Gửi: Sun Feb 24, 2008 3:52 am Tiêu đề: CHUYỆN HOA XỨ - (Lê Phanrang)
CHUYỆN HOA XỨ
Lê Phanrang
Viết, để nhớ những người bạn chung mái trường Duy Tân, Phan Rang ngày nào.
Tắm trăng khuya, hoa mềm như ngấn lệ,
Mơ người về, cúi nhặt cánh hoa rợi
...........
Gió ơi gió, chờ hoa theo gió với
Cuối chân trời, ai đó..... có chờ hoa?
Hoa, trong thơ văn từ ngàn xưa đã là những gì vừa đẹp, vừa mong mạnh Khi thì trang trong như nàng công chúa vắn số, "Thượng uyển nhất chi hoa". Khi thật bình dị như thân phận đàn bà ngày xưa, mườI hai bến nước, trong ít đục nhiều: "đàn bà như hạt mưa sa, hạt vào bãi cát, hạt ra vườn hồng". Ngay cả nổi trôi trên ngọn ngành sông rạch như hoa lục bình hay len lỏi trong bờ cỏ bụi cây như hoa mắc cở cũng được người đời vực dậy tô điểm cho câu hò tiếng hát.
Nhưng có một loài hoa lại vươn xa hơn. Nhắc đến hoa là nhớ đến một lịch sử kéo dài ngàn năm, một dĩ vãng nhiều vàng son mà cũng lắm điêu tàn. Hoa sứ *, (Michelia Champaca Linn), tức Champa, tức Chiêm Thành, Tch'an tch'eng trong sử Trung Hoa, (thật ra Chiêm Thành chỉ là phiên âm của chữ Phạn "Campapura" tức "Thành phố Champa".) (1)
Từ xưa người Việt chúng ta, do ảnh hưởng của sử sách cũng có, do thừa hưởng cái nhìn của ông cha cũng có, đã xem Chiêm Thành như một dân tộc hiếu chiến và thứ cấp. Dân gian khi tiếc thương cho Huyền Trân Công chúa vâng lịnh Thượng hoàng Trần Nhân Tông về làm vợ vua Chiêm Djaya Sinhavarman III, (tức Chế Mân), năm 1306, để đổi lấy hai châu ô và Rí (vùng Huế ngày nay) đã có câu:
"Tiếc thay cây quế giữa rừng,
để cho thằng mán, thằng mường nó leo".
Một năm sau, khi vua Chiêm qua đời, công chúa theo tướng Trần khắc Chân lênh đênh trên biển, lại được nhắc đến:
"Tiếc cho hạt gạo trắng ngần,
đã vo nước đục lại vần lửa rơm".
Nếu nói người Trung Hoa với tư tưởng "đại Hán" đã coi thường các nước lân bang, gọi người Việt là "Nam man", Nhật, Nga là "đông tà, Tây độc", thì chính mình cũng đâu đã thoát ra ngoài vết xe đã cũ. Lớn lên ở một thành phố nhỏ, Phan Rang, xưa là kinh đô cuối cùng của Chiêm Thành, "Panduranga", sống gần cả người Hoa trong thành phố và người Chiêm ở các vùng quê lân cận, đã không ít lần tôi đã theo bạn bè tìm mấy anh Tàu con cùng trang lứa đập lộn đến u đầu sứt trán rồi tự an ủi nhau như là một cách trả đũa cho cái hận "1000 năm đô hộ giặc Tàu". (trẻ lòng, non dạ, đánh "Tàu" hôm trước, hôm sau đã xách tô đi mua mì, mua hủ tiếu!).
Rồi thời gian làm cho suy nghĩ chín chắn hơn, có điều kiện tìm hiểu quan hệ lịch sử giữa 3 nước, nghĩ lại thật thương những người bạn học người Chiêm, thật hiền và trầm lặng. Như mang theo bên người sự chịu đựng triền miên của dân tộc, đã hằn sâu từ đời này qua đời khác. Dẫu rằng có chiến tranh là có kẻ thắng người bại, đã mang dòng máu Việt trong người, ai cũng lấy việc nhớ ơn tiền nhân là chính. Nhưng mấy ai không ngậm ngùi khi nhìn sự điêu tàn của những ngôi tháp cổ đứng lẻ loi bên đường, khi nghe tiếng khèn u oán khóc cho di vãng ngày nào trong đêm vắng, khi cảm nhận được cái buồn hiu hắt trong những ngôi làng người Chiêm ở vùng nắng gió miền quê Phan Rang, Phan Rí....?
Từ những năm 60 tôi đã cố tìm hiểu về kiến trúc và phong tục, tập quán người Chiêm, nhưng kết quả rất là giới hạn, vì chiến tranh cũng có, vì sự phức tạp về tôn giáo cũng như cách hành đạo của người Chiêm (2), vì phần lớn tài liệu dựa trên các công trình nghiên cứu không đồng nhất cũng có. Riêng thơ văn thì gần đây tôi mới có được tài liệu viết về thơ của người Chiêm. Lời thơ thật đẹp, bóng bẩy mà không sáo ngữ. Thể thơ lạ và khác hẳn với thơ đường, vốn là căn bản của thơ Việt nam và Trung Hoa, gieo vần ở cuối câu.
Mỗi câu trong thơ Chiêm gồm ba vế, cuối vế nhất hợp vần với cuối vế thứ hai; cuối vế thứ ba tức cuối câu thứ nhất gieo vằn cho vế thứ nhất của câu tiếp theo; vần điệu quấn quít lấy nhau, số lượng chữ của mỗi câu không có giới hạn và một câu thường có hai dòng. Thơ không được đặt tựa, thường lấy những chữ, hay câu đầu làm tựa.
Bài thơ đầu trang, được viết theo thơ đường nhưng gieo vần theo thơ Chiêm (Lời thơ có vụng, vì tôi không là "thi sĩ", chứ không vì lối thơ xưa không hay!) trong đó có bốn chữ "mềm như ngấn lệ", ví von thật dễ thương, không dứt ra được:
"Sóng vỗ hạt nước tung bay,
Hạt nước mềm như sương muối
Sóng vỗ hạt nước mưa rơi,
Hạt nước mềm như ngấn lệ" (3)
Diễn tả tâm trạng một mình bên biển vắng, nhớ về quê hương thật xa bên kia bờ.
Sau là một trích đoạn trong trường thi "Nai Mai Mang Makah", tức "Nàng đến từ Makah" (Makah là tên một thành phố ở Mã lai mà cũng có nghĩa là "một nơi không đến được" trong thế giới siêu hình), cả phần tiếng Việt (dịch nghĩa) và Chiêm (gieo vần). Tiếng Chiêm đa âm, khác với tiếng Việt hay tiếng Trung Hoa đơn ậm Ý thơ nói lên những lời thương yêu trong một cuộc tình không lối thoát của một ông hoàng trẻ Chiêm Thành theo đạo Bà la môn và cô công chúa Mã lai đạo Hồi giáọ (3)
"Ngón út thon mềm mại, anh đắm nhìn,
ca-ndieng liti litail ni sa krân
Anh nâng cằm, bồi hồi bao nhịp sống.
ai pan damân, dom hanuk yawa
Gót chân em, ôi! tuyệt trắng.
ka-nduel kanai patih ni mula
Anh nâng cằm, chưa trọn vốc tạy..
ai tapong ba, o bak ka-ndom...
..................
Em mỹ miều lưng ong dáng mượt,
hali haleng mey thaik hayuak
Anh ôm đầy, vòng tay đắm yêu
sa-ai kuer bak, wang tangin ramam
Tóc dài hương thoảng phong nhiêu,
mbuk dhiai hamac hanguw siam
Anh xây giàn, nâng niu cho thoả
sa-ai rap rajam, holong bak thruk
Mắt em giếng nước trong xanh,
mata mey bingun aia throh
Hạt kim cương rụng, mong manh, giữa vòng
asar intan jruh, krâh wang canar
Hồn anh rơi rụng đắm chìm
suan ai laik tamâ blaoh mblung
Chẳng ai kéo lại, chẳng người vớt lên...
o thei ra dung, o thei ra weh......"
....................... (3) [/i]
, 6-27-01
Chú thích:
(1) Vua Minh Mạng chính thức xóa bỏ tên nước Chiêm Thành năm 1832, từ đó người Chiêm trở thành một cộng đồng thiểu số trong nước Việt nam. Sau 1975, nhà cầm quyền Việt nam chính thức đổi từ "Chiêm" thành "Chăm". Tôi dùng hai từ Chiêm và Chiêm Thành thay vì Chăm và Champa, như là một kỷ niệm...
(2) Có 3 hệ tôn giáo chính:
- Phật giáo đại thừa (Di tích đồng sơn),
- Bà la môn và ấn độ giáo tức Brahmanism và
- Hinduism (Di tích Mỹ sơn), Hồi giáo (Islam).
Trong đó nền văn minh Bà la môn là nền tảng của cơ cấu xã hội Chiêm Thành cho đến cuối thế kỷ 14 thì bắt đầu suy tàn, đánh dấu bằng cái chết của vua Chiêm Chế bồng Nga (1390), và sau đó là sự triệt hạ kinh đô Vijaya (đồ bàn) của vua Lê thánh Tôn (1471). Từ đó, đất dai ngày càng thu hẹp, nội bộ phân tán bởi tôn giáo và dòng tộc, cộng them áp lực nặng nề bởi những cuộc tranh chấp trong nội bộ nước Việt nam (Chúa Nguyễn và vua Tây sơn, vua Minh Mạng và tướng Lê văn Duyệt..), dân Chiêm mất dần lòng tin vào sự thần bí của giáo thuyết Bà la môn và ấn độ giáo, và do đó đã ngã sang Hồi giáo, du nhập từ ấn độ qua ngả Mã lại Người Chiêm, tuy chuyển qua Hồi giáo, nhưng số đông, kể cả vua chúa, vẫn giữ những truyền thống Bà la môn trước kia (td: khi chết được đưa vào nhà thờ Hồi giáo làm lễ trước khi lên giàn thiêu). Do đó tín đồ Hồi giáo được phân biệt: Chàm Muslim và Chàm Bani bởi cách hành đạo khác nhạu
(3) Karim, Abdul, "Vài nhận định về nghệ thuật văn chương trong Ariya Nai Mai Mang Makah", Champaka, IOC, 1999.)
* Hoa sứ, mọc nhiều tai miền trung và nam Việt nạm Tàn cây rộng, cánh hoa dầy, màu trắng sữa bên ngoài, hồng nhạt hay vàng nhạt bên trong, khác với loại hoa tương tự nhưng lá mỏng được trồng trong chậu gọi là hoa sứ Nhật (?)
Xin cảm ơn các học giả đã viết về lịch sử và văn hóa Champa, từ Aymonier Ẹ, Leuba J.. hơn trăm năm về trước.
Bạn không có quyền gửi bài viết Bạn không có quyền trả lời bài viết Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn Bạn không có quyền tham gia bầu chọn