Gửi: Fri Apr 25, 2008 10:41 pm Tiêu đề: SÔNG QUAO KỲ DỊ - (DIỄM TRANG)
SÔNG QUAO KỲ DỊ
(Tùy bút)
DIỄM TRANG
“Sông Quao, nước chảy quạnh hiu
Từ rừng xa thẳm, nương theo xóm làng.
Về gần Thị Xã Phan Rang
Sông Dinh náo nức đón nàng Sông Quao."
Nói đến quê hương đất nước là nói đến núi sông. Là giang sơn gấm vốc của tìền nhân, của Tổ Tiên, ông Cha gây dựng trước kia và để lại cho con cháu đời sau này. Viết về tỉnh lỵ nắng gió, thành phố thân thương bé nhỏ này, chúng ta thường nhắc đến Sông Dinh, con sông nổi danh của tỉnh nhà. Tuy nhiên, Sông Quao là một nhánh sông của con sông nói trên. Sông Quao cũng có những cái thú vị, kỳ bí, lạ lùng, quyến rũ, lý thú của nó. Sông Quao bắt nguồn từ rừng núi xa xôi, chảy lờ lững theo làng mạc quê hương. Con sông chảy bên cạnh các làng như Phước Khánh, Gò Đình. Dòng sông này cũng chảy gần các thôn làng Long Bình và Bình Quý, trước khi gia nhập vào con Sông Cái dễ chảy dưới Cầu Đạo Long, rồi tuôn về biển cả mênh mông bát ngát phía xa xa.
Sông Quao nhỏ, nước không sâu. Vì thế, dân địa phương thường trồng rau muống nước. Loại rau muống phát triển, lớn nhanh, xanh tốt khi có nhiều nước nuôi dưỡng nó. Người ta trồng những cọc gỗ dưới lòng sông và cột dây rau muống vào cọc. Rau phát triển mượt mà, sum suê, xanh rờn nhanh chóng trên mặt nước bao la bát ngát của Sông Quao. Bề ngang không rộng lắm. Rau muống tỏa một màu xanh biêng biếc dọc theo dòng sông, ra tận gần khúc rẽ vào Sông Dinh. Những đám rau muống xanh rờn tỏa dài bên cạnh các làng nói trên. Dân địa phương trồng rau muống để thâu hoạch hoa lợi làm phương tiện sinh nhai, nuôi sống bản thân và gia đình ở địa phương vừa kể.
Một chiếc cầu đúc đã được chính quyền tỉnh xây dựng nên, nối liền thôn Long Bình và Gò Đình / Phước Khánh vào lúc bấy giờ.
“Sông Quao, cầu nhỏ xinh xinh
Nối liền Phước Khánh, Long Bình, hai thôn.
Bây giờ khoảng cách gần hơn
Qua cầu, anh vội ra vườn đón em.
Cành xanh, rộn rã tiếng chim
Tưng bừng tấu nhạc, đẹp tình đôi ta."
Sông Quao thường cạn. Mặt nước trong xanh, rau tươi trải dài, dọc con sông. Dòng sông êm ả trôi về xuôi, chảy vào Sông Cái. Người ta đồn đại những chuyện xẩy ra trên Sông Quao thật là kỳ lạ, khó tin nhưng đã thực sự diễn ra. Người ta truyền tụng câu chuyện thật kỳ dị sau đây đã xẩy ra trên dòng Sông Quao trước đây không lâu.
Thật vậy, cậu Hiệp là một thanh niên khỏe mạnh ở làng Phước Khánh. Cậu này nổi tiếng là một người con hiếu thảo. Cậu thương yêư mẹ già hết mực. Thờ mẹ hiếu đạo hết lòng. Một hôm, cậu đưa mẹ qua Sông Quao, khúc sông cạn có những đám rau muống nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Con sông bề ngang cũng hẹp. Cậu thương mẹ, cho nên dù mẹ lội nước qua sông được, cậu cũng tình nguyện cõng thân mẫu sang bên kia bờ để thăm người chị lấy chồng tại làng Long Bình. Hôm đó, mực nước chỉ tới đầu gối. Khúc sông đó hai bờ cách nhau không xa lắm. Trời dã xế chiều. Ánh nắng còn le lói chiếu trên những đọt tre phía xa xa. Rẫy vườn xanh biếc trải dài hai bên bờ sông trùng điệp. Mẹ già gầy ốm tong teo như con mắm. Vì vậy, bà cụ không nặng lắm. Cậu bước chậm rì qua dòng nước xanh. Cát dưới chân mềm nghe rào rào, nước vẩn lên đục ngầu dưới đôi bàn chân của cậu trẻ. Chim chóc hót líu lo trên những cây cao hai bên bờ. Cậu cõng mẹ đến gần bờ bên kia thì bà cụ bỗng la lên:
- Thả tao ra ngay, Hiệp! Hãy buông tay ra, nhanh lên!
Giọng bà cụ tự nhiên biến đổi một cách kỳ lạ. Cậu vốn nghe lời mẹ. Tuy nhiên, làm sao thả mẹ rơi xuống nước được đây? Vả lại cũng đã gần tới bờ bên kia rồi! Cậu hai tay bợ mông mẹ. Hai chân vội rảo trong nước bùn sình đục ngầu. Bà ta tụt người xuống không được, ôm cổ con cắn:
- Thả tao xuống gấp! Hãy thả ngay, Hiệp! Buông tao ra nhanh lên!
Đau quá! Cậu chịu không nổi. Hàm răng mẹ nhỏ và sắc bén vô cùng. Máu rướm ra da cổ cậu. Hiệp kinh hoàng vì đau đớn, vội buông tay mình theo bản năng tự nhiên của một sinh vật bị tấn công bất ngờ. Mẹ cậu rơi xuống nước: "Tủm" "Tủm" "Tủm”. Mặt nước bị quậy lên đục ngầu. Hiệp bỗng nhiên giựt mình, tỉnh thức. Cậu hoảng hốt trở nên quờ quạng dáo dác tìm mẹ, Cậu thất kinh, vội rảo bước chân lội qua lội lại chỗ vừa thả mẹ xuống nước cái ầm. Tuy nhiên, cậu vẫn không tìm ra bà cụ ở đâu. Thật là quái gở và vô lý hết ngõ nói. Mực nước khúc Sông Quao ở đây chỉ sâu khoảng quá đầu gối một chút. Mẹ cậu cao gầy to lớn như thế, tự nhiên biến mất. Lẽ ra các bà phải nẳm trong vùng gần đây chớ. Vả lại, dòng nước cạn. Nước chảy nhẹ nhàng, lơ lửng, êm ả, làm sao cuốn xác bà cụ nhanh chóng như thế được, phải không quý vị? Tại sao thận thể mẹ cậu to lớn như thế, lại biến mất tiêu trong nháy mắt, nhanh trong tích tắt như thế?
Thật là quái dị, lạ lùng, ngoài sức tưởng tượng của người trần tục như cậu trẻ hôm đó. Như là có ma quái, yêu tinh, Ma Gia, Hà Bá giấu mẹ cậu vậy. Ma Gia, nghe đồn thân mình chúng nhớt nhợt, ghê tởm vô cùng. Chúng chuyên cư trú ẩn mình trong các khúc sông, hóc hiểm, trong lòng hồ ao, đầm biển âm u, diệu vợi, vắng vẻ, đìu hiu. Chuyện mất tích bất ngờ của mẹ cậu, giống như là Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh vậy. Người ta đồn Ma Gia thường hại người chết đuối. Chúng dìm người chết ngộp. Những loại ma trành, ma xó, Ma Gia, Hà Bá yêu quái tại sông biển hồ ao hay hại người bị chết chìm để thế mạng cho chúng. Không rõ việc này có đúng không? Thật là bí mật, huyền bí bao trùm tâm cảnh khúc Sông Quao quái dị. Ngày hôm ấy, khi xác mẹ cậu trẻ biến mất tiêu lúc bà vừa rơi tỏm xuống dòng nước cạnh khóm rau muống. Cậu vội cởi quần áo, chỉ còn mặc chiếc quần đùi. Hiệp lo âu bực bội, vừa kinh hãi vô cùng. Cậu bắt đầu lùng sục hết các dãy rau muống trải dọc bên bờ Sông Quao xuống tận cạnh khúc rẽ vô Sông Dinh trước khi chảy qua Cầu Đạo Long, tuôn ra biển cả bao la bát ngát phía xa xa.
Nhiều đoạn sông, nước cạn trong veo trông thấy cát dưới lòng sông. Cậu dùng chiếc gậy tre thọc vào các hóc hiểm hầu như khắp bờ sông mà vẫn không tìm ra xác mẹ cậu. Thật là quái đản. Chuyện kỳ lạ khó tin nhưng sự thật đã xẩy ra. Cậu đã tìm kiếm mẹ già khắp nơi mà bóng hình thân mẫu vẫn biền biệt. Cậu lo lắng vô vàn. Mẹ cậu già yếu như thế, mà ở lâu dưới nước, làm sao sống nổi đây? Mãi chiều tối cũng không thấy mẹ ở đâu cả. Cậu tuyệt vọng than khóc ấm ức. Cậu ôm mặt khóc rưng rức. Khóc sụt sùi Khóc tỉ tê. cậu gào to lên:
- Mẹ ơi là Mẹ ơi! Mẹ ở nơi nào! Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?
Một số người dân cư ngụ gần đấy, nghe tin Bà Lan, mẹ của cậu Hiệp bị mất tích trong dòng nước Sông Quao, cùng ân cần đến nơi, hỏi thăm, chia buồn với cậu trẻ. Họ lội xuống lòng sông, tìm kiếm hộ xác bà cụ. Họ sửng sốt vô cùng là bà cụ vừa rơi xuống mặt nước là biến mất giống như Đậu Nhất Hổ biết độn thổ hay Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không nhấc mình bay mất tiêu tức thì. Nhiều người cư ngụ quanh vùng này ở Long Bình, Gò Đinh, Phước Khánh lội sông tìm xác mẹ cậu khắp nơi, vẫn không thấy đâu. Thật là quái dị, kỳ lạ hết nói. Người ta xì xào, bàn tán là số bà cụ trả nghiệp chết dưới nước, bị Hà Bá, Ma Gia hốt hồn, hốt vía. Bà bị Long Vương giũ sổ. Hoặc giả bà bị bịnh thần kinh, bị mê sảng, bà đã tới số chăng? Vì sao bà lại kê hàm răng cắn cổ con trai để buộc nó thả tay ra cho mình rơi tòm xuống nước. Mà nước cạn làm sao bà lại biến mất nhanh như thế? Chuyện thật huyền hoặc, khó tin, khó tưởng tượng được. Nhưng đã xẩy ra. Hiệp không tìm ra bà mẹ thân yêu của mình. Cậu tuyệt vọng ngồi bên bờ sông, gục đầu vào hai bàn tay khóc nức nở, khóc ấm ức như chưa bao giờ được khóc.
“Con mất mẹ, không đau buồn sao được?
Mẹ là người yêu thương nhất trên đời.
Mẹ là dòng suối ngọt ngào tươi mát
Là bàn tay ban hạnh phúc con vui".
Hiệp còn nhớ, mới năm ngoái, mẹ bị bịnh tim nặng, phải nằm bịnh viện khá lâu. Cậu phải vào nhà thương săn sóc mẹ đêm ngày. Cậu lo lắng cho mẹ vô cùng. Thời gian được gần gũi săn sóc lo cơm nước cho mẹ già là thời gian hạnh phúc nhất trong đời cậu thanh niên trẻ lúc bấy giờ. Cậu tận tụy, không quản mệt nhóc xoa bóp chân tay đau nhức của mẹ. Trời nóng nực vì nhằm tiết hè. Phòng Bịnh Nội Khoa chưa có máy điều hòa không khí như ngày nay. Quạt máy cũng không có. Cậu cứ cầm cái quạt mo quạt cho mẹ mát mẻ hầu như cả ngày đêm. Hiệp quả là đứa con chí hiếu với thân mẫu của mình. Bà cụ thật có phước. Chẳng bao lâu cậu nổi danh là đứa con trai đại hiếu trong bịnh viện Phan Rang lúc đó. Dân chúng nghe tiếng có hiếu tử ở Nhà Thương, nên rủ nhau đến xem rất đông. Có thể nói Đạo Hiếu rất được đề cao và khen ngợi biểu dương theo truyền thống Á Đông, nhất là ở Trung Hoa và Việt Nam ngày trước. Gương Nhị Thập Tứ Hiếu còn truyền tụng mãi trong dân gian. Như Bạo Chúa Tần Thủy Hoàng, đốt sách chôn học trò, nhưng nhờ có hiếu với mẹ mà vớt vát một phần nào tội ác của mình. Người đời sau, hay nêu gương hiếu đạo với mẹ mình của ông, để giáo dục con cháu, nên ăn ở hiếu thảo với ông bà, cha mẹ mình.
Lúc này, trời đã tối, thiên hạ bỏ cuộc vì tìm mãi khúc Sông Quao mà không thấy xác bà cụ ở đâu cả. Thật là quái dị. Rõ ràng là Ma Gia đã giấu xác bà, sau khi đã trấn nước bà chết đuối. (?) Ai mà biết chắc được. Họ đoán mò thế thôi.
Hôm nào, người nhà của Hiệpụ cũng cứ kiên nhẫn đi xuống Sông Quao tìm xác bà cụ bị mất tích. Nhưng vô ích. Họ không thấy tăm hơi gì xác bà ta cả. Cho mãi đến ngày thứ ba, kể từ lúc bà rơi xuống nước và biến mất luôn, người nhà đã tìm thấy xác bà sình chương dưới tận mé Sông Dinh vùng Tấn Lộc và An Thạnh. Xác bà cụ dính trong lùm tre, phía bờ sông, gần thôn An Thạnh. Đối diện là bờ sông làng Tấn Lộc gần Tấn Tài A. Thì ra xác mẹ cậu bị trôi và tấp dính kẹt giữa đám gai góc tre, xác bị sình trương, mặt mũi bị nhũn ra, trông thật khiếp đảm. Bà bị chết đau thương, tức tưởi quá đỗi. May mà tìm ra được thi thể của bà cụ. Cái chết của mẹ, tuy cậu cũng có trách nhiệm một phần nào. Nhưng công bình mà nói, không thể nào quy trách nhiệm cho cậu được. Bản năng sinh tồn bảo vệ sinh mạng của mình khi gặp nguy khốn, đau đớn vì cổ bị mẹ cắn chảy máu đau buốt, dòng nước lại cạn xợt. Cậu buộc phải buông mẹ ra thôi để tránh đau đớn. Ai cũng làm thế, phải không bà con, cô bác? Năm trước, Hiệp cũng đã được thiên hạ khen ngợi là đứa con chí hiếu kia mà! Đứa con đã săn sóc mẹ tận tụy bỏ ăn bỏ ngủ ngày đêm khi mẹ bịnh tim mạch khá nặng.
“Tiếng lành, tiềng dữ đồn xa
Tiếng lành, tiếng dữ, đồn ba ngày đàng."
“Người con chí hiếu được khen
Mẹ già săn sóc ngày đêm tận tình.
Bàng quan thiên hạ lại xem
Hết lòng khen ngợi thư sinh hiếu từ."
Sông Quao Kỳ Dị cũng đã giết hại nhiều nạn nhân. Bà con quanh đấy đồn có Ông Ba Sỉn ở thôn Gò Đình. Ông nổi danh mỹ từ này vì Ông ta khoái bia rượu hết cỡ. Gần như sáng sỉn, chiều say, uống rượu lai rai không biết chán. Vì Ông nhậu quá cỡ thợ mộc, trời lại nóng nực nên Lưu Linh hay ra sông tắm mát sau khi giải sầu bằng chất cay quá chén. Một hôm, người nhà không thấy Ông về trong bữa cơm chiều. Vợ con hớt hơ hớt hãi đi tìm khắp nơi. Vườn tược, quán xá, rẫy ruộng chung quanh đấy. Hỏi những bạn đồng môn bợm nhậu với nhau, cũng không ai thấy. Họ bảo ông đã ra về lâu rồi mà. Gia đình ông ta lo lắng, chia nhau ra lùng sục khắp Sông Quao, gần nhà cũng không tìm thấy ông ta đâu cả. Họ lấy gậy gộc lội tìm xa hơn thì thấy xác ông tấp và dính vào một lùm gai tre. Kỳ thực, chiều hôm đó, ông ta quá say, lỡ uống mềm môi quá chén, mờ mắt lạng quạng.
Ông đã nhẩy đại xuống nước Sông Quao để tắm mát. Tuy nước sông cạn, nhưng rủi cho ông gặp chỗ trũng sâu. Ông không bơi rành lắm, một phần vì say quá, nên bị chìm lỉm trong dòng nước. Ông bị chết ngộp luôn. Bị nước cuốn trôi, tấp vào một gốc gai tre lởm chởm nói trên. Thật là tội nghiệp cho hiệp sĩ Gò Đình, sáng sỉn, chiều say, cuối cùng đi mò tôm, bị Hà Bá rước luôn về Âm Cảnh để Long Vương, Diêm Chúa, tra xét. Thật là khổ đau bi thảm cho vợ con khóc lóc thương tiếc, phiền muộn vì bị mất đi cột trụ gia đình nông dân nghèo khổ. Đồng thời, bạn hữu, bợm nhậu cũng mất đi một kiện tướng rượu chè be bét "Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác" xả láng ngày ngày.
Sông Quao, thường thường, lòng sông cạn, bề ngang hẹp, nhưng cũng dễ giết người cũng dễ làm chết đuối các nạn nhân bị rủi ro như đa kể trên. Con Sông Quao một nhánh của Sông Dinh quê hương, cũng có những kỳ bí, lạ lùng, bí mật của nó. Tuy nhiên, con sông của quê nhà nắng gió cũng bồi đắp phù sa hai bên bờ. Sông Quao có vùng nước cạn trồng rau muống rất tốt. Sông quê hương giúp dân quanh vùng có cơ hội tăng gia đời sống sinh nhai, nuôi dưỡng bản thân và gia đình quanh năm suốt tháng.
“Sông độ nhật những ngày tôi khát cháy
Sông dưỡng nuôi, sữa mẹ chảy ngọt ngào."
(Nhại thơ Du Tử Lê)
Người ta trồng rau muống nước trên Sông Quao, hầu như đem bán khắp cả chợ Phan Rang và cả tỉnh lỵ "Hầu như nóng bốn mùa" của quê hương đây nắng và gió Ninh Thuận.
“Sông Quao nuôi sống dân lành
Rau bò trên nước, tỏa xanh theo dòng.
Này đây rau muống mênh mông
Đẹp màu nước biếc, mát lòng người dân.
Rau muống tươi tốt bội phần
Dòng sông tuôn nước xanh ngần quê hương."
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn