TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Trung tâm văn hóa Polynesian – Hawaii
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Trung tâm văn hóa Polynesian – Hawaii

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9550

Bài gửiGửi: Fri Nov 11, 2016 2:00 pm    Tiêu đề: Trung tâm văn hóa Polynesian – Hawaii

Trung tâm văn hóa Polynesian – Hawaii

Trung tâm văn hóa POLYNESIAN ở Hawaii – nguồn wikimedia.org


Trung tâm văn hóa POLYNESIAN ở Hawaii là một công viên có chủ đề và như là một viện bảo tàng sống. Tọa lạc tại Laie, bờ biển phía Bắc của Oahu, Hawaii, khoảng hai tiếng xe bus từ Honolulu. Làng có diện tích khoảng 42 acres (17 ha.) với bảy làng và đảo thu nhỏ gồm: Rapa Nui (Easter Island), islands of Tonga, islands of Tahiti, islands of Samoa, islands of New Zealand (Aotearoa-Maori), islands of FiJi, và islands of Hawaii.

Chủ trung tâm văn hóa này là “The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints”. Ðược khai trương từ ngày 12/10/1963 và cho đến nay đã có trên 35 triệu du khách đến viếng thăm.

Polynesian Cultural Center nằm gần trường Ðại học Brigham Young University – Hawaii (BYU – Hawaii), nơi có 1, 300 nhân viên (khoảng 80%) là sinh viên từ trường đại học này đến làm việc. Ðây là một kiểu học bổng dành cho các sinh viên ở trường này. Các em đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, được làm việc 20 tiếng mỗi tuần trong mùa học, (mùa nghỉ được làm 40 tiếng). Họ làm việc siêng năng, và số tiền họ kiếm được, có thể trang trải cho chương trình đại học của họ. Họ làm đủ thứ công việc, như nhảy múa, phục vụ ăn uống, soát vé, bán công nghệ phẩm, v.v...



Ðây là một trung tâm văn hóa và ẩm thực rất đặc trưng của Hawaii. Chúng ta sẽ được chèo thuyền độc mộc trên con sông đào chảy xuyên những đảo kể trên, trở về với những giai đoạn sơ khai của con người thổ dân ở đây. Ngoài ra chúng ta còn được chở đi trên những chiếc thuyền gỗ để ngắm nhìn toàn thể vẻ đẹp của làng văn hóa này từ dưới sông. Ðó là một khám phá bất ngờ và thú vị với từng thác nước, từng chiếc cầu, hòn đá, cây cỏ và hoa lá được trồng tỉa công phu nhưng không phá đi tính chất thiên nhiên của nó. Có những shows rất thú vị ngoài trời, như xem múa hát của người dân Hawaii, những điệu múa hula phô trương các thân hình mềm mại, những da thịt nâu giòn của gái Hạ Uy Di.

Ở đây, đi đâu cũng thấy nụ cười niềm nở của nhân viên tiếp đãi du khách. Chúng ta sẽ có dịp thăm các làng mạc với những cụm khói hắt hiu trong chiều bốc lên từ những mái nhà tranh, thấp thoáng với những tàu lá chuối đong đưa trong gió, gợi cho chúng ta cảnh quê nhà thanh bình dạo nào, rất gần gũi với người Việt chúng ta.


Rainbows of the Paradise (Vũ khúc trên sông)


“Rainbows of the Paradise”: Là màn trình diễn những điệu múa trên thuyền khuấy động một khúc sông, nói lên từng mảng văn hóa khác nhau của Polynesian. Những bản nhạc dân ca của các đảo làng được chơi live. Những vũ công xiêm y rực rỡ nhiều sắc màu, nước da bánh mật như đến từ các làng Rapa Nui, Tonga, Tahiti, Samoa, Aotearoa-Maori, Fiji, Hawaii về đây trẩy hội. Làm không khí trở nên rộn rã, ngoạn mục.



Có rạp chiếu phim “Imax” với những địa danh của Hawaii, và các đảo. Ngồi xem phim imax, chúng ta như bị cuốn hút vào những vách núi cheo leo, vào những bãi ghềnh sóng trắng, những ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động... Nói chung, thiên nhiên thật ưu đãi quần đảo này. Chúng cuốn hút ta từ cái đẹp hùng vĩ này, sang cái đẹp nhẹ nhàng, lãng mạn khác.

Ðến thăm sắc thái từng làng với những cấu trúc nhà cửa không mấy khác biệt nhau lắm, mới thấy văn hóa Polynesian giản dị và gần gũi với những người miền núi của chúng ta. Những nhà tranh mái cao làm chúng ta liên tưởng đến những ngôi nhà sàn trên vùng cao nguyên nước ta. Những nam thanh nữ tú quấn sà-rông với những hoa văn đẹp mắt, chẳng khác các anh em dân tộc thiểu số của chúng ta là mấy.


Lò quay heo


Cơm tối bằng “Ali’i Luau Buffet” (có “Prime Rib Buffet” nữa, nhưng chúng tôi chọn “Ali’i Luau” vì muốn ăn món heo quay của dân Hawaii). Ðó là nguyên con heo được bỏ vào Imu (lò nướng dưới mặt đất). Heo được phủ lá chuối, và được nướng khoảng 12 tiếng, sau đó mang ra và phục vụ thực khách (một trong những món ăn của bữa dinner buffet). Ðặc biệt thổ sản có bánh mì làm bằng khoai môn màu tím và ăn rất lạ miệng. Phần trình diễn văn nghệ trong lúc ăn cùng những điệu múa đẹp mắt và các vũ công nam nữ đẹp đẽ, mạnh khỏe đã tăng thêm hào hứng cho buổi ăn tối.. Có màn múa lửa rất điệu nghệ của các nữ vũ công Hawaii làm thực khách xem không rời mắt.


Tác giả và căn nhà tranh ở Polynesian


Sau bữa cơm tối, lại kéo nhau vào hí viện xem show chính là show “Hà-Breath of Life”. Ðây là một show ca vũ nhạc đa văn hóa của Polynesian được trình diễn lần đầu năm 2009 với dàn diễn viên hùng hậu trên 100 người. Show này được “Hawaii Magazine” cho là “Best Live Show”. Và được giải “People’s Choice Award” năm 2015. Những bài hát cùng những vũ điệu xuyên suốt qua Polynesian gồm: hula, tamura, otea, titi torea, haka, poi, meke, tan’olunga và taualuga. (Show không cho chụp hình quay phim nên chúng tôi không có hình ảnh cho show này).


Heo quay


Heo quay


“Hà” là biểu tượng một cuộc phiêu lưu của một chiến sĩ trên đảo tên Mana. Cha mẹ của Mana được sống sót sau sự phá hủy của một trận núi lửa, trôi dạt đến một hòn đảo vô danh. Mana được sinh ra trong một nền văn hóa mới. Mana được dạy dỗ, huấn luyện nghiêm khắc của bố mẹ, sau đó lại trải qua một con đường đầy gai góc, máu lửa. Thêm vào đó, anh phải chiến đấu với sự phân biệt giai cấp, chủng tộc để chiến thắng được người con gái anh yêu. Rồi là trận chiến với những kẻ xâm lược để bảo vệ đảo làng, cửa nhà và gia đình anh ta. Ca vũ nhạc kịch từ hỉ nộ ái ố xuất hiện lần lượt trên sân khấu như một chuỗi liên kết rất mạch lạc.

Sân khấu, cũng như âm thanh ánh sáng tuyệt hảo, như chúng ta đang xem một hoạt cảnh sống trên một hòn đảo với núi non, cây cối và những bãi cát vàng ven biển. Những diễn viên như những đám dân làng đốt lửa nhảy múa ban đêm trên bãi biển hình bán nguyệt, làm sống lại một vùng núi non trên một hòn đảo thần tiên.


Khán giả coi show


“Hà-Breath of Life” là một bản trường ca của sự đam mê, sự nhiệt huyết sục sôi của lửa, sự chiến đấu sống còn, lòng yêu thương đảo làng, sự chia lìa mất mát, tình yêu và giai cấp, hạnh phúc gia đình. Tất cả đã quyện thành buổi ca vũ nhạc kịch vĩ đại làm hài lòng giới thưởng ngoạn.

Ði thăm Trung Tâm văn hóa Polynesian như đi trên những nẻo đường thu nhỏ, đưa ta đến từng bộ lạc khác nhau. Những mái tranh đơn sơ, những con sông uốn khúc, những tàu lá chuối quẫy mình trong gió, những cây dừa lá phất phới trên cao. Ði dạo Polynesian như đi vào một viện bảo tàng sống. Và hơn thế nữa, như bước lên một chuyến xe về với tuổi thơ, với làng mạc, núi non quê nhà.

Việt Phương
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân