TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Kiếp Sau
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Kiếp Sau

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Âm nhạc Việt
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Nam Son



Ngày tham gia: 21 Feb 2010
Số bài: 30

Bài gửiGửi: Wed May 18, 2011 4:26 pm    Tiêu đề: Kiếp Sau

Mời thưởng thức nhạc phẩm Kiếp Sau
Nhạc sĩ: Phạm Duy - Thơ: Cung Trầm Tưởng - Giọng hát: Thái Thanh



Về bài Thơ & Nhạc:

1. Kiếp Sau


Giống như một cuộc chuyện trò thâm trầm giữa hai người bạn tâm giao, nói ít nhưng lại hiểu nhau thật nhiều, Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ đã đưa những bài thơ hay của các thi sĩ theo cung đàn ý nhạc của ông đi lên đỉnh cao nghệ thuật. Ông đã phổ thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng thành những nhạc phẩm để lại cho đời, trong đó có “Kiếp Sau”, một bản nhạc bất hủ được viết lên từ nỗi tương tư về mối tình của thi sĩ với người con gái “mắt xanh, tóc vàng sợi nhỏ” mà nay đã ngàn trùng xa cách.
Mối tình thơ mộng lãng đãng hương hoa một thời trai trẻ mà người thi sĩ trải qua ở chốn thế nhân đã khép lại trong nỗi luyến tiếc u hoài:


Thôi em xanh mắt bồ câu
Vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau


Có lẽ suốt đời người thi sĩ vẫn yêu, vẫn không sao quên được đôi mắt quyến rũ và suối tóc óng ả của người con gái Tây phương ấy.. Họ đã bước qua chiếc cầu tình ca với trái tim bẽ bàng thổn thức. Để rồi ở nơi đấy, hương yêu quen xưa “từ thuở định hôn người” phảng phất khi thi sĩ trải lòng: bù cho em dù chỉ “một thoáng trời gần” mà gom hết cả thời gian và phong kín cả không gian của “núi đồi”, của “nương lá” mong để được “đơm hoa kết mộng” dệt cung đàn yêu với cả “ngàn thơ”…
Theo khoa học phương Tây, thời điểm mặt trời gần xích đạo nhất là thời điểm bắt đầu mùa xuân tại bắc bán cầu, gọi là điểm xuân phân. Xuân phân diễn ra vào khoảng 19 tháng 3 đến 21 tháng 3, chính xác là khoảng 5h49m muộn hơn so với năm trước trong những năm thường và khoảng 17h26m sớm hơn trong những năm nhuận. Đây là thời điểm thiên nhiên tươi đẹp nhất, tràn đầy sức sống nhất trong năm, đây cũng là mùa của yêu đương, mùa của nô nức lễ hội:

Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.
Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
(Truyện Kiều)
Dành thời khắc quý giá ấy mà “bù em” để tình yêu “đơm hoa kết mộng”, thế mới biết khát vọng tình yêu của thi sĩ sâu sắc và lớn lao như thế nào.


Thái Thanh diễn tả thật hay "mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu”, chậm rãi, thong thả buông rơi từng chữ. Câu thơ dội lên như một cổ âm gắn bó với hiện tại, như một biệt sắc Cung Trầm Tưởng.



Không có bù đắp nào tuyệt hơn thế! Yêu-là yêu lắm đấy… Tình yêu ấy không thể cũng rồi hoang sơ và phai mờ trong ký ức khi mà nó cuộn chảy, hòa tan với nỗi niềm trắc ẩn thương nhớ một con sông quê luôn đau đáu bên lòng. Con sông hiền hòa hát khúc tình tự quê hương, con sông gắn với bao mối tình thơ – nhạc nổi tiếng… Trên con đường thiên lý của người đi sứ sang phương Bắc hay của người lính đi trấn thủ lưu đồn trên biên ải đầy trắc trở thì bến sông Thương là một kỷ niệm buồn. Vì đến đây, người đưa tiễn phải dừng lại, phút chia ly kẻ ở người đi mà người đi phần lớn không về. Ấy là bến Chia Ly. Bến Chia Ly ở ngay khúc sông nước chảy đôi dòng bên đục bên trong càng gợi nỗi thương cảm biết bao nhiêu thế hệ…
Vào thời Hậu Lê, một số tác giả làm thơ vịnh cảnh thanh bình hiền hòa trên bến sông Thương, trong đó phải kể đến vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497): Đứng bên bờ dốc ngắm sông dài. Lặn vợi sao trời, ráng đỏ soi. Sông xa bát ngát buồm trăng xế. Tiếng giặt đâu đây não ruột ai...và nhà bác học Lê Quý Đôn (1726- 1784): Khói tạnh đồng xanh, nương rẫy tốt. Vườn hoang sương lạnh, luỹ thành trơ... Ta như nghe văng vẳng bên sông tiếng của người ca sĩ hát khúc u buồn ai oán:


Non sông bóng mẹ sầu u
Mòn trong ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu.


Câu thơ đẹp quá. Mà buồn, cô đơn. Là một điều gì đó rất hiển hiện nhưng cũng rất mơ hồ sương khói. Sự giao duyên tài hoa giữa thơ và nhạc hẳn phải bắt nguồn từ tình yêu nét đẹp của thiên nhiên tha thiết lắm mới tạo ra được những cung bậc diễm tuyệt như thế, khiến lòng người đi hay kẻ ở cũng thấy man mác một nỗi nhớ nhung khi dõi mắt trông theo một dòng sông hun hút xa ngời... và ước hẹn quay về luôn trong tâm tưởng của  thi sĩ, như ông chia sẻ:


"Tôi là người Bắc vào Sàigòn. Tôi cũng đã có một khái niệm mơ hồ nào đó về nước Pháp và đặc biệt là văn hóa Pháp. Sang Paris tôi không ngỡ ngàng lắm. Nhưng càng sang Paris tôi thấy rằng tôi không thể là người Pháp nổi. Tôi là người Việt Nam. Dù đã được hấp thụ nền giáo dục, văn hóa Pháp từ lúc nhỏ. Ðiều đó, đối với tôi là một tiếng gọi vô cùng da diết: Tôi phải tìm đủ mọi cách để trở về nguồn. Khi sang Paris, tôi gặp một thiếu nữ Pháp, gọi là cùng cung bậc tình cảm với mình. Ðó là một chuyện có thể gọi là phối hợp, phối ngẫu rất hồn nhiên. Có thế thôi. Nhưng tôi phải diễn tả bằng tiếng Việt"...

Bù em một thoáng trời gần
Đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
Bù em góp núi chung đồi
Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ.
Bù em xuôi có ngàn thơ
Vẫn nghe trắc trở bên bờ sông Thương
Quên thôi, bông sẽ phai hường
Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu.

Chỉ cần vài từ ngữ, mà thấy thênh thang cung đường về kỷ niệm...Một chút xanh xao, mơ hồ của thuở vừa biết yêu, một nỗi sầu quạnh quẽ...Sầu đã rụng thành hoa, đã đơm bông kết trái thành những câu lục bát à ơi diễm tuyệt, vừa mang tâm sự hồn người, vừa tha thiết một tình với quê hương!
Thơ Cung Trầm Tưởng là những thực thể sống động như thế, những hàng, những chữ nằm im lìm trên giấy, nhưng có sức biến tấu làm lay động lòng người, và nhắc nhớ khôn nguôi…

Thụy Khuê, trong bài Cổ dao trong thơ Cung Trầm Tưởng, đã viết:

"Bài thơ Kiếp Sau sáng tác năm 1956. Ðã hơn bốn mươi năm. Không một vết nhăn.

Trò chuyện về thơ tức là chuyện trò với chữ -vấn đề ngữ sự- nói như Cung Trầm Tưởng.

Trước hết là chữ bù. Bù em. Phạm Duy có lẽ vì nhu cầu âm nhạc đã đổi ra đền. Ðền em, nũng nịu, Tây hơn, hợp thời hơn, nhưng Bù em, mới hiếm, mới Việt. Trong chữ đền có nghĩa đổi trao, lấy đi rồi đền lại. Trong chữ bù chỉ thấy cho, chỉ "lấp đầy". Nguyên lý lấp đầy lại rất phụ nữ, rất nhục cảm, rất Sartrien, rất Cung Trầm Tưởng. Bù lại gần với âm bu. Bu là gọi mẹ theo tiếng quê ta. Một người "Tây con" như Cung Trầm Tưởng thời ấy, làm thơ tặng những em "tóc vàng sợi nhỏ" mà lại viết Bù em thật tuyệt.

Nhưng Phạm Duy có lý khi ông đổi lại là đền em. Ai cũng hiểu. Ở Phạm Duy là ý thức cộng đồng, ý thức dân ca, ở Cung Trầm Tưởng là ý thức biệt dã, ý thức thi ca. Bù em là ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ bùa chú -nói như Mallarmé- khác lạ, không giống ai: Ngôn ngữ vừa được nhà thơ tác tạo. Cả bài thơ có hơi cổ điển, có hồn ca dao. Nhưng không phải ca dao thuần túy mà là ca dao đã hóa thân, cổ điển đã tục lụy.

Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ

Các cụ xưa đâu viết thế. Các cụ môn đăng hộ đối, đâu có thẩy bình dân "cũng rồi" ngồi chung chiếu với quý tộc "thiêu nương".

Rồi lại "Thôi em xanh mắt bồ câu"

Ca dao đâu viết thế . Ca dao thường trực tiếp, dễ hiểu: Em thôi, mắt xanh, hay mắt em, thôi xanh v.v... Nên khi gặp thôi em xanh mắt người đọc lạc vào mê đạo.

Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu

Toàn thể câu thơ là một bể hoang đường, lạc đất.

Tất cả những "cũng rồi", "mà xưa", "nghe dường" gieo vào câu thơ ở những chỗ bất ngờ nhất, tạo sự lỗi nhịp, làm đảo thần lục bát, phát sinh một hồi âm mới: Wagner hay Mozart? Phạm Duy hay Văn Cao? Có hết. Tất cả đồng quy ở tiếng gọi thiên thu hay tất cả đều đã hoang sơ?

Cung Trầm Tưởng đã xướng lên một thứ cổ dao hiện đại:

Non sông bóng mẹ sầu u
Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu

Những tiết tố âm nhạc, quá khứ, hiện tại, không gian, thời gian, ẩn hiện, giao tỏa với nhau. Những hình ảnh sáo mòn như "đơm hoa kết mộng", "sông Thương trắc trở" được hồi sinh trong một kiếp mới, nhờ cách xếp câu, đảo tứ:

Bù em một thoáng trời gần
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
Bù em góp núi chungđồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
Bù em xuôi có ngàn thơ
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương

Những cách treo chữ: cũng rồi, cũng ngần..., buông chữ: bù em, thôi em..., đảo chữ: mòn trông..., hoặc tạo cảnh: chiều lu mái sầu... đều có tính cách phá tan cấu trúc nội dung, cấu trúc âm thanh của lục bát ca dao để tạo ra, về mặt thời gian, một tiếng gọi từ ngàn xưa vọng lại, về mặt âm thanh và tư tưởng, thành một nhạc âm cổ điển và hiện đại, phong liệm nỗi buồn nguyên thủy, rồi nghiền tán nó ra, rắc vào không gian, gieo vào vũ trụ, tạo ra một môi trường buồn ẩm nhạc thấm sâu vào tận hồn người..."



2. Vài bài thơ của Cung Trầm Tưởng:
(Ngoài 5 bài Mùa Thu Paris, Tiễn Em, Bên Ni Bên Nớ, Chiều Đông, Kiếp Sau và Về Đây đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc):


ĐÊM SINH NHẬT
mơi rơi đêm lạnh Saigon
mưa hay trời khóc đêm tròn tuổi tôi?
mưa hay trời cũng thế thôi
đời nay biển lạnh, mưa bồi đất hoang.
hồn tu kín xứ đa mang
chóng hao tâm thể, sớm vàng lượng xuân
niềm tin tay trắng cơ bần
cuối hoàng hôn lịm bóng thần tượng xưa.
đêm nay trời khóc trời mưa
gió lùa ầm đục, trời đưa thu về
trời hay thi khóc ủ ê?
cổ cao áo kín đi về buồn tôi.


THU NGÂY
Về đây tôi gặp lại mùa
Thu nghìn thu cũ về lùa nắng trong
Thu về bằng lối rêu phong
Bánh xe diệu nghệ khép vòng thời niên
Trời nong chật nỗi thu phiền
Hồn cây hồng mộc ngợp miền thu Tây
Tôi về lạc lối thu ngây
Rừng thu tiếng sóc nghe gầy tim hao
Ôi thông xanh ôi hồng đào
Phong rêu mấy thuở hồn nào không đau


VÔ VÀN
tặng vợ

em là nàng Mạnh Quan thời Hán
mặc quần vải bố, cài gai trâm
đương lúc anh mong rầu rĩ ruột
lòng em đứt đoạn lệ tuôn thầm

đứng thế làm cha nuôi con dại
để nhà có nóc lúc chồng xa
em đứng thay nam tròn chữ hiếu
thờ cha phải đạo, dưỡng mẹ già

chải gió dầm mưa chưa hết hạ
vai chồng em thử áo ngừa đông
cắn chỉ luồn kim may gấp gấp
vuông khăn còn ấm lệ đưa chồng

khoảng cách Sâm Thương bao ánh sáng
tình em chẳng ngại nước sông dài
em điểm màu lê lên rêu ám
của đời nhạt mận, rữa đào phai

mỗi chữ thư em gầy nét liễu
anh ôm trên núi, ấp trong khe
em là lửa ấm đêm đông rét
trận gió đem mưa đến hạn hè

là nắng thu hanh, mây lững thững
thông reo trầm vút đỉnh trời cao
em giăng mộc thảo xanh triền núi
ly cách lòng anh khói lũ trào

biển động thuyền lay, em vững lái
anh thương hạt gạo xẻ làm đôi
tình nghĩa em như sau bão thổi
bãi yên bể lặng, cát về bồi.




3. Tâm tình với Nhà thơ Cung Trầm Tưởng

(Thực hiện: Đinh Quang Anh Thái )
Mấy ngày qua, trời Cali có lúc sũng nước, không khí se lạnh và trần mây xám xịt. Rõ ràng là thời tiết mùa Thu. Buổi sáng đầu tuần, nhà thơ Cung Trầm Tưởng từ Minnesota đến Quận Cam và ghé thăm tòa soạn Người Việt. Nhà thơ đã dành cho Ðinh Quang Anh Thái cuộc nói chuyện thân mật sau đây.

-ĐQAThái: Thưa nhà thơ, mùa Thu Cali, mùa Thu Minnesota và mùa Thu Paris khác nhau ra sao ạ?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Khác chứ. Thu Paris là mùa Thu của kỷ niệm vì lúc đó mình hãy còn trẻ; Thu Minnesota rực rỡ vì lá úa vàng xen lẫn lá đỏ, lá tím…; còn Thu Cali giúp tôi tìm lại được không khí Thu của Hà Nội.

-ĐQAThái: Mùa Thu Hà Nội vẫn còn trong tâm tưởng của nhà thơ?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Thu Hà Nội tuyệt vời, không thể nào quên.

-ĐQAThái: Bài thơ “Mùa Thu Paris” của ông đã vang lừng hơn nửa thế kỷ qua trong lòng nhiều người; nhà thơ đã cảm hứng trong tâm trạng và bối cảnh nào khi viết bài thơ này?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Lúc đó là năm 1954, tôi đi du học bên Pháp và ở vào tuổi vừa mới ngoài 20. Trước khi đặt chân đến Kinh Thành Ánh Sáng, tôi đã có một mối tình, và cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi những nhà thơ Pháp thời bấy giờ. Khi sang Paris, tiếng Pháp tôi cũng tương đối vì tôi đã chuẩn bị trước khi đi, cho nên, trong bối cảnh đó, tôi hội nhập ngay vào môi trường sống ở Paris, và trôi ngay vào không khí trữ tình của mùa Thu Paris. Bài thơ ra đời trong bối cảnh và tâm tình đó. Lẽ dĩ nhiên, phải có một cô tóc vàng sợi nhỏ nên dòng thơ mới bật lên.

-ĐQAThái: Mối tình với một nhan sắc tóc vàng sợi nhỏ trong bối cảnh trời Thu Paris, bây giờ hồi tưởng lại, nỗi xúc động có còn đọng chút nào không ạ?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Xúc động quá đi chứ. Lúc bấy giờ, tâm hồn mình thật là lạ, trong trắng, ngây thơ, nhìn đời qua lăng kính lý tưởng, thành ra, mối tình với người con gái tóc vàng sợi nhỏ đó là một kỷ niệm khôn nguôi. Ðôi lúc, tôi cũng không hiểu được là làm sao mà mình lại làm được một vần thơ ‘thơ’ đến như vậy.

-ĐQAThái: Thời trai trẻ, nhà thơ cũng là một sĩ quan Không quân?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Vâng, lúc đó tôi thi vào khóa sĩ quan Không quân bên Pháp, nhưng không phải là phi công lái máy bay. Và bài “Mùa Thu Paris” được viết trong giai đoạn đó.

-ĐQAThái: Trong tình khúc “Tiễn Em” do Phạm Duy phổ từ thơ của Cung Trầm Tưởng, có câu “tiễn em người xóm học”; xóm học là gì, thưa nhà thơ?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Bài thơ của tôi tựa là “Chưa Bao Giờ Buồn Thế”, anh Phạm Duy bảo tôi là để cho nó có tính cách được phổ biến hơn thì anh xin phép đổi là “Tiễn Em”. Trong đó ông có nhắc lại vài lần tiễn em, tôi bảo ông là không có gì trở ngại. Bài thơ có câu “hỡi người yêu xóm học, để sương thấm bờ đêm, đường anh đi…”, xóm học là khu đại học ở Paris.

-ĐQAThái: Trong bài “Chưa Bao Giờ Buồn Thế”, ông viết “tiễn em về xứ mẹ”, thì “xứ mẹ” có phải là Việt Nam không?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Không. “Xứ mẹ” trong bài thơ là ở miền Nam nước Pháp. Mùa Ðông Paris thời đó không khí thường bị ô nhiễm; và phổi nàng - người con gái gây cảm hứng khiến tôi làm bài thơ - không được mạnh và nàng lại bị suyễn nữa, vì thế bác sĩ khuyên là trong ba tháng mùa Ðông, nàng nên đi về miền Địa Trung Hải để hưởng không khí trong sạch. Ba tháng xa cách, thế nhưng thời đó tuổi trẻ lắm lúc đam mê và cũng hơi cường điệu, tôi có cảm tưởng xa nhau biền biệt, nên mới trải tâm sự thành bài thơ.

-ĐQAThái: Xin tò mò hỏi ông, người con gái trong “Chưa Bao Giờ Buồn Thế” và trong “Mùa Thu Paris” đều là tóc vàng sợi nhỏ chứ không cùng quê nhà với ông?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Lúc đó thì tôi thích cái gì mới lạ và rõ ràng, đó là cái bồng bột tuổi trẻ; bây giờ thì tóc huyền mắt đen là nhất.

-ĐQAThái: Có điều gì về mùa Thu Paris, thời nhà thơ từng sống mà chúng tôi không biết để hỏi ông?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Tôi viết về người con gái tóc vàng sợi nhỏ, có người hỏi tôi tại sao không là mắt xanh; tôi không hiểu tại sao mà tôi lại thêm chữ sợi nhỏ vào nhưng rõ ràng, tôi đã gây ra một hình tượng thơ quyến rũ.

-ĐQAThái: Trong tâm cảnh nào khiến cho nhà thơ viết nên bài “Bên Ni Bên Nớ” cũng đuợc Phạm Duy phổ thành nhạc?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Bài này dựa trên bối cảnh có thật thời đó là năm 1950 ở Đa Kao. Lúc bấy giờ tôi 18 tuổi, sống ở Đa Kao. Cuối phố là một nghĩa địa. Bài thơ có câu “tiếng chân gõ guốc người xa vắng người”; thời đó có những người lao động người ta đi guốc, thế thì tại sao người xa vắng người nhỉ? Lúc đó một cậu bé 18 tuổi như tôi linh cảm rằng cuộc chiến tranh này khiến con người với con người xa cách nhau. Đó là tôi linh cảm và vô tình viết ra .

-ĐQAThái: Sự linh cảm đó là một điều tiên tri?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Có thể. Nói rõ hơn là một tiên cảm, nó rất là mông lung, mơ hồ. Linh cảm của một thi sĩ nó lạ lắm.

-ĐQAThái: Lúc sáng tác bài đó, thi sĩ không thấy được trọn vẹn sự tiên cảm và mãi cho đến sau này mới lý giải như vậy?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Đúng, nhưng cái sợ mông lung đó nó ở trong tiềm thức của mình. Lắm lúc người ta làm thơ bắt đầu bằng tiềm thức, nó in vào trong tâm mình lúc nào không biết, vì thế mới có linh cảm về đất nước Việt Nam trong khoảng thời gian mấy chục năm nay sau này. Nó có một kích thước lịch sử ẩn náu trong tiềm thức của người thi sĩ và bật lên một cách vô tình thôi

-ĐQAThái: Ngôn ngữ trong bài thơ đó mang một chút hơi hướng miền Trung hay rõ hơn là xứ Huế, vì “bên ni và bên nớ”?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Thời đó tôi cũng có quen một cô thiếu nữ ở Huế và tôi mê lắm, cùng học trung học. Tôi có vợ chồng một anh bạn, cùng học một trường, anh có một đứa con sắp ra đời, và tôi là cha đỡ đầu cho đứa bé đó. Từ cảm hứng đó tôi mới làm bài này, trong có câu “bấm đốt ngón tay chờ đợi/chờ ngày con thơ, thơ ra đời”.

-ĐQAThái: Trong thơ của thi sĩ có cả rượu, có cả tình yêu đổ vỡ?

-Nhà thơ Cung Trầm Tưởng: Vâng, thời đó có phong trào vũ trường. Tôi mới tốt nghiệp xong tú tài thì đã đi khiêu vũ rồi nhưng vẫn còn rụt rè trước sắc đẹp của thể xác. Lúc đó mình chỉ là một cậu thanh niên mới ra đời thôi nên mới viết “Bên nớ dạ thành khoe tráng lệ, trơ trẽn giai nhân phô lõa thể, bên ni phố vắng ôi lòng ngoại ô”.

-ĐQAThái: Cám ơn nhà thơ đã đến thăm và trò chuyện với Người Việt.

Tình Thân,
Kính.
NNS
Về Đầu Trang
huynh mai



Ngày tham gia: 18 Apr 2012
Số bài: 1556

Bài gửiGửi: Tue Sep 11, 2012 11:55 pm    Tiêu đề: Sang mùa
Tác Giả: hm



                                    Sang mùa

Ở đây vắng nắng  bữa rày
gió nghe khan khác, như heo may về...
chó buồn ngái ngũ sau hè
Leo teo có khóm mười giờ nỡ hoa

Có người  ngóng một người xa
Lơ thơ lại dắt mình ên qua vườn
rồi hổm nay tự dưng buồn
Vẽ ra lục bát  chẳng đầy câu thơ.
..
Bước vô, rồi lại lui ra
nhà thờ đổ mãi hồi chuông lể đầu.
không nắng chắc không phải  Xuân
nghe se se lạnh chắc là qua Thu


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Âm nhạc Việt Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân