TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tại sao cà phê làm cho mất ngủ
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tại sao cà phê làm cho mất ngủ

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoa Học và Kỹ Thuật
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9721

Bài gửiGửi: Sat Jan 12, 2019 12:36 am    Tiêu đề: Tại sao cà phê làm cho mất ngủ

Tại sao cà phê làm cho mất ngủ


Mỗi ngày người Mỹ uống khoảng 400 triệu ly cà phê. Nhiều người sáng ra không có một ly cà phê thì không làm gì được. Các sinh viên trước ngày thi nhiều khi nốc hết ly cà phê này tới ly cà phê khác để thức học bài. Tại sao cà phê lại có tác dụng kích thích cũng như làm cho tỉnh ngủ?

Theo mạng worldofchemicals.com thì cà phê có tới 1,500 hóa chất. Một hóa chất quan trọng là caffeine, tuy chỉ chiếm từ 1% tới 3% nhưng caffeine là chất chính trong cà phê làm cho tỉnh ngủ và cảm thấy người hăng hái hơn. Chính vì lý do đó các nhà sản xuất nước ngọt đã pha caffeine vào trong một số nước ngọt và các đồ uống thể thao.



Tại sao caffeine lại làm cho mất ngủ

Trước khi bàn đến vấn đề cà phê làm cho tỉnh ngủ cần phải hiểu tại sao buồn ngủ. Trong suốt ngày các tế bào trong cơ thể con người tiết ra phân tử (molecule) adenosine. Phân tử này có nhiều nhiệm vụ trong cơ thể. Trong óc thì adenosine dính kết với dây truyền thần kinh (neurotransmitter) và làm giảm sự hoạt động của các tế bào thần kinh. Sự dính kết này cũng làm mạch máu nở ra và làm cho cảm thấy buồn ngủ. Vì tế bào sinh ra chất adenosine từ từ nên sự buồn ngủ cũng từ từ tăng lên chứ không phải đột nhiên mà cảm thấy buồn ngủ.


Cấu trúc tương tự giữa caffeine và adenosine. (Hình: chem.ku.edu)


Chất adenosine dính kết với tế bào thần kinh qua một thụ thể (receptor) đặc biệt dành cho adenosine. Phân tử caffeine có cấu trúc tương tự như phân tử adenosine nên khi theo mạch máu lên óc thì cũng dính kết với các thụ thể dành cho adenosine.

Tuy nhiên caffeine không làm cho tế bào óc chậm lại. Vì caffeine chiếm chỗ nên tế bào óc không cảm thấy có adenosine nên không chậm lại mà gia tăng hoạt động. Tuyến yên (pituitary gland) khi thấy sự gia tăng hoạt động của tế bào óc thì nghĩ là có một vấn đề nguy cấp đang xảy ra, do đó tiết ra kích thích tố (hormone) báo cho tuyến thượng thận (adrenal glands) tiết ra adrenaline (còn gọi là epinephrine).

Thông thường adrenaline là một kích thích tố được tiết ra trong trường hợp nguy cấp để sửa soạn cho cơ thể sẵn sàng đối phó với những nguy hiểm. Nó làm cho tim đập nhanh hơn, máu chảy đến các bắp thịt nhiều hơn, và gan tiết thêm đường vào máu để có thêm năng lượng.

Uống cà phê tuy không có gì nguy cấp, nhưng caffeine làm tiết ra adrenaline nên cũng có những hiệu ứng như trên.



Lịch sử cà phê

Không ai biết rõ cà phê bắt đầu từ đâu. Theo Hiệp Hội Cà Phê Quốc Gia (National Coffee Association) Hoa Kỳ thì có một truyền thuyết kể rằng người chăn dê Kaldi là người đầu tiên khám phá ra sự lợi ích của hạt cà phê.

Ông Kaldi nhận xét là con dê sau khi ăn trái của một loại cây thì trở nên hăng hái hoạt động và ban đêm không đi ngủ. Ông Kaldi kể lại sự kiện này cho cha trưởng tu viện của một tu viện gần đấy. Ông cha này làm một nước uống với những hạt đó và thấy là mình có thể thức khuya mà không buồn ngủ. Sự việc này được lan truyền tới các tu viện khác và dần dần lan tới Bán Đảo Ả Rập.

Vào thế kỷ thứ 16 cà phê đã được phổ biến ở các nước Ả Rập và đã có những quán cà phê. Người ta tới quán cà phê không những để uống cà phê mà còn để nghe nhạc, xem hát và bàn chuyện thời sự. Đến thế kỷ thứ 17 thì cà phê lan tới Âu Châu. Qua thế kỷ thứ 18 thì cà phê tràn qua tới Mỹ Châu. Bây giờ thì cả thế giới uống cà phê.



Các loại cà phê

Tuy có tới hơn 80 loại cây cà phê, nhưng chỉ có hai loại cà phê chính bán ngoài thị trường. Đó là loại Arabica và Robusta. Arabica chiếm tới 70% thị trường thế giới, phần còn lại là robusta. Trong nước arabica được gọi là cà phê chè và robusta thì gọi là cà phê vối.

Robusta có vị đắng và chát hơn arabica vì robusta có lượng caffeine gấp đôi arabica. Robusta có khoảng 2.7% caffeine trong khi đó arabica có khoảng 1.5% caffeine. Arabica được ưa chuộng hơn robusta rất nhiều vì hương vị thơm ngon hơn. Tuy nhiên Robusta dễ trồng hơn, và sản lượng cao.



Từ cây cà phê đến tách cà phê

Cây cà phê được trồng tại những nước gần xích đạo như Việt Nam, Nam Dương, Ba Tây. Nhiệt độ tốt cho arabica là khoảng 15 tới 24 độ C, còn robusta thì từ 24 tới 30 độ. Robusta có thể trồng dưới thấp từ mặt biển tới 800 mét còn arabica thì trồng ở những vùng cao nguyên, như vùng Lâm Đồng và Đà Lạt.

Khi trái cà phê chín thì được hái xuống, sau đó qua những phương thức đặc biệt để loại bỏ phần bên ngoài chỉ còn hạt cà phê. Ở giai đoạn này cà phê được gọi là cà phê xanh. Cà phê xanh được cho vào bao và đem đi bán cho các nhà tiêu thụ. Các nhà này đem rang cà phê xanh. Đây là giai đoạn quan trọng quyết định hương vị của cà phê.

Sau khi rang thì hạt cà phê trở nên màu nâu nhạt hoặc đậm tùy theo cách rang. Sau đó hạt cà phê được xay ra nhỏ. Nếu uống expresso thì nên xay nhỏ hơn uống cà phê thường. Khi xay nhỏ mà để lâu thì cà phê sẽ bị bay mất mùi thơm nên dân sành điệu thích mua cà phê nguyên hạt. Uống đến đâu thì xay đến đó, như vậy thơm hơn.


Quảng cáo cà phê chồn ở Peru. (Hình: Hà Dương Cự)


Loại cà phê đắt nhất thế giới

Cà phê đắt nhất thế giới là cà phê chồn, giá khoảng $350 một nửa ký lô. Trong khi đó giá cà phê thường chỉ có từ $3 tới $10. Khi con chồn ăn trái cà phê thì chỉ có vỏ ngoài tiêu hóa, còn hạt cà phê không tiêu và theo phân đi ra ngoài. Người ta đi nhặt phân chồn có hạt cà phê đem về rửa sạch và rồi chế biến như thường.

Trước kia tôi tưởng chỉ có ở Việt Nam mới có cà phê chồn, nhưng cách đây mấy tháng tôi đi Peru chơi và thấy một bảng quảng cáo cà phê chồn.

Cà phê chồn tiếng Anh gọi là kopi luwak, còn gọi là civet coffee (civet là con cầy hương). Kopi luwak là tiếng Nam Dương, kopi là cà phê và luwak là con cầy hương. Như vậy cà phê chồn đã có ở Nam Dương từ lâu. Theo các nhận định thì sở dĩ cà phê chồn đặc biệt là vì, thứ nhất chồn chỉ chọn những trái cà phê ngon và chín nhất để ăn và thứ hai là hạt cà phê khi qua hệ thống tiêu hóa của chồn đã làm tăng hương vị của cà phê.



Lợi và hại của caffeine

Đã có rất nhiều tranh cãi cũng như những khảo cứu khoa học về sự lợi và hại của caffeine, nhưng không có một kết luận chắc chắn thiên về bên nào cả. Caffeine không những có trong cà phê mà còn có trong trà và nhiều thức uống khác như coca cola. Ngắn hạn thì caffeine làm tăng sự tỉnh thức, làm cho cảm thấy hăng hái. Nhưng lạm dụng nó thì có nhiều hậu quả không tốt, như là khó ngủ, người khó chịu và bị bệnh bộ tiêu hóa.

Caffeine là một loại thuốc, khi dùng nhiều thì con người quen với nó làm cho bớt hiệu nghiệm. Như vậy người dùng lại phải tăng lượng lên. Lúc đầu uống một ly một ngày sau thì tăng lên 2 rồi 3. Lâu dần rồi thành nghiền. Nếu đột nhiên ngừng thì có triệu chứng như người cai thuốc phiện hay thuốc lá.

Nói tóm lại cà phê giúp cho bạn tỉnh táo nhất thời, nhưng không nên lạm dụng, về lâu về dài có thể có hại.

Hà Dương Cự
Nguồn: nguoi-viet.com


Nguồn tài liệu: www.coffeeandhealth.org, https://chem.ku.edu, www.ift.org

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Khoa Học và Kỹ Thuật Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân