TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chiếu bóng thùng
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chiếu bóng thùng

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9646

Bài gửiGửi: Wed Feb 20, 2019 12:38 am    Tiêu đề: Chiếu bóng thùng
Tác Giả: Trang Nguyên

Chiếu bóng thùng

Trẻ con đang chờ xuất xem chiếu bóng thùng. Nguồn: Manhhaiflick


Không biết có ai còn nhớ chiếu bóng thùng trước cổng trường trong những năm cuối thập niên sáu mươi không? Đứng chổng đít, dán hai con mắt vào mấy cái lỗ nổi trên ba mặt thùng chiếu để xem Sác-lô (Charlie Chaplin) đi đánh trận hay Bạch Tuyết và bảy chú lùn, mà vui thích mê tơi. Đến nay, những hình ảnh đó luôn là ký ức đẹp của tuổi nhỏ học trò dẫu rằng cái rạp chiếu bóng lưu động ngày xưa ấy không còn trên cõi đời này nữa.


Rạp chiếu bóng thùng chỉ chiếu cho một người xem của ông Nguyễn Văn Long được đài Discovery quay phim. Hình: Internet


Bỗng nhiên tôi bắt gặp hình ảnh ngày xưa đó trong một bộ phim tài liệu của đài truyền hình Discovery với tựa đề Mr. Long’s Travelling Cinema có phụ đề tiếng Anh. Phim quay cách nay mười lăm năm của đầu thế kỷ 21 tại Hà Nội. Mọi tiện nghi cuộc sống đã thay đổi, thế mà ông Nguyễn Văn Long người làng Vạn Phúc, Hà Ðông một nơi chuyên làm ra lụa đẹp nức tiếng, lại miệt mài với công việc kiếm sống hằng ngày bằng thùng chiếu phim lưu động trên chiếc xe đạp cà tàng đến tối mịt mới trở về nhà.

Bộ phim tài liệu dài chừng hơn 20 phút, tôi xem đi xem lại đến mấy lần. Cái gì nó hấp dẫn tôi đến vậy, tôi cũng không biết nữa. Có thể đó là tính tò mò muốn tìm hiểu xem cách thức ông chiếu phim cho khán giả nhỏ xem ra sao. Mỗi xuất chiếu chỉ phục vụ cho một người, người này xem xong đến người khác và đồ nghề chiếu phim của ông cà tàng còn hơn chiếc xe đạp nữa. Nhìn tờ giấy quảng cáo dựng lên trên thùng đồ nghề thấy đủ cả các loại phim. Nào là phim nổi, phim câm, phim có lời đối thoại, phim hoạt hình bằng giấy do tự tay ông vẽ. Ðồ nghề của rạp phim lưu động rất đơn giản. Một máy chiếu phim 8 ly quay bằng tay cổ lỗ sĩ và những băng phim nhựa dán chi chít băng keo, những xấp hình sờn tua bạc màu tô vẽ của từng bộ phim Thánh Gióng, Người rừng Bắc Giang hay Hội An phố cổ được dán dính một đầu để lật bằng tay. Xem phim của ông, người ta có thể nghe, ngửi, thấy, nếm, chạm và nói. Những hiệu ứng “kỹ thuật” phim ảnh này do ông tự tạo ra để tương tác với người xem.



Chính cái hiệu ứng “kỹ thuật” này giúp cho cái nghề chiếu bóng thùng của ông tồn tại. Một kỹ thuật vừa hiện đại theo cách suy nghĩ, vừa giản đơn theo cách thực hiện đã đưa khán giả nhỏ và cả người lớn thậm chí là người nước ngoài thích thú khi dán mắt vào ống kính, tai đeo ống nghe làm thủ công theo kiểu truyền âm qua sợi chỉ nối liền hai ống nhựa mà hồi nhỏ hầu như ai cũng biết. Trong phim có cảnh mưa giông gió nổi lên thì đã có cái quạt cầm tay và tấm che ống kính làm người xem có cảm giác bão tố đang vờn quanh mình. Còn ngửi, chạm và nếm thì ông làm sao? Tất nhiên là tuỳ theo nội dung của phim khi nhân vật mời ăn kẹo thì ông thủ sẵn viên kẹo mùi, bóc vỏ, đưa tận vào miệng người xem. Nói chung người xem phim của ông được vận dụng đủ các giác quan để được sống chung với nhân vật.

Tuy vậy, thu nhập kiếm sống bằng việc chiếu phim thùng của ông Long không phải lúc nào cũng ổn định. Thế nhưng, ông đã theo đuổi công việc tưởng chừng biến khỏi thế gian thời hiện đại này ngót những mấy chục năm mà không làm một nghề gì khác để cuộc sống khá hơn. Nỗi đam mê. Chính niềm đam mê từ thuở nhỏ của cậu bé Long thích xem phim thùng chiếu ở chợ. Sự đam mê đó khiến cậu tự tay làm riêng cho mình thùng chiếu phim từ giấy cạc tông, phim được làm từ những hình vẽ thô sơ mộc mạc do mình dựng nên. Và từ đó, ý tưởng “kinh doanh” bắt đầu nhen nhóm trong đầu óc cậu bé. Tiền vé thu được ban đầu là những viên gạch đất nung để lát chuồng heo cho gia đình, rồi từ những viên gạch đó đã biến thành tiền thật có thể mua quà bánh, rồi gạo, thức ăn. Chiếu phim thùng lưu động tự nhiên biến thành cái nghề có thể nuôi sống được mình mà ông giữ được tận đến ngày nay.



Thời buổi này, tiện nghi giải trí có đầy khắp mọi nơi, vậy mà xứ mình vẫn còn có người lưu giữ được nghề chiếu phim thùng phải nói là độc nhất vô nhị? Không đâu. Cũng mới đây, tôi đọc một bài báo nói về anh Mohammed Salim ở ngoại ô Calcutta bên Ấn Ðộ còn làm công việc này. Chiếc xe chiếu phim thùng của anh Salim khác với xe chiếu phim của ông Long. Nó gần với những chiếc xe chiếu phim thùng của giữa thập niên sáu mươi ở Sài Gòn, tức là chiếu phim nhựa 8 ly có đèn chiếu phóng to màn ảnh. “Rạp” chiếu phim của ông Long thì lại gần với chiếu phim thùng của thập niên năm mươi, khi thành phố Sài Gòn hay Hà Nội chưa có điện sử dụng trong nhà. Dân chúng còn xài đèn dầu hay đèn măng-sông (Manchon) đốt bằng dầu hôi hay khí đá. Thời gian này, điện chỉ dùng cho các công sở, hãng xưởng, nhà quan chức, hiệu buôn lớn, bệnh viện, rạp hát, xe buýt điện.

Vậy thì công việc chiếu phim thùng của anh Mohammed Salim phải có bí quyết gì để thu hút trẻ em tại Calcutta? Một chút âm nhạc, vài đoạn nhảy múa, ít lời đối thoại, hành động bắn súng, đấm đá cho nhiều vào. Có nghĩa là anh phải cắt xén lắp ghép nhiều đoạn phim phế liệu khác nhau mà anh mua rẻ từ các phim trường vứt ra thùng rác. Ðó là cách làm sao bộ phim chỉ trong mười phút có thể làm trẻ em nghèo sống trong các làng quanh Calcutta say mê, lúc nào cũng trông ngóng chiếc xe chiếu phim của anh Salim xuất hiện.

Tôi đem hai câu chuyện trên kể cho mấy người bạn nghe chơi và hỏi, liệu tự nhiên có chiếc xe chiếu phim thùng như ngày xưa xuất hiện, có ai bỏ tiền, ghé mắt xem không? Xem chứ. Xem để nhớ về tuổi nhỏ của mình. Còn như không xem thì xem những đứa nhỏ chổng đít ngó qua cái ống nhòm đang cười toe toét cũng thấy hình ảnh của mình ngày thuở còn thơ.


Chiếu bóng thùng một người xem thuở giữa thập niên 1950 ở Sài Gòn. Hình: Internet


Ông bạn lớn tuổi của tôi kể, hồi còn nhỏ ở quê làm gì có biết phim thùng hay phim ảnh rạp hát. Khi lên Sài Gòn học trường Petrus Ký, ở trọ nhà người chú ruột thì nghe nói trước đây có vài ba rạp hát của người Pháp và người Hoa có chiếu phim Tây xen kẽ những ngày khác có ca nhạc kịch. Một trong những rạp hát có chiếu phim là rạp Théatre Des Variétés (Nhà hát đủ thứ) trên đường Rue Boresse (Nguyễn Thái Học ngày nay). Ðịnh bụng nói ông chú hôm nào dẫn đi xem phim cho biết, nào ngờ mới hay rạp này nay đã hoang tàn, bảng hiệu nhà hát còn đó nhưng đã không hoạt động hơn chục năm qua.

Thuở đó, ngành điện ảnh trong nước còn sơ khai, đa phần phim ảnh nhập từ các nước, chủ yếu từ Pháp. Rạp hát các nơi chỉ toàn hát cải lương, hồ quảng, còn tân nhạc thì chưa nhiều người thích nghi với thể loại nhạc mới nên hiếm khi có chương trình ca nhạc biểu diễn cho dân chúng xem. Phim Tây thường chiếu ở những câu lạc bộ hoặc nhà hát riêng dành cho người Pháp, quan chức Tây Ta xem giải trí cuối tuần. Người bình dân khó mà vô xem được.


Chiếu bóng thùng luôn là ký ức đẹp của nhiều người. nguồn: Manhhaiflicks


Ông bạn nhớ lại: “Lần đầu lên Sài Gòn, nhân ngày khai giảng được về sớm, tôi đạp chiếc tầm vông sườn nhôm mới toanh do ba tôi mua cho. Ðạp xe ngang qua Chợ Quán, thấy đám người bu quanh một thằng nhỏ trạc tuổi tôi đang gí mắt vào cái lỗ thùng không biết xem gì trong đó. Tôi dừng xe ngó xem, hỏi ra mới biết là xem phim, phim Sác-lô vui lắm. Trong khi chờ đến lượt, tôi dẫn chiếc xe đạp để dựa vào hông chợ, rồi đưa cho chú chiếu phim 5 cắc để coi cuộn phim năm phút. Ðúng là vui, rạp hát chỉ có mỗi mình với cái màn ảnh to bằng nửa quyển vở. Xem chưa hết phim thì chú quay phim bảo hết tập 1, muốn xem trọn bộ phải đưa 5 cắc nữa. Ðang xem ngon trớn, tôi buộc phải móc túi lấy tiền. Thôi, ngày mai nhịn ăn tô hủ tiếu cũng chẳng chết tây nào. Niềm vui lần đầu xem phim thùng, lại là phim hài tôi thích còn đọng trên khuôn mặt thì bỗng nhiên mặt tôi tái mét, chiếc xe đạp không cánh mà bay”.

Tính ra, một đồng để xem hai tập phim trong mười phút thuở đó là một số tiền khá lớn, đâu thể nào theo nhiều người cho rằng, phim thùng dành cho trẻ em cho nhà nghèo. Ngay cả ở những năm cuối thập niên sáu mươi, tôi nhớ một xuất phim chiếu bóng thùng phải mất 5 đồng. Số tiền này nếu mua khoai lang được hai củ hoặc mua được gói xôi. Ðó là cả số tiền quà vặt ăn sáng cho một đứa học trò hồi đó. Nhưng nên nhớ một điều, thuở đó chiếu bóng thùng có thể chiếu một lúc cho hơn mười người xem. Máy quay có đèn chiếu lấy điện từ bình ắc-quy, không còn quay tay như thuở trước chỉ chiếu được cho một người xem. Số tiền thu được nếu đông đủ khán giả xem ra cũng khá bộn. Mỗi ô cửa sổ nhìn vào có màn trập được đánh số. Muốn xem nửa chừng phim đang chiếu không sao, cứ đưa tiền, ông chủ mở màn trập, xem hết phim thì chờ một chút để được xem lại phần đầu.

Trang Nguyên
Arlington, TX

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân