TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trang Trần Hữu Sơn
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trang Trần Hữu Sơn

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Tue Mar 29, 2016 10:35 pm    Tiêu đề: Trang Trần Hữu Sơn

Ngày Con Đi - Trần Hữu Sơn - Hoài Hương - PPS Phạm Thúc Tâm





Được sửa bởi MAI THO ngày Mon Nov 07, 2016 6:47 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Fri Apr 01, 2016 4:35 pm    Tiêu đề: MƠ VỀ VẠN GIÃ - Trần Hữu Sơn - Tâm Thư

MƠ VỀ VẠN GIÃ - Trần Hữu Sơn - Tâm Thư



Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Wed Apr 06, 2016 9:52 am    Tiêu đề: Thuyền Nhân Việt Nam


Thuyền Nhân Việt Nam

Bấm vào để xem hình lớn hơn

Người Việt tỵ nạn cộng sản đầu tiên đến Hòa Lan


Thuyền Nhân Việt Nam

Dẫn nhập:

Đầu mùa hè năm 2015, các cơ quan truyền thông quốc tế cũng của Hòa Lan đặt biệt quan tâm đến làn sóng người tỵ nạn bằng thuyền phát xuất từ các nước Bắc Phi cũng như bên Trung Đông, vượt Địa Trung Hải tìm đến phần đất phía Nam của Lục Địa Âu Châu, nhất tại hai quốc gia Ý và Hy Lạp để xin tỵ nạn.

Số lượng người tỵ nạn và thảm cảnh trên biển Đia Trung Hải đã đập mạnh vào lòng nhân đạo của người Âu Châu. Họ không thể nhắm mắt, bịt tại trước thi hài của cậu bé 3 tuổi Aylan Kurdi... trôi giạt vào bờ biển Bodrum, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ..

Mặc dù có một vài đảng chính trị, một số người phản đối, nhưng chính quyền các nước Âu Châu nói chung và Hòa Lan nói riêng, thực sự muốn tìm cách cứu vớt số phận không may của các thuyền nhân.,. của đầu thế kỷ thứ 21.

Vấn nạn người tỵ nạn từ Bắc Phi, từ Trung Đông,... hiện nay vẫn còn là những câu hỏi hóc búa, mà cả lục địa Âu Châu vẫn chưa tìm ra đáp số thỏa đáng. Hết phiên họp này đến cuộc thào luận khác, từ lãnh tụ quốc gia đến Bộ Trưởng, Thứ trưởng... và mặc dù đã có nhiều thỏa hiệp, nhiều biện pháp đối phó, nhưng cho đến nay vẫn còn trong vòng lo âu, lúng túng...

Thấy chuyện của ‘’ Người ta ngày hôm nay ’’, ngồi nhớ lại chuyện của ‘’ Mình ngày xưa ”.

Cho dù không cùng thời gian, không cùng không gian, không cùng màu da, không cùng nguyên nhân ra đi... nhưng cả hai đã trở thành nổi lo chung của toàn thế giới.

Đó là ‘’ Làn Sóng Người Tỵ Nạn.”

Những gì đang xảy ra ngày hôm nay trên biển Địa Trung Hải cũng chỉ là sự quy luật của lịch sử, một sự kiện lập lại của 40 năm trước. Chúng ta có thể nói, 40 năm là chu trình của một làn sóng - Làn Sóng Người Tỵ Nan.

Thử ngược thời gian, trở về quá khứ vào giữa thập niên 70 của thế kỷ thứ 20, tìm lại, đọc lại, nhìn lại chuyện của ‘’ Mình ngày xưa ‘’ diễn ra như thế nào...

Thế giới đối với Làn Sóng Người Việt tỵ nạn cộng sản

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Cộng sản Bắc Việt tự xé bỏ hiệp định Paris 1973, ngang nhiên xua quân cưỡng chiếm Sài Gòn và rồi cưỡng chiếm toàn thể Miền Nam. Người dân Miền Nam, hàng hàng lớp lớp ra đi, tìm mọi cách để trốn chạy bàn tay đẩm máu của giặc cộng. Vượt biển là con đường gần như duy nhất vào thời điểm đó để trốn thoát..

Trong tháng 4 năm 1975, đã có chừng 220.000 người Việt tỵ nạn đến Hoa Kỳ.

Kể từ năm 1975 đến 1983 mà cao điểm là hai năm 1978 - 1979, có đến 1, 3 triệu người đã liều chết trốn khỏi Việt Nam. (Haines, 1985, trang 195-206).


Những tháng năm sau đó, con số người Việt vượt biển qua các nước vùng Đông Nam Á và đi bộ qua Thái Lan,... lên rất cao. Các nước trong vùng Đông Nam Á chung quanh Việt Nam không mấy hài lòng để tiếp nhận người Việt tỵ nạn. Một mặt họ lo sợ sự hiện diện của người Việt tỵ nạn sẽ tạo nên tình hình chính trị rối ren trong nước; mặt khác họ lo sợ mất đi công ăn việc làm khi có người tỵ nạn đến chiếm đoạt. Thái Lan và Mai Lai đã nhiều lần xô đuổi, cấm cản không cho những chiếc thuyền gỗ mong manh chưa đầy ấp người Việt tỵ nạn cập bến; Họ kéo các chiếc thuyền trong tình trạng tuyệt vọng trở ra biển và để cho cướp biển Thái Lan đánh cướp hết tài sản, hảm hiếp đàn bà con gài,... rồi giết chết người tỵ nạn, tán ác bỏ trôi trên biển. Tuy thế, thế giới vẫn chưa thực sự quan tâm. Lúc bấy giờ chỉ có Hoa Kỳ là quốc gia tận tình cứu người Việt tỵ nạn. Dưới áp lực của các tổ chức từ thiện quốc tế, đầu năm 1978 Hoa Kỳ đã tiếp nhận thêm 7000 thuyền nhân..

Ngày 30 tháng 4 năm 1978 Tổng Thống Carter quyết định thực hiện chương trình tiếp nhận thêm 25.000 người Việt tỵ nạn hiện đang tạm trú tại các trại tỵ nạn ở Đông Dương.

Đến lúc này, thảm cảnh xày ra trên biển Đông của làn sóng người Việt vượt biển đã thực sự đánh động lương tâm của thế giới.

Trong năm 1978 con số người Việt tại các trại tỵ nạn trong vùng Đông Nam Á đã lên đến 94.000 người. Tháng 11 năm 1978, độ chừng gần 40.000 người được đưa đi định cư tại các quốc gia thứ 3. Phân nửa số người này đã đến định cư ở Hoa Kỳ.

Cuối tháng 11 năm 1978, Tổng Thống Carter quyết định nhận thêm 21.000 thuyền nhân. Chính quyền Mỹ cũng yêu cầu các nước khác cùng tiếp tay với Mỹ để cùng giải quyết tình trạng người Việt tỵ nạn ở ĐNA.

Dưới áp lực của Mỹ, và của các nước trong Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á Châu ASEAN, Cao Ủy LHQ đặt trách tỵ nạn UNHCR (Cao Ủy), vào hai ngày, 11 và 12 tháng 12 năm 1978 đã tổ chức một phiên họp quốc tế tại Genève, Thụy Sĩ. Sau hai ngày bàn thảo, phiên họp không đem đến một khích lệ nào cho việc tiếp cứu người tỵ nạn, kể cả việc đóng góp tài chánh để Cao Ủy để lo việc tỵ nạn. Đa số các quốc gia chần chờ, từ chối, hay chỉ tiếp nhận lấy lệ, một số rất nhỏ người Việt tỵ nạn.

Qua đầu năm 1979, con số người tỵ nạn gia tăng khủng khiếp. Cuộc chiến biên giới giữa Tàu cộng và cộng sản Việt Nam ở phía Bắc ranh giời Việt Trung, đã làm con số người tỵ nạn, trong đó có rất nhiều người Việt gốc Hoa, tìm đường vượt biển qua Thái lan, Mã Lai, Nam Dương, Hồng Kông...Chỉ trong vòng tháng 5 năm 1979 đã có đến 51.000 người vượt biển đến Mã Lai. Cho đến khi cảnh sát Mã Lai nổ súng đe dọa thuyền nhân khi ghe chở họ tiến vào đất liền, thì cả thế giới mới lên tiếng phản đối và thật sự bày tỏ quan tâm và có kế hoạch cụ thể trong việc cứu vớt Thuyền Nhân Việt Nam.

Từ tháng 4 năm 1979, hằng tháng Hoa kỳ quyết định tiếp nhận 7000 thuyền nhân tại các trại tỵ nạn ở Đông Dương và Đông Nam Á. Cao Ủy LHQ vận động tích cực hơn, yêu cầu Mỹ và các quốc gia khác nên tiếp nhận nhiều hơn nữa.

Ngày 20 Tháng 7 năm 1979, Cao Ủy lại tổ chức thêm một phiên họp thứ hai, cũng tại Genève để tìm cách giải quyết vấn nạn thuyền nhân. Phiên họp làn thứ hai này có tất cả 65 quốc gia tham dự. Tại phiên họp, các quốc gia cùng thỏa thuận chi ra 160 triệu dollar cho việc tiếp tế lương thực tại các trại tỵ nạn và gia tăng con số tiếp nhận từ 125.000 lên đến 260.000.

Danh sách thuyền nhân trong các trại tỵ nạn ở các quốc gia Đông Nam Á

Danh sách các quốc gia nhận thuyền nhân đến định cư

Cuối năm 1979, Cao Ủy LHQ thảo luận trực tiếp với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về vấn đề Người Việt tỵ nạn. Hai bên đồng thỏa thuận về phương cách giải quyết vấn nạn Thuyền Nhân. Từ đó ‘’ Chương Trình Ra Đi Trong Trật Tự - The Ordely Departure Programa – gọi tắt là ODP hình thành.

Các quốc gia hiện đang có người Việt tỵ nạn đều ký tên trong bản hiệp ước này.

Theo hiệp ước ODP, người xin đi tỵ nạn có thể đi trực tiếp từ Việt Nam qua các nước chịu tiếp nhận. Đa số người những người được chấp thuận đi định cư theo hiệp ước “ Ra Đi Trong Trật Tự “ này là những người có thân nhân hiện đang định cư tại quốc gia đó. Chúng ta thường gọi là ‘’ chương trình đoàn tụ gia đình’’. Điều kiện muốn được ra đi, người đó phải có giấy nhập cảnh của quốc gia muốn đến và dĩ nhiên phải có giấy xuất cảnh của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Thời gian chờ đợi để ra đi, nhanh nhất là 2 năm, trung bình 5 năm, có khi lâu hơn.

Hòa Lan đối với vấn đề Thuyền Nhân Việt Nam

Ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, Đại Sứ Hoa kỳ tại Hòa Lan có hỏi Bộ Ngoại Giao Hòa Lan, liệu chính quyền Hoa Lan có muốn giúp giải quyết vấn đề người Việt tỵ nạn không? (Văn thư lưu trử:4256/C-37 Đại Sứ Hoa Kỳ gởi Bộ Ngoại Giao ngày 6 tháng 5 năm 1975).

Cùng trong cùng thời điểm này Hoa kỳ cũng đã gởi văn thư đến một số quốc gia, yêu cầu họ tiếp tay trong việc tiếp nhận người tỵ nạn.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Hòa Lan ông Van de Stoel cho nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ biết, rằng lúc này Hòa Lan đang ‘’ đầy ấp’’ và đang gặp khó khăn với cộng đồng của những người thiều số. Hòa Lan chỉ có thể tiếp tay khi vấn đề tỵ nạn của người Việt được xác định một cách rõ ràng.

Trong thời điểm này, ngày 12 tháng 5 năm 1975, giữa vùng biển Singapore và Pi Nang, một tàu buôn của Hòa Lan trên đường công tác, đã vớt 27 người tỵ nạn trên biển Đông.

Họ không được phép đưa vào Singapore.

Đây là chiếc tàu Hòa Lan đầu tiên vớt người Việt tỵ nạn. Nhưng họ không được đến định cư ở Hòa Lan.

Công ty hàng hải đã gởi văn thư khẩn cấp yêu cầu chính quyền Hòa Lan cho phép 27 người này về định cư tại Hòa Lan.

Bộ Ngoại Giao thông báo cho ông Fraay, Chánh sở Ngoại Kiều, (thuộc bộ tư pháp) biết rằng 27 người này đang ở trong tình trạng nguy cập. Ông Fraay e ngại, nếu chấp thuận cho 27 người này, thì sẽ thành thông lệ cho các người tỵ nạn khác xin vào Hòa Lan.

Nhưng Bộ Ngoại Giao cho rằng việc tiếp nhận 27 người tỵ nạn là một hành động tốt, có ảnh hưởng thuận lợi với chính quyền Hoa kỳ.

Trong cùng ngày 12 tháng 5, ông Fraay đã gởi thư đến Bộ Tư Pháp, cho biết Sở Ngoại Kiều lúc cũng không biết làm thế nào để giải quyết 27 thuyền nhân này... (Văn Thư lưu trử 4256/C-837 Hoofdafdeling Vreemdelingenzaken aan de Staatssecretaris 12 mei 1975)

Trong khi chờ đợi quyết định của Bộ Tư Pháp, Đài Loan đã lên tiếng, bằng lòng tiếp nhận.

27 đồng hương tỵ nạn của chúng ta đã đến định cư tại Đài Loan.

Đầu tháng 5 năm 1975, Cao Ủy gởi thư trực tiếp đến Bộ Ngoại Giao, yêu cầu chính phủ Hòa Lan tiếp nhận Thuyền Nhân. Trong khi Bộ Tư Pháp còn do dự chưa quyết định thì vào ngày 5 tháng 5 ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Van der Stoel gởi thư cho Bộ Tư Pháp, cho biết trong trường hợp đặc biệt này, Hòa Lan nên làm và phải làm, phải cứu người Việt tỵ nạn.

Trước khi dự phiên họp các Bộ Trưởng vào ngày 27 tháng 5 năm 1975, ông Fraay, trưởng Sở Ngoại kiều đề nghị ông Bộ Trưởng Tư Pháp, không nên đưa ra con số nhất định về số người tỵ nạn Nam Việt Nam ((zuid-) Vietnamese vluchtelingen) được Hòa Lan chấp thuận. Trong trường hợp bắt buột phải tiếp nhận, thì Hòa Lan không nhận quá 50 gia đình đoàn tụ.

Theo như các văn kiện tìm thấy trong Viện Văn Khố Quốc Gia ở Den Haag, người ta biết rằng cả Bộ Tư Pháp lẫn Bộ Ngoại Giao đều cho rằng Hòa Lan phải tự quyết định con số người Việt Tỵ nạn đến Hòa Lan. Theo Bộ Ngoại Giao, Hòa Lan đã nhận khá nhiều người tỵ nạn rồi, trong đó có cả người Việt. Nhưng nếu tối đa chừng 1 hay 2 chục ngàn,... thì theo Bộ Ngoại Giao, không có trở ngại nào,,, ’’ (văn thư sở Ngoại kiều gởi cho Bộ Tư Pháp ngày 29 tháng 5 năm 1975).

Ngày 6 tháng 6 năm 1975 lần đầu tiên hội đồng Bộ Trưởng hôp để đối phó về vấn đề Người Việt tỵ nạn. Hội đồng Bộ trưởng thông báo cho Cao Ủy biết, Hòa Lan không thể đưa ra con số nhất định về việc tiếp nhận người tỵ nạn. Hòa Lan sẽ uyển chuyển cứu xét những người xin tỵ nạn nào có liên quan đặc biệt đến Hòa Lan mà thôi,. Hòa Lan sẽ góp 1 triệu gulden cho quỹ cứu trợ người việt tỵ nạn. Tiền này trích từ ngân sách của Bộ Hợp Tác Phát Triển Quốc Tế - Internationale Ontwikkelingssamenwerking.

Một tháng sau, ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Van der Stoel điều trần trước Hạ Viện về chính sách tiếp nhận người Việt tỵ nạn. Hòa Lan sẽ tiếp nhận 60 trẻ con mồ côi. Tất cả người Việt nào đang sinh sống và làm việc tại hòa Lan trong thời gian Sài gòn bị cộng sản chiếm đóng sẽ được quyền ở lại Hòa Lan (như nhân viên Tòa Đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa tại hòa Lan, nhân viên chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đang đi công tác,... sinh viên du học, các thương gia,)... Kết quả, có 17 người Việt làm đơn xin ở lại và được chấp thuận.

Tiếp theo lần cầu cứu đầu tiên của một thuyền trưởng tàu buôn Hòa Lan hồi ngày 12 tháng 5 năm 1975, lần này ông Tổng Lãnh Sự Hòa Lan tại Hồng Kông, ngày 17 tháng 6 năm 1975, gởi văn thư đến Bộ Ngoại Giao yêu cầu cho 38 thuyền nhân hiện đang tạm trú tại trại tỵ nạn ở Hồng Kong đến Hòa Lan.

Một năm sau, năm 1976, tình hình vượt biên thảm khốc hơn. 1200 thuyên nhân đang trôi dạt vào bờ biển Thái Lan. Thái lan không cho lên bờ. Lúc bấy giờ đã có trên 70.000 người Việt, người Miên và người Lào đang ở trong các trại tỵ nạn ở Thái lan..

Cao Ủy yêu cầu Hòa Lan tiếp nhận 56 người Việt tỵ nạn ở Thái Lan.

Ngày 19 tháng năm 1976 Hội Đồng Bộ Trưởng họp khẩn cấp để thào luận về lời yêu cầu của Cao Ủy. Bộ Tư Pháp đề nghị Hội Đồng Bộ Trưởng có quyết định chung về việc tiếp nhận. Dưới áp lực của Hạ Viện, Bộ tư Pháp quyết định chấp thuận cho 56 người Việt tỵ nạn từ Thái lan đến định cư tại Hòa Lan. Bộ Ngoại Giao không phản đối, cũng không tán thành; Bộ Xã Hội cũng không thấy trở ngại. Bộ CRM – Ministerie van Culutuur, Recreatie en Maatschaplijk Werk - cảm thấy không hài lòng nên đề nghị sẽ tiếp tay để giúp chính quyền Thái Lan và Cao Ủy đưa người tỵ nạn đi đến các quốc gia khác.

Nội Các quyết định cho phép 56 người Việt tỵ nạn từ Thái Lan đến Hòa Lan.

Trên trang đầu của nhật báo lớn của Hòa Lan tờ NRC-Handeldagblad số ra ngày 17 tháng 9 năm 1976 chạy một hàng tít rất lớn: Hòa Lan chuẩn bị tiếp nhận 64 người Việt tỵ nạn đầu tiên, từ trại tỵ nạn Thái Lan đến.

Bài báo cũng cho biết quyết định tiếp nhận người Việt tỵ nạn đầu tiên, đã làm cho Nội Các bất ổn. Cũng nên nhớ, trong cùng thời gian này, Chính quyền Hòa Lan đang tiến hành tiếp nhận một số lớn người tỵ nạn Chili. Bộ Ngoại Giao lập luận rằng, nếu Hòa Lan cứu người tỵ nạn Chili vì chính quyền hữu khuynh độc tài của nước này, thì tại sao Hòa Lan không tiếp cứu người tỵ nạn Việt Nam vì chính sách độc tài tả khuynh cộng sản. Bộ Hợp Tác Phát Triển Quốc Tế không mấy hài lòng, vì theo Bộ này, họ chưa thấy sự thảm khốc của người tỵ nạn trên Biển Đông. Hơn thế nữa, Bộ Phát Triển sợ giảm ngân sách của Bộ, vì khi tiếp cứu người Việt, Bộ Phát Triển phải trích quỹ của mình ra chi tiêu.

Tuy có lời qua tiếng lại trong Nội Các, nhưng dưới áp lực rất mạnh của Hạ Viện, cuối cùng quyết định chung của Nội Các là chấp thuận tiếp nhận người Việt tỵ nạn từ trại tỵ nạn Thái Lan.

Ngày 23 tháng 9 năm 1976, trên chuyến bay KLM, có tất cả 64 người Việt tỵ nạn đầu tiên đặt chân đến phi trường Schiphol.


Đường vào Hòa Lan cũng lắm gian nan...

Trong số 64 người Việt tỵ nạn đầu tiên đến Hòa Lan, có 19 người được tàu Smith-Lloyd 101 vớt. Theo lời của thủy thủ Henk Fijgi.., tàu Smith-Lloy 101 là loại tàu kéo, đang chở giànn khoan, chạy với tốc độ không quá 3 hải lý một giờ. Vào một buổi sáng sớm, khoảng 5 giờ, ngày 7 tháng 5 năm 1976, một số thủy thủ trên tàu phát hiện tín hiệu kêu cứu từ xa, với tấm vải nhỏ báo hiệu cầu cứu khẩn cấp theo tín hiệu quốc tế SOS. Ông thuyền trưởng tàu Smith-Lloyd 101 quyết định tiến gần đến để cứu. Phải mất gần 3 tiếng đồng hồ sau, ông ta mới nhận ra chiếc ghe thật nhỏ. Một đại diện trên ghe nói bằng tiếng Anh, cho biết trong ghe có 24 người, ghe chết máy và nhờ ông cứu vớt. Vì thấy tình hình sức khỏe của 24 người không nguy cập, nên theo nguyên tắc hàng hải, không cần phải đưa họ lên tàu mà chỉ cần sửa máy tàu và cung cấp thức ăn nước uông mà thôi. Nhưng ông ta quyết định cột dây kéo chiếc ghe về Singapore.

Ngày 10, tàu cập bên Singapore, nhưng cảnh sát duyên phòng không cho người Việt lên đất liền. Ông Thuyền Trưởng tìm đến tòa đại sứ của Hòa Lan tại Singapore để nhờ họ cứu 24 người Việt đưa về Hòa Lan. Chính quyền Hòa Lan từ chối. Vì thế Singapore phải sửa lại động cơ của chiếc ghe, cung cấp thực phẩm và đưa 24 người trở ra biển, dẫn họ chạy về hướng Thái Lan. Sau đó, chiếc ghe cập vào bờ biển Thái Lan. 24 người tỵ nạn được đưa vào trại tỵ nạn. Những ngày kế tiếp, có 5 người, chủ ghe và người đại diên của chuyến vượt biên đã làm đơn xin đi định cư ở Hoa Kỳ. Còn lại 19 người. Con số 19 người này được Bộ Ngoại Giao Hòa Lan, qua tòa đại sứ tại Thái Lan gom cùng một số bà con tỵ nạn khác đưa vào danh sách 64 người Việt đầu tiên đến tỵ nạn tại Hòa Lan.

Một vài số liệu về Tàu Hòa Lan vớt và con số người Việt tỵ nạn được cứu vớt:

Hai công ty hàng hải lớn của Hòa Lan đã đóng góp rất lớn vào công cuộc cứu vớt người Việt vượt biển. Đó là Smit- Lloyd và Ned-Lloyd. Trong năm 1980 và 1981 hai công ty này đã cứu vớt 2300 thuyền nhân Việt Nam.

Sau đây là danh sách ghi lại một số, tên tàu vớt và con số thuyền nhân được cứu vớt, theo thứ tự thời gian Danh sách chắc chắn chưa đầy đủ. Kính mong quý đồng hương vui lòng bổ túc để mais au con cháu có được con số và dữ kiện chính xác hơn. Chân thành cám ơn trước

Thời điểm

Tên tàu Vớt

Số người được vớt

Ghi chú

12- 5-1975

?

27

Đài Loan tiếp nhận

07 – 5 - 1976

Smith-Loloyd 101

24

23-7-1979

Neddrill 2

234

Ghe LA 9127

03 – 8 - 1979

ENAK

89

tháng 8 - 1979

Smit-Lloyd 43

172

Tháng 11-1979

Smit-Lloyd 43

43

tháng 5 – tháng 8-1980

Smit-Lloyd 14

400

18 -5-1980

Smit-Lloyd 48-> 14

34

Ghe VT392

10-6-1980

Smit-Lloyd 48->14

69

Ghe CanT

12-6-1980

Smit-Lloyd 48->14

18

14-6-1980

Smit-Lloyd 48->14

11

24-6-1980

Smit-Lloyd 48

+ 2

02-7-1980

Smit-Lloyd 48->14

83

6, 8-7-1980

Smit-Lloyd 48-> Cape Anamur

123

Tháng 7-1981

Smit-Lloyd 32

85

Tháng 5-1985

Smit-Lloyd 45

23

30-10-1990

Smit-Lloyd 110

111

10-4-1990

Smit-Lloyd 110/116

53

21-4-1990

Smit-Lloyd 110/116

31

22-4-1990

Smit-Lloyd 110/116

142

28-4-1990

Smit-Lloyd 116

80

29-4-1990

Smit-Lloyd 110

29

09-5-1990

Smit-Lloyd 110/116

164

11-5-1990

Smit-Lloyd 110

155

21-5-1990

Smit-Lloyd 116

72

Lời cuối:

Thuyền Nhân trên Biển Đông Nam Á ngày xưa và Thuyền Nhân trên biển Địa Trung Hải ngày nay, tuy hai mà một. Cùng mang một danh xưng’’ Làn sóng Người Tỵ Nạn ‘’; cùng là nổi lo của thế giới.

Thuyền Nhân trên biển Địa Trung Hải ra đi trong thời loạn lạc. Họ đi tỵ nạn tránh chiến tranh;

Thuyền Nhân trên biển Đông Nam Á trốn chạy trong thời gian Việt nam đang tái lập hòa bình, không còn chiến tranh. Người Việt đi tỵ nạn vì chế độ cộng sản độc tài; Người Việt đi tỵ nạn chính trị.

Vì thế, Thuyền Nhân trên Biển Đông Nam Á và Thuyền Nhân trên biển Địa Trung Hải, tuy một mà hai.

Trần Hữu Sơn.

Tài liệu tham khảo:

1. Het Nederlandse toelastingsbeleid. Jan Willem ten Doesschat, 1993

2. Museum Maritiem Rotterdam

3. Smit-Lloyd B.V http://www.smit-lloyd.com/Smit-Lloyd.htm

4. http://www.smit-lloyd.com/oud/1_70.html

5. Koninglijk Museum Den Haag.

6. Internet...


Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Mon Apr 25, 2016 2:00 pm    Tiêu đề: 30 NĂM ( 1976 – 2006 ) NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN CỘNG SẢN ĐỊNH CƯ TẠI HÒA LAN

30 NĂM ( 1976 – 2006 ) NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN CỘNG SẢN ĐỊNH CƯ TẠI HÒA LAN



Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Wed Jul 27, 2016 9:20 am    Tiêu đề: CỜ VÀNG tham dự 4 Ngày Đi Bộ Quốc Tế lần thứ 100 tại Nijmegen - Hòa Lan tháng 7 năm 2016

CỜ VÀNG tham dự 4 Ngày Đi Bộ Quốc Tế lần thứ 100 tại Nijmegen - Hòa Lan
tháng 7 năm 2016

Trần Hữu Sơn




Cac ban than men,

Dang o nho nha mot nguoi ban de tham du 4 ngay di bo.
May cua anh ay khong co chuong trinh tieng Viet nen viet theo kieu nay. Chiu kho doc mot chut.
Hom nay khoi hanh 7 gio sang, doan duong 32, 5 km,
ve den noi  3.30 chieu.Troi nang gat 27-28 do C.
Doan duong  32, 4 km qua mot so lang xa cua Nijmegen, noi to chuc di bo. Lang chinh chiu trach nhiem to chuc ngay dau tien co ten la ELST. Lang chinh co nhiem lo don chao 50 ngan nguoi di bo. Ho chuan bi rat ky. Trang tri suot doc duong va cac ban nhac choi lien tuc tu 6 gio sang cho den 4 gio chieu.
Nuoc uong, thuc an,....nguoi dan cung cap day du.
Trong so 50 ngan nguoi di bo gom co cac toan linh tu My, Gia Na Dai, Uc, Anh, Bi, Phap, Na Uy, Thuy Dien, Dan Mach, Duc,...
Ngoai ra co chung 80 quoc gia goi phai doan dan su tham du. Rat vui, mac du duong xa, troi nang gat.
Toi di ve dung gio va doi chan van binh an.
Ngay mai 33, 2km doan duong khac, qua cac lang xa khac, do la lang Wijchen.
Ngay mai se ke chuyen tiep.

Ngay mai con cao hon, 35 - 36 do C, khoi hanh som hon, 6.45. Hy vong cung ve den nha nhu ngay hom nay.

                                                                  ******************
Các bạn,

Vào web này một lần nữa và đọc qua các mục sẽ cảm nhận được không khí của 4 ngày đi bộ dưới con mắt của người Hòa Lan.
Bây giờ, ...con mắt của tôi.
Sau 4 ngày, tôi về lại nhà, nghĩ dưỡng đôi chân, giờ đã tỉnh lại, lục một số hình chụp hay nhờ chụp ,...gởi đến Lâm và các bạn để cùng chung vui với tôi. Mai một rảnh, sẽ viết bài tường thuật chi tiết hơn.
Tôi liệu sức mình, chỉ chọn cự ly ngắn nhất  30 km, trong số 4 cự ly : 30 km, 40 km, 50 km và 55 km.

Ngày 1 dài 32,4 km,..tôi đã gởi một số hình. Tôi gởi thêm một vài hình khác của 3 ngày còn lại.
Ngày 2: 33, 3 km
Ngày 3: 30,4 km ( ngày leo 5 con dốc )
Ngày 4: 30 km


Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Mon Nov 07, 2016 6:36 pm    Tiêu đề: Thăm nuôi người tù cải tạo - Mỹ Phụng


Thăm nuôi người tù cải tạo - Mỹ Phụng

Bấm vào để xem hình lớn hơn

Thăm nuôi người tù cải tạo

Từ hộp thư 7590 L2 T3 B4, anh viết về:

‘’ Kà Tum 25-8-1976,

Mỹ Phụng yêu thương,

Từ Long Khánh anh được chuyển về Tây Ninh cách đây một tháng. Sáng nay trại cho phép anh viết thư. Anh mừng quá, viết cho em những lời yêu thương nồng nàn của những ngày đầu mình về với nhau...

Rừng Kà Tum, vùng biên giới, nơi toán cải tạo của anh đến ‘’ định cư’’ là một căn cứ mới được thành lập. Nơi đây mặc dù điều kiện vật chất khó khăn, nhưng anh hy vọng và tin rằng đây là giai đoạn cuối cùng trong thời gian học tập cải tạo, trước khi trở về với em, với con. Niềm vui và hy vọng đầu tiên là anh được phép viết thư báo tin người nhà được đi thăm nuôi... ’’

Kà Tum là địa danh của một khu rừng già nằm dọc theo biên giới Việt – Miên, về hướng Tây và cách thị xã Tây Ninh độ chừng 40 km.

Tháng này trời Ka Tum đang vào cuối mùa mưa. Thỉnh thoảng đâu đó còn để lại các vũng nước màu nâu sậm. Những người tù cải tạo mới đến, phát hoang, phá rừng để thành lập một khu trại tù cải tạo. Trại là những chòi tranh cất liền nhau, gọi lá Lán, tập trung thành từng khu, mang tên, T1, T2, T3,... chạy dọc theo biên giới Việt-Miên.

Nhờ địa thế rừng rậm, sát biên giới cho nên Katum trước kia được cộng sản sử dụng như khu an toàn trong mật khu Dương Minh Châu.

Từ thị xã Tây Ninh chỉ có một con đường đất gập ghềnh duy nhất để cho các xe thồ, xe ôm, xe hàng dã chiến... chế biến từ các xe phế thải,... đưa các hành khách bất đắc dĩ đến khu rừng Katum hẻo lánh, xa xôi này.

Con đường dài không quá 40 km, không bị ‘’ Việt cộng đấp mô chận đường,..’’ thế mà phải mất từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ mới gặp được người tù thân yêu.

Nhận được thư anh, tôi mừng vô hạn.Tôi báo tin cho Bá Má tôi biết, tôi được đi thăm chồng.Tôi gởi bé Khôi – thằng bé khi sinh ra không có Cha bên cạnh, nay đã gần tròn nửa năm – cho Bà Ngoại. Tôi quyết định đi thăm anh một mình. Tôi hình dung ra con đường lầy lội, chen chúc trong những chiếc xe ọp ẹp, ngồi cả ngày trời trong cái nắng, cơn mưa,..chắc chắn bé Khôi, con của anh không chịu được.

Tôi thức dậy sớm, ra bến xe Trà Vinh, lấy vé đi Sài Gòn. Khi đổi chuyến xe từ Sài Gòn về đến Tây Ninh, trời đã sụp tối. Trong lúc tìm nơi nghỉ trọ, tôi chớt nhớ đến một cô bạn thân, trước kia cùng chung học tại trường Trung Học Vĩnh Bình, có chồng Tây Ninh. Tôi tìm đến nhà cô bạn. Cô bạn không có ở nhà, nhưng cò bà mẹ chồng. Bà vui lòng cho tôi tá túc qua đêm khi nghe tôi kể chuyện đi thăm anh ở trại tù katum. Sáng hôm sau, cô em chồng của cô bạn chở tôi ra bến xe. Ngang qua khu chợ tuy còn lờ mờ tối, nhưng đã có nhiều người rộn ràng bày hàng và người mua hàng qua lại, tôi ghé mua thêm hai xâu bánh dừa, cái bánh mà anh và tôi vẫn thường thích ăn. Nhớ lại những ngày cuối tuần, từ Sài Gòn anh về Trà Vinh thăm tôi, khi xe đò ghé lại Vũng Liêm, anh mua vài xâu đem về làm quà cho tôi.

Trên bãi đã có đậu sẵn 3 chiếc xe, ghi bảng Tây Ninh – Katum, dành riêng cho khách thăm nuôi tù cải tạo. Đó là ba chiếc xe loại nhỏ, phòng lái chỉ đủ cho tài xế và một người khách. Phía sau là một cái thùng trống. Trong thùng, có 2 cái băng dài, đóng chặt vào thành xe và một cái băng giữa, thả lỏng. Loại xe chỉ dùng để chuyển chở hành khách trên các đoạn đường ngắn, ở những vùng hẻo lánh.

Mặt trời vừa ló dạng ở phương Đông. Những tia nắng sớm, lung linh thật nhẹ nhàng, xuyên qua những tàn cây, dường như còn mang chút sương mù của đêm qua.

Thật ra, đây là một phần của công viên ngày xưa... Nay vì không có người chăm sóc nên công viên bị bỏ hoang, cây cỏ mọc lan tràn. Cộng sản đã dùng khu công viên cũ này như bãi đậu xe, đặc biết dành riêng cho hành khách đi thăm nuôi thân nhân tại trại tù cải tạo Katum.

Khi bước vào bãi, tôi thấy mấy người cùng cảnh ngộ như tôi, tụ tập khá đông. Một số đã vào ngồi trong xe; số khác còn đang quây quần chung quanh một cái bàn nhỏ. Trên bàn có một miếng gỗ, ghi hàng chữ màu đỏ: Trạm Kiểm Soát.

Họ đến đó để trình giấy đi đường và giấy phép thăm nuôi.

Hai bàn tay xách hai cái giỏ thức ăn vừa đủ nặng, trong đó lon guigoz đựng đường, món ăn duy nhất anh dặn dò tôi cố gắng đem theo, tôi bước vội đến xếp hàng, đứng chờ đến phiên mình trình giấy tờ.

‘’ – Chồng chị ở T nào? ‘’

Tôi nghe giọng của người đàn bà gốc miền Bắc ở phía sau hỏi vọng tới. Tôi quay lại, hơi ấp úng, nhưng cuối cùng tôi cũng cố tươi cười thân thiện:

‘’ – T3, B4. Còn chị, ảnh ở trại nào?’’

‘’ – T2, B2 ‘’

Thấy cái vẻ lúng túng của tôi, chị hỏi thăm dò:

‘’- Lần đầu chị đi thăm chồng phải không?’’

Tôi gật đầu.

Người đàn bà đứng phía trước tôi bước lên xe, tôi cũng chen chân theo, tìm một chổ ngồi ở cái băng hàng bên trái xe. Không mấy chốc, xe đầy khách. Những mẫu chuyện trao đổi của những người đi thăm nuôi không cùng lứa tuổi, không cùng giọng phát âm, nhưng tôi cảm nhận ở họ cùng có chung cùng tâm trạng với tôi. Họ tỏ ra thân mật với nhau một cách nhanh chóng, dễ dàng, như có một định mệnh nào đó đã đưa họ đến đây để cùng chia sẻ số phận.

Chiếc xe chở đầy khách mà đa số là đàn bà, ì ạch rời thị xã, lắc lư chạy trên con đường đất lồi lõm, đầy ổ gà ngập nước mưa.

Gần giữa trưa, xe dừng lại ở ngã ba Đồng Bang. Ngã ba bình thường là tụ điểm của trục lộ giao thông, xe qua xe lại, người lên kẻ xuống, hàng quán rộn ràng,... nhưng ngã ba Đồng Bang ở đây không có cái sắc thái sầm uất nhộn nhịp đó. Ngã ba Đồng Bang thật vắng lạnh. Ngã ba buồn thiu như đang đi vào cõi chết.

Ở góc đường bên tay phải, tôi thấy chỉ có một quán tranh lụp xụp. Trước cửa treo lủng lẳng một nãi chuối, vỏ từ màu vàng sậm đã bắt đầu ngả dần qua màu đen, mà không thấy người bán hàng.

Phía trước mặt, phía bên trái, là con đường mòn đất nhỏ, dẫn đến các trại tù cải tạo nằm sâu trong rừng.

Xe tiếp tục bò lên phía trước. Trên một đoạn đường, cách ngã ba Đồng Bang ở phía sau độ chừng 5 hoặc 6 km, xuất hiện một đoàn tù cải tạo đi thành hàng dọc theo lề đường. Cứ cách 7, 8 người tù, có một người lính cộng sản tay cầm súng đi canh chừng bên cạnh. Khi chiếc xe chạy ngang qua, những người tù len lén nhìn lên và nhìn theo chiếc xe như để tìm thân nhân.

‘’ – Đây là trại T3, có ai xuống không? ‘’

Người tài xế cho xe chạy chậm lại và quay ra phía sau la lớn.

‘’ – Dạ có. ‘’

Có hai ba tiếng trả lời đồng loạt.

Xe đừng lại bên đường.

Hai người đàn bà ngồi đối diện và tôi cùng bước xuống xe.

Người tài xế lấy mấy giỏ hành lý đặt xuống đất, rồi tiếp tục chạy đến các ‘’ T’’ khác.

Một chị gánh 2 cái cần xé thức ăn, dường như đã quen, băng qua đường, rời con lộ chính, bước vào con đường mòn cỏ mòn, đi nhanh về khu rừng trước mặt. Tôi và người đàn bà thứ hai bước theo.

Băng qua một lùm cây, rồi một khoảng trống dài, xuất hiện trước mặt tôi một căn nhà tranh.

Cả ba chúng tôi, cùng với hành lý, theo hướng chỉ dẫn của người lính đứng bên ngoài căn nhà, đi vào bên trong. Căn nhà được dựng bằng mấy cột tre và cái nóc tranh. Bốn vách tranh chỉ cao khỏi mặt đất chừng 1 thước. Phần còn lại để trống. Căn nhà là trạm tiếp tân của trại tù.

Giữa căn nhà có một cái bàn gỗ. Một người lính cộng sản ngồi sau cái bàn đang đọc giấy tờ thăm nuôi. Hai người đàn bà đi với tôi đã làm xong thủ tục và rời trạm kiểm soát với cùng với người thân của mình.

Người lính cộng sản nhìn tôi, cất giọng:

‘’ – Còn chị, chị đi thăm ai? ”

‘’ - Dạ thưa, tôi đi thăm chồng tôi,.Trần hữu Sơn, A1, B2... ’’

Người lính cộng sản cầm lấy lấy tờ giấy, đọc thoáng qua, rồi bão tôi ngồi chờ.

Tôi quay ra, tìm đến cái ghế dài, do mấy cành cây khô ghép lại, đặt dọc vách tranh, lòng nôn nao khó tả. Lúc ngồi, lúc đứng, mắt ngong ngóng nhìn về phía trại.

Suốt hơn 4 tiếng đồng hồ ngồi trên xe chật chội mà tôi không thấy lâu bằng giây phút ngồi trong căn nhà ‘’ tiếp tân ‘’ này.

Bỗng từ phía sau bụi cây xanh cách căn nhà tiếp tân mươi thước, tôi nhận ra dáng anh thấp thoáng. Anh mặc bộ độ lính màu xanh lá cây, rộng phình phàn và cũ mốc. Quần xăn lên khỏi mắt cá, chân mang hai mảnh gỗ như đôi guốc, nhờ 2 sợi cao su gắn chéo giữ chật bàn chân.

Tôi đứng lên đi về phía cửa, đón anh.

Anh bước vào nhìn tôi thật nhanh rồi nghiêng đầu chào người lính. Người lính vẫn ngồi đó, trên tay cầm cây viết khỏ nhẹ xuống mặt bàn, đưa mắt nhìn anh, rồi nhìn tôi như là một nhân chứng cho giây phút tái ngộ của đôi vợ chồng trẻ.

Rồi, hai đứa chúng tôi nhìn nhau thật lâu, không nói nên lời. Anh chợt cười thật nhẹ. Tôi nhận ra có cái gì đó không tròn trên nụ cười của anh. Ôi cái nụ cười cao vút, vô tư của ngày nào trên hành lang của giảng đường, mỗi lần anh và tôi gặp nhau, không còn nữa. Có phải vì đã trải qua nhiều trại tù kham khổ, với những địa danh không mấy quen thuộc Trảng Lớn, Long Khánh, Katum, hay vì tư tưởng đã bị gông trong hơn một năm qua, đã biến đổi không những cái dáng dấp thân người mà cả nụ cười hồn nhiên và quen thuộc của anh??

Tôi muốn đưa đôi bàn tay nắm lấy tay anh, ôm anh vào lòng mà,... sao vẫn không làm được.

Anh nhìn tôi, khẻ nói:

‘’ – Em, mình đi về trại ‘’.

Nói xong, anh chồm người xuống, xách 2 cái giỏ đựng thức ăn, bước ra khỏi căn nhà tiếp tân. Tôi bước theo anh, sau khi ngỏ lời cám ơn và chào người lính kiểm soát giấy tờ.

Một lúc sau, chúng tôi đến một vùng đất vừa mới khai hoang. Đó đây còn để lại các gốc cây thầu dầu thật lớn. Trời đã vào xế chiều. Anh nắng đã bắt đầu ngả vàng, đổ lên vùng đất còn bay mùi nhựa gỗ vừa mới bị chặt bị cưa,..

Ở giữa khu đất hoang là hai dãy nhà nằm song song. Mỗi dãy gồm nhiều căn chòi ghép đôi, nằm xây lưng vào nhau. Chòi được lợp bằng những tấm tranh thưa. Ngồi trong chòi bên này, tôi có thể thấy thoáng thoáng người và nghe cả tiếng nói chuyện của người bên kia...

Vài cụm khói tỏa lên cao, từ những cái bếp dã chiến, được dựng lên bằng ba cục đá chu đầu vào nhau như trong những câu chuyện huyền thoại Ba Ông Táo ngày xưa. Từng gia đình thăm nuôi quây quần thổi lửa, chuẩn bị cho buổi cơm chiều...

Ngồi trong chồi tranh, nhìn quanh, tôi lấy lại bình tỉnh sau chuyến đi kinh hoàng và nhất là sau giấy phút gặp lại anh.

Một anh bạn tù cùng lán với chồng tôi, anh Sáu - Nguyễn Sáu – mang vào một thùng nước, kèm theo một cái lon bằng nhom, móp méo. Tôi ngạc nhiên nhìn hai cái dụng cụ bằng kim loại, xuất hiện ở giữa rừng cây này. Anh Sáu đặt thùng nước xuống đất, tỏ vẻ hiểu ý. Anh chào tôi, hỏi thăm chuyến đi, kể qua loa vài chuyện sinh hoạt trong trại và nguồn gốc của cái thùng thiếc và cái lon nhôm. Anh Sáu cho biết, đó là những dụng cụ do chính các anh tự biến chế ra. Vật liệu được tìm thấy khi đến tạm trú lần đầu tiên tại sân bay lúc còn ở Trảng Lớn và nhất là tại khu gia binh ở Long Khánh.Thùng đựng đạn làm nồi nấu canh, nấu cơm, miếng tole làm thùng chưa nước,, lon guigoz làm ấm nấu nước nóng pha trà, pha cà phê, nấu rễ tranh... Nòng súng chống chiến xa làm ống thuốc lào, vòng đeo tay, mài làm dao, làm lược, làm thùng đàn guitar...

Khi anh Sáu rời chòi, tôi mới đến gần và nhìn chồng tôi rõ ràng hơn.

Tôi không còn nhận ra cái dáng vóc thanh nhã, vô tư của một ông thầy giáo ngày nào. Da anh đen sạm và óm nhiều. Cái thân hình của anh như bơi trong bộ quần áo nhà binh rộng quá cỡ. Đôi mắt thâm sâu, hai gò má nhô lên làm cho gương mặt của anh dài ra và già hơn lứa tuổi.

Nắm tay anh, tôi tay gầy guộc, lòng tôi se lại. Tôi thương anh vô cùng. Anh ghì chặt lấy tôi, ôm thật chặt. Tựa đầu vào vai anh, tôi kể cho anh nghe chuyện bé Khôi, con của anh. Tôi đưa cho anh xem tấm hình bé Khôi do ông Ngoại chụp lúc Khôi gần nửa năm tuổi. Anh nhìn chăm chú thằng bé trong hình. Đôi mắt anh bắt đầu đỏ. Rồi tôi kể cho anh nghe cuộc sống cùng cực của gia đình ở quê nhà, chuyện quái gỡ xảy ra ở trường, chuyện thay lòng đổi dạ vì miếng ăn, cái sống của đồng nghiệp,...

Mặt trời đã tắt hẵn ở phía sau cánh rừng. Các bếp lộ thiên cũng không còn bốc khói. Bóng tối đã tràn vào căn chòi. Đàn muỗi rừng bắt đầu rời tùm lá xanh, bay vào các căn chòi, đi tìm máu người.

Các chòi đã lên đèn.

Nằm bên anh, tôi lắng nghe anh kể chuyện.

Nhóm của anh, thuộc A1. Các mẫu tự A, B, C, K...là ký hiệu để chỉ con số người, tụ lại nhánh nhóm. Cũng giống như ngày xưa trong quân đội. 10 người tù lập thành 1 A (tương đương 1 tiểu đội). Bốn A, tức là 40 người tù, lập thành B, (cũng như một trung đội)...

Trong A của anh, đa số là những quân nhân có ngành nghề chuyên môn.

Anh Nguyễn Vũ Phấn là Đại úy quân y nhà ở Phú Nhuận. Anh Nguyễn Văn Khôi, còn rất trẻ, chưa có gia đình là Trung Úy quân y nhà ở Khánh Hội. Anh Nguyễn Ngọc Tường, gốc ở Ban Mê Thuộc, Trung Úy Nha sĩ, cũng vừa cưới vợ, có đứa con đầu lòng chư thấy mặt. Anh Nguyễn Sáu, còn độc thân, quê ở Đà Nẵng, giáo sư kỹ thuật trung tâm huấn nghiệp Thủ Đức. Anh Đàm Xuân Việt, Trung Úy kiến trúc sư...

Trong A, các anh chia nhau từng miếng cơm, từng cộng rau, từng hạt muối. Khi làm công tác, các anh phụ giúp nhau tận tình., từ công tác chặt tre, đốn cây, đốt than, xây nhà, cắt tranh, cưa gỗ cho đến nấu ăn, dọn dẹp quanh trại.

Anh Sáu là người khỏe nhất trong A. Anh Sáu, rất trẻ, có một thân hình to lớn, chắc nịch. Trong khi đó anh Phấn lớn tuổi hơn, cho nên, thường, anh Sáu nhận các công tác nặng thay cho anh Phấn. Anh Tường có gương mặt rất thông minh, đôi mắt sáng quắt, nhanh nhẹn và rất chân tình. Anh Việt, với biệt tài xây cất, anh đã giúp anh em trong A, làm những cái giường ngủ rất là... kỹ thuật. Phần lớn, các căn nhà trong trại tù là do anh,... thiết kế và tính toán vật liệu xây cất.

Các anh chia nhau thay phiên,... phục vụ cho nhau trong ngày có người thân thăm nuôi. Như xách nước, nấu trà, pha cà phê... Chiều nay, anh Sáu phụ vụ nước tắm cho chồng tôi. Ngày mai đến phiên anh Tường...

Các anh có đủ kiến thức, có thừa khả năng để làm nền tảng cho một đất nước văn minh, cho một quốc gia giàu mạnh. Quê hương của các anh là Miền Nam. Con lốc đau thương Tháng Tư lịch sử đã lùa các anh vào rừng hoang, mà ‘’ họ’’ gọi là đi học tập cải tạo. Học tập cái gì ở trong rừng hoang??!! Cải tạo cái gì trong góc núi??!!

Mới đó mà tôi đã nghe tiếng gà rừng gáy ở phía sau khu trại. Tôi nhìn chung quanh, dường như suốt đêm chẳng có ai chịu chợp mắt.

Sáng nay anh Tường đến thật sớm, đem cho chúng tôi một lon guigoz nước trà nóng.

6.30 giờ, được lệnh các người tù được thăm nuôi phải trở về trại và tất cả người thăm nuôi phải tập hợp tại căn nhà tiếp tân để ra xe trở về.

Anh trao cho tôi một cái lược bằng nhôm, trên đó có khắt chữ L.K. 1975. Đó là kỷ vật đầu tiên anh làm lúc còn ở trại tù Long Khánh năm 1975. Một con ngựa gỗ làm quà cho đưa con trai đầu lòng chưa thấy mặt. Con ngựa này, theo như anh kể, là làm theo con ngựa mẫu của anh kiến trúc sư Đàm Xuân Việt. Và món quà cuối cùng mà anh đã làm trong suốt thời gian rảnh rỗi khi vào rừng đốn cây hay vào những buổi chiều sau bữa ăn tối. Đó là chiếc giỏ đan bằng những sợi mây nhỏ.

Có cái gì đó làm nghẹn trong cổ. Tôi từ giã anh bằng hai tiếng nhẹ nhàng:

‘’ – Em về! “.

Tôi theo đòan người thăm nuôi, trở ra con lộ cái, êm lặng đứng chờ xe.

Biết co bao nhiêu người vợ không có cái cơ hội đi thăm chồng bởi vì người chồng của họ đã nằm xuống trong rừng hoang vì không có thuốc để trị bịnh, kiệt sức vì không đủ ăn, không may mắn trốn thoát trại tù hay.. vì chống lại cách hành xử vô nhân đạo của cai tù??...

Biết bao giờ cái địa ngục trần gian này phải chấm dứt??

Biết bao giờ, các bà vợ được ngủ yên trên cánh tay của người chồng thân yêu??

Làm sao có thể trả lời được bởi vì con người tôi, con người Miền Nam quá nhỏ trong cái chủ nghĩa cộng sản độc tài bịp bợm, lừa đão to lớn kia.

Chiếc xe đưa người thăm nuôi trở lại thành phố, bỏ lại đằng sau đám bụi mù.

Những người khách ngồi yên lặng trên xe, ngủ gà ngủ gật, vì qua một đêm dài thức trắng. Cũng có thể họ êm lặng để tận hưởng dư âm của một đêm hội ngộ, sau bao nhiêu tháng năm dài xa vắng.

Tôi cũng chìm trong cái không gian yên tỉnh đó. Tôi nghĩ đến bé Khôi, nghĩ đến cách làm sao cho bắt kịp chuyến xe về luôn đến Trà Vinh trong ngày.

Những người đàn bà trở lại thành phố với những cái giỏ trống không,... để ngày mai tiếp tục làm thân con cò lặn lội bờ sông, mong một ngày nào đó nhận được thư chồng báo tin, gồng gánh trở lại thăm nuôi người tù cải tạo../

Mỹ Phụng

***(Cám ơn cô Bãnh và gia đình ở Tây Ninh - Mỹ Phụng)***


Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Wed Jan 25, 2017 3:03 pm    Tiêu đề: Tiếng nấc đêm trừ tịch



Tiếng nấc đêm trừ tịch


(Trần Hữu Sơn sưu tầm)

Dạo:

Nhởn nhơ áo Tết về quê,
Biết chăng dân Việt trăm bề đớn đau.

Đêm trừ tịch, gian phòng lạnh ngắt,
Người đàn bà cúi mặt trầm ngâm.
Nghẹn ngào tủi phận thương thân,
Có chồng mà phải đón Xuân một mình.

Rồi khẽ nhấc bức hình trên kệ,
Ngắm hai người son trẻ năm nao,
Mà nghe thất vọng dâng trào,
Hùa theo tiếng nấc, lệ dào như mưa.
                       *
                     * *
Anh yêu hỡi, giao thừa đã đến,
Lệ em cùng lệ nến tuôn rơi.
Anh về quê mẹ vui chơi,
Tha hương em xé lịch vơi một mình.

Anh giờ chắc lềnh bềnh tửu quán,
Phè phỡn cùng đám bạn mềm môi,
Chén anh, chén chú, chén tôi,
Quên phăng cái thuở xa xôi nhọc nhằn.

Anh có nhớ những năm tù ngục,
Giặc đem anh lăng nhục từng ngày?
Bạn anh, chúng giết thẳng tay,
Anh may sống sót lất lây nhờ Trời.

Anh có nhớ quãng đời vất vả,
Sau khi anh được thả về nhà?
Chạy ăn từng bữa xót xa,
Trẻ con đói rách, người già điêu linh.

Anh có nhớ công trình vượt biển,
Bị mắc lừa mấy chuyến mới xong?
Nhìn dân mình chết biển Đông,
Có là gỗ đá mới không đau sầu.

Anh có nhớ buổi đầu trong trại,
Trơ mắt nhìn lũ Thái hung hăng?
Bị hành, chẳng dám nói năng,
Âm thầm chỉ biết cắn răng sượng sùng.

Anh có nhớ khai cùng Di Trú,
Vì sao lìa quê cũ sang đây?
Mà nay dạ đổi lòng thay,
Đang tâm trở mặt quên ngay lời thề.

Anh kiếm cớ đi về lắm bận,
Dựng chiêu bài quanh quẩn ăn chơi,
Lúc thì “từ thiện” giúp đời,
Lúc thì “báo hiếu” cho người thân yêu!

Trở lại Mỹ, sớm chiều “hát dạo”,
Thay kẻ thù quảng cáo liên miên,
Rằng “quê mình rất bình yên,
Rằng dân mình sống ấm êm trăm bề”.
                       *
                      * *
Anh có biết anh về sung sướng,
Vung tiền còm thụ hưởng tiện nghi,
Trong khi dân phải ra đi
Làm thân nô lệ cu li nước ngoài?

Anh chỉ thấy đền đài tráng lệ,
Cùng quán hàng lắm kẻ vào ra,
Mà không thấy cảnh dân ta,
Ngày đêm khổ ải xót xa muộn phiền.

Anh chỉ thấy bạo quyền hùng hổ,
Ra oai hùm nạt nộ múa may,
Mà không mở mắt để hay,
Chủ quyền toàn ở trong tay giặc Tàu.

Anh có thấy đâu đâu cũng Chệt,
Đang nghênh ngang chiếm hết quê mình?
Phần do lũ thú Ba Đình,
Phần do những kẻ vô tình như anh.

Anh chỉ thấy bầy doanh nhân Việt,
Cùng anh về yến tiệc hả hê,
Mà không thấy ở bên lề
Những đồng đội cũ đang lê thân tàn.

Anh có thấy trại giam khắp chốn,
Nơi công an làm khốn bao người?
Vì lòng yêu nước không nguôi,
Họ cam tâm gánh cả trời khổ đau.

Chồng em hỡi, từ lâu em gắng,
Tránh buông lời nói nặng cùng anh.
Nhưng nay gương đã tan tành,
Chút duyên chồng vợ, em đành xin quên.

Em cương quyết làm viên ngọc vỡ,
Theo sao trời rực rỡ đêm đêm,
Còn hơn làm phiến ngói nguyên,
Quanh năm xám xịt ngơi trên mái nhà.
                       *
                      * *
Sau tiếng nấc, mắt già chợt quắc,
Người mím môi dập tắt cơn sầu,
Lạnh lùng gói lại buồn đau,
Cầm như mình đã từ lâu góa chồng.

Le lói bên song
Tia nắng hồng năm mới.

Trần Văn Lương
Cali, 24/01/2017


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Sưu tầm của MAI THỌ Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân