TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Xi-nê Sài Gòn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Xi-nê Sài Gòn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9633

Bài gửiGửi: Thu Feb 23, 2017 3:23 pm    Tiêu đề: Xi-nê Sài Gòn
Tác Giả: Trang Nguyên

Xi-nê Sài Gòn

Rạp Nguyễn Văn Hảo vừa chiếu phim vừa cho các đoàn cải lương thuê mướn trình diễn – Ảnh: Douglas Ross


Thuở đầu thập niên 1960, phương tiện giải trí ngoài máy hát dĩa, băng từ Akai, radio, truyền hình thì rạp chiếu bóng, cải lương ở Sài Gòn nhiều không kể xiết. Trong đó, chiếu bóng hay xi-nê là loại hình được mọi người xem nhiều nhất. Nhất là những năm cuối thập niên 50, khi các hãng phim Việt Nam bắt đầu sản xuất phim màu thay thế phim trắng đen. Tuy nhiên, mãi đến năm 1967, lần đầu tiên tôi được bà chị Hai trong nhà dẫn đi xem “Lục Vân Tiên”, chiếu ở rạp Thanh Vân toạ lạc ở Q. 10 ngay đầu con hẻm nhà tôi. Đối với tôi đó là một ngày đặc biệt.


Đạo diễn Tống Ngọc Hạp (ngoài cùng bên trái) tới Hồng Kông để làm hậu kỳ cho bộ phim Lục Vân Tiên


Tôi không hiểu sao ở chừng tuổi ấy mà đến bây giờ tôi có thể nhớ một cách rõ ràng, thậm chí vài phân cảnh Vân Tiên (diễn viên Tống Ngọc Hạp kiêm đạo diễn đóng). Hình ảnh con ngựa cỏ nhỏ bé do Vân Tiên cưỡi chạy ì à ì ạch làm tôi nhớ mãi. Khi tôi đem chuyện này kể cho ông bạn lớn tuổi nghe chơi thì ổng bảo ổng cũng nhớ đến con ngựa còm, to hơn con chó becgiê một chút. Ông bạn nói đã xem phim màu đầu tiên của miền Nam này ra mắt hồi năm 1957, có nghĩa rạp Thanh Vân chiếu lại phim cũ cách đó mười năm. Nhưng với tôi đó lại là một bộ phim mới và là lần đầu tiên trong đời tôi được đi xem phim ở rạp xi-nê màn ảnh lớn.

Diễn viên Tống Ngọc Hạp lại là người quen cùng làm việc trong ngành giáo dục với ông, khi đó ông Hạp phụ trách Nha học liệu. Trước đó không biết có duyên tình gì với điện ảnh, ông Hạp tự bỏ tiền làm nhà sản xuất kiêm đạo diễn kiêm luôn vai nam chánh đóng với cô đào chánh Thu Trang – nguyên là nhà báo viết mảng văn hoá nghệ thuật – và cũng là hoa hậu miền Nam đầu tiên do chính quyền Ngô Ðình Diệm tổ chức cuộc thi nhan sắc nhân lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng ngày 20/5/1955. Thành phần ban giám khảo gồm các nhân sĩ, trí thức và nhà báo. Tình cờ khi đến dự tuyển vào ban giám khảo, ban tổ chức thấy cô đẹp, duyên dáng nên đề nghị cô ghi danh dự thi hoa hậu đúng hơn là dự tuyển vào ban giám khảo cuộc thi. Cơ duyên Thu Trang trở thành hoa hậu đơn giản chỉ là như vậy.


Diễn viên nữ chính Thu Trang trong phim Lục Vân Tiên sau khi đăng quang vương miện hoa hậu năm 1955


Tôi xin lan man một chút chuyện hoa hậu Thu Trang (tên thật là Công Thị Nghĩa) bởi cuộc đời của bà có quá nhiều đau khổ, trắc trở. Khi phim Lục Vân Tiên quay xong, sau đó bà cùng ông Hạp sang Hồng Kông làm hậu kỳ cho bộ phim và dự liên hoan phim ở Nhật hồi đầu năm 1957, rồi bà có thai với ông Hạp. Ðứa bé sinh ra được đặt tên Tống Ngọc Vân Tiên để ghi nhớ mối tình của nàng Kiều Nguyệt Nga và thư sinh Lục Vân Tiên ngoài đời trong khi chàng diễn viên chính đã có gia đình vợ con đề huề.

Những vấn đề riêng tư như tư tưởng chính trị hay cuộc đời ba chìm bảy nổi của bà trước khi bước chân vào ngành điện ảnh ở giai đoạn đầu không nhắc tới làm gì. Có quá nhiều bài báo đã khai thác chuyện đời tư của bất kỳ một nhân vật nào nổi bật (tuy phim Lục Vân Tiên chẳng phải đình đám gì vào thời đó). Ông bạn của tôi kể, có lần Tống Ngọc Hạp hỏi ông mượn cái máy chạy điện kiểu vật lý trị liệu về nhà không biết cho bà nào xài để trị bệnh. Nhưng những câu chuyện ông Hạp kể vài năm sau đó mới quan trọng hơn và trở thành một bước ngoặt mới cho cuộc đời của nàng “Kiều Nguyệt Nga”. Chính quyền ông Diệm ban hành luật 10/59 tìm kiếm truy bắt những người theo Việt Minh ngày trước. Năm 1961 nhân nhận được lời mời của Hội điện ảnh Pháp, bà Thu Trang thoát khỏi Sài Gòn. Ở Pháp, bà không tiếp tục theo ngành điện ảnh mà cố gắng học trở thành tiến sĩ sử học tại Ðại học Paris khiến người ta khâm phục một vị tiến sĩ mà trước đây từng là nhà báo, hoa hậu, diễn viên có nhiều mối duyên tình được giới văn nghệ quan tâm. Trong đó có chàng thi sĩ Bùi Giáng cũng rất si mê bà. Trong tập thơ Mưa nguồn xuất bản năm 1962, Bùi Giáng viết: “Không biết trời tròn hay méo / Chỉ hôm nay là nhan sắc hôm nay / Trời bên kia – nhan sắc ở bên này”.



Nhưng thôi, chuyện tình của các diễn viên thì có rất nhiều, lan man chừng nào mới hết. Tôi xin trở lại với cái rạp xi-nê Thanh Vân gần nhất và cũng là cái rạp đầu tiên tôi bước chân vào xem Lục Vân Tiên và sau đó là hàng loạt phim võ thuật Hồng Kông ăn khách xuất hiện thuở đầu thập niên 1970. Khương Ðại Vệ, Ðịch Long, Vương Vũ, rồi Lý Tiểu Long cứ ra mắt hết tuần này đến tuần khác. Tất nhiên ở tuổi tôi lúc đó thích xem phim đánh võ hay cao bồi đấu súng hơn tình cảm lãng mạn cho dù đó là tình cảm Pháp. Phim tình cảm Việt Nam thường lấy bối cảnh xảy ra giữa thời chiến tranh loạn lạc, cuộc hôn nhân trắc trở do gia cảnh nghèo hèn, bị cha mẹ ép buộc. Bây giờ khi xem lại phim cũ trên youtube, tôi vẫn thích phim võ thuật Hồng Kông hơn mấy bộ phim tình cảm yêu đương như Chân trời tím, Như hạt mưa sa, Ngậm ngùi, Xa lộ không đèn... Phim Việt nói chậm, cử chỉ nhân vật hành động chậm, nói chung tất cả dường như mọi cảnh phim cứ từ từ thủng thỉnh không có nhiều những pha hành động nhanh, gay cấn. Một bộ phim hành động được đánh giá là hay thường cách khoảng mười phút có một pha hành động đấu võ, bắn súng rất dễ lôi cuốn người xem. Nhiều cảnh đánh đấm quá thì thành bạo lực, còn quá ít thì phim đơn điệu không hấp dẫn.


Rạp Eden trên đường Tự Do


Thực ra tôi rất hiếm xem phim ở rạp. Ba tôi là người khó tính, dạy bảo con cái khắt khe. Ba tôi bảo con nít đi đâu phải có người lớn đi cùng. Những bộ phim cao bồi hay võ thuật trên màn ảnh tôi biết thường do mấy thằng bạn lớn tuổi hơn tôi một chút đi xem về kể lại cho nghe, chứ họa hoằn lắm bà chị Hai tôi mới dẫn đám em đi ra rạp xem phim cho biết. Khi vào lớp đệ lục, tôi mới được phép đi học một mình do trường cách nhà vài ba cây số. Tôi thường đi bộ đến trường theo con hẻm thông ra ga xe lửa Hoà Hưng gần bên rạp hát Thanh Vân. Ngay đầu hẻm, các chú thợ vẽ thường đặt những khung gỗ to căng vải trắng bên vách tường vẽ hình quảng cáo phim cho tuần tới. Thế là tuần tới rạp chiếu phim gì là tôi biết hết, để có chuyện xạo sự với mấy thằng bạn hàng xóm cảnh này cảnh kia rất gay cấn trong phim.


Rạp Olympic trên đường Hồng Thập Tự vừa là rạp xi-nê vừa là rạp cải lương thường xuyên nhất – Ảnh: John Hettish


Hồi trước, các rạp xi-nê thường cho nghỉ giải lao giữa chừng. Thời gian kéo dài chừng hai mươi hoặc ba mươi phút để chủ rạp cho người chạy đến rạp khác đổi phim nửa phần cuối hoặc nửa phần đầu. Nghĩa là, có rạp chiếu cùng bộ phim, giờ giấc chênh lệch nhau để tiết kiệm tiền thuê phim của hãng sản xuất. Do vậy, nhiều khi người chạy phim bị kẹt xe hay bị trục trặc trên đường, giờ giải lao kéo dài thêm chút nữa.

Nghĩ lại bây giờ thời gian xem phim nhanh quá. Vô rạp chỉ xem bộ phim đang chiếu với thời lượng chừng hơn tiếng rưỡi. Phim ngày trước thường kéo dài dưới 90 phút nhưng mỗi suất chiếu có thể cách nhau cả 3 tiếng đồng hồ. Thường nhà rạp mở màn bằng loạt chiếu dạo các đoạn của bộ phim chiếu tuần tới để quảng cáo, có rạp mở màn bằng buổi diễn của các ca sĩ đang lên hoặc nhóm tạp kỹ, ảo thuật. Ðến giữa suất lại nghỉ giải lao để bà con ra ngoài hóng mát ăn uống nước, cà rem, mía ghim... (rạp không có máy lạnh, chỉ mở quạt trần tít trên cao). Ông bạn của tôi thường đi xem hát ở rạp Văn Cầm. Rạp này thường có ca cải lương mở màn cho suất chiếu phim.


Rạp Nam Quang trên đường Lê Văn Duyệt Q.3 ngày trước


Sau này lớn lên một chút, tôi cùng mấy thằng bạn học gặp lúc thầy cô giáo bệnh không đến lớp, giờ học lại ở tiết cuối nên thầy giám thị cho về sớm. Cả đám năm bảy đứa vét hết tiền trong túi hùn nhau, kéo đi xem phim ở rạp hát Nam Quang. Rạp này nhỏ hơn rạp Thanh Vân cùng nằm trên đường Lê Văn Duyệt ở quận 3, bên cạnh Chợ Ðũi trong con hẻm có xe mì Tàu, hủ tiếu hoành thánh ăn với tương bột cải vàng hoặc chè đậu đỏ, sâm bổ lượng ngon lắm. Nghe mấy người lớn tuổi trong xóm kể, hồi năm 1960 trên đường Lê Văn Duyệt cách rạp Nam Quang con đường Hồng Thập Tự có thêm rạp Kinh Ðô thuộc loại xi-nê hạng sang ở Q. 1, được trang bị tiện nghi máy lạnh, bị bom của VC năm 1962, sau xây lại thành trụ sở cơ quan USAID (Provides Economic, Development and Humanitarina Assistance – Viện trợ Phát triển kinh tế và nhân đạo của Mỹ).

Ngay trên con đường Trần Hưng Ðạo, chỉ mỗi đoạn Q.1 thôi đã có đến bốn năm rạp xi-nê kiêm luôn rạp hát cải lương. Nào là rạp Nguyễn Văn Hảo, Thanh Bình, Hưng Ðạo, Quốc Thanh, Khải Hoàn. Bên cạnh chiếu bóng, thuở vàng son của ngành cổ nhạc cải lương thăng hoa vào thuở thập niên 1970 lên đến đỉnh cao. Tôi sẽ nói chuyện cải lương ở một bài viết khác. Riêng ngành kinh doanh xi-nê ở Sài Gòn trước năm 1975 là một ngành hái ra tiền. Nhiều người trong nghề cho biết một chủ rạp làm ăn phát đạt chừng năm bảy năm là đủ tiền xây rạp mới.

Trang Nguyên
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân