TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - “OK Boomer!”
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

“OK Boomer!”

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9715

Bài gửiGửi: Tue Dec 03, 2019 4:49 pm    Tiêu đề: “OK Boomer!”
Tác Giả: lltran

“OK Boomer!”

Chlöe Swarbrick


“OK Boomer” hình như đã trở thành một câu nói phổ thông, một loại “thành ngữ” được sử dụng thường xuyên bởi người trẻ Huê Kỳ. Từ những câu chuyện bên lề, qua lại giữa các “netter” trên các diễn đàn liên mạng, “OK Boomer! ” đã xuất hiện trên chính trường khi gần đây, bị ngắt lời trong lúc đang thuyết trình tại quốc hội Tân Tây Lan, nghị viên Chlöe Swarbrick (25 tuổi) của đảng Green Party of Aotearoa đã trả lời vị đồng viện “OK Boomer! ”, đại để là “ông đã “già” quá rồi! ”, chữ “già” ở đây không hẳn về tuổi tác mà về ý nghĩ tư tưởng “lỗi thời”.

“Thành ngữ” kể trên xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2015 trên trang web 4chan (4chan.org) nơi bá tánh trao đổi ý kiến; một netter ẩn danh đã dè bỉu một người ẩn danh khác là “lỗi thời” bằng cách xếp loại người ẩn danh kia vào nhóm người “già”, “OK Boomer”. Hiểu rộng rãi là “ông / bà lẩm cẩm quá rồi, đáng bị xếp xó, bỏ qua”.



Bẵng đi một thời gian, năm nay, câu dè bỉu ngắn gọn ấy lại xuất hiện trên TikTok, để đáp lại lời chê bai của thế hệ Boomer về người trẻ ngày nay. Rồi một bài hát của Peter Kuli & Jedwill ra mắt công chúng, “OK Boomer! ”, lời hát chế diễu thế hệ Boomer là những người tóc tai bù xù, kỳ thị chủng tộc, tự tôn, và ủng hộ ông Trump! Tạm hiểu là Boomer [bị cho là] những người lỗi thời và thiếu tình tương lân. Thanh thiếu niên dùng bài hát ấy để trả lời những phụ huynh xét nét, cấm đoán, cản trở các hành động của họ.



OK Boomer là một phản ứng cay độc, gay gắt, xem người già như thứ phế thải, không còn đáng để ý đến nữa. Thái độ chê bai gay gắt này cho thấy người trẻ đã đến lúc chán ngán, không còn thiết tha chi về các cuộc thảo luận [hầu thay đổi hoặc thích nghi] giữa các thế hệ. Câu nói ngắn gọn ấy đồng nghĩa với “tui chán lắm rồi, ông / bà [già] nói gì thì cứ việc! ”. Người trẻ biểu rằng Boomer đã vô cùng sai lầm về giới trẻ; do đó thay vì cứ tiếp tục giải thích hay biện minh cho các hành động xuất phát từ tình trạng suy thoái, bất ổn về kinh tế, xã hội, họ đánh bài lờ về người già! Người trẻ biểu rằng họ muốn dành dụm tiền bạc thay vì đầu tư vào chứng khoán hoặc các quỹ hưu trí [như người già] vì chẳng mấy tin tưởng vào tài phiệt điều hành thị trường tài chánh; thích ăn avocado vì món trái cây này [ăn tươi] nhiều chất dinh dưỡng chứ không chuộng ngũ cốc [tha hồ mua về tích trữ] như người già, muốn bảo vệ môi sinh (thay vì tiếp tục cho phép các công ty khai thác dầu thô đào xới đất đai, biển cả)... và vô số các thí dụ khác!



Nói chung, người trẻ dùng câu “OK Boomer” để than phiền về sự khác biệt giữa các thế hệ nhưng thực ra đây là một phản ứng của người trẻ khi bị phụ huynh chỉ trích về cách ăn mặc, trình bày giới tính, cách tính toán tiền bạc, cách tìm việc làm và cả sự lựa chọn việc giải trí... Người trẻ phản ứng vì họ cho rằng chính người già đã tạo nên tình cảnh kinh tế xã hội kể cả việc huỷ hoại môi sinh ngày nay; các vấn nạn mà người trẻ phải đối diện và giải quyết. Đại khái là ông bà [già] cứ chê bai, xét nét hoạt động của chúng tôi trong khi chính ông bà, qua cách sống, đã gây ra vô khối các khó khăn xã hội ngày nay!



Thế hệ Millennial và thế hệ Z (hay Zner) cho rằng họ là những người gánh chịu hậu quả do các sai lầm của cha ông [thế hệ Boomer], từ món nợ [khổng lồ] vay để đi học, nền kinh tế bấp bênh đến sự hâm nóng trái đất... hậu quả của các quyết định thiển cận trong khi Boomer vẫn “đổ tội” cho người trẻ là thủ phạm của sự đảo lộn xã hội, xóa sổ cách buôn bán theo “đại công ty” (chuỗi thương xá, hàng quán) tạo ra sự sụp đổ kinh tế ngày nay!?



Người già tất nhiên là lại... hiểu lầm, họ nghĩ rằng câu “OK Boomer” nặng ý nghĩa sỉ nhục về tuổi tác nên tiếp tục bài bác và chê bai người trẻ kỳ thị và thiển cận [vì sẽ đến phiên người trẻ đi vào ngày vàng trong tương lai]!

Các thế hệ người già và người trẻ tiếp tục cách xa nhau. Người trẻ đi... lên [dần dần chiếm giữ các vị trí quan trọng trong xã hội] và người già từ từ đi... xuống như cơ thể và như tâm tình ý nghĩ của họ dù vẫn còn nắm giữ những món tài sản khổng lồ. Khoảng cách ấy mỗi lúc một xa và hai bên bài bác, chế diễu nhau. Thế hệ Boomer, những người ra đời trong giai đoạn 1946-1965, tiếp tục than phiền rằng người trẻ... lười biếng quá, làm cái chi một chút cũng đòi tưởng thưởng khen lao. Những người trẻ hơn nữa (thế hệ Z, ra đời trong giai đoạn 1996 - 2015) thì lệ thuộc vào chiếc điện thoại di động, tối ngày cứ cắm đầu, chúi mũi vào vật dụng điện tử rồi đắm chìm trong thế giới “ảo”. Người trẻ, thế hệ Millennial (ra đời trong giai đoạn 1980-1996), lại cho rằng người già “out of touch”, nôm na là “chẳng biết thực tế là gì” hay túm gọn là “lỗi thời”?! Tuy chưa có tiếng nói chính thức nhưng cả Millennial và Zner đều nhún vai, lắc đầu với câu “OK Boomer” để trả lời những chỉ trích từ phụ huynh.



Thói quen ăn uống, sở thích, sự lựa chọn cách sinh sống... phản ảnh tư tưởng và ước muốn của con người; con người thường phát triển theo khuôn khổ xã hội chung quanh. Điều dễ hiểu là đời sống xã hội “uốn nắn” con người. Đời sống xã hội thời 45, 50 của thế kỷ trước khác xa với đời sống của thập niên 80, 90 và khác xa hơn nữa với các thập niên của thế kỷ XXI.

Boomer là những người khôn lớn trong giai đoạn hậu thế chiến, kinh tế suy sụp nên đã phải phấn đấu, chúi mũi làm ăn để được no đủ. Họ trải qua các kinh nghiệm xương máu về kinh tế, tài chánh, chính trị nội địa và cả chính trị thế giới. Chính món tài sản khổng lồ thu góp bởi thế hệ Boomer đã giúp Huê Kỳ khuynh đảo chính trường thế giới, từ quân sự đến kinh tế. Không lạ là thế hệ này vô cùng hãnh diện về sự tận tụy với công việc làm và thói quen tiết kiệm, để dành cho tương lai. Người già tiếp tục thu góp tiền bạc trong nhiều năm sắp tới dù cung cách làm giàu kia đã tạo ra một xã hội bất bình đẳng và thu hẹp cơ hội kiếm tiền cho các thế hệ về sau!

Thành công nên Boomer thường đưa ra các lời khuyên dạy [xem ra không còn hợp thời] cho con em. Người già với tính “gia trưởng” thường chê bai con trẻ không chịu kính nể, nghe lời phụ huynh; người già hiểu biết rộng rãi hay chê rằng người trẻ ít chịu đọc sách [như họ]; người già nhiều khả năng, tài giỏi thì than thở là con em không thông minh như thế hệ trước. Người già giàu có, khá giả thì chán cách tiêu xài hoặc tính thích bay nhảy, thay đổi công việc của con em. Họ chưa nghĩ ra rằng công việc quan trọng [lương cao] trong các công ty lớn đang còn nằm trong tay boomer, Millennial và Zner chưa cạnh tranh nổi nên chán ngán rồi đổi việc và bị gọi là “job-hopper”?!



Người trẻ ngày nay thực sự “pha trộn”, họ bao gồm nhiều chủng tộc, nhiều tầng lớp xã hội, giáo dục, kinh tế hơn thế hệ phụ huynh. Người trẻ không đặt nặng tôn giáo (không lạ là nhà thờ mỗi ngày một vắng vẻ, số giáo dân sút giảm dần) và chịu ảnh hưởng của nền kinh tế xã hội bất bình đẳng nặng nề hơn. Sự suy thoái kinh tế trong thập niên 2000 đã khiến người trẻ bất bình và không còn đặt niềm tin vào các tài phiệt / công ty tài chánh nữa.

Về chính trị, năm 2016, Boomer là những người bảo thủ, đã ủng hộ những khuynh hướng như Brexit và “Make America Great”. Họ cũng là những người không mấy quan tâm đến sự thay đổi của khí hậu. Tuy nhiên, người già sẽ phải nhìn nhận là tiếng nói / quan điểm của họ không còn quan trọng nữa, thế hệ của họ sắp chấm dứt. Số cư dân trong thế hệ Boomer đang bị “qua mặt” bởi số cư dân trong tuổi Millennial và Zner, những người có thể sử dụng lá phiếu trong các cuộc bầu cử lựa chọn chính khách. Nghĩa là nếu người trẻ chịu tham dự và bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sắp tới, tiếng nói của họ sẽ mạnh mẽ hơn so với Boomer!



Trở lại với những khác biệt giữa các thế hệ, để “không khí” bớt hằn học, có thể nào ta chấp nhận [phần nào] sự khác biệt sâu đậm kia? Boomer cần chấp nhận rằng tuổi xuân xanh [thời hoạt động năng nổ] đã qua, ngày úa vàng đang tới và đây là lúc nghỉ ngơi rồi soi gương, dùng kinh nghiệm để nhìn nhận và phân tích các sai lầm cũ hầu giúp người trẻ tránh vết xe đổ? Người trẻ cần mở lòng để ghi nhận các thành quả của phụ huynh, Boomer không chỉ gây ra những cái dở như suy thoái kinh tế, cách ăn uống quá mức gây bệnh tật..., họ cũng đã khởi đầu các chương trình xã hội như trợ cấp cho sinh viên nghèo, người nghèo... mà nhiều người trẻ đang thụ hưởng ngày nay? Các chương trình xã hội kể trên không còn hợp thời nên cần được thay đổi để thích nghi với xã hội hôm nay hơn là xóa bỏ hoàn toàn vì thời đại nào chẳng có nhưng cư dân không may mắn và cần được xã hội trợ giúp?

lltran

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân