TRƯƠNG BẢO SƠN & NGUYỄN TƯỜNG TAM
Người đi lâu chửa thấy về,
Nhớ người lòng suối Đa Mê gợn buồn
Hai câu thơ trên tôi biết từ thời còn rất nhỏ, thủa tôi một thời sống với bà nội và chú tôi, ông Nhất Linh, bên giòng suối Đa Mê, gần Đà Lạt. Ông Nhất Linh làm thơ, ông Nhất Linh viết văn, ông Nhất Linh chơi lan, ông Nhất Linh đi cùng đám cháu mấy đứa vào rừng chặt tre làm cả trăm cái đèn ông sao dự trù treo dài từ căn nhà tranh ở bên quốc lộ 20 đường lên Đà Lạt vào tận trong con suối thơ mộng đó. Con đường đất dài vài trăm mét. Trên các đèn trung thu ông cho viết những câu thơ của ông trong đó có câu thơ trên. Nên tôi thuộc. Tôi không biết chữ “Người” trong câu thơ là ai. Mãi tới hôm nay, đọc bút ký của chí sĩ Trương Bảo Sơn, tôi mới biết chữ “Người” đó chú tôi chỉ người đồng chí, người bạn văn thân thiết của ông, chí sĩ Trương Bảo Sơn.
Tôi được gặp (trông thấy) vài người bạn, người đồng chí của ông Nhất Linh khi các vị đó tới thăm ông. Nhưng tôi chưa từng được gặp nhà văn Trương Bảo Sơn. Tuy nhiên, tên tuổi và gia đình nhà văn Trương Bảo Sơn rất quen thuộc với tất cả mọi người trong gia đình Nguyễn Tường. Và chúng tôi, thế hệ con cháu, thường dành nhiều cảm tình và sự kính trọng cho nhà văn Trương Bảo Sơn, cũng như cho tất cả các bạn thân của thế hệ ông Nhất Linh. Đây là nét đặc trưng của gia đình Nguyễn Tường chúng tôi. Chẳng hiểu tại sao, chẳng hiểu từ bao giờ, chẳng ai bảo, nhưng hầu như tất cả những người bạn chính trị và văn nghệ của thế hệ trước, của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, của Tự Lực Văn Đoàn, đều được thế hệ chúng tôi, thế hệ con cháu, coi thân tình như người nhà. Và hầu hết chúng tôi đều coi là chú, bác.
Và những người con của các vị đó, một khi tình cờ gặp thế hệ chúng tôi, dù mới là lần đầu, cũng được chúng tôi coi như thân tình và họ cũng coi chúng tôi như người thân. Kim Anh, con gái của chí sĩ Trương Bảo Sơn, đối với tôi là một thí dụ. Có người bạn văn nghệ email hỏi tôi, “Thế ông và cô Kim Anh có quan hệ thế nào?”. Tôi hồi âm, có CC cho Kim Anh, “Chúng tôi là bạn thân chưa từng gặp mặt”. Trường hợp một người con trai của hoạ sĩ Cát Tường, anh cũng tên Tường, lần đầu gặp tôi ở Nam California cũng vậy. Một người con trai của Luật Sư Trần Văn Tuyên, anh Trần Tử Thanh, trong lần đầu gặp tôi cũng mang lại cảm giác thân mật như quen nhau đã từ lâu lắm. Môt người con dâu cũ của ông Đỗ Đình Đạo đối với gia đình Nguyễn Tường chúng tôi cũng vẫn đầy ắp thân tình. Chị nghỉ ca hát đã lâu, nhưng khi mời hát trong sinh hoạt ra mắt sách của chú út Nguyễn Tường Bách của tôi, chị niềm nở tới ngay. Như người nhà. Và chị ca hát xuất thần.
Gia đình Nguyễn Tường chúng tôi là vậy. Với các vị liên hệ tới Tự Lực Văn Đoàn, tới thế hệ ông Nhất Linh, chúng tôi coi như và được coi như “người nhà”. Sau mấy chục năm xa cách, gặp lại mấy người con của ông Nhất Linh và người con trai của ông Thạch Lam, nhà thơ Huy Cận bồi hồi, xúc động, hồi tưởng lại cái thời sinh hoạt Tự Lực Văn Đoàn sôi nổi, hào hứng và thân tình ngày xa xưa (1). Với các vị trong Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng vậy, chúng tôi cũng coi như và được coi như “người nhà”. Dường như chưa một anh em Nguyễn Tường nào của chúng tôi sinh hoạt trong Việt Nam Quốc Dân Đảng mà bị thắc mắc, “đã tuyên thệ chưa?” Rất nhiều người Nguyễn Tường thuộc thế hệ tôi, ngay cả tôi, mỗi khi bước tới một tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng nào, đều được đón tiếp với tình thân như tình gia đình. Có lẽ hầu hết những người Nguyễn Tường thuộc thế hệ tôi cũng coi mọi anh em Việt quốc như người thân. Chúng tôi, thế hệ Nguyễn Tường hậu duệ, may mắn có được cái tình thân với các vị liên hệ tới hai tổ chức chính trị và văn học đó. Có lẽ bởi vì các vị đó quí mến thế hệ cha chú của chúng tôi, các ông Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam v...v Trong các vị đó, vào thập niên 40-50, có nhà văn Trương Bảo Sơn.
Không phải tất cả Nguyễn Tường thế hệ hậu duệ đều đã gặp nhà văn Trương Bảo Sơn. Có lẽ những Nguyễn Tường thuộc thế hệ hậu duệ có dịp gặp ông chỉ gồm có các con của ông Nhất Linh và mấy anh khác lớn tuổi nhất họ, có hoạt động chính trị hay văn hoá thời cuối thập niên 1950 cùng với ông và ông Nhất Linh là các anh Nguyễn Tường Bá, Nguyễn Tường Hùng, Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn. Nhưng không ai trong chúng tôi là không biết tới mối thân tình của gia đình nhà văn Trương Bảo Sơn với gia đình Nguyễn Tường.
Cho mãi tới khi đọc bài tưởng niệm Nhất Linh của ông Trương Bảo Sơn tôi mới biết mối quan hệ của chiến sĩ cách mạng Trương Bảo Sơn với ông Nhất Linh trong thời cách mạng chống Pháp, chống Cộng, 1945… Nhưng vào cái thủa trung niên (1957, 58, 59, 60), nhà văn Trương Bảo Sơn đã sát cánh với ông Nhất Linh trong tập san Văn Hóa Ngày Nay. Khi Văn Hoá Ngày Nay đình bản, thì Tạp chí Tân Phong ra đời. Nhiều người vẫn cứ nghĩ rằng Tân Phong là một dạng khác của Văn Hóa Ngày Nay. Độc giả cũng có lý khi nghĩ vậy, bởi vì hai tên tuổi Nhất Linh và Trương Bảo Sơn đã gắn bó với nhau trên văn đàn trong thời gian đó.
Tới khi vụ đảo chính 11/11/1960 chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm bùng nổ, trong giới chính trị và những người quan tâm lại thấy hai tên tuổi Trương Bảo Sơn, Nhất Linh liền sát bên nhau cùng với những vị khác.
Sau khi chế độ của Tổng Thống Diệm xụp đổ năm 1963, những hồi ký, bút ký văn học và chính trị lại cho thấy rõ hơn sự gắn bó giữa gia đình hai nhà văn, nhà cách mạng Trương Bảo Sơn và Nhất Linh Nguyễn Tường Tam.
Chẳng cần đọc bài báo nào, mọi người trong gia đình Nguyễn Tường đều biết cô Kim Anh, con gái của nhà văn Trương Bảo Sơn là cháu “cưng” của ông Nhất Linh. Trong một bài viết tưởng niệm ông Nhất Linh, tôi đã viết rằng tôi chỉ là một người cháu thường, gọi ông Nhất Linh bằng chú, nhưng cô Kim Anh là “cháu cưng” của ông Nhất Linh. Các chú của tôi trong Tự Lực Văn Đoàn chơi với bạn rất là chân tình, thân thiết. Có lẽ vì vậy tất cả các bạn bè, quen biết của các ông đều hết lòng quí mến các ông, và quí mến lây cả thế hệ hậu duệ chúng tôi.
Trong các mối chân tình đó, tôi thấy có hai trường hợp đặc biệt hơi giống nhau. Đó là tình thân giữa ông bà Nhất Linh với ông bà Khái Hưng thời thập niên 1930 và với ông bà Trương Bảo Sơn thời thập niên 1950. Ông bà Nhất Linh đã cho một người con trai làm con nuôi ông bà Khái Hưng. Ngược lại ông bà Nhất Linh lại nhận Kim Anh, con gái ông bà Trương Bảo Sơn làm “cháu cưng”.
Đáp lại lòng thương mến của ông Nhất Linh, cô Kim Anh đã mang tất cả các kỷ vật mà ông Nhất Linh tặng cô và những kỷ niệm của ông Nhất Linh với gia đình cô để thúc đẩy nhà văn Phạm Phú Minh của tạp chí Thế Kỷ 21 hoàn thành số đặc biệt Tưởng Niệm Nhất Linh, và cũng từ đó cuốn sách NHẤT LINH-NGƯỜI NGHỆ SĨ -NGƯỜI CHIẾN SĨ 326 trang được thành hình, với sự góp mặt của 20 Văn Thi Hữu đã từng liên hệ với Nhất Linh. Cám ơn Kim Anh, Phạm Phú Minh đã gửi email cho cô, “…Không có Kim Anh thì không có số tưởng niệm này. Công của Kim Anh “cháu của bác Tam” lớn lắm.Thay mặt báo THẾKỶ21 tôi xin gửi lời cám ơn đến Kim Anh.” Trong một email khác cũng gửi Kim Anh, Phạm Phú Minh viết, “…Thụy Khuê bên Pháp đã viết cho tôi : “Anh đã làm được một công việc rất lợi ích cho những nhà nghiên cứu Văn Học Việt Nam trong tương lai”. Và điều chắc chắn là không có Kim Anh thì không có cuốn sách này”.
Và tất cả chúng tôi, những người trong gia đình Nguyễn Tường, đều biết rằng Kim Anh đã vào thăm thi hài “bác Nhất Linh” của cô tại nhà thương Grall, và cô đã thổi sáo tiễn đưa ông rồi để lại cây sáo bên cạnh thi hài ông. Một cuộc chia tay thật cảm động. Cái tình thân của nhà văn, nhà chí sĩ Trương Bảo Sơn đối với gia đình Nguyễn Tường mật thiết như thế.
Giờ đây, được gặp lại “chú Trương Bảo Sơn” trong trang ảnh mừng thọ chú 95 tuổi, năm 2009 tại Montreal Canada, cháu nhớ tới chú Nhất Linh của cháu… và mường tượng lại tất cả quãng đời sôi nổi, hào hùng, và lãng mạn của các chú trong sinh hoạt với Tự Lực Văn Đoàn và Việt Nam Quốc Dân Đảng sáu bẩy chục năm trước. Dù rằng lúc đó cháu chưa ra đời. Nhìn hình chú, cháu chợt thấy thời gian trôi mau…Chú cho biết chú nhớ mãi hai câu thơ Nhất Linh tặng chú:
Người đi lâu chửa thấy về,
Nhớ người lòng suối Đa Mê gợn buồn
Bây giờ đọc lại hai câu dưới đây cũng của Nhất Linh, chắc chú bồi hồi:
Đa Mê nước chẩy về đâu,
Để cho ta gửi mối sầu hồi hương
Cháu chưa bao giờ chép lại hai câu thơ này. Cháu chỉ nhớ trong đầu, từ ngày còn rất bé, sống với chú Nhất Linh bên giòng suối Đa Mê một thời gian. Thỉnh thoảng thích thú với những kỷ niệm thời đó, cháu đọc thầm, nên có thể cháu nhớ sai một vài chữ. Chú có thể nhớ chính xác hơn.
Chúc chú còn khoẻ để nhớ về một thời và một người đã qua…
Kính chào chú,
Nguyễn Tường Tâm (San Jose -2010)
(1): Theo 2 bút ký của Nguyễn Tường Thiết và Nguyễn Tường Giang. |