TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Một Thời Xưa Ấy
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Một Thời Xưa Ấy

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Ơn Đức Sinh Thành
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
CHINH NGUYEN
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 23 Aug 2016
Số bài: 352

Bài gửiGửi: Wed Jun 16, 2021 6:00 pm    Tiêu đề: Một Thời Xưa Ấy




HAPPY FATHER'S DAY

Một Thời Xưa Ấy
(Tuỳ Bút , nhân dịp Father's Day 2021)

1- Ngày xưa ấy, chiến tranh Pháp, Việt bùng nổ
Vùng quê tôi bom đạn lửa tơi bời

Năm 1945 Việt-minh khởi động toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Hầu hết các vùng quê chịu 2 ảnh hưởng: một của chính quyền thời Pháp thuộc, một của Cộng-sản Việt-minh vừa nổi lên cướp chính quyền lãnh đạo bởi chính phủ Trần-trọng-Kim của nước Việt Nam độc lập.
Giữa thời buổi vàng thau lẫn lộn đó, dân làng quê phải treo cờ đỏ sao vàng, treo ảnh HCM, hát Tiến-quân-ca, gia nhập các đoàn thể thanh thiếu niên, đóng góp tài sản... Phía Pháp, thỉnh thoảng mở cuộc hành quân càn quét, tảo thanh dân quân Việt-minh, dội bom, nã trái phá. Gia đình tôi phải tản cư nay đây mai đó, thường phải chia thành nhóm nhỏ, kẻ theo cha, người theo mẹ, đứa ở riêng. Hoàn cảnh tang thương của cuộc chiến đã cướp đi của tôi một người anh, mới 16 tuổi. Lúc đó tôi đang tạm trú ở một nơi xa nên không được nhìn mặt anh lần cuối. Còn cha tôi bắt đầu sa sút hẳn về tinh thần cũng như thể xác.

2- Viết về Cha, nguồn thi ca không bao giờ cạn
Bởi tình Cha, như lòng Mẹ, thật bao la
Riêng tôi viết về Cha, không phải bằng nước mắt
Nhưng bằng suy tư về mấy việc lớn Cha làm

Thực vậy, những công việc của cha tôi khởi đầu như việc của một nhà giáo bình thường dưới thời Pháp thuộc. Ngày nay cầm trong tay cuốn L'image de L'Indochine in ấn màu nâu khổ lớn vào khoảng đầu những năm 1900, một trong số mấy trồng sách thuộc giải thưởng Xuất-sắc trường Sư-phạm Hà-nội phát cho cha tôi, tôi được nhìn thấy rất nhiều hình ảnh đẹp về cuộc sống yên bình của 3 miền nước Việt thân yêu cùng 2 xứ Lào và Cambodge hàng thế kỷ trước. Dù hấp thụ nền văn hoá Pháp, cha tôi không ưa gì Thực dân Pháp, trái lại chỉ ngưỡng mộ những nhà chí sĩ như Phan-bội-Châu, Phan-chu-Trinh, Nguyễn-thái-Học...cả Lương-khải-Siêu (tác giả cuốn Trung-Quốc-Hồn mà cha tôi đã dịch và xuất bản vào trước 1945). Cho nên đáng lẽ được ưu tiên dạy học ở ngay Hà-nội, thì chỉ vì ngay thẳng phản đối tên Thanh tra Học chánh Pháp về một vấn đề giáo dục mà cha tôi bị bổ dụng đi dạy học tận vùng thượng du nước độc Nghĩa-lộ (Yên-báy), rồi liên tiếp thuyên chuyển về Ý-Yên(Nam-định)và cuối cùng là Thanh-miện(Hải-dương).
Chính tại vùng quê xa Hà-nội này, người dân trong đó có tôi, bắt đầu trở thành nạn nhân, cũng là chứng nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc giữa Pháp với Việt-minh. Cái đình làng đồ xộ với những cây cột to quá một vòng ôm bị dội bom đổ vỡ thành từng mảnh vụn. Trường tôi 5 gian lớn bằng gạch và cửa kính cũng tan hoang. Học sinh phải học tạm ở mấy địa điểm rải rác xa nhau, thường thường phải chạy gấp xuống hào lộ thiên tránh máy bay đang ào ạt bắn xuống. Ai mang trên mình miếng vải có 2 trong 3 màu cờ tam tài của Pháp hoặc một mảnh gương soi đều bị tra khảo là Việt gian âm mưu chiếu sáng chỉ đường cho máy bay địch. Nhiều lần, nằm tránh bom đạn trên bờ ruộng lúa hay dưới tàng cây, tôi hãi hùng chỉ dám mở 1 con mắt nhìn cảnh một vài con chim sắt lao vùn vụt xuống đất gây nên tiếng nổ như bắp rang hay ầm ầm kinh thiên động địa. Cứ mỗi buổi hoàng hôn, đồn lính Tây ở một đồn bót chỉ cách khoảng 3 cây số lại bắn oàng oàng hàng chục viên đại bác. Ban đêm thường xuất hiện những đoàn dân công gánh những vật tử thần tức những quả mìn lầm lũi đi như bóng ma. Đôi khi nhìn về góc trời phía đông có lẽ từ mạn Hải-phòng, còn thấy những vùng sáng loé lên kèm theo những tiếng nổ rền thật đáng sợ khi tưởng tượng giặc từ chiến hạm ở ngoài khơi đang oanh kích vào vùng ven biển. Dân chúng phải đóng góp tuần lễ vàng bao gồm vàng bạc, đồng sắt, kim loại cho Việt-minh. Theo chương trình tiêu thổ kháng chiến, cầu sắt bị phá xập, đường cái quan bị xẻ rãnh thành những giao thông hào hình chữ chi, nhà dân nào xây cất có lầu cao kiên cố bị đập phá. Đấy là chưa kể đến phong trào đấu tố khủng khiếp sẽ xảy ra vào những năm 1954-55 mà mãi về sau tôi mới được thấy hình ảnh qua phim Chúng Tôi Muốn Sống. Hình ảnh cuộc chiến tàn khốc thời ấy đã gieo vào lòng tôi ấn tượng quá sâu đậm đến nỗi cho mãi tới ngày nay thỉnh thoảng còn hiện lại trong giấc mơ hoảng hốt. Vừa phải chạy giặc Pháp, vừa phải tránh những họat động của Việt-minh, cuối cùng cha tôi phải tập trung mọi người trong gia đình đang ở rải rác nhiều nơi trở lại với nhau để tản cư xa hơn đến mấy làng khác tạm được coi là còn yên ổn hơn thuộc tỉnh Hưng-yên. Hình như danh từ Làng Tề đã được dùng để chỉ vùng này, đúng nghĩa hơn là chỉ nơi chúng tôi đã sống bao nhiêu năm trước thuộc tỉnh Hải-dương.

3- Một lần càn quét, Pháp gom người dân trong xã
Ngồi chung quanh đống lửa giữa sân làng
Quân hung bạo khảo tra mấy người vô tội vạ
Và sẵn sàng thiêu sống để làm gương

Chứng kiến cảnh hiểm nguy có thể xảy ra, với uy tín của một Hiệu-trưởng trường lớn nhất huyện, và với khả năng nói tiếng Pháp, cha tôi gan dạ đứng lên tình nguyện làm kẻ thông ngôn, nhưng chủ ý là dùng lời lẽ để thuyết phục kẻ bạo tàn. Nhờ đó, giặc bỏ đi, dân làng vui mừng thoát nạn. Nhưng còn cha tôi lại đang mang nặng nỗi buồn riêng. Cha đã cứu được dân làng thoát hiểm mà trước đây không cứu nổi chính con mình. Hơn nữa, khoảng tháng sau, cha tôi đã dẫn đầu một nhóm gần hai chục dân sở tại cùng với gia đình tôi bỏ làng quê vùng Tề tìm đường đến một đồn quân Pháp xin giúp đỡ phương tiện hồi cư về thành phố. Đoàn xe cam-nhông được lính Tây bảo vệ, cứ chạy một đoạn đường lại bắn chỉ thiên để thị uy đối với dân quân Việt-minh. Tới tỉnh lỵ Hưng-yên, chúng tôi ở lại chừng 1 tháng để làm thủ tục hồi cư. Cuối cùng mọi người về đến Hà-nội một cách an toàn vào cuối năm 1949.: Đối với mọi người dân thôn quê khốn khổ /Vai trò cha tôi như một ông lão lái con đò./Tính nghiêm nghị nhưng lòng nhân không nhỏ/Thương gia đình và thương cả khách sang sông.
Ngày nay mỗi khi nghĩ lại việc hồi cư về Thành, tôi còn cảm thấy như bị giựt mình vì nếu cha tôi không sáng suốt thực hiện chuyến đi vận mệnh ấy thì tương lai anh em chúng tôi sẽ mù mịt ra sao!

4- Năm 1949: Hà-nội hiện ra trước mắt tôi vô cùng xa lạ với cảnh tượng rất thanh bình. Đi qua cầu Long-biên hùng vĩ bắc qua sông Hồng mênh mông chúng tôi đặt chân xuống nội thành. Phố xá náo nhiệt, sầm uất. Cha tôi được trở lại với nghề dạy học ở một trường Tiểu học lớn đường Hàng-than, nơi tôi cũng được theo học. Gia đình được một vị tôn trưởng trong họ cho tá túc, ở chung tại một ngôi nhà 2 tầng rộng rãi trên khúc đường đẹp nhất của đường Quan-Thánh, dựa lưng vào hồ Trúc bạch. Trước mặt và hai bên là những biệt thư sang trọng 3,4 tầng có Tây đầm mỗi sáng mặc bikini phơi nắng trên sân thượng đẹp như vườn hoa. Tối đến tiếng nhạc xập xình từ 2 vũ trường gần nhà vang lại, đa số khách là người ngoại chủng, kể cả lính Tây. Cuối đường nếu đi thẳng thì tới vườn Bách-thảo, xa hơn nữa là trường Bưởi, nơi cha tôi đã từng học; còn nếu rẽ tay phải thì thấy đền Quan-Thánh và con đường Cổ-ngư nổi tiếng chạy giữa hồ Trúc-bạch và Tây-hồ, nơi anh em tôi thường đến ăn bánh tôm tuyệt vời. Không xa nhà quá vài trăm thước là trường Trung-học Chu-văn-An, nơi tôi được theo học vào ngay năm sau. Cũng cách nhà trong vòng chu vi chưa đầy 1 cây số có thành Hà-nội (thành Thăng-long xưa), công trường Ba-đình, chùa Một-cột và biệt điện Bảo-Đại. Rất dễ dàng đáp xe điện vào trung tâm thành phố thì tới Hồ-Gươm, với Tháp-Rùa và Cầu-Thê-húc. Từng ấy thứ chưa đủ mô tả hết những thắng cảnh khác của đất Ngàn năm văn vật/Cô đô Thăng-long, như văn miếu, nhà hát lớn kiểu Opera Paris, phố Tràng-tiền...Ngày nay,2016, sau hơn nửa thê kỷ, Hà-nội mặc dầu phát triển mạnh về kiến trúc nhưng thực tế đã mất đi tất cả nét thanh lịch độc đáo của nó: Hà nội trước 54 đất ngàn năm văn vật/Ấp ủ trong lòng thành phố cổ Thăng Long/36 phố phường,5 cửa Ô,núi Nùng, sông Nhị/Thành quách xưa Hoàng-Diệu rêu phong/Cầu Long-biên như rồng đen vĩ đại/Giòng sông Hồng nước đỏ mênh mông/Tháp rùa lung linh trên Hồ Gươm huyền thoại/Đường Cổ-ngư thơm ngát gió Tây hồ... (Thơ: Anh sẽ đưa Em về thăm quê hương/HN-HNT, 2012).

5- Tưởng sẽ được tiếp tục cuộc sống yên bình ở Hà nội mãi, bất ngờ Hiệp định Geneve chia đôi đất nước được ký kết vào ngày 20.7.1954. Chỉ trong tháng đầu của chương trình di cư vào Nam, cha tôi đã mau chóng làm xong thủ tục để gia đình đã có mặt trên một trong số mấy chuyến bay đầu tiên vào Nam, thẳng đến Sài-gòn_ Hòn Ngọc Viễn Đông. Thành phố vốn là nhượng địa thuộc Pháp nên to lớn hơn Hà-nội. Sài-gòn có mấy con đường thật rộng và thẳng tắp, có vườn Sở Thú lớn lao,vườn hoa Ô.Thượng với những bụi cây được cắt xén theo dạng hình-học...Tôi đã vét tiền túi, dùng một đồng bạc giấy và xé thêm tờ thứ hai ra làm 2 mảnh rồi giữ lại 1 mảnh, mua ngay một tấm bản đồ để lần mò thực hiện những lần đi khám phá thành phố miền Nam thật xa lạ này ngay trong tuần lễ đầu tiên. Sau thời gian lưu động ở 2 trại tạm cư, cha tôi nghĩ rằng cần phải sớm tự túc ổn định cuộc sống nên đã dùng đồng lương nhà giáo eo hẹp của mình để mua ngay một căn nhà cũ tại khu Bàn-cờ, gần trường Trung-học Pétrus Ký, nơi tá túc của trường Chu-văn-An Hà-nội di chuyển vào Nam. Cũng như Hà-nội, Sai-gòn đã để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm kéo dài suốt từ thời niên thiếu đến trưởng thành. Tâm trí tôi in sâu hình ảnh thân thương của 2 thành phố: Hà-nội của chính phủ Quốc-gia một thời (trước 1954) và Sài-gòn, thủ đô của nước Việt-Nam Cộng-hoà (1954-1975). Sài-gòn đã đang phát triển mọi mặt để vươn lên vai trò Con Rồng Đông Nam Á đồng thời phải mang gánh nặng một cuộc chiến tranh bảo vệ phần đất Miền-Nam Tự-Do.
Cho tới ngày nay, được sống yên bình trên quê hương thứ hai, tôi vẫn không bao giờ quên những ngày xa xưa ấy, trong đó luôn luôn hiện rõ hình ảnh người cha đã luôn luôn đi bên cạnh con, nuôi dưỡng, dìu giắt con suốt cuộc hành trình dài nhất của đời tôi. Cũng nhớ mãi cái ngày xưa xa lắc xa lơ ở vùng quê đất Bắc về một câu chuyện nhỏ nhưng vô cùng quan trọng đối với tôi : Ngày xưa ấy có nhiều lần tôi bệnh nặng/Mẹ nào chẳng thương con, lấy đầy chén cơm ngon/Cha giằng lấy, cứu tôi tròn tánh mạng/Bằng tình thương không mù quáng cho con.
Rồi, thời gian dài sau đó, chính nhờ cha tôi trước kia đã cố gắng chắt chiu từng đồng lương công chức và sáng suốt quyết định cho em tôi đi du học Nhật theo chương trình Du-học tự túc (dành cho HS ưu tú đỗ Tú tài 2 và chính phủ chỉ trợ cấp 40 Đô-la/tháng), để sau 1975 tôi cùng vợ con mới có cơ hội được bảo lãnh sang Hoa-Kỳ, theo diện đoàn tụ gia đình. Thực vậy, sau hàng chục năm chờ đợi tên mình trên danh sách HO, đến đúng lúc tới lượt thì mới chưng hửng ra rằng bị HO từ chối chỉ vì thời gian đi tù cải tạo chưa đủ 3 năm. Không đủ phương tiện vượt biên, nếu không nhờ cha tôi và người em thì liệu tôi có sống nổi dưới cái chế độ kỳ thị với những ai thuộc về phía thua cuộc có một lý lịch quá khứ bị kết tôi: Theo giòng chảy, Lá trở về thành phố/Nhưng toàn thân như mảnh xác vô hồn/Xã hội dễ gì cho hội nhập khơi khơi/Nên cuộc sống không thể nào như trước nữa... (Thơ: Chiếc lá/HN -HNT,2016)

6- Trang tuỳ bút hồi tưởng Một Thời Xưa Ấy ghi chép những kỷ niệm hãi hùng thời chiến tranh Pháp/Việt 1945-54, rồi cuộc chiến 20 năm Quốc/Cộng, đồng thời là bối cảnh cho mối tình phụ tử.. Cho nên nhân dịp ngày Father's Day 2016 tại Hoa-Kỳ, một phần trang hồi tưởng được gợi ra từ những hình ảnh về một người cha : Riêng tôi viết về Cha, không phải bằng nước mắt/Nhưng bằng suy tư về mấy việc lớn Cha làm...và kết luận bằng 4 câu thơ :
TÌNH CHA THƯƠNG CON VỚI TINH THẦN SÁNG SUỐT
TÌNH CHA THƯƠNG CON CŨNG ĐẬM CŨNG NỒNG NÀN
NẾU KHÔNG CÓ CHA BÊN MẸ HIỀN NUÔI DƯỠNG
CÓ THỂ NÓI RẰNG TA KHÔNG THỂ THÀNH NHÂN.

ChinhNguyen /H.N.T. (HN-HNT) , 2016-21
(Trích&sửa từ Tuỳ- bút: Hồi Tưởng MộtThời Xưa Ấy, nguồn web site HD 2016)



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Ơn Đức Sinh Thành Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân