TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - CHIM SA CÁ LỤY
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

CHIM SA CÁ LỤY

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Fri Apr 22, 2011 3:22 pm    Tiêu đề: CHIM SA CÁ LỤY



Chim Sa Cá Lụy


      Có những hôm thức dậy ta cảm thấy bồn chồn không duyên cớ. Ta đâm ra suy nghĩ và đang sống trong trạng thái chờ đợi một sự kiện không vui sẽ xảy đến trong ngày hôm đó. Có người bỗng dưng nghe mắt mình bị "máy", bắp thịt mắt giằng co. Một hiện tượng nhỏ nhặt như vậy cũng bắt ta chú ý, kiểm điểm lại ngày giờ hiện tượng xảy ra, ghi lại mắt nào đã nhận được cái mật hiệu đó.
      Tôi còn nhớ những ngày nghỉ hè về nhà quê vắng lạnh, mỗi lần thơ thẩn ngoài vườn mà nghe được chim khách kêu là mở cờ trong bụng: chắc chắn sẽ nhận được thư xa, hoặc có khách tốt đến thăm viếng. Ðang canh một bệnh nhân mà nghe chim Cú điểm canh ba tiếng bên hè thì biết là bệnh đã vô phương cứu chữa.
      Những sự kiện như vậy nhiều vô số kể, đủ mọi hình thức, đủ tầm quan trọng trong dân gian. Nhện sa là một hiện tượng cũng rất được chú ý. Nó sa lúc nào? No sa cách nào? Là loại nhện màu nào, đen hay trắng, lớn hay nhỏ? Ðang rộn rã trên đường cái quan, thình lình một tiếng "bộp" ngay trước mặt, một con chim rơi trước mắt hai chân đang dãy chết! Sự việc đó đủ làm cho nhiều người chùn bước, thấy cái dữ nhiều hơn cái lành. Gần đây các đàn cá Ông ở biển bên Mỹ đã tắp vào bờ mà chết có thể là để báo một cơn nguy biến nào đó mà người ta đã không xúc tiến việc điều tra.
      Những chuyện lạ như vậy không phải thời nay mới có. Nó đã có từ khi có xã hội loài người, có thể nói là từ khi vũ trụ này được thành lập. Một điều phổ thông nhất, được chấp nhận nhiều nhất là các điềm chiêm bao, các mộng về đêm lúc ta yên nghỉ. Tôn giáo đã ghi lại những giấc mơ lịch sử: Mẹ thầy Khổng Phu Tử thấy Kỳ Lân, mẹ Ðức Thích Ca thấy Bạch Tượng đến lễ kính với mình khi các bà thọ thai hai nhân vật xuất chúng trong thiên hạ. Các vị vua chúa thời cổ Ai Cập từng lo vận mạng nước nhà cũng đã quan tâm đến các điềm báo mộng. Trong Cựu Ước có thuật lại việc vua Pha-Ra-Ông đã mộng thấy bảy con bò mập được thay thế bằng bảy con bò ốm đói, Ngài đã nhờ Joseph giải điềm và nhờ đó mà cứu được dân đói kém trong bảy năm liên tiếp. Gần đây hơn, tại các xứ văn minh hơn, nhân loại còn nhận được một cách tập thể những điềm mà hiện giờ các tổ chức đoán mộng giải điềm đang vô cùng bối rối.
      Trong bài này, chúng tôi không đề cập đến những hiện tượng có tầm vóc quốc tế mà chỉ giới hạn kinh nghiệm mình vào những điềm báo với tầm vóc nhỏ bé hơn xảy ra thường xuyên trong dân gian và tùy ý mỗi người giải thích vì chưa có một công trình văn chương nào đáng tin cậy, đủ tổng quát để làm việc đó.
      Ðối với các hiện tượng huyền bí này, có hai thái độ, cả hai đều cực đoan: Thời buổi này thái độ ta chờ đợi là sự nhạo báng. Nhiều người cho đó là sự nhảm nhí, vô căn bản. Nếu ngày hôm đó ta thấy bồn chồn rồi trong ngày hôm đó ta lại bị một tai nạn xe cộ, thì có liên quan gì giữa hai dữ kiện? Toàn là ngẫu nhiên. Nếu đêm qua mộng báo bị rắn cắn, rồi hôm nay xảy ra vụ cãi lộn với kẻ xấu miệng bên kia rào thì sự mật thiết ở chỗ nào? Nói một cách tâm lý hơn, người ta có thể bảo rằng chính cái thái độ mong đợi của nạn nhân đã mời mọc sự kiện dữ đến với họ! Chim sa cá lụy là việc thường tình. Biết bao nhiêu trường hợp các thú vật qua đời trong gốc này kẹt nọ thì thử hỏi đó là điều gì chứ? Và cho ai? Chiêm bao, mộng mị là sự hoạt động của một cơ thể bình thường, của một bộ não lành mạnh. Những người không chiêm bao sẽ bị mất quân bình và có khi đi đến điên loạn nếu tin theo các khảo cứu khoa học gần đây. Với thái độ đó, các hiện tượng xảy ra một cách ngẫu nhiên, mà đặt tầm quan trọng vào đó là tự đặt mình trong mê tín dị đoan.
      Thái độ thứ nhì cũng cực đoan, là của những người cả đời chỉ lo, cứ sợ, nhìn đâu cũng thấy hiện tượng xấu, không dám nói, không dám hành động, không dám cả suy nghĩ, lúc nào cũng tưởng sống dưới áp lực của sự dữ. Chắc ai cũng còn nhớ lúc phong trào đánh đề thịnh hành ở Việt Nam, cứ mỗi sáng là các bà tung tăng chạy hết làng trên xóm dưới để ghi các điềm chiêm bao đã xảy ra cho kẻ khác. Rồi đoán, rồi giải, rồi dùng tiền để áp dụng cái linh ứng.
      Ta cần biết chắc chắn rằng: không phải tự nhiên mà con người tự bịa đặt ra những cách báo điềm báo mộng. Ta nên nhớ rằng mỗi một quốc gia được tạo ra, đã được tạo ra trên căn bản điạ lý, kinh tế và siêu hình. Cái tin tưởng của tâm linh là một yếu tố căn bản cho một dân tộc được tồn tại, có mục tiêu sống và tiến hóa. Từ các đền thờ nguy nga của các nền văn minh cổ xưa, thờ kính một vị thần linh với các uy nghi quân lễ, cho đến một bát hương, một ngọn nến dựa dưới gốc cây hay chân núi, tất cả nói lên sự hiện hữu của một cái gì linh thiêng, của một Ðấng mà mắt ta không thấy, mà các giác quan phàm của ta từ chối chấp nhận. Nhưng rồi một cái gì thổn thức trong thâm tâm đã tạo ngày qua tháng lại cho một hình bóng lúc thực lúc hư, nhưng không thể nào hoàn toàn vắng lặng. Cái cảm giác đó, cái bồi hồi đó cho ta thấy ta không sống riêng rẽ bên lề vũ trụ. Ta ở trong vũ trụ, trong một thế giới đã được đặc biệt tạo sẵn cho ta. Trong cái khung cảnh đó của thiên nhiên, hình dáng ta đã được đan dính liền với tạo vật: núi, sông, cây cỏ, thú cầm. Hồn vũ trụ ở trong ta, trong muông chim, trong cỏ cây, bàng bạc trong muôn loài.
      Tại sao ở Việt Nam, ông bà ta lại có tục vấn khăn cho cây cối khi gia đình chịu tang một người thân? Các cụ tin rằng nếu không làm như vậy thì dù chỉ là bất động vật, các cây sẽ buồn và khô héo. Cái liên đới trong tình cảm đó còn được nghe trong các chuyện, các vật nuôi trong nhà biết buồn biết khổ khi phải xa lìa những người quen nó chung đụng. Câu chân ngôn: "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ" đúng với ta và vũ trụ quanh ta. Nhận thức như vậy rồi ta dễ chấp nhận được một thế giới vô hình ở quanh ta, bao bọc ta, thông cảm và huấn luyện ta để giúp ta tiến hóa.
      Không phải tự nhiên con người bịa đặt ra những cách báo điềm ta đã quen thuộc. Ðó chẳng qua là những thông điệp xuất phát từ bên kia nhằm tạo một mối liên lạc với những kẻ hữu duyên. Thay vì ra mặt để tiếp xúc với người phàm, thần linh thường mượn những quy ước qua trung gian những giấc mộng hay những sự việc xảy ra chung quanh ta. Cách thức này được lặp đi lặp lại nhiều lần cho nhiều phần tử khác nhau, để họ phân tích, để họ đi đến kết luận giống nhau và các kết luận này trở thành cái quy ước giữa hai thế giới. Cho nên các quy ước không trong một ngày một tháng một năm mà thành, mà phải là cái kết tụ của bao nhiêu kinh nghiệm bản thân đã đơn giản hóa cho dễ nhìn và dễ chấp nhận hơn.
      Người ta vẫn hỏi tại sao Thiêng Liêng không thông báo trực tiếp mà phải mượn qua trung gian để có kẻ tin người không? Thật ra sự hé lộ của thần linh hoàn toàn do cơ duyên. Mức độ tiếp xúc rõ ràng hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố do Thiêng Liêng định đoạt vì lợi ích riêng cho tâm linh con người. Sự bán tín bán nghi cũng rất tốt cho con người là buộc họ phải tò mò suy nghĩ, tập mở trí sáng suốt, và việc Thiêng Liêng ra mặt sẽ đem đến cái hại nhiều hơn cái lợi. Con người sẽ dựa vào đó, tùy thuộc vào tha lực, mất sự tự do lựa chọn của mình, và đà tiến hóa tâm linh của họ bị bế tắc ngay từ lúc đó. Tùy theo tâm tính của từng cá nhân, thông điệp được chuyển đến trực tiếp hoặc gián tiếp và người gửi thông điệp không bao giờ xuất hiện.
      Những cảm nhận mà ta cho là "giác quan thứ sáu" có phải chăng là do sự tác động của vô hình lên thân xác con người? Nếu đồng ý rằng mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân xa hay gần thì những lúc chúng ta bảo: "Cái gì khiến tôi... " hay "May qúa... " hoặc: "Rủi quá... " sẽ không còn là ngẫu nhiên nữa.
      Ðiềm báo có linh ứng hay không còn tùy thuộc vào đức tin người thọ nhận. Có chấp nhận quy ước thì chim sa nhện rớt mới có ý nghĩa, nếu không thì chim vẫn sa, cá vẫn lụy như từ cổ chí kim. Việc này tương tự như khi chúng ta xin xâm, giải đáp từ thần linh được thể hiện qua quy ước của những lời lẽ trong lá xâm, hình thức bói bài cũng có thể giải thích như trên. Ý nghĩa những lá bài là trung gian của những thông điệp từ cõi vô hình, do đó sự linh ứng thường tùy thuộc vào người đi xem có duyên được mách bảo hay không chứ không tùy thuộc vào tài nghệ của ông hay bà thầy bói. Ðối với các điềm chiêm bao, chúng ta chấp nhận lời giải thích của khoa học, nhưng vẫn không phủ nhận là cõi vô hình vẫn mượn hình thức đó để liên lạc tâm linh với chúng ta.
      Dù các sự báo điềm không tỏ ra linh ứng cho mỗi trường hợp một, thì đây chúng tôi cũng thấy một nghĩa cử rất đẹp từ bên kia thế giới. Một cử chỉ đầy ưu ái lại còn chứa đựng một vài yếu tố có thể giáo dục chúng sanh. Lấy thí dụ con chim sa, đã sa trước mắt ta và làm ta suy nghĩ. Chim khi mãn hạn sống thì chết, rũ cánh, buông chân rơi xuống bất cứ đâu, không phải vì ta cần cái điềm đó mà nó mới hy sinh mạng nó. Nhưng một dữ kiện khác làm ta suy nghĩ nhiều hơn: là cái chết bình thường của một con vật bình thường như con chim nhỏ cũng được thần linh dùng trong một mục tiêu hữu ích. Thấy cái chết ta giật mình. Ta biết tội nghiệp, lòng từ bi của ta có dịp được thúc giục, ta có thể nhặt nó lên, nhìn vào cặp mắt của nó chưa nhắm hẳn, ta sẽ có một cử chỉ trìu mến. Có thể đó là lần đầu có người mới chứng kiến cái chết. Sự kiện làm cho họ suy nghĩ và nhớ đến cái sống của mình, cái chết có thể đến lúc nào, và ta có thể tự hỏi ta đã sống ra sao, hành động ra sao, và đời ta có hữu ích như đời con chim nhỏ này chăng?
      Dù cái điềm đó không ứng hiện lúc đó, sự kiện cũng cho ta thấy sự ưu ái của thần linh đối với ta. Ta muốn nghĩ rằng người đã biết tính ta cũng như cha mẹ ta biết ta, và lâu lâu cũng có lời dặn dò khi ta không còn cẩn thận và đầy tự tin nguy hại "Coi chừng con! Hãy coi chừng! ", và đó cũng là một niềm an ủi: trong đời này ta không cô đơn như ta tưởng.
      Chúng tôi đã đọc qua chuyện của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma Anagarika Govinda đã nhờ các chiêm bao mà hoàn tất lộ trình hành hương của mình trên sa mạc. Dựa theo truyền thuyết nằm mơ thấy người chết là sắp có mưa, ông đã áp dụng quy ước đó và đem ra ứng dụng cho một vùng mà mưa rất hiếm có. Ông bảo: "Vào những năm sau này, mỗi lần hành trình qua xứ Tây Tạng, tôi đã ghi nhận những giấc mơ của tôi và hoạch định lộ trình của mình theo đó. " Người Tây Tạng còn nhiều phương pháp khác để tiếp xúc với vô hình như thiền định, cầu hồn, sấm, hay những báo điềm huyền bí khác. Trải qua ngàn năm nay, người dân xứ này được hướng dẫn bằng cách đó trong cuộc sống hằng ngày. Họ sẽ hết sức ngạc nhiên nếu có ai đặt nghi vấn hay có ý ngờ vực những sự kiện thu nhận bởi phương thức này. Những sự kiện đối với họ là những kinh nghiệm thực tiễn thông thường chớ không có quan hệ gì đến đức tin hay giáo thuyết gì cả. Lấy khoa học mà chứng minh cho việc này đối với họ là hy hữu, giống như sự chứng minh sự hiện hữu của ánh sáng, một điều mà ai cũng biết chỉ trừ kẻ mù.
      Trong nhiều năm nay, qua sự tiếp xúc với các chứng nhân của mỗi sự kiện, chúng tôi đã may mắn nhìn được một vài khía cạnh của chân lý vô hình, nên khẳng định rằng, các hiện tượng "chim sa cá lụy" cũng như nhiều hiện tượng khác xảy ra trong dân gian đều là những thông điệp từ cõi vô hình. Chúng tôi chiêm nghiệm từng trường hợp một, phân tích từng tính tình và đã đi đến kết luận là mỗi hiện tượng đều chứa đựng sự giúp đỡ, sự giáo dục cần thiết cho mỗi tâm linh con người. Tuy là phân tích cho từng người riêng rẽ, tùy theo cá tính, tùy thể chất, tùy căn cơ, nhưng bài học rút tỉa được từ mỗi hiện tượng vẫn là bài học cho đại chúng. Biết rằng các hiện tượng vô hình, các ấn chứng khi tu tập vẫn còn được tiếp nhận đều đều, chúng tôi chỉ mong được ngồi lại để cùng mổ xẻ, phân tích từng truờng hợp với sự nhận định rằng không một trường hợp nào kém phần quan trọng trong công việc chúng ta cùng tìm hiểu ra ý trên, hành đúng theo ý trên để cùng tiến hóa tâm linh, trang bị đầy đủ hành trang để bước vào Thượng Ngươn Thánh Ðức đã từng được hứa hẹn bấy lâu.

Minh Tế





Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tâm Linh Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân