Gửi: Tue Aug 15, 2017 11:23 pm Tiêu đề: Viết để sống còn Tác Giả: Trần Lý Lê
Viết để sống còn
Bìa cuốn sách được dịch sang Anh ngữ và Er Tai Gao
Ðây là câu chuyện của ông Er Tai Gao, một người tù khổ sai từ Hoa Lục, kể chuyện sống sót qua cuốn sách có nhan đề “In Search of My Homeland: A Memoir of a Chinese Labor Camp,” do hai ông Robert Dorsett và David Pollard dịch sang Anh ngữ. Cuốn sách dày 259 trang.
Hầu hết những cuốn hồi ký viết về quãng đời tù đày đều nói đến sự đày ải, những cái độc ác khó tưởng của con người, sức chịu đựng vô biên cũng của con người để sống còn và kể lại. Hầu như ai cũng biết đến những cuốn sách lừng danh kể chuyện tù đày như chuyện Holocaust và trại khổ sai “the Gulag” được dịch ra nhiều ngôn ngữ, nhưng những câu chuyện từ trại tù khổ sai tại Hoa Lục dưới thời Mao Trạch Ðông lại ít được biết đến. Vì thế câu chuyện của ông Er Tai Gao, những ghi nhận đơn giản nhưng không kém phần quật cường, trở thành một đóng góp lớn về tài liệu lịch sử, ghi chép tội ác con người trong thế kỷ XX.
Tác giả là một giảng viên về Nghệ Thuật tại thành phố Lanzhou, phía Bắc Hoa Lục. Ông ấy viết một bài khảo luận có tên “On Beauty” trên một tạp chí tại Bắc Kinh; bài viết chê bai cái đẹp vật chất và đưa ra những lập luận đòi tự do sáng tác trong nghệ thuật. Không hiểu làm thế nào mà một bài báo nặng tính chính trị như thế lại thoát khỏi mắt cú kiểm duyệt của chính phủ đương thời? Phân tích về lịch sử, bài viết kể trên ra đời năm 1957, trong quãng thời gian tương đối dễ dãi với các lập thuyết khác với sách vở đang được dùng để nhồi sọ dân chúng. Bài viết ấy thu hút khá nhiều bài bình luận, bàn cãi. Ngay sau đó, cái thòng lọng kiểm duyệt thắt chặt, ông Gao bị gọi là “phản động” và đưa vào tù khổ sai, ông ta bị đày đến trại Jiabiangou, trong sa mạc Gobi. Ông nghệ sĩ viết một câu ngắn “Mấy giây phút nổi danh biến thành 20 năm bất hạnh”.
Tù nhân đào cống rãnh trong sa mạc hoang vu, mục đích là hành hạ, sa mạc ngàn muôn năm vẫn là sa mạc, rãnh đào để... đó, nước đâu mà thoát? Việc đào đất kéo dài ngày này sang ngày khác bất kể đói khát, bệnh tật mòn mỏi. Ban ngày khổ hình về thân xác, ban đêm đày ải tinh thần. Cũng những buổi kiểm thảo, tố khổ, bươi móc đồng bạn... Những con người cộng sản theo cùng một sách lược đày ải, cộng sản Tàu đi trước, cộng sản Việt theo sau, cũng bấy nhiêu thứ nhục hình, không khác chút nào so với tài liệu về trại tù tại Việt Nam sau 1975.
Ðể chứng minh rằng chính sách “cải tạo” của họ thành công, tù nhân phải luôn tươi cười. Ông cựu tù kể rằng để mang nụ cười kia họ phải tận dụng đầu óc để điều khiển các bắp thịt trên mặt, đôi khi cơ mặt co quắp kéo thành cái mếu.
Sự độc ác của chế độ kia có mục đích cô lập người tù và biến tâm thần họ thành con số không. Chuỗi ngày khổ ải kéo dài, ngày nào cũng như nhau, nên mấy trăm ngày như trở thành một, không thay đổi. Tù nhân hầu như tê liệt vì tuyệt vọng. Trong tù, họ bảo nhau rằng “Chẳng ai có thể giúp ta, ta phải tự cứu. Không chỉ sống sót mà còn phải tìm một mục đích để sống sót”. Một sử gia tìm ra mục đích để sống qua việc lưu trữ tài liệu trong tù để làm bằng chứng cho hậu thế. Một tù nhân khác, một cựu sĩ quan đã từng sát cánh với Mao trong cuộc hành quân “the Long March”, tìm cách sống qua việc chăm chút bộ quân phục tả tơi. Một người khác làm việc miệt mài đêm ngày nhưng ông này lăn ra chết vì kiệt sức! Còn ông Gao? Ông ấy quay ra viết, viết bằng những chữ nhỏ li ti trên bất cứ mảnh giấy nào ông ta kiếm được. Khi được viết, ông ấy thấy mình đang sống.
Diễn tả tư tưởng qua cách viết trong tù là một hành động nguy hiểm, gần gũi với cái chết, nhưng ông ấy cất giấu được những mảnh giấy vụn kia và mang theo từ trại tù này đến trại tù khác. Kết quả là cuốn sách này.
Hiểu được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm ta có thể giải thích lý do tại sao cuốn sách rời rạc, lặp đi lặp lại, không mạch lạc, và dịch giả cứ để nguyên như thế mà xuất bản thay vì thêm phần giải thích các chi tiết giúp cuốn sách dễ hiểu và mạch lạc hơn.
Năm 1959, ông Gao được chuyển đến Lanzhou để vẽ, sau đó đến trại tù thứ nhì cho đến năm 1962 mới được thả. Ra khỏi tù, ông Gao kiếm được việc khảo cứu tại the Mogao Caves, di tích từ thế kỷ IV bao gồm các đền chùa cổ xưa. Ðời sống khá hơn, tác giả lấy vợ và có một con gái. Trong cuốn sách, hầu như chi tiết về gia cảnh chỉ được mô tả thoáng qua dù bà vợ về sau cũng qua đời trong trại khổ sai.
Khi cuộc cách mạng văn hóa (Cultural Revolution) xảy ra giữa thập niên 60, ông Gao lại vào tù về tội cũ, lại bị giong ra chợ bêu riếu và đánh đập. Cuộc bạo hành để lại cho ông Gao hai hàm nướu trống, không còn cái răng nào và chứng vẹo xương sống nên ông ta không thể đứng thẳng được nữa. Ông được chính thức “phục hồi” cuối thập niên 70 và trở về dạy Triết tại Ðại Học Lanzhou trong thập niên 80. Tác giả không viết nhiều về cuộc đời mình sau khi ra tù lần thứ nhì, người đọc chỉ biết rằng ông Gao rời Hoa Lục đến Los Angeles năm 1993.
Cuốn sách của ông Gao là câu chuyện “có hậu”, lòng tin, sức mạnh, sự bền bỉ và hy vọng giúp con người chịu đựng khổ hình để sống sót. Nhà xuất bản cho rằng cuốn sách nói lên “sức mạnh của hy vọng”, tương tự như những câu khen ngợi những người sống sót từ trại tập trung Do Thái (nạn nhân Holocaust) nhưng lời khen hoa mỹ kia có điều không ổn: Cả mấy triệu con người đã chết thảm đều là những người yếu kém? Thiếu sức chịu đựng?
Riêng ông Gao thì ông ấy thẳng thừng hơn, ông ta hiểu và nói rõ rằng việc sống sót chẳng do ông ta lựa chọn: Nếu ông ấy không phải là họa sĩ vào đúng lúc nhà cầm quyền cần thợ vẽ, có thể ông ấy đã chết tại Jiabiangou như hầu hết các tù nhân khác. Những quãng đời về sau, sự may mắn dẫn đến việc được giúp đỡ, che chở nên ông ấy sống sót. Dĩ nhiên, ta không nghe đến các câu chuyện của tù nhân không được giúp đỡ hay được che chở vì họ không còn ở đây để kể chuyện.
Tác giả nói rằng: sống hay chết là việc ngẫu nhiên, sự thật là tại trại tù Jiabiangou, cũng như trại tập trung Auschwitz và Kolyma, chẳng ăn thua chi đến việc ta làm hay không làm, có sức sống hay không, sự sống sót hoàn toàn do may mắn. Nói theo kiểu Á Ðông ta... số Trời đã định?
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn