TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Sat Mar 05, 2011 12:49 am    Tiêu đề: Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế




Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế


      Xin nghiêng mình kính phục với muôn vàn thương tiếc.
      Trong những năm tháng dài tị nạn tại hải ngoại, Quí Vị đã được đọc nhiều lời Phân Ưu trên các báo chí hay đặc san Việt Ngữ, tuy nhiên chưa bao giờ Quí Vị được thấy một lời Phân Ưu đặc biệt như dưới đây.
      Để biết tại sao Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế, nguyên Y Sĩ Trưởng Sư Đoàn TQLC của QLVNCH lại được các anh chị em homeless ở khu Bolsa, Little Sàigòn kính trọng gọi là Cha Già hay vị Bồ Tát Thời Đại, xin mời Quý Vị đọc bài viết dưới đây.
      ***************************
      Thương Tiếc Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế - Vị lương y của người homeless Bolsa
      WESTMINSTER - Tin Bác Sĩ Quân Y Nguyễn Văn Thế, có phòng mạch tại đường Bolsa, giữa lòng Little Saigon, tạ thế sáng 21 tháng 2, khiến nhiều người xúc động, dù họ không là thân bằng quyến thuộc của ông.
      Những người “homeless” ở khu Bolsa nói về vị ân nhân chung, là bác sĩ quân y Nguyễn Văn Thế, vừa qua đời sáng Thứ Hai, 21 tháng 2. (Hình: Hà Giang/Người Việt)
      Tiếp xúc với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại, nữ ca sĩ Thanh Mai bảo rằng, bà “rất buồn, rất thương tiếc, ” vì theo bà, trong cộng đồng mình, “rất hiếm ai có được tấm lòng hay trái tim như thế! ”
      “Phải nói bác sĩ Thế là người có trái tim Bồ Tát! ” - Ca sĩ Thanh Mai chia sẻ.
      Rồi bà kể lại một câu chuyện khiến bà “rất ngạc nhiên, cảm kích và nhớ mãi. ”
      Ðó là lúc bà mới từ Pháp sang Hoa Kỳ, chân ướt chân ráo, chưa có bảo hiểm sức khỏe, con gái của bà bị té, và bị chiếc vòng cẩm thạch bể đâm vào tay, chảy máu rất nhiều. Bà được một người quen giới thiệu đưa con đến gặp Bác Sĩ Thế.
      “Bác sĩ tự tay rửa vết thương, tự tay cắt và may lại, rồi không lấy tiền gì hết! ”
      “Lúc đó tôi rất lấy làm lạ, ” ca sĩ Thanh Mai kể, vì “mình không quen biết gì với bác sĩ hết! ”
      Ca sĩ Thanh Mai cho rằng, có thể Bác Sĩ Thế cũng không nhớ là đã giúp bà, và sau này, bà cũng không có dịp phải nhờ đến lòng tốt của bác sĩ nữa, nhưng “điều ông đã làm, tôi thực sự không bao giờ quên được. ”
      Không riêng Thanh Mai, trong số những người thương tiếc Bác Sĩ Thế, còn có một nhóm người khác, rất đặc biệt!
      Họ ở mọi lứa tuổi, đến từ những nẻo đời khác nhau, và có những quá khứ rất cá biệt, nhưng đời sống đã vô tình đưa đẩy họ đến gặp nhau, ở hàng hiên của tiệm bánh mì Lee\'s Sandwiches, trên một góc của Bolsa, gần đối diện phòng mạch của Bác Sĩ Thế phía bên kia đường.
      Ðó là nơi họ thường xuyên tụ tập để chia sẻ nỗi niềm, mà chỉ có những người “homeless” - vô gia cư - như họ mới có thể hiểu được.
      Và buổi chiều được tin Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế từ trần, họ có thêm một điều nữa giống nhau: Cùng chung một niềm thương tiếc.
      Họ đứng tụm vào nhau, nét mặt buồn rầu, tư lự, nhưng cùng đua nhau kể, như sợ nếu không kể thì sẽ mất cơ hội nói về một vị lương y, mà họ hết sức quý mến và chịu ơn.
      “Bác Sĩ Thế chết rồi! Em mới nghe tức thời thôi! ” - Một người nói.
      “Buồn lắm! Buồn như mất một cái gì lớn lắm vậy! ” - Người khác tiếp lời.
      “Tụi tôi ở đây là người không nhà! Bác sĩ giúp cho anh em ở đây nhiều lắm! ” - Một người đứng tuổi giải thích với phóng viên Người Việt.
      Một người trẻ tuổi, tên Ba, đa kể: “Ông giúp cho bữa ăn. Chiều chiều, anh em nào đói bụng, không có tiền ăn, tới đây, bác sĩ cho anh em mỗi đứa 5 đồng. ”
      Một người trẻ tuổi tên Cường tiếp lời: “Mà không phải bác sĩ giúp năm bữa nửa tháng thôi đâu, giúp nhiều năm lắm lận! ”
      “Giúp nhiều năm rồi, năm, bảy năm rồi. Có lúc tụi em kéo đến phòng mạch gần hai chục đứa! ”
      “Thoạt đầu, sau giờ làm việc, tụi em kéo vào phòng mạch hết, sau này, tụi em nghe mấy bệnh nhân nói sao bác sĩ cho mấy anh em không nhà (homeless) vô nhiều quá, sợ dơ phòng mạch; tụi em sợ bác sĩ mất khách, nên cho một anh em vào thôi, rồi mang tiền bác sĩ cho đưa ra cho các anh em khác. ”
      Như sợ các bạn nói hết, một người khác, tên Châu, cắt ngang: “Còn em nè, em là ngày nào em cũng tự vô trong chỗ ổng khám cho bệnh nhân luôn, chính tay bác sĩ cho em lúc 10 đồng, lúc 5 đồng, đi ăn. ”
      “Hồi đó, em ở dưới đường Main, em ở tù về, không có tiền trả tiền tòa, tới ngày trả tiền tòa mà không có tiền, thì phải vô lại tù. Em thì không có ai giúp vì em homeless, em nói: ‘Bác Sĩ Thế, giờ con còn thiếu 50 đồng tiền tòa. ’ Bác sĩ nói không sao, rồi cho em 50 đồng, còn cho em tiền đi tắm rửa, và cho tiền đi ăn uống nữa. ”
      Một người đứng tuổi từ tốn cho biết, bác sĩ tốn tiền với họ nhiều lắm, “ngày hơn cả trăm bạc, ” vì “có bữa tụi tôi kéo đến mấy chục người. ”
      “Còn em, cách đây mấy tháng, em bị chó cắn, chó cắn em ngay cái ngực, còn cái thẹo nè, cắn đau lắm! Em vô phòng mạch, ông băng cho em, cho thuốc em uống, dặn em hoài, là phải uống thuốc một ngày hai lần, còn cho thêm 20 đồng nữa. ” - Một người nói.
      Người khác kể lể: “Chiếc xe của bác sĩ đi, đậu đằng sau, mỗi ngày em rửa, em chùi sạch bóng. Khi em rửa xong, bác sĩ cho em 20 đồng. Em nói chỉ làm giúp để cám ơn bác sĩ, không nhận tiền, nhưng bác sĩ không chịu, bắt em lấy tiền, vì biết hoàn cảnh của tụi em. ”
      “Ai cần gì, ông cũng giúp; ai đau, ổng khám bệnh cho. Nghèo thì khám không lấy tiền, rồi còn cho thuốc, còn dặn phải uống thuốc cho đúng giờ mới hết! ”
      Họ lắng nghe câu chuyện của nhau, rồi cùng nghĩ về vị ân nhân vừa qua đời.
      Một người cất tiếng: “Tụi em biết ông bịnh, vì phòng mạch đóng cửa hoài, vậy mà nghe tin ông mất, sững sờ, buồn quá! ”
      “Người đâu mà tốt quá không biết, tốt còn hơn Bồ Tát nữa, Bồ Tát đâu có giúp tụi em được gì đâu! ”
      Một người tên Ba nói: “Lâu lâu, nhớ bác sĩ, em bước qua đường nhìn phòng mạch coi bác sĩ về chưa. Rồi hôm nay thì nghe tin ông chết! ”
      “Tụi tôi nghèo, nhưng đang tính góp tiền mua cho bác sĩ một vòng hoa, rồi đi viếng... ” - Người đứng tuổi vừa nói, vừa lắc đầu.
      Nắng tắt, từ bên hông tiệm Lee\'s Sandwiches, mọi người chợt cúi đầu rồi lại ngước mắt lên, hướng về phía phòng mạch Bác Sĩ Thế.
      Có thể, một số trong họ sẽ tìm cách đến để thăm bác sĩ ở nhà quàn, có thể họ sẽ đến để đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng.
      Và sau đó, họ thôi, sẽ không còn bao giờ được nhận từ ông những săn sóc, mỗi khi bệnh tật hay đói lòng. Nhưng họ sẽ nhớ mãi nụ cười hiền hậu của ông, những đồng tiền ông dúi vào tay họ cho những bữa cơm chiều.
      Và hơn tất cả, điều mà họ sẽ nhớ nhất chính là cử chỉ của Bác Sĩ Nguyễn Văn Thế - những cử chỉ củng cố cho họ niềm tin, và nhắc nhở họ rằng, lòng nhân là một điều có thật.
      Hà Giang/Người Việt



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân