TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Thành phố Lhasa, Tây Tạng
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Thành phố Lhasa, Tây Tạng

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9639

Bài gửiGửi: Wed Dec 04, 2019 3:05 pm    Tiêu đề: Thành phố Lhasa, Tây Tạng

Thành phố Lhasa, Tây Tạng

Jokhang Temple Lhasa. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Lhasa vùng đất của chư thiên, vùng đất thiêng của Phật Giáo Tây Tạng mà có biết bao nhiêu người trên trái đất này háo hức muốn tìm đến một lần. Làm sao để đến Lhasa!

Có hai cách để du khách có thể đến Lhasa. Một là có thể đáp chuyến bay thẳng từ một vài thành phố lớn như Thành Đô, Côn Minh của Trung cộng. Nhưng thông thường tiện nhất là đáp chuyến bay từ thành phố Thành Đô (Chengdu) vì ở đây là nơi có nhiều chuyến bay nhất đi thẳng Lhasa. Hai là có thể dùng xe điện đến Lhasa, tuy nhiên có thể mất đến hai ngày trong khi phi cơ thì chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ.

Tôi đã chọn chuyến bay từ Thành Đô đến Lhasa vào buổi chiều. Chuyến bay hạ cánh đúng giờ trên phi đạo của phi trường Tây Tạng. Đường phi đạo ở đây khá dài nhưng tôi khựng lại khi mắt chạm vào những chiếc chiến đấu cơ Mig đậu dọc theo đường song song phi đạo, hình ảnh này làm tôi cảm thấy một điều gì không yên ổn. Có lẽ phi trường dân sự và quân sự của Tây Tạng được dùng chung với nhau nên các phi cơ quân sự mới thấy hiện diện ở đây, điều này làm tôi cảm thấy hơi lạ, không vui vì trong đầu vẫn tưởng tượng Lhasa là vùng đất thiêng của niềm tin tôn giáo, vùng đất bình yên, hiền hòa của dân tộc Tây Tạng.

Khi đến Cusco kinh đô cũ của người Inka trên cao nguyên Peru, tôi không thấy các chiến đấu cơ hiện diện, chỉ thấy sự hiền hòa của người dân Peruvian luẩn quẩn buôn bán chung quanh phi trường và sự xanh tươi của đồng bằng trên vùng cao nguyên rất cao của Nam Mỹ.

Lhasa nằm trên một độ cao hơn 3,200 mét, thấp hơn Cusco (cố đô của Peru) một chút (3,400 mét) nhưng rõ ràng điều kiện thở ở Cusco vẫn “dễ chịu” hơn Lhasa. Du khách khi vừa đáp xuống Lhasa là cảm nhận ngay được sự ảnh hưởng của độ cao, người nhẹ hẳn nhưng bước chân hình như nặng hơn, hơi thở mệt hơn và có một chút nhức đầu.


Potala Palace tại Lhasa, Tây Tạng. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Tôi hít vội những hơi thở thật dài để lấy thật nhiều oxygen vào buồng phổi và từ từ thở ra bằng miệng, bao nhiêu năm học nhu đạo với thầy Tâm Giác thuở bé bây giờ mới được dùng “cấp cứu” cho chính mình. Có người đem theo thuốc “chống độ cao” hoặc có người mua thuốc ngay tại Thành Đô, ai cũng uống trước một hai ngày để phòng hờ sự khó thở hay nhức đầu xảy đến cho mình. Không biết thuốc có hiệu quả nhiều hay không nhưng vẫn thấy có người bị nhức đầu.

Nhưng điều cần nhất và cũng rất quan trọng cho ngày đầu tiên ở Lhasa là bạn chớ nên tắm! Bạn có thể lau người nhưng tuyệt đối không nên tắm. Hãy quên bớt đi những gì lo lắng, bớt cười lớn tiếng, không nên quát tháo la hét nếu có điều gì làm bạn không vừa ý. Không biết có người du khách nào “tự hào” có được giấc ngủ bình yên trong đêm đầu tiên tại Lhasa mà không bị nhức đầu khó thở!

Vào thế kỷ thứ 7 sau khi thống nhất các bộ lạc Tây Tạng, Songtsan Gampo (Tùng Tán Cương Bố) lên ngôi và thiên đô từ Tsetang của vùng thung lũng Yarlung đến Lhasa, nơi được xưng tụng là vùng đất Chư Thiên Chu Phật, nằm cách Tsetang khoảng hơn 110 cây số về phía Tây. Ngày nay Tsetang trở thành cố đô của Tây Tạng, một cổ thành nhỏ nằm trên đồi nhìn xuống đồng bằng Tsetang xanh biếc và trở thành vừa là nơi thờ phượng triều đại cũ vừa là một nhà bảo tàng của triều đại này.

Trong quá khứ Tây Tạng và Trung Hoa đã có nhiều liên hệ lịch sử với nhau. Một trong những liên hệ giữa Tây Tạng và triều đại nhà Đường Trung Hoa vào thế kỷ thứ 7 là cuộc hôn nhân giữa nhà vua Songtsan Gampo và công chúa Văn Thành, người sau này được dân Tây Tạng tôn thờ là Nữ Thần Tara sắc Trắng. Nguyên vua Songtsan Gampo có hai vị hoàng hậu (dân Tây Tạng thì cho là có ba vị hoàng hậu), một là công chúa Ấn Độ Bhrkuti, hai là công chúa Trung Hoa Văn Thành. Cả hai đều được dân Tây Tạng tôn thờ là nữ thần Tara, công chúa Bhrkuti là nữ thần Tara sắc Xanh Lục.


Công trường trước chùa Jokang tại Lhasa. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Sau đó còn phải nói đến cuộc hôn nhân khác của hai đời vua sau là Kim Thành công chúa và vua Khí Lệ Tú Tán. Bà Kim Thành công chúa sinh ra một vị vua rất nổi tiếng trong lịch sử Tây Tạng là Trisong Detsen. Với vị vua này, Tây Tạng đã từng có những trang lịch sử vô cùng hào hùng và ngày nay họ đang cố vùng vẫy ra khỏi vũng bùn Hán hóa nhằm giữ được nguyên vẹn điểm văn hóa và niềm tin tôn giáo độc đáo của mình.

Từ phi trường chạy xe đến trung tâm Lhasa chỉ mất độ 30 phút. Con đường chính của Lhasa tương đối cũng rộng rãi, sạch sẽ. Các dãy nhà không cao lắm nhưng không cho du khách cảm nhận được “một chút gì nét Tây Tạng” vây quanh. Các khách sạn cũng như phần lớn các tòa nhà của ngân hàng, cơ quan chính phủ hầu như đều có kiến trúc hiện đại, không cao lớn như ở Thành Đô nhưng đủ để người ta cảm nhận được đó là một thành phố Trung Hoa hiện đại.

Chỉ khi nào đến khu vực Barkhor bao gồm một công trường nhỏ, có chợ, có hàng quán, có chùa Jokhang, một ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng nhất Lhasa, thì người ta mới thấy được nét kiến trúc Tây Tạng cũng như sự tấp nập của người dân Tây Tạng và cảnh sát, công an Trung cộng. Jokhang Temple được dịch ra danh từ Hán Việt là Đại Chiêu Tự. Chùa là một biểu tượng nổi tiếng của Lhasa nói riêng và của Tây Tạng nói chung suốt từ thế kỷ thứ 7.

Chùa Jokhang nằm trong khu vực chợ Barkhor. Một công trường nhỏ được xây cất trước ngôi chùa, du khách phải đi bộ một quãng đường có đến hơn 200 mét trước khi đến cổng chùa. Người dân Tây Tạng có một niền tin tôn giáo Phật Giáo rất mạnh. Để biểu lộ đức tin, thông thường thì họ vừa đi vừa quay vòng mani trên tay và vừa đọc kinh. Hình ảnh đó người du khách dễ dàng bắt gặp trên khắp các nẻo đuờng dẫn vào các ngôi chùa.

Trên đường vào chùa, dọc hai bên công trường là những sạp bán hàng lưu niệm của người dân Tây Tạng. Những sạp bán hàng bao quanh tạo thành một con phố nhỏ suốt từ phía trước vòng ra phía sau của chùa tạo thành một khu buôn bán sầm uất. Sau lưng những sạp hàng là những cửa hàng bán quà lưu niệm với phẩm chất tốt hơn, giá cả đắt hơn và phần lớn do người Hán làm chủ.


Khu phố Barkhor tại Lhasa. (Hình: ATNT Tours & Travel)


Đội ngũ cảnh sát, công an Trung Cộng lúc nào cũng vây quanh chùa khá đông. Trước mặt sau lưng, bên phải bên trái, trên nóc ngôi chùa đâu đâu cũng có sự hiện diện của công an, cảnh sát. Khi mới vào công trường ở một điểm trạm canh chính, luôn luôn có hai cảnh sát đứng gác tại đây. Mỗi lần đổi gác họ cũng làm một nghi thức nho nhỏ cho ca đổi gác. Cạnh đó là những tụ điểm cảnh sát công an khác vây quanh chùa để “gìn giữ an ninh khu vực.” Từng toán cảnh sát từ sáu đến tám người thay nhiên nhau rầm rập đi quanh công trường, gần cạnh các sạp bán hàng người Tây Tạng như là để phô trương quyền thế và họ sẵn sàng “dọn sạch” ngay những gì xảy ra ở đây.

Đến Lhasa du khách không nên chụp hình cảnh sát, công an canh giữ an ninh vì họ cấm kỵ điều đó, không những họ tịch thu máy hình bạn mà chưa kể họ còn làm khó dễ điều tra bạn đủ điều. Chỉ có điều lạ là tôi không thấy được (hay là chưa thấy) người cảnh sát nào có nước da ngăm ngăm như người Tây Tạng để có thể tin là chính quyền Trung Cộng cũng có dùng người Tây Tạng làm cảnh sát, công an. Đối với tôi, hình ảnh những người cảnh sát, công an tại Lhasa làm cho du khách cảm thấy khó chịu và hoàn toàn không hứng thú với bầu không khí nặng trĩu “mùi công an trị Trung Cộng.”

Thường thì du khách đi vào lễ chùa Jokhang, sau đó ra khỏi chùa thì đánh một vòng các sạp hàng chung quanh. Thế là xong tour Jokhang Temple!

Nhưng nếu ai chịu khó đi sâu thêm một chút vào phía trong, ở đó chúng ta sẽ bắt gặp nét sinh hoạt thực sự của người dân Tây Tạng. Chợ búa bày bán đầy đủ tất cả mọi thứ từ các loại rau, trái cây đến các loại thịt. Các ngõ hẻm với những quán trà nhỏ ăn thông ra con đường chính, nhìn cách ăn mặc và nước da, nhìn những cặp mắt láo liên người ta cũng nhận ra ngay được những nhân viên chìm trà trộn sinh hoạt với người dân. Một tình cảm không mấy vui, một cảm giác bất nhẫn khơi dậy trong lòng mình.

Người ta cai trị lộ liễu quá khiến người bàng quang cảm biết người Hán vẫn là người Hán, người Tây Tạng vẫn là người Tây Tạng. Người Tây Tạng vẫn chỉ là một thứ công dân hạng hai hạng ba trên chính quê hương họ. Tinh thần khoan dung của Phật Giáo bất kể là Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa hay Phật Giáo Kim Cương Thừa Tây Tạng hình như thiếu vắng tại Lhasa. Làm sao người Hán có thể chinh phục Tây Tạng nếu thiếu đi lòng khoan dung độ lượng.

Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân