TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 07/04/2022
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 07/04/2022

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Fri Apr 08, 2022 1:54 pm    Tiêu đề: Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 07/04/2022

Cập nhật tình hình Nga-Ukraine ngày 07/04/2022

Tình hình chiến sự Nga-Ukraine ngày 07/04/2022


Dưới đây là bản tin cập nhật diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine ngày 07/04/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.


Kết quả bầu chọn để trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của các thành viên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc được hiển thị trên màn hình của Phiên họp Khẩn cấp Đặc biệt lần thứ 11 về cuộc xâm lược Ukraine, tại New York hôm 07/04/2022.


Liên Hiệp Quốc loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu đình chỉ Nga tham gia cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc vì các tố cáo vi phạm nhân quyền của binh sĩ Nga ở Ukraine.

Nga là quốc gia thứ hai bị tước quyền thành viên tại Hội đồng Nhân quyền được thành lập vào năm 2006 này. Năm 2011, hội đồng này đã loại Libya khi biến động ở quốc gia Bắc Phi này khiến nhà lãnh đạo lâu năm Moammar Gadhafi bị lật đổ.

Cuộc bỏ phiếu vào thứ Năm (07/04) cho kết quả 93–24 với 58 phiếu trắng. Con số này thấp hơn đáng kể so với số phiếu bầu đối với hai nghị quyết mà hội đồng đã thông qua vào tháng trước - yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine, rút ​​toàn bộ quân đội Nga, và bảo vệ dân thường. Cả hai nghị quyết đã được ít nhất 140 quốc gia thông qua.

Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield đã khai triển chiến dịch loại Nga khỏi ghế của họ trong Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên sau khi quân đội nước này bị tố cáo sát hại dân thường ở thành phố Bucha của Ukraine.

Moscow đã nói rằng các nỗ lực trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền là mang tính chính trị và được thực hiện bởi các quốc gia tìm cách tiếp tục “nền chính trị theo chủ nghĩa thực dân mới về nhân quyền” trong quan hệ quốc tế.

Ông Gennady Gatilov, đại sứ Nga tại phái bộ Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã gọi cách nghị quyết của Hoa Kỳ là “vô căn cứ và thuần túy là sự tỏ vẻ can đảm trông đẹp mắt trên màn ảnh - đúng theo cách Hoa Kỳ thích,” đồng thời tố cáo Hoa Thịnh Đốn “khai thác” cuộc khủng hoảng Ukraine vì ích lợi riêng của mình.


Bảng danh sách các quốc gia đã bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền


Các quốc gia EU thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga

Các quốc gia Liên minh Âu Châu đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm một lệnh cấm vận của EU đối với nhập cảng than sau khi có bằng chứng về tra tấn và sát hại dân thường xuất hiện từ các vùng chiến sự bên ngoài Kyiv.

Một viên chức giấu tên cho biết lệnh cấm nhập cảng than sẽ là lệnh trừng phạt đầu tiên của EU nhắm vào ngành năng lượng sinh lời của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.

Lệnh cấm của EU đối với than đá ước tính trị giá 4 tỷ euro (4.4 tỷ USD) mỗi năm. Trong khi đó, EU đã bắt đầu soạn thảo các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm cả biện pháp trừng phạt về nhập cảng dầu.

Moscow: Hoa Kỳ rút khỏi đối thoại an ninh mạng

Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Oleg Khramov cho biết Hoa Kỳ đã đơn phương đóng các kênh liên lạc với Nga liên quan đến an ninh mạng.

Trước đó, hai quốc gia đã trao đổi danh sách các cơ sở hạ tầng internet quan trọng dưới sự bảo trợ của Hội đồng An ninh Nga và Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, sau khi Moscow gửi các đề xướng tới Hoa Thịnh Đốn nhằm thực hiện các biện pháp chung để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của cả hai nước khỏi các cuộc tấn công mạng.


Nhân viên nghĩa trang bốc dỡ thi thể của những thường dân bị giết trong và xung quanh Bucha trước khi họ được vận chuyển đến nhà xác tại một nghĩa trang


Thổ Nhĩ Kỳ: Sự việc ở Bucha “phủ một bóng đen” lên các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng những cảnh quay xuất hiện từ thành phố Bucha của Ukraine đã “phủ một bóng đen” lên các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine nhưng nói rằng các bên phải tiếp tục đối thoại trong mọi trường hợp.

Trình bày sau cuộc họp các ngoại trưởng NATO hôm thứ Năm (07/04), ông Cavusoglu cho biết ông đã nói với người đồng cấp Ukraine rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị để tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng.

Ông nói với các ký giả Thổ Nhĩ Kỳ ở Brussels: “Cách duy nhất là ngoại giao.”

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia duy trì quan hệ thân thiết với cả Moscow lẫn Kyiv, đã tổ chức cuộc họp giữa ngoại trưởng hai nước cũng như các cuộc đàm phán giữa hai đoàn đàm phán.

Nghị viện EU thông qua lệnh cấm hoàn toàn năng lượng của Nga

Nghị viện Âu Châu đã thông qua một nghị quyết hôm thứ Năm (07/04) yêu cầu “cấm vận hoàn toàn ngay lập tức đối với nhập cảng dầu, than, nhiên liệu nguyên tử và hơi đốt từ Nga.” Cơ quan lập pháp của khối cũng yêu cầu Nga bị cắt hoàn toàn khỏi mạng lưới ngân hàng SWIFT và tách khỏi các tổ chức quốc tế.

Nghị quyết được thông qua với kết quả 513-22 và 19 phiếu trắng. Lệnh cấm vận hoàn toàn đối với năng lượng của Nga mà khối này yêu cầu vượt xa kế hoạch hiện có của EU nhằm giảm ⅔ sự phụ thuộc vào hơi đốt của Nga trước cuối năm nay và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030.


Thượng viện bỏ phiếu để chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga


Thượng viện bỏ phiếu để chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga, cấm nhập cảng dầu

Sáng thứ Năm (07/04), Thượng viện đã bỏ phiếu để chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus, đồng thời cấm nhập cảng dầu của Nga vào Hoa Kỳ để đáp trả hành động xâm lược Ukraine của các quốc gia này.

Dự luật chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga và Belarus được thông qua với tỷ lệ 100–0 phiếu, một sự kiện hiếm hoi ở Hoa Thịnh Đốn đang ngày càng bị chia rẽ. Dự luật cấm nhập cảng dầu của Nga cũng đã được thông qua trong cuộc bỏ phiếu 100–0.

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ- New York) cho biết hôm thứ Tư (06/04) sau khi công bố luật này: “Đó là một việc rất lớn rằng cuối cùng chúng ta cũng hoàn thành những dự luật này. Bây giờ tôi ước điều này có thể xảy ra sớm hơn, nhưng sau nhiều tuần đàm phán với bên kia [Đảng Cộng Hòa], điều quan trọng là chúng ta đã tìm ra một con đường phía trước.”

Các dự luật này đã giành được sự ủng hộ của Joe Biden, người từ lâu đã kêu gọi Quốc hội thông qua luật như vậy. Hồi tháng Ba, ông Biden đã công bố lệnh cấm dầu, hiện đã được thông qua thành luật với sự ủng hộ của Thượng viện.

Ngũ Giác Đài xác nhận quân đội Nga đã “rút hoàn toàn” khỏi Kyiv

Ngũ Giác Đài cho biết, các binh sĩ Nga đã bỏ trống “hoàn toàn” các khu vực xung quanh thủ đô Kyiv của Ukraine và một thành phố khác gần đó, theo sau một cam kết của Điện Kremlin là giảm thiểu “đáng kể” hoạt động quân sự trong khu vực này khi các nhà đàm phán nỗ lực chấm dứt giao tranh.

Một viên chức quân đội cao cấp nói với các phóng viên hôm thứ Tư (06/04) trong một cuộc họp báo không được ghi lại rằng Ngũ Giác Đài đã chứng kiến việc rút quân hoàn toàn khỏi các khu vực từng bị bao vây này.


Franklin Delano Roosevelt vào tháng 3 năm 1941 ký kết thỏa thuận Lend-Lease để giúp các nước Đồng minh châu Âu chống lại cuộc tấn công của Adolf Hitler


Thượng viện Hoa Kỳ thông qua chính sách thời Đệ nhị Thế chiến để giúp Ukraine chống lại Nga

Hôm thứ Tư (06/04), Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu để khôi phục lại chương trình viện trợ cho vay-cho thuê (Lend-Lease) vốn đã không được sử dụng kể từ Đệ nhị Thế chiến để cho phép Hoa Kỳ gửi vũ khí đến Ukraine.

Với tên gọi Đạo luật Cho vay-Cho thuê Phòng thủ Dân chủ Ukraine, dự luật đã được Thượng viện đồng thuận thông qua vào cuối ngày 06/04 để trao quyền lực lớn hơn cho chính phủ liên bang trong việc ký kết các thỏa thuận với chính phủ Ukraine nhằm mục đích cho mượn hoặc cho thuê dụng cụ và vũ khí trong bối cảnh xung đột với Nga. Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) là người đã giới thiệu dự luật này.

Đạo luật này từng được sử dụng lần cuối trong Đệ nhị Thế chiến khi Hoa Kỳ viện trợ cho các nước đồng minh chống lại Đức Quốc Xã, điển hình là Anh quốc và Liên Xô.

Moscow phản ứng trước bước đi mới nhất của Hoa Kỳ về Ukraine

Nga đã nói rằng kế hoạch gửi thêm vũ khí cho Ukraine của Hoa Thịnh Đốn sẽ không giúp ích gì cho tiến trình hòa bình. Các quốc gia phương Tây đang ngày càng tăng cường trang bị vũ khí cho Kyiv sau khi Moscow tấn công nước này vào cuối tháng Hai.

“Việc phủ đầy Ukraine bằng vũ khí không góp phần vào thành công của các cuộc đàm phán Nga-Ukraine. Thay vào đó, rõ ràng là nó sẽ có tác động tiêu cực,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Năm (07/04).

Tuyên bố của ông Peskov được đưa ra một ngày sau khi Thượng viện Hoa Kỳ thông qua đạo luật khôi phục chương trình cho vay-cho thuê (lend-lease) từ ​​thời Đệ nhị Thế chiến cho phép Hoa Thịnh Đốn xúc tiến vận chuyển vũ khí tới Kyiv. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã cảm ơn sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ và cho biết ông đang mong đợi dự luật được “thông qua nhanh chóng” tại Hạ viện.


Một tòa nhà dân cư bị Nga pháo kích phá hủy ở Borodyanka gần Kyiv


Moscow tố cáo Kyiv thay đổi lập trường trong các cuộc đàm phán

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã tố cáo Ukraine làm chệch hướng đàm phán với Moscow bằng cách thay đổi lập trường đàm phán.

Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết hôm thứ Năm (07/04) rằng Ukraine đã rút lại đề nghị của mình rằng các bảo đảm quốc tế về an ninh của họ không áp dụng cho Crimea.

Ngoại trưởng Lavrov cũng tố cáo Ukraine sửa đổi một điều khoản trong bản dự thảo thỏa thuận mà nước này đã đệ trình trước đó, vốn quy định rằng các cuộc tập trận quân sự trên lãnh thổ Ukraine có thể được tổ chức với sự đồng ý của tất cả các nước bảo lãnh, bao gồm cả Nga.

Ngoại trưởng Lavrov nói thêm rằng Nga dự định tiếp tục các cuộc đàm phán bất chấp những “hành động khiêu khích” của Ukraine.

Chưa có phản hồi ngay lập tức đối với tuyên bố của ông từ chính phủ Ukraine.

Điện Kremlin báo động về đề nghị khai triển vũ khí nguyên tử của Ba Lan

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã báo động rằng Moscow sẽ coi việc chuyển giao vũ khí nguyên tử cho Ba Lan là hành động khiêu khích cao độ, sau khi một viên chức hàng đầu cho biết Warsaw sẵn sàng tiếp nhận hỏa tiễn ngoại quốc như một biện pháp răn đe.

Nói chuyện với đài truyền hình LCI của Pháp hôm thứ Tư (06/04), ông Peskov cho biết bất kỳ hoạt động khai triển nào như vậy đều có khả năng gây ra phản ứng tương tự từ Nga, gợi ý rằng nước này có thể thay đổi lập trường nguyên tử của chính mình.

“Đối với chúng tôi, đây sẽ là một mối đe dọa lớn,” ông nói và cho biết thêm rằng “trong trường hợp này, việc khai triển hỏa tiễn nguyên tử của Nga ở biên giới phía tây là không thể tránh khỏi,” đồng thời nhấn mạnh rằng Moscow là “một cường quốc nguyên tử có trách nhiệm.”

Bình luận của ông Peskov được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski nói với một tờ báo Đức vào cuối tuần trước (28/03-03/04) rằng đất nước của ông “sẵn sàng” tiếp nhận vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ, cho rằng việc khai triển hỏa tiễn ở sườn phía đông của NATO là “hợp lý” và sẽ “tăng đáng kể khả năng răn đe đối với Moscow.”


Video cho thấy những tổn thất nặng nề của Nga ở Bucha


Moscow thề đáp trả các lệnh trừng phạt mới nhất của Hoa Kỳ

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga có ý định đáp trả các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các con gái của Vladimir Putin theo cách họ cảm thấy thích hợp.

“Nga chắc chắn sẽ đáp trả và sẽ làm điều đó theo cách mình cảm thấy thích hợp,” ông Peskov cho biết hôm thứ Năm (07/04).

Hôm thứ Tư (06/04), Hoa Kỳ thông báo rằng họ đang trừng phạt hai con gái trưởng thành của ông Putin trong khuôn khổ loạt hình phạt mới đối với hệ thống chính trị và kinh tế Nga nhằm đáp trả các tội ác chiến tranh bị tố cáo của nước này ở Ukraine.

Ông Peskov nói trong một cuộc họp với các phóng viên rằng các biện pháp trừng phạt này “bổ sung vào một loạt các hạn chế hoàn toàn điên rồ” và thực tế rằng các hạn chế nhắm vào các thành viên gia đình đã “tự nói lên điều đó.”

“Đây là điều khó hiểu và khó giải. Nhưng, thật không may, chúng tôi phải đương đầu với những đối thủ như vậy,” ông Peskov nói.

Phần Lan, Estonia dự định thuê kho cảng nổi LNG để bảo đảm nguồn cung cấp hơi đốt

Phần Lan và Estonia cho biết họ đang có chung kế hoạch thuê một kho cảng nổi cho hơi đốt thiên nhiên hóa lỏng, hay LNG, để bảo đảm nguồn cung cấp hơi đốt cho hai nước trong nỗ lực phá vỡ sự phụ thuộc năng lượng vào nước láng giềng Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan Mika Lintila và người đồng cấp Estonia Taavi Aas cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm (07/04) rằng, một kho cảng LNG ngoài khơi có khả năng di chuyển sẽ là một giải pháp nhanh chóng cho việc bảo đảm nguồn cung cấp hơi đốt cho hai thành viên Liên minh Âu Châu bị ngăn cách bởi Biển Baltic này.

“Do chiến tranh ở Ukraine, chúng tôi phải chuẩn bị cho khả năng có gián đoạn trong việc nhập cảng hơi đốt” qua các đường ống từ Nga, ông Lintila nói, đồng thời cho biết thêm rằng một kho cảng LNG nổi “là một cách hiệu quả để bảo đảm nguồn cung cấp hơi đốt, kể cả trong ngành kỹ nghệ.”

Nga phản đối việc thu giữ các tác phẩm nghệ thuật có giá trị

Hôm thứ Năm (07/04), Moscow báo động rằng Phần Lan sẽ không thể trốn tránh trách nhiệm trong việc trả lại các bức tranh và tác phẩm điêu khắc trị giá 46 triệu USD thuộc về Phòng trưng bày Tretyakov, Bảo tàng Hermitage, và các bảo tàng khác ở Nga. Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi Hải quan Phần Lan xác nhận việc thu giữ các tác phẩm vốn đang trên đường về nước từ Ý và Nhật này.

Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Phần Lan Antti Helantera và bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” về hành động này.


Slovakia gifts Ukraine S-300 anti-aircraft missile defence system


Tổng thống Ukraine tìm kiếm thêm khí tài quân sự

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đất nước ông cần các hệ thống phòng không, hệ thống pháo binh, đạn dược, và xe bọc thép để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga.

“Ukraine nhận được sự giúp đỡ này càng sớm thì chúng ta càng có thể cứu được nhiều mạng sống hơn ở Ukraine,” ông Zelensky nói trong một bài diễn văn trước Nghị viện Hy Lạp hôm thứ Năm (07/04).

Tổng thống Ukraine kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với tất cả các ngân hàng Nga và lệnh cấm tàu ​​Nga vào các cảng như là một cách thức cản trở khả năng của Nga trong việc tài trợ cho cuộc chiến này.

“Nga hoàn toàn tự tin vào khả năng bất khả chiến bại của mình và họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn mà không bị trừng phạt. Chúng ta phải ngăn chặn họ. Chúng ta phải đưa Nga ra trước công lý,” ông Zelensky nói.

Các quốc gia G7 thề sẽ tiếp tục gây áp lực lên Nga

Nhóm Bảy cường quốc lớn trên thế giới đang báo động Nga rằng họ sẽ tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt cho đến khi quân đội của Nga rời khỏi Ukraine và những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh bị truy tố.

Các ngoại trưởng G7 hôm thứ Năm (07/04) tuyên bố sẽ “duy trì và gia tăng sức ép đối với Nga bằng cách áp dụng các biện pháp hạn chế bổ sung có phối hợp nhằm ngăn chặn hiệu quả khả năng tiếp tục cuộc xâm lược Ukraine của Nga.”

Các quốc gia phương Tây đã áp đặt một số vòng trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả Vladimir Putin, các thân nhân và cộng sự của ông, nhưng vẫn miễn cưỡng trong việc trừng phạt lĩnh vực năng lượng của nước này.

Gặp nhau bên lề các cuộc họp của NATO tại Brussels, các bộ trưởng G7 cho biết họ “đang thực hiện các bước tiếp theo để xúc tiến các kế hoạch nhằm giảm sự phụ thuộc của chúng tôi vào năng lượng của Nga và sẽ làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu này.”

Trung Cộng mua năng lượng của Nga bằng đồng nhân dân tệ, các chuyến hàng sắp về đại lục

Hôm thứ Năm (07/04), Bloomberg đưa tin cho biết than và dầu của Nga được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ sắp bắt đầu chảy vào Trung Cộng.

Theo hãng thông tấn, trích dẫn từ công ty cố vấn Trung Cộng Fenwei Energy Information Service, một số công ty Trung Cộng đã sử dụng đồng nội tệ để mua than của Nga hồi tháng Ba và những chuyến hàng đầu tiên sẽ đến trong tháng này.

Đây sẽ là những chuyến hàng đầu tiên được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kể từ khi Hoa Kỳ và Âu Châu áp các lệnh trừng phạt chưa từng có vào Moscow, khiến một số ngân hàng Nga bị cắt khỏi hệ thống tài chính quốc tế.


You're alive! Emotional moment Ukrainian woman reunites with sister since war


Nga thực hiện các bước để trừng phạt Google vì tố cáo YouTube tung tin “giả”

Cơ quan giám sát truyền thông của Nga hôm thứ Năm (07/04) cho biết họ đang thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại Google, bao gồm lệnh cấm quảng cáo nền tảng này và các nguồn tin tức của nó vì vi phạm luật pháp Nga.

Roskomnadzor tố cáo nền tảng chia sẻ video YouTube của Google, nền tảng đã đóng cửa các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga tài trợ trên toàn cầu, đã trở thành “một trong những nền tảng chính phát tán tin giả về quá trình chiến dịch quân sự đặc biệt (của Nga) trên lãnh thổ Ukraine, làm mất uy tín của Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga.”

Roskomnadzor cho biết các biện pháp chống lại Google, công ty thuộc sở hữu của Alphabet Inc., bao gồm một báo động trong các công cụ tìm kiếm nói rằng Google vi phạm luật pháp Nga, sẽ được áp dụng cho đến khi công ty tuân thủ luật pháp.

Google đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận.

Tháng trước (03/2022), Nga đã yêu cầu Google ngừng lan truyền những gì họ gọi là các mối đe dọa đối với công dân Nga trên YouTube.

Cơ quan quản lý này cũng đã chặn dịch vụ tổng hợp tin tức của Google vào tháng Ba, tố cáo dịch vụ này cho phép truy cập tài liệu giả mạo về chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cũng trong tháng Ba, nghị viện Nga đã thông qua luật quy định thời hạn tù lên đến 15 năm cho tội cố ý lan truyền tin “giả” trái với các tuyên bố về quân đội của chính phủ.

Tức giận vì Meta Platforms cho phép người dùng mạng xã hội ở Ukraine đăng các thông điệp như “Những kẻ xâm lược Nga phải chết,” Moscow đã chặn Instagram vào tháng Ba, đồng thời cắt quyền truy cập Facebook vì những gì họ cho là các hạn chế của nền tảng này đối với truyền thông Nga.


Khung cảnh đồ đạc và vết máu của người dân trên mặt đất sau một vụ pháo kích vào một nhà ga xe lửa ở Kramatorsk, Ukraine


Anh: Các cuộc pháo kích của Nga là sự mở đầu cho cuộc tấn công mới

Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố Nga đang bắn phá các mục tiêu cơ sở hạ tầng để làm suy yếu chính phủ và quân đội Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào miền đông nước này.

Trong một bản cập nhật tình báo hôm thứ Năm (07/04), bộ cho biết “tiến triển các chiến dịch tấn công ở miền đông Ukraine là trọng tâm chính của các lực lượng quân sự Nga.”

Họ nói rằng Nga đang thực hiện các cuộc không kích và pháo binh vào “ranh giới kiểm soát” giữa các khu vực do Ukraine nắm giữ ở Donbas và các khu vực do quân ly khai được Nga hậu thuẫn kiểm soát.

Quân đội Nga cũng đang nhắm vào cơ sở hạ tầng trong nội địa Ukraine “để làm suy giảm khả năng tiếp tế của quân đội Ukraine và gia tăng sức ép đối với chính phủ Ukraine,” bộ tuyên bố.

Shell: Rút khỏi Nga có thể gây thiệt hại lên tới 5 tỷ USD cho công ty

Shell dự liệu ​​sẽ phải chịu tổn thất từ 4 đến 5 tỷ USD khi rút khỏi Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, công ty thông báo hôm 07/04.

Đầu tháng Ba, đại công ty dầu mỏ này tuyên bố rằng họ dự định rút khỏi các hoạt động ở Nga và sẽ rút khỏi các liên doanh với công ty năng lượng quốc doanh Nga Gazprom cùng các đơn vị liên quan, đồng thời bán 50% cổ phần mà họ đang nắm giữ tại Salym Petroleum Development và liên doanh năng lượng Gydan, hai dự án ở Siberia.

Shell cho biết, công ty cũng sẽ từ bỏ 27.5% cổ phần của mình trong cơ sở hơi đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin-II ngoài khơi bờ biển phía đông của Nga.

Nga phản đối trường hợp bị trục xuất khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc

Phó Đại diện Thường trực thứ Nhất tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy cho biết trước cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm (07/04) của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) về việc trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền cho biết, điều này có thể đe dọa phá hủy “nền tảng của hệ thống đa phương hiện nay.”

Ông Polyanskiy viết trên Telegram rằng theo quan điểm ​​của ông, đây là một “bước đi chiến thuật có tính toán trước,” không liên quan gì đến cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hay các tố cáo về những vi phạm nhân quyền của Moscow, vì những tuyên bố này “còn cách xa so với trạng thái được xác thực và chứng minh.” Tuy nhiên, ông báo động, yêu cầu này nếu được chấp thuận, sẽ “có nguy cơ gây ra những hậu quả tàn khốc cho Hệ thống Liên Hiệp Quốc.”

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Fri Apr 08, 2022 1:55 pm    Tiêu đề:



Tổng thống Zelensky tiết lộ kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh an ninh

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố tổ chức một hội nghị thượng đỉnh gồm các nước sẵn sàng thảo luận về việc bảo đảm an ninh cho Kyiv. Sự kiện này sẽ là một phần của các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

“Một cuộc họp như vậy chắc chắn sẽ diễn ra vì nó đã được xác nhận bởi đại diện của những nước bảo lãnh trong tương lai,” ông Zelensky nói với kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ Haberturk hôm thứ Ba (05/04).

Ông Zelensky đã nêu tên Hoa Kỳ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Đức, Pháp, và Israel là những quốc gia “sẵn sàng gặp gỡ và thảo luận về một danh sách bảo đảm an ninh” cho Ukraine.

EU tiết lộ khi nào sẽ thảo luận về lệnh cấm nhập cảng dầu

Lệnh cấm nhập cảng dầu từ Nga sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh các ngoại trưởng EU vào ngày 11/04 tới, trong khuôn khổ vòng trừng phạt tiếp theo nhằm vào Moscow, viên chức ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell cho biết hôm thứ Năm (07/04).

Kể từ khi cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine bắt đầu, EU đã đưa ra một số vòng hạn chế cứng rắn đối với Moscow. Hiện các nhà hoạch định chính sách Âu Châu đang thảo luận tại Brussels về gói trừng phạt thứ năm, bao gồm lệnh cấm nhập cảng than của Nga.

Cổ phiếu Nga tăng, đồng ruble ổn định bất chấp kế hoạch trừng phạt tiếp theo từ phương Tây

Chứng khoán Nga đa phần không tỏ ra nao núng trước mối đe dọa về các biện pháp trừng phạt thêm từ phương Tây hôm 06/03. Cổ phiếu đã tăng sau khi trượt giá vào đầu ngày trong bối cảnh các nước phương Tây đe dọa sẽ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt, trong khi đồng ruble thì ổn định.

Chỉ số RTS tính theo đồng dollar giảm xuống 979.34 điểm trước khi giảm lỗ và tăng thêm 0.4% trong ngày lên 1,008.9 điểm vào lúc 07 giờ 49 phút sáng (GMT).

Chỉ số MOEX Nga tính bằng đồng ruble của họ cũng tăng 0.4% lên 2,674.1, mặc dù con số đó vẫn còn cách xa đáng kể so với mức cao nhất mọi thời đại là 4,292.68 mà chỉ số này đạt được vào tháng 10/2021.

Cổ phiếu của công ty dầu mỏ lớn thứ hai của Nga, Lukoil, cũng tăng cao hơn 3.5%, vượt trội so với thị trường rộng hơn. Đại công ty dầu mỏ này là hãng lớn đầu tiên của Nga lên tiếng phản đối quyết định xâm lược nước láng giềng của ông Putin.


Lính Nga đã viết “ for our children” trên hỏa tiễn được pháo kích vào một nhà ga xe lửa ở Kramatorsk giết chết ít nhất 39 người - trong đó có 4 trẻ em - và 87 người bị thương khi hai cuộc tấn công vào một nhà ga ở miền đông Ukraine hôm nay, khi hàng nghìn người dân Ukraine tuyệt vọng đã cố gắng di tản đến những vùng an toàn hơn của đất nước


Putin tuyên bố Nga sẽ “giám sát” việc xuất cảng thực phẩm sang các nước “thù địch”, “thận trọng” với nguồn cung cấp ngoại quốc

Vladimir Putin đã chỉ thị cho chính phủ của ông “giám sát” việc xuất cảng thực phẩm sang các nước mà Moscow coi là “thù địch” khi phương Tây gia tăng các biện pháp trừng phạt nhắm vào nước này.

Ông Putin đã công bố mệnh lệnh này trong một cuộc họp về nông nghiệp hôm thứ Ba (05/04), chỉ vài ngày sau khi Liên minh Âu Châu đề xướng các biện pháp trừng phạt sâu rộng mới đối với Nga, nhằm phản ứng với tố cáo quân đội nước này phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Ông nói, “Trong bối cảnh thiếu lương thực toàn cầu, năm nay chúng ta sẽ phải thận trọng với nguồn cung cấp ngoại quốc và theo dõi cẩn thận việc xuất cảng sang các nước rõ ràng thù địch với chúng ta.”

Ukraine tìm kiếm các biện pháp trừng phạt “tàn khốc” đối với Nga khi Âu Châu băn khoăn về năng lượng

Ukraine muốn có các biện pháp trừng phạt đủ mạnh để buộc Nga chấm dứt chiến tranh sau khi tố cáo một số quốc gia đặt ích lợi kinh tế lên trên lệnh trừng phạt đối với hành vi sát hại dân thường bị tố cáo, vốn bị phương Tây lên án là tội ác chiến tranh.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết thế giới dân chủ phải ngừng mua dầu của Nga và chặn hoàn toàn các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế.

Ông Zelensky nói: “Một số chính trị gia vẫn chưa thể quyết định làm thế nào để hạn chế dòng chảy của đồng dollar và đồng euro dầu mỏ sang Nga mà không khiến nền kinh tế của họ gặp rủi ro.”

Hoa Thịnh Đốn đã công bố các biện pháp mới bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với hai con gái trưởng thành của Vladimir Putin và một ngân hàng lớn. Tuy nhiên, Liên minh Âu Châu đã không thông qua một vòng trừng phạt mới bao gồm cả than đá của Nga vào thứ Tư (06/04). Viên chức ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell cho biết gói này có thể được thông qua vào thứ Năm (07/04) hoặc thứ Sáu (08/04).

Trình bày tại một cuộc họp của NATO, ông Borrell cũng cho biết EU sẽ thảo luận về một lệnh cấm vận đối với dầu của Nga, mà ông nói rằng ông hy vọng sẽ sớm có hiệu lực.

Moscow đã phủ nhận việc nhắm vào dân thường và nói rằng hình ảnh các thi thể ở Bucha được dàn dựng để biện minh cho việc ban hành nhiều hơn các biện pháp trừng phạt đối với Moscow và khiến các cuộc đàm phán hòa bình thất bại.

Các bước đi mới của Hoa Thịnh Đốn hôm thứ Tư bao gồm các biện pháp trừng phạt tổ chức cho vay nhà nước hàng đầu Sberbank và Alfa Bank, tổ chức tài chính lớn thứ tư của Nga.

Lệnh trừng phạt cũng cấm người Mỹ đầu tư vào Nga và kêu gọi trục xuất Nga khỏi Diễn đàn 20 nền kinh tế lớn G20, đồng thời tuyên bố sẽ tẩy chay các cuộc họp G20 mà các viên chức Nga xuất hiện.

Anh cũng phong tỏa tài sản của Sberbank và cho biết họ sẽ cấm nhập cảng than của Nga, nhưng phải đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, Ukraine nói rằng các đồng minh của họ phải đi xa hơn để ngăn chặn Moscow bằng cách chấm dứt mọi hoạt động nhập cảng năng lượng từ Nga và ngăn chặn nguồn cung cấp kỹ thuật và vật liệu được sử dụng để sản xuất vũ khí.

Người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết: “Các biện pháp trừng phạt đối với Nga phải đủ tàn khốc để chúng tôi có thể chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp này.”

Ngoại trưởng Ukraine kêu gọi các đồng minh NATO gửi thêm các phi cơ, hệ thống phòng không, hỏa tiễn và phương tiện quân sự.


People walk past a severely damaged residential building by the Russian air raids in Borodyanka, Bucha Raion of Kyiv Oblast, on 7 April 2022. (Photo by Ceng Shou Yi/NurPhoto via Getty Images)


Tổng thống Macron gọi những tuyên bố gần đây của Thủ tướng Ba Lan là “đáng hổ thẹn”

Hôm thứ Tư (06/04), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, gọi những tuyên bố gần đây của ông là “đáng hổ thẹn”. Ông Morawiecki đã chỉ trích các nỗ lực của nhà lãnh đạo Pháp nhằm duy trì đối thoại với Moscow trong bối cảnh cuộc tấn công quân sự nhắm vào Ukraine đang diễn ra.

“Những tuyên bố này vừa vô căn cứ vừa đáng hổ thẹn,” ông Macron nói với kênh truyền hình TF1 của Pháp về những bình luận của thủ tướng Ba Lan hồi đầu tuần. Ông Morawiecki đã chỉ trích một số nhà lãnh đạo Âu Châu, bao gồm cả ông Macron, vì cho rằng họ đang đạt được rất ít kết quả qua đối thoại với Điện Kremlin.

“Tôi hoàn toàn nhận trách nhiệm cho việc nói chuyện với tổng thống Nga nhân danh Pháp, để tránh chiến tranh và xây dựng một kiến ​​trúc mới vì hòa bình ở Âu Châu vài năm về trước,” ông Macron nói và cho biết thêm rằng ông không hề “ngây thơ”, cũng không “đồng lõa” như “những người khác”, mà không giải thích rõ ông đang ám chỉ ai.

Phát ngôn viên tổng thống: Ông Zelensky sẽ gặp bà von der Leyen vào 08/04

Hôm thứ Sáu này (08/04), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ hội đàm với Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen tại Kyiv, phát ngôn viên của tổng thống Sergii Nykyforov cho biết trên truyền hình quốc gia.

Ông cho biết các chi tiết khác của cuộc hội đàm sẽ không được công bố vì lý do an ninh. Một phát ngôn viên của Liên minh Âu Châu cho biết hôm thứ Ba (05/04) rằng viên chức ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell cũng sẽ đến Kyiv trong tuần này.

Ukraine: Đạt được thỏa thuận về 10 hành lang nhân đạo cho ngày 07/04

Phó thủ tướng Ukraine cho biết quân đội Nga đã đồng ý về 10 hành lang nhân đạo cho việc di tản dân thường ở ba khu vực miền đông Ukraine vào hôm thứ Năm (07/04).

Nga dự liệu ​​sẽ tăng cường chiến dịch quân sự nhằm kiểm soát khu kỹ nghệ phía đông của Ukraine trong những ngày và tuần tới, và Ukraine đã kêu gọi NATO cung cấp thêm vũ khí để ngăn chặn kế hoạch này.

Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết dân thường từ các vùng Donetsk, Luhansk, và Zaporizhzhia sẽ có thể di tản đến các thành phố Zaporizhzhia và Bakhmut.

Bà Vereshchuk cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng có thể đi từ Mariupol và Enerhodar đến Zaporizhzhia bằng xe hơi và từ Berdyansk, Tokmak, và Melitopol bằng xe hơi và xe buýt.

Các cuộc di tản đến Bakhmut, một thành phố ở vùng Donetsk, sẽ diễn ra ở Severodonetsk, Lysychansk, Popasna, Girske, và Rubizhne của vùng Luhansk.


Six weeks after Russia invaded its neighbour, its troops have withdrawn from Kyiv and Ukraine's north and are focusing on the country's southeast


Ukraine tố cáo Hungary phá hoại sự thống nhất của EU

Ukraine đang tố cáo Hungary phá hoại sự thống nhất của Liên minh Âu Châu bằng cách hỗ trợ Moscow khi Nga tăng cường cuộc xâm lược của họ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko hôm thứ Năm (07/04) tuyên bố rằng “việc Hungary do dự thừa nhận trách nhiệm của Nga đối với các hành động tàn bạo ở Bucha củng cố cảm giác không bị trừng phạt của Nga và khuyến khích nước này phạm các tội mới.”

Ông Nikolenko cũng chỉ trích tuyên bố của Thủ tướng Hungary Viktor Orban về việc Hungary sẵn sàng thanh toán hơi đốt của Nga bằng đồng ruble, mô tả hành động đó là không thân thiện và thách thức việc EU từ chối yêu cầu về tiền tệ của Moscow.

Trong một tuyên bố, ông Nikolenko cho rằng lời đề nghị của ông Orban về việc tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine đáng ngờ, nói rằng “nếu Hungary muốn giúp chấm dứt chiến tranh, họ phải ngừng gây hại cho sự đoàn kết của EU, ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới, đề nghị hỗ trợ quân sự cho Ukraine, và ngừng tạo thêm các nguồn lực để tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga.”

Tuy nhiên, Hungary đã lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine và đã gửi viện trợ nhân đạo cho nước này.


23-ton armoured vehicles sent to Ukraine by British Army


Tổng thư ký NATO kêu gọi các quốc gia thành viên cung cấp thêm vũ khí

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đang kêu gọi các thành viên của tổ chức này cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine và không chỉ cung cấp mình vũ khí chống tăng và chống phi cơ.

Khi các bộ trưởng quốc phòng NATO hội kiến tại Brussels hôm thứ Năm (07/04), ông Stoltenberg cho biết, “Tôi đã kêu gọi các đồng minh hỗ trợ thêm nhiều loại hệ thống khác nhau, cả vũ khí hạng nhẹ lẫn vũ khí hạng nặng.”

Ông Stoltenberg cho biết các quốc gia NATO, chứ không phải là NATO với tư cách là một tổ chức, đang cung cấp nhiều loại vũ khí và hỗ trợ khác cho Ukraine nhưng 30 đồng minh có thể làm được nhiều hơn thế.

Ông nói rằng, “Ukraine đang chiến đấu trong một cuộc chiến phòng thủ, vì vậy sự phân biệt giữa vũ khí tấn công và phòng thủ này kỳ thực không có bất kỳ ý nghĩa thực chất nào.”

Ông Stoltenberg nhấn mạnh rằng điều quan trọng là NATO không bị lôi kéo vào một cuộc chiến rộng hơn với Nga.

“NATO sẽ không cử binh sĩ đến thực địa. Chúng tôi cũng có trách nhiệm ngăn chặn cuộc xung đột này leo thang ra bên ngoài lãnh thổ Ukraine, và thậm chí là trở nên chết chóc hơn, nguy hiểm hơn và mang tính hủy diệt hơn,” ông nói.

Ukraine thúc ép phương Tây cấm vận hoàn toàn năng lượng của Nga

Ukraine sẽ tiếp tục đề nghị một lệnh cấm vận dầu khí đối với Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine, ngoại trưởng Ukraine cho biết hôm thứ Năm (07/04), khi EU hứa sẽ có vòng trừng phạt thứ năm vào thứ Sáu (08/04).

Ông Dmytro Kuleba sẽ nói chuyện với 30 đồng minh của NATO, cũng như Liên minh Âu Châu, Phần Lan, Thụy Điển, Nhật Bản, New Zealand, và Úc, trong một phiên họp đặc biệt của các ngoại trưởng nhằm duy trì sự ủng hộ của quốc tế đối với các biện pháp trừng phạt và việc cung cấp vũ khí.

“Chúng tôi sẽ kiên trì đề nghị cấm vận dầu khí hoàn toàn,” ông nói với các phóng viên tại NATO khi trình bày cùng Tổng thư ký Jens Stoltenberg.

Ông Kuleba đặc biệt kêu gọi Đức tăng tốc độ giao vũ khí cho Ukraine, đề nghị cung cấp các phi cơ, hỏa tiễn chống hạm trên đất, xe bọc thép, và hệ thống phòng không. Ông cho rằng các thủ tục ở Berlin đang tốn quá nhiều thời gian.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, người đã đề nghị tổ chức một cuộc họp khác của các ngoại trưởng NATO vào tháng Năm tại Berlin, cho biết bà sẽ thảo luận thêm về việc bán vũ khí cho Ukraine với các đồng minh tại Brussels vào thứ Năm (07/04).

Sau hơn 40 ngày chiến tranh, Ukraine tuyên bố Nga đang tiếp tục tấn công các thành phố của họ, đặc biệt là ở ba khu vực phía đông Kharkiv, Donetsk, và Luhansk sau khi quân đội Nga rút lui khỏi vùng xung quanh Kyiv.

Hôm thứ Tư (06/04), ông Stoltenberg đã báo động rằng chiến tranh có thể kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã cam kết hỗ trợ Ukraine trong thời gian dài hơn.

Nhưng mặc dù một lệnh cấm đối với dầu và hơi đốt từ Nga tiềm tàng của EU có thể sẽ cắt đứt một nguồn tài trợ đáng kể cho cuộc chiến của Moscow, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Âu Châu và đẩy giá hơi đốt lên cao.

Ngoại trưởng: Hungary nhận nhiên liệu nguyên tử từ Nga bằng đường hàng không

Hungary đã nhận chuyến hàng đầu tiên nhiên liệu nguyên tử cho nhà máy nguyên tử Paks từ Nga bằng đường hàng không vào hôm thứ Tư (06/04), sau khi cuộc chiến ở Ukraine khiến việc vận chuyển bằng đường sắt trở nên bất khả thi, Ngoại trưởng Peter Szijjarto cho biết hôm thứ Năm.

Ông Szijjarto nhắc lại rằng Hungary bác bỏ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với dầu khí của Nga, đồng thời nói thêm rằng việc áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với các hoạt động liên quan đến năng lượng nguyên tử cũng là một “lằn ranh đỏ” đối với Hungary.

“Nhiên liệu (cho nhà máy Paks) luôn đến từ Nga bằng đường sắt qua Ukraine, thật không may... điều này không còn khả thi nữa nên chúng tôi phải tìm một cách thay thế để vận chuyển,” ông Szijjarto cho biết trong một video trên Facebook từ Brussels.

Ông cho biết lô hàng nhiên liệu đã đi qua không phận của Belarus, Ba Lan, và Slovakia để đến Hungary với sự chấp thuận của cả ba quốc gia, vì năng lượng nguyên tử không phải chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Liên minh Âu Châu.

Hungary muốn mở rộng nhà máy điện nguyên tử 2 gigawatt Paks do Nga xây dựng với hai lò phản ứng VVER do Nga sản xuất, mỗi lò có công suất 1.2 gigawatt.

Được trao mà không đấu thầu cho đại công ty nguyên tử Rosatom vào năm 2014, dự án này thường được coi là một biểu tượng cho mối quan hệ nồng ấm giữa Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Vladimir Putin. Dự án đã bị trì hoãn.

Ông Orban, người đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật (03/04), nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư rằng Budapest muốn củng cố các liên minh phương Tây của mình, vì tương lai của Hungary là trong EU và chắc chắn là trong NATO.


Ukrainian soldiers hope to retake city of Kherson within DAYS as Russian forces continue withdrawal


Maldives thành nơi trú ẩn của các du thuyền Nga bị cấm vận

Một ngày sau khi tỷ phú than và phân bón Andrey Melnichenko bị Liên minh Âu Châu đưa vào danh sách trừng phạt hôm 09/03, siêu du thuyền Motor Yacht A của ông đã ngừng phát sóng vị trí của mình khi đang đi trong vùng biển của Maldives, dữ liệu hàng hải cho thấy.

Tại Ý, bốn ngày sau, các nhà chức trách đã thu giữ một phương tiện khác của ông Melnichenko - chiếc du thuyền lớn nhất thế giới, được cảnh sát tài chính Ý ước tính trị giá 578 triệu USD.

Tắt các dụng cụ cho phép các nhà chức trách lần ra nơi neo đậu của một con tàu có thể giúp tàu đó không bị phát giác.

Tàu của ông Melnichenko là một trong sáu du thuyền có liên kết với Nga đã đi giữa các đảo san hô ở Maldives, phía tây nam Ấn Độ, kể từ khi các quốc gia phương Tây tấn công một số nhà tài phiệt bằng lệnh trừng phạt để đáp trả cho cuộc xâm lược xảy ra từ ngày 24/02.

Ba trong số các du thuyền đã giấu vị trí neo đậu của mình, thay đổi điểm đến được báo cáo hoặc di chuyển vào vùng biển quốc tế, theo dữ liệu do MarineTraffic, một nhà cung cấp dữ liệu phân tích hoạt động hàng hải, công bố.

Trong một cuộc phỏng vấn, công tố viên trưởng Hussain Shameem cho biết ý tưởng thu giữ du thuyền là “không thực tế” vì hệ thống luật pháp của Maldives chưa đủ mạnh. Ông nói thêm rằng nhà chức trách không thể dễ dàng tịch thu các tàu ghé qua trừ khi các tàu vi phạm luật địa phương.

Tháng trước (03/2022), phát ngôn viên của ông Melnichenko nói với Reuters rằng thương gia này sẽ tranh tụng các lệnh trừng phạt, đồng thời cho biết thêm rằng ông không có đảng phái chính trị.

Moscow không loại trừ việc cắt đứt quan hệ với các quốc gia phương Tây

Hôm thứ Tư (06/04), RT đưa tin dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, nếu các quốc gia phương Tây tiếp tục trục xuất các nhà ngoại giao Nga, Nga có thể sẽ cắt đứt quan hệ với các quốc gia đó.

“Có một nguy cơ tiềm ẩn như thế, vì hàng ngày chúng tôi phải đối mặt với những hành động thù địch như vậy. Trục xuất các nhà ngoại giao là một quyết định đóng lại cánh cửa quan hệ ngoại giao,” ông Peskov nói.

Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Đức và Pháp đã trục xuất tổng cộng 145 nhà ngoại giao Nga trong vòng hai ngày.

Các nhà ngoại giao này đã bị trục xuất ngay sau khi có tin tức cho rằng thường dân Ukraine ở Bucha, phía tây bắc Kyiv bị quân đội Nga sát hại.

Epoch Times Staff

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tin Thường Nhật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân