TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - TRANG VĂN - SỎI NGỌC
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

TRANG VĂN - SỎI NGỌC

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7322

Bài gửiGửi: Mon Jan 25, 2021 3:17 am    Tiêu đề: TRANG VĂN - SỎI NGỌC

Sám hối

Như ngày hội hoa đăng, ngày nhập học tại trường nam trung tiểu học Lasan Taberd, tất cả các nam sinh đều mặc quần dài xanh đậm, áo trắng còn thơm mùi vải mới cắt, giày bata trắng, tụm năm, tụm bảy cười đùa náo nhiệt, tâm sự kể cho nhau nghe những chuyện trong ba tháng hè vừa qua đã làm gì. Lác đác trong góc sân trường có những bạn lạc lõng đứng yên lặng đưa mắt nhìn quanh tìm một gương mặt quen biết trong số hàng mấy trăm học sinh …
Các freres đứng trên bục cao nhận học sinh cho năm học mới. Ai cũng mặc áo dài màu đen đến tận gót. Họ phấn khởi nhìn từng đoàn học sinh tuy huyên náo nhưng thật vô tư thánh thiện trong những chiếc áo trắng học sinh giữa sân trường.
Tất cả các em trung tiểu học đứng xếp hàng thật ngay ngắn dưới cột cờ theo lớp của mình sau khi tiếng chuông reo báo hiệu giờ tập trung, yên lặng nghe vị giám hiệu của trường, mái tóc hoa râm, với đôi kính trắng trễ xuống mũi, dõng dạc nói lời chào mừng những học sinh mới vừa ghi danh cho năm học mới và hân hoan đón những người cũ tiếp tục theo học trường.
Tôi từ Dalat chuyển xuống Saigon theo gia đình, bố tôi được nhậm chức vị mới cao hơn ở Saigon, hòn ngọc Viễn Đông, thủ đô miền Nam Việt Nam.
Tôi bước vào trường với những bước chân lưỡng lự bỡ ngỡ vì tôi biết cuộc đời mình sẽ hoàn toàn thay đổi ở thành phố lớn này, tại ngôi trường mới với những bạn bè và sinh hoạt mới so với thành phố nhỏ bé yên lặng và êm đềm của Dalat.
Chúng tôi theo hàng vào lớp. Lớp tôi nằm ở cuối hành lang.
Gọi là vào trung học, tưởng đã trưởng thành nhưng khi nhìn sang bên cạnh, tôi bắt gặp một cặp mắt tròn to lóng lánh, rất lạ với mái tóc ngắn à la garconne, khuôn mặt mang một chút nét… con gái, chiếc mũi thẳng cao, chiếc miệng vuông vắn; hắn đang nhìn về phía tôi và rút trong cặp ra con gấu bông trắng thật xinh, dụ tôi:
- Thích không? …giữ đi!
- … cho mình sao?
- Ừm… tặng đó!... tên gì?
- Thiêm… Còn bạn?
- Tuệ Khanh…
- …con gấu trắng bông… thật đẹp quá, mình rất thích! Cám ơn Tuệ Khanh nhe.
- Thiêm… không phải là học sinh cũ của trường phải không? từ đâu vào vậy?
- Mình từ Dalat…
- Ah! …hèn chi đôi má lúc nào cũng hồng hồng, đẹp ghê…
Tôi bỗng đỏ mặt thêm:
- Saigon, con trai da nâu ngăm ngăm trông thật mạnh khỏe!
- Tuệ Khanh rất thích nhìn …đôi má hây hây… Chút nữa giờ ra chơi … mình cùng đi ăn chung nhe.
Mới nhập học, tôi chưa kịp quen ai trong lớp, đã gặp Tuệ Khanh, hắn quấn lấy tôi từ đầu đến cuối giờ, hết tặng tôi con gấu lại lấy đồ ăn trưa cho tôi ăn chung. Cái nhìn chăm chú kỳ lạ của hắn làm tôi cảm thấy không mấy an toàn, nhưng nghĩ lại hắn chỉ muốn làm thân với tôi thôi, tại sao tôi lại có ý nghĩ nghi ngờ về lòng tốt của hắn chứ, nên cố gắng xua đuổi ý nghĩ ấy ra khỏi đầu.
Tình bạn chúng tôi bắt đầu từ đó, hắn hay bảo tài xế đến đón tôi đi học cùng với hắn, nhưng hôm nay tôi muốn làm một bất ngờ cho hắn! Bố mẹ tôi đã đi làm từ sáng sớm, tôi cố ý đạp xe qua nhà hắn trên con đường Trần Quý Cáp để rủ hắn đi học.
Không hẹn gì cả, tôi muốn giành một ngạc nhiên cho hắn nên dấu chiếc xe đạp ở một nơi hơi xa nhà hắn rồi đi bộ lại phía sau nhà, tôi tưởng tượng khuôn mặt hắn với chiếc miệng há hốc ngạc nhiên vì sao tôi lại biết địa chỉ nhà hắn mà đến đúng phóc!
Từ xa, ngôi nhà hắn sừng sững rộng lớn, ba tầng, chắc phải là nhà giàu, trong sân có hai chiếc xe to một đen và một trắng, chiếc màu đen tôi đã thấy tài xế thường chở hắn đến trường rồi, thỉnh thoảng ba hắn cũng đến đón hắn bằng chiếc này.
Vòng ra phía sau nhà để nấp cho kín, tôi nghe tiếng ba hắn nói thật to:
- Bà đừng có thương chiều nó quá nhe, nó sẽ hư cho mà xem, cứ mua ba cái thứ đồ gì đâu cho con mặc à…Nó là con trai đó!!
- Nó thích vậy mà ông!
- Thích thì thích chứ, giống gì phải ra giống đó, nửa nạc nửa mỡ là tôi đánh cho chết đó! Tôi không chứa mấy thứ đó đâu!
- Thôi thôi, ông đừng có la nữa… mới sáng sớm cho con ăn uống rồi đi học đi, rồi tối về mình từ từ dậy nó …
- Mới sáng ra đã thấy nó ăn mặc mấy thứ đó là tôi sẽ….đem đốt hết!
Tôi nghe tiếng ông hứ giận dữ bỏ lên lầu.
Bỗng mẹ hắn đi về phía sau nhà, thấy bóng tôi lấp ló, bà gọi to:
- Cháu… là bạn của Tuệ Khanh phải không?... đi học hả cháu? Để bác gọi nó!
Bà bước lên vài bậc cầu thang:
- Khanh à, có bạn con tới rủ đi học nè!
- Vâng ạ! Con xuống ngay!
- Thay đồ đi hãy xuống nhe, mẹ có để bộ đồng phục ủi thẳng ngay cửa tủ đó con.
- Dạ, con thấy rồi!
Bà quay sang tôi hỏi :
- Con đến hồi nào sao không bấm chuông đi cửa trước mà…
- Con xin lỗi bác, con tính làm ngạc nhiên cho bạn Khanh….
- Ừm… không sao đâu, lần sau đi phía trước để Tuệ Khanh ra đón con vào chơi nhe!
- Dạ vâng!
- Nhà con có gần đây không?
- Dạ nhà con trên đường Sương Nguyệt Ánh ạ!
- Hai đứa đi xe đạp cẩn thận, ngoài đường xe như mắc cửi…
- Thưa bác con đi!
Tuệ Khanh với mái tóc mượt đen mun, dài che lỗ tai, cắt ấp vào khuôn mặt, với đôi hàng lông mi dài rậm, cong lên trông giống như con búp bê không hơn không kém; hắn đạp xe trước tôi thật nhanh nhẹn, dáng người dài thon, lâu lâu ngoái lại nhìn chừng xem tôi có lạc hắn không vì tôi là dân mới vào thành phố đông đúc nên chưa biết đường nhiều bằng hắn.
Chúng tôi cùng nhau đi học như thế được nửa năm, tình bạn thắm thiết hơn, hắn lo cho tôi và để ý đến cách ăn uống của tôi, biết tôi thích những món gì, hắn mang đồ theo buổi trưa cho tôi ăn, không thích tôi chơi với các bạn khác, hắn kiếm chuyện khi thấy tôi đứng nói chuyện lâu với một người bạn nào đó trong lớp; có lúc tôi giảng thích lâu về một bài toán cho một bạn ngồi cạnh …cũng bị hắn cằn nhằn một chập.
Tôi rất quý hắn, nhưng tính tôi không thích giải thích dài dòng, hay trầm ngâm, thích đọc sách, tuy ít nói nhưng vẫn thích có người bạn ngồi cạnh, Tuệ Khanh lúc nào cũng thao thao bất tuyệt, kể đủ thứ chuyện, từ lúc đầu giờ học đến cuối buổi, đến nỗi khi thấy tôi có vẻ lơ là nghe hắn nói là hắn kéo khuôn mặt tôi lại đối diện với khuôn mặt hắn, hắn châu môi dí sát vào mặt tôi :
- Có nghe Khanh nói không hở? sao cứ đọc sách hoài vậy? trong sách có gì hay chớ!
Tôi chưa kịp đối đáp, hắn đã giằng quyển sách khỏi tay tôi, tôi nhấc mặt lên, hắn xuýt đặt lên môi tôi ….một nụ hôn!!
Tôi giật mình, hắn lấy tay bụm miệng lại, tôi lùi lại phía sau, quyển sách bất thần rơi xuống đất, hai mắt căng to ngạc nhiên, tôi chưa kịp nói câu gì, hắn đã tiến lại sát tôi, một tay bịt miệng tôi, một tay ôm qua người tôi, cặp mắt van lơn :
- Thiêm…. Đừng… đừng… la!... mình rất thích bạn!
- Khanh…nói gì vậy?
- Khanh nói thật … Thiêm đừng cười, đừng xua đuổi mình nhe, cũng đừng sợ mình, ai cũng tránh né mình cả, mà thực ra mình đâu có bệnh gì đâu chứ, chỉ là… mình …mình…
Khanh bỏ tay ra khỏi miệng tôi, nhìn xung quanh xem có ai nhìn chúng tôi không, xong không thấy gì, hắn có vẻ yên tâm, kéo tôi ngồi lại xuống ghế. Trong cơn hoảng loạn, tôi ngồi tuột ra đầu ghế cách xa hắn gần hai thước vừa đưa hai tay xô hắn ra.
Nước mắt hắn bắt đầu nhỏ giọt, vừa bị chạm tự ái lẫn tổn thương vì hành động xua đuổi của tôi, hắn chậm nước mắt liên hồi để những bạn khác không thấy cảnh kỳ quặc của hai đứa con trai ngồi nói chuyện bên nhau mà có một đứa đang khóc giống như cảnh đôi trai gái đang giận hờn vậy.
Lúc này tôi mới nhìn hắn thật kỹ, mái tóc ngắn bum bê ôm sát với khuôn mặt, cặp mắt với ánh nhìn thật ướt át, dưới cặp lông mi cong dài như con gái, dáng người mình dây, chả lẽ hắn là…là… con gái sao? mà giống … con gái hơn là con trai! Nhưng mà… ngồi trước mặt tôi là … đứa con trai cơ mà, tôi không hiểu nổi tại sao tôi lại có ý nghĩ kỳ quặc như thế nữa! Nếu hắn là con trai thì tại sao hắn lại muốn… hôn tôi lúc nãy?
Tôi bàng hoàng, chờ cho tim bớt đập mạnh, lên tiếng :
- Khanh… Khanh…hãy nói cho Thiêm biết…
- Khanh là….
- …
- Khanh không phải là… con trai!
- Vậy… Khanh là ….
- Là … con gái!
Theo phản xạ tự nhiên, tôi bật dậy khỏi chiếc ghế đá, đứng ra phía sau và dựa người vào ghế cho khỏi té, tôi nhìn xung quanh xem có ai nghe được mẩu đối thoại của chúng tôi không,… Còn những ai như thế nữa trong sân trường này đang dấu diếm thân phận của mình không? hay trong nghìn người mới có một như …Khanh?
Chuyện gì vậy? chuyện gì đang xảy ra vậy? tôi không thể tin được vào đôi tai của chính mình nữa! Người cùng tôi đi học mỗi sáng, cùng tôi làm bài chung, ăn chung cùng mâm, có lúc nằm lăn ra giữa bãi cỏ, gối lên chân nhau, mặc chung một chiếc áo mưa…tại sao bỗng nhiên biến thành một người khác… phái vậy? tôi muốn bịt tai lại để khỏi nghe câu chuyện hoang đường từ miệng hắn!
Trong khoảnh khắc thực tại, tôi cảm thấy thật bất mãn, thật ghét hắn, hận hắn và thấy hắn đã giả dối, lợi dụng tình bạn đẹp đẽ bao lâu nay của tôi để rồi ném cho tôi cái kết quả đã rồi! Nếu tôi chơi với hắn tiếp tục nữa thì có phải là tôi … cùng chấp nhận cái giới tính kỳ quặc của hắn không chứ! Rồi tôi sẽ bị các bạn nam khác tẩy chay, kể cả phái nữ cũng không muốn gần tôi nữa!
Bất giác tôi vụt bỏ chạy như ma đuổi vào lớp, không thèm quay nhìn lại hắn, tôi cảm thấy thật ghê tởm hắn! tim đập thình thịch trong lồng ngực, tôi xấu hổ vì hắn, xấu hổ vì tình bạn đã cho hắn cả nửa năm qua. Chạy vào toilet nam, tôi soi khuôn mặt tôi trong gương, không biết có dính chút nước miếng nào của hắn trên khóe môi hay không, tôi vội vàng mở vòi nước thật to, để nước chảy ồ ạt thật mạnh trên mặt để làm trôi đi sự kinh tởm nhơ nhuốc ấy.
Những ngày tiếp theo đến trường, tôi không thèm để ý đến hắn, không thèm nhìn về phía chỗ hắn ngồi xem hắn có mặt hay không nữa, trong tôi như khối núi lửa đang phun nham thạch, bất mãn cái hình hài hắn vừa tuyên bố với tôi, tôi cảm thấy mình khinh bỉ hắn quá! Tôi mong hắn đừng bao giờ xuất hiện trước mặt tôi nữa!

Một tuần trôi qua, tôi không bóng dáng hắn đến trường, có lẽ vì tự ái hay vì xấu hổ đã không dám vào lớp. Một chút lo lắng thoáng qua trong đầu, không biết hắn có bị gì không? Đầu óc tôi quay cuồng với những ý nghĩ không hay về hắn! Mặc dù đã nói mặc kệ hắn, khinh bỉ hắn, nhưng sao tôi cứ bị dằn vặt vì những kỷ niệm đẹp của tình bạn hơn nửa năm qua…
Đang đạp xe gần đến đầu đường nhà, bất giác tôi nghe tiếng gọi nhỏ :
- Thiêm… Thiêm…
Tôi quay đầu ngoái lại, hắn xuất hiện từ một gốc cây, trông khuôn mặt có vẻ hốc hác hơn trước, hắn dắt xe đạp lại gần tôi :
- Có thể… nghe Khanh nói một chút được không?
Tôi vội nhìn quanh mình… hắn trấn an tôi :
- Ở đây không có ai rình mình đâu, cũng chả có bạn nào trong trường đi qua đây vào giờ này đâu, Thiêm đừng lo …Khanh hỏi thật Thiêm, có phải Thiêm giận và ghét Khanh lắm không? Khanh xin lỗi Thiêm nhe, thật tình Khanh cũng không muốn để Thiêm biết thân phận của mình lúc này, nhưng không hiểu sao Khanh lại làm vậy nữa, cũng chỉ tại vì Thiêm thật dễ thương, từ ngày quen Thiêm, Khanh chỉ muốn sau này được làm ….người yêu của bạn mà thôi! Khanh nói thật đó!... Khanh biết Thiêm không thể chấp nhận… nhưng …. Khanh muốn nói sự thật này cho Thiêm biết, không muốn dấu diếm, cũng không muốn tránh né thực tế nữa…
- Vậy gia đình bạn đã biết … chuyện này chưa? … Có đồng ý không?
- Có! ở nhà mẹ đã biết Khanh là con gái, bà vẫn rất yêu quý và tôn trọng sự lựa chọn của Khanh, nhưng ba thì… không chấp nhận, ông vẫn cứ nói là Khanh bị ma nhập, là Khanh chỉ muốn đóng kịch giả vậy thôi, rồi theo thời gian sẽ trở thành con trai. Thiêm biết đó, gia đình của Khanh chỉ có mình Khanh thôi, nếu Khanh mà có bị gì thì mẹ không thể sống nổi đâu! … còn ba …thì mẹ đang thuyết phục ba chấp nhận!
- Tại sao ngay từ đầu Khanh không nói chuyện này cho Thiêm biết? Khanh đã lừa dối mình, lừa dối tình bạn đẹp đẽ … để rồi bây giờ mới nói thật cho mình biết!
- Hãy hiểu cho Khanh, Khanh không thể nào nói chuyện này cho ai nghe được đâu, trừ khi người đó là… người yêu của Khanh…
Vừa nói đến đó, những giọt nước mắt nhỏ xuống má Khanh, làm ướt cả quyển sách hắn ôm trước ngực. Lòng tôi nặng xuống theo từng giọt nước mắt của người bạn thân, tôi nghĩ hắn bị bệnh hơn là chấp nhận thực tế con người của hắn, tôi ái ngại nói :
- Bây giờ Thiêm đã hết … giận Khanh, nhưng không muốn… mình tiếp tục làm bạn nữa, hãy về… chữa bệnh đi, đến khi nào hết … thì hãy đến gặp Thiêm!
Tôi quay đầu xe đạp và định đạp đi, hắn nắm chặt xe tôi :
- Khiêm! Đừng bỏ Khanh, …Khanh sẽ chết nếu bạn bỏ mình!
- Xin lỗi Khanh!
- … đừng hối hận sau này đó!
Trong lòng tôi đầy dằn vặt, vừa tức tối, vừa thương, giận…Tôi cắm đầu đạp xe và không muốn nghe lời trần từ nào nữa từ chiếc miệng bệnh hoạn kia!

Sau lần đó, chúng tôi không gặp nhau nữa, tôi nhất quyết xin đổi trường!
Miền Nam Việt Nam cùng lúc có vấn đề chính trị thật gây cấn, những đường phố đều bị ngăn cấm, hoàn cảnh sôi sục vào lúc ấy; dân quân kẻ ở người đi, cả một đất nước rối tung lên lẫn với máu và nước mắt!
Gia đình tôi cùng nhau rời khỏi quê hương trong vội vã hoảng loạn không để lại lời giã biệt cho một ai…

Qua đến Canada, bố mẹ tôi bắt tay vào tìm việc, tôi phải tiếp tục học lại, cuối tuần phải làm thêm một chân chạy bàn ở những nhà hàng để phụ tiền nhà cho bố mẹ. Tôi không còn thì giờ để nhớ đến một ai nữa vì khi nằm xuống mỗi đêm là hai mắt nhíu lại không cho phép tôi nhớ đến quá khứ hay mộng mị…

Như chiếc thoi đưa…20 năm trôi qua…
Phải chật vật lắm tôi mới học xong ngành dược, giờ đã 34 tuổi, may mắn tôi làm dược sĩ cho pharmacie do chính tôi làm chủ; bố mẹ tôi sắp về hưu và cứ mãi hối thúc vợ chồng tôi sanh con để ông bà có cớ về hưu trông cháu. Vợ chồng tôi mới lấy nhau được một năm thôi nên chưa tính đến chuyện con cái, chúng tôi còn muốn đi chơi đây đó trước khi thực sự bận rộn chuyện gia đình.
Vợ tôi làm bác sĩ phụ khoa nên thời gian với gia đình còn hiếm hơn tôi, nhưng lúc nào cũng rất chu đáo. Nàng phone tôi dặn dò :
- … Hôm nay em lại phải có hẹn với khách, sẽ về nhà trễ, nếu anh đói thì ăn trước đi nhe!
- Không! anh sẽ chờ em về cùng ăn … em trễ nhiều không?
- Cái hẹn cuối của em là 5 :00pm
- Ok không sao, anh cũng xong khoảng 5 :00 hơn, sẽ mua đồ làm sẵn rồi về nhà chờ em về luôn…
- Nếu anh đói cứ ăn trước…
- Ừm được mà… cẩn thận em nhé!
- Vâng, bye anh!
Nàng và tôi quen nhau khi cả hai cùng học đại học, nàng như con mọt sách suốt ngày trong thư viện, tôi cũng không thua gì nên cả hai đã gặp nhau vào một ngày cuối tuần trên sân thượng của thư viện, nơi mà chẳng có ai lên đến cả, rất xa phòng đọc chính và thật yên ổn không ai làm phiền!
Chúng tôi mỗi đứa một chồng sách cao ngất, học từ sáng đến chiều khi mặt trời đã lặn, ánh sáng tự nhiên không đủ để đọc sách nữa thì chúng tôi mới cùng giao nhau ở đầu cầu thang dẫn xuống phòng đọc chính, những câu chào hỏi thông thường mỗi tuần đã làm chúng tôi xích lại gần nhau, nhất là những tách café nóng hổi vào mỗi sáng thứ bảy tôi bất chợt mua đến cho người cùng yêu sách cạnh tôi… không ngờ lại làm nàng cảm động và như nàng thường nói với tôi là tuy đôi mắt để trên trang sách nhưng trái tim thì đập cùng nhịp với chàng bốn mắt ngồi cách đó không xa. Bố mẹ nàng không có mặt ở Canada nên nàng xem tình yêu thương của gia đình tôi đối với nàng thật trân quý mỗi lần tôi dắt nàng về nhà ăn cơm với gia đình….
Tình cảm dần nẩy nở từ một tình bạn bình thường đến thành vợ chồng một cách nhẹ nhàng và đơn giản như thế.
Ngày nàng ra trường bác sĩ chỉ mình gia đình tôi là người gần gũi nhất, đến chúc mừng với nàng, nàng đã cảm động và ôm chặt cổ tôi, mặc cho những dòng nước mắt chảy ướt cổ áo trắng tinh mà tôi đã định mặc để cho buổi lễ đăng quang của tôi sau đó….
Chúng tôi đã thành vợ chồng được một năm nay, nghĩ lại giống như một câu truyện cổ tích khó tin mà có thật!

Mới năm giờ thôi nhưng nhìn ra đường đã thấy xụp tối, tôi nghĩ chắc nàng đang có cuộc hẹn với khách, tôi ghé vào chợ mua ít đồ ăn về làm bữa tối rồi chờ nàng về dùng cơm luôn, cũng tiện trên đường về nhà.
Lúc ra trả tiền ở quầy, một cô gái chạy theo đưa tôi chiếc khăn quàng:
- Anh… anh làm rơi chiếc khăn quàng ở đàng kia…
- Cám ơn cô!
Tôi nhận lại chiếc khăn quàng đã đánh rơi lúc nãy ở quầy bánh mì, ngước mặt nhìn cô gái vừa trả lại cho tôi. Cô có mái tóc dài thật mượt dài ngang lưng rất đẹp, chiếc miệng vuông vắn, khuôn mặt có vẻ như quen quen mà tôi không thể nào nhớ ra đã gặp ở đâu.
Cô ta cũng nhìn lại tôi thật lâu, bất ngờ trong đôi mắt lộ vẻ vui mừng, rồi lại cúi đầu xuống như che dấu cảm xúc. Một chút lính quýnh trong hành động…
Bỗng cô vụt bỏ đi thật nhanh về hướng cửa ra khỏi chợ, bỏ lại cả chiếc xe đầy đồ ăn đã chọn từ lúc nãy!
Tôi ngoái lại nhìn giỏ xe hàng của cô ta, một quyển sách bị bỏ quên nằm hờ hững trên những gói đồ trong lúc quá vội vàng bỏ đi.
Tôi nhanh tay với lấy quyển sách, tung người chạy theo cô ra ngoài cửa để trả; nhưng vừa ra khỏi cửa thì thấy chiếc xe hơi trắng của cô lao vút thật nhanh qua mặt tôi như sợ trễ hẹn…hay …lẩn trốn!
Tôi quay lại chợ, suy nghĩ mông lung về cô gái với những hành động lạ lùng ấy, trả tiền hàng hóa và ôm luôn cả quyển sách của cô gái về nhà một cách vô thức….
Vừa chờ nồi thịt chín, vừa tiện tay tò mò lật vài trang sách của cô gái lạ mặt lúc nãy để quên, từ trong ấy rơi xuống đất một tấm hình, tôi nhặt lên…
Tuệ Khanh! Tuệ Khanh đây mà…. Người bạn học dưới trung học với tôi hồi lớp tám ở Taberd, không thể nào tôi quên được! tại sao tấm hình này lại rơi ra từ quyển sách này?? khuôn mặt bầu bĩnh thật trẻ với đôi mắt trong sáng, với hàng lông mi thật dài như con gái, khuôn miệng rộng hơi vuông vắn nhất quyết làm gì cũng phải đạt mục đích, mái tóc cắt úp ôm lấy khuôn mặt con gái! Tấm hình còn thơm mùi giấy mới cắt … hình như mới rửa in lại ngày hôm nay, tôi thầm nghĩ :
- Bây giờ bạn ra sao? bạn khỏe không? … mà sao cô con gái mảnh khảnh hồi chiều lại có tấm hình này của bạn? …bạn là gì của cô ta? Nếu tính về tuổi tác từ thuở đó đến bây giờ thì bạn không thể làm con được vì cô ta cũng không lớn tuổi hơn để làm mẹ! tôi cũng biết bác gái mẹ của bạn, không phải là cô gái hồi chiều ....vậy bạn là gì của cô ta? Em trai? Hay …một người bạn trai? … mà hồi xưa bạn đâu muốn làm con trai? Bạn còn muốn làm… người yêu của tôi mà!
Tôi lắc đầu không hiểu nổi tấm hình này có quan hệ thế nào với cô gái hồi chiều nữa!
Nhưng phải công nhận cô gái ấy có nụ cười y hệt Tuệ Khanh!... chả lẽ….
Ngay lúc ấy, tiếng khóa lách cách mở cửa, vợ tôi xuất hiện, nàng hít hít ngửi :
- Anh đang làm món gì mà ngon thế? Em ngửi thấy mùi thơm bay ra tận ngoài cửa..
- Em đói chưa?
- Dĩ nhiên đói lắm rồi, mình ăn đi anh.
Nàng lại gần bếp nhìn vào nồi thịt kho của tôi, bên cạnh là quyển sách còn mở toang và tấm hình của Tuệ Khanh cũng còn mở trên trang sách ấy.
Nàng nhặt thật nhanh tấm hình lên, mắt dọ hỏi tôi :
- Anh… anh lấy từ đâu tấm hình này?
Tôi còn đang ngạc nhiên chưa trả lời thì nàng tiếp lời :
- Cô … bệnh nhân của em đã … tìm kiếm tấm hình này khá lâu…
- Hình này có quan hệ gì với cô bệnh nhân ấy?
- Là… em đã hứa không thể nói chuyện này ra được đâu!
- Tại sao phải hứa? …bộ quan trọng lắm sao?
- Phải …rất quan trọng!
Tôi thấy nàng có vẻ nhìn về xa xăm như đang nhớ về một chuyện gì đó, có vẻ không muốn nói cho tôi nghe, nàng cất tấm hình vào bóp một cách gọn lỏn:
- Em …xin được giữ nó, cho em xin nhé!
Nàng kiễng chân lên, đặt lên cạnh môi tôi một chiếc hôn ấm áp, như trả giá cho việc mua tấm hình, với tay lấy chiếc bóp và đi thẳng vào buồng tắm!
Tôi thừ người nhìn theo dáng nàng, không hiểu chuyện gì đã xảy ra trong đầu vợ tôi, và cũng chưa kịp giải thích lời nào về bức hình đó cả, không biết nàng có biết tôi đã rất thân với người trong ảnh hay không, sao nàng không tìm hiểu thêm về mối quan hệ quá khứ của tôi với người ấy, mà …lẳng lặng cất tấm hình như thế chứ!
Tôi hơi bất ngờ vì hành động của nàng, cũng …đang chờ câu hỏi của nàng, thế mà…cả hai vẫn cứ yên lặng…Bộ nàng quen biết thân với người ấy? vậy… nàng và Tuệ Khanh có quan hệ gì? So với số tuổi thì Tuệ Khanh bằng tuổi tôi, tức là hơn nàng hai tuổi. Tôi bóp trán suy nghĩ… Nàng có liên hệ ra sao với Tuệ Khanh? Nàng chưa muốn nói hay muốn giấu tôi luôn? Bao nhiêu câu hỏi dồn dập vẫn không có câu trả lời.
Từ xưa đến nay chúng tôi sống bên nhau rất yêu thương hạnh phúc, chưa bao giờ nàng giấu tôi điều gì, nhưng đặc biệt những hồ sơ bệnh nhân thì nàng cũng chưa từng hé lộ cho tôi biết về ai… Nàng làm việc rất nguyên tắc, tôn trọng sự bảo mật cá nhân của khách hàng, và tôi rất tôn trọng điều ấy!
Vợ tôi cầm tách café uống ngon lành và tỉnh bơ sau bữa cơm tối, tay lật tờ báo xem tin tức… Tôi phát tức, muốn tra hỏi về chuyện tấm hình, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Sao nàng lại ung dung tự tại, bình tĩnh như thế chứ? Sao nàng không hỏi tôi làm sao tôi có tấm ảnh đó? Sao nàng không nói cho tôi nghe tí gì về sự quen biết với Tuệ Khanh?
Không thể nào ngồi yên lặng chờ đợi nàng bật mí, và cũng không thể kềm chế được sự tò mò, tôi bèn đi thẳng vào vấn đề:
- Nói cho anh biết, em quen thế nào với người trong tấm ảnh vừa rồi vậy?... xin lỗi em, anh thật sự muốn biết …
Nàng ngước mặt nhìn tôi, trong đôi mắt đầy vẻ ngạc nhiên của nàng như muốn nói với tôi là tại sao tôi lại muốn biết chuyện đời tư quá khứ của ai đó, mà nàng không tiện nói!
Nàng đứng lên bỏ đi, đứng dựa người vào thành cửa số, tư lự. Vẫn giữ im lặng.
Bỗng nàng lên tiếng :
- Có bao giờ… anh kể cho em nghe chuyện anh quen với … cậu bé trong hình chưa?
- …Ưm… cậu bé trong hình là chuyện xưa cũ hồi anh còn ở Việt Nam đi học thời trung học… Mà anh không thấy quan trọng nên không kể em nghe, với lại bạn bè lớn lên xa nhau … là chuyện thường mà …đâu có gì để kể!
- Vậy anh cũng đâu cần biết lý do tại sao em đã cất giữ nó!
- Anh …không hiểu em muốn nói gì cả!
- Người con gái anh gặp hồi chiều …
- Anh không hề quen… anh đánh rơi chiếc khăn, cô ta nhặt trả lại tình cờ thế thôi!
- Anh… không nhận ra cô ta sao?
- …không! anh …không hề quen!
- Hãy từ từ suy nghĩ đi!
- Thật mà! Anh chưa hề….mà hình như khuôn mặt khá quen thuộc, anh không biết đã gặp ở đâu!
- Để em nhắc cho anh nhớ nhé
Tôi há mồm ngạc nhiên… nghe nàng kể lể:
- Hãy nhìn tấm hình này và cô gái hồi chiều …có điểm nào giống nhau không?
Tôi cố gắng nhìn thật kỹ, từng điểm, từng nét trên khuôn mặt của Tuệ Khanh và liên kết với cô gái hồi chiều…. Hình như… Tôi thảng thốt kêu lên:
- Chả lẽ….không lẽ….
- Phải!
Vợ tôi bắt đầu giải thích cặn kẽ:
- Hồi cậu học trò ấy còn trẻ đã rất ao ước biến thành nàng công chúa xinh đẹp, muốn sống với chính bản thân mình, nhưng gia đình cấm đoán không cho. Bố cậu bé đã coi như đây là một căn bệnh khó trị, đem cậu đi chạy chữa thầy pháp, lên đồng, gọi hồn, cậu bị họ đánh đập để đuổi quỷ ma và cho uống những thứ thuốc trừ tà mà khi uống vào là nằm vật vờ mấy ngày ói mửa…
Đến năm 15 tuổi với sự giúp đỡ của người mẹ lúc nào cũng gần gũi và hiểu thấu sự mong mỏi của con, bà đã dắt người con trai ấy sang Thái Lan …đổi hệ. Sau hơn một năm ròng rã khám và mổ … người con trai Tuệ Khanh ấy biến thành nàng con gái xinh đẹp mà anh đã gặp hồi chiều!
- Sao em lại biết chuyện này? Em làm sao quen được Tuệ Khanh?
- Em không những là người em họ rất thân mà khi chị ấy và mẹ qua Thái sinh sống một thời gian đã từng ở nhà ba mẹ em để chữa bệnh, mà còn là một người bạn thân cho chị ấy trút bao muộn phiền, tự ti, đau khổ của bản thân…
Còn anh là mối tình đầu của chị ấy khi vừa biết yêu. Bị anh ruồng bỏ, tuôn ra những lời phũ phàng và tránh chị ấy bằng cách qua trường khác học, là một trong những nguyên nhân chính thôi thúc chị chuyển giới! Chị muốn thực sự là con gái để được người đối diện tiếp nhận, sống thực với con người mình, và không lừa dối người mình yêu! Chị đã khóc rất nhiều, rất khổ sở khi bị anh khước từ. Những chuyện này chị kể cho em nghe sau khi mình cưới nhau, trong một dịp em gởi hình đám cưới mình đến cho chị ấy xem, thì chị nhận ra anh, khóc sướt mướt và kể cho em nghe chuyện chị ấy đã quen anh từ trung học…
- Còn bây giờ…cô…ta sống ra sao?
- Thật tội nghiệp! kiếp sống người chuyển giới thật mong manh, nhạy cảm; ông Trời không cho họ sống lâu trong một thân phận của kẻ khác… chị đang vướng một bệnh khó chữa, và chị cũng không muốn thực sự chữa chạy, chị muốn chấm dứt cuộc sống khó khăn này, không muốn chịu đựng những câu nói cay nghiệt chua chát làm chị suy nghĩ ngày đêm, tránh mọi cái nhìn thiếu thiện cảm của người chưa chuyển giới, tự ti mặc cảm chính bản thân mình… Chị ấy thật đáng tội nghiệp chứ không như anh nghĩ chỉ là một căn bệnh!! hay là… nửa người nửa ngợm như những người lớn tuổi thường trách móc! Khi biết được em và anh lấy nhau thì chị buồn ghê lắm, như mất đi một thứ quý giá mà cả đời tìm kiếm chưa ra, khi tìm ra thì bị người khác cuỗm mất! em rất hiểu thứ tình cảm ấy của chị, nhưng biết làm sao để thay đổi được hoàn cảnh!
Tôi tiến lại nắm lấy cánh tay bé nhỏ của vợ, dắt nàng cùng ngồi xuống chiếc sofa:
- Anh thật hối tiếc những gì mình đã làm hồi xưa một cách vô ý thức… không ngờ lại đưa đến những hậu quả như vậy! Thời này, ai cũng có cuộc sống riêng, họ suy nghĩ rộng rãi hơn về vấn đề chuyển giới, anh nghĩ nếu …cô ấy muốn sống một cách tự nhiên, đi làm và lo cuộc sống thì xã hội cũng không khe khắt đâu. Hãy thuyết phục cô ta chữa bệnh nhé!
- Chị đã quyết định bỏ uống thuốc cả nửa năm nay rồi, em sợ …sẽ không lâu nữa đâu!
- Sao anh gặp cô ta…có vẻ khỏe mạnh và rất ok mà!? Chỉ có hơi xanh xao thôi!... còn những tấm hình còn nhỏ này …
- Những tấm hình thuở xưa khi cho anh… chị ấy muốn rửa lại đế nhớ về kỷ niệm một thời tuổi thơ thật đẹp ấy trước khi….ra người thiên cổ, chị ấy nói với em vậy đó!
- Anh… có thể gặp cô ta được chứ?
- Em cũng không biết có sao không nữa! … em sẽ chuyển lời của anh, sẽ cho anh biết sau. Khoảng một tuần sau em mới gặp lại chị ấy, vì bây giờ chị đã đi thăm mẹ ở Mỹ một tuần rồi…

Tôi đang làm việc ở pharmacie, nghe tiếng phone reo, tiếng thảng thốt của vợ tôi bên kia đầu dây, vừa nói vừa khóc:
- Anh à! Mình đã …không kịp rồi, chị đã mất rồi!
Tiếng khóc nàng thê lương, càng to hơn nữa… tôi sững sờ, cả người như băng đá, đánh rơi cả hộp thuốc đang cầm trên tay, miệng mấp máy không thành lời, và tôi cũng đoán nạn nhân là ai :
- Sao em biết? em … đang ở đâu? …em chắc chắn chứ?
- Anh à! … em thật hối hận đã không theo chị về thăm bác gái! …đã không nghĩ ra là chị đã muốn kết liễu đời mình… Lỗi tại em ….anh à!
- Em! Đừng tự dằn vặt mình, anh sẽ đến! em ở đâu?
- …ở trong nhà xác của nhà thương X, họ gọi em đến để nhận dạng, chị đã mất một mình trong ấp của chị, không ai bên cạnh, chị tự kết liễu đời mình bằng cả một hộp thuốc ngủ an thần…chị đi trong giấc ngủ nhẹ nhàng an bình mà trên tay còn giữ chặt tấm hình của cậu bé Tuệ Khanh hồi trung học! chắc chị thất vọng vì cuộc đời đã không giành những phần ưu tiên ngọt ngào cho chị! Em …hối hận lắm!... hôm nay đến thăm chị ấy em định hẹn cho anh gặp chị, để nói tất cả mọi thứ một lần cuối cho chị hiểu, thế mà…
Chị đã dối em, nói về thăm mẹ cả tuần, nhưng thực ra chị chỉ ở nhà, nấp mình trong bóng tối, nghĩ lại hồi ức xa xưa, tự dằn vặt mình, cuối cùng là kết liễu cuộc đời trong cô đôc!
- Mẹ của chị đã biết chưa?
- Bác cũng mới biết đây thôi, bác đau khổ lắm vì chị là con một, chị muốn gì bác gái cũng chiều cả!... Chuyện vậy mà em cũng không đoán ra! Em có một phần lỗi trong việc này….
- Anh sẽ đến, chờ anh nhe!
- …thôi…anh đừng đến!
Tôi ba chân bốn cẳng bay ra parking, nhảy lên xe…
Tìm mãi không ra chùm chìa khóa xe, tôi lại phải quay vào phòng để tìm kiếm; lục tung hết ngăn kéo, trên mặt bàn vẫn không thấy, lúc sờ tay vào túi áo trong thì chùm chìa khóa nằm ngay ngắn ở trong ấy, mà sao lúc ở ngoài garage tôi đã lục túi áo mà vẫn không thấy chúng! Thật lạ! Tôi tự nhủ chắc phải có điềm gì!
Quay lại nơi để xe thì đúng vào giờ ra về của các nhân viên, xe đông như mắc cửi làm tôi không thể nào chạy nhanh hơn được nữa, cứ chờ đợi hết chiếc này đến chiếc kia trước đầu xe tôi.
Lúc ra được tới bên ngoài, điện thoại của vợ tôi gọi:
- Anh à! Thôi đừng đón em nữa, em đi quá giang với một người bạn về rồi đây, giờ đóng cửa của nơi chị nằm ở nhà thương rồi…
- Nhưng anh…. Chưa gặp được chị ấy mà!
- …cả đời đã không có duyên thì …phút cuối cùng này đâu còn quan trọng nữa!
- Sao em lại….
- Vâng! Chị ấy để lại một bức thư cho em, có nói là không muốn gặp lại anh nữa, không muốn anh nhìn cảnh chị mất đi trong thất vọng đau khổ…chị muốn được thiêu và rải tro trên đồi, chị chỉ muốn ra đi thảnh thơi và không vướng mắc gì nữa cả!
- Nhưng mà….
- Em nghĩ… chị đã tha lỗi cho anh rồi…anh và chị ấy không đủ duyên gặp nhau…

Vợ tôi khóc xưng mắt mấy tuần liền mỗi lần nhìn thấy hình Tuệ Khanh, tự trách, tự trừng phạt bằng cách nhốt mình trong bốn bức tường mỗi ngày cuối tuần để nhớ về người chị quá cố; nàng không còn muốn cùng tôi đi dạo hay ra ngoài mua sắm nữa!
Con đường về nhà hôm nay hình như dài hơn bao giờ hết!
Những lời đe dọa của Tuệ Khanh từ thời trung học còn vang vọng bên tai “đừng bao giờ hối hận nếu bỏ em đi…” tôi vẫn không màng đến những lời nói của “nàng” khi xưa! Tôi cứ cứng đầu cho đó là mối tình bệnh hoạn, tôi phũ phàng quăng nó vào xọt rác không tiếc thương! Đâu ngờ đó là một tình yêu sớm nảy nở trong trái tim người bạn gái mang vóc dáng người nam! Thật trớ trêu thay!
Giờ tôi hối hận cũng đã muộn màng! Tuệ Khanh hận tôi cũng phải, nàng đã bị dằn vặt với những kỷ niệm không đẹp đó cho đến lớn; sau khi chuyển giới, nàng vẫn không dám đặt niềm tin vào người đàn ông nào cả, sợ họ giả dối và nhất là sự tự ti trong nàng mãi đè nặng…
Từng chiếc lá vàng của mùa thu rơi xào xạc trên con đường dẫn về nhà, tôi thật buồn, xót xa cho một người bạn vắn số, trách mình thật vô tâm, một hành động hay lời nói vô tình làm tổn thương người khác sẽ gây ra bao thứ chuyện mà cả đời này ăn năn cũng không bù đắp được!
Từ phía xa, sương phủ mờ xuống phía trước mặt, lan tỏa rộng ra cả lối đi, không thấy rõ đường trước mặt để bước, cơn gió nhẹ của mùa thu lành lạnh đôi vai, tôi rảo bước nhanh về nhà… Bỗng ngay phía trước mặt tôi thấy hiện ra cái bóng thật mờ đứng quay lưng lại với mái tóc đen dài ngang lưng, người con gái ấy lấy hai tay chặn lối không cho tôi tiến lên.
Đang trong cơn bối rối, bàng hoàng, cùng lúc ấy tôi nghe tiếng thắng xe rít trên mặt đường.
Một người đàn ông bước xuống xe tức giận to tiếng với tôi:
- Ông nhắm mắt đi hay sao mà không nhìn đường vậy? … cũng may có cái ổ gà trước mắt mới làm tôi thắng xe lại, chứ không thì cái mạng của ông cũng đi đoong rồi!
Hoàn hồn, tôi vội vàng xin lỗi ông ta, tiếp tục nhanh chân về nhà…

Bây giờ tôi mới tin vào thế giới thứ ba, sau cái chết còn có sự sống của phần hồn, chắc chắn phần hồn của Tuệ Khanh đã hiểu trái tim tôi, đã tha lỗi cho tôi nên mới cứu tôi qua khỏi cái chết vừa qua!
Tôi tự hứa với lòng sẽ cùng vợ đọc lễ cầu siêu cho Tuệ Khanh sớm siêu thoát về cõi bình an, cũng như từ đây trở đi sẽ xem nàng như một phần tử trong gia đình để mỗi năm có thể làm giỗ, tưởng nhớ đến nàng, như một chút lòng sám hối của tôi….

Sỏi Ngọc
Mtl, Dec’20
Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7322

Bài gửiGửi: Wed Oct 19, 2022 2:11 am    Tiêu đề: Vòng đời nghiệt ngã - Lê Ngọc Huyền (Sỏi Ngọc)

Xin vui lòng bấm vào link dưới đây : Audio : Vòng đời nghiệt ngã - Lê Ngọc Huyền (Sỏi Ngọc)

https://saigonnhonews.com/podcast/vong-doi-nghiet-nga/
Về Đầu Trang
Ngoc Huyen



Ngày tham gia: 14 Feb 2023
Số bài: 5

Bài gửiGửi: Tue Apr 18, 2023 11:07 pm    Tiêu đề: Đứa em côn đồ

Đứa em côn đồ

Sỏi Ngọc

Tôi đang sửa soạn làm cơm chiều cho cả nhà, bỗng nhiên nghe tiếng chìa khóa mở cửa, thằng em Út xuất hiện với chiếc cặp còn trên vai, Tính không để ý đến tôi đang đứng làm bếp, nó quăng chiếc cặp lên salon, nằm dài ra ghế, tay trái với lấy chiếc remote control để trên bàn bấm lấy bấm để tìm đài đánh box trên TV xem, tay phải thì thò vào gói bắp rang bốc một nắm, nhét đầy vào miệng nhai ngồm ngoàm cho đỡ cơn đói; bàn tay nó xục xạo vào túi bắp rang bé xíu mạnh quá làm đổ tràn ra đầy sàn những hạt bắp vàng mỡ và muối, tạo ra những vết bẩn đen trơn nhầy ngay dưới chỗ ngồi của nó.
Vì quá nhiều muối và bơ Tính cảm thấy khát nước, nó phóng vào bếp với đôi chân không, mở tủ lạnh và lôi ra chai nước lọc thật lạnh, ngửa cổ tu ừng ực, những giọt nước chảy tràn ra ngoài miệng, chảy dài xuống cổ, ướt cả ngực áo và chảy xuống sàn nhà, hòa với những mẩu bắp rang rơi rớt lúc nãy tạo thành một vũng lầy đen bẩn giữa phòng khách.
Cơn đói đã vơi, Tính gác một chân lên thành dựa lưng của chiếc ghế dài salon lúc lắc, mắt dán vào màn ảnh xem trận đấu giữa hai tên võ sĩ người Mexico, thật đau đớn, máu me chảy càng nhiều hình như tạo thêm phần phấn khích cho Tính… Nó vẫn không để ý đến tôi bận rộn đứng ngay bếp luộc rau cho bữa cơm chiều! Tôi cũng chả buồn mắng hay nhắc nhở gì nó cả, vì những hành động cẩu thả này của nó đã quá quen thuộc với tôi.
Khoảng 15 phút sau, anh Khôi bước vào nhà, khuôn mặt hốt hoảng khi thấy cổng bên ngoài không khóa; nghe tiếng ồn ào của TV, anh vội chạy vào xem tình hình trong nhà vì chưa bao giờ xảy ra tình huống kỳ lạ như thế; thấy Tính nằm dài trên sofa, TV mở thật lớn với những trận đánh nhau thiếu sống thiếu chết, mặt mày của hai tên võ sĩ đầy máu me, xưng húp. Còn Tính thì gào thét cổ vũ:
-Ráng lên, ngồi dậy đánh tiếp đi!
Anh Khôi với tay lấy cái remote trên bàn bấm tắt phụt.
Tính giật mình quay lại, mặt hùng hổ, xem ai đã “thất lễ” như thế, thấy anh Khôi với vẻ mặt nghiêm nghị, nó quay lại chỗ ngồi, lí nhí:
-Anh… mới đi làm về hả?
-Phải! còn em làm gì mà vặn TV thật to vậy?… Ai về mà không khóa cửa vậy?
-Ồ! Em xin lỗi, em quên. Dạ… em sẽ tập từ từ để nhớ! Hồi ở bên nhà, nhà không bao giờ có cửa để khóa, chỉ ra vào vậy thôi… Em sẽ nhớ phải khóa!
Anh Khôi nhìn chung quanh chỗ Tính ngồi, cao giọng:
-Sao em ăn uống gì mà rơi vãi đầy ra nhà vậy? Em có phải là con nít 5 tuổi nữa đâu, em hãy đi hốt và lau chùi lại nhà cửa đi, ba mẹ sắp đi làm về rồi đấy, nếu ai cũng làm như em thì nhà này sẽ thành cái chuồng heo đó!
Nói xong anh Khôi bỏ vào phòng để tránh không tranh luận lớn tiếng với Tính nữa.
Tính nhìn theo anh, giận dỗi, mặt bí xị, nhưng cũng cầm cái khăn ra lau nhà để chút nữa ba mẹ về đừng la rầy nó, trong nhà này nó chỉ nể nhất là anh Khôi.
Tôi vừa làm cơm, vừa theo dõi cảnh thằng út và anh Khôi, vẫn không lên tiếng lời nào.
Tôi nhớ cách đây 15 năm:
Tháng Tư 1975, ngày miền Nam-Việt Nam thất thủ, quân đội VNCH người vứt súng, cởi bỏ quần áo lính, giầy… quăng đầy đường, kẻ phẫn uất đi đến tự sát, chối bỏ chế độ độc tài cộng sản, rời bỏ quê hương ra nước ngoài ngay ngày hôm ấy theo chân quân đội Mỹ. Ngoài đường tiếng súng nổ chói tai, lúc ấy không một người dân nào dám ra đường cả, ai cũng núp trong trong hầm trú ẩn vì sợ lạc đạn và cũng sợ quân “giải phóng” với nón cối, dép râu hiên ngang lăm le khẩu súng muốn kết liễu đời kẻ nào họ cảm thấy thích trên con đường họ gặp!
Chúng tôi nghe lời mẹ ngồi yên trong hầm trú ẩn với những bao cát xung quanh, không dám nói lớn vì sợ phá tan cái yên lặng đáng sợ ấy, cái yên lặng đè nặng, đe dọa mà ở tuổi chúng tôi chỉ hiểu lõm bõm rằng nếu làm tiếng động to sẽ bị “chúng nó” phát hiện, giết cả nhà không nương tay, lúc ấy chỉ dám nhìn nhau và cần lắm chỉ thì thầm với nhau.
Mẹ tôi nhẹ nhàng gói ghém những giấy tờ cần thiết, vài tấm hình của anh chị em tôi để khi cần dùng làm visa hay giấy thông hành khi đến đảo, bông băng, thuốc nhức đầu, vài bộ quần áo cho mỗi anh em chúng tôi trong một gói nhỏ, mẹ dặn Út Tính với giọng thật nhỏ bên tai nó, lúc ấy mới chỉ 5 tuổi:
-Con không được chạy xa anh Khôi và chị Phụng nghe chưa, coi chừng lạc đó!
Rồi quay qua chúng tôi, mẹ nhỏ nhẹ:
-Khôi và Phụng lúc nào cũng phải để mắt đến em nhé, nó còn nhỏ lỡ chạy mất thì khổ lắm, mình không phải đi chơi đâu, nên nhất định phải nắm tay em nghe không! Mình sẽ chờ ba về…
Lúc ấy anh Khôi lên 8, tôi thì 6 tuổi, nên chúng tôi cũng chỉ biết giương mắt nhìn mẹ và gật đầu nghe lời trong sự lo lắng.
Khi ba về đến nhà, chỉ cần làm dấu hiệu với mẹ, mẹ dắt chúng tôi lên chiếc xe Jeep có những người đàn ông mà chúng tôi chưa bao giờ gặp mặt, không ai nói với ai lời nào, mặc dù chúng tôi có khoanh tay cúi đầu chào họ như ba mẹ tôi đã từng dậy khi khách đến nhà chơi. Nhưng chả ai để ý đến cái chào hỏi lễ phép của chúng tôi mà đã vội vàng nhấc bổng ba chị em tôi lên xe. Chiếc xe phóng như tên bay, đường xá lúc ấy thật vắng, không một bóng người, nên xe chạy hết tốc lực lao như tên bay vào phi trường Tân Sơn Nhất.
Tôi để ý thấy hai bên đường đầy rẫy những quần áo nhà binh của chế độ cũ, súng, huy hiệu… rất nhiều thứ. Lúc ấy tôi đã hiểu đất nước tôi sẽ không còn yên bình như những ngày tháng xưa nữa, bất chợt hai dòng nước mắt tuôn chảy ra ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới ấy, tôi đã hiểu cả gia đình chúng tôi sẽ phải rời bỏ nơi đây mãi mãi!
Tới phi trường Tân Sơn Nhất, trái ngược hẳn với những con đường mà chúng tôi vừa vượt qua, vắng vẻ lúc nãy, thì nơi đây hình như tất cả dân quân của cả miền Nam đều dồn về! Đông đến nghẹt thở, mẹ tôi bế em Tính, hai chúng tôi phải nắm chắc tà áo bà ba của mẹ, theo sau. Tôi thấy ba ra hiệu cho mẹ đứng chờ ở một nơi để ba vào nói chuyện với những người trong phòng họp. Ai cũng thật lo lắng, căng thẳng, quên cả đói khát dù đã đi cả ngày trời.
Bỗng nhiên anh Khôi mặt nhăn nhó rên khẽ:
-Mẹ ơi, con… con muốn đi… con đau bụng quá!
Mẹ dặn tôi trước khi dắt anh Khôi đi vào nhà cầu ở không xa đấy:
-Con ở đây nhớ trông em, mẹ sẽ trở lại khoảng 5 phút nữa nghe không.
Khi mẹ vừa quay đi với anh Khôi thì thằng Út Tính tự nhiên vụt khỏi tay tôi, chạy theo mẹ, miệng la:
-Mẹ! mẹ…
Tôi cũng chạy theo nó để kéo lại, nhưng đoàn người thật đông đảo từ đâu tràn vào, ngăn giữa hai chị em tôi, tôi biết nó đi không xa tôi, ở đâu đây rất gần nhưng tôi không thể nào chạm được vào tay Út; miệng tôi la thật to:
-Út ơi Út đừng bỏ chị! Út…
Tiếng nó khóc thật to, hòa vào với tiếng người nói, la, hét, tất cả như một âm vang chói tai, chóng mặt đến quay cuồng. Tội thấy giữa những kẽ chân người đứng, bóng dáng nhỏ xíu của em té nhào xuống đất, bị người ta vấp vào em, cứ thế đá em đi xa tôi. Tôi cúi người xuống định kéo em về với tôi, nhưng đôi tay tôi quá ngắn để chạm được đến Út. Thế rồi đám đông ở đâu kéo tới tràn về hướng máy bay. Tôi không thấy Út trong tầm mắt của tôi nữa, tôi sợ đến mồ hôi túa ướt cả người. Tôi không còn biết phương hướng nào để đi tìm Út nữa cả, một rừng người đang quấn chặt lấy tôi, vừa mếu máo vừa gọi tên em, cho đến lúc mệt quá, sắp té nhào xuống đất thì mẹ từ đâu xuất hiện với anh Khôi, đỡ lấy tôi, hỏi dồn dập:
-Thằng Út Tính đâu rồi?
-Con… không biết!
Mẹ bảo tôi và anh Khôi đứng yên một chỗ, một mình mẹ chen vào đám đông, gọi thật to:
-Út Tính! Út Tính! Út T.í.n.h…
Anh Khôi và tôi cũng khóc ròng, lo lắng vì đã khá lâu không thấy mẹ quay lại, máy bay quân sự Mỹ đã đậu xuống từ khá lâu rồi để đón tất cả những gia đình của quân đội VNCH còn sót lại, đi chuyến cuối cùng. Hai anh em tôi nắm chặt tay nhau, mồ hôi đượm ướt cả hai bàn tay bé nhỏ đến trơn tuột, mà chúng tôi không dám rời ra sợ lạc như đã lạc thằng Út.
Một lúc sau, mẹ quay trở lại, ôm chúng tôi trong nước mắt:
-Mẹ không tìm thấy Út nữa, nhưng phải rời đi thôi! Không chần chừ được lâu vì đây là chuyến cuối, có thể sẽ hết chỗ và họ sẽ bỏ mình lại!
-Ba có đi cùng với mình không mẹ?
-Ba sẽ đi với các chú lúc nãy trong một máy bay nhỏ hơn. Thôi mình đi!
Mẹ vội vàng kéo chúng tôi đẩy lên những bậc cầu thang máy bay cao hơn cả thân người bé nhỏ của anh em tôi, vừa leo lên mẹ vừa ngoái lại từ trên cao xem thử trong đám đông bên dưới ấy có thấy được dáng nhỏ bé của Út không, nhưng… vô vọng!
Đoàn người bên dưới cứ tiếp tục đẩy chúng tôi lên, mẹ không thể nào quay lại bên dưới được nữa, đám đông ùn ùn kéo lên máy bay mặc dù họ không có tên trong danh sách, đến nỗi không còn một chỗ hở nào cho mẹ có thể ngoái đầu lại sau lưng.
Chúng tôi cực nhọc và khổ sở mới vào đến bên trong thì chiếc cửa sắt to lớn cũng đóng sập lại vì đã quá số lượng của họ cho phép rồi. Mẹ đau đớn, nước mắt ràn rụa, quỵ xuống ngay cánh cửa máy bay vừa khép lại. Hai anh em chúng tôi cũng thê thảm không kém, tóc tai bù xù, mặt mũi lem luốc vì nước mắt nước mũi chảy, quần áo xốc xếch, hai tay bé nhỏ vẫn nắm chặt lấy chéo áo mẹ sợ lạc! Mẹ vẫn vật vã khóc gọi:
-Tính ơi Tính!
Chúng tôi ở đảo Guam không bao lâu thì được qua California vì có gia đình cô chú bảo lãnh. Trong suốt thời gian ấy, không phút giây nào cả gia đình không nghĩ đến Út. Chúng tôi đi lễ, cầu nguyện, gởi đơn đến Cao ủy Tỵ nạn …
Thời gian từ từ trôi qua với bao nỗi bận rộn hằng ngày, đi học đi làm ở xứ người. Nụ cười của ba mẹ tôi hiếm khi nào được nở trọn vẹn trên khuôn mặt vì kỷ niệm đau thương ấy mãi cứ vấn vương trong tim óc.
Không chút tin tức nào của Út sau năm năm tìm kiếm, ba mẹ tôi nghĩ chắc Út đã bị đè bẹp chết trong đám đông của ngày lịch sử ấy, nên lập bàn thờ với hình ảnh của em. Chúng tôi chấp nhận nỗi đau thương xé lòng này và sống với những kỷ niệm tuổi thơ còn sót lại trong tim. Tuy vậy mẹ vẫn ngầm gởi tiền về Việt Nam nhờ chú Huy quen biết với gia đình tôi từ bao lâu nay, tiếp tục tìm kiếm Út, mẹ vẫn mãi giữ niềm tin mong manh ấy!
***
Mười lăm năm trên xứ người, anh Khôi và tôi đã sắp ra đại học, chúng tôi đã bắt đầu đi làm gánh bớt phần nào chi phí cho ba mẹ, chúng tôi tiếp tay trả phần tiền còn lại cho căn nhà mới mua không lâu cho ba mẹ, cả hai vẫn tiếp tục đi làm vì còn sức khỏe.
Bất ngờ một hôm đầu tuần, chúng tôi nhận thư điện tử của chú Huy, chú nói đã tìm ra một người có tên Hoàng Văn Sơn có khuôn mặt khá giống trong hình mà mẹ tôi đã gởi cho chú, chú Huy chưa chắc chắn là cháu này có phải là con của ba mẹ không. Chú chỉ cầu may thôi vì cháu cũng có hoàn cảnh lạc cha mẹ từ khi 5 tuổi ở Tân Sơn Nhất, nên muốn hẹn gặp chúng tôi qua zoom với người ấy để có thể nhận diện người thân.
Mặc dù chưa chắc chắn, nhưng mẹ tôi có linh cảm đây là em trai thất lạc của chúng tôi… Tôi không ngờ có thể tìm lại được em sau 15 năm mất tích; thật là một tin vui không thể tưởng tượng được, cả gia đình ngủ không yên, phập phồng, lo lắng, bồi hồi xúc động nhớ đến những tháng ngày xa xưa…
Chúng tôi mừng như người được sống lại lần thứ hai. Mong chờ từng phút, từng giờ đến ngày gặp lại em trai Út Tính của gia đình tuy chỉ họp và nhìn nhau qua zoom.
Ngày hẹn gặp trên zoom đã đến giữa gia đình tôi, chú Huy, và gia đình em trai tôi hiện đang ở Rạch Giá, Việt Nam.
Khuôn mặt người đàn ông với bộ râu tua tủa, quần áo nâu sòng còn dính bùn, mái tóc dài đến ngang tai, dáng người cao gầy, cặp mắt sắc lạnh, khuôn mặt rám nắng, nghiêm nghị, nhìn kỹ thì hắn mang nét của ba và anh Khôi; tuy đã 15 năm xa cách, chúng tôi chắc chắn đó là Út Tính, không nhầm lẫn vào ai được! Hai bên nhìn nhau qua màn ảnh nhỏ. Sau một lúc im lặng, mẹ tôi bỗng òa khóc:
-Tính! Con… con khỏe không?
Vẫn khuôn mặt thật lạnh lùng, Út quay qua người đàn ông ngồi cạnh hỏi:
-Cha! Sao… bà ta gọi ai là Tính vậy cha?
Người đàn ông lên tiếng giải thích:
-Chắc là tên con hồi đó đó! Để cha nói với họ… Thưa ông bà chúng tôi nhặt được thằng bé này vào ngày 30/4 tại Tân Sơn Nhất, nó đã ngất xỉu ở bên đường, đói khát, mặt mày thân thể bị trầy xước, máu me đầy hết, chúng tôi đã nuôi nó từ đó đến nay được 15 năm, gọi nó là Sơn, vì không biết tên thật là Tính, nhưng những người hàng xóm cho nó thêm cái tên nữa là Sơn Lầm Lì, vì nó ít nói, lạnh lùng, lầm lì, ít tâm sự với ai lắm…
-Dạ rồi… làm sao ông biết nó là con chúng tôi?
-Tui đang vớt cá vào một buổi sáng sớm, tự nhiên thấy có ông công an phường xuống gặp, đi với chú Huy đây, đưa tấm hình của thằng Sơn hồi 5 tuổi, nhìn là biết nó ngay vì từ hồi nào đến giờ chỉ có một khuôn mặt, không thay đổi, cũng may đó! Công an hỏi tôi về vụ liên hệ sao với thằng Sơn Lầm Lì, tôi phải kể sự thật, rồi ông ta mời tôi về phường họp, họ báo cáo lên trên, cả mấy tháng sau mới tìm ra manh mối với ông bà đó. Tui cũng nghe nói là Cao ủy Tỵ nạn ở ngoại quốc vẫn tiếp tục tìm kiếm những người thân thất lạc của những gia đình quân đội VNCH xưa từ ngày 30/4 đó! Tôi thành thật chúc mừng ông bà!
Ba mẹ tôi nghẹn ngào, nói không ra lời:
-Cám ơn ông đã nuôi cháu từ hồi đó đến giờ…
Chú Huy kể cho chúng tôi nghe về hoàn cảnh Sơn:
-Cách đây 15 năm, ông Năm, cha nuôi của Sơn, vào ngày lịch sử ấy đạp xích lô chở người vào Tân Sơn Nhất, khi ông vừa quay xe đi thì thấy một cháu bé trai 5 tuổi nằm bất tỉnh ngay sát cổng ra vào phi trường, bé bị trầy xước khắp mình mẩy, máu me dính khắp quần áo, đầu tóc, ông thấy thương nên đem bé về băng bó, cho ăn uống. Lúc ấy nhà ông còn ở khu Gia Định, không có vợ con, nên ông ăn gì cho nó ăn cái đó. Ông chở nó đến Tân Sơn Nhất một tuần liên tiếp để lỡ cha mẹ hay ai đó nhận lại nó, nhưng chờ hoài không thấy ai nhận lãnh, ông liều đem nó về nuôi như con vậy.
Được một năm thì gia đình ông bị đuổi về quê làm nương rẫy, vì ở thành phố ông không có nghề chính, thế là hai cho con khăn gói về Rạch Giá, quê mẹ của ông hồi xa xưa. Nơi đó ông cho Sơn đi học chút chút, ông thì vớt cá bán lấy tiền nuôi sống gia đình hai người của ông. Thằng Sơn rất thông minh sáng dạ, nhưng chơi với tụi trong xóm thất học du côn, lập băng đảng, sớm trở thành tay anh chị, phóng dao rất cừ, tuy chỉ mới 15. Có lần có người mướn nó giết người, nó đã bắt nạn nhân, chỉ với cặp mắt sáng quắc dữ tợn, khuôn mặt lạnh như thép của nó và thêm vài cái tát tai, cú đấm mạnh mẽ nhanh nhẹn của nó đã làm người ấy trả tất cả số tiền đã nợ cho chủ nợ và chạy bán mạng, thoát thân. Nó cũng đã từng bị ở tù, mấy người trong vùng nghe đến tên nó đều ớn lạnh.
Chú Huy tiếp:
-Sơn bây giờ phải nói là tên du côn của giới giang hồ thứ thiệt, chứ không phải một thằng con ngoan có giáo dục như các cháu Khôi và Phụng đâu! Tôi không biết sau khi biết sự thực này anh chị còn muốn bảo lãnh cháu qua ở với gia đình nữa không? Tôi chỉ e nó sẽ là con sâu làm rầu nồi canh…
Mẹ tôi sụt sùi:
-Cháu đã mất cha mẹ, thiếu tình thương và sự giáo dục của gia đình 15 năm qua, không may cháu lại đi không đúng hướng, nếu mình kệ nó, lơ nó thì tương lai sau này của nó sẽ ra sao khi chúng tôi mất? Tôi là mẹ của ba đứa con, hai đứa kia thì được hưởng sự giáo dục, nuôi nấng đầy đủ, chỉ có mình nó bị thiếu thốn tất cả, lại đi sai đường, đây cũng là một phần lỗi chúng tôi! Tôi nhờ chú làm giấy tờ bên ấy, tôi sẽ gởi đơn lên Cao ủy Tỵ nạn bên này, sẽ kể câu chuyện đau lòng này, tôi sẽ nhận và đón cháu qua đây, cũng hậu tạ cho cha nuôi của Út Tính một số tiền đền bù.
Ba tôi lo lắng:
-Không biết khi qua đây ở lứa tuổi lỡ cỡ 20 của nó, nó có bị tự ái khi học lại từ lớp nhỏ với mấy đứa nhỏ tuổi hơn không. Nếu không thì phải cho nó học một lớp riêng của người lớn cho nó theo đuổi kịp chương trình học; khổ nỗi là nó chưa thành thạo tiếng nói, cuộc sống… thì làm sao theo kịp chương trình!
Anh Khôi thêm vào:
-Con sẽ dậy thêm cho em ở nhà những gì em nó không hiểu, miễn sao nó muốn tiến thân…
Giấy tờ bảo lãnh gởi đi ngay hôm sau.
Từ giây phút ấy, anh em tôi mong chờ Út với đầy thương nhớ, hồi hộp lẫn băn khoăn, muốn bù đắp cho Út tất cả những chịu đựng thiếu thốn của cả 15 năm qua, tất cả mọi thứ chúng tôi làm đều nghĩ về Út.
Gần một năm sau, Tính đoàn tụ với gia đình. Ngày đón nó ở phi trường Los Angeles, chúng tôi đem hoa, bong bóng, gấu bông thấp thỏm chờ bên ngoài.
Khi cửa mở ra, một người đàn ông trẻ với mái tóc dài ngang tai, mặc một chemise trắng, quần Jean, khuôn mặt đẹp với chút hấp dẫn, không chút nụ cười nào trên môi. Anh Khôi và tôi vội chạy lại ôm hai vai Út, nó vẫn lạnh lùng đón nhận gấu bông, hoa, cadeau với khuôn mặt nặng như chì! Chúng tôi chưng hửng khi thấy thái độ xa lạ, như đóng kịch của nó! Ba nháy mắt với chúng tôi như có ý nói ”thôi kệ bỏ qua cho em đi, vì nó còn lạ”.
Trên đường về nhà chị em chúng tôi tíu tít hỏi thăm:
-Út Tính! Kể cho tụi chị nghe ở bên đó đời sống em ra sao?
Vẫn thái độ hờ hững, trả lời:
-Có gì lạ đâu, hôm nào cũng ra biển câu cá!
-Em có nhớ nhà không nếu qua đây?
-Có! Em… sẽ ở đây thử, nếu không quen… em sẽ về!
Mẹ nghe vậy liền nói:
-Ở đâu rồi cũng sẽ quen! Con ở đây với ba mẹ, anh Khôi, chị Phụng, anh chị ấy sẽ giúp con về việc học, đi làm…
Út quay lại nhìn anh Khôi, rồi lại nhìn tôi, hỏi:
-Anh chị đang làm gì?
-Anh Khôi sắp ra trường làm luật sư, còn chị cũng sẽ làm trưởng phòng kế toán cho một công ty xuất nhập quần áo vì đã ký contract rồi.
-Con đường của em đi còn dài lắm, phải hội nhập cuộc sống, học tiếng nói của họ, học chương trình đào tạo của họ rồi mới có thể đi làm được…
-Cuộc đời còn dài, em cứ từ từ, trước hết làm quen với cuộc sống Mỹ này cái đã nhe, tất cả anh chị sẽ dắt em đi từng bước, đừng lo!
Một buổi sáng cuối tuần, cả nhà vui vẻ cùng quây quần ăn sáng trong nhà, bỗng chúng tôi nghe tiếng ré đau đớn não ruột của một con mèo như bị thương phía sau nhà.
Mẹ vội bước ra, tiếp theo là tiếng hét của mẹ:
-Tính! Sao con… giết con mèo vàng vậy?
Tính vẫn đứng yên, lưng quay về phía mẹ, mẹ lại gọi:
-Tính! Tính!
Chúng tôi ùa ra theo tiếng gọi của mẹ, con mèo vàng đi hoang hay đến nhà tôi nằm phơi nắng, nó vừa đẻ xong bầy mèo ba con được một tuần lễ nay, nó không giống những con mèo mẹ khác nằm ấp con, cho con bú trong một tuần đầu, con mèo vàng này lại bỏ con ngay khi mới sinh. Tôi thấy nó bị một con dao cắm sâu vào ngực một cách dã man, một dòng máu đỏ chảy bên khóe miệng và chết oan uổng.
Chúng tôi nhìn nhau miệng há hốc, không nói được lời nào, chưa bao giờ thấy cảnh tàn ác này với súc vật từ khi chúng tôi ở Mỹ. Mẹ tiếp tục tra hỏi Tính:
-Nói cho mẹ biết tại sao con lại giết con mèo một cách độc ác vậy? Con còn tính người không vậy? Nó làm gì con hả? Bên đây ai giết súc vật như vậy thì cảnh sát sẽ bắt vào tù đó!
Tính quay người lại, cặp mắt hằn học:
-Nó có con mà không trông con, lại bỏ con đi nơi khác; tối hôm qua nó kêu ngao ngao cả đêm ngay phòng con như tìm trai vậy, con phải kết liễu cuộc đời nó, đúng là đồ súc vật!
Ba tôi bất ngờ nghe những lời cay đắng ấy, vội lên lớp:
-Con đã là người trưởng thành, con sống với ba mẹ bên Mỹ, một đất nước rất dân chủ, yêu thương súc vật, tôn trọng phụ nữ… Ba yêu cầu con không bao giờ được hành động tàn ác như thế đối với súc vật nghe không, đây là lần đầu cũng như lần cuối! Ba hy vọng con hãy sống trong yêu thương và không tùy tiện làm đau kẻ khác kể cả súc vật, con hiểu chứ! Ba không muốn nhìn thấy cảnh này một lần nào nữa!
Tính vẫn hầm hừ không trả lời, ba tôi nổi nóng tiến đến chỉ mặt nó:
-Tính! Con có nghe ba nói gì không? hãy trả lời đi!… Tính!
-Con không phải là Tính!… con là Sơn, Sơn Lầm Lì! Cha con bên nhà cho con toàn sự tự do, cuộc đời con do con quyết định, cha không bao giờ làm phiền con, không bao giờ bảo con hay cấm con làm gì! Gia đình này làm phiền con quá! Phải thế này, thế nọ!… Nó chỉ là một con mèo, giết có sao mà ba mẹ làm quá lên, bên nhà con giết mấy trăm ngàn con cá một ngày, mấy chục con chó làm mồi cho mấy bợm nhậu, có ai cấm cản bắt bớ gì đâu! Ở đây sao phiền phức quá!
Bốp! bốp! hai cái tát chát chúa vào mặt Tính! Không vừa, nó nhào lên, đôi mắt long lên sòng sọc với đầy tức giận muốn trả đũa, túm lấy cổ áo của ba một cách nhẹ nhàng như có nghề. Ba cố gạt tay nó ra nhưng mãi vẫn không được, cái nắm tay của nó cứng chắc như gọng kìm sắt.
Khi hai khuôn mặt sát vào nhau, đỏ tía, muốn ăn tươi nuốt sống nhau, anh Khôi hét lên:
-Tính! Mày làm gì vậy! Mày điên rồi à! Bỏ ba ra! Bỏ ngay!
Tính hãy còn tức giận, mặt hầm hầm, thả lỏng cổ áo của ba ra, thêm một câu:
-Ba đừng ép tôi quá!
-Đồ…. côn đồ! Mất dậy! tao không muốn thấy mặt mày một phút nào nữa! Đúng là tên côn đồ, cút đi!
-Phải! Tôi là côn đồ đó! Tôi không phải là Tính ngoan hiền của ông bà đâu, mà là Sơn Lầm Lì, ông bà hiểu chưa! Sơn Lầm Lì!
Bốp! lại một cái tát nữa từ mẹ tôi:
-Mẹ đã tìm kiếm con trong 15 năm trời, mẹ cầu xin Trời Phật cho gặp lại con, giá nào mẹ cũng chịu, nhưng không phải như thế này đâu Tính! Mẹ không muốn con là thằng Sơn Lạnh nào đó đâu! Hãy là đứa con ngoan của mẹ, là thằng Tính hiếu thảo mà mẹ đã từng yêu thương từ khi lọt lòng; nếu con cứ tiếp tục như thế… Mẹ sẽ trả con về với cha con ở Rạch Giá, con hãy suy nghĩ đi! Mẹ không muốn gia đình mình sau 15 năm đoàn tụ với một thảm cảnh như thế này đâu, thật oan gia mà!
-Chính ông bà đã tìm lại tôi, ông bà bắt tôi phải qua đây với gia đình này, tôi chỉ muốn ở lại với cha của tôi, ổng không bao giờ nhìn vào cuộc sống của tôi, tôi làm gì mặc xác tôi, miễn sao có tiền đem về cho hai bữa cơm là được. Ổng vui khi tôi được đám bạn tung hô là can đảm, không sợ máu khi có người mướn tôi giết cả mấy chục con heo, ngàn con gà, chứ một con mèo thế này nhằm nhò gì mà ông bà lại đánh tôi! Hãy trả tôi về với nơi tôi sanh ra, nơi ấy tôi làm vua với bầy cá, bầy heo và đám côn đồ còn hơn là nơi đây, phải vào khuôn khổ, đi đứng nằm ngồi đều bị mọi người kiểm soát, tôi không cảm thấy sự tự do chút nào ở đất nước này…Tôi chán ngán lắm rồi!
Tính hùng hổ nói, mặt xưng xỉa đến nỗi tôi không thể nào tin được kẻ ấy đã từng là thằng Út Tính, em tôi của năm xưa mà tôi đã từng chơi đùa yêu thương nó! Nó đã trở thành kẻ gian ác dưới chế độ CS từ 15 năm nay rồi, họ đã dậy dỗ nó từng ngày tháng, trong cái xã hội oan nghiệt ấy, đảng du côn đã hoan hô khi nó đạt được những chiến công lưu manh cướp giựt từ trong trứng nước, bây giờ nó đã lớn lên với tất cả bản chất dã man trong máu, gia đình tôi có thể chuyển hướng nó được hay không? Mẹ, ba có còn đặt niềm tin vào nó sau những hành động vừa rồi không?
Tôi không thể nào tin vào mắt mình cảnh vừa qua nữa, phải làm sao để cứu em tôi? Và gia đình tôi đây?
Tính yên lặng ngồi sau góc vườn cả một ngày không nói năng với ai cả, tôi thấy nó nửa đáng trách, nửa thật đáng thương vì đã bị nhiễm tính xấu xa nhất của xã hội VN, của băng đảng, môi trường xấu xung quanh đã tác động lên nó. Bây giờ dưới mắt ba tôi, Tính là thằng côn đồ, là thành phần xấu bẩn thấp hèn nhất của xã hội mà ba không muốn nhìn mặt nó nữa!
Tiếng thút thít mẹ khóc năn nỉ ba tha lỗi cho thằng em lưu manh của chúng tôi:
-Nó chỉ mới đến ở với chúng ta chưa đầy hai tháng, nó chưa hiểu chuyện, chưa biết quy tắc gia đình, xã hội này, có thể trong nó có những sự xáo trộn, nó từ một miền quê chỉ có cá, heo, gà, con người quê thật thà, nhưng nó lại giao du với tụi du côn du đãng không ai dậy dỗ cả 15 năm nay, như cây sậy cây lau mọc dại, mình phải uốn nắn nó từ từ, chứ lẽ nào lại bỏ nó khi nó lầm lỗi hay sao? Mình đã nhọc công tìm kiếm, cầu khẩn Chúa Phật bao lâu nay, hãy cho nó thêm một cơ hội làm lại đứa con tốt, cũng cho mình một cơ hội hiểu và gần gũi con hơn nữa…
-Thằng côn đồ lưu manh… sẽ mãi mãi là thứ côn đồ, mình không thể nào chuyển hóa nó được đâu! Tôi chẳng còn muốn nhìn mặt nó nữa!… Gia đình mình đứa nào cũng ăn học tử tế, có vị trí trong xã hội, có ai như nó không? Có đứa nào du côn đảng phái như nó không?…
-Hãy cho tôi dậy bảo nó trong thời hạn một năm được không? Tôi đã mang nặng đẻ đau… Tôi không thể nào nói bỏ là bỏ được đâu!
***
Mỗi lần đi học hay ra ngoài, Tính chả bao giờ chào ba mẹ hay nói gì với ai như một câu xin phép, chỉ lẳng lặng xách đồ đi ra, khi về thì mở toang cả cửa, nằm bật ra ghế xem TV vừa ăn uống như đói khát lắm. Tính cách này của Tính làm ba mẹ tôi không ưa, anh Khôi bực mình, còn tôi thì không muốn đổ dầu vào ngọn lửa đang âm ỉ cháy nữa.
Gia đình tôi như có một vòm mây tối bao phủ, bữa cơm chung cả nhà không còn tiếng nói tiếng cười như xưa nữa, ai cũng gục mặt vào bát cơm cho xong bữa, còn Tính thì xúc cơm trốn vào phòng ăn, mắt lúc nào cũng lấm la lấm lét nhìn mọi người như kẻ mang trọng tội vậy!
Một năm trôi qua, vui thì không bao nhiêu nhưng những nỗi lo âu, buồn phiền được Tính tạo ra không ít; tháng thì bị cảnh sát gọi ba mẹ lên để bảo lãnh Tính về vì một chuyện đánh nhau gây thương tích cho bạn cùng khóa, bữa thì gia đình tôi bị người hàng xóm qua “mắng vốn” là Tính không hợp tác với họ trong việc cắt cỏ. Mỗi lần họ lôi máy ra cắt đều cắt dùm cái sân phía trước bên nhà tôi, thế mà khi đến lượt Tính cắt, bà có nhờ mà Tính cũng làm lơ! Thật sự là không phải Tính làm lơ mà vì chưa hiểu rõ tiếng Mỹ bà muốn gì, vì bà này thường nói rất dài dòng.
Có lần thằng con trai ông hàng xóm bị mất cái xe đạp, ông qua nhà tôi khăng khăng là bị Tính ăn cắp! Ba tôi đã lôi Tính ra mắng nhiếc mà chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện:
-Tao biết mày là thằng cao bồi lưu manh, chứng nào tật nấy, mày không thể nào sống một cuộc đời lành lặn lương thiện như mọi người được sao mà đi ăn cắp cái xe đạp của người hàng xóm?… Tao sẽ trả mày về với gia đình mày bên kia nếu mày không tiến bộ…
-Ba! Hãy ngưng trách móc con lại ngay đi! Ba có bằng chứng gì để buộc tội con không? Ba nghe ai than vãn điều gì là về đổ tội cho con, ba không cho con niềm tin để sống, chính ba đã đẩy con vào con đường không lối thoát… Thà trả con về với cha con ở dưới quê mà còn dễ thở hơn; ba muốn con cứ mãi là thằng du côn thì con sẽ làm cho ba vừa lòng…
-Mày chỉ xem nơi đây là cái nhà trọ, tao không phải là ba mày, thì hãy cút đi!
Những lần ba và Tính lớn tiếng, cả nhà đều hoang mang lo buồn, mẹ sầu khổ, Tính bỏ cơm chiều, chị em tôi lại rút vào phòng, cả căn nhà yên lặng trong u ám.
Rồi khi rảnh rảnh, buồn buồn, Tính tự làm ná bắn mấy con chim bồ câu sau nhà, lần này ba tôi không cho nó vài tát tai như hồi đầu nữa mà cố nén cơn giận, chỉ trách móc nhỏ nhẹ là không được bắn thú vật nào trong thành phố cả dù đó chỉ là con giun!
Tính vùi đầu trong những quyển sách dầy về luật lệ Mỹ mà anh Khôi bắt đọc, anh là người chịu trách nhiệm về vấn đề nề nếp sinh hoạt của Tính, và chúng tôi thật vui mừng vì Út đã từng bước hội nhập cuộc sống mới ở Mỹ. Một vài tháng gia đình tôi không bị ai khiếu nại hay tố cáo là hạnh phúc lắm!
Cho đến một hôm gần Giáng Sinh, nhà thương gọi cho biết khi tôi đang làm việc, Tính bị xe đụng vì băng qua đường không đúng luật, Tính băng qua giữa đường xe chạy, lẽ ra phải đi vào lằn trắng dành cho người đi bộ khi đèn xanh bật lên, nó bị chiếc xe hất tung lên, đầu đập xuống đất, và bị gãy chân phải. Tính phải nằm nhà thương để bác sĩ theo dõi vết thương bên trong đầu! Lúc ấy tôi muốn vò đầu bứt tai, thoáng nghĩ “nó chỉ là 1 ngôi sao khắc tinh chuyên gây phiền phức cho mọi người, không đem chút vui vẻ hạnh phúc nào về cho gia đình cả”; nhằm vào thời kỳ mà ở sở, tôi phải làm công việc của chính mình và thay thế cả hai người đã đi nghỉ hè nữa! Nếu tôi cứ lo lắng và rối tung lên thế này thì chắc cũng sẽ bị tai nạn xe cộ vì phải chạy cho kịp giờ làm việc, và giờ thăm nuôi Tính.
Đúng vào lúc ba mẹ tôi đã lấy ngày phép đi chơi mấy nước châu Âu xả stress một tháng, anh Khôi cũng đi xa cho một cours mới học thêm. Chỉ còn mình tôi ở nhà, phải vừa đi làm, làm cơm đem vào nhà thương cho Tính, rất bận rộn, vì Tính chưa quen ăn đồ Mỹ. Có hôm nó phải nhịn ăn vì Tính nói là cơm nhà thương toàn mùi bơ, cheese, và mùi thuốc… muốn ói.
Tôi lo lắng nhưng không dám cho ba mẹ hoặc anh Khôi biết, sợ mọi người lại sốt ruột, bỏ về; từ ngày qua Mỹ đến giờ đây là lần đầu tiên ba mẹ tôi lấy phép đi chơi xa riêng với nhau như thế!
Trong cái rủi lại có cái may, đúng là Út Tính còn tốt phước, nơi em ấy nằm có một cô y tá người Việt, tên Hiền, thấy Tính tội nghiệp, cứ bị ăn uống trễ, khi uống thuốc sẽ làm đau bao tử, nên cô ta đã san sẻ phần cơm của mình cho Tính.
Lúc xong công việc sở, tôi vội vàng ba chân bốn cẳng chạy vào nhà thương là 9 giờ tối, giờ thăm nuôi đã hết, nhưng hôm đó là ca trực của Hiền, cô ta đã cho tôi vào thăm. Tôi thấy trên bàn nào là nước cam, táo đã được gọt sẵn, nho, bát cơm với thịt bò xào cải làn mà Tính đã ăn xong, còn để trên bàn chưa rửa, làm tôi thật cảm động tình đồng hương của Hiền.
Khi tôi cám ơn, Hiền chỉ yên lặng cười trừ, đôi mắt to chớp chớp, hàm răng thật đều với chiếc đồng điếu bên má trái thật duyên dáng. Lúc ấy tôi thầm ước mong phải chi cô ta là em dâu của tôi, giúp Tính qua cơn ngặt nghèo này thì cả gia đình tôi sẽ mang ơn lắm! Nhưng… ai mà thèm thương cái thằng dở dở ương ương ấy chứ! Có ma mới yêu được con người với tính cách “côn đồ” khác thường ấy! Tôi vẫn cố gắng nhờ Hiền chăm sóc cho Tính, làm cơm giúp tôi vì tôi thật bận không thể vào thăm Tính đúng giờ, và trả tiền cho Hiền.
Vào những ngày cuối ở nhà thương, Tính đã khả quan rất nhiều, bác sĩ cho biết đầu không có dấu hiệu bị chấn thương não và đang tập đi lại.
Sau khi đi làm ra khá trễ vào một buổi tối sau 9 giờ, lúc ấy cả nhà thương chẳng còn ai đến thăm nuôi người bệnh nữa, tôi không muốn làm tiếng động, phiền những người bệnh đã ngủ sớm, bước khẽ về phòng Tính, nhìn vào ô cửa, thấy cảnh Hiền ngồi gọt táo, Tính ngồi sát bên cạnh, nhìn Hiền với cặp mắt trìu mến lẫn hạnh phúc, hai người thầm thì với nhau thật vui vẻ; thì ra chính Hiền là động lực sống, hy vọng của Tính, tình yêu đã chuyển hướng cho chàng đi con đường đúng… Tôi thầm mừng trong bụng, thầm cảm ơn ông Trời đã nghe lời cầu xin của tôi. Ba mẹ sẽ mừng lắm khi biết Tính đã dần bỏ sau lưng cái quá khứ ảm đạm kia.
Một tháng sau, Tính đã hồi phục hẳn, Hiền chở Tính về nhà. Ra nhà thương mà trông chàng như mới đi nghỉ hè về vậy, da trắng trẻo, mập lên đến ba ký, nụ cười đã chớm nở trên môi, thấy nó thật yêu đời, không giống thằng Út Tính lầm lì mọi lần nữa.
Tôi đã lén kể chuyện của Tính và Hiền cho ba mẹ nghe, lần đầu tiên ba tôi hài hước với Tính từ khi nó về ở với gia đình chúng tôi; khi cả nhà chúng tôi xum vầy sau bữa cơm tối, ba tôi chọc:
-Người ta ở nhà thương ra phải gầy ốm buồn phiền, sao nó thì ngược lại, tươi rói, lại thay đổi thái độ, nói năng hòa nhã… Nhà thương này chữa giỏi à nhe! Bộ ai ở trỏng ra cũng được như thế này sao hả Phụng?
-Ba ơi, từ khi ba mẹ đi châu Âu, em Tính tuy ở nhà thương mà chăm chỉ học hành, đọc sách lắm, nên bây giờ tiến bộ đó!
Anh Khôi cũng thêm vào:
-Với lại nhà thương Mỹ bệnh gì cũng chữa khỏi được 100%, bệnh nào cũng dứt hết, gãy chân thì băng lại cho lành, buồn thì sẽ “có người” làm cho vui lại đó ba!
-Nhà thương bây giờ hiện đại nhỉ!… Ngày mai nhà mình làm tiệc để đón tiếp và cám ơn cô y tá có phép màu, tài giỏi này phải không bà?
Tôi thấy Tính giấu nụ cười hạnh phúc trên những trang sách đang cầm đọc trên tay.
Mẹ nháy mắt với tôi, thầm vui với sự thay đổi tích cực của Tính. Nghĩ lại những ngày tháng trước tưởng chừng gia đình sẽ phải từ bỏ đứa con “côn đồ” này rồi chứ!
Sỏi Ngọc
Montreal, Mars 2023
Về Đầu Trang
Ngoc Huyen



Ngày tham gia: 14 Feb 2023
Số bài: 5

Bài gửiGửi: Tue Apr 18, 2023 11:12 pm    Tiêu đề:

Xin bấm vào link dưới đây nghe audio: [b]Ở MỘT NƠI KHÔNG PHẢI ĐẤT NƯỚC TÔI- SỎI NGỌC [/b]


Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7322

Bài gửiGửi: Sat Dec 09, 2023 12:58 am    Tiêu đề: Tình Nổi Loạn - Sỏi Ngọc


Tình Nổi Loạn

Chân dung tác giả Sỏi Ngọc


Tình Nổi Loạn

Sỏi Ngọc

Tôi ngồi thừ trước cửa sổ mở rộng trước mặt trong căn bếp không mở đèn; qua tấm kiếng những chiếc lá thu vàng rơi xuống là đà theo cơn gió thổi, có những chiếc lá vàng thật đậm màu bị sâu ăn lỗ chỗ, có những chiếc vàng ươm rất đẹp cũng... lìa khỏi cành cây.

Cuộc đời con người ta cũng thế, sự chia ly đến bất kể tuổi tác!

Buồn buồn, vừa làm cơm vừa nhớ lại lời chồng cự nự cách đây gần hai tháng:

- Cái gì bà cũng muốn kiểm soát tôi cả, đi đâu cũng hỏi, mua bán gì bà cũng xía vào nói dù đó chả phải việc của bà... tôi làm sao chịu nổi sự kiềm chế của bà, mà nhất là bây giờ bà và tôi đã về hưu, chả lẽ cự nự nhau đến suốt phần còn lại của cuộc đời này hay sao chứ?...

-... Cho em... tôi... xin lỗi, tôi chỉ cho ý kiến thôi...

- Lúc nào bà cũng cho ý kiến cả, cái tôi thích thì bà không thích và ngược lại, chả lẽ tôi sẽ phải sống theo ý bà mãi hay sao? Tôi đã sống theo ý bà 35 năm rồi. Bây giờ tôi có cuộc đời của tôi chứ!

- Vậy... anh... ông muốn sao?

- Tôi muốn... ly dị!

-... Ah!... ly... dị... sao?

- Phải! tôi đã nghĩ kỹ rồi, bà làm phiền tôi quá... Mình sẽ ly dị!

- Rồi căn nhà này?... các con sẽ ra sao?

- Vì bà và tôi có chung nhiều thứ quá nên tôi đã suy nghĩ bà cứ ở phần trên này, còn tôi sẽ ở basement, bà không được xuống dưới đó, cũng như tôi sẽ không lên đây. Đơn ly dị thì không cần phải làm vì đó chỉ là tờ giấy thôi, tôi và bà coi như ly thân trước rồi giấy tờ tính sau. Từ đây bà làm gì thì làm, tôi cũng có sự tự do riêng của tôi, không ai nói với ai và cấm cản gì nhau nữa.

Nói rồi, ông hung hăng xách tất cả sách vở, cây đàn guitar, cùng vài cái ly chén xuống để tự nấu nướng ở dưới ấy.

Tôi mở mắt thật to bàng hoàng, không dám nhúc nhích, hồn như nhẩy ra khỏi xác, nước mắt như đóng băng chưa kịp chảy, chỉ có đôi tròng mắt theo dõi ông đang tức giận đi qua đi lại khiêng hết đồ này đến vác đồ kia xuống basement như thực sự không muốn dính dáng gì đến bà vợ nói nhiều này nữa!

Tôi qua Mỹ theo diện HO cùng gia đình bố mẹ khi còn trẻ, chồng tôi vượt biên cả chục lần mới qua được đảo, rồi có thân nhân ở Mỹ bảo lãnh. Ông và tôi quen nhau khi tôi xin việc làm trong một tiệm ăn Nhật ở Garden Grove, vào một mùa hè để lấy tiền đi học. Ông là chủ quán đó, thuê người nấu ăn là người Nhật.

Tuy hơn tôi 15 tuổi, nhưng ông có bề ngoài trẻ trung qua tính cách, nên không ai nghĩ chúng tôi cách nhau nhiều tuổi như thế. Chúng tôi hợp nhau và mau mắn đi đến hôn nhân.

Ông rất chiều chuộng tôi. Cái gì cũng hỏi ý tôi, tôi thích thì ông mới làm, còn không thì chả bao giờ ông làm trái ý tôi.

Chúng tôi lấy nhau được 35 năm, tôi đều chăm lo cho ông từ cái áo đến đôi giày, từ cái quần lót đến cái nón, bất cứ thứ gì cũng là tôi phải đi chọn lựa mua đồ cho ông. Ông ăn mặc theo gout của tôi. Tôi thích làm bếp, ông cũng là người ăn theo sự nêm nếm của tôi, không bao giờ chê mặn ngọt gì cả.

Tôi làm kế toán cho hãng insurance bảo hiểm nhân thọ, ông lo chạy nhà hàng Nhật, ai lo việc nấy, chỉ cuối tuần là ông chở tôi đi chợ mua đồ nấu ăn cho cả tuần thôi, mà nhiều khi ông đem đồ ăn Nhật ở tiệm về cho gia đình cùng ăn. Buổi tối, tôi phải lo dậy học các con học bài, trong khi ông ngồi trong phòng riêng của ông lo sổ sách nhà hàng mỗi ngày.

Chúng tôi có hai con với nhau, chúng đã lớn và đi xa nhà theo công việc, chỉ còn mỗi hai vợ chồng chúng tôi.

Tôi mới về hưu ở tuổi 60, còn khỏe, định sẽ cùng chồng đi du lịch khắp nơi. Ông cũng đã bán nhà hàng và về hưu chỉ vài năm nay thôi vì đã lớn tuổi không kham nổi nữa.

Từ ngày ông về hưu trước tôi khoảng hai năm, ông nghe lời những người bạn nhậu độc thân rủ rê đi chơi đến tối mịt mới về, có khi qua cả đêm mà chỉ gọi phone về nói nhanh với tôi vài câu cho biết là ông không về nhà ngủ. Tôi chưa kịp nói gì thì ông đã tắt phone. Thế là cả đêm đó tôi lo lắng không ngủ được, không biết ông ra sao!

Tôi không hiểu tại sao ông lại thay đổi như thế, nên khi gặp ông về nhà vào hôm sau thì tôi phải hỏi chuyện và đã nói rất nhiều với ông, tôi kể lể những điều mà hai vợ chồng chúng tôi đã cùng nhau xây dựng, đã có con cái hạnh phúc 35 năm nay, ở tuổi già lẽ ra phải cùng nhau hưởng thụ chứ sao ông lại hành động thiếu suy nghĩ, nghe theo lời bạn bè đi đến những chỗ mà tôi không biết v..v... Thế là ông nói tôi nói nhiều, ông không thể nào chịu đựng được nữa, và muốn trở lại cuộc đời độc thân như trước kia để tự do muốn làm gì cũng không ai cấm cản.

Ông còn nói là chuyện ly dị này chỉ thầm lặng giữa chúng tôi thôi, không nên cho con cháu hay gia đình biết sẽ bị cười chê. Tôi im lặng nghe sự yêu cầu của ông và cảm thấy chắc tình yêu của ông đối với tôi chẳng còn nữa, vậy tôi miễn cưỡng chịu đựng và kéo dài để làm gì. Tôi vô cùng thất vọng và suy xụp khi tuổi hưu mới bắt đầu mà hôn nhân lại... tan vỡ!

Hai chữ ly dị đối với tôi thật nặng, đâu phải tình nghĩa 35 năm mà muốn nói sao cũng được đâu! Chả lẽ tôi phải ngồi đau khổ lo lắng những buổi tối ông vắng nhà, hay khóc lóc than thân trách phận? Hay ông chỉ muốn dọa tôi?! Tôi là loại phụ nữ độc lập, nếu muốn ly dị thật thì tôi sẽ thực hiện lời yêu cầu ấy cho biết tay!

Đã hai tháng nay chúng tôi chả ai nói với ai một lời cho dù nhiều lúc tôi cũng muốn xuống nước nói lời « xin lỗi » nhưng khi nhìn thấy ông đang sung sướng phây phây hưởng sự tự do của riêng mình... thì tôi lại khựng lại. Ông ấy đã không cần tôi nữa!

Cánh cửa lạnh lẽo giữa phần trên và phần dưới basement được ông đóng thật chặt, ra vào cũng bằng cửa riêng ở phía sau thì tôi không còn cơ hội nào để nói gì được.

Tôi cũng tự trách mình sao càm ràm nhiều đến nỗi người ta không chịu nổi nữa! Để tu tỉnh sửa đổi, tôi bật băng thầy Pháp Hòa giảng làm sao bớt nói mà học nghe, rồi làm sao sống cho hạnh phúc mà không tùy thuộc vào người khác, học chữ nhẫn nhịn, học vui với hoàn cảnh ta đang có, cuộc đời là vô thường, cái gì đến rồi sẽ đi... v... v...

Từ ngày ly dị tôi bỏ không ăn thịt cá nữa mà chỉ ăn rau quả cho nhẹ người, điều này tôi đã ao ước từ lâu được ăn chay trường nhưng vì làm cơm cho chồng con tôi phải nêm nếm, rồi cùng ăn với gia đình nên chưa có dịp.

Bây giờ mới thực sự là tôi được tự do làm mọi thứ mình muốn làm. Tôi ăn chay, ghi tên đi học thể dục, tập văn nghệ ca hát theo ý muốn.

Bỗng tôi phát hiện ra da mặt sáng hơn, người thon thả, cân lại bớt đi rất nhiều, ai gặp cũng bảo tôi độ này nghỉ hưu, hạnh phúc quá nên đẹp ra.

Bất chợt mùi cá kho bay lên tận trên nhà, tôi thầm nghĩ:

- Sao mùi cá kho này có vẻ kỳ kỳ tanh tanh, hình như thiếu gia vị hành ngò, tiêu gì đó... Nhưng thôi kệ, đèn nhà ai nấy sáng! Ly dị rồi!

Tôi nghe tiếng cạch cửa giữa nhà trên và basement, giật mình tôi quay lại, ông đưa cái nồi ra nói:

- Bà còn gạo không cho tôi xin mượn một lon nhé. Tôi quên không mua rồi...

Tôi không nói một lời nào mà lẳng lặng đi xúc gạo cho ông.

Trời chiều mùa thu gió khá mạnh, sau khi ăn cơm xong, tôi chui rúc vào phòng với cái ipad nằm nghe thầy giảng kinh.

Bỗng một tiếng động khá lớn cùng với tiếng rơi lẻng kẻng của cuốc xẻng rơi rớt sau nhà ngay sát phòng ngủ, như có ai xô đẩy, tiếng la của ai đó vọng vào; tôi vội vàng ngồi dậy, rướn người lên xem thử chuyện gì.

Hốt hoảng thấy chồng tôi nằm sóng soài ngay sát bờ tường. Vội vàng tôi khoác cái áo ấm chạy ra, đỡ ông dậy, ông cao và nặng, đè lên hai vai tôi, tôi ráng hết sức lết ông vào nhà, hai mắt ông nhắm nghiền, miệng méo xệch, mặt nhăn nhó, trán mồ hôi rịn đầy ra tuy rằng trời khá lạnh và gió, tôi gọi:

- Ông ơi! Ông... có sao không? có nghe tôi nói không?

Ông thều thào, nhăn nhó:

- Tôi... tôi đau bụng quá!

Tôi đỡ ông nằm dài ở sofa, ông nôn thốc nôn tháo, tôi vội vàng chụp ngay cái xô lau nhà gần gian bếp ra hứng, ông ói toàn là cá mới ăn hồi chiều. Mùi tanh nồng.

- Chắc ông làm cá không kỹ,... rửa không sạch, hay nấu chưa chín?

- Cá có cần lấy ruột ra không?... tôi để yên như thế!

- Sao... không nói tôi nấu cho...

Tôi lấy dầu bôi vào bụng cho ông, lấy bình cao su nước nóng trườm vào thêm cho ông ấm áp, thay bộ quần áo mới cho ông, rồi đi nấu ly nước trà gừng giải độc.

Sau khi ói ra hết thức ăn hồi chiều thì có vẻ êm, ông hiu hiu ngủ trên sofa.

Bỗng nhiên ông bật dậy nói:

- Thôi, để tôi xuống nhà nằm, để khỏi phải nằm trên cấm địa này!

Ông đứng lên nghiêng ngả, cả người lại đổ ập xuống đất, tôi vội vàng chạy lại:

- Ông cứ nằm ở đây nghỉ đi, khi nào khỏe hẳn thì hãy xuống, tôi đâu có nằm ngoài salon này đâu, tối tôi vào buồng ngủ cơ mà!

- Tôi... lạnh quá!

Tôi vội vàng vào phòng tìm thêm cái mền dầy hơn đắp cho ông, để tay lên trán ông thấy hâm hấp nóng, tôi đưa ông ly nước ấm:

- Ông uống 2 viên Tylenol cho hạ sốt nhe.

Nửa đêm tôi lại nghe tiếng động khá lớn bên ngoài, ông muốn đi vào nhà tắm nhưng không đi được vì phát hiện ra mắt cá chân xưng phồng bị bong gân khi té sau nhà!

Tôi lại đỡ ông lên sofa, khi đặt ông xuống thì ông bám lấy vai tôi, cả người tôi té đè lên người ông, hai khuôn mặt chúng tôi gắn khít vào nhau. Bốn con mắt nhìn nhau, ngay phút giây ấy, tôi cảm thấy tình cảm của tôi giành cho ông vẫn nguyên vẹn trong tim. Nhưng thôi... Tôi cố vùng dậy, sửa lại cái áo, lấy cái bô để ngay dưới sofa khi cần dùng, xoa dầu và băng cái chân mắt cá đang xưng vù của ông.

Liếc nhìn mặt ông, tôi thấy ông có vẻ sượng sùng vì chịu sự giúp đỡ bất đắc dĩ của tôi, vậy mà chính ông là người đòi chia đôi tất cả, chấm dứt cuộc sống chung vợ chồng.

Suốt hai ngày, ông nằm yên ở sofa, tầng trên nhà với tôi; tôi phải đi chợ, nấu nồi cháo thịt băm cho ông ăn có sức, giúp ông làm vệ sinh, thay quần áo, đánh răng, lau mặt. Mỗi lần như thế tôi thấy ánh mắt ông thật trìu mến, đầy biết ơn, hối hận, nhưng vì tự ái vẫn không nói lời nào.

Mới bước vào chợ Việt Nam, tôi đã nghe tiếng cô bạn Trang gọi ơi ới nơi bán thịt, cô bạn này thỉnh thoảng tôi hay gặp mỗi lần đi chợ Việt:

- Tường Vi nè, gặp bà tui mừng quá, tính phone bà tối nay... Tụi này đang làm ngày gây quỹ, quyên tiền cho mùa lụt ở Huế, bà giúp tụi này nhe, kêu gọi mọi người cùng đóng tiền gởi về Việt Nam, mình cũng làm một màn văn nghệ, hoạt cảnh bữa đó nhe.

- Bao giờ vậy bà?

- Vào ngày Thanksgiving Lễ Tạ ơn đó!

- Đúng vào ngày đó hả?

- Ừ, tụi mình làm văn nghệ buổi trưa, còn buổi chiều nếu bà bận với gia đình thì ok rồi.

- Cũng được đó, vậy bao giờ tập văn nghệ... bà đón tui đi.

- Ngày mai hẹn bà ở đầu đường nhe, tui đi ngang qua đón bà với bà Kim luôn rồi tụi mình đến thẳng nhà anh Nguyên tập hát, ở đó có băng nhạc, họ tập cho mình luôn.

- Anh Nguyên...

- Cái ông mà hồi xưa theo bà khi còn đi học đó nhớ không? cái ông mà suốt ngày đeo kiếng mát trong lớp đó mà tụi mình đặt tên là không không thấy đó... Bây giờ ổng lập gia đình rồi, mà cũng ly dị luôn rồi, hổng nghe nói đến con cái gì hết... Bà biết không tui nghe nhiều người nói ở tuổi về hưu 60-65 này rất nhiều gia đình lục đục ly dị vì không hợp nhau đó nhe, hồi xưa họ bận đi làm, con cái nên không có nhiều thì giờ ở bên nhau. Bây giờ ở cạnh nhau 24/24 thành ra họ thấy tật xấu của nhau đưa nhau ra tòa ly dị nhiều lắm đấy!

Tôi chột dạ, nói trống:

- Vậy sao, tùy duyên bà ơi! vật đổi sao dời há... Gặp lại bà tui rất vui!

- Hồi xưa nhớ không? năm nào mà tụi mình không họp nhau làm chợ Tết Việt Nam ở Phước Lộc Thọ, nào là bán chả giò, bánh mì, bánh bao, văn nghệ ca hát múa tùm lum hết, quyên tiền cho người homeless ở Cali, tụi mình cùng nhau đi chợ mua đồ về nấu cơm phân phát cho họ để cám ơn quê hương thứ hai này đã cưu mang dân tỵ nạn mình nè. Nghỉ 35 năm lo lập gia đình con cái, bây giờ tụi mình về hưu hết mới quay lại văn nghệ tiếp. Nghiệp bà ơi!... Chắc con bà cũng lớn hết rồi chứ gì?

- Đúng rồi, tụi nó lớn hết, đi hết luôn, một đứa thì ở San Diego, còn một đứa thì ở Bắc Cali; bây giờ tui tự do lắm, hú đi đâu là tui đi ngay!

- Vậy được, để ngày mai tui đón bà nhe. Nè mà sao chỉ có tui và bà là có duyên gặp nhau thôi, mấy bạn gái người Việt mình trong lớp hồi đó tui chả gặp ai hết.

- Duyên... trôi nước mà! Thôi, tui về trước nhé, hẹn bà trưa mai!

Tôi về lòng hớn hở vì gặp lại bạn thời trung học, còn vui hơn nữa là làm từ thiện, một mục đích cao đẹp, giúp cho người kém may mắn hơn mình; ngày mai sẽ gặp Nguyên, anh chàng này đã từng là cái đuôi của tôi, nhưng anh ta quá hiền, chả bao giờ nói gì với tôi mà chỉ ngắm tôi từ xa, lâu lâu bỏ vào thùng thơ nhà tôi mấy bài thơ tình lãng mạn. Có hôm trời mưa thật to, chàng đã đem cho tôi mượn cây dù mà tôi nhớ mãi và còn giữ đến hôm nay vì nhất định không chịu lấy lại.

Thấy tôi vừa làm bếp, vừa tủm tỉm cười vì nghĩ lại cuộc đối thoại với Trang ở chợ, chồng tôi nằm ngay sofa giả bộ nhắm mắt nhưng vẫn tò mò để ý xem vì lý do gì hôm nay tôi vui thế. Nấu bát cháo thịt cho chồng xong, tôi với tay bật bài Nắng Chiều để tập hát trước cho quen, chồng tôi vẫn lắng tai nghe.

Tiếng phone reo lên, ông theo dõi tiếng tôi trả lời với đầu dây bên kia:

- Vâng! Đã lâu chưa hát lại,... gặp nhau ngày mai nhé. Có gì gởi email đi nhe... Vâng thời gian trôi qua thật nhanh...

Tôi thấy ông có vẻ thấp thỏm muốn nói điều gì, đôi lông mày châu lại, rồi giãn ra, nhưng lại không dám vì chính ông là người gây ra khoảng cách này!

Khi tôi mới đi tập hát với các bạn về, định bước vào nhà tôi nghe tiếng ông nói chuyện phone với một người bạn:

-... vợ tôi gặp tên đó à?... còn ngả đầu vào vai nó nữa? văn nghệ cho ngày Tạ Ơn sao? Tạ ơn ai?...Tôi sống trên đất Mỹ này đã 40 năm... đúng thật là chả bao giờ biết đến chuyện làm văn nghệ văn gừng nhăng nhố cho người ta xem, già rồi còn lên sân khấu làm gì nữa, để mấy đứa trẻ mới lên sân khấu chứ... Mình đi làm đóng thuế cũng là một hình thức trả ơn quê hương thứ hai này rồi còn gì!... Nói thật tôi cũng vì nghe các ông xúi đốc vô mà mạnh dạn về đòi ly dị với vợ, bậy thật! bây giờ... không biết làm sao mà nói lời xin lỗi...

-...

- Phải rồi, bả nhỏ hơn tôi 15 tuổi, nhìn còn trẻ trung lắm, không có tôi đi theo hèn chi tên đó sáp lại gần bả nói chuyện. Tôi cũng biết hắn ta hồi đó, hiền... mà lợi hại nhe!... Hôm đó tôi uống hơi nhiều, thêm vào mấy ông cứ nói cuộc đời phải tự do, độc thân là sướng nhất, mới có hai tháng ly dị thôi mà tôi thấy thật khổ, không ai nấu cơm cho, tôi nấu nửa chín nửa sống, đồ thì mặc nhăn nhúm, ăn xong cũng phải tự rửa bát, té cũng phải nhờ người ta đỡ đần, bôi thuốc; nếu mấy bữa bệnh không có bả lo cho tôi thì chắc giờ này không biết có còn ngồi đây nói chuyện được với mấy trự không nữa! tôi... già rồi mà còn nghe xúi bậy!

-...

- Bây giờ thì tôi bớt rồi. Cuối tuần này hả? ngay Phước Lộc Thọ sao? ừ... ừ...được đó! nhớ giữ cho tôi một ghế nhe.

-...

- Ok bye nhe.

Thấy tôi bước vào nhà, ông làm bộ nằm xuống như đang ngủ.

Tôi mừng vì thấy ông đã khỏe lại, tỉnh bơ với tay vặn nhạc

Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy

Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh

Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm

Má em mầu ngà tóc thề nhẹ vương (ca khúc Nắng Chiều- Lê Trọng Nguyễn)

Một tuần nhanh chóng trôi qua, dáng ông đi qua đi lại ở cửa sổ sau nhà bếp, mắt nhìn vào bên trong rình xem tôi đang làm gì, nhưng tôi vì bận lo tìm cái áo tứ thân đã bỏ quên trong kẹt tủ từ mấy chục năm nay, tập hát cho đúng nhịp, tập học thuộc bài để đóng cho đúng vai cô gái thôn quê nên không để ý đến ông cũng đang lẩm bẩm hát nhỏ nhỏ bên ngoài.

* * *

Trên sân khấu nhìn xuống khán giả chật cả đại sảnh, người ngồi kẻ đứng khắp mọi ngõ ngách, có người leo lên cả cầu thang lầu hai đứng nhìn xuống xem hoạt cảnh đặc biệt của chúng tôi diễn với tất cả chân tình, họ thả những cánh hoa hồng xuống để hoan nghênh khi bài Nắng Chiều chấm dứt.

Bất chợt từ hàng dưới khán giả, một ông mặc chiếc áo dài the đen, tóc muối tiêu đội mấn đen, quần trắng, chân đi guốc lóc cóc bước lên sân khấu với bó hoa hồng thật to; như ăn ý với ban nhạc từ trước đó, cả ban nhạc dạo lại khúc cuối, ông cất tiếng hát tự tin vững vàng làm các diển viên ca sĩ chúng tôi tròn mắt ngạc nhiên:

Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà

Gợn buồn nhìn anh em nói: "Mến anh! "

Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi

Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi

Vừa hát, ông vừa đến bên cạnh tôi, trao cho tôi bó hoa hồng và cầm tay tôi để lên ngực ông ở câu:

Nhớ em dịu hiều nắng chiều ngừng trôi...

Bên ngoài, buổi chiều đang dần xuống, ánh nắng chỉ còn lại một dải mờ nhạt trên ngọn cây, gió bắt đầu mạnh, tôi cảm thấy tuổi hưu bắt đầu những chuỗi ngày ngọt ngào trong việc làm từ thiện; tưởng sẽ đem hạnh phúc cho người bất hạnh, nhưng ai ngờ chính công việc ấy cũng đem lại niềm vui ấm áp cho người đã cho đi.

Một ngày Tạ Ơn đời, Tạ Ơn người thật ý nghĩa làm sao!

Montreal,

Sỏi Ngọc Nov’23!

Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7322

Bài gửiGửi: Sat Dec 23, 2023 3:11 am    Tiêu đề: MERRY CHRISTMAS & A HAPPY NEW YEAR!


MERRY CHRISTMAS & A HAPPY NEW YEAR!

MERRY CHRISTMAS & HAPPY NEW YEAR!


Sỏi Ngọc


MERRY CHRISTMAS & HAPPY NEW YEAR!


Sỏi Ngọc


MERRY CHRISTMAS & A HAPPY NEW YEAR!

Tôi nắn nót từng nét chữ vụng về trên chiếc Christmas card chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui bên những người bạn thân yêu của mẹ trong ngày Giáng Sinh; cẩn thận xếp tấm card với tất cả lòng yêu thương gởi gấm đến mẹ, bỏ vào bao thơ, dán lại, gởi bưu điện ngay chứ không thì sẽ không kịp ngày, Giáng Sinh chỉ còn vỏn vẹn mười ngày nữa thôi.

Năm nay tôi lại không có mặt bên mẹ, chắc mẹ sẽ buồn và thất vọng lắm, nhưng tôi không thể nào làm khác hơn!

Từ khi mới sinh, tôi vẫn quen với tấm hình duy nhất của người đàn ông trên bàn thờ mặc bộ đồ lính VNCH rất oai hùng, với một bông mai bạc gắn trên vai áo.

Lớn một chút, tôi mới hiểu đó là bố tôi đã từng đi lính VNCH để bảo vệ tổ quốc, sau đó khi miền Nam bị cưỡng chiếm, bố bị đi “học tập cải tạo” 6 năm; khi được thả về, bố vượt biên đến bốn năm lần mới qua được Pulau Bidong; gặp mẹ trên đảo, hai người yêu nhau, rồi sang Mỹ làm đám cưới, khi bố đã hơn 40 tuổi.

Vì đi tù ở khu rừng thiêng nước đọng, làm việc nhiều, nhịn đói, nhịn khát, ăn uống qua quýt, toàn là sắn và khoai, có khi ăn cơm độn bobo, sạn lẫn trong gạo, nhiều lúc cắn nhầm thì gẫy răng, nuốt nhầm thì đau bụng lăn lộn mà không ai cho thuốc men, đi ngoài ra máu cũng ráng chịu. Khi qua Mỹ, cơ thể ngày càng yếu, bố sống không thọ, đã qua đời ở tuổi 48, bỏ lại mẹ mới 35, còn tôi chỉ mới 4 tuổi.

Trước khi mất, bố đã trăn trối với mẹ:

Nhất định nuôi thằng cu cho lớn khôn, thành tài và không để nó đi lính! Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng tránh nhập ngũ vì sẽ làm cho con người ta hận thù, tổn hại tinh thần, sức khỏe... Hãy hứa với anh nhé!

Hình ảnh bố cương trực, người trai của sông núi thuở ấy chắc phải đẹp và can trường lắm, tôi tìm thêm sách vở đọc về người lính sĩ quan của những năm 1965, càng khâm phục và hãnh diện được làm con trai của bố hơn nữa.

Có một lần trường học tổ chức cho chúng tôi, những em học sinh viếng trại quân binh ở thành phố Westpoint, New York, để biết thêm cách sống, sinh hoạt, sự hy sinh của những người lính để thấy rõ sự sống linh động cho một môn học; tôi được thấy tận mắt từng đoàn quân binh tập bước chân đi thật đều đặn, kỷ luật; những động tác chào, tuy nhỏ nhặt nhưng dứt khoát và oai hùng làm sao ấy, đã thấm nhuần vào đầu óc non nớt của cậu bé 10, 12 tuổi; sự khát khao được vào quân đội Mỹ như ngọn lửa nhen nhúm vào trong tim lúc nào không hay và thôi thúc khôn nguôi!

Vào lần sinh nhật của tôi, mẹ dắt vào hàng Toy’r us để mua quà sinh nhật, mẹ lấy ra cả khối đồ chơi cho tôi chọn: nào là ống nghe của bác sĩ, cái kìm nhổ răng, khẩu súng trường, cái chảo nấu đồ ăn, cây bút chì, cái bàn máy tính computer... Tôi sung sướng tung tăng chọn ra hai thứ, mỗi tay cầm một cái: kìm nhổ răng và khẩu súng trường. Mẹ giật mình lấy ra khỏi tay tôi khẩu súng vứt ra xa, tôi dậm chân khóc, nhất định chạy nhặt lại khẩu súng cho bằng được. Năm ấy tôi lên 6.

Từ lúc đó, mẹ cẩn thận coi chừng tôi thật kỹ, không cho tôi xem những bộ films kích động mạnh, bắn súng, chém giết, mà chỉ xem những băng hoạt hình nhẹ nhàng, yêu thương ở lứa tuổi tôi, tập cho tôi chơi với các bạn hiền tốt ở trường, hướng cho tôi trở thành người có ích cho xã hội và biết giúp đỡ người chung quanh.

Cuối năm 16, sắp vào 17 tuổi, sau khi đi học về, thấy mẹ đang làm cơm trong bếp, tôi vứt cặp ngoài salon, chạy vào ôm lấy mẹ:

Mẹ ơi, thằng Timy trong lớp con sẽ đăng ký quân đội Hoa Kỳ... Mẹ cho con đi với nó nhe?

Không thể được, con còn nhỏ đang đi học sao lại đi lính? Con...

Mẹ đừng lo, con đăng ký đi lính nhưng sẽ vẫn tiếp tục đi học, như nó...

Mẹ không muốn con đi lính con hiểu không? bố đã dặn mẹ phải nuôi con đi học, ra trường thành người tốt có ích cho xã hội, không được đi lính!

Tại sao? Tại sao lại không được đi lính? Đi lính cũng có ích cho xã hội vậy, sẽ bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc... như bố!

Không thể nào được, con chưa hiểu đó thôi! con có thấy bố đi lính ở một chế độ, sau này chế độ đó không còn nữa bố phải trả giá bằng cả cái mạng đó. Mình sống ở nước Mỹ được tự do, tại sao con không học thành bác sĩ, kỹ sư như bao người khác mà phải đi lính chứ? Ai bắt con phải lấy cái nghề hy sinh mạng sống của mình như vậy? rồi lỡ họ điều con qua mấy nước Trung Đông đánh nhau thì sao?... Mẹ chỉ có mình con thôi! Mẹ không bằng lòng!

Mẹ! mẹ nghe con nói đây, con hứa sẽ học thành nha sĩ nhưng con muốn được vào lính, con sẽ vừa đi học trường, vừa tập hành quân như những anh lính trong quân đội vậy. Đó là ước nguyện của con, mẹ bằng lòng nhe mẹ?!

...

Mẹ giận tôi, không nói gì nữa bỏ vào phòng ngủ.

Tôi nhìn lên hình bố vừa thầm thì vừa đưa tay vuốt mặt bố:

Bố ơi, hãy đổi ý cho con được nhập ngũ nhe, con hứa sẽ cố gắng học giỏi, sẽ làm nha sĩ giúp ích cho người dân, cho bố mẹ vui lòng.


Ảnh minh họa


Trong lớp khá nhiều bạn Mỹ nhập ngũ khi vừa mới 17 đúng, tụi nó vẫn đi học, lâu lâu thấy chúng nó vào trường với bộ đồng phục xanh màu lá cây trộn lẫn vằn vện với màu nâu đen của đất đá, đầu đội mũ beret, chân đi boots ống cao, nhìn thật oai phong; sau những buổi tập quân sự bò lê, trườn sát, nhảy xào... thấy chúng nó càng cứng cỏi, da ngâm đen lẫn với màu đỏ của nắng cháy làm hấp dẫn tôi thêm nữa.

Tôi không thể chờ lâu được nữa, biết nếu có xin mẹ hòai cũng không được, đánh bạo, tự đem nộp hồ sơ vào quân đội và bắt đầu làm những bài kiểm tra về sức khỏe, vì còn tuổi vị thành niên dưới 18 tuổi, cần phải có chữ ký của mẹ, làm sao đây? Buổi tối về, tôi cùng ăn uống với mẹ, hai mẹ con nói chuyện thật vui, bất chợt tôi nói vu vơ:

Nếu một ngày nào đó mẹ ăn cơm một mình, không có con thì mẹ có buồn không?

Mẹ nhìn tôi một lúc rồi như dấu cái buồn cho riêng mình, mẹ cười vang lên:

Con tưởng mẹ lúc nào cũng phải cần có con hay sao? Con còn phải có cuộc sống của riêng con, tương lai của con, nếu một mai con đi học xa ở một tỉnh khác thì mẹ sẽ phải ăn cơm một mình thôi! Cuộc đời là thế, không lo!

Mẹ... không buồn và giận con hả?

Mẹ ôm lấy tôi như đứa con nít:

Giận gì mà giận! mẹ sẽ rất vui nếu con làm nên sự nghiệp của riêng mình, mẹ bằng lòng ở một mình và có niềm vui khác với các bạn của mẹ, có sao đâu! Miễn sao lâu lâu con về thăm mẹ, hay phone cho mẹ là được rồi.

Hôm đó thấy mẹ vui, tôi lấy từ trong cặp ra tờ đơn xin nhập ngũ vào quân đội, rón rén để lên bàn, năn nỉ mẹ:

Mẹ hãy đọc và ký tờ consent form này cho con nhe...

Mẹ cầm đọc, mặt từ từ đổi từ vui sang nghiêm trang:

Mẹ nói mãi con không hiểu hả? bố đã trăn trối nói không muốn con vào lính mà, con không nghe lời hả? mẹ sẽ không ký đâu!

Nếu mẹ không ký con sẽ chờ đúng 18 tuổi để tự mình đăng ký đó.

Mẹ ngước mặt nhìn tôi vừa buồn, vừa thất vọng lẫn tội nghiệp đứa con trai duy nhất.

Rốt cuộc mẹ vuốt tóc tôi:

Thôi, con cứ đi ngủ đi, mẹ suy nghĩ đã...

Sáng hôm sau thức dậy, tôi đã thấy tờ đơn đã ký để trên bàn salon, mẹ đã đi làm từ sáng sớm, tôi hôn lên chữ ký trên tờ giấy, mừng quá nhảy cỡn lên như đứa con nít, đến bên bàn thờ của bố tâm sự:

Bố ơi, con cám ơn bố, cám ơn bố rất nhiều đã run rủi cho mẹ chịu ký đơn cho con, con biết điều này làm bố mẹ không vui, nhưng con yêu được làm người lính, được đứng vào hàng ngũ của quân đội, được mặc bộ đồ quân binh oai hùng như bố để bảo vệ đất nước... Con hứa sẽ học ra nha sĩ quân đội để dùng đôi tay và khối óc này phục vụ quân đội... Bố! tha lỗi cho con đã đi ngược lại điều bố muốn nhe!

Kể từ ngày nhập ngũ vào cuối mùa thu, những tân binh không được về phép mà phải tập luyện liên tiếp kéo dài từ 4 đến 6 tháng, bù vào khoảng thời gian mà chúng tôi đã mất ở đại học. Vào trường quân sự phải tập trườn, bò, lết, trèo, rồi có lúc mới 4 giờ sáng, khi nghe tiếng còi hụ tất cả phải thức dậy, làm giường thật thẳng tắp, không một chút vết nhăn nào cả, làm vệ sinh, mặc quần áo thật nhanh và chỉnh tề ra xếp hàng bên ngoài sân; có một tên tân binh mới được 17 tuổi một ngày, mắt nhắm mắt mở thế nào mà chân phải mang một chiếc boot, chân trái mang chiếc giầy thường, hắn bị anh chỉ huy bắt phạt nhẩy xổm 5 vòng cả một khoảng sân thật rộng.

Chúng tôi tập chạy ban đầu 5km, sau đó tăng dần lên 10km với chiếc ba lô nặng sau lưng. Lúc đầu tôi mệt nhoài, thở không ra hơi, chóng mặt muốn xỉu, tưởng sẽ bỏ cuộc nhưng dần dần thân thể đã quen được với lối tập luyện khổ nhọc này, tôi có thể chạy xa hơn với sức nặng 30 kg trên lưng. Chúng tôi được tập khâu vá quần áo, ủi đồ, giặt đồ, lau giầy, làm cơm. Đây là những công việc của mẹ mà tôi chưa bao giờ đụng đến nên khi tôi tập vá áo, hai hàng nước mắt chảy xuống ướt cả mặt vì nhớ công lao mẹ đã nuôi, đã khâu vá áo cho tôi mỗi khi tôi chạy nhảy rách quần áo từ lúc còn nhỏ. Từng miếng sandwich kẹp thịt cũng được mẹ làm cho, nay phải tự làm, tôi thấy mình thật may mắn và tình yêu thương, biết ơn mẹ dâng trào trong tim.

Sau ba tháng tập luyện chuyên sâu trong quân đội, tôi mong ngóng ngày về, chưa bao giờ tôi xa mẹ lâu đến thế. mong được nhìn thấy mẹ, được ôm lấy mẹ bằng da, bằng thịt và hít hương thơm nhẹ từ mái tóc dài của mẹ.

Nhưng một buổi tối, tiếng còi hụ tập họp tất cả những tân binh, họ ra lệnh phải ở lại trại qua mùa Giáng Sinh! Tôi nghe mà điếng cả lòng, thất vọng vô cùng, thấy tim đau thắt lại, hình ảnh mẹ hiện ra trong đầu lẻ loi bên cửa sổ ngóng trông tôi. Bất giác giọt nước mắt lăn xuống má, tôi vội chùi ngay sợ có ai thấy lại bảo tôi quá tình cảm ủy lụy. Tôi cắn răng chịu đựng cho cảm xúc qua đi, thầm nghĩ chắc họ muốn thử thách lòng can trường của những tân binh trẻ tuổi!

Trong trường học quân sự, một cây thông thật, cao vút được dựng lên, với một ngôi sao to lấp lánh trên ngọn, xung quanh được bao quanh bởi những dây đèn đủ màu xanh đỏ vàng chớp nháy thật rực rỡ, dưới gốc cây cả ngàn gói quà cho các tân binh để đón chào họ đến trường quân sự năm đầu tiên, hưởng mùa Christmas xa nhà đầu tiên và cùng các chiến hữu đón ngày Chúa sinh ra đời đầm ấm bên nhau.

Bên cạnh cây thông với những ánh điện tỏa sáng ấy, một hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng chúa Hài Đồng, tượng Đức Mẹ Maria, xung quanh là những thiên thần, tượng Ba vua, thánh Giuse, những chú lừa rải rác.

Ban hậu cần để nhạc “we wish you a merry Christmas... And a happy New Year”

Ai nấy đều vui, hớn hở khi nghe bài hát này, chỉ riêng tôi đứng xa xa nhìn mà cảm thấy thật vô vị.

Những mùa Giáng Sinh năm trước tôi đều nghe bài hát này, cảm thấy Giáng Sinh là mùa gia đình đoàn tụ quây quần bên nhau, nhưng hôm nay xa nhà, xa mẹ đã hơn 3 tháng, tôi thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ vô cùng! Nhưng tôi vẫn không hối hận với quyết định của mình đã chọn.

Tôi thầm hát nho nhỏ: “Mom, I wish you a Merry Christmas and all the joy, peace, love at this time”

Thiệp Giáng Sinh đã gởi đi rồi, chắc mẹ đã nhận được, mẹ buồn lắm, nhưng sẽ chịu đựng cho qua thôi, tôi phải tuân thủ chỉ thị cấp trên!

***

Đúng vào đêm 24 tháng 12, ngày Lễ Vọng (Christmas Eve), 12 tiếng chuông nhà thờ vang lên ở đâu đây, hồi hộp đứng bên ngoài ngôi nhà thân yêu của chúng tôi, vòng hoa holly với chiếc nơ đỏ dài được trang trí ngay ngắn ở chính giữa cửa, đây không phải là giấc mơ chứ! Tôi hít một hơi thật sâu, tay xoay nắm cửa bước vô.

Ánh đèn nhấp nháy đủ màu hắt ra từ cây thông trong góc nhà, dáng mẹ ngồi yên bên sofa, khuôn mặt hướng ra cửa như chờ đợi một điều gì đó, cặp mắt bất giác mở to khi thấy dáng tôi đứng sừng sững giữa khung cửa, mẹ không tin vào mắt mình, lấy hai tay dụi mắt, không nhận ra tôi, nhìn tôi từ đầu đến chân, vì cái đầu lính trọc lóc của tôi, bộ quần áo nhà binh làm tôi như lớn hơn, già giặn hơn.

Vài phút trôi qua, mẹ đứng lên ôm chầm lấy tôi trong làn nước mắt:

Thằng Cu... con đã về!

Mẹ! mẹ... khỏe không? con nhớ mẹ lắm!

Tôi chưa bao giờ yêu mẹ đến chảy nước mắt nhưng đây là lần đầu tiên, tôi ôm chặt lấy mẹ, biết ơn mẹ, dụi đầu vào mái tóc thơm của mẹ hít hà, mẹ lắp bắp:

Ủa, sao... sao con được về vậy? con nói là phải ở đó qua Giáng Sinh mà?

Vâng, lẽ ra là vậy, nhưng hôm nay ông trưởng đoàn cho những tân binh trong gia đình có con duy nhất được về với gia đình nên con mới được về đây!

Vậy có đông người là con duy nhất không?

Khoảng 250 người trong cả ngàn người đó mẹ.

Quân đội Mỹ cũng có lòng nhân từ quá, biết nghĩ đến người cha/ mẹ cô đơn lẻ loi ở nhà trong ngày lễ nhỉ.

Tiếng hát thánh thót phát ra từ chiếc TV gần đó:

I wanna wish you a Merry Christmas

I wanna wish you a Merry Christmas

I wanna wish you a Merry Christmas

From the bottom of my heart

Cùng nắm tay hát vang, ngày giáng sinh an lành

Cầu chúc cho mỗi người, hạnh phúc với nhau trong hương bay ngọt ngào. (Féliz Navidad)

Mẹ cắt cho tôi miếng bánh mừng ngày Giáng Sinh, đặt muỗng bánh vào miệng tôi nói:

Mẹ ơi, đây chính là mùa Giáng Sinh đẹp nhất...

... và sự trở về nhà của con là một món quà hạnh phúc nhất của Chúa ban cho gia đình mình vào ngày Chistmas Eve!

Sỏi Ngọc

Dec’2023

Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7322

Bài gửiGửi: Tue Mar 19, 2024 11:09 pm    Tiêu đề: Tấm lòng của kẻ thứ ba!


Tấm lòng của kẻ thứ ba!

Ảnh tác giả chọn


Tác giả lần đầu tham dự VVNM với bài Cay Nghiệt, hiện đang làm cố vấn đầu tư tài chính cho một ngân hàng tại Montreal Canada. Tác giả cho biết có dự định về hưu non để làm những việc mình từng đam mê như viết lách, đi du lịch, ca hát. Đây là bài mới nhất của tác giả.

*

Cánh cửa ngăn cách giữa hải quan và người chờ thân nhân vừa mở ra tại phi trường Norman Y. Mineta San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ, mọi người đổ xô háo hức đứng lên, cặp mắt ai nấy mở thật to với những bó hoa, bong bóng đủ màu trên tay sẵn sàng chào đón người thân từ xa đến.

Riêng tôi... cũng có hoa tươi, bong bóng hình gấu, hình trái tim... nhưng vai trò của tôi thật bất đắc dĩ. Tôi đi đón... vợ của người ta! Phải rồi, vợ của tên bạn thân, Chương lúc nào cũng bận rộn đi gặp khách hàng, không có thì giờ đi đón vợ trở về từ tiểu bang Pennsylvania sau bốn tháng đi tu nghiệp chuyên sâu về bác sĩ nhi đồng.

Chương có nói với tôi nếu hắn ký hợp đồng xong sớm với khách sẽ phone cho tôi, hắn sẽ rước thằng bé Dann, con của hai vợ chồng hiện đang gởi ở nhà bà nội khá xa, và cùng nhau đi ăn cơm chiều.

Khuôn mặt của Khải Vy, vợ Chương, hiện ra trong đầu, một phụ nữ nhẹ nhàng, thanh lịch, nụ cười với cái đồng điếu ở khóe môi thật quyến rũ mà cả một thời trung học tôi đã si mê cái đồng điếu ấy! Tôi yêu nàng thầm lặng trong tâm khảm, nhưng ngoài mặt thì đối xử như một người bạn thân, tôi đã ngu si nghĩ rằng nàng sẽ để ý đến sự chăm sóc đặc biệt của tôi mà đối đáp lại cái tình cảm trân quý ấy.

Nhưng không! Nàng vốn dĩ sanh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả, con gái rượu, được cưng yêu chiều chuộng, nên xem sự đối xử tốt của tôi như chuyện bình thường không chút đặc biệt nào cả.

Rồi khi lên đại học, tôi vẫn cứ lẽo đẽo theo nàng, câm nín không đủ tự tin để thổ lộ; ngoài tôi ra còn khối anh chàng đẹp trai, sáng giá bám đuôi; nàng học môn gì, tôi cũng theo bén gót, nàng học rất giỏi, lúc nào cũng đứng đầu mọi mặt, nàng theo ngành bác sĩ nhi đồng, tôi cũng thế, cũng may là sức học của tôi không đến nỗi tệ nên cả hai chúng tôi đều được nhận vào làm chung một nhà thương lớn ở San Jose sau khi ra trường.

Nàng vẫn ngây thơ không biết tình cảm của tôi âm thầm đối với nàng. Còn tôi thì cứ loay hoay chọn một thời cơ thích hợp để thổ lộ con tim mình.

Đùng một cái, nàng đưa thiệp báo hỷ! Tôi chới với như bị nhấn chìm xuống đáy biển!

Nàng lấy Chương, thật không môn đăng hộ đối tí nào! Tôi cũng chưa bao giờ nghe nàng bàn luận gì về vụ này, khác với những chuyện mà nàng thường hay lấy ý kiến tôi khi quyết định việc hệ trọng, vì nàng chỉ thân với tôi nhất mà thôi.

Ngày nàng lên xe hoa là ngày tôi tưởng mình đã chết! Toàn thân tê tái, sững sờ. Tôi phải giả bộ nói có việc rất bận của gia đình, không sao tham dự được, tôi đau xót kiệt quệ đến ốm cả tuần lễ mới cố vực dậy được. Thế mà tình yêu của tôi đối với nàng vẫn không suy xuyển...

Tháng ngày trôi qua, đã bôi xóa đi vết đau oan khiên trong trái tim, tôi trở thành kẻ thứ ba bất đắc dĩ trong tình yêu thuần khiết đối với nàng. Mỗi ngày đi làm, tôi được an ủi ở cạnh nàng, được nhìn ngắm nàng, vẫn mãi ao ước được nhìn thấy nụ cười thật sự của nàng nở trên môi, chỉ muốn nghe nàng kể những sự vui vẻ hạnh phúc trong gia đình nhỏ của nàng mà thôi vì:

Yêu người như suối cuộn rừng sâu

Như con tàu say gió, như con giun ngước lên trời

Yêu trăng sao vời vợi, làm sao nói được tình tôi (Phượng yêu- Phạm Duy)

Nàng là chiếc cầu nối đầy tài năng kết hợp giữa tôi với gia đình nhỏ của nàng, Chương và bé Dann, yêu thương nhau như chính gia đình của tôi vậy, họ cần gì tôi đều giúp với tất cả tấm lòng để đổi lấy sự hài lòng của nàng.

Sau 9 năm lấy nhau, nàng mới xa gia đình để đi tu nghiệp ngành chuyên khoa nhi đồng bốn tháng ở đại học Pennsylvania. Trong thời gian xa cách này, tôi và Chương có nhiều cơ hội gặp gỡ, tôi hiểu nhiều hơn tính cách của chồng nàng và bé Dann.

Tôi giật mình trở về hiện tại khi thấy bóng dáng của Hoài Vy xuất hiện nơi ngưỡng cửa, trái tim tôi đập loạn nhịp như chính mình là người yêu, người chồng của nàng vậy, tôi hân hoan giơ bó hoa lên cao vẫy gọi:

- Hoài Vy! Hoài Vy, mình ở bên này nè.

Gặp tôi sau bốn tháng xa cách, nàng cười thật tươi, chạy nhanh lại tôi như con chim sáo. Nàng bỗng ngừng lại khi đến bên tôi, quay qua quay lại tìm kiếm điều gì, nụ cười tắt trên môi, nàng nói:

- Anh Chương chắc lại bận rồi, không có thì giờ đến đón Hoài Vy phải không?

-... Ừm, anh ấy nói khi nào ký xong contract sẽ đến với mình mà... Bốn tháng rồi mới gặp lại em, thấy em càng thêm xinh đẹp, có da có thịt hơn, chắc không phải khổ sở chăm nom gia đình nên thấy em trẻ ra đó.

Chiếc đồng điếu thật duyên dáng hiện ra ở khóe môi trái khi nàng cười:

- Phải rồi, em đi học thật vui và chỉ chăm sóc mình thôi, phải nói đây là kỳ nghỉ hè 4 tháng chứ không phải đi học nghiệp vụ đâu, em được ăn no ngủ kỹ đó! Ở nhà có chuyện gì không anh? Anh khỏe không?

- Tất cả đều rất tốt, chỉ có mỗi anh Chương là bận rộn tối mắt tối mũi với công ty của anh ấy thôi, thằng bé Dann đã lên lớp ba, ngoan ngoãn và đi học rất chăm chỉ, nó kể có làm facetime với em mà phải không?

- Dạ, thấy qua màn hình nó rất khỏe mạnh và nghe lời bố, nhưng không biết một mình anh ấy chăm nom nó ra sao.

- Thỉnh thoảng anh Chương cũng đem nó sang anh trông giúp mỗi lần anh ấy quá bận, nhà bà nội khá xa không tiện đường đem gởi thằng bé với lại bà lớn tuổi, trông cháu không tiện... Anh cũng chơi đá bóng với nó, thằng bé rất thông minh, thích thể thao lắm.

Khoảng nửa tiếng sau, Chương và Dann xuất hiện, tôi thấy nàng thật hạnh phúc trong vòng tay yêu thương quấn quít của gia đình, tíu tít kể đủ chuyện của bốn tháng xa cách.

Tôi lẽo đẽo đi theo sau lưng, quên cả cái “tôi” mà chỉ nghe và cười ké những chuyện vui của gia đình họ, không hề cảm thấy bị tổn thương.

Bờ vai ngoan, hương tóc xõa buông mềm

Tình rạt rào như dòng suối vây quanh

Dù mai đây hương mùa cũ phôi pha

Anh vẫn sẽ yêu em như ngày trẻ dại. (mãi mãi bên em-Từ Công Phụng)

****

Mới 2 giờ sáng, tôi đã nghe tiếng phone reng, giọng Hoài Vy sũng nước:

- Huy à, anh có thể đến nhà thương gấp xem thằng bé dùm em có được không?

- Chuyện gì vậy? bé Dann bị đau ở đâu? Sao lại vào nhà thương?

- Nó nói đau bụng...

- Có ăn gì độc không?

- Em không biết! Em đang trên đường đưa nó vào nhà thương gấp đây, anh hãy đến đó nhe... bây giờ đầu óc em đang rối bời, không có tâm trạng nào khám cho nó đâu!

- Ok, anh sẽ có mặt ngay!

Vừa thay đồ, tôi vừa lo lắng, suy nghĩ không biết thằng bé bị làm sao. Độ này tôi thấy Hoài Vy không còn vui cười hạnh phúc như những ngày nàng mới đi học nghiệp vụ về nữa, nàng có vẻ lo lắng một điều gì đó mà không tâm sự với tôi. Nàng ngồi hàng giờ ngoài công viên của bệnh viện, mắt nhìn về một nơi xa xăm, trầm tư suy nghĩ; nhiều lúc tôi đi ngang qua định làm một trò vui cho nàng cười, nhưng tôi vẫn không thể nào tìm thấy lại chiếc đồng điếu xinh xắn nơi khóe môi trái của nàng nữa.

Nàng lao vào công việc như con thiêu thân mà tôi không thể nào ngăn chặn được, nàng làm việc qua cả giờ cơm trưa, đến tối mịt 9:00 đêm mới rời bệnh viện, nàng nhận thêm nhiều ca mổ cho các em. Tôi chỉ biết đứng ngoài theo dõi nàng mà thật ái ngại, nàng tránh mặt tôi như sợ tôi hỏi về nguyên nhân của mọi thứ!

Vừa đến bệnh viện, tôi lao ngay vào phòng emergency xem bé Dann ra sao, tôi đã nghe tiếng Hoài Vy và Chương tranh cãi nhau ngay phòng ngoài, tránh không để bé Dann nghe tiếng:

- Tại sao anh không đi một mình mà lôi theo thằng bé chứ?... Cô ta có thể làm hại nó thì sao?

- Anh xin lỗi, anh không nghĩ đến chuyện người lớn có thể hại con nít... Với lại chuyện này thật sự không phải lỗi của anh,... Cô ta cứ muốn bám lấy anh...

- Em đã nói bao nhiêu lần với anh rồi, nếu anh muốn ở với cô ta thì mình... ly dị đi, em sẽ nuôi con, anh đến thăm nó lúc nào cũng được...

- Sao em lại nói vậy chứ! Anh đã giải thích với em bao nhiêu lần rồi, anh là nạn nhân trong thời gian em ở Pennsylvania, trong lúc uống rượu nhiều với khách để ký contract bán nhà, thế rồi anh rơi vào bẫy của họ, cô gái này đã gạ tình anh, sau này anh biết được là xa lánh ngay. Nếu em không tin thì mình sẽ ba mặt một lời, anh không lừa dối em mà...

Tôi nghe hết những mẩu chuyện hai người thì thầm cắng đắng với nhau, tôi lạnh người và hiểu ra được mọi nguyên nhân mà Hoài Vy đã cố giấu tôi uất nghẹn bao ngày qua, tôi phải làm sao để giúp cho họ trở lại như xưa đây, tôi không thể nào chịu đựng được khi nhìn khuôn mặt thánh thiện mà tôi yêu quý ủ dột vì một ai đâu! Tôi muốn hy sinh bản thân mình mãi làm một thiên thần bảo vệ hạnh phúc cho người tôi yêu!

Tiếng hét thất thanh của bé Dann vang dội, làm cả hai người đang trốn trong góc phòng chạy vội lại. Tôi lo lắng hỏi cháu:

- Con đau hả? Đau chỗ nào? Có ăn uống gì bậy bạ tối qua không?

Hoài Vy sốt ruột:

- Chắc em nhờ anh rửa ruột cho thằng bé...

- Rửa ruột sao?

- Không! không! con không muốn rửa ruột đâu! Con không muốn!

- Hay là chích một mũi an thần?

- Đau lắm, con không chịu chích đâu!

- Hay là uống thử thuốc sirup này xem có hết đau không nhé.

- Con không uống đâu, thuốc đắng lắm!

- Thuốc này ngọt, không đắng đâu, con thử nếm mà xem nè.

Thằng bé nếm một chút rồi gật gù:

- Thuốc này không đắng lắm, con sẽ uống, nhưng đừng rửa ruột, cũng đừng chích... Con sắp hết đau bụng rồi...

Tôi nhìn sâu trong mắt thằng bé lém lỉnh, nói nhỏ bên tai nó:

- Có thật con hết đau bụng rồi không?

- Vâng! Con... sắp hết đau rồi!

- Có phải... con làm bộ đau bụng phải không?

Ngần ngừ một chút, nó nhìn trước ngó sau xem có bố mẹ ở đây không, rồi mới òa khóc, nức nở tâm sự với tôi:

- Chú ơi, giúp con với...

- Chuyện gì vậy? Từ từ nói chú nghe coi?

- Chú ơi, mẹ con đòi ly dị với bố! Hai người to tiếng từ cả tuần nay... Bố đã bỏ nhà đi, khi bố về thì mẹ lại không muốn về, đến thật khuya mẹ mới đi làm về, mẹ không muốn ăn gì hết, mẹ làm con lo lắm, con không muốn hai người ly dị đâu, nhà con chỉ vui khi có cả ba người mà thôi. Con không muốn thiếu một ai và cũng không muốn ai khác vào ở đâu chú ơi! Chú giúp con ngăn đừng để mọi người ly dị nhe chú, chú hứa đi!

Tôi vuốt lưng nó, thằng bé nói những lời thấu ruột gan tôi! Một gia đình hạnh phúc đối với một đứa trẻ phải đầy đủ cha và mẹ của nó, không thể thiếu một ai, và cũng không thể thay thế ai! Cho dù tôi có yêu Hoài Vy cách mấy... cũng không thể nào thay thế chỗ của bố ruột nó, huống chi người con gái nào đó đang thả tình với Chương, cô ta đã từng quen và hiểu thằng bé đến bao nhiêu mà đòi thay thế vai trò của mẹ ruột nó trong gia đình ấy chứ?!

Tôi xoa đầu Dann, khuyên nó như đang nói với chính mình:

- Con đừng làm mẹ thêm lo lắng nữa, đừng giả bộ đau bụng nữa nhe, chú sẽ thuyết phục mẹ đừng ly dị với bố và cho bố thêm cơ hội làm lại...

- Con đã thấy cái cô gì đó rồi, cổ đến đón con ở trường một lần có bố theo, rồi mọi người bỏ con ngồi một mình ở chỗ bán game đồ chơi để đi đâu đó, chờ đến trời tối xuống vẫn không thấy ai tới đón, tiệm muốn đóng cửa luôn, chủ tiệm đuổi con ra làm con sợ quá, may mà mẹ đã phone cho bố, bố mới nhớ và đón con đó.

Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt

Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa.

(Trên ngọn tình sầu-Từ Công Phụng, thơ Du Tử Lê)

Tôi nhè nhẹ xoay nắm cửa phòng nghỉ trong bệnh viện dành cho nhân viên, rón rén đặt món seafood sushi lên bàn, ngắm Hoàng Vy ngủ say sưa úp một bên má lên bàn, tiếng thở đều đặn, làm như tối hôm qua nàng không được ngủ đủ giấc vậy; đã quá giờ cơm mà nàng cũng không đói dậy ăn. Tôi định bước ra, ống tay áo vướng vào chiếc ghế cạnh đó, gây lên tiếng động làm nàng tỉnh giấc.

Thấy tôi, nàng ngước mặt còn ngái ngủ lên dụi mắt:

- Anh... vào hồi nào vậy? Sao không gọi em dậy?

- Anh có mua cơm trưa món sushi mà em thường thích đó, em có nhớ mình đã ăn món này cả mấy tuần lễ khi còn học thi không?... Thôi ăn cho có sức vì chiều nay lại có ca mổ nữa đó.

- Thật mất công anh quá, anh đã ăn chưa? Ngồi xuống đây ăn chung với em luôn, nhiều quá làm sao em ăn hết được.

Tôi kéo ghế ngồi xuống, so đũa cho nàng, nhìn nàng chua xót:

- Anh... có thể hỏi em một chuyện không?

Nàng coi tôi như một người thân trong gia đình, biết không giấu được lâu, nàng ngần ngừ, rồi tuôn ra tất cả sự đau khổ uất ức bao lâu nay: chồng nàng đã làm một lỗi lớn với nàng, dù đã ăn năn, nhưng nàng không thể tha thứ vì đã đi quá ranh giới chịu đựng của nàng... Nước mắt ràn rụa tức tưởi.

Tôi thật ái ngại nhưng muốn nàng quên đi hoàn cảnh hiện tại, muốn đem lại nụ cười trong giây lát cho nàng; tôi lấy một chiếc đũa cắn vào giữa hai hàm răng, rồi nói:

- Em có thể làm như vậy được không?

Nàng chưa hiểu nhưng cũng bắt chước, đón lấy chiếc đũa từ tay tôi cắn chặt giữa hai hàm răng, tôi cầm máy iphone ra chụp lại và chìa ra cho nàng xem, tấm hình nàng với đôi mắt trợn tròn đầy ngạc nhiên, khuôn mặt tràn nước mắt, chiếc miệng bạnh ra giữa hai hàm răng cắn chặt que đũa trông thật tức cười, bất giác nàng ôm bụng cười nắc nẻ khi nhìn thấy tấm hình đó, vội vàng đuổi đánh tôi, la lên:

- Hahaha... “Delete” tấm hình đó ngay, “delete” ngay cho em, không được cho ai xem đó!

- Không đâu, tấm hình này thật tự nhiên và dễ thương lắm, vô giá đó nhe!

Đó là nụ cười tươi nhất từ sau khi câu chuyện gia đình nàng xảy ra.

Không chỉ riêng nàng đau khổ, tôi cũng là nạn nhân, bị giày vò, đau nhói với nỗi đau bị lừa dối, bị phản bội như chính nàng vậy, vì tôi sống nhờ vào nụ cười và ánh mắt của nàng mỗi ngày; tôi không muốn làm kẻ thứ ba ác độc, gây thêm phiền lụy lên nàng nữa đâu mà chỉ muốn làm chỗ dựa vững chắc, vun xới hạnh phúc mỗi ngày, đó mới là tình yêu đích thực của tôi giành cho nàng.

Trong đôi mắt anh, em là tất cả

Là niềm vui, là mộng ước trong thoáng giây

Anh sẽ cố quên rằng mình đã đến trong nhau

Nồng nàn như đã dấu yêu từ thuở nào (Như đã dấu yêu- Đức Huy)

Vì lời hứa với bé Dann, tôi hẹn gặp Chương.

- Tôi hỏi ông, bộ ông không còn yêu vợ con ông nữa sao? Ông chưa vừa lòng có người vợ đẹp, thông minh lại hiền lành như Hoài Vy sao? Ông không yêu thằng bé lanh lợi Dann nữa hả? Hay ông bị bùa mê thuốc lú của con hồ ly tinh rồi về làm khổ gia đình, khuấy loạn hết cả lên? Ông thật sự muốn ly dị phải không? Trả lời tôi thật tình đi, ông đang toan tính việc gì trong đầu vậy?

- Ông Huy à... ông biết tôi rất yêu vợ, rất thủy chung với nàng, tôi hài lòng lắm có một gia đình mà vợ tôi vừa đẹp người đẹp nết, đâu muốn làm xáo trộn làm gì, nhưng vì hôm đi uống rượu với đám khách mua nhà, tụi nó chuốc rượu cho tôi uống đến nỗi đi hết nổi, tôi không còn nhớ một chút gì nữa sau khi ngủ một giấc say, dậy thì thấy thân thể mình như thằng con nít mới sanh, không có mảnh vải che thân, bên cạnh là cô gái đã chuốc rượu tôi tối qua, cô ta nói đã yêu tôi từ lần đầu gặp gỡ vì tôi thường hay gặp khách ở quán này...

- Cổ yêu túi tiền của ông thì có, chứ có yêu gì ông!

- Tôi thật tình đã có lỗi với vợ! Mà ông cũng biết là vợ tôi có lòng tự ái, tự trọng lắm, tôi làm ra ba cái chuyện này, nàng thật khó nhìn mặt tôi đó, chính nàng đòi ly hôn với tôi, nàng đã lấy đơn về điền, rồi đuổi tôi ra khỏi phòng của hai vợ chồng, chúng tôi cứ cắng đắng nhau đến nỗi thằng con cũng nghe luôn, nó sợ chúng tôi ly dị, nó sợ sẽ giống thằng bạn học cùng lớp, chẳng bao giờ thấy lại bố, cả lớp gọi thằng nhỏ là trẻ mồ côi bố!

- Ông có nghĩ là cô làm trong quán bar có mưu mô gì không? Sao lại chọn ông mà không là ai khác trẻ hơn ông? Nếu so về tuổi tác thì ông phải đáng tuổi cha chú cổ. Tôi thấy vụ này sao sao đó.

- Tôi đã van xin hết nước với cô Bình, người làm việc trong quán bar, là tôi đã có gia đình, vợ tôi là một bác sĩ của bệnh viện ở San Jose, tôi không muốn làm nhơ nhuốc thanh danh của vợ tôi đâu, tôi bằng lòng đền bù cho cổ một số tiền để đừng làm rùm beng vụ này, tôi thật khổ tâm lắm luôn!

- Vậy tôi đã hiểu là ông bị họ “chơi khăm” rồi, ghen ăn tức ở, có những loại người thấy ai hạnh phúc quá họ chịu không nổi và muốn phá, muốn làm tiền, thế thôi! Xã hội này không dễ sống đâu... Ông phải cẩn thận hơn trong cách giao du đó!

- Nhưng bây giờ vấn đề là Hoài Vy không muốn tha lỗi cho tôi, nàng khư khư đòi ly dị...

- Trúng kế con hồ ly tinh rồi còn gì!

- Phải đó!... Ông làm chung với vợ tôi mỗi ngày, giúp tôi năn nỉ cổ tha lỗi cho tôi, tôi thật ăn năn lắm...

- Được rồi, để tôi cố hết cách xem sao... Thôi tôi đi công việc đây, có gì phone nói chuyện sau.

- Cám ơn ông trước nhe!

Vì nóng lòng muốn làm rõ mọi chuyện, tôi giả làm người khách chơi đêm đến quán bar của ả Bình vài lần xem hư thực ra sao. Lần nào đến tôi cũng đem theo cái máy ghi âm nhỏ xíu giấu trong cặp, ghi lại tất cả lời đối thoại của chúng tôi để đề phòng sau này... Và cơ hội đã đến!

Bình là cô gái dáng cao, chân dài, thon gọn, khuôn mặt xinh lai tây, nàng ẻo lả ngồi sát bên tôi:

- Anh... thích ánh đèn màu tím xanh và tiếng nhạc này không? Anh uống gì? Rượu mạnh hay...

- Rượu mạnh đi...

- Có tâm sự sao? Có cần em ngồi uống chung không?

Vừa nói nàng vừa đưa ngón tay lướt nhẹ lên khuôn mặt tôi; tôi giả lả theo:

- Mình uống đi! Đêm nay phải thật say đó!

Tôi chuốc rượu cho nàng uống thật nhiều để dễ khai thác; đến chai whisky thứ ba nàng mới bắt đầu ngật ngừ, tôi hỏi ả:

- Em bỏ nghề này... đi theo anh được không?

- Em... rất muốn bỏ cái nghề bấp bênh này rồi, muốn lập gia đình với một người đàn ông tốt, sanh con, làm lại cuộc đời...

- Vậy em đã gặp được ai chưa?

- Có! Em đã gặp được một người đàn ông, anh ấy thật biết điều, rất tinh tế... nhưng tiếc anh ấy đã có gia đình!

- Vậy hãy bỏ anh ta đi, tìm một người khác độc thân, thiếu gì đàn ông trên thế gian này chưa vợ...

- Nhưng khổ là rất ít đàn ông có tính tình điềm đạm, kinh nghiệm như anh ta. Em nhất định phải làm cho anh ấy ly dị vợ để đến với em, em yêu ảnh mà... Thực sự lúc đầu em chỉ muốn moi tiền ảnh thôi, nhưng thấy ảnh là người đàn ông tốt, có trách nhiệm, lo cho gia đình thật đầy đủ làm em muốn đẩy người phụ nữ kia ra khỏi cuộc đời ảnh...

- Em đừng làm vậy thất đức lắm, hay là...

-... Hay sao?... anh có cách gì không?

- Hãy bắt ảnh đền cho em một số tiền rồi em đi nơi khác làm lại cuộc đời, em thấy sao?

Trong cơn nửa say nửa tỉnh, nàng nhìn tôi từ trên xuống dưới với ánh mắt ti hí dại khờ làm tôi thấy tội nghiệp, tất cả chỉ vì mưu cầu cuộc sống thôi. Ả té xuống chiếc giường sát cạnh, mắt nhắm chặt, miệng vẫn lẩm bẩm:

- Ý kiến hay đó, nhờ anh nói giùm với ảnh nhe, em đòi 100k đô cho bõ công đó!

- Ảnh là ai?

- Chương, Hoàng Thiết Chương giám đốc công ty buôn bán nhà đất có vợ chảnh làm bác sĩ, và thằng con 8 tuổi.

- Em say mà sao nhớ tài tình, nói vanh vách thế?

- Em say nhưng cái đầu vẫn nhớ mà... Em không muốn nhìn ai có hạnh phúc sung sướng hơn em! Em thua gì họ mà không có được cái tình gia đình ấy chứ anh nói đi?... Em ghen với chị ta đó! Em sẽ làm cho chị ta phải ly hôn và em sẽ nghiễm nhiên thay thế vai trò của chị ấy!...hahaha em sẽ vu khống anh Chương cưỡng hiếp em thì tòa sẽ bắt anh ấy đi tù, thanh danh mất hết, đã vậy phải đền em ít nhất là 200k chứ không phải chỉ 100k đó thôi đâu! Hahaha Anh thấy kế hoạch của em...

Nói xong câu đó tôi nghe tiếng khóc ấm ức lẫn tiếng cười đau khổ trong men say của ả. Tôi hiểu sự đố kỵ, ganh tức của kẻ có dã tâm muốn chiếm đoạt hạnh phúc của người thành của mình. Có thể cô ta bị bệnh tâm thần chăng?

****

Sau khi ba chúng tôi cùng nhau nghe lại đoạn băng ghi âm, Chương lên tiếng:

- Tôi không ngờ bề ngoài ả rất xinh đẹp, dịu dàng mà lại là con người mưu mô xảo quyệt như vậy, là một kẻ chuyên tống tiền những người đàn ông “nhẹ dạ”. May mắn nhờ ông Huy đã can trường “vào hang cọp để bắt được cọp”... Theo mọi người tôi có nên đem cái băng này đến cảnh sát để làm biên bản không? đề phòng sau này có tình huống gì xảy ra thì mình đã có chứng cớ, và cho ả một bài học đích đáng!

Hoàng Vy xoay xoay chiếc ly nước trà ấm trong tay:

- Em nghĩ ả này không những làm tiền anh Chương mà đã moi tiền nhiều người trong quá khứ lắm rồi, chả ai dám nói gì vì muốn giữ danh dự cho gia đình. Em sống không nổi đâu nếu tên tuổi gia đình mình bị lôi lên trang nhất của những tờ báo địa phương...

Tôi kết luận:

- Vậy mình không nên làm lớn chuyện, cho ả con đường sống, mình mua được sự an bình; cả ba người mình sẽ gặp ả, mình sẽ bắt ả viết đơn cam kết đi khỏi San Jose khi nhận tiền, và sẽ không bao giờ quay lại con đường làm tiền phi pháp này nữa... Vậy là kết thúc thôi. Nếu không giữ lời thì mình có bằng chứng đầy đủ, giấy tờ chữ ký, băng ghi âm... Còn nếu muốn ra tòa thì phần thua về ả là cái chắc!

*****

Thôi kệ, chi rồi cũng sẽ qua

Giận, hờn, ân, oán nặng riêng ta

Gỡ cặp kính màu cho bớt khổ

Mắt nhận trong đời vạn đốm hoa... (Thôi kệ- Thích Tánh Tuệ)

Chúng tôi quây quần bên chiếc bàn tròn trong một tiệm seafood nổi tiếng ở Cali, thằng bé Dann bám chặt cánh tay tôi:

- Chú Huy ơi, sau này khi rời nơi đây, chú phải facetime cho con mỗi tuần đó, con sẽ nhớ chú lắm, sẽ không ai chơi bóng với con nữa và khi bệnh đến nhà thương cũng không còn ai nghe những yêu cầu của con. Nhớ nhen chú!

Hoài Vy giọng nhẹ nhàng chân thành:

- Hồi đó em đi tu nghiệp rồi, bây giờ đến anh chứ, 6 tháng sẽ nhanh chóng qua thôi, về lại đây chắc chắn anh sẽ lên chức giám đốc, lúc đó đừng quên người đã từng đồng cam cộng khổ với anh trong mọi vấn đề đó nhe!... Mỗi một ca mổ quan trọng nào em cũng sẽ mãi nhớ tới anh, nhớ đến ánh mắt ngầm bảo “ráng lên” làm cho em lên tinh thần, tự tin mổ tiếp... Cũng rất nhớ những ly café buổi sáng anh đã đem vào phòng cho em với hai cup sữa nhỏ không đường... Em rất cám ơn anh!

Chương gắp bỏ vào đĩa của tôi một con oyster lớn chưng gừng hành:

- Cái gì khó giải quyết của gia đình, chúng tôi đều nhờ đến ông, ông chính là “bà vú nuôi”, tụi này được yên lành đến ngày hôm nay, công lao của ông không nhỏ, người bạn già của tôi! Tôi rất hân hạnh được quen ông, mang ơn ông được chưa? Mong ông đi tu nghiệp về lên chức và mãi là “cánh tay phải” của tụi này nhe!... Mà nè, khi nào quen được cô gái nào thì giới thiệu liền cho chúng tôi biết đó nhen.

****

Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi... tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?

Lòng như bát ngát mây xanh

Thân như sương tụ trên cành đông mai.

Cuộc đời chớp lóe, mưa bay,

Càng đi càng thấy dặm dài nỗi không. (Phạm Thiên Thư)

Sỏi Ngọc,

2-22-24

Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7322

Bài gửiGửi: Thu Apr 18, 2024 5:06 am    Tiêu đề: Machu Pichu có nên đến? Sỏi Ngọc


Machu Pichu có nên đến? Sỏi Ngọc

"Machu Picchu - Peru"
Mai Hữu Thọ chọn ảnh minh họa


Machu Pichu có nên đến? Sỏi Ngọc

Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện.

Vào Exoticca tôi thấy họ đang sale nửa giá đi Peru, một quốc gia nằm phía tây Nam Mỹ, có biên giới với Ecuador và Colombia về phía Bắc, Brasil về phía Đông, Chile về phía Nam và Thái Bình Dương nằm phía Tây của Peru. Tôi thấy quá rẻ, đọc một vài bình luận của những người đã booked vào tháng 3 năm 2024, ai cũng khen rất vui, hấp dẫn, đẹp, ăn ngon... Tôi vội vàng bàn sơ qua với ông xã là book ngay kẻo quá ngày ấn định của họ thì sẽ không được giá hấp dẫn 50% (hai người chỉ có 4100$ cad bao ăn ở hotel, tiền máy bay và tất cả mọi tours).

Tours chúng tôi 11 ngày kể cả ngày bay, sẽ đi vào ban đêm ngày April 3, với hãng Delta, bay đến Atlanta, chờ ba tiếng rồi bay tiếp đến Lima vào 9 giờ tối, tổng cộng đường bay 9 tiếng rưỡi, nhưng phải nghỉ (layover) ở Atlanta ba tiếng nên có vẻ thấy hơi dài! Thật sự tôi rất thích cái nghỉ giữa chừng này độ hai ba tiếng cho mình đi qua đi lại giãn cơ, hơn là ngồi một lèo 9 tiếng thì tê cẳng lắm.

Tại nơi đây tôi gặp một người đàn ông Mỹ khoảng 80 tuổi, đi cùng với vợ, cả hai ngồi rất yên lặng đọc sách, lâu lâu chỉ ngẩng đầu lên nhìn sơ qua mọi người rồi lại chăm chú đọc tiếp. Khi cặp mắt ông dừng lại ở tôi, ông nhìn tôi khá lâu làm tôi vô cùng ngạc nhiên phải quay qua hỏi ông xã:

-Anh ơi, mặt em hay tóc em có bị rối bù không mà sao ông Mỹ kia nhìn em không chớp mắt vậy?

-Ừ nhỉ! Chắc là ông ta thấy em cứ không chịu ngồi một chỗ mà cứ đi chụp hình lung tung như từ quê ra tỉnh nên để ý?!

Khi vào máy bay từ Atlanta đến Lima, thủ đô Peru, họ cùng đi với chúng tôi, ông ta lại quay qua nhìn tôi mỉm cười thiện cảm, tôi nhường bước cho họ vào trước, đoán rằng ông bà này cùng trong phái đoàn du lịch với tôi đây.

Đến Lima vào 9:05pm, chúng tôi ngơ ngác bước ra, thấy có người guide cầm bảng to bự đề chữ Exoticca, thế là chúng tôi cùng nhập đoàn, khoảng 15 người, được họ chở về hotel ở Lima ngay giữa lòng thủ đô Peru, nơi đây chúng tôi sẽ phải ở hai đêm; người guide giải thích rất cặn kẽ cho đoàn biết là sẽ làm gì đi đâu vào những ngày kế tiếp, so sánh bản viết của hãng Exoticca với tours ông đang cầm trên tay có gì khác biệt hay không, ông cho chúng tôi số phone, whatsapp để dễ liên lạc nếu có chuyện gì cần thiết, phần rõ ràng này tôi rất thích.

Khách sạn tại Lima cũng giống như bao chỗ khác, thoải mái, những món ăn sáng toàn là trái cây: đu đủ, chuối, dưa hấu, lựu, cantaloup; ngoài ra cũng có những đồ ăn khác như trứng, bacon, jam... Đặc biệt café ở Peru thơm ngon khác thường, không biết họ có cho gì vào không nhưng tôi say mê với cái gu thơm dịu của mùi vị arabica

Sau khi ăn sáng, 9:00 am chúng tôi khởi hành ngay để tham quan Lima, được chở bằng xe Mercedes Benz, có máy lạnh, xem thành phố với những nhà thờ cổ. Các bằng chứng sớm nhất về sự hiện diện của con người tại lãnh thổ Peru có niên đại khoảng 9.000 năm TCN. Xã hội phức tạp cổ nhất được biết đến tại Peru là văn minh Norte Chico, nền văn minh này hưng thịnh dọc theo bờ biển Thái Bình Dương trong khoảng từ 3.000 đến 1.800 TCN.

Vào thế kỷ XV, người Inca nổi lên thành một quốc gia hùng mạnh, tạo thành đế quốc lớn nhất châu Mỹ thời kỳ tiền Colombo, Đế quốc Inca tồn tại gần một thế kỷ. Các xã hội Andes dựa vào nông nghiệp, sử dụng các kỹ thuật như thủy lợi và ruộng bậc thang; chăn nuôi lạc đà và ngư nghiệp cũng là hoạt động quan trọng. Tổ chức xã hội dựa trên sự trao đổi và tái phân phối do các xã hội này không có khái niệm về thị trường hay tiền tệ.

Chúng tôi được xuống xe, đi bộ thăm quảng trường chính của Lima được xây dựng 1843, phủ tổng thống, chợ bán rất nhiều trái cây nhiệt đới với những quả xoài thật to, đu đủ, chuối... Họ dùng tiền sole, 1cad = 3.45 soles, hay 1 usd= 3.68 soles. Chúng tôi ăn uống thả cửa, buổi tối rủ nhau gọi tuktuk ra phố chính ăn đến no căng cả bụng mà tính ra chỉ có 20 usd 1 người thôi. Lạ một điều sao dân nghèo mà tấm lòng hậu hĩnh thế, mỗi đĩa chúng tôi order ra đều ngập tràn đồ ăn, đĩa to, đồ ăn nhiều. Nhưng dân thì nghèo lắm, họ xin tiền khắp nơi, đi đến đâu chúng tôi cũng phải đổi tiền lẻ để cho.

Sau hai ngày ở Lima, đoàn chúng tôi được đi bằng máy bay với hãng Westair đến Cuzco. Villa Urubamba bên ngoài chỉ là một cánh cửa bằng tôn đầy bụi cát, nhưng khi cánh cửa ấy mở ra thì như một thiên đường với một sân cỏ to rộng ngút mắt, bông hoa được chăm bón thật đẹp, tiếng chim hót cùng với tiếng chân người lao xao trên bờ sỏi của những người bồi chạy ra đón chúng tôi vào villa. Mỗi người khách được ở một dẫy nhà cách xa nhau để đừng bị làm phiền vì những căn phòng này được làm bằng tre, có nhiều kẽ hở có thể nghe được từ phòng này đến phòng khác. Tôi ngây ngất ngắm nhìn từ hàng hiên phòng mình, có thể thấy được cả dãy núi cao sừng sững bao bọc sau những nếp nhà bên trái


Đoàn du lịch đến Machu Pichu
Mai Hữu Thọ chọn ảnh minh họa


Hai ngày này chúng tôi được đi xe lửa lên núi, viếng thăm núi Machu Picchu, Machu Picchu được tuyên bố là Khu bảo tồn Lịch sử của Peru vào năm 1981, và được Unesco công nhận như một phần của quần thể văn hóa-sinh thái Di sản thế giới mang tên Khu bảo tồn Lịch sử Machu Picchu vào năm 1983. Machu Picchu được bình chọn là một trong bẩy kỳ quan thế giới hiện đại do một cuộc bỏ phiếu trên mạng với sự tham gia của cử tri toàn cầu. (tham khảo Wikipedia)

Trên tuyến xe lửa đường dài những người bản địa mặc những bộ đồ cổ truyền hát những bài hát dân gian của họ về một chuyện tình theo điệu bolero giúp vui cho mọi người, chúng tôi ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ có một không hai trên thế giới, với đồi núi đủ màu xanh dương và xanh của cỏ hoang xen kẽ với màu hoa vàng dại tạo nên một bức tranh vô cùng sinh động.


Đường lên đỉnh núi Machu Picchu
Mai Hữu Thọ chọn ảnh minh họa


Khi đến Machu Picchu, núi cao đến 2500m, chập chùng, vòng vèo, những người lớn tuổi không thể đi nổi, họ đành phải ngồi bên dưới chờ chúng tôi tham quan xong thì cùng họ đến Sacred Valley. Những bậc thang cái thấp cái cao, cái mòn vẹt theo thời gian vì bước chân của người tham quan nên đi rất khó, vì sợ lạnh nên ban đầu ai nấy đều chuẩn bị cho mình áo lạnh, khăn quàng, ai ngờ khi leo lên những bậc thang này thì thở không ra hơi, mệt và nóng làm chúng tôi bao nhiêu áo nón đều cởi hết ra quấn xung quanh người mới có thể leo tiếp. Ông xã tôi hổn hển:

-Anh không... thể đi nổi nữa rồi! em đi tiếp đi,... anh chờ ở đây!

Tôi trấn an:

-Mình gần đến nơi rồi, anh hãy ráng bám vào tay em, vì khi xuống chưa chắc mình đi lại nơi mình đi lên qua nơi này, họ có thể xuống ở đầu kia, làm sao gặp lại anh đây.

Thế là sau vài phút nghi ngơi, anh cùng tôi leo tiếp mà anh phải bám vào đôi vai gầy của tôi!

Lên đến đỉnh núi, bao nhiêu mệt nhọc khó khăn từ nãy giờ vụt bay đi tất cả, chỉ còn lại sự hạnh phúc, nói không nên lời vì thiên nhiên chập chùng, hùng vĩ quá với những làn sương trắng giăng khắp mọi nơi. Tôi chỉ biết lặng yên há mồm, banh mắt không thể tưởng tượng được, nước mắt như muốn chực rơi ra vì cảm xúc dâng trào, thật không phí công mình đã trèo đèo lội suối cực khổ từ nẫy giờ để đến đỉnh cao này. Ai nấy tranh giành chụp hình, góc nào cũng đẹp, góc nào cũng có cái nghệ thuật của riêng nó; tôi thầm cám ơn ông Trời đã cho chúng tôi còn sức khỏe để có thể đến được nơi này, nếu ai chưa đi qua thì hãy nên một lần phải đi để chiêm ngưỡng cảnh đẹp hùng vĩ này và sẽ phải rơi nước mắt vì ngoài sức tưởng tượng của con người.

Khi ngọn gió nhẹ thổi qua, những đám mây dạt qua một bên, hiện ra trước mắt những con đường bên dưới ngoằn nghoèo với những căn nhà lá và những bức trường thành đã được xây rất kiên cố để chống quân xâm lăng vào thế kỷ thứ XV của người Inca.

Sau khi xuống núi Machu, chúng tôi được đãi ăn với những món của người Inca, đặc biệt là gà hầm dùng với khoai lang, hay với bắp hạt rất to, hoặc với khoai tây chiên. Sự lựa chọn thứ hai là cá trout nướng ăn với rau. Đồ ăn được đãi tự do, nhưng nước uống phải mua.

Những người Inca mặc những bộ đồ màu sặc sỡ, nhảy múa chung quanh chúng tôi, đem theo cả những con bambi lông trắng đến cho chúng tôi vuốt ve, cưng nựng.

Mỗi văn hóa của mỗi dân tộc thật khác nhau, những người đội mũ màu đỏ bất kỳ là đàn ông hay phụ nữ đều đã lập gia đình, đàn ông có quyền lấy đến ba người vợ! Những người độc thân thì đội mũ trắng. Cả đàn ông và phụ nữ trên tay lúc nào cũng vừa đan vừa móc những cái mũ, khăn choàng, những sợi len đan thật chắc tay.

Nơi đây họ bán rất nhiều những khăn quàng cổ bằng lông thú của lama, rẻ và đẹp.

Ban đầu chúng tôi tưởng họ mặc những bộ đồ màu mè này chỉ vào dịp tết lễ, nhưng không phải, đây là đồ mặc thường ngày của họ.


Trang phục của người Machu Pichu
Mai Hữu Thọ chọn ảnh minh họa


Xuống đến tận chân núi, chúng tôi người quay kẻ chụp vẫn không tài nào có thể lấy hết được sự linh động, hùng vĩ, vẻ đẹp đến choáng ngợp của dãy núi này. Xa xa màu trắng đục của sương mờ đang xuống, lúc ẩn hiện dòng sông Amazon xanh mướt màu da trời, khi ngọn gió nhẹ thổi qua, làn sương biết mất, hiện ra dãy núi vòng vèo từ trên cao xuống tận dưới đáy valley những thành lũy, ngôi nhà, ruộng đồng bậc thang đã được người Inca bỏ bao công sức khiêng vác từng khối đá lên xây từ 3000 năm TCN.

Sau hai ngày ở Cuzco, chúng tôi lại được xe bus hạng sang Mercedes-Benz chở đến Puno. Hotel Hacienda Puno cũng giống như những hotel ở Lima, rộng rãi, thoáng mát, sàn bằng gỗ loại tốt sáng sủa. Chúng tôi sẽ ở hai đêm tại đây để đi lake Titicaca.


lake Titicaca
Mai Hữu Thọ chọn ảnh minh họa


Những chiếc tàu nhỏ này được những người trên đảo kết từ những tre nứa, họ sống bằng nghề bắt cá, trao đổi đồ ăn, những chiếc lều bằng tre lá cho khoảng 15 gia đình trên mảnh đất nhỏ và có chung một gian bếp cho tất cả mọi người nấu nướng

Họ cho chúng tôi ăn thử cây bạc hà, theo họ trị được cảm sốt, họ không có thuốc tây nên chỉ lấy lá cỏ uống để giảm đau.

Đến nơi đây tôi có cảm tưởng như mình đang sống ở một thế kỷ nào đó chứ không phải thế kỷ 21 khi trí tuệ nhân tạo AI đang phát triển, các nước đang muốn chiến tranh với những trái bom nguyên tử để giành quyền cai trị thế giới, nhưng nơi đây thật sự an bình cách xa cuộc sống xô bồ thực dụng của thế giới. Sự suy nghĩ của họ thật đơn sơ, sự sống rất hồn nhiên mỗi ngày bắt cá, săn bắn, nấu ăn, quây quần bên gia đình với bữa ăn đạm bạc, nụ cười hạnh phúc thật giản đơn.

Ngồi trên thuyền từ Titicaca về đến thành phố Puno, vợ chồng ông bà người Mỹ lớn tuổi mà tôi đã kể bên trên bắt đầu lại ngồi cạnh tôi, trong khi cả tàu yên lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ về sự chọn lựa của cuộc sống bình an của mỗi dân tộc...

Thuyền phải mất 45 phút mới có thể vào đến bờ tỉnh Puno. Bất ngờ ông Mỹ già đưa tặng cho tôi một lá cờ nhỏ, ông kể cho tôi nghe ông đã từng là người lính Mỹ vào những năm 1970-1973 ở Việt Nam, ông đã từng sống ở Mỹ Tho, đã có vợ người Việt Nam, ông làm tôi say mê theo dõi câu chuyện của ông với nhiều hình ảnh còn giữ trong máy iphone của ông, trong khi bà vợ đã ngáy khò khò bên cạnh, ông 78 và vợ 80, ông là người chồng thứ ba của bà, bà chắc hẳn là một người đàn bà xinh đẹp hồi còn là thiếu nữ lắm, vì bây giờ ở tuổi 80 mà bà còn giữ dáng dấp, khuôn mặt thanh tú với kiểu tóc cắt xéo bên cao bên thấp.

Ông nói với tôi khi nhìn thấy tôi ở phi trường Atlanta, Georgia, đã cảm thấy một cảm giác rất quen thuộc gần gũi với ông, vì tôi mang một nét nào đó trên khuôn mặt giống người vợ còn trẻ của ông hồi năm 1970. Ông đã từng về lại Việt Nam để tìm cô gái đó, bây giờ chị ấy đã có gia đình riêng, xem ông bà như những người bạn của một thuở xa xưa! Ông nói rất yêu những con người Việt Nam thật thà, rất thích được ở lại và xây dựng cuộc sống ở đó, nhưng ông đã không đủ duyên!

Từ lúc ấy, chúng tôi cảm thấy thân nhau hơn, ông xã tôi luôn đi cạnh bà, đưa cánh tay cho bà nắm lấy để bước đi những bước vững chắc hơn khi lên dốc, còn tôi thì tung tăng đi phía trước với ông David nói chuyện, và nghe ông kể chuyện xưa ở Việt Nam như thế nào. Chuyện tình ly kỳ của ông David tôi sẽ phải kể sau vào dịp khác.

Khi chúng tôi đến bờ Puno, lại được viếng thăm những đền thờ có một không hai trên thế giới, những vòm thờ thiên chúa, mẹ Maria được làm bằng vàng 22 carats, những đường nét trạm trổ tinh vi đầy nghệ thuật của thời xa xưa mà vào thời hiện đại này chưa chắc gì có thể làm được; họ cấm không cho chụp hình, chúng tôi đứng ngắm nhìn mải miết say mê, thán phục, rất tiếc rẻ khi đến giờ rời nơi ấy vì biết rằng sẽ chẳng bao giờ có dịp ghé thăm nơi này nữa!


Đô đạt trong viện bảo tàn Machu Picchu
Mai Hữu Thọ chọn ảnh trên mạng minh họa


Kế đó chúng tôi được đưa đi thăm các bảo tàng với những di tích lịch sử thời xa xưa, cũng tại đây những vật phẩm văn hóa thời Inca đã khai quật... Những bức tường rêu phong sừng sững không thể nào mai một vì thời gian, những bức tường này được người Inca gia công tỉ mỉ trộn với sắt thép và đá nặng hàng mấy chục tấn; Peru là đất nước có mỏ vàng, bạc nên những đồ trang sức về bạc 95 khá rẻ so với những đất nước khác.


Lima thủ đô của Peru
Mai Hữu Thọ chọn ảnh minh họa


Trở về lại Lima ngày thứ 11:

Sáng sớm hôm sau, cả đoàn 15 người chúng tôi trở về lại Lima sau 10 ngày bên nhau vui chơi, chúng tôi từ các nước Mỹ, Úc, Anh, gặp nhau ở Peru, tuy chưa bao giờ nói chuyện, hay gặp mặt thế mà 11 ngày này đã kết duyên chúng tôi lại với nhau, mỗi tối chúng tôi cùng rủ nhau đi chơi, ăn uống, nói chuyện, tâm sự đời tư cho nhau nghe qua những chặng đường ngồi xe bus, hay tàu hỏa đi từ tỉnh này đến tỉnh khác, chúng tôi trao đổi với nhau qua whatsapp, email để giữ liên lạc nếu sau này có đi « thám hiểm » nơi nào thì gọi nhau. Tình thân kết nối, những tấm hình chụp chung làm chúng tôi bỗng trở thành người một nhà, sẵn sàng bảo vệ giúp đỡ nhau trong mọi tình huống.

Ngày thứ 11 cuối cùng tại Lima, hotel Ibis ngay trung tâm của Peru, mà người bản xứ gọi là Miraflores, có những chợ bán đồ trang sức đẹp và thanh lịch nhất, ai nấy cũng ồ ạt đi mua thêm túi xách để đựng những đồ gốm, thủ công nghệ của xứ này vì rất rẻ, chỉ sợ không có tay xách và mất công ra đoan mà thôi.

Buổi tối chúng tôi lại rủ nhau đi ăn lần cuối, gọi một món cho mỗi người để cùng chia nhau ăn, ôi sao nhiều đến ngập mặt, món nào họ cũng cho khoai lang hay khoai tây kèm bên cạnh, còn nếu gọi thêm món tráng miệng thì ngọt đến... « kinh khủng »! Tiếng cụng ly, tiếng cười từ trái tim... đã rất lâu tôi chưa tìm lại được cái cảm giác sảng khoái, hạnh phúc ở những người lạ khắp nơi trên vũ trụ này, sẽ mãi mãi ghi sâu trong tâm khảm tôi cho đến cuối đời.

Tất cả 15 người chúng tôi đều bay qua Atlanta, Mỹ rồi từ đó mỗi người có chuyến bay riêng, kẻ về Chicago, London, còn 5 người chúng tôi về lại Canada.

Về đến nhà, cả hai ngày liên tiếp, chúng tôi buồn ngủ đến không thể mở mắt được vì suốt 11 ngày qua chỉ ngủ được max 4 tiếng mỗi đêm, phải dậy sớm đi theo tours, tôi nhớ ông guide đã nói:

-Mọi người phải lấy thêm 1 tuần hè nữa sau khi đi chơi chuyến này về nhé, sẽ phải ngủ bù, nghỉ ngơi thêm lấy lại sức đấy!

Đúng như thế, tôi đau chân, nhức mỏi đến tưởng chừng như tứ chi rời rạc vì chạy nhảy, trèo leo... Nhưng cũng thật đáng đồng tiền bát gạo!

Nếu để già thêm tí nữa mới đi thì sẽ ra sao đây nhỉ?!

Sỏi Ngọc,

April 16-2024

* GHI CHÚ:

Những hình ảnh của tác giả gởi, không đưa vào được trang mạng

T.H.Duy Tân, nên người đăng đành chọn ảnh minh họa.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân