TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Chinatown ở Honolulu
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Chinatown ở Honolulu

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Mây tím



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 9630

Bài gửiGửi: Tue Sep 27, 2016 10:36 pm    Tiêu đề: Chinatown ở Honolulu
Tác Giả: Việt Phương

Chinatown ở Honolulu


Đến Hawaii mà không thăm Chinatown ở Honolulu là một thiếu sót lớn. Hỏi nhân viên làm ở khách sạn, chúng tôi đón xe bus số 13 từ Waikiki đi Chinatown vào buổi sáng. Chỉ 2 đô la rưỡi, cho một cuốc xe bus, vừa có máy lạnh, vừa sạch sẽ. Đặc biệt trên mỗi chiếc xe bus, có những dòng thông cáo được in bằng nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Việt.

Chinatown ở Honolulu, Hawaii là một trong những phố Tàu lâu đời nhất ở Hoa Kỳ. Tọa lạc phía Tây của Honolulu, Chinatown này rộng khoảng 38 arces (15 ha), không lớn và sầm uất như những phố Tàu khác tôi đã đi qua như Chinatown ở San Francisco, ở New York, ở Washington D.C... thậm chí Chinatown ở London, Anh quốc, hay Chinatown ở Amsterdam, Hòa Lan. Tuy nhiên, phố Tàu ở Honolulu có một sắc thái khá độc đáo là pha trộn với những sắc dân khác một cách hài hòa: thứ nhất là người Hoa, kế đó tôi thấy rất nhiều sạp bán hàng của người Việt Nam chúng ta, ngoài ra còn có người Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Thái Lan, Đại Hàn, Cuba...


Tác giả tại Chinatown


Từ bãi biển Waikiki, nơi có những khách sạn sang trọng, cao chọc trời. Những shopping malls với những cửa hàng hiệu như Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Prada, Nordstrom, Saks Off Fifth v.v... Những nhà hàng ăn uống lúc nào cũng có khách xếp hàng rồng rắn. Những du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất là từ Nhật, tung tiền hưởng thụ cuộc sống xa hoa. Ngày cũng như đêm, đường phố lúc nào cũng tấp nập xe cộ lẫn người bộ hành... Ðến Chinatown chỉ cách đó khoảng nửa tiếng xe bus nhưng là cả một thay đổi lớn. Chúng tôi xa dần những buildings cao, những thương xá lộng lẫy, đến gần với những dãy phố cũ, tồi tàn. Ðó là Chinatown. Chúng tôi đến những sạp bán hàng tôm cá dậy mùi tanh, những khoảng chợ trời với đủ loại trái cây miền nhiệt đới. Chúng tôi như lạc về một khu chợ Việt Nam ồn ào tiếng người. Thấp thoáng đâu đó là những hình ảnh của quê nhà với những sắc mầu rực rỡ tuổi thơ. Thật là một cuộc đi dạo kỳ thú.

Những người Hoa đầu tiên đến Hawaii từ những năm 1789. Năm 1823 những người Hoa tiếp tục đến Hawaii cùng những hàng hóa để buôn bán, và họ trở thành thường trú nhân ở đây. Năm 1840 có khoảng 40 người ngoại quốc sống ở Honolulu, trong đó 30 người là người Hoa. Năm 1852, những người Hoa đổ vào đây với số lượng lớn hơn qua những hợp đồng 5 năm làm việc trên những cánh đồng mía để sản xuất đường. Trong bản hợp đồng họ được trả 3 đô la một tháng sau khi đã khấu trừ tiền phòng, tiền thủ tục xuất nhập cảnh, và tiền vé cho chuyến hải trình đến Hawaii.

Chuyến đầu tiên có khoảng 175 người đến từ HongKong, còn lại số đông đến từ miền Nam Trung Hoa. Khoảng từ 1852 đến 1876 có khoảng 3, 908 người Hoa được xuất cảng đến Hawaii. Nhiều người Hoa sau khi mãn hợp đồng 5 năm họ đã không ký tiếp. Họ đi làm cho những nông trại nho nhỏ, do người Hoa làm chủ. Hoặc đi làm công cho những gia đình giàu có địa phương. Và một phần khác làm thư ký cho các cửa hàng nho nhỏ mà chủ nhân ông là người Hoa. Có người gầy dựng buôn bán, mở tiệm làm ăn. Năm 1870 ở Honolulu, tên “Chinatown” lần đầu tiên được chính thức gọi. Năm 1882, người Hoa có khoảng 5, 000 người ở Honolulu, chiếm tới 20% dân số tại đây.


Tòa nhà lịch sử Wo Fat Chop Sui tại Chinatown


Năm 1886, thảm họa xảy ra cho Chinatown ở Honolulu. Một ngọn lửa ngoài sự kiểm soát đã thiêu hủy hầu như toàn bộ khu phố Tàu (8 dãy nhà). Khoảng gần 7, 000 người Hoa mất nhà.

Mười Ba năm sau, lại thêm một thảm họa khác đến với khu phố Tàu này. Ðợt sóng của “bệnh dịch hạch” tràn vào Honolulu bởi chiếc tàu chở gạo có tên America Maru mang theo những con chuột và những người Hoa di dân đến Hawaii.

Sau đó, “Board of Health” ở Honolulu tuyên bố đã có sự hiện diện của bệnh dịch hạch trên khu phố Tàu. Chinatown với 7, 000 thường trú nhân được đưa vào trại tạm giam để được kiểm dịch. Tuy nhiên, cuối năm 1899, nhiều người đã bị chết vì bệnh dịch hạch. Thế cho nên Hội Ðồng Quản Trị Sức Khoẻ ở Honolulu mới ra quyết định thiêu hủy bất cứ căn nhà, cửa tiệm nào mang dấu hiệu của bệnh dịch hạch, nhằm ngăn chặn sự lan truyền của bệnh dịch này. Ngày 20/10/1899, sở Cứu Hỏa của Honolulu bắt đầu phóng lửa, dự định chỉ đốt đi những căn nhà gỗ. Nhưng bất ngờ, một trận gió thổi đến làm lửa cháy từ dãy nhà này đến dãy nhà khác, thiêu rụi 38 arces (15 ha), thiêu hủy hầu như cả Chinatown. 4, 000 thường trú nhân trở thành người không nhà. Cho đến ngày 30/4/1900, tổng cộng có 40 người chết vì bệnh dịch hạch này.

Một lần nữa, Chinatown được xây dựng lại, và băng đảng tội phạm lại hoành hành cho đến ngày nay.


Những loại trái cây quen thuộc với người Việt bày bán tại khu Chinatown ở Honolulu


Trở lại với Chinatown, Honolulu ngày hôm nay. Trước tiên, chúng ta đi thăm khu chợ Oahu. Ở đó, chúng ta sẽ thấy nào là dưa hấu đỏ ruột, những trái thơm (trái khóm) ngon ngọt không nơi nào sánh bằng, những thứ trái cây miền nhiệt đới như xoài, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu dai, mãng cầu xiêm, đu đủ, nhãn, vú sữa, sa bô chê, dừa, trái trứng gà, thanh long... không thiếu một thứ nào. Giống như chúng ta đang lạc vào một khu vực bán trái cây ở Việt Nam. Trái nào cũng tươi như mới hái từ trên cây xuống. Tuy nhiên, giá cả thì không rẻ chút nào cả. Ví dụ... mãng cầu dai $8.99/1lb (chưa tới 1/2 kg). Măng cụt $15.99/1lb. Chúng tôi đi lòng vòng thăm thú, nhưng chỉ trước khi rời Chinatown, thì lại ghé quầy hàng của người Việt Nam mua một số trái cây ủng hộ đồng hương, mang về khách sạn.



Qua khu chợ cá, mùi tanh bốc lên như chợ bên Việt Nam. Ở đây, tôi thấy có lươn, cua, cá tươi, tôm tươi, mực tươi... nói chung đồ hải sản rất nhiều và rất tươi.

Rồi qua khu chợ Maunakea, trong đó có những gian hàng ăn uống của người Việt, người Phi, Thái, Ðại Hàn, Mã Lai, Cuba... Tất cả đều buôn bán bên cạnh nhau đề huề, cùng nhiều màu sắc ẩm thực. Mùi thơm của thức ăn xông lên khứu giác người qua lại. Ngoài ra, nhà hàng bán dimsum của người Hoa ở đây rất phổ biến. Ăn trưa, ăn tối cũng có những món dimsum như thường. Có rất nhiều món dimsum, nếu không biết oder, muốn gọi món nào, chỉ vào tấm hình những món dimsum được chụp và in ấn rất bắt mắt.

Chúng tôi vào một nhà hàng bán dimsum rất ngon, không ngờ chủ nhân lại là một người Việt gốc Hoa từ Trà Vinh, vượt biên qua Mỹ năm 1978. Bà nói tiếng Việt như người Việt, không pha lẫn. Chúng tôi gặp bà, giống như tha hương ngộ cố tri. Bà có hai người con trai một làm nghề địa ốc ở Nevada, một làm nghề nha sĩ ở California. Cả hai đều thành công. Bà gặp chúng tôi, săn sóc và chuyện trò như người thân. Dưới tay bà là những nhân viên đến từ HongKong, nói tiếng Anh chưa rành. Một người chủ tiệm tuổi đã cao, tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Anh đều nói trôi chảy. Tôi thấy bà vẫn nhanh nhẹn, niềm nở mỗi khi có khách bước vào. Ðiều làm tôi quý mến bà là bà vẫn xem mình là người Việt Nam. Qua câu chuyện, bà tỏ ra rất ghét Trung Cộng. Không phải người Hoa nào cũng ưa anh Trung Cộng đâu. Tôi thích bà ở điểm đó.

Trở về khách sạn, với những món trái cây thơm mùi Việt Nam. Mùi từ quê hương ngàn dặm. Dù bất cứ nơi đâu, quê hương luôn ở trong lòng. Càng lớn tuổi, càng xa quê lâu năm, lại càng nhớ quê hương da diết. Như thế, tôi dạo một vòng Chinatown ở Honolulu, như đi dạo một vòng ở một khu chợ nào đó trên quê hương. Tôi được sờ nắn từng thứ trái cây quê nhà, được nói chuyện huyên thuyên bằng tiếng Việt với chị bán trái cây. Còn nữa, tôi được trò chuyện cũng bằng tiếng Việt với bà chủ nhà hàng Tàu trên con phố chính, mà dimsum và mì hoành thánh của tiệm bà thơm ngon đặc biệt, để lại dư vị rất lâu. Tôi đi dạo phố Tàu ở Hawaii, với cảm giác rất khác, rất dạt dào, như tôi đang đi dạo trên quê hương. Lòng tôi không nguội lạnh, dửng dưng như khi đi dạo Chinatown ở San Francisco, New York, Washington D.C., thậm chí là Chinatown ở London, Anh Quốc hay Chinatown ở Amsterdam, Hòa Lan, và nhiều Chinatown khác nữa... Tôi đã bắt được nhịp thở đầy hương vị Việt Nam của mình trên vùng đất Hawaii.

Việt Phương
Tài liệu tham khảo: Hawaii History, The Island of Oahu, Aloha-Hawaii, Wikipedia.
Nguồn: baotreonline.com

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân