TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Đền thờ Pharaoh Ramesses II tại Abu Simbel, Egypt
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Đền thờ Pharaoh Ramesses II tại Abu Simbel, Egypt

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Sat Feb 29, 2020 3:34 pm    Tiêu đề: Đền thờ Pharaoh Ramesses II tại Abu Simbel, Egypt

Đền thờ Pharaoh Ramesses II tại Abu Simbel, Egypt

Hai ngôi đền thờ Đại Đế Ramesses II và Nefertari Temple tại Abu Simbel bên Lake Nasser nhìn từ trên máy bay. (Hình Phạm Đức Dũng & ATNT Tours)


Dòng sông Nile, con sông dài nhất thế giới, chảy xuyên qua Egypt từ phía Nam lên miền Bắc và tuôn chảy ra biển Địa Trung Hải. Trên con đường đi của dòng sông, người Ai Cập cổ đại sống trong dọc theo Nile River đã để lại rất nhiều di tích lịch sử cho nhân loại. Những ngôi Kim Tự Tháp, những tượng nhân sư đầu người mình sư tử, những lăng tẩm đền đài Luxor-Karnak, những cây thạch trụ (obelisk) khổng lồ vẫn còn tồn tại sau thời gian khoảng 4,000 năm. Trong số đó phải kể đến một công trình tuyệt tác như đền thờ Đại Đế Ramesses II và Nefertari được đục khắc vào trong núi ở Abu Simbel. Đây là một kỳ quan được xếp hàng thứ hai sau các ngôi Đại Kim Tự Tháp, một kỳ quan tuyệt hảo nhất hơn 3,300 năm trước còn để lại gần như nguyên vẹn tại Abu Simbel.

Năm 1813-1817, hai nhà khảo cổ Âu Châu đã mạo hiểm đến Abu Simbel tìm thấy di tích lịch sử đang bị vùi sâu vào lòng cát sa mạc. Họ đã đánh thức hai ngôi đền thờ Ramesses II Temple và Nefertari Queen Temple thức dậy sau hơn 3,000 năm ngủ yên. Mặc dù các ngôi đền thờ này trải qua thời gian dài thử thách với khí hậu khắc nghiệt của vùng sa mạc, nhưng có lẽ nhờ những trận bão cát sa mạc đã “ôm ấp” chôn vùi di tích vào lòng nó nên di tích này mới may mắn còn tồn tại đến ngày nay. Sau khi khám phá, người ta phải mất thêm bốn năm sau (1817) con người mới chính thức nhìn thấy được diện mạo dung nhan di tích Abu Simbel được khai quật lên.

Câu chuyện được kể lại, gần 3,300 năm trước vào vương triều Egypt 19 có một vị pharaoh tên Ramesses II, ông là con của Pharaoh Seti I và cũng một vị tướng lớn mạnh nhất trong thời Ai Cập cổ. Ông trị vì lâu nhất và cũng là một vị vua có nhiều công trình xây cất lăng tẩm và điêu khắc tượng nhất suốt từ phía Nam lên phía Bắc Ai Cập thời đó. Các công trình của ông chỉ nhằm mục đích biểu lộ uy quyền của một vị pharaoh đại đế và ông tự xem ông như là một vị thần linh oai dũng với người dân Egypt-cổ và các nước lân bang thời đó.


Đền thờ Ramesses II bên Lake Nasser hiện nay. (Hình Trần Nguyên Thắng & ATNT Tours)


Sau khi đánh chiếm xứ lân bang phía Nam là Nubia, Ramesses II đã ra lệnh xây cất nhiều đền đài cho chính ông và người vợ mà ông yêu quí là Nefertari Queen tại Abu Simbel ngay trên phần đất của người Nubia (sát gần biên giới với Sudan ngày nay). Ông muốn chứng tỏ cho người Nubia nhìn thấy hình ảnh của ông hiện diện khắp mọi nơi trên phần đất của họ.

Ngày nay, để thưởng ngoạn thắng cảnh Abu Simbel, du khách có thể đến đây bằng phi cơ hay bằng xe bus. Nếu bạn đáp chuyến bay từ thành phố thơ mộng Aswan đi Abu Simbel thì chỉ mất 30 phút. Còn nếu bạn đi xe bus thì thời gian mất hơn 3 tiếng rưỡi, xe chạy về hướng nam xuyên qua sa mạc Sahara đến thưởng ngoạn 2 ngôi đền thờ trong núi. Ngôi đền thờ lớn dành cho Đại Đế Ramesses II và ngôi đền thờ nhỏ dành cho Hoàng Hậu Nefertari.

Đứng trước cổng đền thờ Ramesses II, du khách không khỏi sững sờ ngắm nhìn bốn ngôi tượng thật vĩ đại trong tư thế ngồi, một tượng đã bị hư hỏng phần đầu (vì động đất) nên chỉ còn lại ba tượng nguyên vẹn. Nếu bạn chú ý, bạn nhận thấy đầu ba tượng thần này đội hai loại vương miện khác nhau. Một loại vương miện biểu tượng cho miền Thượng Ai Cập và một loại vương miện biểu tượng cho miền Hạ Ai Cập, có ý nghĩa là Ramesses II đã thống nhất hai miền Thượng-Hạ Ai Cập vào thuở đó.

Sau lưng các ngôi tượng là một hang động được đục sâu khoảng 70m vào trong lòng núi, đứng từ ngoài người ta có thể nhìn sâu vào tận trong cùng động núi. Du khách thoáng nhìn thấy những bức tượng đứng to lớn đứng hai bên tạo thành một hành lang đi thẳng vào trong lòng phần đền chính. Mỗi bên là bốn pho tượng thần Orisis, vị thần cai quản cõi chết (Diêm Vương) đứng chào đón du khách. Qua đến hành lang thứ hai, du khách được thưởng ngoạn những bức tranh phù điêu khắc trên vách núi diễn tả về các chiến công của Đại Đế Ramsses II, diễn tả về các nghi lễ giữa nhà vua và các thần linh Ai Cập. Cũng có bức diễn tả về đời sống hậu cung của nhà vua.


Bốn tượng thần Ptah-Amun Ra-Ramesses II-Ra Horakhty bên trong điện thờ. (Hình Trần Nguyên Thắng & ATNT Tours)


Khi bạn đi qua khỏi hành lang này là bạn bước vào phần điện thờ chính. Trên bệ thờ là bốn pho tượng thần như thần Ptah (thần của các vị thần, thần sáng tạo), thần Amun-Re (thần Mặt Trời), tượng Ramesses II vì ông tự xem như ông cũng là một thần, và thần Re-Harakti (thần Bổn Mạng của Vua). Nhưng mục đích chính là nhà vua tự cho mình là hiện thân của các vị thần kia.

Nhưng một kỳ tích về thiên văn học mà người ngày nay rất ngạc nhiên khi thưởng ngoạn ngôi đền Ramesses II. Mỗi năm hai lần, vào các ngày 20 Tháng Hai và 20 Tháng Mười khi bình minh lên, ánh sáng mặt trời từ từ hiện lên chiếu thẳng vào tượng thần Amun-Re. Sau đó ánh sang từ từ di chuyển từ phải sang trái, chiếu thẳng vào các tượng thần kế bên là Ramesses II và Re-Harakrti. Tuy nhiên, ánh sang không bao giờ chiếu đến thần Ptah vì thần Ptah là vị thần muôn đời nằm trong bóng tối. Sự tính toán thiên văn học của người Ai Cập cổ vẫn còn là một điều lý thú cho hậu thế ngày nay.

Công trình kiến trúc đặc biệt này vẫn làm cho con người ngạc nhiên vì không hiểu làm sao từ hơn 3,300 năm trước con người Ai Cập cổ đại đã có được một nền văn minh và thiên văn học khá cao như thế. Đây cũng chính là điểm tinh túy của ngôi đền Ramesses II tại Abu Simbel.

Lúc trước khi du ngoạn ở Abu Simbel người ta cấm du khách chụp ảnh bên trong hang động nên hầu như du khách không ai có được các hình ảnh quí giá bên trong! Còn bây giờ đến với Abu Simbel bạn có thể dùng Smart phone chụp hình thoải mái!


Tám pho tượng thần Orisis hai bên hành lang điện thờ. (Hình Trần Nguyên Thắng & ATNT Tours)


Công trình kiến trúc hai đền đài tại Abu Simbel có lẽ mất một khoảng thời gian 24 năm mới hoàn thành. Tuy nhiên, một công trình khác của thế kỷ 20 cũng là một kỳ tích khác! Đó là công trình bảo tồn và trùng tu hai ngôi đền đá này cũng là một công trình vô cùng khó khăn và tốn kém. Vào thập niên 1960, Ai Cập cần phải xây đập thủy điện Aswan nhằm nâng cao nền kinh tế cho đất nước. Nhưng vì mực nước của đập thủy điện sẽ dâng cao sau khi đập hoàn thành và như thế sẽ nhấn chìm di tích đền đài này dưới nước. Ai Cập lên tiếng cầu cứu UNESCO nhằm bảo tồn di tích cổ đại này không bị chôn vùi trong lòng sông Nile. Lời cầu cứu đã được các nước trên thế giới chung tay tìm cách di dời nguyên vẹn ngôi đền từ dưới sườn núi lên trên đỉnh cao trước khi đập thủy điện Nasser hoàn thành.

Người ta quyết định cắt nhỏ cả hai ngôi đền ra và đưa lên cao hơn mực nước sông Nile, sau đó các mảnh nhỏ này được “hàn gắn lại.” Hai ngôi đền được cưa ra hơn 13,000 mảnh lớn mảnh nhỏ và sau đó được nối kết lại với nhau. Nói ra thì có vẻ dễ dàng nhưng đây lại là một công trình tuyệt vời khác của Abu Simbel. Phải mất hơn tám năm trời UNESCO mới hoàn thành công trình di dời Abu Simbel lên một độ cao hơn 65m, lùi lại sau gần 200m. Nhờ thế ngày nay du khách mới có cơ hội thưởng ngoạn di tích do con người cổ đại xưa kiến tạo có một không hai trên trái đất.

Nhưng khi đến Abu Simbel, du khách không phải chỉ có thưởng ngoạn ngôi đền thờ dành cho Đại Đế Ramesses II mà du khách còn có dịp thưởng ngoạn ngôi đền của Hoàng Hậu Nefertari cách đó không xa. Tuy không thể so sánh được với ngôi đền thờ của nhà vua, nhưng không vì thế mà ngôi đền Nefertari không làm ngạc nhiên du khách. Trước cửa vào của ngôi đền đá là sáu bức tượng đứng, trong đó bốn tượng là Ramesses II và hai tượng là Hoàng Hậu Nefertari. Bên trong là những bức phù điêu khắc trên tường diễn tả về sự liên hệ của hoàng hậu và các nữ thần Ai Cập.


Bức họa trên tường miêu tả về trận chiến Battle of Kadesh, Ramesses II chiến thắng đế quốc Hittite năm 1274 BC. (Hình Trần Nguyên Thắng & ATNT Tours)


Ramesses II là một vị pharaoh Ai Cập có rất nhiều huyền thoại về đời sống cùng các chiến công của ông. Xác ướp của nhà vua cũng đã được hậu thế tìm thấy ở Thung Lũng Vua (Valley of The king tại Luxor). Hiện nay được lưu giữ trong Viện Bảo Tàng Quốc Gia Ai Cập tại Cairo. Ramesses II được xem như một đại đế trong số pharaoh Ai Cập. Nhà vua đã để lại nhiều kiến trúc đặc biệt cho hậu thế chiêm ngưỡng. Không những thế Ramesses II còn để lại cho đất nước Ai Cập một gia sản kinh tế vô tận cho người dân Ai Cập ngày nay.

Ngôi đền Đại Đế Ramesses II và Nefetari tại Abu Simbel là một di tích nằm ngoài sự tưởng tượng của con người. Một di tích không thua kém công trình Kim Tự Tháp của nền văn minh Ai Cập cổ. Đã đến Egypt, bạn không thể thiếu sót sự thưởng ngoạn di tích đền đài tại Abu Simbel.

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân