TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bệnh ung thư gan: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bệnh ung thư gan: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9701

Bài gửiGửi: Sat May 04, 2024 11:28 pm    Tiêu đề: Bệnh ung thư gan: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

Bệnh ung thư gan: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị

Ung thư gan nằm trong số những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư trên toàn cầu.


Là cơ quan nội tạng lớn nhất, gan thực hiện nhiều tác dụng khác nhau như dự trữ chất dinh dưỡng, lọc chất thải khỏi máu, giải quyết hóa chất từ thực phẩm, rượu và thuốc, đồng thời sản xuất mật để tiêu hóa chất béo và loại bỏ chất thải.

Ung thư gan là tình trạng các tế bào trong gan phát triển bất thường dẫn đến hình thành các khối u. Nằm trong số những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư trên toàn cầu, ung thư gan ảnh hưởng đến khoảng 25.000 nam giới và 11.000 phụ nữ ở Hoa Kỳ mỗi năm, dẫn đến khoảng 19.000 ca tử vong ở nam giới và 9.000 ca tử vong ở nữ giới.

Các triệu chứng và dấu hiệu sớm của ung thư gan

Ở giai đoạn đầu, ung thư gan có thể không biểu lộ rõ ràng. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng được liệt kê dưới đây có thể gây chú ý. Tuy nhiên, vì những triệu chứng này cũng có thể do các vấn đề sức khỏe khác nên hãy thảo luận ý kiến với bác sĩ nếu quý vị gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Các triệu chứng đó bao gồm:

    • Giảm cân ngoài chủ đích

    • Chán ăn

    • Cảm giác no sớm sau bữa ăn nhỏ

    • Buồn nôn và nôn

    • Phù chân và bàn chân do giữ nước

    • [Sờ thấy] khối u bụng hoặc khối ở hạ sườn phải

    • Đau dai dẳng vùng hạ sườn phải hoặc bả vai phải

    • Đầy bụng hoặc chướng bụng

    • Vàng da hoặc vàng mắt (hoàng đảm)

    • Cổ trường do tích tụ dịch trong ổ bụng

    • Ngứa

    • Sốt

    • Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu

    • Mệt mỏi hoặc suy nhược trầm trọng

    • Phân nhạt màu như đất sét

    • Nước tiểu sậm màu

Một số bệnh ung thư gan sản xuất hormone có thể gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng khác, bao gồm:

    • Tăng calcium máu có thể dẫn đến táo bón, buồn nôn và lú lẫn

    • Giảm đường máu có thể dẫn đến mệt mỏi hoặc ngất xỉu

    • Vú to hoặc teo tinh hoàn ở nam giới

    • Đa hồng cầu có thể gây đỏ mặt


Mặc dù nguyên nhân chính xác của ung thư gan vẫn chưa được biết rõ nhưng chúng ta biết các yếu tố như xơ gan, bệnh gan và viêm gan virus gây ra tình trạng viêm mạn tính. Viêm gan mạn tính làm xuất hiện biến đổi DNA, có thể dẫn đến sự tăng sinh của các tế bào bất thường gây ung thư. (hình: The Epoch Times)


Nguyên nhân gây ung thư gan

Nhìn chung, ung thư xảy ra khi một sự thay đổi trong DNA tạo ra biến đổi tế bào và những tế bào bị biến đổi đó nhân lên mất kiểm soát. Ung thư gan thường phát triển do viêm mạn tính. Một số yếu tố gây viêm gan mạn tính và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư, bao gồm:

    • Xơ gan: Xơ gan là tình trạng sẹo ở nhu mô gan, xảy ra khi mô sẹo cản trở lưu lượng máu đến gan, làm suy giảm tác dụng gan. Xơ gan chủ yếu do nghiện rượu lâu năm và viêm gan mạn tính. Tuy nhiên, những người bị bệnh xơ gan liên quan đến viêm gan C có nguy cơ phát triển ung thư gan cao hơn so với những người bị bệnh xơ gan do viêm gan B hoặc uống rượu. Hầu hết những người bị ung thư gan chủ yếu ở Hoa Kỳ đều bị xơ gan.

    • Nhiễm virus viêm gan B mạn tính (HBV): Virus viêm gan B có thể lây lan qua dịch cơ thể. Nhiễm HBV mạn tính là nguyên nhân chính gây ung thư gan ở châu Á và châu Phi. Sự lây truyền có thể xảy ra từ mẹ sang con trong khi sinh, qua quan hệ tình dục hoặc dùng chung kim chích.

    • Nhiễm virus viêm gan C mạn tính (HCV): Việc lây truyền HCV rất giống với HBV. HCV có thể dẫn đến xơ gan và là nguyên nhân chính gây ung thư gan ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.

    • Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (Nonalcoholic steatohepatitis-NASH): NASH là một loại bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu trầm trọng (NAFLD, mặc dù hiện nay, thường được gọi là bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn tác dụng chuyển hóa, hay MASLD) có thể dẫn đến xơ gan, đặc trưng bởi sự tích tụ mỡ bất thường trong gan, có thể dẫn đến viêm và tổn thương tế bào gan.


Các loại ung thư gan

Có hai loại ung thư gan chính: nguyên phát và thứ phát.

1. Nguyên phát

Ung thư gan nguyên phát bắt nguồn từ các tế bào, ống mật, mạch máu hoặc mô liên kết trong gan. Dưới đây là các loại ung thư gan nguyên phát khác nhau:

    • Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC): Ung thư biểu mô tế bào gan, còn được gọi là ung thư gan, bắt nguồn từ tế bào gan, tế bào chính của gan. HCC chiếm khoảng 80% đến 90% các trường hợp ung thư gan nguyên phát và được xếp hạng là nguyên nhân phổ thông thứ ba gây tử vong liên quan đến ung thư trên toàn cầu. Khối u thường liên quan đến bệnh xơ gan. Các loại ung thư gan nguyên phát khác đều hiếm gặp.

    • Ung thư đường mật: Ung thư đường mật cũng được coi là một loại ung thư gan chủ yếu nhưng tương đối hiếm, chiếm khoảng 15% các trường hợp ung thư gan. Các ống mật chính nối gan và túi mật với ruột non đồng thời vận chuyển mật do gan sản xuất để giúp tiêu hóa chất béo. Ung thư bắt nguồn từ các ống dẫn bên ngoài gan được gọi là ung thư đường mật ngoài gan, trong khi ung thư ở trong gan được gọi là ung thư đường mật trong gan. Ung thư đường mật là một loại ung thư tiến triển chậm.

    • Angiosarcoma: Angiosarcoma, còn được gọi là hemangiosarcoma, là một loại sarcoma mô mềm hiếm gặp bắt nguồn từ các mạch máu của gan, chiếm 2% tất cả các bệnh ung thư gan nguyên phát. Bệnh chủ yếu được chẩn đoán ở người lớn tuổi và thường không xác định được nguyên nhân.

    • U nguyên bào gan: Hiếm gặp, u nguyên bào gan thường được chẩn đoán ở trẻ em dưới 2 tuổi. Đôi khi, khối u có thể phát triển ở trẻ lớn hơn dẫn đến việc sản xuất hormone gây dậy thì sớm. Nguyên nhân của bệnh ung thư này vẫn chưa rõ.

    • Ung thư biểu mô Fibrolamellar: Ung thư biểu mô Fibrolamellar thường xuất hiện ở độ tuổi 20 – 30 và không liên quan đến xơ gan, viêm gan B, C hoặc các yếu tố nguy cơ đã biết khác. So với các loại ung thư gan khác, những người mắc ung thư biểu mô tế bào dạng sợi có thể có tiên lượng tốt hơn nếu được phát giác sớm, nhiều người có thể sống được vài năm sau khi khối u được cắt bỏ.

May mắn thay, hầu hết các khối u ở gan đều lành tính. Việc điều trị các khối u lành tính thường không cần thiết trừ khi u phát triển đáng kể, gây khó chịu hoặc đau đớn, có thể nhìn thấy và mất thẩm mỹ, chèn ép vào các cơ quan khác hoặc giải phóng các hormone ảnh hưởng đến tác dụng cơ thể.

2. Thứ phát

Ung thư gan thứ phát, còn được gọi là di căn gan, là do các tế bào ung thư tách ra khỏi vị trí ban đầu và di chuyển theo dòng máu hoặc hệ bạch huyết đến gan và hình thành các khối u mới.

Nhiều loại khối u có thể di căn đến gan như ung thư đại trực tràng, vú, phổi và tụy tạng.


Các giai đoạn của ung thư gan

HCC có thể được phân loại bằng nhiều hệ thống khác nhau, bao gồm hệ thống [đánh giá] khối u, hạch và di căn (TNM) và hệ thống phân loại ung thư gan của Barcelona (BCLC) và tiêu chuẩn Okuda.

BCLC được sử dụng phổ thông nhất, bao gồm năm giai đoạn:

    • Giai đoạn 0: Rất sớm; có 1 khối u nhỏ có kích thước dưới 2cm, không có triệu chứng và chưa xâm lấn các mạch máu lớn trong gan.

    • Giai đoạn A: Sớm; không quá 3 khối u, mỗi khối nhỏ hơn 3 cm. Không có triệu chứng và chưa xâm lấn vào các mạch máu lớn ở gan.

    • Giai đoạn B: Trung gian; có nhiều khối u trong gan, nhiều hơn ba khối u, hoặc có 1-3 khối u trong đó ít nhất một khối u lớn hơn 3 cm. Chưa có triệu chứng hay xâm lấn vào các mạch máu lớn ở gan.

    • Giai đoạn C: Tiến triển; Ung thư đã xâm lấn các mạch máu chính ở gan hoặc di căn sang các bộ phận khác của cơ thể với các triệu chứng dễ nhận thấy.

    • Giai đoạn D: Giai đoạn cuối; Ung thư đã xâm lấn các mạch máu chính trong gan hoặc di căn sang các bộ phận khác của cơ thể và có tổn thương gan trầm trọng.

Hệ thống TNM dựa trên các tiêu chuẩn sau:

    • T: Số lượng khối u nguyên phát, kích thước của u và sự xâm lấn của u tới các cơ quan lân cận

    • N: Di căn hạch bạch huyết kế cận

    • M: Di căn đến các cơ quan khác

Mức độ nặng tăng dần được biểu thị bằng cách thêm các số từ 0 đến 4 sau T, N và M.



Ai có nguy cơ bị ung thư gan?

Nguy cơ phát triển ung thư gan tăng lên khi 1 người tích lũy nhiều yếu tố nguy cơ. Các yếu tố sau đây khiến một người có nguy cơ cao hơn:

    • Giới tính: Đàn ông có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp đôi so với phụ nữ mà không rõ nguyên nhân. Điều này có thể là do đàn ông uống nhiều rượu hơn phụ nữ.

    • Tuổi: Tại Hoa Kỳ, ung thư gan nguyên phát thường ảnh hưởng đến những người từ 60 tuổi trở lên.

    • Chủng tộc: Tỷ lệ ung thư gan cao nhất ở người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương ở Hoa Kỳ, tiếp theo là người gốc Tây Ban Nha và La tinh, người Mỹ da đỏ, thổ dân Alaska, người Mỹ gốc Phi và người da trắng.

    • Viêm gan virus: Nhiễm HBV và HCV là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ung thư gan. Tuy nhiên, việc loại bỏ virus viêm gan B hoặc C cấp tính sẽ giúp phục hồi hoàn toàn sau nhiễm trùng và nguy cơ ung thư gan tăng lên chỉ xuất hiện ở những người không loại bỏ virus và bị nhiễm trùng dai dẳng.

    • Rối loạn chuyển hóa: Béo phì dẫn đến tích tụ mỡ trong gan, gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). NAFLD và mối liên quan với bệnh tiểu đường Loại 2 tạo ra các yếu tố nguy cơ đáng kể đối với ung thư biểu mô tế bào gan ở Hoa Kỳ.

    • Hút thuốc: Nguy cơ phát triển ung thư gan tăng lên tương quan với lượng hút thuốc lá và số năm hút thuốc. May mắn thay, nguy cơ ung thư gan giảm theo thời gian sau khi cai thuốc lá.

    • Các chất gây ung thư trong môi trường: Việc tiếp xúc với các hóa chất nhất định như vinyl chloride và plutonium hoặc tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm aflatoxin có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan. Aflatoxin được sinh ra bởi nấm mốc trong các loại hạt và ngũ cốc được bảo quản. Nguy cơ này thấp hơn ở Hoa Kỳ nhưng phổ thông hơn ở các khu vực như châu Phi cận Sahara, Đông Nam Á và Trung Cộng.

    • Uống quá nhiều rượu: Đây là yếu tố nguy cơ gây ung thư gan, đặc biệt khi một người bị xơ gan hoặc nhiễm HBV/HCV. Điển hình, những người nghiện rượu nặng bị xơ gan có nguy cơ ung thư gan cao gấp 10 lần so với những người không bị bệnh.

    • Nhai trầu: Một nghiên cứu của Đài Loan năm 2009 cho thấy những người nhai trầu (dùng như một chất kích thích nhẹ) không bị nhiễm HBV/HCV có nguy cơ bị bệnh xơ gan và HCC cao hơn, và những nguy cơ này cũng hiệp đồng cùng với những nguy cơ liên quan đến nhiễm viêm gan siêu vi. Cũng có một số bằng chứng cho thấy trầu cau, sự kết hợp của lá trầu, hạt cau và vôi tôi, gây ung thư gan dù có hoặc không hút thuốc lá, nhưng cần nghiên cứu thêm để xác nhận điều này.

    • Tiền sử gia đình: Những người có người thân bị bệnh ung thư gan có thể có nguy cơ cao hơn.

    • Sử dụng steroid lâu dài: Steroid đồng hóa, hormone nam giới, được các vận động viên sử dụng để tăng sức mạnh và kích thước bắp thịt, làm tăng nhẹ nguy cơ bị ung thư biểu mô tế bào gan khi sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, các steroid giống cortisone như hydrocortisone, prednisone và dexamethasone không gây ra nguy cơ tương tự.

    • Nhiễm HIV hoặc AIDS: Những người nhiễm HIV hoặc AIDS phải đối mặt với nguy cơ bị ung thư gan cao hơn, có thể là do hệ thống miễn dịch bị suy giảm sức chống lại nhiễm trùng.

    • Nhiễm sán lá gan: Sán lá gan là loại ký sinh trùng. Nhiễm trùng thường xảy ra do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm.

    • Thuốc tránh thai: Việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống từ 5 năm trở lên, đặc biệt là các [loại thuốc theo] công thức cũ, có liên quan đến việc tăng nhẹ nguy cơ bị bệnh ung thư gan ở phụ nữ, nhưng nghiên cứu vẫn còn gây tranh luận.

    • Một số tình trạng di truyền: Các tình trạng bệnh lý vốn có có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan bao gồm bệnh nhiễm sắt di truyền, thiếu hụt alpha-1 antitrypsin, bệnh tích tụ glycogen và bệnh Wilson. Sự mất ổn định về gen, có thể liên quan đến những thay đổi trong nhiễm sắc thể hoặc các khối kết cấu DNA đơn lẻ, cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển ung thư gan. Các gen điển hình như TERT promoter, TP53, CTNNB1, ARID1A và FGF, cùng với các đường truyền tín hiệu như JAK/STAT, Wnt B-catenin và PI3K-AKT-mTOR, là những nguyên nhân chính gây ra HCC.

    • Viêm xơ chít đường mật nguyên phát: Tình trạng này có thể dẫn đến viêm và sẹo đường mật, dẫn đến ung thư đường mật trong gan.

Chẩn đoán ung thư gan

Sàng lọc ung thư gan bao gồm việc kiểm soát ung thư ở những người không có triệu chứng. Phát giác sớm thông qua sàng lọc có thể hỗ trợ xác định ung thư ở giai đoạn mà việc điều trị có thể hiệu quả hơn. Mặc dù không có test sàng lọc tiêu chuẩn hoặc định kỳ đối với bệnh ung thư gan ở Hoa Kỳ, nhưng các testing sau đây thường được sử dụng:

    • Thử Alpha-fetoprotein: Alpha-fetoprotein (AFP), một loại protein được sản xuất bởi các khối u gan, là dấu ấn khối u được sử dụng phổ thông nhất để phát giác ung thư gan. Dấu ấn khối u, hay dấu ấn sinh học, là những chất do khối u tạo ra và có thể được phát giác trong máu, dịch hoặc mô. Tuy nhiên, ngoài ung thư gan, nồng độ AFP tăng cũng có thể xảy ra trong thai kỳ, viêm gan và các bệnh ung thư khác, vì vậy thử AFP còn gây tranh luận. Những bệnh nhân xơ gan có nguy cơ cao, chẳng hạn như những người bị bệnh viêm gan C, viêm gan B hoặc bệnh nhiễm sắc tố sắt, có thể cần kiểm soát mức AFP mỗi 3-4 tháng một lần.

    • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Có thể cho thấy một khối u.

    • Siêu âm: Siêu âm 6 hoặc 12 tháng một lần là một lựa chọn sàng lọc tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ở những người béo phì, siêu âm kém nhạy hơn nhiều, vì vậy nên cân nhắc siêu âm xen kẽ với chụp MRI hoặc CT.

Chẩn đoán ung thư gan thường bao gồm khám thực thể, thử máu và chẩn đoán hình ảnh, và đôi khi là sinh thiết gan để xác định. Những việc dưới đây có thể được thực hiện:

    • Khám thực thể: Bệnh nhân HCC thường có gan to. Ở trẻ sơ sinh, các bác sĩ thường nghi ngờ u nguyên bào gan khi phát giác một khối lớn ở vùng hạ sườn phải, đặc biệt nếu sức khỏe của trẻ sơ sinh suy giảm.

    • Thử máu: Thử tác dụng gan, thử virus viêm gan, thử hóa sinh máu (đo nồng độ của các chất khác nhau trong máu), công thức máu và thử tác dụng thận có thể giúp chẩn đoán ung thư gan. Ngoài ra, thử dấu ấn CA 19-9 trong máu liên quan đến ung thư đường mật và hỗ trợ tiên lượng ung thư gan.

    • Chẩn đoán hình ảnh: Các chẩn đoán hình ảnh được liệt kê ở trên, cũng như chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp động mạch, giúp mô tả các động mạch cung cấp máu cho khối u gan, cũng có thể được sử dụng. Một testing khác, chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), là phương pháp chụp hình y học nguyên tử trong đó một lượng nhỏ đường phóng xạ được chích vào cơ thể, làm nổi bật những bất thường như khối u. Quá trình quét hình này có thể giúp phát giác ung thư đường mật và thường được thực hiện đồng thời với chụp CT để đánh giá toàn diện hơn.

    • Kỹ thuật nội soi: Chẩn đoán ung thư đường mật ngoài gan thường liên quan đến phương pháp chụp X-quang chuyên môn. Thông thường, nội soi tiêu hóa trên sẽ đưa một ống nội soi có gắn camera qua miệng bệnh nhân vào thực quản để có thể nhìn thấy hình ảnh trên màn hình trong suốt quá trình. Trong trường hợp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), nội soi tiêu hóa trên được thực hiện và đưa trực tiếp thuốc cản quang vào ống mật đồng thời dùng X-quang bên ngoài để chiếu lại quá trình. Nội soi đường mật bao gồm việc sử dụng một loại nội soi chuyên môn gọi là ống nội soi đường mật để quan sát và sinh thiết các khối u bên trong đường mật; thường được thực hiện trong quá trình ERCP. Chụp đường mật qua da xuyên gan bao gồm việc đưa kim qua da vào đường mật gan và chích chất cản quang để tái hiện đường mật bằng tia X.

    • Sinh thiết gan: Nếu nồng độ AFP tăng cao đáng kể và có thể nhìn thấy khối u trên hình ảnh thì có thể đưa ra chẩn đoán ung thư gan. Tuy nhiên, nếu các testing liệt kê ở trên không có kết luận, sinh thiết gan có thể được đề nghị vì giúp đưa ra chẩn đoán xác định. Trong quá trình sinh thiết, mô gan được lấy ra để phân tích trong phòng thí nghiệm bệnh lý nhằm xác nhận mô ung thư.

Biến chứng của ung thư gan

Các biến chứng của ung thư gan bao gồm:

    • Bệnh óc gan là một tình trạng có thể phục hồi, biểu lộ bằng một loạt các vấn đề tâm thần kinh do các chất độc thần kinh tích tụ trong máu và óc. Các triệu chứng thường gặp bao gồm lú lẫn, thay đổi tính cách, mất phương hướng và giảm tri giác.

    • Huyết khối tĩnh mạch cửa đề cập đến tình trạng co thắt hoặc tắc nghẽn tĩnh mạch cửa do cục máu đông.

    • Chảy máu do giãn tĩnh mạch xảy ra ở các tĩnh mạch thực quản lớn.

    • Vàng da tắc mật xảy ra khi ống mật hoặc ống tụy bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, cản trở lưu thông bình thường của dịch mật từ gan đến ruột.

    • Áp xe gan là tình trạng tạo mủ trong gan.

    • Chảy máu trong phúc mạc là chảy máu trong ổ bụng, [khoang giới hạn] giữa các cơ quan và lớp lót bên trong của thành bụng.

    • Di căn đến các mô cơ quan khác.

    • Tăng áp tĩnh mạch cửa đề cập đến sự gia tăng áp lực trong hệ thống tĩnh mạch cửa, bao gồm tĩnh mạch cửa đi đến gan.

    • Nhiễm trùng đường mật (viêm đường mật) là một biến chứng của ung thư đường mật dẫn đến tắc nghẽn đường mật.

    • Thiếu máu.

Các phương pháp điều trị ung thư gan

Phương pháp điều trị duy nhất được xác nhận đối với bệnh ung thư gan là giải phẫu, cắt bỏ hoặc ghép gan. Tuy nhiên, 70% bệnh nhân không đủ điều kiện để giải phẫu. Giải phẫu là phương pháp điều trị ưu tiên đối với bệnh ung thư gan ở những bệnh nhân không bị xơ gan và chưa di căn.

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, các lựa chọn điều trị sau đây có thể được áp dụng:

1. Giải phẫu

    • Cắt gan: Cắt gan, còn được gọi là cắt bỏ một phần gan, loại bỏ khối u cùng với phần rìa giải phẫu của mô lành. Giải phẫu được cân nhắc nếu bệnh nhân không bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa, nồng độ bilirubin bình thường và còn đủ nhu mô gan lành sau giải phẫu. Giải phẫu cắt gan đưa ra một số lựa chọn bao gồm cắt một thùy gan, cắt nhiều thùy gan (cắt thùy mở rộng) hoặc cắt một phần của thùy gan (tức là cắt gan hạ phân thùy). Sau khi loại bỏ mô ung thư, một lá gan khỏe mạnh có thể phát triển trở lại kích thước bình thường trong khoảng 6 tháng, nhưng bệnh xơ gan sẽ hạn chế sự tái tạo.

    • Ghép gan: Nếu bệnh nhân không thể cắt gan thì có thể cân nhắc ghép gan. Ghép gan có thể là ghép toàn bộ hoặc một phần (ví dụ: chia gan để ghép cho nhiều người).

2. Liệu pháp cắt đốt

Liệu pháp cắt đốt sử dụng nhiệt độ cực cao hoặc lạnh để loại bỏ mô phát triển bất thường.

    • Đốt sóng cao tần (RFA) sử dụng dòng điện để tạo ra nhiệt nhằm loại bỏ các tế bào ung thư. Ở nhiệt độ trên 90 độ C, khối u bắt đầu tan rã.

    • Chích ethanol qua da (PEI) liên quan đến việc chích cồn ethanol nồng độ cao trực tiếp vào khối u gan bằng kim. Phương pháp này thường được áp dụng cho các khối u nằm gần các mạch máu lớn trong gan.

    • Đốt u bằng vi ba (MWA) sử dụng sóng điện từ để tạo ra nhiệt nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.

Cả RFA và MWA đều không thể sử dụng nếu khối u ở gần các mạch máu lớn.

3. Xạ trị

Liệu pháp xạ trị ngoài có thể được đề xuất nếu liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch không khả thi do tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Dưới đây là các loại xạ trị:

    • Xạ trị theo hình dạng [khối u] sử dụng kỹ thuật máy tính để tạo ra hình ảnh ba chiều của khối u, từ đó điều chỉnh các chùm bức xạ để phù hợp với hình dạng của u một cách chính xác. Phương pháp nhắm mục tiêu này cung cấp liều bức xạ cao cho khối u đồng thời giảm thiểu tác hại đến các mô lành xung quanh.

    • Xạ trị bằng chùm tia proton sử dụng các proton năng lượng cao để nhắm mục tiêu và loại bỏ các tế bào khối u. Kỹ thuật này đem đến độ chính xác cao trong việc giúp các mô lành xung quanh tránh tiếp xúc với bức xạ và đặc biệt hữu ích nếu khối u nằm gần các kết cấu quan trọng hoặc ở những khu vực nhạy cảm.

    • Liệu pháp xạ trị lập thể định vị thân (SBRT) bức xạ hội tụ với liều cao trực tiếp tại khối u gan. Đây cũng là liệu pháp xạ trị hiệu quả nhất cho bệnh ung thư gan.

4. Nút mạch

Nút mạch là một liệu pháp cản trở hoặc làm giảm lưu lượng máu (và oxy) đến các mô hoặc cơ quan để loại bỏ tế bào ung thư. Sau đây là các hình thức nút mạch có thể được sử dụng trong bệnh ung thư gan:

    • Nút mạch hóa chất (TACE): Nút mạch hóa chất kết hợp việc ngăn chặn nguồn cấp máu của khối u cùng với cung cấp hóa trị cho ung thư. TACE là một hình thức nút mạch hướng đến các nhánh của động mạch gan để điều trị ung thư gan. Đây là phương pháp điều trị thường quy dành cho những người có tác dụng gan khỏe mạnh, tổng trạng tốt và không có vấn đề gì trầm trọng như tăng áp lực tĩnh mạch cửa hoặc huyết khối tĩnh mạch cửa. Đây cũng là thủ thuật được thực hiện thường xuyên nhất để giải quyết các khối u gan không thể giải phẫu hoặc cho những bệnh nhân ung thư gan đang chờ ghép gan.

    • Nút mạch phóng xạ (TARE) là một hình thức trị liệu nút mạch đưa các hạt phóng xạ vào các động mạch đặc hiệu của khối u, tại đó các hạt phóng xạ bị giữ lại và tiếp tục chiếu xạ vào khối u.

5. Liệu pháp miễn dịch

Hệ thống miễn dịch thường ngăn chặn việc tấn công các tế bào khỏe mạnh bằng cách sử dụng các protein gọi là điểm kiểm soát, mà các tế bào ung thư sử dụng [các protein này] để ẩn náu khỏi các cuộc tấn công của hệ thống miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch nâng cao hiệu quả miễn dịch chống lại ung thư bằng các chất ngăn cản điểm kiểm soát miễn dịch, kháng thể đơn dòng ngăn chặn các điểm kiểm soát, từ đó cho phép hệ thống miễn dịch nhận biết và tấn công các tế bào ung thư gan.

6. Các phương pháp khác

    • Liệu pháp áp lạnh: Còn được gọi là cắt lạnh, liệu pháp áp lạnh bao gồm việc đóng băng và tiêu diệt các tế bào ung thư bằng một dụng cụ chuyên dùng.

    • Hóa trị: Mặc dù hóa trị không hiệu quả nhiều trong điều trị HCC nhưng cũng có thể sử dụng để điều trị ung thư đường mật và có thể áp dụng cho các loại ung thư gan khác.

    • Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): ERCP có thể được sử dụng để kiểm soát tắc nghẽn ống mật trong ung thư đường mật. Kỹ thuật sử dụng máy nội soi được trang bị máy chụp hình và dụng cụ giải phẫu để thông tắc ống mật và đặt stent. Stent này giúp tái thông ống dẫn mật, cho phép dịch mật đi vào ruột, cải thiện phẩm chất cuộc sống của bệnh nhân và giảm bớt các triệu chứng như vàng da.

    • Chăm sóc giảm nhẹ: Chăm sóc giảm nhẹ là chăm sóc y tế chuyên biệt nhằm giảm bớt đau khổ và nâng cao phẩm chất cuộc sống cho những người bị các bệnh hiểm nghèo không thể chữa khỏi. Chăm sóc giảm nhẹ tập trung vào việc kiểm soát cơn đau và các triệu chứng, cung cấp hỗ trợ cho bệnh nhân và gia đình, đồng thời bảo đảm danh phẩm và sự thoải mái trong suốt thời gian bị bệnh.

Suy nghĩ ảnh hưởng đến ung thư gan như thế nào?

Mặc dù không có bằng chứng xác thực về mặt khoa học từ các nghiên cứu chứng minh rằng suy nghĩ hoặc việc kiểm soát tinh thần có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh ung thư, nhưng suy nghĩ có thể ảnh hưởng đến kết cục ung thư gan theo nhiều cách, chẳng hạn như:

    • Cung cấp sự phục hồi tâm lý: Bệnh nhân ung thư gan chịu gánh nặng tâm lý to lớn, nhiều người bị trầm cảm và lo lắng. Các giải pháp can thiệp tâm lý và cải thiện sự phục hồi cảm xúc có thể giúp bệnh nhân đối phó tốt hơn với những căng thẳng và thách thức trong chẩn đoán và điều trị ung thư gan.

    • Cải thiện việc tuân theo điều trị: Suy nghĩ chủ động và kiên cường có thể dẫn đến việc tuân theo tốt hơn các kế hoạch điều trị, bao gồm lịch dùng thuốc, các cuộc hẹn tái khám và thay đổi lối sống.

    • Phẩm chất cuộc sống cao hơn: Tâm trạng được cải thiện có thể góp phần nâng cao phẩm chất cuộc sống trong quá trình điều trị ung thư bằng cách nâng cao sức khỏe toàn thể và mức năng lượng, thậm chí giảm đau. Điều này là do suy nghĩ có thể tác động đến con đường dẫn truyền thần kinh và opioid nội sinh, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến sinh lý và ảnh hưởng đến các chỉ số sức khỏe có thể đo lường được.

    • Đưa ra các cơ chế đối phó: Suy nghĩ tích cực thường dẫn đến việc áp dụng các chiến lược đối phó hiệu quả, chẳng hạn như tìm kiếm sự trợ giúp xã hội và duy trì lối sống lành mạnh.

      Hỗ trợ hệ miễn dịch: Nghiên cứu cho thấy thái độ tích cực và sự lạc quan có thể giúp ích cho hệ miễn dịch, do đó có thể hỗ trợ sức phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh ung thư.

Các phương pháp tiếp cận tự nhiên đối với bệnh ung thư gan là gì?

Trong khi các phương pháp điều trị ung thư gan nói trên đều gặp phải những hạn chế như tái phát ung thư, điều trị không hiệu quả và phản ứng bất lợi, một số phương pháp tự nhiên đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc cải thiện các triệu chứng và tỷ lệ sống sót của bệnh nhân. Tuy nhiên, vui lòng hỏi ý kiến ​​nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp tự nhiên nào.

Một số loại thực vật có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học đặc biệt có thể phá vỡ con đường dẫn đến sự phát triển của HCC liên quan đến các yếu tố nguy cơ, có thể trì hoãn hoặc ngăn ngừa HCC.

1. Dược liệu và thuốc thảo dược

    • Cây kế sữa (Silybum marianum): Cây kế sữa, còn được gọi là silymarin, đã được sử dụng như một phương thuốc chữa các vấn đề về gan, thận và túi mật trong hai thiên niên kỷ. Nghiên cứu chỉ ra rằng các hợp chất trong cây kế sữa có thể giúp bảo vệ gan. Trong số đó, một loại flavonoid có tên dihydroquercetin có thể làm giảm sự tích tụ chất béo trong gan, đặc biệt ở những người uống rượu, do đó giúp ngăn ngừa gan nhiễm mỡ. Silymarin có thể bảo vệ gan khỏi độc tố. Trong một phân tích gộp các nghiên cứu liên quan đến bệnh nhân xơ gan, việc điều trị bằng cây kế sữa có liên quan đến việc giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do xơ gan. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu còn nhiều ý kiến ​​trái chiều về việc liệu cây kế sữa có cải thiện các thử tác dụng gan hay không. Ngoài ra, những người bị dị ứng với cỏ phấn hương cũng có thể bị dị ứng với cây kế sữa.

    • Kỷ tử: Kỷ tử là trái của cây Lycium barbarum và thường được sử dụng trong Đông y. Thành phần quan trọng nhất của kỷ tử là Lycium polysaccharide (LPP), có nhiều ích lợi cho sức khỏe như điều hòa hệ miễn dịch, hoạt động như chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào thần kinh, kiểm soát lượng đường trong máu và tác dụng chống ung thư. Một nghiên cứu năm 2008 đã phát giác ra rằng uống nước ép có chứa polysaccharides từ trái kỷ tử có thể làm tăng dấu hiệu sinh học chống oxy hóa ở người. LPP cũng được chứng mình là có thể cản trở sự phát triển và gây chết cả dòng tế bào HCC của chuột và người, cho thấy tiềm năng sử dụng như một nguyên nhân chống ung thư.

    • Zingiberaceae (gừng): Trong một nghiên cứu năm 2010, dùng hàng ngày với liều 50mg trong mỗi kg chiết xuất gừng đã điều trị hiệu quả bệnh ung thư thực nghiệm ở chuột bằng cách giảm các yếu tố tăng trưởng và mức độ alpha-fetoprotein (dấu hiệu khối u gan). Điều này cho thấy rằng chiết xuất gừng có thể chống lại giai đoạn đầu của bệnh ung thư gan ở những chuột thí nghiệm như vậy. Riềng (Alpinia officinarum) là một thành viên của họ gừng có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, diệt trùng và gây độc tế bào. Trong một nghiên cứu năm 2012, chiết xuất và các thành phần của riềng đã chứng minh đặc tính chống ung thư chống lại các tế bào ung thư HCC nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiết xuất thân rễ Alpinia officinarum có thể được sử dụng như một nguyên nhân hóa học chống lại HCC ở chuột.

    • Nấm Vân chi (Huaier): Huaier thường được sử dụng trong Đông y để điều trị ung thư gan. Chúng chứa Trametes robiniophila Murr, một loại nấm dược liệu chứa nhiều hợp chất hữu cơ và khoáng chất với protein polysaccharide là thành phần hoạt động. Nghiên cứu cho thấy Huaier nhắm vào các yếu tố và con đường khác nhau trong bệnh ung thư gan. Chúng ngăn cản sự tăng trưởng và gây chết ở một số tế bào ung thư. Ngoài ra, chúng còn can thiệp vào các con đường truyền tín hiệu liên quan đến sự hình thành mạch máu của khối u.

    • Viên con nhộng Fufang Banmao (FFBM): Viên con nhộng Fufang Banmao là một loại thuốc điều trị ung thư được đánh giá cao bao gồm 11 loại thuốc truyền thống của Trung Hoa. Thành phần chính của chúng, Banmao, chứa cantharidin, có đặc tính chống ung thư. Trong một nghiên cứu năm 2011, việc dùng FFBM trước điều trị TACE hoặc một tuần hoặc một tháng sau điều trị đã gia tăng đáng kể tác dụng miễn dịch của bệnh nhân HCC.

2. Cách ăn uống

    • Mầm bông cải xanh: Mầm bông cải xanh là chứa rất nhiều các hợp chất hoạt tính sinh học thực vật có ích cho sức khỏe, bao gồm polyphenol, khoáng chất và vitamin A, C, K và B6, cần thiết cho sức khỏe toàn thể. Sulforaphane, một chất dinh dưỡng có trong các loại rau họ cải như bông cải xanh, đã được chứng minh là có đặc tính chống ung thư bằng cách gây ngừng chu kỳ tế bào và tiêu diệt tế bào ung thư người được nuôi cấy. Một nghiên cứu cho thấy mầm bông cải xanh hỗ trợ đáng kể trong việc ngăn cản tế bào ung thư gan HeP-G2.

    • Black currants: Black currants chứa nhiều chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật, chất chống oxy hóa, vitamin, chất béo lành mạnh và khoáng chất, bao gồm một loại chất béo omega-6 quý hiếm và tốt cho sức khỏe. Trong chuột thí nghiệm năm 2011, chiết xuất vỏ Black currants làm giảm sự xuất hiện, số lượng, kích thước và sự lây lan của khối u ung thư gan giai đoạn đầu ở chuột phụ thuộc vào liều lượng.

    • Măng tây: Polysaccharide măng tây được sử dụng trong lâm sàng để điều trị các loại ung thư khác nhau như ung thư vú, bệnh bạch cầu và ung thư phổi. Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm năm 2014 cho thấy polysaccharide măng tây có thể làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư gan điển hình, chẳng hạn như HeP-G2 và HeP-3B, mà không gây hại cho các tế bào gan khỏe mạnh, chẳng hạn như tế bào 7702.

    • Trà xanh (Camellia sinensis): Trà xanh từ lâu đã được sử dụng để ngăn ngừa các bệnh về gan ở Á Châu. Polyphenol chính trong trà xanh, epigallocatechin-3-gallate (EGCG), đã được thí nghiệm trên chuột bị tổn thương gan và cho thấy tác dụng đầy hứa hẹn trong việc giảm tổn thương, viêm và stress oxy hóa ở gan. Polyphenol trong trà có thể giúp ngăn ngừa và chống lại ung thư gan bằng cách ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, đẩy nhanh quá trình chết tế bào ung thư, giảm viêm và stress oxy hóa trong gan. Hiện tại, liều vừa phải có vẻ hữu ích, trong khi liều chất xuất quá cao cho thấy bằng chứng gây độc cho tế bào khỏe mạnh.

    • Cà phê: Tiêu thụ cà phê có liên quan đến các yếu tố bảo vệ chống lại HCC. Theo hệ thống đánh giá năm 2019 của bốn nghiên cứu, cà phê có mối liên hệ nghịch đảo từ yếu đến mạnh với bệnh ung thư gan. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng dân số Nhật Bản có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư gan nguyên phát do tiêu thụ cà phê.

3. Thực phẩm bổ sung

    • Berberine: Berberine, một loại alkaloid từ thân rễ Coptidis, đã được chứng minh là có đặc tính diệt trùng, chống viêm, chống oxy hóa, chống chết tế bào và chống tự thực bào đáng kể. Các báo cáo cho thấy tiềm năng của berberine trong điều trị ung thư và viêm. Trong một nghiên cứu năm 2010, berberine cho thấy tác dụng chống ung thư đối với tế bào HCC nuôi cấy ở người bằng cách kích thích quá trình chết tế bào ung thư và ngăn cản sự tăng sinh tế bào khối u.

    • Resveratrol: Là một hợp chất tự nhiên có trong nho đỏ được biết đến với sự chống oxy hóa và chống viêm mạnh mẽ, resveratrol được đánh giá cao trong y học thảo dược. Các tế bào ung thư thay đổi cách lấy năng lượng nhờ quá trình glycolysis (đường phân) hiếu khí, giúp chúng phát triển và tồn tại. Một nghiên cứu năm 2015 trên bốn dòng tế bào HCC khác nhau đã phát giác ra rằng resveratrol giúp tiêu diệt tế bào ung thư gan và làm giảm hoạt động của một loại protein có tên hexokinase 2 (HK2), có liên quan đến quá trình glycolysis (đường phân) hiếu khí. Resveratrol cũng hoạt động tốt với các phương pháp điều trị thông thường như sorafenib để làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc ngăn chặn HK2 bằng resveratrol có nhiều hứa hẹn để điều trị ung thư gan và ngăn chặn sự di căn của ung thư.

4. Y học thay thế và thực hành tâm – thân

    • Châm cứu và xoa bóp: Giảm đau là rất quan trọng trong điều trị ung thư gan. Liệu pháp châm cứu là phương pháp giảm đau phổ thông được sử dụng ở bệnh nhân ung thư gan, đặc biệt là ở Trung Hoa. Châm cứu và xoa bóp cũng có thể giúp giảm nôn mửa do thuốc và các phản ứng tiêu hóa khác trong quá trình điều trị ung thư gan, cùng với phương pháp ngải cứu.

    • Thiền và yoga: Thiền và yoga có thể được sử dụng như một phương pháp giảm căng thẳng để giảm căng thẳng ở bệnh nhân gan, đồng thời thiền cũng có thể giảm đau cho một số bệnh nhân.

Cách ngăn ngừa ung thư gan

Tránh các yếu tố nguy cơ đã biết có thể ngăn ngừa nhiều trường hợp ung thư gan. Dưới đây là các bước quý vị có thể thực hiện để giảm thiểu rủi ro:

    • Hạn chế tiêu thụ rượu.

    • Tránh hoặc bỏ hút thuốc.

    • Hãy cân nhắc việc chích ngừa viêm gan B.

    • Thực hành tình dục an toàn và tránh quan hệ tình dục với nhiều bạn tình để giảm nguy cơ nhiễm viêm gan B và C.

    • Tránh dùng chung bơm kim chích hoặc sử dụng ma túy trái phép.

    • Điều trị nhiễm virus viêm gan B và C, xơ gan và các tình trạng bệnh lý khác có thể dẫn đến ung thư gan.

    • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và tập thể dục thường xuyên.

    • Ăn uống hài hòa với nhiều trái cây, rau và thực phẩm nguyên chất.

    • Tránh tiếp xúc với aflatoxin.

    • Tuân theo các hướng dẫn an toàn khi giải quyết hóa chất hoặc chất độc có thể ảnh hưởng đến gan.

    • Kiểm soát thường xuyên sức khỏe gan, đặc biệt nếu quý vị thuộc nhóm có nguy cơ cao.

Mercura Wang
Thanh Long, Tú Liên biên dịch

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân