TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Bệnh gout
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Bệnh gout

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Wed May 24, 2017 10:20 am    Tiêu đề: Bệnh gout

Bệnh gout


Bệnh gao, tiếng Mỹ viết là gout; ở Việt Nam, có người gọi theo kiểu đọc Tây, là gút, có người dịch là thống phong.

Phong là phong thấp tức là viêm khớp, thống là đau, tức là bệnh khớp làm đau kinh khủng. Thực ra bệnh khớp nào cũng làm đau, nhưng một cơn gout cấp tính là một kinh nghiệm không thể nào quên, vì đúng là nó đau khủng khiếp, không đụng cũng đau, chỉ cần quần áo hay khăn trải giường đụng nhẹ vào cũng đau.

Trong bài này, ta sẽ dùng chữ gout vì khi đi bác sĩ ở bên Mỹ này, đó là chữ mà các bác sĩ và nhân viên y tế thường dùng nhất.



Gout là bệnh gây ra ở những người có mức của một chất gọi là urate (đọc là “diu rết,” thường gọi là uric acid) cao kinh niên.

Một số trong những người có mức uric acid cao kinh niên sẽ bị gout. Ở những người này, chất urate sẽ đọng lại thành muối (tinh thể-crystals) trong khớp. Những hạt muối này được coi là những vật lạ nguy hiểm, và do đó các tế bào quân lính bảo vệ cơ thể được gọi là bạch (huyết) cầu sẽ kéo đến để thanh toán các quân địch này.

Và các chất tiết ra trong khi bạch cầu quân ta tấn công quân địch (các tinh thể urate) sẽ tạo thành phản ứng sưng, nóng, đỏ, đau tại chỗ, gọi là phản ứng viêm. Tại sao chỉ một số nhỏ trong số những người bị cao urate trong máu kinh niên bị gout vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời.

Gout thường xảy ra ở đàn ông hơn (80%), và thường xảy ra hơn ở tuổi khoảng sau 40. Nếu xảy ra ở phụ nữ, nó thường xảy ra sau thời kỳ mãn kinh.


Các triệu chứng của gout


Các triệu chứng của gout có thể chia làm các nhóm: Gout cấp tính, gout mạn tính (kinh niên), và các biến chứng ở đường tiết niệu.



Gout cấp tính (acute gout)

Viêm khớp cấp tính thường là các triệu chứng đầu tiên ở người bị gout. Nó thường xảy ra đột ngột, thường chỉ ảnh hưởng một khớp, thường nhất là ở ngón chân cái lớn hoặc khớp gối. Triệu chứng trầm trọng nhất trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi cơn tấn công bắt đầu.

Sau cơn đầu tiên, bệnh nhân thường không có triệu chứng trong một thời gian. Cơn thứ nhì thường xảy ra trong vòng hai năm, rồi sau đó các cơn tiếp theo sẽ đến thường xuyên hơn. Lúc đầu, giữa các cơn, bệnh nhân có thể sẽ không có triệu chứng gì cả. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thích hợp, thời gian giữa các cơn bộc phát sẽ ngày càng ngắn đi, và các cơn đau sẽ ngày càng trầm trọng và kéo dài hơn. Lâu ngày, các cơn viêm sẽ lan ra nhiều khớp cùng một lúc, có thể đi kèm với sốt. Tệ hơn nữa, các cơn đau có thể sẽ trở nên liên tục quanh năm.

Một số yếu tố có thể kích thích, tạo ra các cơn bộc phát của gout là bị chấn thương, mổ, nhịn đói, dùng rượu hoặc các chất có cồn (alcohol), ăn nhiều quá, dùng một số thuốc có ảnh hưởng đến mức urate trong máu.



Gout mạn tính với các cục sạn dưới da (chronic tophaceous gout)

Xảy ra ở một số bệnh nhân bị gout lâu năm không được (hoặc không chịu) điều trị thích hợp. Các cục u do sạn urate đóng cục ở khớp, xương, hoặc sụn, được gọi là “tophus” (đọc là “tô phớt sờ”-số ít), hoặc “tophi” (số nhiều-nhiều cục).

Các cục này có thể chèn ép vào xương làm xương bị ăn mòn. Các cục xấu xí này thường gặp nhất ở các khớp ngón tay, thường không đau; tuy nhiên, đôi khi nó có thể bị viêm và đau y như cơn đau của khớp bị viêm cấp tính. Như đã nói, nó cũng có thể làm lở loét, nhiễm trùng. Đôi khi, nếu gần đường thần kinh, nó cũng có thể chèn ép vào thần kinh gây đau hay liệt.

Với các thuốc làm giảm acid uric trong máu, các cục sạn này ít xảy ra hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các cục sạn này dễ được thành lập hơn. Ví dụ như ở những người bị gout mà dùng thuốc lợi tiểu (thường dùng trị cao huyết áp), những người uống rượu, những người bị ghép các cơ quan (organ transplantation) cần dùng thuốc cyclosporine, hoặc những người không thể dùng được các thuốc làm giảm urate.



Các biến chứng ở hệ tiết niệu

Các sạn urate cũng có thể đóng trong hệ tiết niệu gây sạn. Đó có thể là sạn thận, sạn niệu quản (là ống nối giữa thận và bàng quang-bọng đái)...

Sạn ở có thể làm tắt nghẽn gây ứ nước trong thận, dần dần gây suy thận. Nếu sạn nhỏ đóng trong thận, trong một số ít trường hợp, nó có thể gây viêm, xơ và sau đó là suy thận.

Do đó, trị gout, không chỉ là trị những cơn đau, mà còn phải làm sao để giảm thiểu các cơn tái phát và các biến chứng của nó.

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Về Đầu Trang
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9547

Bài gửiGửi: Thu Jun 01, 2017 11:22 pm    Tiêu đề: Phòng cơn đau do gout

Phòng cơn đau do gout


Hỏi: Tôi bị gout, thấy bác sĩ cho hai, ba thứ thuốc, có thứ dặn là uống khi đau, có thứ dặn là uống khi không đau. Tôi nghe không kịp nên hơi lẫn lộn. Xin giải thích rõ hơn.

Có cách ăn uống nào có thể giúp giảm bớt bệnh gout hay không?

Đáp: Phòng các cơn viêm cấp tính xảy ra thường xuyên

Để phòng các cơn đau cấp tính tái phát hoặc xảy ra quá thường xuyên, cần phải dùng các loại thuốc nhằm mục đích này, như bác sĩ dặn. Không nên thấy hết đau lại ngưng thuốc. Các cơn đau sẽ mau tái phát hơn, và sau một thời gian sẽ trở thành liên tục, với các biến chứng ở thận, và đóng sạn (như đã kể kỳ trước), khó chữa hơn rất nhiều, hoặc không thể chữa khỏi hẳn được.

Thuốc đầu tiên được dùng trong mục đích này, cũng có thể là thuốc colchicin kể kỳ trước, liều thấp hơn, dùng đều đặn hằng ngày. Bác sĩ sẽ kiểm tra mức uric acid trong máu, khi mức này giảm đến độ an toàn cần thiết sau vài tháng, bác sĩ sẽ khuyên ta tạm ngưng thuốc.

Ngoài ra, ta cũng cần dùng các thuốc để làm giảm mức acid uric trong máu (như Probenecid, sulfinpyrazone, allopurinol,...). Thời gian dùng các thuốc này thường cần phải kéo dài, bác sĩ sẽ theo dõi mức uric acid trong máu để điều chỉnh liều. Nếu tự động ngừng, các cơn đau cấp tính có thể sẽ tái phát.

Việc hạ uric acid trong máu, ngoài việc giúp giảm các cơn tấn công của gout, cũng có thể có ích trong việc phòng các bệnh khác. Tuy nhiên, cho đến nay, điều này chỉ có ý nghĩa là việc dùng thuốc hạ acid uric, cũng có các ích lợi thêm (bonus) khác, chứ chưa có các kết luận cuối cùng về việc dùng thuốc này để trị tiểu đường hay cao huyết áp.

Cũng cần chú ý là các thuốc hạ acid uric như vừa kể, thường nên dùng điều độ lúc không đau, nhưng đến khi bị lên cơn đau thì nên tạm ngừng cho đến lúc hết đau: Nếu dùng lúc đang đau, nó có thể khiến cơn đau kéo dài hơn. Vì trong khi làm giảm acid uric, các thuốc này có thể làm các tinh thể bể đôi, rồi tiếp tục bể nhỏ ra cho đến khi tan hết, nhưng khi bể nhỏ ra, số lượng các tinh thể lại tăng lên (bể ra làm đôi tức là tăng số lượng lên gấp đôi), khiến hệ thống miễn nhiễm của cơ thể cho là “quân địch” đang tăng “quân số,” và do đó cơ thể chúng ta sẽ gởi thêm “lính” đến chiến đấu. Và “chiến tranh” càng “khốc liệt” thì ta sẽ... càng đau hơn.



Ăn uống và bệnh gout

Một số cách ăn uống, tránh những chất có thể làm cơ thể sản sinh ra nhiều urate (như các loại đồ lòng, gan, tim, tránh bia, rượu...) cũng có thể giúp ích một phần. Tuy nhiên kết quả thường khiêm tốn, và kết luận của các nghiên cứu về vấn đề này đưa ra những kết quả khác nhau. Và nói chung, việc thay đổi cách ăn uống chỉ có vai trò góp phần trong việc phòng bệnh, chứ thường không thể thay thế thuốc men.

Uống nhiều nước và sữa ít chất béo có thể giúp giảm các cơn đau của gout (gao, bệnh thống phong), đó là điều đã được rút ra từ một nghiên cứu được trình bày tại một hội thảo thường niên của Hội Các Bác Sĩ Chuyên về Bệnh Khớp (American College of Rheumatology).

Từ trước đến nay, nhiều nghiên cứu chỉ dành thì giờ xem xét xem không nên ăn uống thứ gì để tránh bị các cơn tấn công của gout. Đây là một trong những nghiên cứu tìm hiểu xem nên ăn uống thế nào để tránh các cơn tấn công này.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ của 535 bệnh nhân bị các cơn tấn công của gout và tìm hiểu xem trong vòng 48 tiếng đồng hồ trước đó, họ đã ăn uống ra sao.

Kết quả cho thấy, những người càng uống nhiều nước, thì nguy cơ bị các cơn tấn công lặp đi lặp lại của gout càng thấp. Ví dụ, việc uống từ năm đến tám ly nước trong vòng 24 giờ đã liên quan đến việc giảm nguy cơ bị cơn tấn công của gout đến 40%, so với những người chỉ uống dưới một ly nước trong ngày trước đó.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là uống nước đủ, dù rất bổ ích và cần thiết, không thể thay thế cho việc uống thuốc, như bác sĩ đã kê toa cho mình.

Nghiên cứu này chỉ cho thấy là việc thiếu nước của cơ thể có thể là một yếu tố quan trọng kích thích các cơn tấn công của thống phong.



Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng uống nhiều sữa cũng giúp giảm nguy cơ bị các cơn tấn công của gout. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu tác dụng của sữa ít hay không có chất béo (skim milk) trên nồng độ uric acid, mà nếu gia tăng, có thể làm tăng nguy cơ gout.

Các nhà nghiên cứu đã lấy máu và nước tiểu của 16 tình nguyện viên ngay sau khi, và mỗi tiếng đồng hồ một lần, trong vòng ba tiếng sau khi họ uống sữa đậu nành hoặc sữa ít béo.

Kết quả cho thấy rằng, sau khi uống sữa đậu nành, mức uric acid tăng 10 phần trăm trong ba tiếng đồng hồ sau đó. Ngược lại, nồng độ uric acid giảm 10% ở các bệnh nhân uống skim milk.

Tưởng nên biết, là so sánh với thuốc tiêu chuẩn để chữa gout, là Zyloprim (allopurinol), thì thuốc này giúp làm giảm nồng độ uric acid khoảng 20% đến 30%.

Nhà nghiên cứu cho rằng chất orotic acid trong sữa ít béo đã giúp làm cho thận tăng sự thải acid uric ra khỏi cơ thể.

Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu tác dụng lâu dài của sữa ở những người bị gout.



Dù thế nào đi nữa thì uống đủ nước và uống sữa tươi ít béo cũng là điều cần và nên làm hằng ngày và tốt cho sức khỏe.

Tránh các yếu tố có thể kích thích các cơn bộc phát cấp tính (đã kể trong kỳ trước) cũng là điều cần chú ý.



Tóm tắt

Gout là một bệnh viêm khớp rất khó chịu, không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh quá khó chữa. Điều cần thiết là phải biết uống thuốc đúng cách. Không phải khi đau mới cần uống thuốc. Uống thuốc phòng các cơn gout cũng là điều rất cần thiết. Ăn uống cũng có thể giúp ích một phần, nhưng thường không thể thay thế các thuốc vừa hiệu quả, tương đối an toàn, mà lại rẻ tiền.

Bên cạnh việc uống thuốc đúng và theo dõi bệnh thường xuyên với bác sĩ, luôn có sẵn thuốc để uống liền khi cơn đau mới bắt đầu, sẽ rất có ích để tránh các cơn đau quá đáng không cần thiết.

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sức Khỏe và Y Học Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân