TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tạ ơn người Wampanoag
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tạ ơn người Wampanoag

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9643

Bài gửiGửi: Tue Nov 20, 2018 12:33 am    Tiêu đề: Tạ ơn người Wampanoag
Tác Giả: Ian Bùi

Tạ ơn người Wampanoag

Lãnh thổ các bộ lạc người Wampanoag
vùng ngày nay thuộc tiểu bang Massachusetts (nguồn: Internet)


Theo những nhà khảo cổ thì các giống dân da đỏ ở Bắc Mỹ đã di cư từ Á Châu sang đây khoảng 10,000 đến 12,000 năm trước; họ đi bộ qua eo biển Bering lúc đó vẫn còn đóng băng. Người Wampanoag là một sắc tộc nói tiếng Algonquin định cư tại vùng Đông Bắc, từng có đến 67 bộ lạc với dân số gần 50,000 người. Mỗi bộ lạc có một người tù trưởng đứng đầu; các bộ lạc liên hiệp với nhau thành một cộng đồng lớn. Họ bầu lên một thủ lãnh tối cao gọi là “Sachem”, tiếng Anh dịch là “King”. (Có thể nào Bách Việt của ta ngày xưa cũng có cấu trúc tương tự?)


Ấp trại Plimoth


Tháng 11 năm 1620 chiếc tàu Mayflower chở thuyền nhân tị nạn tiến vào vùng vịnh Rhode Islands. Họ đậu thuyền ngoài cửa biển gần Provincetown ngày nay và án binh bất động. Sang tháng 12 một nhóm người mang súng đạn lên bờ thám hiểm tìm chỗ định cư. Họ đặt chân lên đất liền tại Plymouth. Nơi đây họ phát hiện những cánh đồng đã được gặt hái, gần đó có suối nước ngọt, nhưng không thấy cư dân đâu cả. Tìm được thực phẩm được ai chôn sẵn, họ đào nó lên và mang đi. Đó là thực phẩm của người Wampanoag để dành cho mùa ấm; cứ đến mùa Đông thì họ rút sâu vào nội địa để tránh lạnh. Vài ngày sau, chiếc Mayflower thả neo xuống Plymouth; cuộc định cư đầu tiên của người Âu Châu tại Bắc Mỹ bắt đầu.

Sang tháng 3, 1621, tức hết mùa lạnh, người di dân mới tiếp xúc với thổ dân. Một trong những người đầu tiên họ gặp là Squanto, thuộc bộ lạc Pawtuxet, biết nói tiếng Anh. Số là năm 1614 Squanto bị nhà thám hiểm John Smith bắt cùng một số thổ dân khác mang về Âu Châu bán làm nô lệ. Không ngờ Squanto được giải cứu bởi một nhà dòng và vài năm sau tìm cách quay về Bắc Mỹ. Nhưng khi anh ta trở lại thì bộ lạc của anh ta đã chết sạch vì một bệnh dịch bí ẩn mà sau này được biết là Yellow Fever do người da trắng mang đến. Đó cũng là lý do người Wampanoag không muốn tiếp xúc với thuyền nhân trên chiếc Mayflower cả mấy tháng trời — họ sợ bị lây bệnh.


Sachem Massasoit mời John Carver điếu cày hữu nghị


Sau khi biết chắc những người da trắng không mắc bệnh và không có ý định gây hấn, tù trưởng Wampanoag là Massasoit đến gặp lãnh đạo người Anh. Hai bên nói chuyện và trao đổi một số vật phẩm tượng trưng, trong đó có thuốc hút và ống điếu của người da đỏ. Ngày 1/4/1621 họ ký kết một hiệp ước hoà bình mà sử sách gọi là Peace Treaty 1621. Nội dung bản hoà ước này đại ý nói họ sẽ không tấn công lẫn nhau, và bên này sẽ giúp bên kia tự vệ nếu bị tấn công bởi một lực lượng thứ ba. Trên thực tế lúc đó cả hai đều cần nhau. Người Anh có súng đạn nhưng lạ nước lạ cái. Người Wampanoag thì đang phải đối phó với một bộ lạc thù địch nên cũng muốn có chỗ dựa lưng. Họ đã từng gặp dân Âu Châu trước đó nhiều lần (kể cả người Vikings thuở xa xưa) nên không lạ gì hoả lực của người da trắng. Nói tóm lại, đây là một thoả thuận tự vệ cho đôi bên.

Thời gian đầu Squanto dạy cho người Anh cách trồng bắp để có thức ăn, và chỉ cho họ nơi nào tốt để săn bắn và câu cá. Sau mùa gặt đầu tiên, dân làng khao một bữa tiệc để tạ ơn Trời Đất. Huyền thoại “Buổi tiệc Thanksgiving Đầu Tiên” của người di dân bắt đầu từ đây. Edward Winslow, một người trong nhóm, chép lại rằng họ đã mời thổ dân đến cùng ăn tiệc, có thịt nai và chim rừng. Ông ta còn ghi xuống tên 52 người Anh có mặt hôm đó—họ là những người duy nhất sống sót trong số 101 người vượt biển trên chiếc Mayflower. Từ đó về sau, người dân Anh ở vùng “New England” này thường tổ chức một buổi tiệc tương tự hàng năm để nhớ ơn tiền nhân. Nhưng không nơi nào khác trên xứ Mỹ thời xưa có tập tục này.


Đồng $1 kỷ niệm Hòa Ước 1621 giữa người Wampanoag và người Anh


Mãi đến giữa thế kỷ 19 biên tập viên của một tạp chí phụ nữ, bà Sara Hale, tình cờ đọc được bút ký của Winslow và nảy ra sáng kiến giới thiệu tập quán này đến quần chúng. Để cho xôm tụ, bà ta chế ra một số thức ăn hiện đại hơn, trong đó có gà lôi. Đến thời Nội Chiến (1860-1865) tổng thống Abraham Lincoln quyết định biến Thanksgiving thành một ngày lễ quốc gia, với mục đích xoa dịu lòng dân đang trải cuộc can qua. Lincoln cũng là người đặt tên cho những người di dân Anh đầu tiên ấy là “Pilgrims” — người đi hành hương. Trên thực tế họ chẳng hành hương gì cả; những người này thuộc một giáo phái cực đoan gọi là Puritan. Vì không muốn tuân theo lề luật của nhà nước Anh-Giáo nên họ đã tìm đường vượt biên. Mới đầu họ sang Hoà Lan tá túc một thời gian; sau khi gom góp đủ tiền họ bèn mua tàu Mayflower và tổ chức vượt biển. Dựa theo bản đồ của những nhà thám hiểm đi trước, họ nhắm hướng New York trực chỉ. Nhưng vì bị bão đánh lạc hướng nên tàu của họ đã tấp vô vùng đất của người Wampanoag, địa danh ngày nay mang tên Cape Cod.

Nhưng theo lời kể của hậu duệ người Wampanoag hiện vẫn đang sống ở Massachusetts thì tại buổi tiệc đó người da trắng đã bắn súng và bắn cà nông lên trời để ăn mừng. Nghe tiếng súng, một toán 90 chiến binh Wampanoag được phái đến thám thính xem người da trắng đang làm gì, bắn ai, có thổ dân nào bị bắt làm tù binh hay nô lệ hay không. Khi họ gặp người thông dịch viên và được giải thích rằng đám người kia chỉ đang ăn mừng mùa gặt, toán lính quyết định dựng trại gần đó ít bữa để canh chừng vì họ từng có kinh nghiệm không tốt với dân da trắng. Trong những ngày kế tiếp họ phải săn nai quanh khu vực để có thức ăn, nhờ vậy mới gặp được nhóm người đi săn chim rừng, gà rừng mà Winslow đã ghi trong sổ tay. Người Anh lúc đầu hoàn toàn không có ý định mời người Wampanoag đến để cảm tạ như truyền thuyết kể. Tuy nhiên, sau khi gặp binh đoàn Wampanoag với những con nai béo tốt, họ đã mời đám thổ dân ở lại để “chung vui”. Từ đó ta có thể đoan chắc rằng “Buổi Tiệc Thanksgiving Đầu Tiên” có... thịt nai nướng!


Tượng “Great Sachem Massasoit”, dựng năm 1921 kỷ niệm 300 năm người Anh đổ bộ lên Plymouth Rock, Massachusetts.


Cuộc vui nào cũng chóng tàn. Hiệp Ước Hoà Bình (ký ngày April Fools) có hiệu lực được chừng 50 năm thì xảy ra chiến tranh (1675-1678), sử Mỹ gọi là “King Philip’s War” — Philip là Sachem của người Wampanoag, con trai thứ của Massasoit. Vào thời điểm đó số dân da trắng vùng New England đã lên tới khoảng 80,000. Họ không còn thuần tuý là những người Puritan thời Massasoit nữa. Những người da trắng đến sau bắt đầu lấn chiếm đất của thổ dân mà Hiệp Ước 1621 đã không biết trước để ngăn cấm. Nhiều cuộc xung đột nhỏ đã xảy ra trước đó, nhưng khi chiến sự bùng nổ thì mỗi bên đã phải đem cả chục ngàn quân binh ra trận.

Cuộc chiến khốc liệt dài bốn năm đã tàn phá vô số làng mạc vùng New England và tiêu diệt gần hết người Wampanoag. Ngày nay trong số 67 bộ lạc thuở ban đầu chỉ còn 3 bộ lạc tồn tại: Mashpee, Aquinnah và Mahommet. Họ ở quanh các vùng Martha’s Vineyard, Cape Cod, Rhode Islands hiện nay. Hàng năm đến mùa Thanksgiving người Wampanoag ở Massachusetts không làm gà lôi ăn mừng giống như người Mỹ. Họ làm lễ nhớ ơn vị vua hùng của họ: Sachem Massasoit.

Ian Bùi

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân