TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bơ đậu phụng (Peanut butter)
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bơ đậu phụng (Peanut butter)

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Sat Dec 18, 2021 12:07 am    Tiêu đề: Bơ đậu phụng (Peanut butter)

Bơ đậu phụng (Peanut butter)


Thấy bá tánh loay hoay với “thịt” chế biến từ cây cỏ, Dế Mèn cũng thử thay đổi thói quen ăn uống, dùng chất đạm từ đậu phụng xem mình có ưa thích món thức ăn [cũ] nhưng lại mới mẻ ấy hay không, cơ thể có “chịu” nó hay không. Phe ta ăn bơ đậu phụng với bánh mì vào buổi sáng. Cũng ngon. Thưởng thức xong thì xoay ra tìm hiểu và bơ đậu phụng là câu chuyện dài, bạn ạ!

Bơ đậu phụng xuất hiện từ lâu trên thị trường thực phẩm nên những câu chuyện về món ăn này xem ra cũ xì nhưng thật ra lại khá mới bạn ạ, vì trong những ngày đầu của đại dịch, chuyên viên y tế tại Đại Học Yale đã thử dùng bơ đậu phụng trong việc tìm kiếm / nhận diện những người nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng gì (asymptomatic carrier)!



Đậu phụng hay “đỗ lạc” hiện diện tại châu Mỹ cả ngàn năm. Dân tộc Inca đã từng ăn món đậu phụng nghiền nát và con cháu họ tiếp tục dùng loại thực phẩm ấy kể cả người Huê Kỳ và các nhóm dân cư khác trên thế giới.

Sách vở ghi nhận công lao của ông George Washington Carver, người dẫn đầu trong việc tìm ra hằng trăm cách dùng đậu phụng trong thức ăn, từ việc chế biến nước chấm Worcestershire, kem cạo râu đến làm giấy! Tài tình như thế nhưng thực ra ông Carver đã đóng góp nhiều nhất trong việc phát triển ngành canh nông, giúp các nông gia da đen khá giả, thoát ra cảnh nô lệ trong các trại trồng bông gòn.


George Washington Carver - nổi tiếng với việc phát triển các phương pháp trồng cây luân canh, dẫn đến việc khám phá ra 100 công dụng của khoai lang và khoảng 75 đối với hồ đào, bao gồm cao su tổng hợp và vật liệu để lát đường. Ông cũng tìm ra 300 công dụng khác nhau của đậu phộng.


Năm 1864, ông Carver ra đời từ cha mẹ nô lệ và con cái nô lệ cũng là tài sản của chủ nhân. Được dạy dỗ, huấn luyện về trồng tỉa tại Iowa, ông Carver trở thành một nhà thực vật học và dẫn đầu môn canh nông tại Tuskegee Institute, Alabama vào năm 1896. Mục đích chính của ông ấy là trợ giúp nông gia da màu, những nô lệ tại các trại bông gòn thoát cảnh tiếp nối nhiều đời dưới tay chủ nhân da trắng. Thủa ấy, làm việc cật lực nhưng đói triền miên vì chủ nông trại [da trắng] cấm nô lệ không được trồng tỉa cây cỏ tạo ra thức ăn, dùng thực phẩm và bạo lực để kiểm soát nô lệ.


Carver in his laboratory, circa 1935. Hulton Archive / Getty Images


Khi biết rằng cây bông gòn hút hết dưỡng chất từ đất đai, ông Carver bắt đầu thí nghiệm. Thoạt tiên là trồng cây đậu phụng và khoai lang; hai giống cây này là nguồn nitrogen dinh dưỡng bồi đắp cho đất đai đã bị bông gòn rút cạn và mang lại nguồn thực phẩm. Tại những buổi học và hội thảo, ông Carver đã chỉ dẫn cho nông gia da màu trồng tỉa hai giống cây kể trên. Và họ đã thành công.

Ông Carver qua đời năm 1943, để lại cho thế giới một mẫu mực trồng tỉa như dùng phân bón thiên nhiên, dùng thực phẩm dư thừa làm phân bón, luân chuyển cách dùng đất đai, mỗi năm trồng một loại hoa màu khác nhau trên cùng thửa đất... Mẫu mực trồng tỉa ấy vẫn còn được áp dụng đến ngày nay.


John Harvey Kellogg


Đậu phụng nhiều công dụng như thế nhưng nổi tiếng nhất lại là món bơ đậu phụng. Bơ đậu phụng trở thành món ăn phổ thông nhờ ông John Harvey Kellogg, một bác sĩ chuyên về dinh dưỡng, đã dẫn đầu trong việc chế biến bơ đậu phụng qua tác quyền được chứng thực năm 1895.

Món ăn ấy bao gồm đậu phụng được luộc chín rồi nghiền nát cho dễ nuốt, food compound, và là một trong các món ăn cho bệnh nhân tại Battle Creek Sanitarium, một dưỡng đường (“spa”) chữa trị đủ loại bệnh tật của ông Kellogg. Bản tác quyền đầu tiên không kê khai rõ ràng loại “đậu” nào nhưng ông Kellogg đã thử hạt dẻ (almond) cũng như đậu phụng rồi chọn đậu phụng vì nguyên liệu này rẻ hơn. Bơ đậu phụng đã được quảng cáo là “món bơ [từ hạt] ngon nhất từ trước đến nay” dù theo khẩu vị thời nay, bơ đậu phụng theo kiểu chế biến nọ rất nhạt nhẽo, vô vị!

Là một tín đồ Tin Lành, Seventh-Day Adventist, ông Kellogg theo chủ trương “chay tịnh”, ăn rau cỏ nên thúc dục bá tánh dùng bơ đậu phụng thay cho thịt động vật vì cho rằng ‘thịt gây khó chịu cho bộ phận tiêu hóa và gia tăng nhục dục [tội lỗi]’. Thân chủ của ông bác sĩ là những người nổi tiếng như Amelia Earhart, Sojourner Truth và Henry Ford, nên bơ đậu phụng nhanh chóng nổi tiếng, trở thành món ăn “quý phái”.

Sách báo thủa ấy cũng cổ võ bơ đậu phụng. Tạp chí Good Housekeeping năm 1896 đã khuyến khích quý bà quý cô dùng máy nghiền thịt để chế biến bơ đậu phụng tại nhà, và phết bơ đậu phụng lên bánh mì. Tờ Chicago Tribune năm 1897 cũng hô hoán rằng bơ đậu phụng là món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng lại ngon và rẻ.


Một quảng cáo bơ đâu phụng năm 1920


Một nhân viên tại dưỡng đường kể trên, ông Joseph Lambert, là người đầu tiên chế biến món đậu phụng theo lời chỉ dẫn và cũng là người chế tạo được dụng cụ rang và nghiền đậu phụng thay thế kiểu thủ công nghệ. Thành công, ông này xoay ra mở công ty the Lambert Food Company, bán bơ đậu phụng và các dụng cụ dùng để chế biến món ăn ấy, mở đầu cho việc buôn bán rầm rộ món bơ đậu phụng sau này. Khi bá tánh buôn bán ào ào thì bơ đậu phụng hết “quý phái” và mỗi ngày một rẻ hơn. Năm 1908, công ty Loeber quảng cáo món bơ đậu phụng là “rẻ và đầy dinh dưỡng”: 10 cents bơ đậu phụng mang lại gấp 6 lần năng lượng so với món thịt bò “porterhouse steak” đắt tiền. Từa tựa như câu quảng cáo bên ta “một ký rau muống bổ như một ký thịt bò”!

Vào Thế Chiến I, thức ăn nhất là thịt khan hiếm, dù có tin bài bản quảng cáo hay không, dân cư cũng đành chịu ăn bơ đậu phụng để lấy chất bổ. Chính phủ Huê Kỳ cổ võ “Thứ Hai không thịt” với sự phụ họa của báo chí Daily Missourian đương thời “hãy ăn bánh mì đậu phụng, ăn với bơ đậu phụng, dùng dầu đậu phụng pha nước chấm... vì chiến tranh”. Đến Thế Chiến II thì bơ đậu phụng và mứt nho trở thành thức ăn chính trong các bữa trưa, bữa sáng của trẻ em Huê Kỳ.


Butter Making Machine


Món ăn phổ thông này đã trải qua nhiều lần “cải tiến”. Ngày trước khi xưởng sản xuất bán ra từng thùng bơ đậu phụng cho các chợ, thùng bơ đi kèm với cái chèo gỗ để thường xuyên khuấy; bằng không dầu đậu phụng sẽ nổi lên và chóng hư hỏng. Năm 1921, nhà hóa học Joseph Rosefield được cấp bằng sáng chế về công thức ‘partial hydrogenation’ dùng trong việc chế biến bơ đậu phụng. Công thức này chuyển dầu đậu phụng từ thể lỏng sang thể đặc nên ở nhiệt độ bình thường, bơ đậu phụng không chảy nước nữa. Từ đó, bơ đậu phụng xuất hiện trong những chai lọ nhỏ nhỏ để bày bán và giữ được khá lâu. Thành công quá xá, ông Rosefield ấy mở luôn công ty chế biến bơ đậu phụng Skippy, tiếp tục làm ăn từ năm 1930 đến nay.



Kỹ thuật tiếp tục cải tiến các phương cách chế biến bơ đậu phụng và thức ăn này trở thành món hằng ngày cho trẻ em cũng như người lớn tại Huê Kỳ trong khi dân cư ở những nơi khác chưa mấy hăm hở với bơ đậu phụng. Nhưng dần dà bơ đậu phụng cũng đến đích. “Được mùa” buôn bán tại Huê Kỳ, bơ đậu phụng vượt biển sang Âu Châu và cũng thành công tương tự. Năm 2020, mãi lực của bơ đậu phụng tại Anh đã vượt mặt món mứt trái cây cổ truyền tại vùng đất ấy. Chiếm được “lòng người” khắp nơi, nghiễm nhiên, bơ đậu phụng trở thành món ăn rất... Mỹ, một ‘biểu tượng’ của Huê Kỳ. Đã có những cuốn sách đề cập đến món ăn này dính liền với ký ức thủa thiếu thời. Dù tiêu thụ nhiều bơ đậu phụng như thế nhưng Huê Kỳ vẫn đứng sau Hoa Lục và Ấn Độ trong việc trồng tỉa và thu hoạch đậu phụng.


Peanut Butter Test – The Easiest Way To Detect Early Alzheimer’s, covid 19


Trở lại với câu chuyện dùng bơ đậu phụng để nhận diện người nhiễm Covid-19. Bị nhiễm trùng, người bệnh mất khả năng ngửi (khứu giác) trong một thời gian khá lâu. Áp dụng “triệu chứng” đặc biệt này vào việc tìm kiếm / nhân diện người bệnh, Tiến Sĩ Dana Small, làm việc tại Đại Học Yale, đã dùng bơ đậu phụng để người [được] thí nghiệm ngửi. Người không ngửi được mùi bơ đậu phụng quen thuộc là người bị nhiễm trùng Covid-19, chứng thực bằng các loại test khác. Tạm hiểu, việc dùng bơ đậu phụng để thử khứu giác đã cho kết quả khá chính xác.

Bơ đậu phụng phổ thông như thế, lại đa dụng đa hiệu (?) nhưng người nghĩ ra cách áp dụng một thực phẩm quen thuộc vào việc tìm kiếm bệnh tật thì bộ óc kia quả là vượt bực, phải không bạn? Trong tương lai, bơ đậu phụng hẳn sẽ là “chuyện dài” được tiếp nối?!

lltran

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Cà Kê Dê Ngỗng Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân