TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Viện Bảo Tàng & Đền Kỷ Niệm
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Viện Bảo Tàng & Đền Kỷ Niệm

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9646

Bài gửiGửi: Sun Jun 30, 2019 12:44 am    Tiêu đề: Viện Bảo Tàng & Đền Kỷ Niệm
Tác Giả: Trang Nguyên

Viện Bảo Tàng & Đền Kỷ Niệm

Bảo tàng Museé Blanchard de la Brosse mới xây xong năm 1928 (Hình: Bưu thiếp)


Trong khuôn viên của Thảo Cầm viên ở Sài Gòn có hai công trình kiến trúc được người Pháp xây dựng từ năm 1926. Hai công trình mang hai kiểu kiến trúc Âu Á khác nhau. Một là, Đền Kỷ niệm (Temple du Souvenir) theo lối kiến trúc giống như các lăng tẩm triều Nguyễn ở Huế. Hai là, Bảo tàng Musée Blanchard de la Brosse, được lấy tên theo vị Thống đốc Nam Kỳ bấy giờ. Công trình do kiến trúc sư người Pháp Delaval thiết kế theo lối Đông Dương cách tân và được hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon thực hiện từ năm 1926 -1928. Thời VNCH, Musée Blanchard de la Brosse được đổi tên thành Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam.

Hồi cuối thập niên 1960, khi lần đầu tiên tôi được đi chơi sở thú Sài Gòn, Ðền Kỷ niệm là một trong những hình ảnh nổi bật ngay khi du khách bước vào cửa chính của Thảo cầm viên. Tôi nhớ khi đó, tên của ngôi đền được khắc bằng xi măng sơn đỏ ghi là Ðền Hùng Vương. Nhưng ngoài sân có một văn bia lại ghi là Ðền Kỷ niệm. Ngôi đền này ngày xưa người Pháp dùng để làm lễ tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Ðến thời Ðệ nhất Cộng hòa thì được đổi thành Ðền Hùng Vương.

Bên trong Ðền Hùng Vương tôi còn nhớ chẳng có hiện vật gì ngoài những liễn gỗ sơn son thếp vàng viết bằng chữ Hán treo trên vách tường và cái trống đồng Ðông Sơn trong tủ kính. Ngoài ra bên phía vách còn có một cây cọc Bạch Ðằng dài hơn hai mét, mục ruỗng trang trọng đặt trên một cái bệ xi măng. Thuở nhỏ tôi nào biết ý nghĩa văn vật quốc gia nhưng cây cọc Bạch Ðằng làm tôi nhớ đến chiến công hiển hách của Ngô Quyền chống quân Nam Hán trong bài học lịch sử hồi lớp Tư.

Tuy vậy, hình ảnh tôi nhớ nhất là mấy ông thợ chụp hình dạo trong sở thú thường tụ tập trước văn bia Ðền Kỷ niệm loay hoay với mấy kiểu ảnh cho khách. Ai cũng muốn có một tấm ảnh trước văn bia để kỷ niệm chuyến vui chơi sở thú hoặc khung cảnh quanh đền, lúc thì bên bậc cấp có hình hai con rồng, lúc bên tượng voi đồng của vua Xiêm tặng, chứ khách ít khi chụp ảnh tại mấy chuồng thú đông người bu quanh.


Mặt tiền Bảo tàng Lịch sử Việt Nam bên cạnh Sở thú Sài Gòn (Hình: Bưu thiếp)


Nhắc đến chuyện cây cọc Bạch Ðằng làm tôi nhớ bài học lịch sử hiện ra một cách sống động. Ðể rõ ràng hơn, tôi dẫn các bạn sang Bảo tàng lịch sử quốc gia ở phía ngoài mặt tiền đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm trên phần đất thuộc sở thú, bên cạnh cổng chính.

Sở dĩ tôi vội nói đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là vì quá trình xây dựng nên ngôi bảo tàng này cũng lắm nhiêu khê (sau này khi tôi tìm hiểu trên các tài liệu) và khi đã đến xem bảo tàng rồi thì tụi học trò dốt môn lịch sử như tôi mới thích môn lịch sử khô khan trong sách giáo khoa. Tôi cũng giống nhiều học sinh khi lên Trung học Ðệ nhất cấp không chú trọng môn quốc sử ở lớp Ðệ thất. Môn sử được dạy mỗi tuần 2 tiếng. Tất nhiên tụi học sinh chúng tôi lúc nào cũng phải lo học thuộc lòng để trả bài. Nhiều đứa học trò chúng tôi trí nhớ kém cỏi, học xong rồi sau khi lên bục trả bài thì lại quên tuốt.

Năm học Ðệ thất, cả lớp tôi có nhiều học sinh yếu môn lịch sử khiến nhà trường phải mời một giáo sư sử nhiều kinh nghiệm đến lớp giảng dạy. Tôi nhớ đến vị giáo sư Trần Thành Nhơn lần đầu bước vào lớp thay cho một thầy giáo mới ra trường dạy lớp chúng tôi. Thầy Nhơn đã bảy mươi tuổi, tóc bạc trắng chải ngược gợn sóng trông chất nghệ sĩ hơn là một nhà mô phạm.

Thầy chia lớp chúng tôi thành 6 tổ, thay nhau thuyết trình với nguyên một đề tài lớn về các triều đại vua nhà Nguyễn. Thầy bảo chúng tôi đến Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thu thập ghi chép tài liệu, rồi chia nhau làm bài thuyết trình. Mỗi tổ tự đề cử người thuyết trình và các thành viên có quyền bổ sung các chi tiết. Nhờ đó mà lần đầu tiên tôi bước chân vào viện Bảo tàng lịch sử cùng đám bạn bè được phân công.


Đền Kỷ niệm trong Thảo cầm viên Sài Gòn năm 1966 (Hình: Douglas Ross)


Việc học lịch sử làm việc theo nhóm, tìm hiểu tài liệu qua các văn vật tại bảo tàng thu hút tụi học sinh chúng tôi. Có khi một tuần tụi tôi đến bảo tàng hai lần để ghi ghi chép chép. Trong bảo tàng, phần đông là những người nghiên cứu và yêu thích xem văn vật, phần còn lại là học sinh trung học trở lên. Thường dân bá tánh hiếm có người bỏ thời gian và tốn tiền mua vé vào xem.

Bên trong bảo tàng gồm có hiện vật và thư viện lưu trữ những tài liệu viết thành sách của cả một chiều dài lịch sử từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Sách vở thư viện, học sinh nhỏ chúng tôi không mượn được và cũng không cần đến những chi tiết mang chất khảo cứu.

Thầy Nhơn yêu cầu hệ thống thứ tự các giai đoạn chuyển tiếp các đời nhà Nguyễn kéo dài hơn hai trăm năm mà thôi. Tất nhiên, sách giáo khoa đã liệt kê đầy đủ năm tháng, các giai đoạn chuyển tiếp nhưng chính một số hiện vật trưng bày trong bảo tàng đã làm cho bộ não chúng tôi linh hoạt hơn để ghi nhớ. Từ những lần làm thuyết trình, học sinh chúng tôi ngày càng yêu thích môn lịch sử. Từ đó, thỉnh thoảng sau này khi ra đời đi làm, tôi vẫn đến bảo tàng học hỏi và tìm hiểu chút ít về nơi này vào thời Pháp thuộc giai đoạn đầu, trực thuộc Trường Viễn Ðông Bác cổ của Pháp ở Paris.

Ngay sau khi Pháp chiếm Sài Gòn, năm 1865 Ðô đốc Roje cho thành lập tại Sài Gòn một Uỷ ban Canh nông và Kỹ nghệ Nam Kỳ. Qua năm sau, khi Ðô đốc De la Grandière gom góp được một số cổ vật Khmer và có ý định thành lập một bảo tàng. Tuy nhiên, ý định vẫn là ý định khi ông phải trở về Pháp. Vài năm sau, sẵn thành phố Sài Gòn tiến hành những cuộc khai quật phế tích của người Khmer, nhiều nhà khảo cổ Pháp muốn có một bảo tàng để trưng bày và nghiên cứu các ngôi đền Cao Miên ở Sài Gòn nhưng cuối cùng cũng bất thành. Cuộc trì hoãn liên tục đã khiến một nhân vật có tên là Milne Edwards vào năm 1882 đề nghị đứng ra xây dựng một bảo tàng và được Hội đồng thuộc địa biểu quyết tán thành. Tuy vậy cuối cùng, tin này cũng làm thất vọng Hội nghiên cứu Ðông Dương kéo dài đến gần cuối thế kỷ 19.


Phòng trưng bày cổ vật của Vương Hồng Sển trong Bảo tàng Lịch sử VN (Hình: Internet)


Cuối năm 1898, toàn quyền Paul Doumer đã sáng lập ra “Ban thường trực khảo cổ Ðông Dương” tiền thân của Trường Viễn Ðông Bác cổ. Sau khi tiến hành một loạt khảo sát trong phạm vi cả nước, Ban thường trực đã xây dựng một bảo tàng đầu tiên tại số nhà 140 phố Pellerin (ngày nay là đường Pasteur). Tuy nhiên, đến năm 1902, do việc di chuyển thủ đô hành chánh từ Sài Gòn ra Hà Nội, các cơ sở nghiên cứu của Trường Viễn Ðông Bác cổ cũng phải di chuyển ra Bắc Kỳ. Việc di chuyển đa phần là sách cổ, còn hiện vật khó di chuyển và bảo quản nên tạm thời để lại ở Sài Gòn. Hội đồng Nghiên cứu Ðông Dương được toàn quyền Paul Beau ủng hộ, trong đó chủ yếu là cần thiết phải xây dựng một bảo tàng lưu trữ. Tuy nhiên dự án đã bị Hội đồng thuộc địa và Hội đồng Thành phố không chấp thuận. Số phận những cổ vật Ðông Dương vẫn cứ nằm trong kho.

Khi khởi xây tòa nhà trên phần đất thuộc Vườn Bách thảo Sài Gòn cùng với Ðền Kỷ niệm vào năm 1926, tòa nhà này dự kiến làm Viện Triển lãm Mễ cốc (Musée du Riz), sau định làm Viện Triển Lãm Kinh tế (Musée économique), nhưng cuối cùng lại quyết định làm Bảo tàng Blanchard de la Brosse do vào năm 1927 Tiến sĩ Victor Holbe từ trần. Ông là một nhà sưu tập cổ vật, vì sợ cổ vật quý giá này bị phân tán, nên Hội nghiên cứu Ðông Dương vận động quyên góp mua lại số cổ vật với số tiền 45,000 đồng Ðông Dương và giao cho chính phủ Nam Kỳ đưa vào danh mục tài sản không được bán. Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse viết: “Chỉ cần 3 tháng là cái thứ trưng cầu dân ý này có hiệu quả, xứ Nam Kỳ đã chứng tỏ là mình quan tâm một cách nồng nhiệt những nghệ thuật cổ”. Sau khi tòa nhà dự kiến làm Viện Triển lãm Mễ cốc hoàn thành, Thống đốc Nam Kỳ quyết định đổi tên tòa nhà thành Museé Banchard de la Brosse. Bảo tàng này được đặt dưới sự kiểm soát của Trường Viễn Ðông Bác cổ và dưới quyền của Thống đốc Nam Kỳ. Năm 1956, chính quyền VNCH đổi tên thành Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam (tại Sài Gòn). Bảo tàng cũng có những quy chế riêng trực thuộc Viện Khảo cổ của Bộ Quốc gia Giáo dục.

Trong Bảo tàng ngày nay có thêm một phòng trưng bày cổ vật của học giả Vương Hồng Sển nguyên là quản thủ bảo tàng từ năm 1956-1964. Ông đã hiến tặng cho bảo tàng hơn 800 món cổ vật mà ông mất cả cuộc đời sưu tập.

Trang Nguyên

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân