TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - QUÁN TỰ TẠI và QUAN THẾ ÂM
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

QUÁN TỰ TẠI và QUAN THẾ ÂM

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
dokimphung



Ngày tham gia: 27 May 2013
Số bài: 606

Bài gửiGửi: Tue May 05, 2015 9:54 am    Tiêu đề: QUÁN TỰ TẠI và QUAN THẾ ÂM



Quán Tự Tại và Quan Thế Âm Bồ Tát


      QUÁN TỰ TẠI và QUAN THẾ ÂM

      Quán Tự Tại và Quan Thế Âm (hay Quán Thế Âm) là hai danh xưng của cùng một vị bồ-tát do Tàu dịch từ chữ Phạn [b]Àryàvalokitesvara. [/b]

      Quán Tự Tại được ngài Huyền Trang (600-664) dùng trong Mahàprajnàpàramitàhrdayasùtra (Đại bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh), còn Quán Thế Âm do ngài Kumarajiva (Cưu-Ma-La-Thập 344-413) sử dụng khi dịch kinh Saddharmapundarìkasùtra (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh) nơi Phẩm 25: Phổ Môn.

      [Vì tôi chưa có font chữ Phạn Sanskrit (devanagari) cũng như font chữ Phạn (viết theo chữ La-tinh hóa) nên, ngoại trừ dấu ngang trên đầu các chữ A, I và U, tôi không thể đánh dấu đúng các chữ nếu có dấu ngã, dấu nặng trên hoặc dưới một chữ cái; mong quí bạn thứ lỗi cho].

      Bây giờ trở lại vấn đề. Tôi xin luận giải vì sao cùng một chữ Àryàvalokitesvara mà có hai lối dịch khác nhau sang chữ Tàu. Và cũng xin thưa rằng đây là luận giải theo thiển ý của tôi nhìn từ quan điểm minh triết Đông phương mà có lẽ từ trước đến nay hình như chưa có sách nào của Phật giáo đề cấp đến cả. Bởi thế dám mong các bạn xa gần góp ý thêm.

      1- Như ta đã biết, Phật giáo có hai đại tạng kinh: một là Nikaya (5 bộ) bằng chữ Pali (nam Phạn) và Àgama (A-hàm, 4 bộ) bằng chữ Sanskrit (bắc Phạn) cùng các kinh đại phương quảng như Bát-nhã, Hoa-nghiêm, Pháp-hoa v. v.. cũng bằng chữ Sanskrit. Các kinh đại phương quảng, theo sử sách Phật học, là do các vị tu sĩ Bà-la-môn soạn dựa vào kim ngôn của Phật Thích-Ca trên quan điểm chân đế - paramàrthasatya (hay đệ nhất nghĩa đế, hay thánh đế đệ nhất nghĩa hay thắng nghĩa đế).

      2- Theo giáo lý nhà Phật, có hai sự thật (chân lý) – satya; đó là chân đế và tục đế - samvrtisatya. Xin trích dẫn nghĩa của hai từ này. Phật Quang Đại Từ Điển do Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản năm 2000 (quyển 3) bản Việt ngữ của HT Thích Quảng Độ, định nghĩa: “Theo thuyết của luận Đại tì bà sa quyển 77, những sự vật dùng kiến thức thông thường của thế gian mà hiểu biết được gọi là Tục Đế (Thế tục đế) ; còn đạo lý chân thật do Thánh trí vô lậu thấu suốt, thì gọi là Thắng nghĩa đế. ” (sđd., tr. 3795). Thiết nghĩ định nghĩa này rất ngắn gọn và đầy đủ, không cần phải tìm thêm các định nghĩa khác trong bộ đại từ điển này.
     
Theo Từ Điển Phật Học của ban Đạo Uyển, tục đế là: chân lý thế gian, chân lý thế tục. Thực tại được nhìn nhận từ người chưa giác ngộ. Chư Phật vận dụng chân lý này như một phương tiện để dẫn dắt chúng sinh thể nhập chân lý tuyệt đối, hoặc được giác ngộ. ” (Từ Điển Phật Học của ban Đạo Uyển, nxb Tôn giáo, năm 2006; tr. 704). Còn Chân đế hay Đệ nhất nghĩa đế hay Thánh đế là: chân lý của bậc thánh; Thực tại được nhận biết bởi chư Phật. (sđd. ; tr. 586)

      3- Theo minh triết Ấn Độ, nói chính xác hơn, theo Upanishad (1) có hai trình độ hiểu biết: Thượng trí (paràvidyà) và Hạ trí (aparàvidyà). Bàn về nghĩa thú của hai từ ngữ này rất dài dòng và trích dẫn nhiều nguồn, vì thế chúng tôi chỉ trưng dẫn đoạn sau đây của Lê Xuân Khoa, cựu giáo sư đại học văn khoa Saigon trong Nhập Môn Triết Học Ấn Độ (nxb Trung Tâm Họa Liệu, Bộ Giáo Dục, Sai Gòn, 1972) là đơn giản và đầy đủ ý nghĩa:
      “Mundaka Upanishad cũng xác nhận có hai loại tri thức cần phải nhận biết: thượng trí và hạ trí. “Hạ trí là Rig-Veda, Yajur-Veda, Sàma-Veda, Atharva-Veda, Ngữ âm học, Nghi thức, Ngữ pháp, Ngữ nguyên học, Âm luật học và Chiêm tinh học. Thượng trí là cái biết về bất diệt (aksara)... Như vậy cái biết thượng trí là cái biết về thực tại tuyệt đối, còn cái biết hạ trí là các hiện tượng vô thường, hình danh sắc tướng. ” (sđd., tr. 119 & 120)
     
4- Cũng theo Upanishad, Brahman là Đấng tối cao của vũ trụ hay còn gọi là cái NGÃ VŨ TRỤ và Àtman là cái NGÃ CÁ NHÂN. Bản chất của cả hai chỉ là một; Brahman chỉ có một còn Àtman ở số nhiều.

      “Brahman là Một, không có cái thứ hai, là bản chất của Thực hữu, Tri thức và An lạc, có thật, và là Thực thể duy nhất; tất cả mọi vật chất đều không thật và không có thực thể; đó chỉ là các sản phẩm của vô minh ” (Brahman, which is One and without a second and is of Existence, Knowledge, and Bliss, is real and the only Substance; all material objects are unreal and unsubstancial; they are products of ignorance.) SWAMI NIKHILANADA trong Self-Knowledge- Àtmabodha, nxb Ramakrishna-Vivekananda Center, New York, 5th edition, năm 2005; tr. 45.
      Nhưng con người bị MÀYÀ (ảo giác) che lấp nên nhìn Brahman, Tịnh Thức (Pure Consciousness), là một Đấng Tạo Hóa dựng ra vũ trụ này, mà triết hệ Vedanta gọi đó là ISVARA hay là Saguna Brahman, nghĩa tương đương Thượng Đế Hữu Ngã (Personal God) của các tôn giáo khác. Và cũng do màyà che lấp, con người vốn là một Àtman, lúc này thành ra JIVA, con người có hình tướng.
      Như vậy, “Brahman vô thủy, vô chung, không lớn, không nhỏ, không mùi, không vị, không tai không mắt, không trong, không ngoài “ theo Upanishad thì bây giờ trở thành đấng Isvara (Thượng đế hữu ngã) được con người (tức JIVA) tôn thờ qua hình danh sắc tướng và danh xưng (như ở Ấn Độ gọi là Thánh Mẫu, Divine Mother, Kàli hay Sakti.
   
 5- Trở lại với danh xưng Àryàvalokitesvara ta thấy gì. Chiết âm ra ta thấy: Àryàvalokitesvara = àrya + avalokit+esvara. Trong đó:
      • Àrya: Thánh.
      • Ava: dưới, phía dưới.
      • Lokita (quá khứ phân từ của <ng> lokayati. Để ý trong đó có LOKA mà loka là danh từ có nghĩa là thế gian, cõi.
      • Ìsvara: Đấng tối cao, bậc siêu phàm.
      + Theo phép phối âm Phạn ngữ (samdhi): nguyên âm A (hay À) đi trước nguyên âm I (hay Ì) phải biến thành E. a (à) + i (ì) = e. Vì thế: lokita + ìsvara = lokitesvara.
      Qua cách chiết âm trên ta đã hiểu rõ nghĩa của Àryàvalokitesvara rồi; tức là: Bậc Thánh siêu phàm nhìn xuống thế gian hay Đấng Tối Cao nhìn xuống thế gian.
   
 6- Như vậy, hiểu theo chân đế đó là Quán Tự Tại và hiểu theo tục đế là Quán Thế Âm (lắng nghe tiếng kêu của thế gian).
      • Khi một chúng sanh giác ngộ (bodhisattva) tức là thể nhập được Chân lý tuyệt đối hoặc Tự Tại thì gọi là Bồ-tát Quán Tự Tại (hay Quán Tự Tại Bồ Tát). Một khi đã thể nhập Tự Tại rồi thì không còn sợ hãi (hãy đọc lại Bát-nhã tâm kinh sẽ thấy. Bài kinh này rất tuyệt hảo và kỳ diệu lắm.)
      • Khi một người còn sợ hãi thì phải cầu xin Đấng Tối Cao che chở phù trợ vì thế phải cầu đến Quán Thế Âm Bồ-tát (Quan Âm cứu khổ hiện ra với 33 hóa thân). Hãy đọc lại phẩm 25 Phổ Môn và phẩm 10 Pháp Sư và nếu có thể đọc lại toàn bộ 28 phẩm của Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, ta sẽ thấy tuyệt vời và kỳ diệu.
      Từ đó mới thấy cả hai Ngài Cưu-ma-la-thập lẫn Huyền Trang là Bồ-Tát khi chuyển ngữ Àryàvalokitesvara sang Hán tự rất khế cơ, đúng thời điểm và trình độ của chúng sanh.
     
Trước khi chia tay, tôi cũng xin nói thêm rằng chữ TÂM trong BÁT NHÃ TÂM KINH (bản chữ Hán 260 chữ) không phải là Tâm theo ý nghĩa Thân (kaya) & Tâm (citta), mà TÂM ở đây là HRDAYA: CỐT LÕI, TINH TÚY theo đề kinh Mahàprajnàpàramitàhrdayasùtra. Vì thế không thể nói bài kinh 260 chữ này là Kinh nói về cái TÂM ; mà phải hiểu rằng đó là Kinh tinh thúy, tóm tắt của bộ Đại Bát-nhã 600 cuốn quá vĩ đại (bản chữ Hán của Ngài Huyền Trang).

      Kính mong được góp ý.



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Tôn Giáo Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân