TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - 50 năm chinh phục Mặt Trăng qua những con số
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

50 năm chinh phục Mặt Trăng qua những con số

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoa Học và Kỹ Thuật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Sat Jul 06, 2019 1:36 am    Tiêu đề: 50 năm chinh phục Mặt Trăng qua những con số

50 năm chinh phục Mặt Trăng qua những con số

(photo: NASA)


Nhân kỷ niệm 50 năm chuyến du hành của phi thuyền Apollo đáp xuống Mặt Trăng, ta nhớ về những người đã làm việc, những phi hành gia đã thiệt mạng và làm nên lịch sử.


Hàng trăm ngàn người đã làm việc để một nhóm phi hành gia có thể đáp xuống bề mặt Mặt Trăng


400 ngàn: Là số người tham gia dự án Apollo

Neil Armstrong là một trong những phi hành gia nổi tiếng nhất của Nasa. Ông là người đã đáp xuống Mặt Trăng vào ngày 20/7/1969. Yếu tố thành bại của cuộc hạ cánh đầu tiên lên Mặt Trăng phụ thuộc vào khéo léo, phản ứng và chuyên môn của nhà phi hành gia này. Với cánh đồng đầy đá tảng bên dưới, chuông báo động réo liên hồi và nhiên liệu dần cạn kiệt, ông đã lèo lái con phi thuyền hạ cánh thành công.

Nhưng trong vài cuộc chuyện trò và phỏng vấn mà Armstrong có đề cập đến cuộc hạ cánh, ông luôn khiêm tốn về thành tích của mình. Thay vào đó, ông nói đến hàng ngàn người đã khiến cuộc du hành thành công.

Vào lúc đỉnh điểm, Nasa ước tính có tổng số 400.000 người, gồm cả nam giới và phụ nữ trên khắp Hoa Kỳ làm việc trong chương trình Apollo. Con số này bao gồm tất cả mọi người từ phi hành gia đến chuyên viên điều khiển bay, hợp tác đến đơn vị cung cấp thực phẩm, kỹ sư, nhà khoa học, y tá, bác sĩ, nhà toán học và lập trình viên.

Để hiểu bằng cách nào Nasa có được con số đó, chúng ta hãy xem xét chỉ một khía cạnh đơn lẻ của Apollo 11, nhiệm vụ đáp xuống Mặt Trăng.

Phụ lái, cánh tay phải của Armstrong là Buzz Aldrin. Trên mặt đất, có cả một căn phòng đầy chuyên viên kiểm soát chuyến bay. Đứng đằng sau nhóm nòng cốt gồm 20-30 người (mỗi ca) này là hàng trăm kỹ sư ở Houston và một nhóm tại Học viện MIT ở Boston cố vấn về hệ thống báo động máy tính.

Bộ phận Kiểm soát được hỗ trợ bởi hệ thống các trạm liên lạc đặt khắp nơi trên thế giới, và bởi nhóm kỹ sư tại Công ty Grumman vốn đã thiết kế tàu hạ cánh, cùng tất cả các nhà thầu phụ của hãng. Bên cạnh họ là lực lượng hỗ trợ, từ giám đốc cao cấp đến người bán cà phê - tính sơ sơ đã lên đến con số hàng ngàn người.

Nhân con số đó với tất cả các thành phần khác của dự án - từ hỏa tiễn đến bộ đồ phi hành gia, từ hoạt động liên lạc tới nhiên liệu, từ thiết kế tới huấn luyện, từ công việc phóng tàu đến khi trở về Trái Đất... thì 400.000 người xem ra vẫn là con số khiêm tốn.

400.000 con người hỗ trợ cho hành động của một người duy nhất.


Rất nhiều phi hành gia trên tàu Apollo tương tự nhau về độ tuổi và có tiểu sử gần giống nhau


38: Là độ tuổi trung bình của các phi hành gia tham gia Chương trình Apollo

Armstrong không phải là người được chỉ định đặc biệt làm phi hành gia cho chuyến đáp xuống Mặt Trăng đầu tiên; phi hành đoàn của ông là lựa chọn kế tiếp trong chu trình luân phiên.

Nếu như tàu Apollo 11 không đáp xuống được thì nhiều khả năng chỉ huy tàu Apollo 12 là Pete Conrad đã là người đầu tiên đáp xuống Mặt Trăng.

Trong thực tế, mặc dù họ đại diện cho cả nhân loại, các phi hành gia trên tàu Apollo có tuổi tác, tiểu sử, năng lực, và trải qua quá trình huấn luyện rất giống nhau.

"Tôi nghĩ quan trọng là ta phải nhớ đến nhóm người độc đáo đã được chọn để tham dự vào Dự án Apollo," Teasel Muir-Harmony, giám tuyển về phi thuyền Apollo tại Bảo tàng Quốc gia Smithsonian về Hàng không và Vũ trụ ở Washington DC, nói.

"Mỗi phi hành gia [trên tàu Apollo 11] đều sinh năm 1930, tất cả họ đều từng trong quân ngũ, tất cả đều là phi công và tôi tin rằng tất cả họ đều theo đạo Thiên Chúa - vì vậy họ đạt những tiêu chuẩn rất chặt chẽ mà thời đó đòi hỏi phi hành gia phải có."

Ở tuổi 38, Armstrong là cùng chỉ huy (cùng với Tom Stafford và Gene Cernan) trẻ nhất trên tàu Apollo. Charlie Duke, phi công điều khiển tàu Apollo 16 khi ấy 36 tuổi và là người trẻ nhất đặt chân lên Mặt Trăng.

Người lớn tuổi nhất dạo bước trên Mặt Trăng là phi hành gia người Mỹ đầu tiên tên Alan Shepard. Đến khi nhiệm vụ Apollo 14 của ông được thực thi vào năm 1971, ông đã 47 tuổi.

Kỷ lục về người lớn tuổi nhất bay vào không gian thuộc về phi hành gia người Mỹ đầu tiên bay vào quỹ đạo Trái Đất. John Glenn 77 tuổi khi ông tham gia một nhiệm vụ kéo dài chín ngày trên trạm không gian Discovery vào năm 1998.


Chỉ có 12 người từng đặt chân hoặc điều khiển dụng cụ trên bề mặt Mặt Trăng


12: Là số phi hành gia thực sự điều khiển tàu và đặt chân lên Mặt Trăng

33 người bay trên các chuyến đi của tàu Apollo 11.

Trong số đó, 27 người đã đến Mặt Trăng, 24 người bay vào quỹ đạo Mặt Trăng - nhưng chỉ có 12 người đặt chân xuống bề mặt Mặt Trăng. Họ đại diện cho "nhân loại" và thử thách của họ là truyền được kinh nghiệm đó cho khán giả toàn cầu.

Không ai biết liệu Neil Armstrong đã nói gì khi ông bước xuống bề mặt Mặt Trăng. Ông chưa từng kể về điều đó với ai, mặc dù những lời ông nói, "Đây chỉ là một bước nhỏ với một người, nhưng là bước tiến lớn cho nhân loại", là những lời lẽ thơ mộng và phù hợp nhất nếu có một hội đồng viết diễn văn chuẩn bị cho ông.

Nhưng bạn sẽ nói gì nếu bạn là người thứ hai bước chân lên bề mặt Mặt Trăng? Buzz Aldrin tóm tắt về quang cảnh Mặt Trăng cằn cỗi chỉ trong hai chữ mô tả hoàn hảo điều đó như sau: "Sự hoang vu tráng lệ".

Người thứ ba đặt chân lên Mặt Trăng và là một trong những phi hành gia có chiều cao thấp, Pete Conrad, đã chạy quanh một vòng. "Whoopie! " Conrad nói. "Trời ạ, đó có thể là bước nhỏ với Neil chứ là một bước dài với tôi."

Conrad đã định ra kiểu cách cho những nhiệm vụ trong tương lai. Trong khi những đoạn ghi âm cho thấy quá trình hạ cánh của Armstrong và Aldrin có vẻ khá nghiêm trang, khi nhiệm vụ dần tiến triển, thì những phi hành gia đặt chân lên mặt trăng còn tỏ ra hồ hởi hơn. Khi Charlie Duke bước xuống Mặt Trăng trong nhiệm vụ Apollo 16, ông không thể kìm chế sự hứng khởi: "Trời ơi... tuyệt vời quá! " Trong suốt chuyến du hành, Duke và chỉ huy John Young không hề che giấu sự nhiệt tình, hào hứng.

Nhưng khi trở về Trái Đất, cũng như những phi hành gia khác từng đặt chân lên Mặt Trăng - Duke và gia đình ông cảm thấy khó thích nghi trở lại. Bạn sẽ làm gì tiếp theo sau khi đã đặt chân lên Mặt Trăng?

"Chúng tôi nhận ra rằng sau khi nhiệm vụ Apollo kết thúc, cuộc hôn nhân của chúng tôi thực sự gặp rắc rối," Duke kể với tôi. "Chúng tôi gần như ly hôn. Nhà phi hành gia tìm thấy mục đích mới bên Chúa.

Những người khác cũng vất vả với tình huống tương tự. Cuộc hôn nhân của Gene Cernan tan vỡ, và Buzz Aldrin phải vật lộn với tình trạng trầm cảm và nghiện rượu. Alan Bean bày tỏ những trải nghiệm ông có vào tác phẩm nghệ thuật, Ed Mitchell thể nghiệm chủ nghĩa thần bí.

Không mấy ai nghi ngờ gì về việc Mặt Trăng đã làm thay đổi 12 người đàn ông đó. Trong lịch sử nhân loại, họ là những người duy nhất.


Ba phi hành gia Gus Grissom, Ed White và Roger Chaffee thiệt mạng khi khoang điều hành phi thuyền bốc cháy trong một lần thí nghiệm trên mặt đất


8: Là số các phi hành gia thiệt mạng trong nhiệm vụ Apollo

Trước khi nhóm phi hành đoàn gồm ba người trên tàu Apollo 7 cất cánh vào tháng 10/1968, tám phi hành gia Apollo đã thiệt mạng.

Người đầu tiên qua đời năm 1964 là Theodore Freeman, khi máy bay của ông, chiếc phi cơ huấn luyện T-38 - bị một con chim đâm vào, phá vỡ buồng lái và làm động cơ ngừng hoạt động. Mặc dù đã thoát ra, nhưng khi ấy ông đã quá gần mặt đất và qua đời vì bị lực tác động.

Vào ngày 28/02/1966, phi hành đoàn chính trên tàu Gemini 9 gồm có Elliot See và Charles Bassett đang chuẩn bị hạ cánh chiếc máy bay T-38 ở St Louis. Do mây mù che kín đường băng, See định vị nhầm một đoạn rẽ và đâm vào tòa nhà lắp đặt phi thuyền. Các phi công thiệt mạng ngay lập tức, nhưng đáng kinh ngạc là ngoài ra không có ai khác bị thương nghiêm trọng.

Tai nạn đã khiến Tom Stafford và Gene Cernan được đưa lên làm phi hành đoàn chính cho nhiệm vụ Gemini, và cuối cùng đưa Cernan đến vai trò chỉ huy tàu Apollo 17, và ông trở thành người cuối cùng đặt chân lên Mặt Trăng.

Năm 1967, Nasa chuẩn bị phóng phi thuyền Apollo đầu tiên. Nhưng chiếc tàu liên tục bị hỏng hóc và chỉ huy tàu, Gus Grissom, biết điều đó. Rất khó chịu, ông treo một quả chanh bên ngoài khoang giả lập tàu Apollo ở Cape Canaveral.

Vào ngày 27/01/1967, phi hành đoàn gồm Grissom, Ed White (người Mỹ đầu tiên đi bộ trong không gian) và Roger Chaffee, nằm trên ghế trong khoang phóng tàu để chạy thí nghiệm toàn bộ phi thuyền. Họ bị đóng chặt trong khoang lái tròn phức tạp nhiều phần, và chiếc phi thuyền có đầy khí oxy - giống như tình trạng khi họ ở trong quỹ đạo.

Cuộc thí nghiệm diễn ra theo chiều hướng xấu, mùi khó chịu xuất hiện trong khoang phi thuyền và phi hành đoàn khó khăn khi nói chuyện với bộ phận kiểm soát. "Chúa ơi," Grissom la lên: "Làm sao chúng ta có thể đến Mặt Trăng khi chúng ta không thể trao đổi khi chỉ cách hai ba tòa nhà?"

Sau đó, qua điện đài có tiếng: "Lửa, tôi ngửi thấy mùi cháy." Chỉ trong vài giây cả phi hành đoàn bị thiêu sống trong lửa. Họ không có cơ hội nào thoát ra.

Thảm kịch đã khiến người ta phải suy nghĩ lại toàn bộ về chương trình Apollo và cải tiến rất nhiều với phi thuyền. Sự hy sinh của họ đã không vô ích.

Sau đó, trong cùng năm này, Clifton Williams thiệt mạng khi một máy bay T-38 khác rơi và Edward Givens qua đời trong một tai nạn giao thông.

Tất cả tám phi hành gia - cùng với sáu phi hành gia khác của Liên Xô - đã được tưởng niệm bằng một tấm bia do các phi hành gia trên tàu Apollo 15 để lại trên Mặt Trăng.

Tuy nhiên, vẫn còn một phi hành gia không được nêu tên trong danh sách.

Robert Lawrence lẽ ra đã là nhà phi hành gia người Mỹ gốc Phi đầu tiên. Được đặc phái tham gia một dự án trạm không gian quân sự bí mật, ông thiệt mạng vào tháng 12/1967 khi đang hướng dẫn một phi công khác thực hành kỹ thuật hạ cánh. Những kỳ xảo này sau đó được sử dụng trong chương trình Tàu Con Thoi.


Bạn có tìm ra JoAnn Morgan trong bức ảnh này ở Trung tâm Điều khiển Phóng tàu không?


1: Là số lượng phụ nữ có mặt trong phòng điều khiển phóng tàu Apollo 11

Khi quan sát những tường thuật về tàu Apollo, bạn có thể nghĩ rằng đó là một dự án toàn đàn ông (da trắng). Tất cả phi hành gia đều là nam giới, tất cả nhân viên điều khiển nhiệm vụ là nam, thậm chí người dẫn chương trình truyền hình cũng là nam. Những phụ nữ duy nhất xuất hiện trên TV là vợ của các phi hành gia.

Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết, có hàng ngàn phụ nữ ngoài khung hình hỗ trợ cho dự án Apollo và họ đóng vai trò thiết yếu trong sự thành công của dự án này.

Có nhiều thư ký và y tá, nhà toán học và lập trình viên, những phụ nữ may trang phục cho phi hành gia và quấn cáp cho máy tính hướng dẫn tàu Apollo.

Kỹ sư điều khiển tự động JoAnn Morgan là phụ nữ duy nhất trong phòng điều hành phóng tàu Apollo 11 tại Cape Canaveral. Là kỹ sư, bà chịu trách nhiệm quản lý 21 đài thông tin liên lạc, độ ổn định và tình trạng của tất cả các hệ thống quan sát hỏa tiễn Saturn 5.

"Phóng tàu là một vụ nổ có kiểm soát," bà nói. "Bạn luôn có chút e ngại khi bạn trông chừng nó."

Là một trong số ít những phụ nữ làm việc ở vị trí cao cấp, bà thường xuyên phải đối phó với tình trạng kỳ thị giới tính, đặc biệt là khi bà mới bắt đầu.

"Tôi nhận được những cuộc điện thoại tục tĩu, một số bình luận nói trong thang máy và một số người xô đẩy trong quán ăn," bà cho biết. "Sau một thời gian, hầu hết những hành động đó không còn nữa vì nhiều người nhận ra tôi là người làm việc nghiêm túc."

Dù vậy, chương trình không gian vẫn chưa sẵn sàng cho phụ nữ.

"Thậm chí khi họ xây các tòa nhà mới, họ vẫn quên rằng sẽ có thêm nhiều phụ nữ đến làm việc," Morgan nói. "Tòa nhà đầu tiên tôi làm việc chỉ có một phòng vệ sinh nữ duy nhất trong cả tòa nhà ba tầng - họ phải cải tạo một phòng vệ sinh nam ở mỗi tầng thành nhà vệ sinh nữ... vì vậy chúng tôi có nhà vệ sinh nữ với bồn tiểu đứng."

Richard Hollingham

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Sat Jul 13, 2019 1:14 am    Tiêu đề: 50 năm chinh phục Mặt Trăng: Hỏa tiễn Saturn V

50 năm chinh phục Mặt Trăng: Hỏa tiễn Saturn V


Để đưa phi hành gia lên Mặt Trăng, Nasa đã thiết kế một hỏa tiễn mạnh chưa từng có và bay thành công vào vũ trụ.

111: Là chiều cao của hỏa tiễn Saturn V, tính bằng đơn vị mét

Vào đầu giờ sáng ngày 16/07/1969, JoAnn Morgan lái xe vào bãi đậu xe ở lô Pad 39a, Cape Canaveral để quan sát quá trình bơm nhiên liệu cho hỏa tiễn Saturn V khổng lồ.

Tương phản với màu đại dương tối tăm phía sau, chiếc phi thuyền sáng lòa trong ánh sáng đèn hồ quang xenon và được bao phủ trong đám mây khí oxy thoát ra từ các thùng nhiên liệu.

"Đó là cảnh tượng cực kỳ tráng lệ," Morgan nhớ lại. "Tôi đứng trong bãi giữ xe và quan sát cảnh đó một lúc vì nó tuyệt đẹp."

Có chiều cao tương đương sáu tầng lầu, hỏa tiễn Saturn V được xếp hạng là một trong những thành tựu kỹ thuật và kỹ thuật vĩ đại nhất của Thế kỷ 20. Đứng đầu nhóm chế tạo hỏa tiễn này là Wernher von Braun, người từng chế tạo hỏa tiễn V2 cho Hitler, và từng mơ ước làm được hỏa tiễn đưa người đến Mặt Trăng.

"Ông không chỉ có năng lực kỹ thuật," Jay Honeycutt, kỹ sư hỏa tiễn và về sau trở thành quản lý cao cấp ở Nasa nhận định, "mà còn có khả năng lãnh đạo tuyệt vời cùng khả năng giao thiệp với viên chức chính phủ đang tài trợ cho dự án."


Hỏa tiễn Saturn V được nhà khoa học gia người Đức tên Wenher von Braun (bên phải) phát triển


Dùng nhiên liệu là khí oxy hóa lỏng và kerosene, hỏa tiễn này được làm thành nhiều tầng. Phần thấp nhất, còn được gọi là tầng một, lắp đặt năm động cơ F-1 khổng lồ. Hai tầng kế tiếp - với tổng cộng thêm sáu động cơ nữa - sẽ đưa nó vào quỹ đạo.

Bên trên động cơ là khoang chứa phi thuyền đáp xuống Mặt Trăng, rồi đến khoang dịch vụ và module điều khiển dành cho phi hành đoàn gồm ba người.

Tàu Saturn V có một hỏa tiễn thoát hiểm trên đỉnh, được thiết kế để bắn module điều khiển đến nơi an toàn nếu có trục trặc xảy ra trong quá trình phóng tàu.

"Yeah, bạn nghĩ, liệu thứ đó có thực sự bay được không," Honeycutt nói. "Cao vài trăm mét và sau đó chỉ còn chút xíu thứ ở đỉnh sẽ bay trở lại - quả là một thành tựu kỹ thuật."

Hỏa tiễn Mặt Trăng lẽ ra còn lớn hơn thế. Kế hoạch ban đầu của Nasa đề xuất phát triển một hỏa tiễn được gọi là Nova.

Được gắn tám động cơ F-1, hỏa tiễn này sẽ mang theo một tàu vụ trụ lớn hơn, có khả năng đáp xuống Mặt Trăng và sau đó trở về Trái Đất.


Xe vận tải bánh xích đưa hỏa tiễn Saturn V đến địa điểm phóng với tốc độ chậm rãi và ổn định 1,6km/h


2: Là vận tốc cao nhất của xe vận tải bánh xích, tính bằng đơn vị dặm/giờ

Hỏa tiễn Saturn V được lắp ráp tại Tòa nhà Lắp ráp Xe cộ (VAB), một kết cấu quá lớn đến mức nó phải có hệ thống điều chỉnh thời tiết riêng.

Các kỹ sư sau đó gặp phải khó khăn trong việc làm sao để đưa được hỏa tiễn đến bãi phóng, cách đó chừng 5km. Sau đề nghị ban đầu là thả nổi phi thuyền trên xà lan, người ta sau đó quyết định xây dựng cỗ máy khổng lồ sử dụng đường ray gọi là xe vận tải bánh xích.

Với tám đường ray khổng lồ, điều khiển bằng 16 động cơ điện và có hai máy phát điện cung cấp năng lượng, xe vận tải bánh xích trông giống tàu biển hơn là xe.

Và cũng như tàu biển, tài xế tạo thành một phần trong cả nhóm gồm nhiều người điều hành và các kỹ sư phụ trách việc điều khiển chiếc xe di chuyển chậm chạp đến bệ phóng tàu. Vô cùng chậm.

"Xe vận tải có khả năng di chuyển hai dặm mỗi giờ," tài xế Sam Dove nói. "Tuy nhiên, bạn thực sự không muốn tăng tốc đến hai dặm, đặc biệt là với khối lượng vận tải nó đang chở - tốc độ cao nhất chúng tôi từng đi là một dặm."

Mặc dù tài xế ngồi trong buồng lái, nhưng trung tâm của xe vận tải bánh xích lại là ở phòng điều khiển. "Đó thực sự là bộ óc và hệ thống thần kinh cho hoạt động ở đây," Dove nói. "Người thực hiện công tác kiểm tra sẽ điều khiển bộ console thứ hai tính từ phía cuối lên, và vận hành mọi thứ trên xe bánh xích."

Trong nhiệm vụ Apollo, người ta mất đến 16 giờ để đưa phi thuyền đi vài km từ VAB đến bệ phóng. Thời gian từ bệ phóng vào quỹ đạo chỉ mất tám phút.


Hỏa tiễn Saturn V cao 111m và nặng hơn 2.950 tấn


35.000.000: là lực đẩy mà hỏa tiễn Saturn V tạo ra, tính bằng đơn vị Newton

Hỏa tiễn Saturn V là hỏa tiễn mạnh nhất được phóng thành công.

"Tôi cảm thấy chúng tôi đang ngồi ở đầu mũi kim, một mũi kim rất lớn," Frank Borman, chỉ huy phi thuyền Apollo 8, là chỉ huy chuyến bay có người lái đầu tiên đến Mặt Trăng, nói. "Tôi có cảm giác mình chỉ ngồi đó để được chở đi thay vì điều khiển bất cứ gì, âm thanh và sự rung lắc khiến bạn cảm nhận được sức mạnh khổng lồ."

Apollo 8 được coi là một trong những nhiệm vụ táo bạo và mạo hiểm nhất trong lịch sử khám phá vũ trụ. Cùng với Borman trên khoang điều hành phi thuyền Apollo còn có Jim Lovell và Bill Anders, những người nỗ lực hết sức cho một sứ mệnh mà xác suất thành công chỉ có 30%.

Nhiệm vụ được coi là mạo hiểm vì thí nghiệm không người lái trước đó với hỏa tiễn Saturn V - với phi thuyền Apollo 6 - đã không diễn ra tốt đẹp. "Chuyến bay thí nghiệm mà chúng tôi thực hiện ngay trước nhiệm vụ [Apollo 8] gần như là một thảm họa," Gerry Griffin, giám đốc điều hành chuyến bay Apollo, nói. "Hầu như mọi thứ đều trục trặc."

Nghiêm trọng hơn cả, đó là hỏa tiễn bắt đầu dập mạnh - tạo ra lực trong khoang lái có thể giết chết bất cứ phi hành đoàn nào. "Chúng tôi cũng mất một số đường tiếp nhiên liệu," Griffin cho biết thêm. "Và động cơ khoang trên không chịu khởi động lại."

Trong tám tháng tiếp theo, đội chế tạo hỏa tiễn của von Braun đã giải quyết tất cả mọi vấn đề, trước khi thuyết phục ban lãnh đạo Nasa rằng hỏa tiễn Saturn V đã có thể bay an toàn.

"Đó là phần can đảm của chương trình," Griffin nhận định. "Đó cũng là sự can đảm của ba người đàn ông bước vào và lái hỏa tiễn Saturn V đầu tiên."


Nhóm chế tạo hỏa tiễn Saturn V đã phải thiết kế lại hỏa tiễn để bảo đảm nó không gây ra lực quá mạnh đến mức làm chết phi hành đoàn


5: Là số tầng trên của hỏa tiễn Saturn V trên Mặt Trăng

Chỉ chín phút sau khi phóng đi, hỏa tiễn Saturn V đã cắt bỏ tầng một và hai, bỏ chúng rơi về phía Đại Tây Dương.

Tầng ba (thường được biết với cái tên dễ gây nhầm lẫn là tầng S4B), với một động cơ, đã giúp phi thuyền tăng tốc độ đủ để bay vào quỹ đạo trước khi ngừng hoạt động.

Sau khi bay một vòng rưỡi quanh Trái Đất, nhóm phi hành gia bật lại động cơ ở tầng S4B. Rồi trong một đoạn quanh nổi tiếng có tên "Bay vòng chuyển qua Mặt Trăng", hỏa tiễn đẩy phi thuyền ra khỏi quỹ đạo để bay vào một quỹ đạo hướng về phía Mặt Trăng.

Sau khi các phi hành gia tắt động cơ lần hai, và phi thuyền đổ bộ mặt trăng được phóng ra từ khoang trên cùng, thì hỏa tiễn bị bỏ lại. Nhưng vì hỏa tiễn bay cùng vận tốc và cùng hướng với phi thuyền, nếu phi hành đoàn không thay đổi quỹ đạo, thì hỏa tiễn đã qua sử dụng kia sẽ theo họ đến Mặt Trăng.

Trong vài sứ mạng Apollo đầu tiên, giải pháp của Nasa là đưa hỏa tiễn S4B bay vào quỹ đạo Mặt Trời. Và ngày nay, tầng S4B của phi thuyền Apollo 8, 9, 10 và 11 vẫn đang bay trong quỹ đạo Mặt Trời. Tuy nhiên tầng trên của phi thuyền Apollo 12 đã bị lực hút Trái Đất kéo lại.

Với các sứ mạng khác, Nasa có một kế hoạch giàu trí tưởng tượng hơn.

Trong bộ các thiết bị thăm dò bề mặt Mặt Trăng Apollo (Alsep) mà các nhà du hành mặt trăng của phi thuyền Apollo 12 bỏ lại có máy đo địa chấn, là thiết bị chuyển tiếp dữ liệu về Trái Đất.

Khi để cho tầng S4B va chạm vào bề mặt Mặt Trăng, các nhà địa chất có thể lần theo dấu địa chấn, từ đó qua đá mặt trăng để tìm hiểu kết cấu địa chấn của mặt trăng.

Khi nhiệm vụ tiến triển, và ngày càng nhiều tầng hỏa tiễn rơi xuống, thì người ta càng có nhiều dữ liệu. Chương trình thí nghiệm Alsep tiếp tục gửi dữ liệu về đến tận năm 1977, khi Nasa kết thúc chương trình.


Trong một đợt phóng, các kỹ sư phát giác ra hỏa tiễn Saturn V có thể tự tạo ra sét


100: Là tỷ lệ phần trăm mây bao phủ trong đợt phóng phi thuyền Apollo 12

Vào ngày 14/11/1969, bốn tháng sau khi đáp xuống Mặt Trăng, Nasa quyết định thực hiện lại hành trình. Trên phi thuyền Apollo 12 gồm có: Pete Conrad, Dick Gordon và Alan Bean.

Ngày hôm đó có vài trận mưa do khối không khí lạnh di chuyển qua miền trung California, nhưng các nhà dự đoán khí tượng vẫn chấp nhận tiến hành vụ phóng phi thuyền và quá trình đếm ngược diễn ra suôn sẻ.

Nhưng 36 giây sau khi phóng phi thuyền, khi hỏa tiễn Saturn V bay xuyên qua các đám mây, hệ thống điện trong khoang điều khiển bị hỏng.

"Cái quái quỷ gì thế này?" Conrad thốt lên.

Đó là phiên đầu tiên Gerry Griffin đóng vai trò giám đốc chuyến bay, ông trực tổng hợp phòng điều khiển bay.

"Họ đã nhận được báo động chính và bảng báo động có đèn cho biết tình trạng hỏng hóc xảy ra ở đâu, và Conrad bắt đầu đọc các thông tin đó,"Griffin nói. "Toàn bộ bảng báo động cơ bản là đã bật sáng hết."

Khi hỏa tiễn tiếp tục bay vào quỹ đạo, Griffin tìm ra một giải pháp. "Cậu trai trẻ này đến từ một trường cao đẳng nhỏ ở miền đông nam Oklahoma có tên là John Aaron, khi ấy tôi đoán là cậu chừng 25 tuổi, đã ra quyết đinh, cậu nói 'bảo ông ấy chuyển SCE sang Aux."

Griffin chưa bao giờ nghe nói đến nút công tắc này nhưng ông đã yêu cầu nhân viên phụ trách truyền thông tin là Gerry Carr phát lại tin nhắn tới phi thuyền.

"Conrad cũng chưa bao giờ nghe nói đến công tắc này, nên ông nói 'chuyển SCE sang Aux là cái quái gì vậy?' nhưng Al Bean biết công tắc đó nằm ở đâu, nó ở ngay trước mặt ông."

Họ bật công tắc đó lên, khoang điều khiển nhanh chóng trở lại kết nối. Và khi các máy tính hướng dẫn được khởi động lại, phi hành đoàn tiếp tục bay đến Mặt Trăng.

Sau này khi các kỹ sư phân tích vụ phóng phi thuyền, họ khám phá ra rằng hỏa tiễn đã tự tạo ra sét, khí thải tạo ra dòng điện giữa các hạt phân tử mang điện tích trong mây và trên mặt đất.

May mắn là tia sét không ảnh hưởng đến máy tính tách riêng dùng cho hỏa tiễn, nhờ vậy dù trải qua trục trặc, máy tính đó vẫn tiếp tục khiến phi thuyền bay đúng hướng.

"Thật hài hước khi nghe phi hành đoàn kể lại sau đó," Griffin cho biết. "Họ cười khúc khích, nó gần như một tai nạn trong xe hơi... chuyến hành trình vào quỹ đạo đó trở nên rất buồn cười sau đó."

Richard Hollingham

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Wed Jul 17, 2019 12:47 am    Tiêu đề: 50 năm chinh phục Mặt Trăng: Thuốc men và sức khỏe

50 năm chinh phục Mặt Trăng: Thuốc men và sức khỏe


Các phi hành gia trên tàu vũ trụ Apollo đã gặp phải những trở ngại sức khỏe và để lại dấu ấn trong sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng.


Wally Schirra phát giác vấn đề đầu tiên khi ông bị cảm trong không gian trong lúc là thành viên phi hành đoàn tàu Apollo 7


24: Là số viên thuốc chống nghẹt mũi mà phi hành đoàn tàu Apollo 7 uống

Được phóng vào ngày 11/10/1968, Apollo 7 là chuyến bay thử nghiệm có người lái đầu tiên của tàu vũ trụ Apollo bay vào quỹ đạo Trái Đất.

Sau tai nạn các phi hành gia trên tàu Apollo 1 thiệt mạng do tai nạn hỏa hoạn, khoang điều khiển đã được thiết kế lại hoàn toàn.

Có rất nhiều thứ phụ thuộc vào nhiệm vụ này. Nếu sứ mệnh Apollo 7 thất bại, có thể Neil Armstrong sẽ không bao giờ được bước đi đầu tiên lên Mặt Trăng. Ít nhất là cho đến cuối thập niên - mục tiêu mà Tổng thống John F Kennedy đề ra vào năm 1961.

Tàu Apollo 7 do một trong những phi hành gia gạo cội nhất Nasa chỉ huy, Wally Schirra. Ông là cựu thành viên của các sứ mệnh Mercury và Gemini trước đó. Cùng với ông trong khoang lái là hai phi hành gia tân binh Don Eisele và Walk Cunningham. Những nhà bình luận dự đoán rằng phi hành đoàn sẽ có nỗ lực đầu tiên trong việc đáp xuống Mặt Trăng.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi phóng tàu, Schirra bị cảm.

"Tác động của trận cảm mà Wally mắc phải là cực kỳ to lớn," Cunningham kể lại. "Wally phải sổ mũi thường xuyên. Ông xì mũi vào khăn giấy Kleenex rồi gấp nó lại, bỏ qua một bên - sau vài lần như thế, Don và tôi đã phải nói, 'Không, không, anh phải dùng mấy cái khăn Kleenex kia nhiều lần hơn nữa."

Khăn giấy đã sử dụng nằm vương vãi đầy khoang lái và trận cảm không chỉ gây khó chịu cho cả phi hành đoàn.

Tình trạng sức khỏe của Schirra khiến ông mệt mỏi, khó chịu, và điều này thể hiện rõ khi ông trao đổi với bộ phận mặt đất.

"Mối quan hệ giữa chúng tôi ở phòng điều khiển bay và phi hành đoàn rất thú vị," Gerry Griffin, giám đốc điều hành chuyến bay ở phòng điều khiển bay nói.

Trong một loạt chuyện trò đầy khó chịu, Schirra từ chối không nghe theo chỉ dẫn, tranh luận về tiến hành và thậm chí ông bảo sếp mình - là phi hành gia từng cùng bay trong sứ mệnh Mercury 7 với ông, Deke Slayton - là hãy đi chết đi.

"Cho đến giờ, ở mức độ nào đó, đó vẫn là điều khó hiểu với tôi," Griffin nói. "Tôi bị sốc. Tôi thực sự bị sốc."

Sau 11 ngày bay trong quỹ đạo, phi hành đoàn trở về Trái Đất. Sứ mệnh là thành công về mặt kỹ thuật, khi chứng minh được khả năng của tàu Apollo.

Trong suốt thời gian diễn ra hành trình, Schirra sử dụng hết toàn bộ khăn giấy và uống tất cả 24 viên thuốc chống nghẹt mũi trong hộp y tế trang bị trên tàu vũ trụ.

Thật không may là hành vi của ông bị coi là hình ảnh của cả phi hành đoàn. Không một ai trong số họ được bay vào không gian lần nữa.


Một số thực phẩm được cho là khiến các phi hành gia bị đầy hơi quá mức - không phải là tình huống hay ho với những người bị bó mình trong bộ trang phục phi hành gia


3: Là số trường hợp bị đầy hơi

Các bác sĩ theo dõi sức khỏe phi hành đoàn trong quá trình bay thu thập thông tin chi tiết về phi hành đoàn tàu Apollo trước chuyến bay, trong suốt hành trình và khi kết thúc sứ mệnh.

Các báo cáo về vấn đề y tế trong chuyến bay bao gồm tình trạng bị ngứa vì đeo thiết bị thu nước tiểu quá lâu, mắt bị khó chịu - và nghiêm trọng nhất trong sứ mệnh Apollo 15 là nhịp tim bất thường.

Một phi hành gia bị trật bả vai khi ông thu thập mẫu vật từ lõi Mặt Trăng, và vì phải hạn chế khẩu phần nước, phi hành đoàn tàu Apollo 13 đã bị rơi vào tình trạng thiếu nước.

Ba phi hành gia này trình báo tình trạng họ bị đầy hơi - mà hầu như là do cách ăn uống gây ra.

Các bác sĩ tin rằng tình trạng tim mạch trong sứ mệnh Apollo 15 là do cơ thể thiếu kali. Vì vậy trong sứ mệnh Apollo 16, bác sĩ tăng lượng trái cây cam quýt trong bữa ăn của phi hành gia.

Khi chỉ huy tàu Apollo 16 John Young bước đi trên Mặt Trăng, ông chia sẻ cảm giác về thực đơn dinh dưỡng mới với người đồng hành Charlie Duke. Những bình luận đó vô tình được chuyển tiếp tới phòng điều khiển bay... và phát ra toàn thế giới.

"Tôi lại trung tiện nữa rồi," ông nói với Duke. "Tôi không biết cái thứ chết tiệt gì đã khiến tôi bị vậy... tôi nghĩ đó là do acid trong dạ dày, tôi thực sự nghĩ vậy."

"Tôi chưa từng ăn nhiều cam quýt tới vậy trong 20 năm! " ông nói thêm. "Và để tôi nói cho anh nghe điều này, trong 12 ngày khốn kiếp tới, tôi sẽ không ăn thêm chút nào nữa."

Bị đầy hơi khi đang bó mình trong bộ cánh phi hành gia là quá đủ tồi tệ rồi, nhưng trong sứ mệnh Apollo 10, một trong các phi hành gia đã không đóng túi phân cẩn thận sau khi đi vệ sinh. Kết quả là đã có những thắc mắc về chuyện phân của ai đang bay quanh họ trong khoang tàu.


Thông thường, nhịp tim của Nei Armstrong ít khi nào tăng hơn 70 nhịp/phút - nhưng trong chuyến hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng - mọi chuyện lại hoàn toàn khác đi


150: Là nhịp tim của Neil Armstrong khi ông đáp xuống bề mặt Mặt Trăng

Chỉ huy tàu Apollo 11 khét tiếng là bình tĩnh và rất tự chủ khi gặp áp lực. Điều đó khiến ông trở thành phi công bay thử nổi trội. Trong suốt sứ mệnh, từ khi phóng tàu đến khi bị đẩy văng xuống biển, nhịp tim trung bình của Neil Armstrong là 71 nhịp mỗi phút.

Vào ngày 20/07/1969, khi tách khỏi khoang điều khiển, Armstrong và Aldrin khởi động động cơ đáp của tàu hạ cánh mặt trăng để giảm tốc và phóng họ vào quỹ đạo Mặt Trăng.

Khi họ hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, với tất cả hệ thống hoạt động bình thường, nhịp tim của Armstrong vẫn khá ổn định ở khoảng 110 nhịp/phút.

Nhưng khi còi báo động máy tính vang lên, nhịp tim của Armstrong bắt đầu tăng.

Nhịp tim ông giảm xuống khi Houston ra lệnh cho phi hành đoàn "tiến hành", nhưng khi họ gần chạm bề mặt và khu vực hạ cánh dự định hóa ra đầy những khối đá lớn, thì nhịp tim của ông tăng cao trở lại.

Ở độ cao 600m, nhịp tim của Armstrong là 120 nhịp/phút. Ở độ cao 300m, nhiên liệu cạn dần, nhịp tim ông tăng đến 150 nhịp/phút và giữ nguyên tốc độ này trong suốt quá trình đáp xuống Mặt Trăng.

Hai phút sau đó, trung tâm điều khiển bay ra lệnh cho phép "ở lại" và áp lực giảm dần, nhịp tim của vị chỉ huy giảm xuống, trở về mức bình thường.

Ngoài tình trạng căng thẳng trong sứ mệnh Apollo 15, một trong những nhịp tim cao nhất từng được ghi nhận trong không gian là trong sứ mệnh Gemini 9.

Vào ngày cuối cùng của hành trình, phi hành gia Gene Cernan phải đi bộ trong không gian để dặt một chiếc túi có trang bị động cơ tên lửa đặt vào bên rìa tàu vũ trụ. Khi ông cố gắng xoay sở để kích hoạt thiết bị mà không có chỗ bám hay dây cột, ông nhanh chóng kiệt sức.

"Đó là một kế hoạch tồi tệ," Cernan kể tôi nghe trong cuộc phỏng vấn được thực hiện vài tháng trước khi ông qua đời. "Mỗi khi tôi vặn một cái van, thì cái van đó vặn tôi."

"Nhịp tim của tôi lên đến 170 nhịp/phút, các bác sĩ gần như nổi điên lên - họ không biết phải làm gì, họ biết tôi đang gặp rắc rối."

Dù bị nóng lên đến mức nguy hiểm và chiếc mũ phi hành gia mờ mịt vì mồ hôi, nhưng ông vẫn có thể quay trở lại tàu vũ trụ và đóng cửa khoang tàu.

"Tom [Stafford] cuối cùng cũng điều áp lại trong tàu vũ trụ và tôi có thể thở," Cernan nhớ lại. "Khi tôi gỡ mũ bảo hiểm ra, ông nói trông tôi như củ cải tím... và ông vớ lấy khẩu súng nước và xịt vào người tôi."


Hai chú chó phi hành gia của Nga tên Belka và Strelka cho thấy động vật có thể vẫn sống khi bay qua vành đai bức xạ quanh Trái Đất


0.2: Là tổng lượng nhiễm phóng xạ mà các phi hành gia trên tàu Apollo chịu, đơn vị tính là rads

Vệ tinh đầu tiên của Hoa Kỳ, có tên là Explorer 1, đã khám phá ra những vành đai phóng xạ cực mạnh - được đặt tên là Vành đai Bức xạ Van Allen - bay vòng quanh Trái Đất.

Dù bay cực nhanh qua chúng và vòng qua khu vực bức xạ mạnh nhất, người ta vẫn lo ngại khả năng các phi hành gia không thể sống sót trong hành trình đến Mặt Trăng và quay lại.

Vào năm 1966, Liên bang Xô Viết phóng hai chú chó không gian qua vành đai mà không thấy chúng bị ảnh hưởng gì. Nhưng các bác sĩ tại Nasa vẫn lo ngại tác động ảnh hưởng đến con người. Vì vậy khi chỉ huy tàu Apollo 8 - sứ mệnh đầu tiên rời quỹ đạo Trái Đất - bị bệnh, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện là có thể ông bị nhiễm phóng xạ.

Frank Borman không gặp vấn đề sức khỏe gì trong chuyến bay kéo dài 14 ngày trên Tàu Gemini 7.

Phi hành đoàn tàu Apollo 7 cũng vậy, họ bay quanh quỹ đạo Trái Đất mà không bị đau bệnh gì.

Nhưng khi tàu Apollo 8 rời quỹ đạo Trái Đất, Borman bị ói mửa.

Ngày nay chúng ta đều biết rằng Borman bị triệu chứng phổ biến là say không gian - do tình trạng không trọng lực gây ra - và ông đã hồi phục sau vài giờ. Sứ mệnh Apollo 8 của ông trở thành một trong những sứ mệnh dũng cảm và thành công nhất trong lịch sử ngành khám phá không gian.

Theo báo cáo bay chính thức của tàu Apollo 11, phi hành đoàn nhiễm xạ ở mức độ 0.2 rads (hay ở mức 0,002 gray theo đơn vị chuẩn quốc tế ngày nay), và đó là mức độ "thấp hơn rất nhiều so với mức độ đáng chú ý về y tế".


Từ tàu Apollo 11, một số phi hành gia từ Sứ mệnh Mặt Trăng phải ở trong khoang biệt lập một tuần khi họ trở về Trái Đất


21: Là số ngày biệt lập sau khi trở về từ Mặt Trăng

Khi phi hành đoàn tàu Apollo 11 rơi xuống Thái Bình Dương, họ không được chào đón bằng những cái ôm và bắt tay. Thay vào đó, một đội hồi phục đến bằng tàu, họ mở khoang tàu ra, và vứt vào đó ba bộ trang phục bảo vệ sinh học và đóng khoang tàu lại.

Khi các phi hành gia xuất hiện, họ đã mặc kín trong những trang phục đó - mặt họ bị che kín bằng mặt nạ phòng độc.

Chỉ sau khi được trực thăng đưa đến hàng không mẫu hạm USS Hornet và bước vào khoang tàu thích nghi đặc biệt Airstream, họ mới được cởi bộ áo ra và thở bình thường.

Khoang Airstream bóng loáng màu bạc được gọi là Cơ sở Biệt lập Di động (MQF) và được thiết kế để bảo vệ Trái Đất khỏi bất cứ loại côn trùng nguy hiểm nào từ Mặt Trăng - và những lây nhiễm từ mầm bệnh trong không gian.

Bên trong khoang biệt lập, phi hành gia có thể nghỉ ngơi và họ được quan sát để xem có bất cứ triệu chứng bệnh nào từ chuyến hành trình Mặt Trăng hay không.

Tương tự, bất cứ ai cầm các mẫu đá từ Mặt Trăng mà phi hành gia mang về Trái Đất đều phải bị biệt lập và theo dõi.

"Đó là một khoang xe tải Airstream được lắp đặt trên một đế vận chuyển hàng hóa cho máy bay vận tải quân sự, vì thế người ta có thể đưa chúng lên máy bay vận tải," Bob Fish, từng làm việc trên tàu USS Hornet, nói.

Tàu này giờ đây được dùng làm bảo tàng ở Oakland, California. Khoang biệt lập di động MQF từ tàu Apollo 14 được trưng bày trên khoang đậu máy bay của tàu.

Khoang biệt lập được lắp hệ thống lọc không khí, có nhà bếp, phòng khách và phòng ngủ. Fish nói khoang này khá sang trọng.

"Ba người ở trong khoang lái tàu vũ trụ nhỏ xíu đó trong bảy đến tám ngày bò qua bò lại sát nhau, không có chút riêng tư gì, không được ngủ," ông cho biết. "Vì vậy nơi này thực ra trông như ngôi đền Taj Mahal với họ - họ có giường riêng, có buồng vệ sinh, có phòng tắm, họ có một nơi tử tế để ăn thức ăn thật."

Thời gian biệt lập trong khoang riêng và sau đó ở cơ sở tại Houston cũng giúp các phi hành gia trên tàu Apollo 11 có thể trấn tĩnh lại và viết báo cáo về sứ mệnh họ vừa hoàn thành, trước khi họ bước vào chuyến du hành khắp thế giới trong vai trò là những người nổi tiếng nhất hành tinh.

Richard Hollingham

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Thu Jul 18, 2019 11:51 pm    Tiêu đề: 50 năm chinh phục Mặt Trăng: Vận tốc, khoảng cách

50 năm chinh phục Mặt Trăng: Vận tốc, khoảng cách


Mặt Trăng có lẽ chỉ có trọng lực bằng một phần sáu Trái Đất, nhưng các phi hành gia vẫn kiệt sức khi họ nhảy trên bề mặt Mặt Trăng. Vậy họ đã đi bộ được bao xa?


Các phi hành gia đã đem về hơn 360kg đá Mặt Trăng để nghiên cứu trên Trái Đất


362: Là tổng khối lượng đá mặt trăng đã được thu thập, tính bằng kilograms

Chương trình Apollo được coi là thách thức chính trị để đánh bại người Nga trong hành trình chinh phục Mặt Trăng. Để đạt mục tiêu, Apollo trở thành thách thức kỹ thuật, và cuối cùng trở thành thách thức khoa học - cần phải bảo đảm để các phi hành gia làm được điều hữu ích khi họ tới được Mặt Trăng.

Để làm được điều này, vấn đề then chốt là cần phải huấn luyện phi hành đoàn Apollo trong lĩnh vực khảo sát địa chất. Bên cạnh nhiều khóa học khác nhau, các phi hành gia cũng đi thực địa ở Hawaii, Mexico, Iceland và Đức. Họ học về cấu trúc đá, núi lửa và các hố va chạm thiên thạch.

"Việc đó cực kỳ vui," phi công ở khoang điều hành của phi thuyền Apollo 15 Al Worden nói. "Chúng tôi tự phác họa các hình ảnh trong tâm trí để xem mình muốn tìm kiếm thứ gì."

Trên Mặt Trăng, các phi hành gia được trang bị búa, xẻng và khoan. Thế còn phi công khoang điều khiển bay trong quỹ đạo mặt trăng như Worden sẽ quan sát các khu vực rộng lớn hơn nhiều.

"Tôi bay phía trên khu vực hạ cánh và mô tả các tính chất khái quát ở khu vực đó; các chi tiết này bổ sung cho những gì họ tìm thấy trên bề mặt," Worden kể lại. "Tôi nghĩ việc đó thực sự đã giúp dựng lại bức tranh về Mặt Trăng."

Nhà địa chất học đầu tiên (và cũng là duy nhất) đến Mặt Trăng là Harrison Schmitt. Trong sứ mệnh Apollo 17, ông khám phá ra những hạt đá màu cam - bằng chứng mạnh mẽ cho thấy có hoạt động núi lửa trên Mặt Trăng. Phi hành đoàn đem về khoảng 741 mẫu vật, cân nặng khoảng 111kg.

2.200 mẫu đá và đất thu thập từ Mặt Trăng được đưa đến phòng thí nghiệm tiếp nhận mẫu phẩm ở Houston. Tuy nhiên, các phi hành gia, ít nhất là các thành viên trong chuyến Apollo 11, trước tiên là phải điền vào mẫu khai báo quan thuế.

Đá mặt trăng từ đó đã được hiến tặng lại cho chính phủ, bảo tàng hoặc cho các học viện khoa học mượn để nghiên cứu. Một số mẫu đá khác vẫn còn khóa trong thùng lưu trữ, chưa bao giờ được chạm tới từ khi thu thập về Trái Đất.

Phân tích mẫu vật đã tiết lộ lịch sử Mặt Trăng và đem lại bằng chứng mạnh mẽ cho thấy Trái Đất và Mặt Trăng được hình thành từ tác động khổng lồ giữa hành tinh thuở ban sơ và vật thể thiên văn khác.


Bằng cách đi bộ và dùng xe rover, các phi hành gia phi thuyền Apollo đã di chuyển được khoảng 60 dặm trên bề mặt Mặt Trăng


60: Là số dặm các phi hành gia di chuyển trên Mặt Trăng

Những người điều hành sứ mệnh hài lòng vì Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã không đi lang thang xa khỏi nơi phi thuyền đáp, nơi để họ có thể trở về nhà. Khoảng cách xa nhất mà phi hành đoàn đi bộ được là đi đến gần một miệng núi lửa gần đó, cách xa khoảng nửa dặm.

Nhưng khi các sứ mệnh tiếp tục tiến triển và thời gian ở lại bề mặt Mặt Trăng tăng lên, các phi hành gia đã đi bộ xa hơn. Thậm chí trong tình trạng trọng lực chỉ bằng một phần sáu Trái Đất, thì nhảy vòng quanh Mặt Trăng cũng rất mệt và họ chỉ đi được với khoảng cách hạn chế.

Trong sứ mệnh Apollo 15 vào năm 1972, Dave Scott và Jim Irwin được lái chiếc xe rover đầu tiên trên Mặt Trăng. Với tốc độ tối đa khoảng 16km/giờ, chiếc xe điện có thể chở họ đi khoảng 14 dặm.

"Chiếc xe rover vận hành khá tốt... tôi có thể điều khiển xe tương đối thuận lợi." Scott báo cáo với cơ quan điều khiển nhiệm vụ. "Nó vượt qua những núi lửa nhỏ khá dễ dàng nhưng có vẻ như chúng tôi cần có thiết bị thắt dây an toàn."

"Nghe hệt như hướng dẫn dành cho người sử dụng vậy, Dave ạ," cơ quan điều khiển nhiệm vụ mặt đất đáp lại ông.

Kỷ lục lái xe trên Mặt Trăng hiện vẫn do người cuối cùng đáp xuống Mặt Trăng, Gene Cernan, nắm giữ. Trong chuyến bay Apollo 17 mà ông đáp xuống Mặt Trăng cùng Harrison Schmitt, ông đi được đến 22 dặm (khoảng 35km) theo đồng hồ - di chuyển tới mức tối đa cách khỏi phi thuyền, bốn dặm.


Apollo 11 Lunar Module interior


4,5: Là thể tích khoang phi thuyền sinh hoạt, tính bằng mét khối

Sau sự căng thẳng của chuyến đáp xuống Mặt Trăng và hai giờ rưỡi đi bộ trên bề mặt Mặt Trăng, Neil Armstrong và Buzz Aldrin đóng khoang phi thuyền đáp và điều chỉnh áp suất khoang điều khiển. Họ đã kiệt sức. Trước khi bay trở lại khoang điều khiển trong quỹ đạo, họ có lịch trình đi ngủ.

"Khoảng thời gian nghỉ ngơi gần như chẳng được gì," Armstrong sau đó viết trong báo cáo chuyến bay. "Tiếng ồn, ánh sáng và nhiệt độ thấp hơn mong đợi khiến cho cảm giác thật khó chịu."

Khoang phi thuyền đáp xuống mặt trăng đã chứng tỏ được rằng nó là một phi thuyền cực kỳ tuyệt vời, nhưng khi đóng vai trò là khoang sinh hoạt thì nó không hề tiện nghi chút nào. Vỏ hình trụ cồng kềnh của động cơ đẩy - trồi lên như một cái thùng chình ình giữa khoang điều khiển - khiến cho không gian trên sàn chẳng còn được bao nhiêu.

Armstrong định ngủ ngay trên vỏ động cơ còn Aldrin ngủ trên sàn.

"Các tấm chặn cửa sổ không che hoàn toàn được ánh sáng, khoang điều khiển thì phát sáng bởi một loạt ánh sáng qua xuyên qua tấm chặn kết hợp với đèn báo động và đèn màn hình," Armstrong phàn nàn.

"Tiếng ồn từ các máy bơm glycol sau đó to tới mức khiến giấc ngủ bị ngắt quãng," ông viết thêm. "Phi công khoang phi thuyền đáp mặt trăng [Aldrin] ước tính anh chỉ ngủ ngắt quãng trong khoảng hai giờ và người chỉ huy thì không thể ngủ được gì cả."

Trong các sứ mệnh không gian sau đó, phi hành gia chỉ mặc đồ lót ngủ trên võng. Tuy nhiên, với tất cả sự hứng khởi khi đến Mặt Trăng thì chỉ có một số người báo cáo là họ có giấc ngủ ngon.


Phi thuyền đáp xuống mặt trăng có thiết kế vô cùng xuất sắc - nhưng lại không trang bị tiện nghi đủ mức cho phi hành đoàn hai người


7: Là vận tốc tối đa khi quay trở lại Trái Đất, tính bằng dặm trên giây

Ngày 27/12/1968, phi hành đoàn phi thuyền Apollo 8 đã trở thành một trong những người bay nhanh nhất trong lịch sử. Sau khi bay đến Mặt Trăng, Frank Borman, Jim Lovell và Bill Anders chuẩn bị quay trở về bầu khí quyển Trái Đất. Họ đã bay với vận tốc 36.303 feet/giây (tương đương gần 7 dặm/giây).

Đây có thể là phép thử cuối cùng cho khoang điều khiển phi thuyền Apollo và lớp vỏ nhựa chống nhiệt của phi thuyền, được thiết kế để bảo vệ phi hành đoàn khỏi nhiệt độ lên đến 3.000 độ C.

"Chúng tôi sử dụng bầu khí quyển để giảm tốc độ," Borman kể lại. "Từ góc độ vật lý, đó là phần gian truân nhất của sứ mệnh vì chúng tôi phải di chuyển với vận tốc nhanh gấp sáu lần Lực G (lực rơi tự do) trong một thời gian dài, và điều đó khiến cho việc hít thở trở nên khó khăn. Nó giống như ta đang bay trong một cái bóng đèn neon hay một cái đèn hàn vậy - đó là phần hào hùng nhất của chuyến bay."

Nhưng đó không phải là điều bất tiện nhất. Rơi xuống Thái Bình Dương vào ban đêm, chiếc phi thuyền đã bị lật úp, khiến các phi hành gia phải ngồi kẹt tại ghế.

"Phi thuyền là một chiếc thuyền rất tệ," Borman kể. "Chúng tôi phải chờ khoảng hai giờ cho đến khi trời sáng vì Hải quân không muốn cho thợ lặn ra quân khi ở đó có cá mập. Tôi bị say sóng biển và nôn lên khắp người Anders và Lovell," ông kể. "Tới giờ tôi vẫn nghe về chuyện đó."

Tốc độ kỷ lục của họ không duy trì được nhiều tháng. Kỷ lục về chuyến bay trở về Trái Đất và cũng là kỷ lục về tốc độ nhanh nhất con người từng đạt tới đã thuộc về phi hành đoàn phi thuyền Apollo 10. Trong tháng 5/1969, họ trở về Trái Đất với vận tốc 36.397 feet/giây (nhanh hơn 94 feet/giây so với Apollo 8), tương đương với 39.705 km/giờ (đạt gần 7 dặm/giây).


Phi hành đoàn có ba ngày rưỡi gần như không có việc gì trong làm trong hành trình từ Trái Đất đến Mặt Trăng


238.855: Là khoảng cách đến Mặt Trăng, tính bằng dặm

Sau cơn căng thẳng của chuyến đáp xuống Mặt Trăng, một số phi hành gia cảm thấy cuộc du hành đến Mặt Trăng khá nhàm chán.

"Trong ba ngày rưỡi chúng tôi chẳng làm gì cả," phi công khoang điều khiển của phi thuyền Apollo 15, Al Worden, cho biết. "Tất cả những gì chúng tôi phải làm là đợi cho đến khi chúng tôi đến Mặt Trăng và đó là khoảng thời gian khá nhàm chán."

Khi Trái Đất dần lùi xa, các phi hành gia nói chuyện, đọc sách, nghe nhạc, hoặc cố gắng tập thể thao bằng dây kháng lực. Họ cũng tham gia vào chương trình truyền hình. Bạn có thể liên tưởng việc này giống với việc bị mắc kẹt trong một chiếc xe nhỏ với hai đồng nghiệp, thỉnh thoảng ngồi phát trực tiếp kể lại kinh nghiệm.

"Có một vài khoảnh khắc trong ngày trong chuyến bay đi chúng tôi cảm thấy cần phải điều chỉnh quỹ đạo hành trình," ông nói thêm. "Đó là điều thú vị nhất chúng tôi thực hiện khi bay."

Lý do chúng ta biết khoảng cách đến Mặt Trăng chính xác như vậy nhờ vào một trong những thí nghiệm được lắp đặt trên bề mặt Mặt Trăng trong sứ mệnh của Worden.

Các phi hành gia phi thuyền Apollo 11, 14 và 15 bỏ lại các thiết bị đo khoảng cách bằng tia laser (Laser Ranging Retroreflectors - LRR). Những chiếc gương đặc biệt đó được thiết kế để phản chiếu tia laser chiếu qua một kính viễn vọng từ Trái Đất. (Thật tình cờ là nếu bạn muốn đổi khoảng cách này sang chiều dài cuộc chạy marathon, bạn sẽ cần chạy 9.186 cuộc marathon để đạt được con số trên).

Chúng vẫn còn được sử dụng đến ngày nay và đã giúp các nhà thiên văn hiểu rõ hơn về quỹ đạo Mặt Trăng. Họ cũng khám phá ra rằng Mặt Trăng đã bay xa hơn khỏi Trái Đất - nó hiện dần xa Trái Đất thêm 38mm mỗi năm.

Richard Hollingham

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Wed Jul 24, 2019 12:43 am    Tiêu đề: 50 năm chinh phục Mặt Trăng: Thực phẩm

50 năm chinh phục Mặt Trăng: Thực phẩm

Phi hành đoàn Apollo 11 ăn món bò bít tết và trứng trước khi cất cánh - bữa ăn "có dư lượng thấp" khiến họ không cần phải đi vệ sinh ngay sau khi phi thuyền cất cánh


Những sứ mệnh không gian kéo dài nhiều ngày đòi hỏi các phi hành gia cần có thực phẩm phẩm chất cao. Nhưng làm sao để họ nấu ăn trong vũ trụ?



170: Là cân nặng của khẩu phần bò bít tết ăn sáng của các phi hành gia, tính theo đơn vị gram

Mỗi phi hành gia Nasa từ thời Alan Shepard hồi năm 1961 đều được mời bữa sáng ngon lành trước khi bay vào không gian.

Tất cả các bữa ăn trước chuyến bay Apollo được chuẩn bị đặc biệt về mặt dinh dưỡng, về lượng calorie và đặc biệt là theo yêu cầu của các bác sĩ là "có dư lượng thấp".

Nói cách khác, các bữa ăn ít chất xơ sẽ khiến phi hành gia không cần phải đi vệ sinh sớm sau khi cất cánh.

Những sứ mệnh không gian đầu tiên cũng hạn chế việc cho uống cà phê trước khi phóng phi thuyền, do đây là thức uống kích thích lợi tiểu. Chuyến bay Mercury của Shepard chẳng hạn, chỉ diễn ra trong 15 phút nên các bác sĩ xác định rằng ông có thể tránh đi tiểu cho tới khi phi thuyền được thả về mặt đất. Không may thay, họ không tính tới khoảng thời gian bị trì hoãn khi đếm ngược.

"Họ đặt Alan Shepard vào đỉnh tên lửa mà không có cách nào để ông đi tiểu," phóng viên Jay Barbree, người bình luận về sứ mệnh không gian của Hoa Kỳ trên Đài NBC Mỹ, nói.

"Sau hai giờ, ông bắt đầu than phiền và khổ sở xin phép được tiểu trong trang phục không gian - cuối cùng thì họ cũng cho phép ông làm vậy." Nhà phi hành gia này sau đó thấy đỡ hơn nhưng cảm biến y tế thì rối loạn lên.

Những phi hành gia bay trên phi thuyền Apollo thường sử dụng thiết bị thu thập nước tiểu cá nhân - giống như bao cao su - và kết nối với hệ thống giải quyết đẩy chất thải từ một cổng bên hông phi thuyền.

Với chất thải rắn thì có túi nhựa và hầu hết các phi hành gia cố gắng tránh đi vệ sinh ở mức tối đa. Người đầu tiên phải đi vệ sinh trên phi thuyền Apollo 7 là Walk Cunningham.

"Rất khó để mọi thứ vận hành đúng như dự tính," ông kể lại với tôi. "Bạn có thể hứng được mọi thứ nhưng sau đó bạn cần phải lấy được mấy viên thuốc từ trong cái túi đó rồi phải bỏ thời gian trộn những viên đó với đủ thứ bạn đang đựng trong đó - không hay ho gì."


Nasa tính toán rằng những phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng cần đến 2.800 calories mỗi ngày


2.800: Là lượng calories tiêu thụ hàng ngày

Người Mỹ đầu tiên ăn bữa ăn trong không gian là John Glenn. Trong chuyến bay kéo dài 5 giờ, ông thử nghiệm ăn qua một ống tuýp - hơi giống như tuýp kem đánh răng - đựng món táo nghiền nhuyễn. Hành động đó chứng minh được rằng mọi người có thể nuốt và tiêu hóa thức ăn trong tình trạng không trọng lực.

Với các sứ mệnh Gemini có hai người tham gia vào giữa thập niên 1960, các phi hành gia được phân phối 2.500 calories một ngày và ăn thức ăn đựng trong túi nhựa chứa thức ăn được làm khô, đông lạnh do công ty Whirlpool sản xuất (là hãng chuyên sản xuất thiết bị gia dụng).

Làm khô, đông lạnh thức ăn là quá trình gồm có nấu thức ăn, nhanh chóng làm đông lạnh chúng và sau đó làm ấm lên từ từ trong một lò chân không để loại bỏ các phân tử băng do quá trình đông lạnh tạo ra.

Các phi hành gia xịt nước qua vòi phun để làm ướt thức ăn và nhào hỗn hợp đó thành một khối chất lỏng đặc và dính. Các bữa ăn ngon lành hơn món ăn từ ống tuýp trên phi thuyền Mercury, và có nhiều hương vị như bò và nước sốt thịt, nhưng nước thì lạnh, nên thức ăn thường kém ngon đi.

Trong sứ mệnh Gemini đầu tiên - phi thuyền Gemini 3 vào năm 1965 - John Young gây ra một vụ bê bối nhỏ, và đó là điểm trừ duy nhất trong sự nghiệp phi hành gia đầy mẫu mực của ông. Đó là ông lén đem một cái sandwich thịt bò xay lên khoang. Chuyện như đùa này có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng với phi thuyền, vì người ta lo sợ rằng những mẩu vụn bánh có thể gây chập mạch điện trên phi thuyền.

Trong các sứ mệnh Apollo, mà phi hành gia có thể tập thể dục chút ít trong khoang và nỗ lực đến được Mặt Trăng, các nhà dinh dưỡng học của Nasa tăng lượng calorie tiêu thụ lên mức 2.800.

Thức ăn không chỉ ngon hơn, mà súng nước - cung cấp nước từ các khối nhiên liệu của phi thuyền - đã có cả nước nóng và lạnh. Và bữa ăn không chỉ được ăn bằng ống hút, mà các phi hành gia thậm chí có thể dùng muỗng ăn một số loại thức ăn.


Thực phẩm của các phi hành gia rất giàu dinh dưỡng - nhưng không hẳn là rất ngon miệng


6: Là số lượng túi bánh dứa

Khoang ăn của phi thuyền Apollo luôn chứa đầy quà vặt. Cùng với sáu khẩu phần bánh dứa trái cây, còn có nhiều túi bánh brownie, bánh sô-cô-la và kẹo dẻo trái cây.

Để họ thấy ngon miệng hơn, còn có bánh quy nhạt ăn kèm phô-mai và thịt bò khô BBQ. Các phi hành gia phi thuyền Apollo thậm chí được phân phối 15 gói kẹo chewing gum, mỗi gói có 4 thanh kẹo.

Một bữa ăn thông thường trên phi thuyền Apollo 17 gồm có món chính là cơm và thịt gà, tráng miệng bằng món pudding rưới sốt bơ và "bánh quy Graham Cracker". Họ có thể ăn cùng với cà phê uống liền, nước trà, ca-cao hay nước chanh.

Các sứ mệnh từ Apollo 15 trở về sau còn có những "thanh dinh dưỡng có dưỡng chất xác định" ít hấp dẫn hơn.

Đó là tiền thân của các thanh dinh dưỡng thời bây giờ. Chúng được đặt phía trước mũ bảo hiểm của phi hành gia trong quá trình họ đi bộ trên Mặt Trăng cùng với ống nước uống. Cách này cho phép họ ăn uống - uống nước hoặc thức uống có vị trái cây - trong chuyến du hành kéo dài trên bề mặt Mặt Trăng.

Dù có phương pháp dinh dưỡng đa dạng và tăng cường lượng calories, hầu hết mọi phi hành gia đều giảm cân trong quá trình thực hiện sứ mệnh.

Neil Armstrong giảm 4kg trong chuyến bay Apollo 11. Trong sứ mệnh Apollo 13, chỉ huy Jim Lovell giảm 6kg, một phần là vì bị mất nước vì chỉ được uống theo khẩu phần.

Kể từ chương trình Apollo, thực phẩm trong không gian tiếp tục có nhiều bước tiến bộ.

Ngày nay các phi hành gia ăn gần như phương pháp ăn bình thường mặc dù họ thường thèm trái cây tươi và rau xanh - đó là món ăn hiếm chỉ có được khi phi thuyền vận tải hàng đến.


Apollo 11 Space Food (Five Packages) in Original Display from the | Lot #50072 | Heritage Auctions


0: Là số ly rượu brandy được tiêu thụ

Giáng Sinh năm 1968, và phi hành đoàn Apollo 8 đang trên đường từ Mặt Trăng trở về.

Họ có một túi quà đặc biệt gây kinh ngạc từ lãnh đạo đội phi hành gia, Deke Slayton. Bên trong túi là một bữa ăn Giáng Sinh trọn vẹn - có đầy đủ gà tây, sốt thịt và sốt nam việt quất, và túi thức ăn đó thậm chí còn không cần phải xịt nước vào cho mềm ra.

"Đó là một gói thực phẩm mới mà chúng tôi chưa từng được thử trước đó," chỉ huy của phi hành đoàn Frank Borman kể lại. "Chúng tôi có bữa ăn ngon nhất trong chuyến hành trình vào Lễ Giáng Sinh - tôi thực sự rất vui vì được ăn gà tây, sốt thịt và tất cả mọi món."

Nhưng Slayton còn gửi thêm cho họ một món quà gây ngạc nhiên khác. "Ông ấy đã tuồn lên khoang phi thuyền cho chúng tôi ba ly rượu brandy," Borman kể lại. "Nhưng chúng tôi đã không uống."

"Nếu có bất cứ gì không hay xảy ra, người ta có thể đổ lỗi cho rượu brandy vì vậy chúng tôi mang rượu về nhà," ông nói. "Tôi không biết điều gì đã xảy ra với ly rượu của tôi - có lẽ giờ nó đáng giá rất nhiều tiền."

Thức uống có cồn đã từng được uống trong không gian - hầu hết là với lượng rất nhỏ, do các phi hành gia người Nga uống trong trạm không gian vũ trụ thời ban đầu.

Tuy nhiên, giờ đây thức uống có cồn bị cấm trên Trạm Không gian Quốc tế. Thậm chí một lượng nhỏ cũng có thể phá hỏng hệ thống phức hợp khôi phục nguồn nước của trạm, là hệ thống lấy nước từ mồ hôi và nước tiểu của phi hành gia.


Không có lò nấu, thức ăn phải được nhào trộn bằng cách thêm nước lạnh vào


15: Là số lượng phần ăn nấu sẵn có thể hâm nóng bằng lò vi ba mà phi hành đoàn phi thuyền Apollo 11 đã ăn

Trong danh sách dài những lợi ích loài người có được từ chương trình không gian thì thức ăn nấu sẵn có lẽ là một ứng viên bất ngờ.

Nhưng không có Apollo thì lò vi ba mà ngày nay rất nhiều người sở hữu trong nhà bếp hay hàng triệu phần ăn đóng gói nấu sẵn được tiêu thụ mỗi ngày có lẽ đã không bao giờ được phát triển.

Đúng như vậy... chương trình Apollo đã góp phần vào đại dịch béo phì toàn cầu.

Khi Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins trở về từ Mặt Trăng và đang phải ở lại trên tàu USS Hornet, họ sống vài ngày đầu tiên ở Cơ sở Cách ly Di động (MQF) để bảo vệ thế giới khỏi bất cứ loại dịch bệnh gì có thể đến từ mặt Trăng.

Mặc dù MQF có nhiều ghế ngồi tiện nghi, giường và nhà vệ sinh và nhà tắm, nhưng không gian để nấu ăn thì rất hạn chế.

Không có phòng hay lò nướng truyền thống - và để giảm thiểu nguy cơ gây cháy - Nasa tìm kiếm một giải pháp sáng tạo.

"Đây là lò vi ba mái bằng đầu tiên, phát triển cho chương trình không gian Apollo," Bob Fisher, người đại diện từ tàu Hornet, giờ là bảo tàng ở Oakland, California, nói. "Nasa tìm đến công ty Litton Industries, là công ty đã phát triển lò vi ba khổng lồ mà con người có thể bước vào trong, và đề nghị họ thu nhỏ chiếc lò lại để nó có thể vừa với không gian như vậy," Fish nói.

"Thế là họ thu nhỏ nó lại, và lần đầu tiên những người này thử lò bằng cách bỏ vài quả trứng vào và bấm nút khởi động - chiếc lò làm nổ tung mấy quả trứng vì họ không giảm năng lượng xuống mà chỉ giảm kích thước chiếc lò xuống."

Sau những khó khăn ban đầu đó, lò vi ba cho thấy đây là thành quả to lớn, cho phép các phi hành gia hâm nóng thức ăn đông lạnh mỗi ngày.

Điều này có nghĩa là có những bữa sáng được nấu trọn vẹn, có sườn bò và thậm chí tôm hùm. Tráng miệng thường có kem, bánh quả hồ đào và bánh ga-tô anh đào.

Một khi các phi hành gia được đưa đến Houston và chuyển đi (vẫn ở diện cách ly) đến Phòng Thí nghiệm Các Mẫu phẩm từ Mặt Trăng, thực phẩm tiếp tục có tiến bộ hơn. Họ được ăn thức ăn nấu tươi tại bàn với khăn trải bàn trắng mới tinh.

Richard Hollingham

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Tue Jul 30, 2019 12:45 am    Tiêu đề: 50 năm chinh phục Mặt Trăng: Chi Phí

50 năm chinh phục Mặt Trăng: Chi Phí


25 tỷ: Tổng chi phí cho chương trình Apollo, tính bằng đô la Mỹ

Vị tổng thống cam kết đưa con người lên Mặt Trăng trong thập niên đó không phải là người đam mê khám phá vũ trụ.

"Tôi không hứng thú với không gian đến mức như vậy," Tổng thống John F Kennedy nói với giám đốc Nasa, James Webb, trong cuộc gặp riêng tại Nhà Trắng vào năm 1962. Tôi nghĩ việc đó là tốt, tôi nghĩ chúng ta nên biết về nó, chúng ta sẵn sàng chi một khoản tiền hợp lý, nhưng giờ ta đang bàn đến một chuyến viễn du tráng lệ có thể làm sập ngân khố."

Cuộc đối thoại được Thư viện Tổng thống John F Kennedy công bố, tiết lộ động cơ thật của ngài tổng thống: là đánh bại Liên bang Xô Viết.

"Theo ý kiến của tôi, thực hiện việc này đúng thời điểm hoặc theo thời thượng, là vì ta hy vọng đánh bại họ," ông nói, "và từ đó cho thấy đằng sau việc này, như chúng ta đã làm nhiều năm trước, ơn Chúa, ta đã qua mặt họ."

Nhưng chi phí để chiến thắng trong cuộc chạy đua vào vũ trụ sẽ là khổng lồ. Tổng chi phí ước tính cho chương trình Apollo khoảng 25 tỷ đô la Mỹ, tương đương với 175 tỷ đô la Mỹ ngày nay.

Vào năm 1965, quỹ đầu tư cho Nasa lên tới đỉnh điểm là khoảng 5% chi phí của chính phủ, ngày nay con số đó là một phần mười mức đó.

Hàng tỷ đô đó đổ vào việc chế tạo hỏa tiễn, phi thuyền, máy tính, bộ phận điều khiển trên mặt đất và trả lương cho khoảng 400.000 nhân viên làm việc để đưa được chỉ có 12 người lên Mặt Trăng.


Sau tai nạn gần như thảm họa xảy ra với phi thuyền Apollo 13, sự hứng thú của dân chúng với chương trình không gian giảm sút.


34: Là số % dân chúng đồng ý thực hiện sứ mệnh Mặt Trăng vào năm 1967

Số tiền 25 tỷ đô chi cho việc đưa người lên Mặt Trăng liệu đã được chi xài đứng đắn? Những người Mỹ phải đóng thuế vào năm 1967 không nghĩ vậy.

Tài liệu khảo sát thời điểm đó do Roger Launius từ Bảo tàng Quốc gia về Hàng không và Không gian ở Washington DC thu thập và xuất bản trên tạp chí Chính sách Không gian (Space Policy Journal) cho thấy dân chúng Hoa Kỳ không cảm thấy thuyết phục với ý tưởng cho rằng chương trình không gian là ưu tiên quốc gia.

Thậm chí vào năm 1961, vào giai đoạn đỉnh cao nỗi sợ Xô Viết sẽ thôn tính không gian, thì khá nhất là dân chúng có cảm giác miễn cưỡng phải chi cho chương trình Apollo. Các cuộc khảo sát vào tháng Sáu năm đó cho thấy có sự chia cắt giữa những người ủng hộ chính phủ chi cho "hành trình đưa người lên Mặt Trăng" và những người chống lại chương trình đó.

Vào 1/1967, sau vụ phi thuyền Apollo 1 bốc cháy khiến ba phi hành gia thiệt mạng ngay trên bệ phóng, hơn nửa số người được khảo sát phản đối sứ mệnh không gian này.

Chỉ ngay sau khi phi thuyền Apollo 11 đáp xuống Mặt Trăng vào năm 1969 thì dự án mới được dân chúng ủng hộ rộng rãi. Chín tháng sau đó, sau thảm họa xảy ra với phi thuyền Apollo 13, sự ủng hộ với chương trình không gian lại giảm sút.

Khi Gene Cernan và Harrison Schimitt đi bộ trên Mặt Trăng trong hành trình Apollo 17, gần 60% dân chúng Mỹ tin rằng quốc gia đang chi quá nhiều cho việc khám phá không gian.

Tuy nhiên đến thời điểm này, ngân sách cho hoạt động khám phá không gian đã bị cắt giảm và các sứ mệnh đến Mặt Trăng sau đó bị hủy.

Thật hoang đường nếu tin rằng các sứ mệnh Apollo được thực hiện với sự ủng hộ rộng rãi từ dân chúng. Nếu như các kết quả khảo sát là đáng tin cậy, thì hầu hết người Mỹ đều muốn thà là tiền tiêu vào việc khác còn hơn.


Y phục phi hành gia do một công ty may áo lót phụ nữ thực hiện


100 ngàn: Là chi phí cho một bộ đồ phi hành gia trên phi thuyền Apollo, tính bằng đô la Mỹ

Y phục phi hành gia được thiết kế để đi bộ trên Mặt Trăng phải cần phải bền, chắc và hỗ trợ tốt. Cho nên không ngạc nhiên gì khi Nasa trao việc đó cho một hãng chuyên sản xuất áo lót phụ nữ - International Latex Corporation.

Mỗi bộ y phục may đo riêng được làm từ nhiều lớp sợi nhựa, cao su và cáp kim loại. Tất cả được phủ bằng vải nhúng Teflon, và được khâu bằng tay bởi một nhóm thợ khâu.

Y phục phi hành gia phi thuyền Apollo có một phần balo rời chứa hệ thống hỗ trợ duy trì sự sống - và điều này trên thực tế biến cả bộ y phục thành một dạng phi thuyền. Với các khớp nối linh hoạt để phi hành gia có thể cử động tốt, y phục này là bước tiến vượt bậc so với những thiết kế cho Gemini, chương trình không gian trước đó của Nasa.

"Y phục cho phi thuyền Gemini thực sự là một vấn đề, và không nghi ngờ gì, hạn chế thực sự của nó là khả năng hoạt động của chúng tôi khi ra khỏi phi thuyền phi thuyền," phi hành gia Rusty Schweickart trong sứ mệnh Apollo 9 nói.

Trong cuộc đi bộ trong không gian vào 3/1969, Schweikart trở thành người đầu tiên thử bộ y phục mới, bước ra ngoài phi thuyền Apollo trong quỹ đạo Trái Đất.

"Nó thực sự khiến tôi độc lập so với phi thuyền - tôi không bị phụ thuộc vào dây kết nối với khoang điều khiển dịch vụ mà chỉ có một sợi dây để giúp tôi không bị cuốn trôi đi," ông cho biết. "Bạn bè tôi sẽ phải chạy trên bề mặt Mặt Trăng và họ không thể lôi một sợi dây kết nối nặng trong suốt một dặm đường trên bề mặt, vì vậy chúng tôi cần phải có chiếc balo độc lập đó."

Với các sứ mệnh Apollo về sau, y phục phi hành gia được nâng cấp một lần nữa để tăng độ linh hoạt, cho phép phi hành gia ngồi trên xe địa hình trên Mặt Trăng.


Việc sản xuất ra phi thuyền đáp Mặt Trăng tốn gần 400 triệu đô la Mỹ


388 triệu: Là chi phí chế tạo phi thuyền đáp xuống Mặt Trăng, tính bằng đô la Mỹ

Trước khi phi thuyền Apollo 11 được phóng đến Mặt Trăng, Tổng thống Richard Nixon chuẩn bị hai bài diễn văn - một cho trường hợp thành công và một bài khác trong trường hợp các phi hành gia bị bỏ lại.

"Định mệnh đã an bài cho những người đến Mặt Trăng khám phá trong hòa bình sẽ yên nghỉ lại Mặt Trăng," bài diễn văn đó viết. "Những người đàn ông dũng cảm đó, Neil Armstrong và Edwin Aldrin, biết rằng họ không có hy vọng trở về, nhưng họ biết loài người sẽ có hy vọng từ sự hy sinh của họ."

Chưa ai từng chế tạo một cỗ máy có thể đưa hai người đáp xuống hành tinh khác an toàn - và quan trọng hơn - là đưa họ trở về. Phi thuyền đáp xuống mặt trăng có khung khá mỏng manh, vách mỏng và những chiếc chân mảnh khảnh chỉ có thể vận hành trong không gian.

Phi thuyền đáp được chia làm hai phần, gọi là hai tầng, tầng hạ cánh với đế đáp và tầng cất cánh với một động cơ đưa hai phi hành gia quay trở lại phi thuyền mẹ trong quỹ đạo Mặt Trăng. Nếu động cơ cất cánh bị hỏng thì không có cách nào đưa phi hành đoàn trở về nhà.

"Đó là một trong số rất ít điểm thất bại mà chúng tôi có trong toàn bộ Chương trình Apollo," Giám đốc điều hành bay Gerry Griffin nhận định. "Khoang động cơ phi thuyền đáp mặt trăng buộc phải hoạt động, nếu không là bạn rồi đời."

Nasa ký hợp đồng với Công ty Grumman chế tạo phi thuyền đáp với tổng chi phí 388 triệu đô la Mỹ. Nhưng quá trình chế tạo liên tục bị trì hoãn và mãi đến tháng 1/1968 mới chế tạo xong phi thuyền đáp không người lái đầu tiên.

Trong một năm, các phi hành gia phi thuyền Apollo 9 là Jim McDivitt và Rusty Schweikart đưa phi thuyền bay quanh quỹ đạo Trái Đất. Sau đó trong chuyến bay Apollo 10, Tom Stafford và Gene Gernan đưa phi thuyền đáp đến vị trí cách bề mặt Mặt Trăng khoảng 14,2km.

Trong chuyến trở về khoang điều khiển, họ gặp vấn đề nghiêm trọng.

Bật hàng loạt các nút để tương thích với hệ thống định vị, Cernan và Stafford chuẩn bị tách tầng trên khỏi tầng hạ cánh. Nhưng một trong các nút bật lại ở sai vị trí và khi họ kích hoạt động cơ, chiếc phi thuyền xoay vòng rối loạn và mất điều khiển.

"Đồ chó đẻ! " Cernan hét lên. "Tôi thấy đường chân trời của Mặt Trăng hiện ra từ đủ các hướng khác nhau, tám lần trong 15 giây," ông kể lại với tôi sau đó. "Đáng sợ không? Có đấy, nếu anh có thời gian để sợ, nhưng lúc đó tôi không có thời gian để sợ."

May mắn thay, Stafford đã điều khiển phi thuyền bằng tay và ổn định phi thuyền lại. Các kỹ sư sau đó tính toán rằng chỉ thêm hai giây nữa thôi họ sẽ rơi xuống Mặt Trăng.

"Chúng tôi phát giác ra không có vấn đề gì về phần cứng, mà đó là vấn đề con người," Cernan cho biết. "Dù chúng tôi có nghĩ mình giỏi cỡ nào, dù chúng tôi đã tập đi tập lại bao nhiêu lần, thì ta vẫn có thể làm hỏng việc nếu không cẩn thận."

Dù suýt chết, Cernan vẫn xin lỗi dân chúng Hoa Kỳ vì đã buột ra những từ ngữ có phần khiếm nhã.


Buzz Aldrin điền hồ sơ thanh toán hóa đơn cho chuyến đi của ông từ Florida và quay trở về nhà, mà trong hành trình này ông có 'ghé qua' Mặt Trăng


33,31: Là chi phí đi lại mà Aldrin kê khai cho hành trình đến Mặt Trăng, tính bằng đô la Mỹ

Khi trở về Trái Đất, Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Mike Collins là những người nổi tiếng nhất hành tinh. Nhưng điều đó không được phản ảnh trong khoản lương họ được nhận.

Tùy theo mức độ dày dặn kinh nghiệm mà mỗi phi hành gia Apollo được nhận lương từ 17.000 - 20.000 đô la Mỹ mỗi năm. Con số này tương đương với 120.000 đô la Mỹ thời nay và tương đồng với lương của các phi hành gia ở thế kỷ 21. Người hướng dẫn chương trình truyền hình tường thuật sứ mệnh không gian có thể kiếm nhiều hơn vậy rất nhiều.

Không có chi phí nguy hiểm khi bay tới Mặt Trăng, nhưng phi hành đoàn có thể kê khai chi phí đi lại. Chẳng hạn như Aldrin đã kê khai 33,31 đô la Mỹ cho chuyến đi từ nhà đến Trung tâm Hàng không có Người lái ở Houston... từ Floria đến Mặt Trăng và Hawaii.

Cùng với tất cả các chi phí đó, các phi hành gia cũng được ăn chia tỷ lệ lợi tức từ hợp đồng giữa Nasa với tạp chí Life.

Khi họ rời chương trình không gian, rất nhiều phi hành gia đã được các công ty mời về đảm nhiệm vị trí điều hành có lương cao. Một số người khác trở thành học giả trên truyền hình hoặc kiếm tiền bằng hình ảnh cá nhân hoặc quảng cáo sản phẩm.

Sau khi bị cảm trên sứ mệnh Apollo 7, Wally Schirra trở thành gương mặt quảng cáo cho một loạt thương hiệu thuốc viên chống nghẹt mũi. Buzz Aldrin cũng quảng cáo đủ thứ từ bảo hiểm, xe hơi đến cháo kiều mạch. Ngày nay, lợi tức của ông có lẽ hơn hẳn thời 1969.

Richard Hollingham

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Fri Aug 02, 2019 1:29 am    Tiêu đề: 50 năm chinh phục Mặt Trăng: Kỹ thuật

50 năm chinh phục Mặt Trăng: Kỹ thuật


Apollo đã thúc đẩy kỹ thuật vũ trụ và máy tính phát triển đến đỉnh cao, nhưng kỹ thuật thời cực kỳ tân tiến thời đó nay xem ra có vẻ quá đơn giản.


Các phi hành gia trên phi thuyền Apollo 11 đã đến Mặt Trăng với một máy tính có bộ nhớ tương đương một chiếc máy tính Commodore 64 ở thập niên 1980


74: Là bộ nhớ trong (ROM) của máy tính hướng dẫn phi thuyền Apollo, đơn vị tính là kilobyte

Kỹ thuật máy tính là một trong những thành tựu vĩ đại và lâu dài nhất của chương trình vũ trụ Apollo, từ việc đưa một máy vi tính siêu nhỏ hoạt động ổn định vào phi thuyền đáp mặt trăng, đến máy chủ cực mạnh của IBM, cùng với đèn nhấp nháy và những thanh băng từ.

Để định hướng cho phi thuyền Apollo bay một phần tư triệu dặm đến Mặt Trăng và sau đó đáp xuống bề mặt tại địa điểm chính xác, các phi hành gia đã sử dụng Máy tính Dẫn đường Apollo (AGC). Được đặt trong chiếc hộp có kích cỡ chừng một vali nhỏ, với màn hình rời và bảng nhập dữ liệu gắn vừa với bảng điều khiển phi thuyền, đó là một tác phẩm thu nhỏ kiệt xuất.

Máy tính AGC do Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) phát triển, có hàng ngàn mạch điện liên hợp, hay còn gọi là chip silicon. Đơn đặt hàng của Nasa với kỹ thuật mới này đã dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của Thung lũng Silicon và tạo động lực cho sự phát triển máy tính ngày nay.

Mặc dù bộ nhớ trong 74 KB và bộ nhớ ngoài RAM 4KB của máy tính AGC thời nay nghe có vẻ rất yếu, nhưng so với máy tính bàn hồi thập niên 1980 như Sinclair ZX Spectrum hay Commodore 64 thì đây là chiếc máy tính rất ấn tượng.

Được thiết kế cho chuyến bay vào vũ trụ đầy khắc nghiệt, phần mềm của máy tính đã được đưa vào phần cứng qua các cuộn dây, và vô cùng quan trọng, đó là chiếc máy tính này được thiết kế để nó không thể hỏng hóc.

Trong khi đó, ở mặt đất, tại Trung tâm phi thuyền Có người lái ở Houston, Nasa mua năm chiếc máy tính IBM 360 đời mới nhất để phân tích từng khía cạnh của tốc độ phi thuyền, quỹ đạo và sức khỏe theo thời gian thực.

Hệ thống này bao gồm một máy tính dự phòng trong trường hợp một trong số các máy tính hỏng vào thời khắc quan trọng.

Dù có sức mạnh máy tính cực mạnh yểm hộ cho dự án Apollo, một số kỹ thuật vẫn có vẻ như giống với những nhà thám hiểm thời Thế kỷ 19.

Vào thời trước khi máy tính bỏ túi ra đời, các phi hành gia vẫn làm tính toán đơn giản bằng cách sử dụng thước loga và kiến thức định hướng trong cứu nạn, là quan sát các vì sao và dùng kính lục phân.


Máy tính hướng dẫn Apollo được đặt
giữa Armstrong và Aldrin trong phi thuyền hạ cánh.


1202: Là số hiệu âm thanh báo động của máy tính

Chỉ năm phút sau khi Neil Armstrong khởi động động cơ đáp xuống của phi thuyền hạ cánh thì âm thanh đầu tiên từ một số lệnh báo động 1202 và 1201 vang lên trong tai nghe của ông.

"Báo động chương trình... đó là báo động số 1202," Armstrong báo cáo.

Cả ông lẫn người phụ trách kết nối liên lạc (Capcom) là Charlie Duke đều không biết còi báo động này có nghĩa là gì. Giọng nói của họ căng thẳng tới mức người ta e rằng sẽ dẫn đến chuyện chuyến đáp xuống Mặt Trăng lần đầu tiên sẽ bị hủy. Nhưng ở Houston, bộ phận điều khiển bay đã gặp báo động tương tự vài ngày trước trong một giả lập thí nghiệm.

"Chúng ta đang ở rất thấp, gần với bề mặt Mặt Trăng và máy tính phải hoạt động quá nhiều," giám đốc điều hành chuyến bay Apollo Gerry Griffin nói. "Báo động đó có nghĩa là: "Này mấy cậu, tôi làm việc hơi quá tải rồi đấy."

Bình tĩnh theo dõi dữ liệu trên bảng điều khiển, sĩ quan hướng dẫn Steve Bales ra lệnh tiếp tục tiến hành hạ cánh.

"Tôi về sau phát giác ra là thực sự họ cố tình đặt những báo động trên làm chỉ dấu xác định các mục tiêu cần ưu tiên. Vì vậy, nếu thực sự dần trở nên quá tải, máy tính sẽ đẩy những tác vụ không thiết yếu sang một bên," Griffin nói. "Báo động có nghĩa là, 'Này, tôi quá bận và tôi mới đẩy một số thứ ra', vì vậy họ tiếp tục tiến hành việc hạ cánh."

"Đội ngũ trên mặt đất không chỉ làm ở trung tâm điều khiển bay, chúng tôi có người từ học viện MIT trên đường dây đang cùng nghe đối thoại. Chúng tôi không thể thực hiện việc đó chỉ với khoảng 20 người và ba phi hành gia - chúng tôi đã được giúp đỡ rất nhiều, đó là nỗ lực của tập thể lớn."


Máy ghi âm và các băng cassette này đã được dùng trong phi thuyền Apollo 12. Máy ghi âm được sử dụng để ghi lại thông tin liên quan đến nhật ký phi hành đoàn.


9: Là số lượng máy nghe băng cassette được bay vào vũ trụ

Máy tính Dẫn đường Apollo không phải là điều kỳ diệu được thu nhỏ duy nhất trên phi thuyền Apollo. Phi hành đoàn cũng đem theo những bản đầu tiên của máy ghi âm cassette cầm tay Sony Walkman.

Ban đầu, các phi hành gia định dùng chúng để ghi âm quan sát cá nhân, họ cũng có thể mang theo băng nghe nhạc cá nhân.

Trong khi những người trẻ ở trung tâm điều khiển bay thích nghe những bản nhạc mới nhất từ nhóm Beatles, thì hầu hết các phi hành gia - vốn lớn hơn họ gần chục tuổi - có vẻ thích những bản nhạc đồng quê dễ nghe hơn. Chẳng hạn như chỉ huy phi thuyền Apollo 17 Gene Cernan chọn nghe nhạc của Frank Sinatra và Glenn Campbell.

Rusty Schweickart trên phi thuyền Apollo 9 là người đầu tiên mang theo băng cassette. Đồng đội của ông chọn một album nhạc đồng quê điển hình, nhưng ông thì chọn những bản nhạc cổ điển thường nghe ở nhà.

"Mỗi tối Chủ Nhật, sau khi cho các con đi ngủ, tôi sẽ ngồi ở phòng khách với chiếc đèn bàn, chỉ vừa đủ tạo ra một vòng ánh sáng quanh tôi và sàn nhà, và tôi sẽ bật nhạc trên dàn loa, vừa nghe vừa đọc một loạt các bài viết và trích dẫn tôi mang theo bên mình," Schweickart trả lời phỏng vấn BBC Thế giới vụ trong chương trình 10,9,8,7.

Nhưng đến khi vào quỹ đạo, phi hành gia này không thể tìm được cuộn băng cassette của ông.

"Thật kỳ diệu, vào ngày thứ 9 hay 10 của hành trình, Dave Scott tìm thấy cuộn băng đó: "Ồ Rusty đây có phải là thứ anh đang tìm không?" Schweickart nói. "Tôi tức giận giơ ngón tay giữa lên với cậu ấy, bỏ cuộn băng vào máy Walkman và nói tôi sẽ nghe nhạc trong khi các cậu tự mà coi liệu chuyến bay, kệ cha các cậu."

"Thật không thể tin được, âm nhạc trào lên mạnh mẽ đến mức đẩy tôi khỏi chiếc phi thuyền và đưa tôi vào quỹ đạo vòng quanh Trái Đất, đưa tôi trở về những buổi tối riêng tư tĩnh lặng ở nhà tại Houston. Cảm giác quá mạnh mẽ đến mức tôi phải tắt nhạc đi, đó là cảm xúc vô cùng mạnh mẽ."


Phi hành đoàn phi thuyền Apollo 15 phóng một vệ tinh bay vào quỹ đạo, hoạt động được sáu tháng


36: Là trọng lượng của vệ tinh mà phi thuyền Apollo phóng đi, tính bằng kilograms

Nếu có hai phi thuyền trong quỹ đạo bay vòng quanh Mặt Trăng - một khoang điều khiển và một phi thuyền hạ cánh - là vẫn chưa đủ, thì với phi thuyền Apollo 15, Nasa dự định bổ sung thêm một phi thuyền nữa.

Apollo 15 là sứ mệnh J-class đầu tiên của Nasa, cũng là lần đầu tiên xe địa hình được đưa lên Mặt Trăng, nó có một khoang điều khiển với khoang thiết bị bên cạnh. Khoang này chứa đầy những thí nghiệm để tiến hành công tác nghiên cứu Mặt Trăng từ quỹ đạo Mặt Trăng.

Một trong những thí nghiệm cuối cùng được triển khai là một phi thuyền khác - đó là một vệ tinh hình lục giác nặng 36kg. Vệ tinh này được thiết kế để bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng trong một năm nữa, và gửi dữ liệu về trọng lực, các phân tử tích điện và đo đạc về từ trường ảnh hưởng đến Trái Đất.

Ngay trước khi quay trở lại Trái Đất, trong lần bay thứ 74 quanh quỹ đạo Mặt Trăng, phi hành đoàn phi thuyền Apollo 15 chuẩn bị phóng phi thuyền này.

Chuẩn bị cho hành động này, theo truyền thống của Nasa, Dave Scott sẽ đếm ngược trước khi đẩy cần gạt đưa vệ tinh bay khỏi khoang thiết bị.

"Tally ho!! " Scott reo lên, khi vệ tinh bay ra khỏi khoang dịch vụ. "Thật là một vệ tinh rất xinh xắn ngoài đó."

Vệ tinh gửi dữ liệu về cho Trái Đất được khoảng sáu tháng thì bị hỏng. Nó được thay thế bằng một chiếc vệ tinh gần như giống hệt, do phi hành đoàn phi thuyền Apollo 16 phóng đi vào tháng 4/1972. Không may là, vì nó được phóng vào quỹ đạo thấp, nên vệ tinh đó chỉ tồn tại được sáu tuần trước rơi xuống bề mặt Mặt Trăng.


Máy tính của hỏa tiễn Saturn V có lẽ là máy tính lớn nhất
từng được phóng vào quỹ đạo


22: Là đường kính của máy tính dùng cho hỏa tiễn Saturn V, tính bằng feet

Nếu Máy tính Dẫn đường Apollo gây ấn tượng mạnh về độ thu nhỏ của nó, thì máy tính điều khiển hỏa tiễn Mặt Trăng Saturn V phải được xếp hạng là máy tính lớn nhất từng được phóng đi.

Có kích thước vừa khít phần vòng tròn trên đỉnh của tầng thứ ba bên trên của hỏa tiễn, máy tính vận hành hỏa tiễn Saturn V to khổng lồ.

Cũng như các máy tính kỹ thuật số và analogue, thiết bị này chứa tất cả thiết bị điện điều khiển và theo dõi hỏa tiễn đưa con người đến Mặt Trăng.

Máy tính này do nhóm chế tạo hỏa tiễn của Wernher von Braun ở Huntsville, Alabama thiết kế và sau đó được hãng IBM sản xuất. Việc này tương tự như khi ta đưa một máy chủ bay vào không gian và sau đó vứt bỏ nó.

Mặc dù được lắp ráp bằng kỹ thuật chip silicon hoạt động ổn định mới nhất, nhưng hệ thống hướng dẫn bằng con quay của máy tính này - được thiết kế để bảo đảm hỏa tiễn luôn có quỹ đạo ổn định - lại dựa trên kỹ thuật mà von Braun phát triển cho hỏa tiễn V2 của ông trong Thế chiến Thứ Hai.

Khi phi thuyền Apollo 12 bị sét đánh lúc phóng, gây tình trạng mất điện ở khoang điều khiển, nhân viên điều khiển bay tin rằng thiết kế vòng tròn của máy tính trong hỏa tiễn đã giúp nó không bị chập điện.

Richard Hollingham

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9640

Bài gửiGửi: Mon Aug 05, 2019 11:59 pm    Tiêu đề: 50 năm chinh phục Mặt Trăng: Những thứ kỳ quặc

50 năm chinh phục Mặt Trăng: Những thứ kỳ quặc


Không hẳn thiết bị nào được theo phi thuyền lên Mặt Trăng cũng là kỹ thuật hiện đại đắt tiền, mà còn có cả những món đồ kỳ quặc thú vị.


Gus Grissom gần như bị chết đuối do khoang phi thuyền Liberty Bell 7 không tách ra đúng cách khi rơi xuống


18: Là số lượng các tên gọi được đặt cho phi thuyền Apollo

Người Mỹ thứ hai bay vào không gian, Gus Grissom, đặt tên cho khoang phi thuyền Mercury của ông là Liberty Bell 7 - biểu tượng cho lòng ái quốc, nền độc lập của Hoa Kỳ, và tượng trưng cho bảy phi hành gia đầu tiên của Nasa.

Chuyến bay dưới quỹ đạo kéo dài 15 phút của Grissom vào tháng 7/1961 diễn ra tốt lành, nhưng không lâu sau khi trở lại Trái Đất, ngòi kích nổ mở cửa phi thuyền nổ trước dự định. Khiến phi thuyền bị nước tràn vào, nhà phi hành vũ trụ bò ra, gần như chết đuối trước khi trực thăng cấp cứu tìm thấy ông.

Khi Grissom nhận chỉ huy sứ mệnh Gemini đầu tiên, hành trình gồm hai phi hành gia vào năm 1965, ông chọn cái tên Molly Brown, được đặt theo tên của Molly Brown Không Thể Chìm (Unsinkable Molly Brown), một vở nhạc kịch nổi tiếng ở Broadway. Nasa thích đặt tên cho phi thuyền này là Gemini 3 nhưng sau khi Grissom đề xuất gọi nó là tàu Titanic, họ cảm thấy mềm lòng.

Chúng ta sẽ không bao giờ biết Grissom định gọi phi thuyền đầu tiên Apollo của ông, Apollo 1 là gì. Ông thiệt mạng trong trận hỏa hoạn thảm khốc ở bệ phóng phi thuyền vào tháng 1/1967, cùng với hai phi hành gia khác là Roger Chaffee và Ed White.

Với hai chuyến bay Apollo đầu tiên có người lái - Apollo 7 và 8 - có vẻ như kỷ nguyên đặt tên cho phi thuyền đã kết thúc. "Chúng tôi được gọi là phi thuyền Apollo 7, tên nghe có vẻ hay," phi hành gia Walt Cunningham nói. "Số bảy là con số đẹp."

"Tôi cố gắng thiết kế miếng dán trên trang phục giống như hình ảnh phượng hoàng hồi sinh từ ngọn lửa nhưng họ không thích thế," ông nói. "Họ thậm chí thực sự chẳng muốn chúng tôi đặt tên cho phi thuyền, vì vậy chúng tôi đã không có một con phi thuyền mang danh tính riêng."

Nhưng với phi thuyền Apollo 9, Houston gặp phải vấn đề. Từ nay trở đi, các sứ mệnh sẽ có hai phi thuyền - một khoang điều khiển và một phi thuyền đáp - và bộ phận điều khiển bay cần phải có tên hiệu để phân biệt giữa hai phi thuyền. Chuyện đặt tên lại quay trở lại. Một số cái tên về sau trở nên nổi tiếng không thua gì các phi hành gia.

Nhiều chiếc trong số 18 phi thuyền được gọi bằng những cái tên có vẻ mờ nhạt và nặng tính ái quốc.

Phi thuyền Apollo 11 có phi thuyền đáp mang tên Đại Bàng (Eagle) và phi thuyền mẹ được gọi là Columbia, đặt theo tên chiếc phi thuyền Columbiad trong tiểu thuyết viễn tưởng của Jules Verne.

Khoang điều khiển của phi thuyền Apollo 14 có tên là Kitty Hawk, là nơi diễn ra chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright.

Những người cuối cùng đáp xuống Mặt Trăng bằng phi thuyền đáp Challenger [Người Thách Thức] - ý chỉ sự thách thức trong tương lai.

Tuy nhiên, một số tên hiệu đã bắt nhịp ngay với văn hóa đại chúng thời thập niên 1960. Phi thuyền Apollo 10 có Snoopy và Charlie Brown, lấy tên từ bộ phim hoạt hình về chú chó Peanuts. Và phi thuyền Apollo 16 có khoang điều khiển tên là Casper, được đặt tên theo con ma thân thiện trong phim hoạt hình.


Một trong những lá cờ mà phi hành đoàn phi thuyền Apollo 11 cắm đã bị đổ ngã khi phi thuyền đáp mặt trăng cất cánh


5,50: Là giá của các lá cờ tung bay trên Mặt Trăng, tính bằng đô la Mỹ

Hình ảnh các phi hành gia cắm cờ Mỹ trên Mặt Trăng là một trong những hình ảnh trường tồn nhất của chương trình Apollo. Nhưng việc này suýt nữa đã không xảy ra. Thay vào đó các giám đốc ở Nasa đã bàn tới ý tưởng cắm cờ Liên Hiệp Quốc vì lo ngại rằng cờ Mỹ mang hàm ý Hoa Kỳ chiếm được Mặt Trăng.

Cuối cùng, sau rất nhiều thảo luận và chỉ ba tháng trước khi chuyến đáp phi thuyền xuống Mặt Trăng lần đầu tiên, các kỹ sư bắt đầu làm việc với nhóm làm cờ Mặt Trăng.

Họ đặt mua một lá cờ nilon có kích cỡ 91cm x 152cm với giá 5,50 đô la Mỹ từ catalog chính phủ (tính theo thời giá hiện nay thì tương đương với 38 đô la Mỹ), và cột cờ bằng kim loại giá 75 đô la Mỹ (tương đương 523 đô la Mỹ bây giờ). Cột cờ được thiết kế để có thể cắm sâu vào đất Mặt Trăng và có một khung ngang phía trên kéo ra để lá cờ được dăng ra như tấm mành.

Câu hỏi sau đó được nêu lên là phải xếp lá cờ thế nào để bỏ vào phi thuyền đáp mặt trăng. Khu vực chứa đồ bên trong đã được nghĩ tới, vì vậy các kỹ sư thiết kế một hộp gắn vào chiếc thang trên phi thuyền đáp. Nó phải là vật liệu không bắt lửa để chống lại nhiệt độ từ động cơ.

Mãi sau này lá cờ mới được đưa vào phi thuyền đáp mặt trăng cùng với bảng kỷ niệm chương trong buổi sáng chuẩn bị phóng phi thuyền, khi phi thuyền đáp đã được đưa lên đỉnh hỏa tiễn.

Dù Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã thực hành gắn lá cờ trong môi trường giả, nhưng đến lúc trong thực tế, họ phải vất vả mới cắm được nó xuống bề mặt Mặt Trăng. Họ cũng gặp khó khăn, không mở được hết thanh ngang phía trên, khiến cho lá cờ hơi bị nhăn - đây là một trong những yếu tố dẫn đến đủ loại thuyết âm mưu về Mặt Trăng. Khi họ cất cánh rời khỏi bề mặt Mặt Trăng, Aldrin nói ông thấy cột cờ ngả xuống vì bị động cơ thổi mạnh.

Nhờ những bức ảnh do vệ tinh Quỹ đạo Do thám Mặt Trăng (LRO) của Nasa chụp lại, chúng ta mới biết những lá cờ của phi thuyền Apollo tồn tại ra sao trong suốt 50 năm qua.

Hình ảnh từ vệ tinh LRO có vẻ khẳng định rằng lá cờ phi thuyền Apollo 11 cắm đã ngả nhưng những lá cờ từ các sứ mệnh Apollo khác vẫn đứng vững. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên dưới ánh mặt trời khắc nghiệt, có vẻ như tất cả chúng đã bạc màu trắng xóa.


Moonbuggy Duct Tape Fix (left) and Duct tape used to secure hoses in place, bi-passing barrels (right)


25: Là chiều dài của cuộn băng keo được đưa lên Mặt Trăng, tính bằng bộ Anh (feet)

Nếu có một vị cứu tinh hết lần này đến lần khác cứu các sứ mệnh không gian của Hoa Kỳ trong 50 năm vừa qua, thì đó chính là cuộn băng keo.

Trong các sứ mệnh Apollo, băng keo được sử dụng vào đủ mọi việc, từ dán chặt các công tắc, gắn các thiết bị bên trong phi thuyền, cho đến việc vá một chỗ rách trên trang phục phi hành gia, và trong sứ mệnh Apollo 17, băng keo được dùng làm chắn bùn cho chiếc xe địa hình Mặt Trăng.

Trong sứ mệnh Apollo 13, băng keo đã giúp cứu mạng phi hành gia Jim Lovell, Jack Swigert và Fred Haise. Sau khi họ thực hiện sứ mệnh được 56 giờ, một vụ nổ đã phá hỏng các pin nhiên liệu trên khoang điều khiển và phi hành đoàn phải chui vào khoang phi thuyền đáp mặt trăng để lánh nạn.

Nhưng có một lỗi trong thiết kế: những chiếc thùng kim loại được thiết kế để thu khí CO2 trong khí quyển trong phi thuyền đáp mặt trăng có hình tròn, và các thùng kim loại ở khoang điều khiển là hình vuông. Và không có đủ lượng thùng hình tròn để giúp các phi hành gia sống sót.

Để sống sót, các phi hành gia sẽ phải lắp sao cho những thùng kim loại hình vuông trong khoang điều khiển vừa vào các lỗ hình tròn trên khoang phi thuyền đáp. Các kỹ sư ở phòng điều khiển bay đã phải làm việc liên tục để nghĩ ra cách sửa chữa, chỉ với những vật liệu mà phi hành gia có trên phi thuyền. Và băng keo được dùng để dán mọi thứ lại với nhau.

"Vì vậy, chúng tôi nghĩ cách sử dụng các rãnh trên khoang điều khiển, bằng cách dán một chiếc vòi vào để nó có thể đi qua rãnh đó vào khoang phi thuyền đáp mặt trăng và sau đó hút khí CO2 ra," John Whalen, kỹ sư làm việc ở hệ thống môi trường phi thuyền nói. "Họ mất một lúc mới dán được vào nhưng ơn Chúa, nó hoạt động - và đó là cách chúng tôi cứu tất cả mọi người."


Khi những con tem đã bay tới Mặt Trăng được tung ra bán, chúng đã gây ra một cuộc khủng hoảng vô cùng lớn và kết thúc sự nghiệp của cả ba phi hành gia


398: Là số lượng các phong bì có dán tem thư được đưa lên Mặt Trăng (Apollo 15)

Mỗi phi hành gia đều đem theo các vật lưu niệm vào không gian - một ít thứ là lý do cá nhân hay tình cảm, và một ít là về gia đình, bạn bè, và một ít là vì lợi nhuận. Đến thời điểm của phi thuyền Apollo 15, việc đem theo bì thư có dán tem và dấu bưu chính lên Mặt Trăng đã được chấp nhận.

Trong suốt chương trình không gian, Nasa làm ngơ để cho các phi hành gia tự sắp xếp việc này. Họ không bao giờ hỏi phi hành đoàn mang theo gì trong phần tư trang được cho phép trong Bộ Dụng cụ Cá nhân. Đó là chính sách không chính thức mà sau này cơ quan không gian đã phải hối hận.

Giống như các phi hành gia đi trước, phi hành đoàn của Apollo 15, gồm có Dave Scott, Al Worden, và Jim Irwin - đồng ý mang theo một số bì thư lên Mặt Trăng, qua một người trung gian, thay mặt cho một công ty kinh doanh tem.

Theo như các phi hành gia hiểu, hợp đồng là số lượng tem đó sẽ không được bán cho đến khi họ rời chương trình không gian. Tiền thu được sẽ được gửi vào tài khoản tiết kiệm của gia đình họ.

Trong cuốn hồi ký của mình, Worden sau đó mô tả vụ việc là "không nghi ngờ gì, đó là lỗi lầm tồi tệ nhất tôi từng phạm phải."

Scott mang theo đám phong bì lên Mặt Trăng trong một gói hành lý dán kín trong bộ trang phục phi hành gia của ông. Nhưng trong vài tuần sau khi họ bay trở về Trái Đất, tuy không được sự cho phép của các phi hành gia nhưng một số chiếc đã được chào báo. Phi hành đoàn trả lại phần lợi nhuận và đề nghị công ty đó giữ các con tem lại. Nhưng đã quá trễ. Nasa muốn đem họ ra để nêu gương.

Hệ lụy từ vụ việc đã dẫn đến những khiển trách, một cuộc điều tra của Thượng viện và kết thúc sự nghiệp của các phi hành gia. Trong một thời gian, vụ việc gây tranh cãi đã che mờ cả sứ mệnh không gian quan trọng về khoa học này.

Những đồ vật khác mà phi hành đoàn đã đem tới Mặt Trăng có cờ, kỷ niệm chương, và, cũng trong sứ mệnh Apollo 15, họ mang theo một bức tượng nhỏ tượng trưng cho những phi hành gia đã hy sinh. Phi hành gia Charlie Duke từ phi thuyền Apollo 16 đã để lại bức ảnh gia đình ông tại Mặt Trăng.

Ngày nay, những món đồ đã được đưa tới Mặt Trăng có thể trị giá hàng chục ngàn bảng Anh khi đưa ra đấu giá.


Hậu duệ của "Cây Mặt Trăng" vẫn tiếp tục được trồng


500: Là số lượng hạt giống được đưa đến Mặt Trăng

Trước khi trở thành phi hành gia, Stuart Roosa làm nghề còn nguy hiểm hơn. Ông là là lính cứu hỏa nhảy dù - là lực lượng cứu hỏa được huấn luyện cao cấp nhảy dù xuống những khu rừng xa xôi để chữa cháy.

Khi được chỉ định là phi công phi thuyền trên khoang điều khiển phi thuyền Apollo 14 vào tháng 1/1971, Lực lượng Bảo vệ Rừng Hoa Kỳ một lần nữa kêu gọi sự giúp đỡ của ông. Các nhà khoa học muốn biết liệu hạt giống có bị ảnh hưởng bởi tình trạng không trọng lực không.

Roosa đồng ý mang 500 hạt giống, gồm hạt cây gỗ gõ đỏ Mỹ, cây thông, gỗ sung dâu, linh sam và bạch đàn. Ông đã mang các hạt giống này trong hành lý cá nhân qua 238.855 dặm đường đến Mặt Trăng, bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng 34 lần trước khi trở về Trái Đất.

Các hạt giống sống sót qua hành trình nhưng trong quá trình tẩy trùng (là một quy trình bảo vệ Trái Đất khỏi bệnh dịch có thể đem về từ Mặt Trăng), hộp đựng hạt giống bị bật nắp. Các nhà khoa học lo lắng rất nhiều hạt có thể bị mất hoặc bị hỏng.

Tuy nhiên, khi được trồng, hầu hết các hạt giống đưa vào không gian đều lớn thành cây non khỏe mạnh, không khác biệt gì nhiều giữa những hạt bay lên Mặt Trăng và những hạt bình thường ở Trái Đất.

Cây mọc từ những hạt giống này được gọi là "Cây Mặt Trăng". Chúng được trồng khắp nơi trên thế giới, trong đó có Trung tâm Không gian Kennedy ở Florida và trong vườn Nhà Trắng.

Một cây sung dâu nằm gần mộ Roosa ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở bang Virginia. Những cây này và thế hệ thứ hai của Cây Mặt Trăng, sinh trưởng từ các nhánh chiết mà phi hành gia mang theo, sẽ tiếp tục là di sản sống từ những sứ mệnh Apollo rất lâu sau khi các phi hành gia qua đời.

Richard Hollingham

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoa Học và Kỹ Thuật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân