TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Christmas cho ai
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Christmas cho ai

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Sun Dec 23, 2018 12:26 am    Tiêu đề: Christmas cho ai
Tác Giả: Tạ Phong Tần

Christmas cho ai


Christmas là cách gọi ngày lễ Noel ở Mỹ và châu Âu. Tại Việt Nam, từ “Christmas” ít phổ biến mà ai ai cũng quen thuộc với từ “Noel” hơn, dịch theo tiếng Việt là Lễ Giáng Sinh hoặc Lễ Thiên Chúa Giáng Sinh.

Khi tôi còn là một đứa nhỏ hơn mười tuổi, không biết chữ Noel có nghĩa là gì, nhưng năm nào tôi cũng ngóng tới ngày Noel, dù tôi không phải sanh ra trong gia đình Công giáo và cũng không biết tín ngưỡng là cái chi chi. Chỉ biết rằng cứ tới ngày Noel thì nhà thờ trong thị xã trang trí đẹp lắm, mỗi lần có dịp đi ngang tôi luôn tận dụng cơ hội chạy vô coi mọi ngõ ngách trong sân nhà thờ như một cách khám phá nhiều điều lạ lẫm. Còn một lý do nữa là ngày Noel trùng với ngày 22 Tháng Mười Hai (ngày thành lập Quân Ðội Nhân Dân của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam) nên cứ khoảng ngày 19, 20 là đâu đâu cũng thấy cờ quạt rộn ràng để “kỷ niệm” ngày 22 Tháng Mười Hai, đồng thời “nhà nước ta” cho dựng mấy cái sân khấu ngoài trời để đoàn cải lương Hương Tràm của tỉnh, Ðội Văn nghệ quần chúng của Phòng Văn Hóa-Thông Tin thị xã hò hát tới khuya lơ khuya lắc suốt năm hôm liền, qua khỏi ngày 25 Tháng Mười Hai mới tháo bỏ sân khấu. Tất nhiên người dân được coi hát miễn phí ai mà không thích. Sau này, khi tôi đã là một công chức nhà nước, có điều kiện tiếp xúc nhiều với cán bộ Văn Hóa-Thông Tin thì họ mới nói cho tôi biết chuyện tổ chức hát xướng cả tuần như vậy là “chỉ đạo của cấp trên” để dân tập trung vô đó coi hát, không vô nhà thờ đông đúc. Không phải chỉ Lễ Noel, ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của người Khmer “nhà nước ta” cũng làm y như đối với lễ Noel để người dân đừng vô chùa coi thả đèn.

Có thể nói, từ lâu rồi, người Việt Nam theo đạo Công giáo, Tin Lành, Phật giáo hay không đạo thì ngày Noel họ vẫn cứ đổ ra đường đi chơi, vô nhà thờ coi lễ, coi diễn hoạt cảnh Chúa Jesus ra đời của các cháu thiếu nhi. Lâu dần, Noel trở thành một ngày hội chung tầm cỡ quốc gia cho tất cả mọi người vui chơi, giải trí. Năm 2009, tôi học giáo lý ở nhà thờ Kỳ Ðồng (Sài Gòn), đọc Kinh Thánh Tân Ước thì mới biết Noel có nghĩa là “Emmanuel” -Thiên Chúa ở cùng chúng ta (tiếng Hipri – Tân Ước).



Cựu Ước và Tân Ước không có ông già Noel. Truyền thuyết cho rằng ông già Noel sinh sống tại Bắc Cực với những người lùn. Ông dành đa số thời gian để chuẩn bị quà, đồ chơi cho trẻ em với sự giúp đỡ của những chú lùn. Vào dịp Giáng Sinh, ông nhận được rất nhiều thư từ trẻ em khắp thế giới. Và mỗi đêm Giáng Sinh, ông lại bắt đầu cuộc hành trình của mình với cỗ xe kéo bởi chín con tuần lộc để mang quà và đồ chơi cho các thiếu nhi. Ngày nay, người ta chấp nhận Ông già Noel là hóa thân của Thánh Nicholas ở thành Myra (270 – 343), Thổ Nhĩ Kỳ. Thánh Nicholas sinh thời là Giám mục Nicholas – một ông lão có râu, tóc màu trắng, trang phục là quần áo đen, cỡi lừa và chỉ có áo choàng màu đỏ, có lẽ giống áo của các Ðức Hồng Y ngày nay. Không hiểu từ lúc nào, bộ quần áo trên người Thánh Nicholas lại biến đổi thành màu đỏ choét từ trên xuống dưới, cái nón chóp nhọn cũng màu đỏ.

Than ôi! Trong vòng mười năm trở lại đây, ý nghĩa tốt đẹp và lành mạnh của ngày lễ Noel thời xã nghĩa dần dần bị biến tướng để người ta lợi dụng ăn chơi hưởng lạc vô tội vạ, vô trách nhiệm với bản thân, dẫn đến tàn nhẫn với nhau bằng cách “giết” đứa con mới tượng hình của chính họ. Giáo luật Công giáo cấm phá thai, đó là trọng tội (Ðiều răn thứ năm: Chớ giết người), nhưng ngày Noel, Tết Nguyên đán, Tết Tây là y như rằng báo chí, TV quốc nội lại “la làng” tình trạng “cháy phòng” (hết phòng trống trong khi vẫn còn khách muốn vô thuê) khách sạn, phòng trọ, nhà nghỉ. Rồi vài tháng sau cũng báo chí, TV lại “la làng” số lượng case phá thai tăng vùn vụt, năm sau cao hơn năm trước, độ tuổi của người nữ phá thai thì ngày càng giảm, năm sau thấp hơn năm trước. Chưa bao giờ con số thống kê các case nạo, phá thai kinh khủng như hiện nay. Ðây là con số công bố công khai chính thức ở các bệnh viện, phòng khám có giấy phép hợp pháp, còn phá thai lậu quảng cáo nhan nhản ngoài đường, trên mạng internet thì không thể thống kê được. Cũng không ai biết trong số hàng trăm ngàn case phá thai thì có bao nhiêu bệnh nhân là người “ăn theo” kiếm thú vui chớ không phải là tín hữu Công giáo.

Ở Sài Gòn, tôi sợ nhứt là đêm Noel phải ra đường. Bình thường, đường phố đã kẹt xe nặng rồi, đêm Noel kẹt xe càng trầm trọng, phải nói là ngồi trên xe gắn máy nhích tới từng centimeters. Trong không khí sặc mùi khói xe làm đen hết hai lỗ mũi là tiếng người nói chuyện với nhau như quát ầm ầm vô lỗ tai vì đường phố quá ồn ào. Dù ngày Noel lễ chính là buổi tối, nhưng tôi đi lễ tầm 3 giờ chiều để đỡ phải ngập ngụa trong mùi khói xe đen kịt, mùi mồ hôi người, đỡ phải đinh tai nhức óc vì tiếng máy xe nổ trong biển kẹt xe và đỡ phải nghe nhiều ngôn ngữ thô tục í ới gọi nhau của bọn trẻ, mà “già khó tánh” (như tôi) kêu là “đi đú”. Nhà thờ Ðức Bà ở ngay trung tâm Quận 1 thì thôi không phải nói, 5 năm tôi ở Sài Gòn chưa bao giờ ngày Noel tôi chen chân được tới gần nhà thờ, còn chuyện vô trong để đi lễ ở đó là ảo tưởng. Ðây cũng là dịp cho giựt đồ, móc túi “hành nghề phát đạt”.

Thật sự bây giờ (ở quốc nội) trong cái biển người ken cứng mặt đường kia có mấy người trẻ hiểu được ý nghĩa “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” là như thế nào? Câu cửa miệng ta thường nghe nhiều nhứt để bào chữa cho hành vi sống buông thả theo dục vọng bất chấp hậu quả là “Noel mà! ”, “Tết mà! ”, “Lễ mà! ”... Nó xô bồ, hỗn độn, phàm tục, nặng mùi hưởng lạc tới mức độ tôi phải suy nghĩ: “Christmas là để cho ai?”



Tất cả những điều tôi đã từng chứng kiến khi còn ở Việt Nam thôi thúc tôi làm một cuộc “khảo sát” mini để biết dân Nam Cali đón mừng ngày Noel như thế nào. Trước ngày Christmas, tôi bỏ công lái xe đi lòng vòng các khu dân cư ở Little Sài Gòn và khu vực xung quanh để coi ở đây đón chào ngày Christmas như thế nào. Tôi phát giác ra một điều, rất nhiều cánh cửa nhà có gắn vòng lá thông xanh, dấu hiệu mừng Noel. Vài người bạn tôi chụp hình trang hoàng nhà, post lên Facebook rồi than thở “trang trí mệt quá”. Hỏi có đạo không mà tốn công làm vậy thì đều có câu trả lời là “không có đạo nhưng thấy hàng xóm làm thì mình làm theo cho bọn trẻ vui.” Có nhà trang trí nhiều dây đèn màu xung quanh, có nhà chơi lớn hơn thì họ dựng luôn một vườn mô hình theo truyền thuyết bãi cỏ trước nhà, gồm hang đá, thánh giá, ông Noel, cừu, bò, dê, ngựa, tuần lộc, xe trượt tuyết, suối, cầu, cối xay gió, bánh xe nước... với nhiều đèn LED đủ màu lung linh rực rỡ. Thời tiết ngoài trời rất lạnh nhưng khung cảnh cho người quan sát cảm giác ấm áp do cách bài trí của chủ nhà.

Ðêm Noel tôi đi vòng quanh nhà thờ, vòng qua các con đường lớn lẫn khu dân cư. Người ta chỉ làm lễ trong nhà thờ. Ngoài đường, xe chạy bon bon, không có ai lao nhao nhí nhố, không có kẹt xe, mà chắc chắn là không có vụ... “cháy phòng”!

Tạ Phong Tần

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân