TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Khoa học gia Trịnh Hữu Phước
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Khoa học gia Trịnh Hữu Phước

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Mon Nov 01, 2010 12:00 am    Tiêu đề: Khoa học gia Trịnh Hữu Phước




Khoa học gia Trịnh Hữu Phước.  

Khoa học gia gốc Việt chỉ huy thành công thí nghiệm của NASA,HUNTSVILLE, Alabama - Một khoa học gia gốc Việt vừa chỉ huy thành công một thí nghiệm liên quan đến nghiên cứu trên mặt trăng.

Theo thông cáo báo chí của NASA, Trung Tâm Không Gian Marshall ở Huntsville, Alabama, Cơ Sở Thí Nghiệm White Sands, New Mexico, và công ty Pratt & Whitney Rocketdyne ở Canoga Park, California, vừa hoàn tất thành công một loạt thí nghiệm động cơ đẩy tại New Mexico, nhằm trợ giúp việc thao diễn và hạ cánh phi thuyền thế hệ robot mới để có thể khai thác bề mặt mặt trăng và các hành tinh không có không khí trong hệ mặt trời.
Hai trung tâm nêu trên đều thuộc cơ quan quản trị không gian NASA của Hoa Kỳ.
Bản thông cáo báo chí trích lời khoa học gia Trịnh Hữu Phước nói: “Cuộc thí nghiệm cho thấy sự đốt cháy ổn định trong tất cả mọi trường hợp và cho thấy những kết quả liên quan đến nhiệt độ như mong muốn.”
Khoa học gia gốc Việt này là kỹ sư hàng đầu của dự án đang được thí nghiệm tại Trung Tâm Marshall.
“Nhiệt độ đóng băng thấp có thể tiết kiệm năng lượng nhiệt một cách đáng kể cho phi thuyền và gia tăng sức nóng cho toàn thể hệ thống đẩy,” khoa học gia Trịnh Hữu Phước nói tiếp.
Dự Án Phát Triển Hạ Cánh Bằng Robot Trên Mặt Trăng tại Trung Tâm Marshall đã thí nghiệm hai động cơ đẩy, một cái nặng 100 pound để đáp xuống mặt trăng và một cái nặng 5 pound để kiểm soát độ cao.
Nhóm khoa học gia đã sử dụng hồ sơ của các chuyến bay lên mặt trăng trong suốt cuộc thí nghiệm của các động cơ đẩy nhỏ để đánh giá khả năng các kỹ thuật động cơ đẩy nhằm áp dụng cho các phi thuyền của NASA trong tương lai.
Chương trình thí nghiệm hoàn toàn đạt được các mục tiêu, bao gồm đánh giá sự đốt cháy ổn định, máy móc hiệu quả và khả năng động cơ đẩy hoạt động trong suốt chuyến bay và trong thời gian dài khi nhiên liệu được đốt tối đa.
Kết quả của cuộc thí nghiệm sẽ cho phép Dự Án Phát Triển Hạ Cánh Bằng Robot tiếp tục với các chương trình kỹ thuật cao cấp khác.
Dự Án Phát Triển Hạ Cánh Bằng Robot Trên Mặt Trăng là một chương trình phối hợp giữa Trung Tâm Marshall và Phòng Thí Nghiệm Vật Lý Ứng Dụng của Ðại Học Johns Hopkins, Maryland. (Ð.D.)
Người Việt    


Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Mon Nov 01, 2010 12:07 am    Tiêu đề: Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước




Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước.

Từ Bạc Liêu đến NASA:
Câu chuyện của Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước.
Xuất thân từ một vùng thôn quê, cách thị xã Bạc Liêu 16 cây số, cậu học sinh lớp 11 năm nào, người từng định nhảy xuống biển bơi ngược về nhà trên chuyến tàu vượt biên, giờ đây, đã có thể hãnh diện tự tin ngồi đối thoại, thuyết trình cùng những nhà khoa học Mỹ về các đề án cải tiến kỹ thuật cho việc thám hiểm mặt trăng của cơ quan nghiên cứu không gian NASA.(Hình phải:Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước (giữa) cùng vợ, Tiến Sĩ Diệp Trịnh, và con gái út trong ngày nhận huy chương cho những đóng góp xuất sắc, lâu dài của ông cho kỹ thuật hỏa tiễn và những ứng dụng kỹ thuật mới cho phi thuyền Mặt Trăng và Hỏa Tinh, tháng 5 năm 2010. (Hình: Gia đình cung cấp)

Cậu học sinh năm nào đó chính là Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước ngày nay.

Giản dị, chân chất, cởi mở là điều dễ nhận thấy ngay trong lần đầu tiếp xúc với tiến sĩ Trịnh Hữu Phước, người đang giữ nhiệm vụ trưởng nhóm chuyên viên kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hỏa tiễn hạng nặng cho NASA.

“Tôi rời khỏi Việt Nam vào tháng 5, năm 1979, sau khi học hết lớp 11, tại Cà Mau. Ðáng lý ra phải đi chung với một số người trong gia đình, nhưng do trục trặc, cuối cùng chỉ có một mình tôi lên tàu. Trong lúc sợ quá vì không hề chuẩn bị tư tưởng cho việc ra đi một mình, trong người không có đồ đạc, tiền bạc gì hết, tôi đã định nhảy xuống bơi vào bờ.” Tiến Sĩ Phước bắt đầu câu chuyện với phóng viên Người Việt bằng cách kể lại chuyến vượt biên của mình cách đây hơn 31 năm.(Hình phải:Ra đi từ vùng thôn quê Bạc Liêu từ năm 16 tuổi, vượt qua nhiều gian nan để sinh tồn và học tập, hôm nay Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước đã là trưởng nhóm chuyên viên kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hỏa tiễn hạng nặng cho NASA. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt) .


Chủ tàu sợ lộ nên hứa với cậu bé Phước hãy cứ yên tâm đi, sang đến đảo ông sẽ giúp đỡ.

Tuy nhiên, như phần đông những thuyền nhân khác, chuyến hải hành tìm tự do của Phước cũng bị cướp. Vì thế, khi đến trại, chủ tàu đã không làm như lời hứa.

16 tuổi, một thân một mình, không có bất cứ hành trang tài sản gì trong người, Phước bắt đầu làm đủ mọi việc để có thể kiếm ăn cho chính mình, từ bán bánh mì đến lên rừng chặt cây làm giường cho người ta trên đảo Kuku, sau đó là Galang.

Thời gian này, Phước tình cờ gặp lại một người bạn học cùng lớp ở Bạc Liêu, qua đảo trước đó 2 tháng. “Trước khi rời đảo Galang sang Mỹ định cư, người bạn đó hứa sẽ tìm người bảo trợ cho tôi, bởi lúc đó tôi còn ở tuổi vị thành niên,” anh Phước kể tiếp.

Với sự giúp đỡ của người bạn này, một cặp vợ chồng thầy giáo người Mỹ, không có con ruột, chỉ có hai con nuôi người Korean, nhận bảo trợ cho Phước từ trại tị nạn Galang đến tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ.

Sau 6 tháng sống trong sự bảo bọc của hai vợ chồng Mỹ tốt bụng, khi tròn 18 tuổi, Phước dọn ra ở riêng cùng một anh bạn quen lúc ở đảo.

Thời gian tiếp theo, Phước vừa đi học vừa đi làm. Sau 4 năm rưỡi đến Mỹ, anh lấy được bằng đại học về kỹ sư phi hành không gian (Aerospace Engineer). Ðó cũng là lúc anh nộp đơn xin vào làm cho NASA theo một thông báo tuyển người mà anh trông thấy được ở trường đại học của mình.

Tuy nhiên, sau khi phỏng vấn, anh Phước không được chấp thuận bởi lý do “anh chưa phải là công dân Hoa Kỳ.”

Dẫu vậy, người phỏng vấn đã cho anh một lời hứa: giữ vị trí đó cho đến khi anh trở thành công dân Hoa Kỳ. Ðồng thời người này cũng khuyên anh trong thời gian chờ thi quốc tịch, hãy học tiếp bằng “master.”

Trịnh Hữu Phước chính thức về làm cho NASA sau khi tốt nghiệp cao học năm 1987, chuyên về phát triển động cơ hỏa tiễn “LOX-methan” - sử dụng nhiên liệu oxygen và methan lỏng - cho phi thuyền bay vào mặt trăng.

Như một sự sắp đặt của số phận, người bạn học ngày nào giúp anh đến Mỹ đã trở thành người bạn đời sau đó của Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước. Ðiều đặc biệt, cả 2 người, anh Phước và chị Diệp, tên vợ anh, đều ở trong nhóm kỹ sư của trung tâm phi hành không gian Marshall thuộc NASA ở Huntsville, Alabama.

Trong thời gian làm việc tại đây, hai vợ chồng anh đã tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ.

“Với người Việt Nam xưa nay, NASA vẫn là một điều gì đó khiến người ta ngưỡng mộ. Vậy bản thân anh cảm thấy như thế nào khi là một thành viên của NASA?” Tôi hỏi Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước khi anh đang say sưa nói về công việc của mình.

Anh cười thoải mái: “Tôi nghĩ bất kỳ ai cũng ít nhiều cảm thấy tự hào và hãnh diện về nơi làm việc của mình. Tôi cũng vậy thôi. Mà không chỉ người Việt Nam đâu, cả người Mỹ cũng cảm thấy tự hào khi làm việc cho NASA. Các con tôi cũng cảm thấy hãnh diện khi nhìn thấy sự xuýt xoa của bạn học khi chúng khoe cả ba mẹ đều làm cho NASA.”

Chưa có con số thống kê chính xác xem có bao nhiêu người Việt Nam đang làm việc cho 8 trung tâm NASA trên toàn nước Mỹ. “Riêng tại Trung Tâm Alabama, nơi chịu trách nhiệm về chế hỏa tiễn hạng nặng thì có chừng 6, 7 người Việt, tính luôn cả 2 vợ chồng tôi, trong tổng số 7,500 người làm việc tại đó.” Anh Phước cho hay.

Từ lần thám hiểm mặt trăng lần cuối của Hoa Kỳ vào năm 1972, cho đến nay, cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA mới lại bắt đầu nghiên cứu những cải tiến kỹ thuật về dụng cụ khoa học cho cuộc thám hiểm cũng như chế tạo phi thuyền một cách hoàn hảo thêm. Nhằm mục đích đến mặt trăng trong thời gian tới để khảo sát địa chất và những dữ kiện thiên nhiên như đo nhiệt độ lòng đất, độ động đất, độ từ trường... NASA chọn đề án chế tạo phi thuyền người máy Robotic Lunar Lander (RLL) để dùng cho cuộc thám hiểm này.

Trong đề án này, Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước, trưởng nhóm chuyên viên kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hỏa tiễn, chịu trách nhiệm đề án hai loại hỏa tiễn cho phi thuyền RLL. Trong đó, một loại dùng nhiên liệu lỏng điều khiển phi thuyền trong lúc bay và đáp xuống mặt trăng, một loại dùng nhiên liệu đặc để tạo ra phản lực làm giảm tốc độ của phi thuyền trước khi đáp.

Ðể có thể đảm đương nhiệm vụ tại trung tâm phi hành không gian Marshall thuộc NASA ở Huntsville, Alabama, không thể không nhắc tới quá trình học hành gian nan của Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước, đặc biệt là những ngày tháng vất vả để học tiếng Anh.

Anh Phước nhớ lại: “Tôi vào một lớp học ESL, học vài tuần cảm thấy không học nổi, vừa xin thầy giáo cho \'drop\' lớp nhưng đồng thời tôi cũng xin thầy cho tôi được học dự thính để ngồi nghe xem thầy nói gì.”

Thấy người học trò chịu khó quá, thầy giáo dạy tiếng Anh đã cho anh một “đặc ân:” mỗi khi chuẩn bị kiểm tra viết bài luận, thầy cho anh biết đề trước một ngày để anh về “ì ạch viết. Sau đó học thuộc lòng và hôm sau vô chép lại theo trí nhớ!”

Với môn khoa học chính trị, “lúc đó mình mù mịt chẳng biết gì, thầy động viên nếu cố gắng làm bài đạt điểm B, thầy sẽ nâng lên thành A. Và thế là tui ráng được B.” Anh cười hồn nhiên kể lại việc học không dễ dàng của mình ở những năm đầu đến Mỹ.

“Người ta học 1, học 2, mình phải học gấp 10 lần, bởi ngôn ngữ này xa lạ với mình quá mà.” Anh thú nhận.

Trải qua những ngày tháng học hành khó nhọc như vậy, nên ngày nay, khi có thể tự tin cùng ngồi lên đề án, phác thảo mô hình thiết kế hỏa tiễn cho việc nghiên cứu thám hiểm không gian cùng những nhà khoa học tên tuổi của Mỹ, Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước cũng “cảm thấy có phần hãnh diện.”

Câu chuyện vượt biên, vượt khó, từ một vùng nông thôn Bạc Liêu tiến đến NASA, được vợ anh Phước kể cho 3 cô con gái họ nghe mỗi ngày.

Tiến Sĩ Phước nói một cách thú vị: “Các con tôi thường nói thời đại ba mẹ khác thời đại chúng con, hay chúng con đã nghe câu chuyện này cả ngàn, lần cả triệu lần rồi. Thế nhưng mỗi lúc cần viết một bài luận về câu chuyện thích nhất, bao giờ chúng cũng viết về câu chuyện của bố mẹ mình.”

Nhìn lại chặng đường đã qua, Tiến Sĩ Trịnh Hữu Phước cảm nhận: “Mỹ là vùng đất cơ hội. Nhiều người Việt mình đã thành công trong nhiều lãnh vực trên đất nước này. Nhìn lại những gì đã qua, tôi chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm với những người trẻ là hãy cố gắng học khi có điều kiện, bởi học vấn luôn là nền tảng để mình có thể tham gia vào nhiều lãnh vực.”

Ngọc Lan
Nguồn:nguoi-viet



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân