TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - HƯƠNG GIỮA TRẦN GIAN (Thu Trang)
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

HƯƠNG GIỮA TRẦN GIAN (Thu Trang)

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
LE-HOA
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 02 Feb 2009
Số bài: 1015

Bài gửiGửi: Wed Nov 17, 2021 10:49 am    Tiêu đề: HƯƠNG GIỮA TRẦN GIAN (Thu Trang)





HƯƠNG GIỮA TRẦN GIAN


Trên con đường chính của một thành phố nhỏ thuộc một tiểu bang nơi xứ người, nơi tập trung nhiều người Việt Nam sinh sống, nơi có không ít cửa hàng của người Việt tỵ nạn với những bảng hiệu tiếng Việt đường hoàng treo phía trên cao cửa hàng, cộng thêm âm thanh các loại nhạc Việt Nam được phát lớn vang vang trên đường phố hòa lẫn những tiếng cười tiếng nói tạo nên những âm thanh rộn ràng không khác gì trên những con đường xưa nơi thành phố quê nhà chị.

Chị Hạnh, một người đàn bà khá cao tuổi, lưng hơi khòm vì tuổi đời chồng chất, vì cuộc sống nhọc nhằn vất vả đã trải qua nơi quê hương, đối với chị giờ đây tuổi đời đã trên sáu mươi, dường như rất xa xôi... Với bước chân khoan thai chậm rãi, chị không vội vã vì chẳng có gì để hấp tấp, vì không có ai đợi chờ ở nhà để chia xẻ, lo toan... Chị như lạc lõng giữa dòng người phần nhiều người Á châu, người cùng xứ sở chị, chỉ một số ít dân bản xứ sinh sống nơi đây. Ngày nào chị cũng ra phố mua vài thứ vật dụng và dạo đây đó cho khuây khỏa nỗi cô đơn. Thỉnh thoảng gặp vài người đàn bà quen biết người đồng hương, chị rất vui tay bắt mặt mừng chuyện trò rôm rả. Tuy chẳng phải là bạn bè thân thiết gì, chỉ là những người cùng sở thích tụ họp “gầy sòng” những ngày cuối tuần. Những người đàn bà dù tuổi đã cao nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, sáng suốt hơn chị trong những cuộc sát phạt. Tuy chị nhiều lần bị thua thiệt nhưng đây là niềm vui của chị trong tuổi già rảnh rỗi nơi đất khách quê người. Trong những lúc chuyện trò không ít người còn khoe con cái làm ăn phát đạt, khoe các cháu nội ngoại học hành giỏi giắn lại còn rất ngoan hiền... Nhất là những ngày “Lễ Mẹ” họ vô cùng hạnh phúc với những cuộc thăm viếng, hãnh diện với bao nhiêu quà tặng, khiến chị càng thêm cám cảnh cô đơn, lòng càng thêm buồn tủi! Thỉnh thoảng một đôi lần trong tháng chị cũng đi dự các buổi họp “Hội cao niên trong vùng” để chia xẻ cùng nhau nỗi lòng của người già nơi tha hương, và cũng chỉ để nói những câu chuyện đời thường quanh quẩn miền đất khách, nhưng ai đâu có cùng cảnh ngộ, cùng nỗi niềm để chị “tâm sự mặn mà với ai!” Rồi về sau hội cũng dần tan rã, một số bị lâm bệnh ngặt nghèo phải vào bệnh viện, và nhiều người đã ra đi...

Vài năm trước, khi một mình chị còn ở lại quê nhà (tất cả các em chị đều đã ra nước ngoài sinh sống), một người em trai đã định cư xứ sở nầy làm ăn khá giả, có lòng yêu mến, lo chị một thân một mình ở lại trong một xã hội càng ngày càng phức tạp bất an, đã bảo lãnh chị qua đây để các em lo cho chị những ngày tháng cuối đời... Cuộc sống chị được thoải mái hơn rất nhiều, được Chính Phủ sở tại trợ cấp tiền sinh hoạt hàng tháng, lại xin được nhà ở, còn có vài ba em của chị nơi nầy quan tâm lo lắng, nên về vật chất chị không thiếu thứ gì. Nhưng càng về già, chị càng cảm thấy cô đơn, mỗi ngày nhìn quanh chỉ một thân một mình trong căn nhà vắng vẻ quạnh hiu.

Những đêm buồn chưa an giấc ngủ, chị thường hoài niệm về dĩ vãng xa xôi, ký ức về lại những ngày xưa nơi quê nhà…

***

Ngược dòng thời gian khoảng hơn nửa thế kỷ trước, nơi miền quê hương cát trắng, ông Bình, ba chị sau khi đậu bằng Diplôme (chương trình Pháp, rất hiếm người có trình độ nầy thời bấy giờ), và sau khi mãn khóa ngành thư ký kế toán chính ngạch, được bổ ra làm việc nơi một thị trấn nhỏ ở miền Trung. Ông vừa kết hôn với một phụ nữ chơn chất dịu hiền, gia đình danh giá ở tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai) sông nước ngọt ngào. Ông bà Bình vui hưởng cuộc sống bình dị và hạnh phúc trong mái ấm gia đình nhỏ bé êm đềm.

Một ngày ông Bình gặp lại người bạn cố tri, ông Tiến, người bạn đồng hương cũ rất thân thiết và cùng học với nhau ở Collège QN, ông Tiến nay đã có chức vị cao hơn và cũng vừa mới kết hôn. Trong lúc trà dư tửu hậu trò chuyện thân tình vui vẻ, hai người bạn chí thân đã có lời hẹn đính ước giữa hai gia đình: nếu như sau nầy hai người vợ một người sinh trai, một sinh gái, họ sẽ cho hai người con kết hôn khi đã trưởng thành, để tình bạn thâm giao thâm giao càng thêm khắng khít... Thời gian sau bà Tiến cho ra đời một cậu con trai, và bà Bình sinh chị ra đời. Ông Bình đặt tên chị mang ý nghĩa “Hương sắc đẹp dịu dàng” (tạm gọi là chị Hạnh), hy vọng cuộc đời chị như một làn hương thơm mãi trong một cuộc sống êm đẹp… Từ đó trong lòng hai người bạn thân lúc nào cũng đinh ninh họ sẽ kết thành thông gia cho tình thân càng thêm thân.

Cậu trai con ông Tiến tên Trường, lớn lên học hành xuất sắc, được ông cho đi du học ở Pháp nhiều năm. Còn chị học ở một trường Nữ Trung Học nổi tiếng ở Sài Gòn, dù gia cảnh không được sung túc nhưng chị luôn quyết tâm học hành chăm chỉ, hy vọng một tương lai sáng sủa, sẽ được công thành danh toại cho cha mẹ được vui lòng.

***

Mười mấy năm sau hai người bạn thân gặp lại nhau nơi thủ đô Sài Gòn, tay bắt mặt mừng, cùng nhau ôn lại bao nhiêu chuyện quá khứ. Tuy họ không nhắc nhở đến lời giao ước năm xưa nhưng trong lòng vẫn mặc nhiên chờ đợi cuộc hôn nhân sớm thành tựu như lòng họ vẫn mong chờ.

Sau khi về nước, Trường được bổ nhiệm làm giáo sư Pháp văn trường PK, một trường trung học công lập nổi tiếng ở Thủ đô miền Nam. Ba mẹ chị trong lúc vui miệng thường kể cho các con nghe lời giao ước khi xưa với gia đình ông Tiến. Nhưng người tính không bằng trời tính! Một ngày ông Tiến kể chuyện về cậu Trường con ông, với niềm thất vọng và vô cùng hối tiếc. Ông đã không ngờ cậu Trường trong lúc tuổi trẻ dễ bị cám dỗ trong giây phút nông nổi đã trót dan díu với một người con gái con của chủ nhà trọ nơi chốn thành đô. Khi cô ta mang bầu, ông bà Tiến đành chấp nhận cuộc hôn nhân bất đắc dĩ mà họ không bao giờ mong muốn. Trong lòng cha mẹ chị chắc vô cùng hụt hẫng, còn chị, không biết chị có buồn cho số phận mình và có oán trách ai không?! Chỉ thấy chị vẫn âm thầm lặng lẽ... Nghĩ cho cùng, dù sao hai người chưa một lần gặp gỡ, chưa chuyện trò tâm sự một câu, nên có lẽ chưa nảy sinh tình cảm gì sâu đậm đến nỗi phải tiếc nuối đau thương...!

Thuở ấy khi còn là một nữ sinh ngây thơ, ngoài việc mỗi ngày cắp sách đến trường, chị đã vô cùng vất vả giúp đỡ mẹ chị trong việc nhà, việc bếp núc, và chăm sóc đàn em nhỏ dại... Tuy nhiên chị không ngừng miệt mài chăm chỉ học hành nơi ngôi trường Nữ Trung Học nổi tiếng ở thành đô. Trong thời còn Pháp bảo hộ ở miền Nam, dù học chương trình Pháp, chị vẫn luôn được xếp vào hạng khá, và là một nữ sinh gương mẫu ngoan hiền. Sau khi đậu bằng Brevet (Trung Học Đệ Nhất Cấp), chị được học tiếp lớp Second (đệ Tam, thời đó phải qua một kỳ thi). Lòng chị thêm niềm hy vọng đi xa hơn trên đường học vấn. Nhưng về sau vì gặp cảnh gia biến khiến gia đình chị bị khổ nạn gần hai năm trời. Ba chị bị thuyên chuyển ra làm việc ở một tỉnh nhỏ miền Trung. Chị phải bỏ học trước sự luyến tiếc của các thầy cô và bạn bè, để theo gia đình giúp cha mẹ lo cho các em còn thơ dại.

Thời gian trôi qua gần ba, bốn năm trời, chị đã trải qua cuộc sống đơn điệu của người thư ký nơi tòa hành chánh ở một thị trấn nhỏ, chỉ có một con đường chính “đi mươi bước đã về chốn cũ“. Đời sống công chức sáng chiều đi về trong cuộc sống giản dị, đơn điệu nhưng ấm cúng với cha mẹ và các em. Chị không se sua chưng diện, không có cuộc vui nào khiến chị đam mê theo đuổi. Bên chị chỉ có vài người bạn thân cùng phòng làm việc, vui buồn với cuộc sống thầm lặng êm ả nơi tỉnh nhỏ.

***

Một người anh họ cám cảnh cô đơn của chị trong thời còn xuân trẻ, đã giới thiệu cho chị người bạn rất thân của mình: anh Quang.

Anh Quang và chị chỉ viết thư cho nhau, thỉnh thoảng vài lần gặp mặt chuyện trò đôi câu, chưa thổ lộ tâm tình gì sâu đậm. Nhưng trong lòng chị như có làn gió xuân ngọt ngào thổi qua làm mát dịu trong những ngày tháng tuổi vẫn thanh xuân... Hai người thư từ qua lại một thời gian nhưng chưa đủ dài để tình cảm thấm sâu vào trái tim trong trắng ngây thơ của chị. Có lẽ họ chưa được “ý hợp tâm đầu”, và có lẽ một nguyên cớ nào đó đã làm cho lòng anh thay đổi, nên thư anh Quang ngày càng thưa dần, để cho chị chút mộng mơ hão huyền. Không bao lâu sau chị nghe tin anh Quang đã kết hôn với một cô giáo tiểu học mới ra trường còn trẻ tuổi, nhan sắc mặn mà. Mối tình của chị Hạnh với anh Quang có lẽ chưa có ấn tượng gì sâu sắc nhưng một phần nào cũng đã khắc ghi trong lòng chị, thời gian qua cũng nguôi vào quên lãng...

Tuổi xuân của chị bao năm tháng cứ dần trôi theo dòng đời. Chị vẫn âm thầm trong cuộc sống nơi tỉnh lỵ nhỏ bé nầy.

***

Thuở ấy khi các cuộc giao tranh Quốc Cộng giữa hai miền Nam Bắc đang tiếp diễn, đất nước chia hai (lấy sông Bến Hải làm ranh giới ngăn chia đôi miền). Miền Nam được phân thành 4 vùng chiến thuật, làm địa bàn hành quân của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Các tỉnh trưởng và quận trưởng dân sự trên toàn lãnh thổ miền Nam được thay thế bỡi các quân nhân cấp tá được điều động về tỉnh nhậm chức tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng, và cấp đại úy nhậm chức Quận trưởng để lo việc hành chính và an ninh ở các tỉnh các quận trên toàn quốc. Do đó có nhiều vị sĩ quan thường xuyên lui tới tòa Hành Chánh tỉnh để báo cáo các tình hình và nhận chỉ thị hành quân nơi vị tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng ( Lúc ấy chị làm thư ký phụ tá đặc biệt cho vị tỉnh trưởng).

Anh trung úy Tôn là một trong số sĩ quan ấy thường xuyên đến phòng làm việc của chị Hạnh và quen biết với chị. Ban đầu chỉ là những lời thăm hỏi xã giao, lâu dần anh nảy sinh tình cảm với người thiếu nữ hiền lành thùy mị, đặc biệt với đôi mắt trong sáng trên gương mặt vô tư hiền dịu như tâm hồn chị. Anh tìm dịp thường xuyên gặp gỡ chị, đôi khi còn đến nhà chuyện trò rất lâu (những khi cha mẹ chị vắng nhà). Anh thường nhìn sâu vào đôi mắt chị, thì thầm: “Mắt em đẹp như những vì sao trên trời!” Anh Tôn là người quê ở tỉnh nầy, gia đình không mấy khá giả, cuộc sống đạm bạc có lẽ chỉ nhờ vào đồng lương của anh mà thôi. Anh thường đi chiếc xe đạp “cà tàng”, thiếu nhiều bộ phận: không thắng, không chuông, không đèn, thiếu cả vè xe chắn bùn..., chỉ là chiếc sườn xe với hai bánh xe đủ để đi khắp nơi trong thị xã. Ngoại hình anh cũng khá tầm thường nhưng con người có vẻ hiền lành chân thật. Chị không chê anh điều gì, miễn có lòng thương yêu chân thật là chị chấp nhận. Đó là khoảng thời gian rất đẹp và hạnh phúc của chị. Dù cha mẹ chị không vừa ý lắm với mẫu người anh và gia đình anh, nhưng chị và cả các em chị đều mặc nhiên xem anh như là người sẽ đi đến hôn nhân với chị một ngày không xa...

Nhưng trên đời nầy, ai học được chữ ngờ! Một ngày nọ nơi góc phố trên con đường chính trong thị xã bỗng xuất hiện một nhà thuốc tây khá lớn, trang hoàng khá lộng lẫy, cửa hàng trông bề thế khiến mọi người rất quan tâm. Ngồi nơi quầy thâu ngân là một cô gái tên Linh hơi lớn tuổi, nhan sắc rất tầm thường, nét mặt lạnh nhạt vô cảm... Người ta nói người chủ nhà thuốc tây nầy có họ hàng rất gần với một vị bộ trưởng thời bấy giờ. Một thời gian không lâu sau lại nghe nói gia đình cô Linh đã hứa hẹn nếu anh Tôn chịu kết hôn với cô ấy thì sẽ được thăng ngay lên đại úy và còn được chức quận trưởng một quận lỵ dù nhỏ bé nơi đèo heo hút gió nào đó! Con người anh Tôn không hẳn là loại “tham phú phụ bần”, có lẽ đó là do ý muốn của cha mẹ anh. Hơn nữa địa vị và danh vọng chắc hẳn cũng đã làm mờ hết lương tri khiến anh chóng quên đi một tình yêu chân thành với chị Hạnh. Do đó anh cố tình lánh mặt người yêu đã từng thề nguyền một mối tình chung thủy, khiến tình cảm hai người ngày càng phai nhạt cho đến ngày anh lập gia đình với cô Linh, và cuộc đời binh nghiệp được thăng hoa như tham vọng của anh và gia đình anh!

Chị Hạnh vẫn ngày ngày đi làm với cõi lòng chán chường khinh bạc, lòng chị như đã chết trong nỗi bi hận khôn cùng. Từ đó chị xa lánh đám ong bướm dù có nhởn nhơ quanh mình, nỗi hận luôn sâu sắc trong tim chị. Về sau dù không ít những người có địa vị cao sang, cấp bậc có to lớn đến đâu, chị cũng không một lần màng đến. Trái lại mối hận tình năm xưa vẫn giữ mãi trong lòng. Rồi ngày tháng qua mối tình cũ cũng dần phai đi như cơn gió thoảng đêm hè...

Về sau chị chỉ chú tâm phấn đấu học hỏi để có cơ hội mở rộng con đường sự nghiệp của mình.

Khoảng vài năm sau, khi được thuyên chuyển vào chốn thành đô, chị được vào làm việc ở Tòa Đô Chánh Sàigòn. Chị luôn trau giồi học hỏi, rồi chị tham dự khóa học hàm thụ sáu tháng do trường Quốc Gia Hành Chánh tổ chức cho những công chức chính ngạch thâm niên và có khả năng. Sau khóa học, chị được cải ngạch Tham sự và về sau đảm nhận chức vụ Quản lý kho Vật Liệu Đô thành.

Chị vừa làm việc vừa chăm lo cho gia đình nhất là cha mẹ trong tuổi già yếu. Chị không quản ngại khổ nhọc mỗi ngày làm vệ sinh cho mẹ trong lúc cơn bệnh ung thư hành hạ thân xác người mẹ hiền trong tình trạng ngặt nghèo, phải nằm luôn một chỗ cho đến ngày người nhắm mắt xuôi tay trong nỗi vật vã đớn đau khôn cùng...

Thời gian qua mau, các em đã trưởng thành, một số lập gia đình và một số đã có địa vị khá cao trong xã hội. Phần chị tuổi xuân trôi qua, mộng đời không còn tha thiết gì nữa, vết thương lòng dần dà phai đi nhưng vẫn còn dấu ấn trong lòng qua đôi mắt luôn đượm nỗi u buồn sâu lắng mãi trong lòng chị...

***

Cuộc chiến càng ngày càng sôi động và đi đến cảnh nước mất nhà tan khi quân đội đồng minh rút hết về nước bỏ rơi chính quyền miền Nam khiến quân dân miền Nam điêu đứng vì thiếu nguồn tài trợ về tài chánh và súng ống đạn dược, khiến những lực lượng quân đội hùng mạnh ngày nào phải dần rút quân từ vùng bốn chiến thuật về các vùng chiến thuật miền Nam. Bao nhiêu quân nhân bị tử vong, dân chúng hoảng loạn hối hả di tản về Nam, nhất là số đông công chức ở miền Trung đều dồn về thủ đô Sài gòn. Chỉ một thời gian ngắn ngủi sau, xe tăng và bộ đội miền Bắc tiến vào đường Thống nhất Thủ đô, ủi sập cổng dinh Độc Lập, tiếp thu chính quyền Sài Gòn, bức tử một chế độ Việt Nam Cộng Hòa tự do dân chủ ở miền Nam. Hàng mấy trăm ngàn quân nhân công chức miền Nam đến giờ phút tuyệt vọng đã cởi áo lính, buông súng trận và khoắc khoải chờ đợi một số phận đen tối sẽ ập đến trong đời. Đời đã đổi thay, hầu hết các quân nhân và một phần công chức cấp cao chế độ cũ bị tập trung đi “cải tạo” trong các vùng rừng núi xa xôi, khí hậu khắc nghiệt, lao động gian khổ, chịu đựng đói rét qua bao năm tháng đằng đẵng không biết ngày về. Bao người dân còn bị đày lên các vùng Kinh tế mới sống cuộc đời gian khổ không ngày mai... Và còn một số không ít người vơ vét hết vốn liếng cho những cuộc vượt biển đầy dẫy hiểm nguy, một số người còn chịu nhiều tủi cực với những đám hải tặc tham lam tàn ác, trên đường hải hành đầy sóng gió…

Chị Hạnh cũng rất lo lắng cho mấy người em trai đi “học tập cải tạo” biền biệt sơn khê không biết ngày nào về, để lại vợ con nheo nhóc đói khổ, và những người em lo bươn chải kiếm sống trong một xã hội mới đầy bất an, nghèo khổ cùng cực. Phần chị, không những lo thân mình, chị còn trách nhiệm với cha già và vài em còn thơ dại...

Chị Hạnh một thân một mình với tinh thần trách nhiệm cao, ngày ngày vẫn đến nơi làm việc, để sau cùng bàn giao những gì còn lại nơi sở Vật Liệu mà chị đã quản lý cho người thắng trận từ miền Bắc vào tiếp quản. Những kẻ vào tiếp thu một cơ quan bao gồm nhiều của cải đáng giá, vô số vật liệu từ thượng vàng hạ cám của một thành đô rộng lớn, với trình độ thấp kém họ còn lạ lẫm bỡ ngỡ với bao công việc phức tạp nhiêu khê, nên phải lưu dụng chị để giúp đỡ trong công việc quản lý. Tuy không còn giữ chức vị cao nơi sở Vật Liệu, về sau sát nhập vào Công xưởng, nhưng chị vẫn là người điều hành mọi việc trôi chảy được những người cộng sự cũ mến phục và lãnh đạo mới cũng tin dùng trước đức tính chăm chỉ và có tinh thần trách nhiệm của chị trong công việc. Mỗi ngày chị Hạnh mặc chiếc áo bà ba vải ngoài khoác chiếc áo lao động màu xanh dương, qua chuyến đò Thủ Thiêm từ ngoại ô vào và đáp chiếc xe buýt đến xưởng làm việc tại trung tâm thành phố. Mỗi tháng chị nhận được mức lương công nhân tối thiểu 48 đồng tiền mới và 12 ký gạo tiêu chuẩn. Chị cố gắng hòa nhập vào môi trường mới để sống còn và để lo cho gia đình vượt qua những ngày tháng khốn khổ trong một xã hội tận cùng thiếu thốn và nghèo đói. Các em trai, em rể chị phần nhiều là quân nhân công chức chế độ cũ, một số đã đi “học tập cải tạo” nơi chốn rừng thiêng nước độc, không biết ngày nào về. Gia đình các em tan tác mỗi người mỗi ngã, gia đình nào cũng gặp cảnh khó khăn nên vợ và các con họ ở nhà phải bươn chải hằng ngày để kiếm sống. Còn chị vẫn an phận nơi cơ quan làm việc với đồng lương ít ỏi, chắt mót từng chút để giúp đỡ các cháu có cái ăn cái mặc sống qua ngày... Chị còn phải lo lắng cho người cha già thân yêu ngày càng già yếu, thêm căn bệnh nan y ngặt nghèo càng ngày càng trầm trọng. Ở bệnh viện một thời gian ngắn, bác sĩ cũng đành bó tay, phải cho về nhà. Người càng bị cơn bệnh hành hạ, sức khỏe hao mòn dần, không tìm được thuốc chữa trị, và người đã ra đi vào một ngày mùa đông buốt giá. Vì là nhân viên trong Công xưởng nên chị được cấp chiếc áo quan bằng ván gỗ thô sơ để tẩm liệm người cha quá cố có được một chỗ nằm yên giấc ngàn thu. Chị đợi các em từ các tỉnh miền Tây về cùng đi mai táng cha ở một vùng ngoại ô thành phố. Sau khi lo chôn cất cha xong, chị không còn đủ tiền để làm tấm bia đá trước mộ phần cho nghiêm chỉnh nên tạm thời gắn tấm bản gỗ nhỏ sơ sài để cho mưa gió dập vùi như nấm mồ hoang lạnh...

Vào những đêm khuya thao thức, chị chạnh nghĩ lại cuộc đời mình đã trải qua bao ngày tháng đớn đau đầy khổ lụy. Vài mối tình thời tuổi trẻ đi qua chất chứa niềm đau khổ đắng cay khiến chị mất hết lòng tin về những người mà chị đã gởi cả tấm lòng, niềm dấu yêu đầu đời... Nỗi lòng nầy biết tỏ cùng ai?! Giờ đây tuổi thanh xuân sắp tàn tạ, lòng còn đau đớn nghĩ đến người cha vừa ra đi trong cảnh gia đình muôn ngàn đói khổ. Các em chị người nào cũng phải cực nhọc chạy lo từng miếng ăn, lòng chị càng cảm thấy tràn ngập nỗi cô đơn vô vọng, biết tìm đâu nơi nương tựa?!

***

Sau ngày Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, nhiều làn sóng người, đầu tiên là các cán bộ cao cấp trong chính quyền, đám bộ đội Bắc Việt, đến các dân sự từ Bắc lũ lượt vào các thành phố trong miền Nam, nhất là “Sài gòn hoa lệ” một thời. Họ đi bằng xe Motolova (của Liên sô), hay trên những chiếc xe khách cũ kỹ, hoặc trên những chuyến tàu hỏa khói phun mù mịt, trong những toa tàu chật hẹp, tối tăm, bẩn thỉu... Dân miền Nam thấy xa lạ với những người miền Bắc đầu đội nón cối, chân mang dép Bình trị thiên, áo quần xốc xếch bằng vải thô sẫm màu, tiếng nói lạ lẫm với âm thanh chói tai vang vọng khắp hang cùng ngõ hẻm... Họ đã tìm thu mua với giá rẻ mạt, vơ vét những máy móc hiện đại ở miền Nam như TV, radio, tủ lạnh, xe gắn máy, quạt máy... cùng với bao nhiêu vật dụng tối tân ở miền Nam để đem về Bắc hưởng thụ những vật chất thừa thải của miền Nam một thuở phồn thịnh...

Ông Vịnh, một người trí thức miền Nam đi tập kết ra Bắc từ năm 1954 (sau Hiệp định Genève) vì lầm tưởng một chế độ siêu việt của người Cộng Sản. Họ đã tuyên truyền là đi chống quân “xâm lược” để đưa nước nhà đến chỗ “Thống nhất, ấm no, hạnh phúc”, sẽ san bằng mọi bất công để nâng đỡ các tầng lớp dân chúng nghèo khổ, không còn cảnh “người giàu sang bóc lột kẻ nghèo khó”...

Nhiều người miền Nam như ông đã mù quáng bị lợi dụng mấy mươi năm trời, hy sinh một đời trai trẻ để phục vụ một tập đoàn Cộng Sản. tay sai của ngoại bang Trung Cộng, Liên Sô. Ông Vịnh đã vào bộ đội, băng mình vào những chốn núi rừng hiểm trở, để chiến đấu dưới những lằn bom đạn, để thực hiện giấc mơ hão huyền...

Một ngày ông bỗng bừng tỉnh cơn mê muội, không còn tin vào những luận điệu khoác lác của một tập đoàn cuồng say chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng nhìn lại hơn nửa đời người lầm lỡ, gia đình đổ vỡ, người vợ miền Bắc đã bỏ ông để tìm một nơi nương tựa vững chắc khác. Ông nhận biết đã đi con đường sai lầm để cuộc đời qua bị uổng phí thật nhiều trong một chế độ vô nhân tính!

Sau tháng tư năm 75, ông Vịnh cùng một số người miền Nam đã tấp kết ra Bắc, khi ấy âm thầm trở về quê cũ ở một tỉnh miền Tây Nam phần. Ông đã quyết tâm vượt Trường sơn bằng đôi chân còn tương đối vững vàng dẻo dai, bằng ý chí nhẫn nại vô bờ, đã băng rừng vượt suối để về tìm về chốn quê nhà xưa. Sau hơn một tháng trời dầm mưa dải nắng trên đường Trường sơn ông được đặt chân đến Sài Gòn, chốn phồn hoa đô hội một thời, tuy giờ đây đã suy sụp không còn những cảnh tượng sang trọng tráng lệ xưa, nhưng đối với ông là một nơi thiên đàng ước mơ để ông sống nốt cuộc đời còn lại. Ông chịu an phận với chức vụ nhỏ bé: Trưởng phòng vật tư thành phố, một chức vụ tầm thường so với đám cán bộ miền Bắc vào chiếm hết những địa vị cao trong nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa, hưởng thụ một cuộc sống xa xỉ trong khi đám dân nghèo càng ngày càng đói rách! Hằng ngày ông lo làm tròn nhiệm vụ mình, ông không hề tham lam vơ vét của công như bao nhiêu cán bộ Cộng Sản đã làm. Ông được nương náu tạm trong một căn phố nhỏ ở Chợ lớn. Một căn nhà đơn sơ gồm một góc bếp hẹp, một phòng khách vừa là phòng ngủ chỉ vừa chỗ cho chiếc giường, chiếc tủ để quần áo, bộ bàn ghế sơ sài, không có gì đáng giá...

Phòng Vật Tư vẫn làm việc chung với Công xưởng thành phố nên ông Vịnh thường xuyên đến nơi nầy trao đổi công việc. Do có sự liên lạc thường xuyên nhiều lần tiếp xúc làm việc với chị Hạnh, người con gái mặc dù đã quá tuổi xuân xanh nhưng hiền lành giản dị với tấm lòng chân thật, luôn chăm chỉ làm tròn bổn phận của mình. Ông cảm thấy lòng đầy thiện cảm và dần đi đến một tình thương yêu muộn màng. Nhưng cũng còn gặp phải bao trắc trở, dù sao hai người cũng đã sống dưới hai chế độ khác nhau, nếu không nói là ở hai chiến tuyến. Giờ đây hoàn cảnh và cuộc sống đã kéo hai người lại gần nhau, cùng đi chung một con đường, cùng gặp nhau với một tâm hồn lương thiện, một đức tính cần cù nhẫn nại, nên đã cảm thông nhau.

Từ cảm mến đến tình thương yêu chợt đến trong trái tim hầu già cỗi hơn nửa đời người của ông đang mang niềm đau hận một chế độ đã làm ông mất hết niềm tin. Ông chờ đợi một thời cơ thích hợp, và một ngày ông đã lấy hết lòng thành khẩn tỏ lòng yêu thương xin chị về cùng ông để xây dựng một gia đình tuy nhỏ bé nhưng ấm áp trong mối tình chân thật để đi đến cuối cuộc đời còn lại. Chị Hạnh cũng thấy lòng mình từ lâu đã khép kín, nay như cơ hội mở ra tiếp đón mối chân tình của ông, để cùng ông xây dựng một mái ấm gia đình dù đơn sơ nhưng cũng an ủi được trái tim đầy thương tích của chị. Nhưng lòng chị vẫn còn nhiều phân vân lo ngại bởi vì dù sao hai người cũng đã không cùng một chiến tuyến, lại e ngại dư luận, nhất là đối với vài em chị vẫn còn phản cảm với số người từ bên kia vĩ tuyến vào nơi nầy. Chị cũng có phần do dự, dù giờ đây tư tưởng ông có thay đổi nhưng biết ngày sau hai người có thể đi một con đường đến cuối đời!?

Giữa lúc ấy một sự việc xảy đến khiến chị không bao giờ ngờ. Một ngày kia các đồng sự trong Công xưởng xôn xao bàn tán khi có một người đàn ông hơi luống tuổi nhưng còn chút phong độ (trong một Xã Hội Chủ Nghĩa nghèo đói đã khiến mọi người đều trở nên tàn tạ xác xơ), đến Công xưởng xin gặp chị. Chị hơi băn khoăn không biết giờ phút nầy ai đến tìm chị để làm gì?!

Bước vào phòng khách đợi, chị dõi mắt tìm nhưng không nhận ra người muốn tìm gặp chị. Một người đàn ông với mái tóc hoa râm, dáng hơi gầy, nét mặt khắc khổ phong sương nhưng vẫn còn chút phong cách khác với những người chung quanh, đứng dậy chào chị và ngập ngừng hỏi “Xin lỗi, cô có phải là cô Hạnh, con của bác Bình không?” Thấy chị dường như chưa biết người đối diện là ai nên ông tự giới thiệu “Tôi là Trường, con của ông Tiến là bạn thân của bác Bình ngày xưa”. Chị cảm thấy sững sờ tự hỏi người trước mặt chị có phải là “cố nhân” không?! Nhưng chị cũng lịch sự cúi chào và hỏi thăm gia đình anh, nhất là hai bác Tiến bây giờ ra sao. Anh buồn bã cho biết mẹ anh đã qua đời và ba anh cũng đã già yếu bệnh hoạn, không biết sẽ ra đi ngày nào. Sau vài phút ngập ngừng anh ái ngại mở lời nói về mục đích muốn gặp chị “Tôi tới đây trước để thăm em và gia đình, sau cũng muốn nhờ em giúp cho con trai tôi được một chỗ học nghề trong Công xưởng, để khỏi phải đi quân dịch và để có một nghề mưu sinh sau nầy”. Sau giây phút bàng hoàng vì không hẹn mà gặp người mà cha mẹ đã hứa hôn cho chị ngày xưa nhưng duyên phận đã đành lỡ dở... Bây giờ ngỡ ngàng nhìn người đàn ông trước mặt, người mà ngày trước hãnh diện biết bao, cao ngạo biết bao, bây giờ lại ra nông nỗi nầy! Chị chạnh nghĩ có lẽ trong bước đường cùng gặp phải hoàn cảnh khó khăn giữa lúc đổi đời, anh mới chợt nhớ đến chị như chiếc phao cứu giúp đứa con đã mất hết tương lai của anh, lòng không khỏi có chút xót thương... Chị hứa sẽ cố gắng giúp đỡ nhưng không dám chắc vì chị biết trong Công xưởng không còn chỗ nữa, và sau đó thời gian qua không thấy anh trở lại... Chị ngậm ngùi nghĩ có lẽ đây là lần gặp thứ nhất của hai người không duyên nợ, cũng là lần cuối cùng trong đời! Thôi cũng đành một duyên kiếp trôi qua bẽ bàng... Cuộc đời đã ngăn cách đôi ngã mỗi người một hướng đi... có lẽ chỉ mong chờ ở kiếp sau!

***

Ông Vịnh vẫn hằng ngày gặp chị do công việc của sở Vật Liệu và càng ngày tình cảm càng thêm gắn bó sâu đậm. Ông đã tha thiết cầu xin chị ưng thuận để cùng sống trong khoảng đời còn lại... Trước tấm chân tình của ông Vịnh, một ngày kia chị đành rời khỏi ngôi nhà mà chị đã góp công góp của, cùng vài người em, ngày trước thuộc tầng lớp trung lưu khá giả, đã lo cho cha mẹ có mái ấm nương thân trong lúc tuổi già. Chị chỉ đem theo một xách hành lý và vài món đồ lặt vặt cần thiết của riêng chị, đến ở nhà ông Vịnh trong căn phố nhỏ trong Chợ Lớn, chỉ mong được chút hạnh phúc trong những ngày cuối đời.

Ông Vịnh sống cuộc đời đạm bạc, chỉ có chiếc xe gắn máy cũ làm phương tiện đến sở. Thỉnh thoảng ông chở chị về quê ở LX thăm người thân trong gia đình, và khi về lại còn không quên đèo thêm những thực phẩm, trái cây ở vùng quê đem về Sài Gòn. trong thời buổi gạo châu củi quế, ngăn sông cách chợ... Chị thấy an lòng với cuộc sống nầy và với hạnh phúc đơn sơ trong cuộc đời còn lại.

Các em trai chị sau gần 10 năm “cải tạo”, cuối cùng cũng trở về với tấm thân tàn ma dại, lại phải bon chen với cuộc sống khó khăn mà tương lai vô cùng mờ mịt đen tối... Ông Vịnh làm việc tại phòng Vật Tư thành phố, tuy với một chức vụ không mấy quan trọng, nhưng cũng đã góp phần trợ giúp vài vật liệu cần thiết để vài em chị thuận lợi chuẩn bị những chuyến vượt biển tìm tự do (mà ông luôn khuyến khích mọi người trong gia đình chị).

Cuộc vượt biển của các em nhỏ của chị thành công, sau được nhập cư vào một thành phố thuộc một Tiểu bang phồn thịnh nơi xứ người, và việc làm ăn các em càng ngày càng phát đạt... Gia đình các em gái khác của chị cũng đã lần lượt đi đoàn tụ gia đình hoặc đi diện HO, ở các nước bên trời Âu Mỹ.

Thời gian đó, chị chỉ được hưởng cuộc sống tuy đạm bạc trong một xã hội nghèo khó nhưng hạnh phúc trong một khoảng thời gian chưa đủ dài lâu trong cuộc đời...

Vài năm sau ông Vịnh mắc chứng bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, hậu quả những năm dài gian khổ lặn lội trong rừng núi Bắc Việt, bị sốt rét triền miên, biến chứng thành căn bệnh xơ gan, càng ngày càng trầm trọng. Bao nhiêu tiền bạc chị dốc hết chữa trị cho ông nhưng duyên số họ chỉ đến chừng ấy. Ông Vịnh đã ra đi những cuối ngày hạnh phúc. Dẫu đớn đau vì cơn bệnh ngặt nghèo, hẳn là ông đã tìm được chốn an bình vĩnh cửu bên kia thế giới.

Chị Hạnh lại trở về với cuộc sống thầm lặng cô đơn với số lương hưu ít ỏi, phần nhiều nhờ vào tiền trợ cấp của vài em ở nước ngoài gửi về.

***

Giờ đây dù được bình an nơi xứ người bên cạnh các em thân yêu, vật chất dư thừa, đầy đủ phương tiện trong cuộc sống nơi xứ người càng ngày càng văn minh văn minh tiến bộ..., nhưng chị Hạnh không để hết lòng vui sống và hưởng thụ! Những ngày cuối đời nỗi lòng càng tê tái sầu muộn... Trong lúc tuổi già với bao cơn bệnh hành hạ không có người bạn đời, không có được một đứa con thân yêu bên cạnh, lại càng cảm thấy buồn tủi cô đơn...

Một ngày nào có lẽ không xa, tuổi đời chồng chất, không ai tránh khỏi định mệnh sẽ giành riêng mình, chị sẽ đi đến một nơi rất xa... Những giọt Lệ thương tâm đã rải đầy nơi trần thế, nơi chốn nhân gian đầy khổ lụy, nhưng linh hồn chị sẽ như một làn Hương thơm mãi nơi thế gian sẽ bay về một cõi an bình vĩnh cửu...



Thu Trang
(Đức quốc, Mùa thu 2021)







.
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân