Gửi: Sun Mar 25, 2018 11:50 pm Tiêu đề: Corded Phones và Cordless Phones
Corded Phones và Cordless Phones
Nói tới Phones, người đời nay thường nghĩ ngay tới những cái điện thoại cầm tay, gọi là Cell Phones, một cái máy nhỏ bé tiện lợi, có thể cầm tay mang đi đủ nơi, giúp người sử dụng liên lạc được gần như khắp thế giới. Mặc dầu tiện lợi như vậy, nhưng Cell Phones chưa có thể làm chúng ta quên được những “anh chị em” của nó trong dòng họ “phones”, như Home Phones, Table Phones, Landlined Phones, Corded Phones, Cordless Phones...
Nhân nói về những nguy hiểm mà những cái cell phones trẻ trung thanh lịch có thể gây ra cho người sử dụng – cụ thể là chứng ung thư óc, mà nhiều người đang nghi ngờ cell phones chính là thủ phạm - chúng ta tự hỏi: Vậy những đời phones cũ có hại gì không? Trước đời cell phones này, người ta dùng những thứ điện thoại nào?
Landline Phones
“Già đầu” nhất là Home Phones, những cái phones đặt ở nhà, không thể mang theo mình được. Nói già đầu nhất là so về tuổi tác với những kiểu phone khác, chứ thực ra nó là một phát minh mới trở nên phổ thông gần đây thôi. Cách đây gần 50 năm, đại đa số người Việt Nam còn chưa hề biết tới nó.
Chả nói đâu xa, người viết bài này khi vào đại học (đầu thập niên 1970) vẫn chưa được cái hân hạnh sờ tay vào nó! Hồi ấy, đến nhà một người bạn gái học cùng lớp, thấy cô ngồi ôm phone nói chuyện trong phòng khách... mà ngưỡng mộ vô cùng. Trông cô quí phái, lung linh như một nữ thần ở trên cao. Không hẳn vì cô là ái nữ của một vị bộ trưởng thời bấy giờ, mà cũng vì cái cung cách sử dụng điện thoại của cô: Lịch lãm và văn minh làm sao! Nghĩ lại vừa buồn cười vừa tội nghiệp anh học trò đứng lóng ngóng khờ khạo trước cửa nhà cô hồi đó.
Nói chi xa quá, mãi tới hơn 20 năm sau, tức là vào cuối năm 1994, khi tấp tểnh rời trại tỵ nạn trong đợt định cư thuyền nhân cuối cùng, người viết vẫn chưa một lần có cơ hội nhắc ống điện thoại, mặc dầu cũng từng làm “ông này, ông kia” trong hội đồng đại diện của trại. Nói ra thật mắc cở, nhưng chắc đó không phải là hoàn cảnh cá biệt với riêng người viết bài này.
Khi người viết đã được tái định cư, điện thoại không còn là một vật dụng xa xỉ tại Mỹ nữa, nhưng nó vẫn là một món hàng khan hiếm tại Việt Nam, mà cả xóm nơi gia đình người viết cư ngụ mới chỉ có một nhà sắm được. Lần đầu tiên gọi điện thoại từ Mỹ về thăm gia đình, người viết đã phải bỏ bao nhiêu công phu dàn xếp, trước hết hỏi thăm số điện thoại của nhà đó, rồi hẹn ngày gọi để cho cả gia đình mình có thể đến nhà đó nói chuyện.
Vào những năm 94, 95... nó còn hiếm thế đấy! Mà có phải đâu là một dụng cụ tân kỳ, hiện đại, nó chỉ là một cái Home Phone với một đường dây dẫn lòng thòng cắm vào lỗ phone trên tường nhà (hoặc văn phòng). Lỗ phone này lại được nối vào hệ thống dây chằng chịt do công ty điện thoại bố trí dưới đất, nên được gọi là Landline.
Muốn dùng phone, người ta phải về nhà, bởi vậy mới gọi là Home Phone. Ôm phone nói chuyện, người ta phải ngồi im một chỗ gần lỗ cắm điện thoại, đi tới đâu lại phải kéo đường dây lê thê tới đấy, từ đó có tên gọi Corded Phone (điện thoại nối dây). Nó cũng được gọi là phone bàn (table phone), vì thường được để trên bàn (chứ không ai để dưới gầm bàn cả!)
Đến cuối thập niên 90, có được như vậy cũng là sang trọng và tiện lợi lắm rồi. Nhưng so với các loại phones bây giờ, thì thật bất tiện vô cùng. Nên, trước hết, các nhà khoa học phải tìm cách cắt đuôi, tức là chế ra những cái điện thoại không cần nối dây vào lỗ cắm trên tường, để người sử dụng có thể ôm phone đi quanh nhà nói chuyện mà không bị cái dây buộc vào một chỗ.
Cordless Phones
Cordless Phones là thế hệ điện thoại mới, cho phép người ta làm được chuyện đó, tức là di chuyển tự do với cái máy phone gọn gàng trong tay, không bị ràng buộc bởi một sợi dây nối lòng thòng đằng sau nữa. Từ đó sinh ra cái tên “Cordless Phone” (điện thoại không dây). Hệ thống điện thoại không dây bao gồm một bộ phận nền, có nhiệm vụ như một căn - cứ- địa (gọi là base) có dây nối vào lỗ cắm trên tường, còn cái điện thoại (bây giờ gọi là Handset) thì không cần cắm dây, có thể nhắc ra khỏi nền, để người sử dụng cầm nơi tay đi loanh quanh khắp nhà cho thoải mái.
Thông thường, một hệ thống Cordless phone không chỉ có một Handset, mà còn dung nạp được nhiều Handset. Nghĩa là, một máy nền (base), với một số điện thoại, có thể dùng cặp với nhiều handsets. Giống như một mẹ có nhiều con, nên hệ thống Cordless Phone cũng được một số người ví von là “điện thoại mẹ bồng con.”
Tuy nhiên sự tự do, không bị dây nối ràng buộc, của Cordless phone thì khá giới hạn. Người ta chỉ sử dụng những cái handset không dây ở quanh quẩn căn-cứ-địa (base) mà thôi, rộng lắm cũng chỉ là chung quanh nhà. Nói tóm lại, Cordless Phones vẫn là Home Phones.
Chính vì sự tự do có giới hạn này, các nhà khoa học mới phải sáng chế ra một loại điện thoại khác - Điện thoại cầm tay, cell phone hay wireless phones. Phát minh mới này không có dây nối vào đâu cả, nhưng không được gọi là Cordless mà là Wireless. Xin để ý sự khác biệt giữa hai chữ “...less.” Trong khi Cordless chỉ cho phép người sử dụng di chuyển quanh nhà, thì Wireless cho phép chúng ta mang nó đi đến bất cứ nơi đâu, miễn là còn ở dưới... gầm trời.
Thật là tiện lợi quá chừng! Nhưng như trước đây đã nói, càng về sau người ta lại càng nghi ngờ Wireless Phones, cũng là Cell Phones, đang tác yêu tác quái qua những luồng phóng xạ (Radio Frequency, RF) mà nó bắn thẳng vào óc người sử dụng, gây ra ung thư óc. Một trường hợp nổi tiếng điển hình, Nghị Sĩ John McCain, bị chẩn bệnh ung thư óc vào tháng Bảy, 2017, có thể - có thể thôi, chưa ai dám nói chắc - cũng là hậu quả của việc sử dụng Wireless phones.
Trong khi không thể dẹp bỏ được cell phones, người ta phải nghĩ đến những cách làm giảm tiềm năng tác hại của chúng bằng những phương thế mà chúng tôi đã đề cập đến trong một bài trước. Đồng thời, người ta cũng phải đặt ra câu hỏi: Nếu Cell phone có tiềm năng nguy hại như vậy, còn Landline Phones, Corded Phones, Cordless Phones có phải là an toàn không? Chúng ta sẽ đề cập vấn đề này trong bài lần tới.
Gửi: Tue Mar 27, 2018 11:51 pm Tiêu đề: Cordless Phones: Những rủi ro cho sức khỏe
Cordless Phones: Những rủi ro cho sức khỏe
Chúng ta đã nói đến những nguy hại tiềm tàng mà một cái Cell Phone (điện thoại di động) có thể mang lại, và chúng ta cũng nói đến những biện pháp có thể áp dụng để làm giảm mối lo về những nguy hại đó. Một câu hỏi rất đáng được đặt ra là: Khi ra khỏi nhà thì muốn liên lạc đương nhiên phải dùng Cell Phone, nhưng lúc ở nhà, có nên dùng Cell Phone không? Hay chỉ nên dùng điện thoại nhà (Home Phone)?
Câu trả lời đơn giản là: Nên dùng điện thoại nhà để gọi đi (outgoing calls) hoặc phải nói chuyện lâu giờ. Tuy nhiên, cũng không thể nói chung chung như vậy, vì điện thoại nhà bây giờ có nhiều kiểu, có thứ vô hại, thứ khác thì nguy hại chẳng kém gì... Cell Phone!
Điện thoại nhà, như trước đây đã nói, có hai loại: Lâu đời nhất là những cái phones có dây nối vào lỗ cắm trong tường, gọi là Corded Phones; Sự bất tiện của những cái dây kéo đã trở thành nguồn cảm hứng khiến các nhà khoa học phát minh ra “điện thoại cắt đuôi” (Cordless Phones), để người ta có thể ung dung cầm cái điện thoại đi chung quanh nhà nói chuyện cho thoải mái. Tuy không thể mang cordless phone đi xa, nhưng cắt được cái đuôi lòng thòng đằng sau cũng là tiện lắm rồi, nên bây giờ nói tới phone nhà, chúng ta thường hình dung ra Cordless Phones. Nhưng đáng tiếc thay, chính những cái Cordless Phones tiện lợi này cũng mang lại rủi ro cho sức khỏe người sử dụng, không thua gì Cell Phones (Wireless Phones), hoặc nguy hại hơn cả Cell Phones nữa.
Cordless Phones: Nguy hại do đâu?
Cũng như Cell Phones, những “đứa em tân thời” của nó, Cordless Phones hoạt động được là do sóng vô tuyến điện nối kết căn-cứ-địa (base) với cái máy nói chúng ta cầm nơi tay. Căn-cứ-địa là gì? Ở đâu ra? Đó chính là cái máy chủ đặt “chết” trên mặt bàn, có dây nối vào một lỗ cắm phone trên tường. Gọi là căn cứ địa là vì âm thanh từ người bên kia chuyền vào đây, rồi từ đây bắn vào những cái handset (bộ phận cầm nơi tay) qua sóng vô tuyến điện (Radiation Frequency, RF). Đối với cell phones thì “căn cứ địa” là những cái tháp truyền sóng (cell tower) bao quát một vùng rộng lớn, dựng ngoài trời, cách xa nhà, ở một chỗ nào đó chẳng ai cần biết tới.
Theo nhận xét của các tổ chức bảo vệ giới tiêu thụ, Cordless phones nguy hại không thua Cell phones là vì cũng phải dùng tới RF, mà còn nguy hại hơn Cell phones là vì căn cứ địa nằm ngay trong nhà, sát sườn với chúng ta hơn. Oái oăm một điều là RF tác động không những khi chúng ta đang dùng phones nói chuyện, mà cả khi không dùng phones cũng vẫn bị ảnh hưởng.
Vì thế, những phương cách tự bảo vệ mà chúng ta đã nói về Cell Phones trước đây cũng phải được áp dụng cho Cordless Phones. Nguyên tắc chung là “đừng áp sát cordless phones vào thân thể mình,” từ đó chúng ta có thể suy ra những phương thức an toàn cụ thể như sau:
1. Khoảng cách ít nhất 6 inches: Giữ khoảng cách tối thiểu giữa cơ thể người sử dụng và cái cordless phone là 6 inches (chừng 15 centimeters) bằng cách mở Speaker (loa phát tiếng nói ra ngoài) để cách ly phone khỏi thân thể. Nếu câu chuyện có tính cách riêng tư (private), không muốn người ngoài nghe được thì dùng dây dẫn âm thanh (headset). Ngay cả khi dùng dây dẫn âm thanh, bạn vẫn nên tháo dây dẫn ra khỏi tai, khỏi đầu trong lúc không sử dụng phone.
2. Đừng bao giờ giữ điện thoại trong túi áo hoặc túi quần, là những nơi áp sát thân thể của bạn. Tuyệt đối không ngủ quên với cái phone còn đặt trên ngực, mà phải giữ nó ở một nơi cách xa.
3. Tránh dùng Phone khi quá xa máy chủ (base). Bởi vì khi đi xa, sóng sẽ yếu (weak signal), và RF phát ra nhiều hơn để có thể duy trì được sự kết nối.
4. Cố gắng cắt ngắn cuộc nói chuyện
5. Hạn chế tới mức tối đa việc cho trẻ em sử dụng phones.
6. Khi không sử dụng, thì ngắt điện bằng cách rút Power Cable ra khỏi lỗ cắm điện.
Biện pháp bảo vệ tốt nhất...
Nhưng biện pháp bảo vệ tốt nhất vẫn là dùng điện thoại truyền thống, có dây nối vào đuôi bộ phận cầm tay (handset). Điện thoại nối dây (corded phones, wired phones) này mới thực là an toàn, mặc dầu có hơi bất tiện vì cái dây nối vào đuôi, đi đến đâu phải kéo lê đến đó. Nhưng chính cái dây mới là yếu tố cứu nguy, nhờ nó mà hệ thống điện thoại không phải nhờ đến RF để truyền âm nữa.
Có điều là kiểu điện thoại cổ lỗ sĩ này gần như đã tuyệt tích. Tìm lại được nó kể ra hơi khó. Nhưng nếu là người ngồi làm việc tại chỗ chủ yếu qua điện thoại (như customer service) thì dù khó thế nào bạn cũng phải cố tìm ra cho ra. Làm ngay đi trước khi bản thân mình biến thành một con số trên bảng thống kê những người bị RF tác hại.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn