TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NHÀ THƠ: HỒ DZẾNH
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NHÀ THƠ: HỒ DZẾNH

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Sun Feb 17, 2013 12:08 am    Tiêu đề: NHÀ THƠ: HỒ DZẾNH




Gia đình nhà thơ Hồ Dzếnh



Gia đình nhà thơ Hồ Dzếnh

Người lữ khách trên chuyến tàu đời


Quê mẹ

Ông Hà Kiến Huân là một Hoa kiều quê gốc ở Quảng Đông, Trung Quốc, từ nhỏ đã dạt sang Việt Nam, sống tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Vào một buổi chiều muộn, trên bờ sông Ghép thuộc làng Ngọc Giáp, Hà Kiến Huân qua sông bằng con đò của cô lái đò Đặng Thị Văn. Chuyến đò này đã bắt đầu một mối tình, rồi chẳng bao lâu sau, hai người nên duyên chồng vợ. Đến năm 1916 thì họ sinh được con trai, đặt tên là Hà Triệu Anh. “Hà Anh”, phát âm tiếng Quảng Đông (Trung Quốc) là “Hồ Dzếnh”. Bởi vậy, hai mươi năm sau, nền thơ ca Việt Nam hiện đại xuất hiện một thi sĩ tài hoa có bút danh khá lạ lùng, là Hồ Dzếnh.

Thời thơ ấu, Hồ Dzếnh sống với cha, mẹ tại Quảng Xương, Thanh Hóa, vài năm sau được lên thị xã Thanh Hóa, học ở Trường Dòng. Năm 1931, mới mười lăm tuổi, Hồ Dzếnh ra Hà Nội, khi làm gia sư, lúc làm công cho các hiệu buôn người Hoa, để sống và để có thể theo học bậc Thành chung. Những năm làm thuê kiếm sống và theo học Thành chung ở Hà thành, mỗi khi có được thời gian nghỉ là Hồ Dzếnh lại về quê ngoại. Một lần về quê, lúc chiều đã xuống, lại cũng bên bến đò Ghép vắng lặng thuộc làng Ngọc Giáp, Quảng Xương, Hồ Dzếnh gọi mãi mới có một con đò của một cô gái ghé tới. Và chuyến qua sông hôm đó cũng bắt đầu một mối tình. Mối tình này đã khiến người trai cầm bút làm thơ, vậy nên cuộc đời lại có thêm một thi sĩ, “Trên đường về nhớ đầy…/ Chiều chậm đưa chân ngày/ Tiếng buồn vang trong mây…/ Có phải sầu vạn cổ/ Chất trong hồn chiều nay” (bài Màu cây trong khói, những lần in sau được đổi là Chiều)

... Ngay từ những bài thơ đầu tiên đăng trên báo Trung Bắc chủ nhật và Tiểu thuyết thứ bảy, dường như Hồ Dzếnh đã muốn dâng trọn tâm hồn mình cho quê mẹ, nơi ông sinh ra và cũng là nơi ông có mối tình đầu. Bài thơ Cảm xúc rất nổi tiếng đương thời cho thấy, mối tình đầu của nhà thơ sâu xa hơn và lớn lao hơn tình ái của người trai với người gái, nó là tình yêu đối với quê hương, bản quán. Sinh ra, rồi sống trọn đời, thi sĩ này chỉ biết có quê mẹ, đó là Việt Nam: “Cô gái Việt Nam ơi!/ Từ thuở khai sinh lận đận rồi/ Tôi biết tình cô u uất lắm/ Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi…Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực/ Cho lòng cô gái Việt Nam tươi”. Trong hồi ức của mình, nhà văn Vũ Bằng đã viết: “Mỗi khi thấy Hồ Dzếnh ngồi buồn ngâm bài thơ ấy thì tôi lại yên trí rằng cô gái Việt Nam đó chính là vợ anh; mà có biết vợ anh thì ta mới thấy thương và quý tình yêu thủy chung của Hồ Dzếnh đến ngần nào…”

Mối tình đầu tiên

Người Hồ Dzếnh yêu là Nguyễn Thị Huyền Nhân, một thiếu nữ tham gia hoạt động yêu nước từ năm 1942. Tình yêu đó khiến thi sĩ đã sống lặng lẽ như khép mình giữa làng văn chương đầy sôi động ở Hà thành và lẳng lặng viết những bài thơ lãng mạn, ngôn ngữ thơ mới lạ, đặc biệt là rất nặng tình:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Tôi sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi em hãy gắng quay về
Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở
Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho ngàn sau lơ lửng với ngàn xưa…

(Bài Ngập ngừng)


Trong sáu năm sống xa người yêu, Hồ Dzếnh cho ra đời năm tác phẩm: Chân trời cũ (tập truyện, 1942), Một chuyện tình mười lăm năm trước (tiểu thuyết, 1942), Quê ngoại (tập thơ, 1943), Cô gái Bình Xuyên (tiểu thuyết, 1946), Hoa xuân đất Việt (tập thơ, 1946). Trong các tác phẩm đó, Chân trời cũ, nhà văn Thạch Lam viết lời tựa, và tập thơ Quê ngoại với lời đề từ trang trọng Kính dâng mẹ ở đầu sách, đã tạo nên tiếng vang lớn trong đời sống văn chương đương thời. Đặc biệt, trong Quê ngoại, nhiều bài thơ, nhiều câu thơ trầm buồn, nhưng có sức lay động lòng người rất sâu xa: “Tôi là người lữ khách/ Màu chiều khó làm khuây…/ Nhớ nhà châm điếu thuốc/ Khói huyền bay lên cây” (bài Chiều).

Có lẽ, trong sâu thẳm tâm hồn thi sĩ này vẫn phảng phất nỗi vọng nhớ về cố quốc, một chút buồn Chiêu Quân, một chút động lòng với dáng liễu Động Đình, với trăng thu Dương Tử, mây chiều Giang Nam…Nhưng, Quê ngoại là tập thơ chan chứa tình cảm của một người con đối với mẹ, đối với Việt Nam. Đặc điểm nổi bật nữa là, thơ lục bát của Hồ Dzếnh rất giàu mỹ cảm, những hình ảnh làng quê Việt vào thơ ông thật bình dị mà đẹp lấp lánh: “Trời không nắng cũng không mưa/ Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung…/ Dưới chân mỗi lối thu vàng/ Tình xa lắm lắm tôi càng muốn yêu!” (bài Màu thu năm ngoái); và những câu trong bài Lũy tre xanh: “Tôi yêu, nhưng chính là say/ Tình quê Nam Việt, bàn tay dịu dàng/ Thơ tôi: đê thắm, bướm vàng/ Con sông be bé, cái làng xa xa”…

Sau khi cho xuất bản tiểu thuyết Cô gái Bình Xuyên, kháng chiến chống Pháp bùng nổ, năm 1948 Hồ Dzếnh về Thanh Hóa và lập gia đình. Thời gian này, sức khỏe của bà Nguyễn Thị Huyền Nhân kém đi nhiều. Hai vợ chồng Hồ Dzếnh tản cư về làng Neo thuộc phủ Thọ (nay thuộc huyện Thọ Xuân), Thanh Hóa, sống trong một căn nhà nho nhỏ bên bờ sông Nông Giang. Năm 1950, nỗi bất hạnh lớn ập tới, do bệnh tật, bà Huyền Nhân qua đời, để lại cho Hồ Dzếnh đứa con trai mới bốn tháng tuổi. Sau này, nhà văn Vũ Bằng có viết về hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của Hồ Dzếnh thực là tủi nhục mà cũng thực là cao đẹp và can đảm. Nhiều anh em văn nghệ kháng chiến chống Pháp hồi ấy ở Khu Tư nhớ mãi hình ảnh thi sĩ Hồ Dzếnh “mặc chiếc áo bành tô màu cứt ngựa, chân đi dép, địu đứa con nhỏ trên lưng, lúc thì vơ vẩn đầu sông, lúc thì chui vào bụi để tránh máy bay bắn phá…Đúng theo lối của những người đàn bà Tàu muôn thuở, Hồ Dzếnh lấy một tấm vải bố quấn lưng lại, rồi làm hai cái dải buộc chéo hai vai, cho đứa con vào trong cái túi trên lưng, đi khắp nẻo đường Khu Tư”. Như vậy, Hồ Dzếnh đã địu con đi xin bú nhờ (bú chực) trên các nẻo đường Khu IV. Cũng theo nhà văn Vũ Bằng, “không có người đàn ông thứ hai nào nuôi con khổ cực như Hồ Dzếnh, một mặt lo chạy loạn, một mặt lo ăn, một mặt nữa là phải kiếm cho con chút sữa để sống qua ngày…”

“Tôi đem số phận gửi trong má đào”

Đó là câu thơ của Hồ Dzếnh, trong bài Chuyến tàu đời, viết năm 1938, khi đang làm thuê kiếm sống ở Hà thành và ngày đêm thương nhớ bà Huyền Nhân. Khi viết bài Chuyến tàu đời, Hồ Dzếnh mới 22 tuổi. Ông mở đầu bài thơ: “Nhiều lần tôi nghĩ bao la/ Đời là quán khách, tôi là giấc mơ/ Trao duyên rất đỗi tình cờ/ Không mong ước hẹn, không ngờ gặp nhau”. Có thể do mặc cảm về thân phận ly hương, lại sớm đắm say với mối tình đầu đến mức “không mong ước hẹn”, nên từ nỗi tủi khổ, Hồ Dzếnh có được sức suy nghĩ rất sâu về cõi đời rằng, bắt đầu một số phận, người ta lên chuyến tàu đời, rồi sẽ kết thúc bằng việc xuống ga… Thơ lục bát của Hồ Dzếnh thật nhuần nhuyễn, lại rất dồi dào sự sống, và sự sống trong Chuyến tàu đời chứa đựng quy luật nhân sinh thật sâu sắc:

Đường đời bóng núi sông qua
Nay đang nắng mới, mai là cảnh xưa
Có tôi tàu đã đông thừa
Không tôi, chợ chẳng hề thưa vãn người,
Mất còn có nghĩa gì tôi
Tôi là chút ít của đời chút không


Bài thơ về một phận người, như một hơi thở dài, một hơi thở dài thật buồn, thật sâu, và sau hơi thở dài lại thấy lòng nhẹ nhõm hẳn đi:

Dặm trần bụi cuốn mây dong
Tôi đem số phận gửi trong má đào
Từng phen gió lạnh bay vào
Bâng khuâng: ta xuống ga nào hở em?


Người vợ thứ hai

Năm 1953, Hồ Dzếnh được chính quyền kháng chiến tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép cho về Hà Nội chữa bệnh cho con và tìm kiếm người thân thất lạc đã lâu. Để sống và nuôi con, ông đã làm phóng viên cho báo Thần chung xuất bản tại Sài Gòn những năm 1953-1954. Về sống ở Hà Nội, Hồ Dzếnh không tìm được người thân thất lạc nào, nhưng đã gặp lại bà Nguyễn Thị Hồng Nhật, vợ nhà thơ Trần Trung Phương, vốn là bạn thân của ông. Những năm Hồ Dzếnh gặp gian nan, lận đận ở Thanh Hóa thì, ở Hà Nội bà Hồng Nhật và ông Trần Trung Phương cũng gặp không ít khổ nạn. Hai người cưới nhau, mới có được con trai năm tháng tuổi thì Trần Trung Phương bị bệnh lao, bà Nhật vừa nuôi con, vừa chạy vạy, thuốc thang chăm chồng chữa bệnh. Đương thời, bệnh lao là một trong tứ chứng nan y. Chưa đầy một năm sau, Trần Trung Phương qua đời. Trước khi mất ông có để lại một một số bài thơ đã in báo và những di cảo, với ý, nếu bà Nhật gặp lại được Hồ Dzếnh thì nhờ người bạn ấy tìm cách xuất bản cho. Và rồi, bà Hồng Nhật đã tìm gặp lại Hồ Dzếnh, đưa tập bản thảo của Trần Trung Phương, nhờ ông giúp thực hiện ý nguyện của người chồng đã quá cố.

Tập thơ Những vần thơ sáng của Trần Trung Phương đã được xuất bản. Và sau đó, bà Hồng Nhật và Hồ Dzếnh, với hoàn cảnh tương tự như nhau, lại có sự đồng điệu trong tình cảm, nên đã quyết định đến với nhau. Năm 1954, hai người tổ chức lễ cưới, đạm bạc, nhưng đậm tình nghĩa. Trong đám cưới, có một nhà văn rất hiểu đời sống tình cảm của Hồ Dzếnh và Hồng Nhật, đã ra một vế đối thật độc đáo, mời mọi người đối lại: “Vợ góa nhà văn lấy nhà văn góa vợ”. Một bạn thơ khác biết rõ cuộc đời Hồ Dzếnh, cảm động đối lại: “Con nuôi nước Việt nhờ nước Việt nuôi con”… Có thể nói, từ khi có mái ấm gia đình lần thứ hai, thi sĩ Hồ Dzếnh bắt đầu được sống những ngày thật hạnh phúc. Năm 1955, Hồ Dzếnh cho xuất bản vở kịch Đi hay ở, thể hiện rất rõ quan điểm cuộc sống của ông khi đất nước ta bước vào giai đoạn tạm thời bị chia cắt. Năm 1957, ông tham dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam; sau đó ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Việt Nam (nay là ủy ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam). Hai người con riêng của ông và bà Hồng Nhật, là Chính và Cường luôn thương yêu nhau như anh em ruột thịt…

Chàng lữ khách xuống ga vào một ngày thu

Sức khỏe Hồ Dzếnh không tốt lắm, năm 1988 ông còn cố để sửa chữa hoàn tất và cho in Hồ Dzếnh, tác phẩm chọn lọc. Khi tác phẩm này đến với bạn đọc, công chúng văn học đã phải sửng sốt bởi những bài thơ và trang văn chan chứa hồn quê nước Việt; đặc biệt, văn và thơ ấy có sức sống rất mãnh liệt, bền mãi với thời gian! Những năm sau đó, ông ốm yếu luôn. Khi biết không sống thêm được nữa, Hồ Dzếnh đòi về nhà. Nửa đêm, hai con trai thuê xe của bệnh viện đưa ông về 80 phố Hòa Mã. Bà Hồng Nhật vẫn thức chờ. Ông đã hôn mê. Bà quỳ bên giường, ruột đau như cắt, nhưng không khóc được. Có lẽ do vậy mà ông lại cựa mình, mở mắt, gọi nhỏ: “Mình ơi!”. Rồi ông tắt thở luôn. Đó là ngày 13-8-1991 (mồng bốn tháng Bảy năm Tân Mùi). Hà Nội đang vào thu, nắng thật trong, gió thì mơn man, như nắng và gió trong thơ Hồ Dzếnh: “Mênh mông xanh thắm phai tờ/ Chân đi vương vấn lời thơ ngậm ngùi”…

Sau ít ngày, khi dọn lại nơi Hồ Dzếnh thường ngồi đọc sách, ghi chép, bà Hồng Nhật thấy trong cuốn sổ tay của ông có một bài thơ viết tặng bà:

Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia phôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?
Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!


Thơ như thế, không chỉ riêng bà Hồng Nhật, mà bạn đọc văn chương nói chung đều thấy, cuộc sống được đưa vào văn chương thật bình dị và chân chất, mà hay đến mức khiến người ta ứa nước mắt!

(sưu tầm)


Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Sun Feb 17, 2013 12:56 am    Tiêu đề: Người chị dâu tôi

Người chị dâu tôi

Hồ Dzếnh


Dòng máu Trung Hoa thấm đều ba anh em chúng tôi thì không còn được nguyên chất nữa.
Người lo đến cái ngày lạc giống nhất, có lẽ là ba tôi. Triết lý qua làn khói thuốc phiện, chén nước chè tàu, ba tôi thường bảo:

- Thế nào một trong ba đứa cũng phải cho về quê mới được!

Công việc gây lại nòi giống được anh tôi đảm nhận bằng cách cưới, sau bốn năm trời nghiên bút, một người vợ đặc Tàu. Cái hỷ tin ấy bắn từ bên kia trùng dương sang khiến ba tôi vuốt râu cười khoái chí, trong khi mẹ tôi có vẻ không bằng lòng. Rồi, mặc dầu sự phản đối nhỏ nhặt của người đàn bà phương Đông yếu đuối, chị dâu tôi đã ở dưới cái nóc nhà thân mật với chúng tôi, cái nóc nhà sau này từng chứng kiến những ngày buồn thảm của đời chị.

Hỡi chị! Nếu số phận đã bắt chị vào làm dâu một gia đình cơ khổ, làm vợ một người chồng không bằng người, làm một người đàn bà lưu lạc, chị hãy nhận ở đây, trong mấy dòng chữ này, một lời an ủi, để may ra lòng đau khổ của chị được san sẻ một vài phần.

* *

- ừ, rồi tha hồ mà vui. Chốc nữa chị dâu mày sắp về đấy!

Mẹ tôi bỏ rá gạo vo xong xuống miệng chum, nhìn tôi và cười một vẻ mai mỉa. Từ hôm nhận được tin anh tôi cưới vợ, mẹ tôi đâm ra buồn rượi suốt ngày. Là vì mẹ tôi đã có định kiến sẵn về cuộc hôn nhân của anh tôi, và người con dâu của mẹ tôi phải là người biết gồng gánh, biết chịu khó xay lúa, giã gạo, cáng đáng mọi việc trong nhà. Tôi còn nhớ hôm cầm đến ảnh anh chị tôi, mẹ tôi thở dài:

- Cái ngữ này rồi lại chỉ xõng xác ra là hết!

Tôi nhỏ nên vẫn dễ tưởng tượng. Tôi tưởng tượng chị dâu tôi là một thiếu phụ sang trọng, đẹp đẽ, bó chân và chuốt bím bằng dầu thơm. Năm sáu lần, cầm bức ảnh chụp từ bên Tàu gửi sang, tôi sung sướng vì sắp được làm em một người Trung Hoa quý phái, yêu tôi và cho tôi nhiều tiền. Mà chị dâu tôi đẹp thật, nói là yểu điệu thì đúng hơn.

Đôi má hồng luôn, và cặp mắt ngơ ngác như vừa qua cái thảm cảnh phân ly, chị tôi nhìn chúng tôi, thằng lớn dắt tay thằng nhỏ, ngó chăm chú cái con người bắt đầu đến làm thân với hơi bàn ghế trong nhà. Mẹ tôi lúc ấy không có ở đấy. Chỉ có mình ba tôi yếu đuối ngồi trên sập gụ mỉm cười. Tôi đánh bạo xán lại gần chị. Chị vui vẻ vuốt tóc tôi, và dúi vào tay tôi hai hào chỉ. Tôi càng mến chị tôi hơn lên, quấn quít bên chị suốt ngày. Hình như chị dâu tôi sống giữa sự lãnh đạm của mọi người, trừ anh cả tôi - chồng chị - và tôi, những người đem lại cho chị một phần lớn tình lưu luyến của gia đình.

Thậm chí đến anh hai tôi cũng thường bảo tôi:

- Mày cứ xán lại gần chị ấy, mẹ ghét lắm đấy!

Mỗi lần anh tôi mắng, tôi thường đem những đồng hào mới tinh ra khoe:

- Này, anh xem, chị ấy tốt lắm kia!

Chị dâu tôi sống trong sự bỡ ngỡ có đến ngót hai tháng. Một hôm đi học về, tôi ngạc nhiên thấy chị đang xay lúa, thở hổn hển và luôn luôn đưa khăn mặt lên lau trán. Tôi chạy ngay xuống nhà bếp, giận dỗi hỏi mẹ tôi:

- Sao mẹ bắt chị cả xay lúa thế? Chị cả có quen làm những công việc ấy đâu!

Mẹ tôi trừng mắt:

- Không quen thì không làm à? Tao mua con dâu về có phải để mà thờ đâu!

Tôi ức quá, toan cãi, nhưng nghĩ đến ngọn roi mây, lại thôi. Mẹ tôi, nói đúng ra, không phải là người ác. Sự cần cù có từ khi lấy ba tôi, và cái thành kiến xấu xa về mẹ chồng, con dâu nuôi ngấm ngầm trong những đầu óc bảo thủ, là hai cớ chính xui mẹ tôi khinh ghét những kẻ không quen làm. Thông minh, chị dâu tôi dần dần làm được mọi việc. Từ chiếc áo dài hoa, đôi giày nhiễu, chị tôi đã nhũn nhặn đổi sang bộ quần áo màu chàm thẫm, đôi dép da trâu mà chị tôi không bao giờ rời ra nữa. Cực khổ nhất là mấy tháng đầu, khi chị tôi chưa nói thạo tiếng Việt Nam. Nhớ đến sự cực khổ ấy, có lần chị tôi đã nhắc lại:

- Thà cứ câm đi mà hơn, chú ạ.

Nhà tôi là nhà nghèo, cơm thường ghế khoai cho đỡ gạo. Trừ tôi là được ăn cơm trắng. Nấu niêu cơm ngon lành mà tôi thường ăn hết ấy, tai hại, lại là công việc của chị tôi, một người đàn bà Tàu xưa nay chỉ quen sống trong cảnh đài các. Một hôm ăn quà no, tôi bảo đùa chị:

- Chị ăn hộ cả cơm cho em nhé!

Chị tôi ăn thật, ăn ngon lành, nhưng với một vẻ sợ hãi làm tôi đoán ra là lâu nay chị thường thèm những bữa cơm gạo trắng lắm. Từ đấy, tôi thường kín đáo dành lại trong nồi một hai bát và bao giờ, bao giờ, chị dâu tôi cũng nể lòng ăn hết!

Chị tôi hay khóc lắm, khóc rưng rức suốt ngày. Chị thường bảo tôi bằng một giọng lơ lớ:

- Mẹ hay mắng lắm, em ạ!

Tôi còn nhỏ, không biết can gián, yên ủi thế nào cho khéo, ngoài cách khóc theo với chị tôi. Tôi hiểu biết người đàn bà ấy lắm, người đàn bà buồn khổ sàng từng hạt tấm xuống nong, trong khi trời chiều sàng từng giọt hoàng hôn xuống tóc. Trông chị ngồi tẩn mẩn làm những công việc hằng ngày mà có lẽ trước kia, chị không bao giờ ngờ sẽ phải dúng tay tới, tôi thấy tâm hồn xúc động, bâng khuâng... Tôi nghĩ đến cái tổ quốc xa xôi với những manh áo chàm giang hồ khắp tứ xứ, cái tổ quốc mà tôi chưa từng biết bao giờ!

- Tối rồi em ạ, thắp đèn mà học đi!

Ô hay! sao lúc viết mấy dòng chữ này, tôi còn thấy như một niềm bối rối, gió tối bận bịu trong chùm tre, một chấm lửa lung lay châm loe vào bóng đêm bất tận!






Người chị dâu tôi... Người chị dâu tôi...

Tôi là người biết cảm sầu rất sớm, nên người đàn bà lìa quê hương ấy đã là cái đề cho tôi khóc bằng thơ để làm ố hoen cả một buổi bình minh đáng lẽ rất tươi đẹp. Hai năm sau, chị dâu tôi sinh thằng cháu đầu lòng thì ba tôi mất. Mẹ tôi yếu, gia đình sa sút thêm. Chỉ còn mình tôi là được đi học. Chị dâu tôi phải về ở nhà quê làm việc. Ngày đưa chân cả nhà tôi ra ga để lìa bỏ cái tỉnh thành bạc bẽo, tôi sụt sùi bảo chị dâu tôi:

- Chị về chịu khó hầu mẹ nhé. Đến Tết em về, em mua nhiều bánh cho cháu.

Chị tôi gật, ứa nước mắt.

Từ đấy cứ tuần tuần, tôi gửi về một bức thư, phần nhiều là thư khuyên mẹ tôi ăn ở rộng lượng với mọi người trong nhà. Làm như thế, tôi mong mỏi sẽ vợi được ở lòng người chị dâu đau khổ của tôi những nỗi buồn rầu khi xa đất nước...

Mỗi một dịp được nghỉ về nhà, với tôi hồi ấy, là sự giải thoát cái ngục tù thành phố, nơi tôi chỉ mơ màng thấy hình bóng một người đàn bà lưu lạc. Tội nghiệp, những lúc trông thấy mặt tôi, chị dâu tôi cứ đứng ngây người ra, vì cảm động. Tôi giấu mẹ tôi những thức quà biếu chị, có lúc là chai dầu thơm, có khi là vài thước lụa. Chị tôi thường phàn nàn:

- Chú tử tế với chị quá. Chị chả biết biếu chú gì được bây giờ.

Có, chị ạ, chị đã biếu em một thứ quà quý nhất, một tấm lòng thương người, một chân tình xứng đáng. Và bây giờ, trong cát bụi cuộc đời, tâm hồn em vẫn còn sáng mãi những cảm tình chân thật buổi đầu. Thường thường, chị kể chuyện cho tôi nghe:

- Chú ạ, ngày xưa chị sung sướng lắm kia. Chị là con một trong gia đình quý phái, cũng được nuông chiều như chú bây giờ, có phần hơn thế nữa.

Nói xong, chị tôi lại khóc. Chị tôi chỉ biết khóc. Những bữa cơm khoai, những ngày lam lũ đã làm chị chạnh nhớ đến cảnh sum họp năm nào.

Thời hạn nghỉ của nhà trường rất ngắn, nên thường thường tôi chỉ ở nhà được ba hôm là cùng. Mỗi lần lên tỉnh, chị tôi hay cho tôi tiền, hoặc bỏ giấu vào túi áo, hoặc nhét dưới đáy va ly và dặn quen miệng:

- Chú chăm mà học, rồi về dạy cháu.

Anh cả tôi vì công việc làm ăn ở tỉnh, chỉ có thể về quê thăm nhà mỗi năm vào dịp Tết. Vắng hai người thân ái nhất, chị tôi trở lại sống buồn bã như ngày mới về nhà chồng. Tiếng xay lúa ồ ồ nhiều lúc đến tận hai giờ sáng, như những nhịp đời thương nhớ âm vọng trong thời khắc và lòng người. Hai năm sau, chị dâu tôi hoàn toàn thành một người đàn bà quê Việt Nam đặc. Trên cánh đồng rộng rãi của làng Đông Bích, người ta thường thấy một dải áo chàm in bật trên nền trời mỗi sáng, chăm chỉ và lặng lẽ như dấu hiệu một cuộc sống vâng lời, ngu muội.

Chị dâu tôi đã khác với ngày trước lắm rồi. Ba năm đôi, mấy đứa cháu tôi thi nhau ra đời, thi nhau sống một cách cơ cực và thi nhau kết thêm một ít dây liên lạc trói buộc chặt chẽ người mẹ chúng nó với cái đất nước này. Người đàn bà ấy đã thôi không bao giờ còn dám hy vọng trở về quê hương nữa.

* *

Tôi bước ra đời, xếp sách vở lại, mang vào trong bụi bặm cái hình bóng một người chị dâu lam lũ, nghèo hèn, chút chân tình nhận được khi trái tim chưa biết đập một tiếng giả dối nào. Sáu năm rồi, tôi không sao quên được dĩ vãng và những kỷ niệm buổi đầu. Vài ba lá thư mỏng mảnh thỉnh thoảng rơi vào trong cái tẻ lạnh của đời tôi, đem lại nỗi nhớ nhung còn vấn vương ở góc trời cũ. Mẹ tôi bây giờ đã già, ngót bảy mươi tuổi. Chị tôi thêm được mấy cháu, đôi mắt lâu ngày tôi chưa gặp, chắc đã mờ dần dần.

Tôi đi con đường tôi, đem châu báu của lòng ném hết vào những cuộc tình duyên vô vọng. Tôi hao phí thanh xuân đi để chóng thấy cái ngày già sắp tới, để tự phụ là mình biết sống đúng theo linh hồn. Trên nền năm tháng cũ, hình ảnh chị dâu tôi vẫn đứng, buồn bã với manh áo màu chàm cũ, mắt nhìn từ quãng trời xa về, bóng hoàng hôn mơ hồ ôm trùm lên sự vật.

Chỉ có tôi là sống ích kỷ, còn người mẹ già, người chị dâu đau khổ, mấy đứa cháu rách rưới, vẫn sống theo khuôn phép, lặng lẽ và cần cù.

Sáu năm! Tôi xa quê hương sáu năm rồi mà không một lần nào nghĩ đến chuyện trở lại. Cái sức khỏe yếu ớt của mẹ tôi còn đứng được hay không, tôi không biết, và người chị dâu lưu lạc của tôi, có nói dối mấy đi nữa, chắc cũng đã quá chiều, xế bóng rồi...

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> TÌM HIỂU VĂN HỌC Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân