Nội học trường Cao Đẳng canh nông, và 1943 tốt nghiệp kỹ sư canh nông. Tham gia phong trào Việt minh từ năm 1942, và từ 1945 đến ngày nay liên tục giữ các chức hàm Thứ trưởng, hoặc Bộ trưởng, đặc trách văn hoá văn nghệ.

Làm thơ từ năm 1934, được đăng trên báo từ năm 1936. Ngay trong thời gian ở Huế đã cùng với Hoài Thanh viết những bài bình luận trên các báo Tràng An, Sông Hương. Năm 1936, gặp Xuân Diệu ở trường Khải Định, và kết bạn từ đó. Những năm 37, 38, 39, Huy Cận trao đổi thư từ với Chế Lan Viên, lúc đó đã xuất bản Điêu tàn. Từ 1939, ông ra Hà Nội ở chung với Xuân Diệu trên căn gác số 40 phố Hàng Than.

Tháng 11 năm 1940, tập Lửa thiêng được nhà Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn xuất bản, Xuân Diệu đề tựa, Tô Ngọc Vân trình bày bià.

Năm 1942, xuất bản tập văn xuôi Kinh cầu tự, hoàn thành tập thơ thứ hai Vũ trụ ca, chưa in thành sách. Và từ đó tiếp tục các tập thơ khác, như Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963). Những năm sáu mươi (1968), Cô gái Mèo (1972), Chiến trường gần chiến trường xa (1973), Những người mẹ những người vợ (1974), Ngày hằng sống ngày hằng thơ (1975), Ngôi nhà giữa nắng (1978), v.v...

Ở Paris, 1983, một số người yêu thơ Huy Cận, đã giúp ông xuất bản tuyển tập thơ viết tay tựa đề Đi giữa đường thơm, trên giấy quý, gồm phần lớn những bài đã in trong Lửa thiêng và một số bài thơ tình đắc ý, làm sau 45.

Năm 1989, giữa cao trào đổi mới, Huy Cận cho in tập Chim làm ra gió, (nhà xuất bản Tác Phẩm Mới) tại Hà Nội .



Qua những tuyển tập thơ Huy Cận được liên tục xuất bản hoặc tái bản, chúng ta cũng có thể có cái nhìn khá toàn diện về sáng tác của Huy Cận: Sau 45, hầu hết những tập thơ của ông đều chuyển tải khá rõ nét sứ mệnh tuyên truyền, vì vậy ít bài có thể trụ. Ngay cả bài Các vị La Hán chùa Tây Phương được nhiều người ca tụng, tuy không mang tính cách tuyên truyền, nhưng cũng không còn phong độ bay bổng của thời Lửa thiêng, nhất là tập Chim làm ra gió, Huy Cận tỏ ra hết sức cố gắng quay về với vũ trụ, với thiên nhiên, nhưng thơ ông không còn thanh thoát, không còn bát ngát như ngày xưa nữa.



Vũ trụ bát ngát trong Lửa thiêng là gì? Là một vũ trụ sầu, sầu vô cớ, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Thời ấy, người ta hay sầu lắm. Có người bảo: tất cả những nỗi sầu ấy đều giống nhau, đều bắt nguồn từ cái spleen của một chàng Edgar Poe nào đó. Đồng ý, nhưng mỗi nhà thơ tài hoa   của chúng ta đều tạo được một mối sầu riêng. Hồ Dzếnh có nét sầu của Hồ Dzếnh, Huy Cận có nỗi sầu Huy Cận... và mỗi nỗi sầu riêng ấy là một vũ trụ thơ, một vũ trụ đời.

Hai bài thơ hay vào loại nhất nhì trong tập Lửa thiêng, Huy Cận viết tặng Khái Hưng. Chắc là thời ấy, Huy Cận mến mộ Khái Hưng lắm. Còn một số những bài khác như Đi giữa đường thơm đề tặng Thạch Lam, Đẹp xưa tặng Tô Ngọc Vân, Học sinh tặng Tú Mỡ, Hồn xa tặng Thế Lữ, Giấc ngủ chiều tặng Hoàng Đạo, Nhạc sầu tặng Nguyễn Gia Trí,  Áo trắng tặng Nhất linh... Tập Lửa thiêng, như vậy, ngoài giá trị thi ca, còn lưu lại một chút tình bạn, tình người. Cho nên hôm nay chúng tôi muốn nhắc lại hai bài thơ vào loại hay nhất của Huy Cận: Bài Buồn đêm mưa  tặng Khái Hưng, và bài Tràng giang tặng Trần Khánh Giư.

Buồn đêm mưa (tặng Khái Hưng)

Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...
Tai nương giọt nước mái nhà
Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...
Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi...
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...
Tương tư hướng lạc, phương mờ...
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe.
Gió về, lòng rộng không che,
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...

Buồn đêm mưa xác định nỗi sầu Huy Cận. Đó là nỗi buồn vô cớ, xuyên suốt không gian, như một độ ẩm có sức thẩm thấu ngấm ngầm, theo nước mưa thấm vào lòng người. Những yếu tố âm nhạc và thi ca ở đây kết hợp toàn bích như một bản nhạc phổ thơ, như bài thơ phổ nhạc. Và tiếng buồn, khởi đi từ không gian ẩm lạnh của đêm mưa, và tiếng mưa như những nốt nhạc gợi nhớ, một nỗi nhớ vu vơ, nhớ ai? Nhớ không gian. Không gian nào? Không gian giá buốt, chứa một "nỗi hàn bao la"... Càng nằm, càng nghe, càng lạnh, điệu nhạc mưa càng tung hoành, làm khắc khoải lòng người, làm đờ đẫn tâm can, làm lang thang chân bước, từ mưa đến mộng, từ tâm cảnh sang ngoại cảnh. Đó là một nỗi sầu vô cớ, sầu lang thang, không nhà không cửa, sầu không quán trọ, sầu không phương hướng... sầu dọc chiều dài thời gian và sầu mênh mông trong không gian vô tận. Chưa bao giờ chúng ta nghe một bản nhạc sầu như thế, sầu hồn hoà trong ướt át gió mưa, nhẹ nhàng sầu và êm ái đến thế.



Đến bài Tràng giang tặng Trần Khánh Giư, không gian sầu mở tung trên trời nước. Phạm Duy bảo khi ông làm bài Cửu Long giang, ông đã nghĩ đến Tràng giang của Huy Cận, và bất cứ ai trong chúng ta, một lúc nào đó, ngược dòng Cửu Long, hoặc xuôi sóng Bạch Đằng, mà  không trạnh thấy bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài



Niềm bâng khuâng dâng lên như sóng, từng đợt, từng đợt trùng trùng, chiếm hữu tâm tư, sông loang thành biển, mối sầu tan rộng như đại dương, bay lên thượng tầng thanh khí:  


Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy giòng.
 
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu.
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
 
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc...
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.



Niềm giao ứng giữa đất trời và lòng người, giữa cảm súc và thiên nhiên, giữa vũ trụ và không gian mà Baudelaire gọi là correspondance - giao cảm, ở đây xẩy ra trên toàn diện, trong không khí Đường thi, và Thôi Hiệu cũng quanh quất đâu đây. Theo mối sầu thiêng, sâu chót vót, Huy Cận giao cảm Đông Tây trời đất, giao cảm sông nước và hồn người bằng phong thái thăng hoa tinh vi giữa nhạc và chữ.



Nếu các bạn vẫn còn ở trong cõi thơ Huy Cận, xin mời bạn hát và lắng nghe mình hát bài Ngậm ngùi của Huy Cận do Phạm Duy phổ nhạc. Phạm Duy -sành thơ hơn nhiều nhà thơ-    khi phổ nhạc, thường hay thay một lời, đổi vài câu, hoặc làm thêm một vài câu thơ khác. Lời thơ mà Phạm Duy thêm vào, đôi khi hay hơn những câu trong chính bản của nhà thơ. Ngậm ngùi là một trường hợp đặc biệt: không những Phạm Duy không thêm thơ, mà ông cũng không thay đổi một chữ nào trong thơ Huy Cận. Ở đây nhạc đã quyến vào thơ như đôi tâm hồn tri kỷ, và, phải nhận rằng, Ngậm ngùi sở dĩ đi sâu vào lòng người Việt đến thế là nhờ sức quyến rũ mãnh liệt, nẩy ra từ sự giao cảm tuyệt vời giữa thơ và nhạc, giữa Phạm Duy - Huy Cận.

Chúng ta tạm biệt nhau trong  Ngậm ngùi


Nắng chia nửa bãi; chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi hãy ngủ... anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ..
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...


Thụy Khuê, Paris 26/2/2005
Về Đầu Trang
nhungocnguyen



Ngày tham gia: 22 Nov 2011
Số bài: 890

Bài gửiGửi: Sat Sep 19, 2015 12:13 am    Tiêu đề:



Những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử thời kỳ 1930-1945_


Những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của thơ lãng mạn qua một số tác phẩm của Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử thời kỳ 1930-1945 Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu Lá lá cành hoang nắng trở chiều Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn Lần đầu rung động nỗi thương yêu Tuy dịu nhẹ, e ấp, nhưng nó thật là tình yêu, nên nó có sức mãnh liệt và giá trị nhân bản vững bền riêng của nó. Trong thơ xưa, làm sao có được cách nói thẳng thắn như thế này về tình yêu: Ai hay tuy lặng bước thu êm Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy, Lòng anh thôi đã cưới lòng em (Thơ duyên)

Lòng anh “cưới” lòng em, đó chính là tình yêu. Tình yêu trong thơ Hàn Mặc Tử tuy đượm nhiều buồn đau và hoài nghi nhưng không hề kém thiết tha. Mơ khách đường xa, khách đường xa Áo em trắng quá nhìn không ra Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà? (Đây thôn Vĩ Dạ) Nhìn chung thơ lãng mạn khá buồn, có khi rất buồn. Cũng cần có cái nhìn thỏa đáng hơn về cái buồn trong thơ lãng mạn. Người ta cần biết vui, biết yêu, nhưng cũng cần biết buồn, biết chán khi cần thiết. Phải buồn trước những điều không thể vui. Vui trước chuyện đáng buồn là vô liêm sỉ. Biết buồn để không vô tư đến trở thành vô tâm. Buồn để trở nên sâu sắc hơn.

Nói gì thì nói, cuộc sống trong khoảng những năm 1930- 1945 có nhiều chuyện đáng để buồn, trong đó điều đáng buồn nhất là làm dân nô lệ. Trừ những kẻ thật sự vô lương tâm hoặc cố tình vui vẻ để làm vừa lòng bọn chủ nô lệ, mọi người Việt Nam ngày đó, nhất là những người nhạy cảm, đều mặc nhiên mang một nỗi buồn thời đại. Cái buồn ấy lớn đến nỗi nhiều lúc như không thể nhận ra duyên cớ. Nó nằm ở đâu đó trong khắp cả cuộc đời. Xuân Diệu đã từng có câu thơ nổi tiếng mà ngày đó ai cũng công nhận là hay:

Hôm nay trời nhẹ lên cao Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn Trong thơ Huy Cận, nét nào của cảnh vật, dẫu tuyệt đẹp, vẫn phảng phất nỗi buồn. Nhìn một xóm làng, một phiên chợ vừa tan, một bến đò, Huy Cận cảm đến tận đáy lòng một nỗi sầu muộn mênh mang, nỗi cô đơn của thân phận trước cái vô cùng của cuộc sống: Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu Đâu tiếng làng xa vãng chợ chiều Nắng xuống trời lên sầu chót vót Sông dài trời rộng bến cô liêu (Tràng giang)

Cái buồn trong thơ lãng mạn Việt Nam, xét về bản chất, cũng có mặt tích cực. Nó là một thái độ cần thiết trước cái mong manh và u ám của đời sống lúc ấy. Nó có thể là bước khởi đầu dẫn tới những suy nghĩ sâu sắc và thấu đáo hơn, và có thể dẫn tới sự lựa chọn một thái độ, một hành động tích cực hơn trong đời sống. Tuy vậy, thơ lãng mạn nhiều khi đã đẩy nỗi buồn lên một cung bậc thẳng căng quá, tuyệt đối quá. Thơ Xuân Diệu có lúc đã đi đến chỗ tột cùng chán nản, rã rời; nhà thơ nâng nỗi cô đơn thành vĩnh cửu. Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề… (Nguyệt cầm) và: Tôi là con nai bị chiều giăng lưới Không biết đi đâu đứng sầu bóng tối… Huy Cận tự thấy mình mang trong lòng một nỗi “vạn cổ sầu” như một định mệnh.

Hàn Mặc Tử càng về sau càng đau thương đến thành điên loạn. Tuy nhiên, xét về mặt tư tưởng của cả trào lưu thơ mới (1930-1945), đó không phải là điều quá lớn. Cái mới, cái đáng quý mà trào lưu này đưa đến cho người đọc và thời đại vẫn là chính. Chả thế mà nó đã từng làm rung động cả một thế hệ người đọc phần lớn là có học và không phải là thiếu tâm quyết đó hay sao? Hơn nữa, xét về mặt nghệ thuật, thơ lãng mạn đã đưa đến cho văn học nước nhà nhiều điều mới mẻ. Một mặt nó tiếp tục kế thừa những tinh hoa của thơ ca dân tộc, thơ ca Á Đông; mặt khác nó tiếp nhận tinh hoa mới lạ của thơ phương Tây để đẩy nền thơ Việt Nam bước hẳn sang thời kỳ hiện đại.

Chỉ trong khoảng mấy năm, thơ lãng mạn đã hoàn thành trọn vẹn việc phá vỡ những khuôn vàng thước ngọc của thơ ca phong kiến mà lúc đó đã trở nên lỗi thời. Nếu nói: thơ phải chân thành, thơ phải là tiếng nói của trái tim, thì thơ lãng mạn đã biết phá bỏ những hình thức khiến nó phải sáo rỗng và giả tạo. Truớc hết, thơ lãng mạn vứt bỏ những niêm luật gò bó, những đối chọi, những quy định “phá, thừa, thực, luận, kết” để nhà thơ có thể diễn tả một cách thoải mái và phóng khoáng cảm xúc của mình. Cảm xúc, điều đó quan trọng và quyết định giá trị của thơ hơn là ngồi để gò từng ý từng vần cho đúng luật. Thơ lãng mạn có thể sử dụng rất nhiều thể thơ, và ngay trong thể bảy chữ vốn là thể phổ biến của Đường luật, cũng được sử dụng một cách phóng khoáng, sáng tạo: Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp, Con thuyền xuôi mái nước song song, Thuyền về nước lại, sầu trăm ngã; Củi một cành khô lạc mấy dòng. (Huy Cận - Tràng giang)

Vứt bỏ những ước lệ, những điển cố vốn có tính chất bắt buộc trong ngôn ngữ thơ cổ, thơ lãng mạn đến với ngôn ngữ xanh tươi của đời sống. Trong thơ cổ, nói mùa thu là phải là lá ngô đồng rụng, mùa hè là phải
cuốc kêu, liễu thì phải là liễu Chương Đài, mây thì phải mây Tần, mây Hàng… Trái lại, trong thơ lãng mạn, ngôn ngữ cứ tự nó đến với cảm xúc của nhà thơ. Chính thứ ngôn ngữ ấy nhận ra những cảm xúc của nhà thơ. Chính thứ ngôn ngữ ấy nhận ra những cảm xúc có thật về những điều rất thật. Thí dụ, đây là cảm xúc của Hàn Mặc Tử trước cái vời vợi của đất trời Vĩ Dạ: Gió theo lối gió mây đường mây Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay (Đây thôn Vĩ Dạ)

Nói thơ lãng mạn đến với ngôn ngữ của đời sống, đó là nói đến xu hướng chính Thật ra giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ của đời sống vẫn có một khoảng cách rất lớn. Ngôn ngữ trong thơ lãng mạn vẫn là một ngôn ngữ nghệ thuật, trong sáng, hàm súc và đầy tính nhạc. Các nhà thơ lãng mạn thật đã có công lớn trong việc xây dựng một ngôn ngữ thơ ca dân tộc. Những câu thơ này có sức diễn tả biết bao: Chị ấy năm nay còn gánh thóc Dọc bờ sông trắng nắng chang chang…? (Hàn Mặc Tử - Mùa xuân chín)

Bao nhiêu cảnh và tình hàm chứa trong chỉ mấy câu thơ dưới đây của Xuân Diệu: Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ… Non xa khởi sự nhạt sương mờ… Đã nghe rét mướt luồn trong gió… Đã vắng người sang những chuyến đò… (Đây mùa thu tới) Đặc biệt Xuân Diệu, với vốn Tây học của mình, đã đưa đến cho thơ những cách nói rất táo bạo. Quả thật, không phải bao giờ cái táo bạo của Xuân Diệu cũng thành công nhưng ông đã có nhiều cái mới thành công, được người đương thời tán thưởng, chẳng hạn: Này lắng nghe em khúc nhạc thơm Say người như rượu tối tân hôn.

Thơ lãng mạn (1930-1945) là một bước phát triển vượt bậc của thơ Việt Nam. Nó đã tiếp nhận một cách sáng tạo những tinh hoa của thơ ca dân tộc và thơ ca nhân loại, của thơ cổ điển và hiện đại. Cho đến nay, các nhà thơ vẫn còn thừa hưởng và tiếp tục phát huy nhiều thành tựu mà nó đã đạt được, nhiều vấn đề về nghệ thuật, kỹ thuật mà nó đã đặt ra trong khoảng 15 năm ngắn ngủi ấy. Không phải tất cả nhưng phần lớn những bài thơ lãng mạn vẫn được người đọc yêu thích, nhất là người đọc trẻ tuổi, vẫn có tác dụng xây dựng cho người đọc một thế giới nội tâm phong phú và nhân đạo.

Nguồn Net
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân