TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NGÔI SAO VÀ PHẬT PHÁP
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NGÔI SAO VÀ PHẬT PHÁP

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Thanh Dao
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 18 Jul 2008
Số bài: 1201

Bài gửiGửi: Fri Apr 17, 2015 5:00 pm    Tiêu đề: NGÔI SAO VÀ PHẬT PHÁP
Tác Giả: THANH ĐÀO



NGÔI SAO VÀ PHẬT PHÁP


       (Theo giáo lý Đạo Phật)
      THANH ĐÀO
     
   Trong Phật Giáo, hình ảnh ngôi sao năm cánh tượng trưng cho:
      1) Ngũ Ấm hay Ngũ Uẩn: (Ngũ là năm. Ấm là che đậy. Uẩn là tập hợp, nhóm lại.) Đó là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
      2) Ngũ Cái: (Cái là che đậy) Năm loại tình cảm phiền não che mờ tâm trí, thiếu sáng suốt. Còn gọi là “Năm Triền Cái. ”. Đó là Tham Dục, Sân Nhuế, Thụy Miên (Hôn trầm), Trạo Cử, hối tiếc, và Nghi Ngờ. Thật ra có bảy chữ, nhưng Kinh sách xếp lại thành ra có năm nhóm.
      3) Ngũ Căn: (Ngũ là năm. Căn là gốc) Năm khả năng tinh thần làm nguồn gốc phát sinh ra tình cảm, hành động khác. Đó là 1) Tín Căn (tin tưởng) 2) Tinh Tấn Căn (Sự nỗ lực) 3) Niệm Căn (Sự nhớ, nghĩ) 4) Định Căn (Sự an định của tâm tập trung lại) 5) Huệ Căn (Sự sáng suốt)
      4) Ngũ Chủng Cúng Dường, Ngũ Xứ Cúng Dường. (Cung cấp, nuôi dưỡng, xứ là nơi). Cung cấp cho người tu hành. 1) Hương hoa 2) Hương đốt 3) Hoa quả 4) Thực phẩm 5) Đèn.
      Ngũ Xứ Cúng Dường là năm nơi cúng dường. Năm bậc tôn kính cần cung cấp và nuôi dưỡng. Đó là: 1) Cha 2) Mẹ 3) Thầy dạy học 4) Sư trưởng 5) Người bịnh. Ngoài ra còn có Tứ Sự Cúng Dường. Bốn thứ dâng cúng cho người tu hành 1) Y phục 2) Thực phẩm 3) Phòng ốc 4) Thuốc men.
      5) Ngũ Chủng Ngưu Vị, Ngũ Vị (Ngũ là năm, chủng là loại, ngưu là trâu, bò. Vị là món, thức ăn) Năm món thực phẩm làm bằng chất sữa bò: 1) Nhũ (sữa tươi) 2) Lạc: kem. 3) Sanh tô (bơ sống) 4) Thục tô (Bơ chín) 5) Đề hồ (Phó mát) (fromage, cheese) là món ngon và bổ nhứt.
      6) Ngũ Chướng (Chướng là trở ngại) Năm thứ làm trở ngại cho đường tu hành. Đó là 1) Phiền não chướng. 2) Nghiệp chướng 3) Sanh chướng (Chướng ngại của chúng sanh) 4) Pháp chướng (Chướng ngại do sự gây nên: Pháp là sự vật) 5) Sở tri chướng (Cái hiểu biết sai lầm).
      Thông thường Kinh sách nói đến Tam Chướng, Ba Chướng. Cần phải tiêu trừ khi nỗ lực tu hành. Đó là 1) Phiền não chướng (Tham-sân-si) 2) Nghiệp chướng: Trở ngại do nghiệp tức là hành vi lỗi lầm đã qua, cần sám hối 3) Sở tri chướng (Các hiểu biết ôm đồm, thiếu trật tự, cùng các tà kiến và các kiến thức lỗi thời).
      7) Ngũ Dục, Ngũ Tiễn (Dục là ham muốn, Tiễn là mũi tên, có thuốc độc) Năm thứ ham muốn, được ví với năm mũi tên có tẩm thuốc độc. Đó là các sự ham muốn để thỏa mãn giác quan: 1) Sắc dục (Tham về sắc) 2) Thanh dục (Âm thanh) 3) Hương dục (Về mùi hương) 4) Vị dục (Về thực phẩm) 5) Xúc dục: (Về sự rờ cọ).
    Cũng có sách ghi Ngũ Dục là Tài ( tiền bạc), Sắc ( sắc đẹp), Danh (danh lợi), Thực ( Ăn uống , Thùy ( Ngủ nghỉ).
      8) Ngũ Đại (Đại là lớn, ở đây có nghĩa là nguyên tố). Năm chất nguyên tố, gọi là đại, vì chúng có mặt khắp nơi. Đó là: 1) Địa đại (Đất) 2) Thủy đại (Nước) 3) Hỏa đại (Lửa) 4) Phong đại (Gió) 5) Không đại (Hư không, không gian)
      9) Ngũ Gia, Ngũ Phái (Gia là nhà, phái= môn phái). Thiền Tông Trung Hoa, sau thời Lục Tổ Huệ Năng chia ra làm năm phái: 1) Lâm Tế 2) Vi Ngưỡng 3) Tào Động 4) Vân Môn 5) Pháp Nhãn. 10) Ngũ Giới: (Giới là giới cấm) Năm giới cho người tu tại gia. Đó là 1) Không sát sanh 2) Không trộm cắp 3) Không tà dâm 4) Không nói dối 5)  Không uống rượu.
      11) Ngũ Hương, Ngũ Phần Pháp Thân Hương. (hương là cây nhang. Ngũ phần là năm phần, Pháp Thân= Thân đạo lý bất hoại) Khi thắp nhang lạy Phật, ta nguyện năm phần pháp thân, gọi đó là Ngũ phần pháp thân hương. Gồm có 1) Giới hương 2) Định hương 3) Huệ huơng, 4) Giải thoát hương 5) Giải thoát Tri kiến hương. Ba phần đầu của Pháp Thân là giới- định-huệ, tức là ba môn học vô lậu. Hai phần sau về sự giải thoát: Giải thoát tâm khỏi các phiền não, và giải thoát huệ khỏi các sở tri chướng (= Các tri kiến sai lầm)
      12) Ngũ Lực (Lực là sức mạnh) Do sự tu tập tinh tấn mà năm căn (Ngũ căn trở thành năm sức mạnh (Ngũ Lực). Đó là: 1) Tín lực 2) Tinh tấn lực 3) Niệm lực 4) Định lực 5) Huệ lực. 13) Ngũ Minh. (Minh = sáng) Năm môn học xưa ở Ấn Độ, về kiến thức tổng quát. Đó là 1) Thanh minh (Về ngôn ngữ) 2) Công xảo minh (Công nghệ, kỹ thuật) 3) Y phương minh (Về thuốc men) 4) Nhân minh (Luận lý học) 5) Nội minh (Về kinh điển của bản môn). Đừng lầm với Tam Minh của Phật đắc được khi Ngài thành Đạo 1) Túc mạng minh 2) Thiên nhãn minh 3) Lậu tận minh.
14) Ngũ Nghịch (Nghịch là tội nghịch). Năm trọng tội ngỗ nghịch, phải sa vào địa ngục. Đó là 1) Giết cha 2) Giết mẹ 3) Giết A La Hán 4) Làm chảy máu Phật 5) Phá sự hòa hợp của Tăng-Ni- đoàn.
15) Ngũ Nhãn (Nhãn = Mắt) Các loại mắt đặc biệt do sự tu tập mà đạt được. Đó là 1) Nhục nhãn (Mắt thường của người chưa tu) 2) Thiên nhãn (Thấy xa, chẳng bị cách ngăn) 3) Huệ nhãn (Mắt trí huệ) 4) Pháp nhãn (Mắt pháp, thấy được bản thể sự vật) 5) Phật nhãn (Mắt Phật)
16) Ngũ Quán (Quán là quán tưởng) Năm sự quán tưởng trong Kinh Pháp Hoa, Phẩm Phổ Môn. 1) Chơn quán 2) Thanh tịnh quán. 3) Quảng đại trí huệ quán 4) Bi quán 5) Từ quán.
17) Ngũ thể đầu địa: (Thể là phần thân thể, đầu là ném, địa= đất) Năm vóc chấm sát đất khi lạy Phật, tức là đầu, hai tay và hai gối cúi sát đất. 18) Ngũ Thực: (Thực là thức ăn nuôi dưỡng) Năm món ăn tinh thần nuôi dưỡng căn lành của người tu hành. Đó là 1) Niệm thực (Nuôi bằng niệm lành) 2) Pháp hỷ thực (Nuôi bằng sự vui mừng, hiểu được Chánh pháp) 3) Thiền duyệt thực: (Vui trong thiền định) 4) Nguyện thực: (Nuôi bằng sức chú nguyện) 5) Giải thoát thực: (Nuôi bằng sự giải thoát khỏi các nghiệp dữ). Xin đừng lầm với chữ Tứ Thực (= Bốn cách ăn) 1) Đoàn thực (Vê tròn thức ăn bỏ vào miệng nhai) 2) Xúc thực: (Nuôi dưỡng bằng các cảm xúc như nghe hát chẳng hạn) 3) Tư thực: (Nuôi dưỡng bằng sự suy tư. 4) Thức thực: (Nuôi dưỡng bằng các kiến thức)
18) Ngũ Trược: (trược là trọc= dơ bẩn) Năm sự dơ bẩn, ô uế của cõi Ta Bà, nơi chúng ta đang sống 1) Kiếp Trược: (Kiếp sống dơ bẩn) 2) Kiến Trược: (Kiến thức dơ bẩn) 3) Phiền Não Trược (Phiền não dơ bẩn) 4) Chúng Sanh Trược: (Dơ bẩn của chúng sanh) 5) Mạng Trược: (Cuộc mưu sinh dơ bẩn)
19) Ngũ Vị Tân: (Vị là món ăn, tân= cay nồng) Năm món rau mà người ăn chay kỹ lưỡng, cử chẳng ăn: Tỏi, hành, hẹ, kiệu, hưng cừ (nén). Còn gọi là Ngũ tân, hoặc Ngũ huân.
20) Ngũ Vị Tỳ Kheo. Năm vị tỳ kheo đầu tiên của Đức Phật Thích Ca: Kiều Trần Như, Bạt Đề, Bà Sư Ba, Ma Ha Nam, Át Bệ.
      21) Ngũ Đình Tâm Quán (Đình là ngưng lại, dừng lại. Tâm=lòng, Quán= quán tưởng) Năm phép quán tưởng (suy tưởng của Bắc Tông) 1) Bất tịnh quán: Quán tưởng thân thể này có ba mươi hai chỗ bất tịnh (= chẳng sạch). Nhờ đó bỏ được sự luyến ái về thân xác. 2) Từ bi quán: Quán tưởng Tâm từ ban vui và Tâm bi cứu khổ cho tất cả mọi chúng sanh. 3) Nhân duyên quán: Quán tưởng về 12 Nhân Duyên khiến chúng sanh phải trôi lăn trong vòng Luân hồi khổ sở và cách phá vỡ vòng lẩn quẩn để được giải thoát. 4) Giới phân biệt quán: Quán tưởng về 18 giới (Từ Nhãn giới cho đến Ý thức giới) Thấy rõ khả năng, kiến thức và giới hạn của thân phận con người và nhờ đó bỏ được Ngã kiến 5) Sổ tức quán: Đếm và theo dõi hơi thở, khi ngồi Thiền để sớm vào định tâm.
22) Ngũ Giác: (Giác= biết rõ). Theo giáo lý Bắc Tông, sự giác ngộ có năm hình thức: 1) Bổn giác: Sự tỉnh giác vốn sẵn có, nhưng bị vô minh che mờ, chưa thấy rõ 2) Thủy giác: Sự tỉnh giác nhờ công tu luyện mà phát giác lại được cái bổn giác 3) Tương tự giác: Sự tỉnh giác tương tự, chưa hẳn là hoàn toàn giác ngộ. 4) Tùy phận giác: Sự tỉnh giác tùy theo trình độ tu tập ở các cấp trong Bồ Tát Đạo. 5) Cứu cánh giác: Sự tỉnh giác rốt ráo, quy về Bổn giác.
23) Ngũ Tổ: Vị Tổ thứ năm của Thiền Tông Trung Hoa: Tức là Đại sư Hoàng Nhẫn, ở chùa Hoàng Mai, thế kỷ thứ 6, thầy của Lục Tổ Huệ Năng.
24) Ngũ Thời Giáo (thời= thời kỳ, giáo= giáo hóa) Sự phân chia công cuộc giáo hóa chúng sanh của Đức Phật Thích Ca, thành ra năm thời kỳ, căn cứ theo thuyết của Tông Thiên Thai bên Tàu. 1) Thời kỳ Hoa Nghiêm, 21 ngày sau khi thành Đạo, giảng Kinh Hoa Nghiêm. 2) Thời kỳ Lộc Uyển. 12 năm giảng các Kinh A Hàm. 3) Thời kỳ Phương Đẳng, 8 năm. Phật thuyết giảng các Kinh Đại Thừa 4) Thời kỳ Bát Nhã, 22 năm. Phật giảng các Kinh Bát Nhã 5) Thời kỳ Pháp Hoa và Đại Niết Bàn. 8 năm. Phật thuyết giảng Kinh Pháp Hoa và Đại Niết Bàn.
25) Ngũ Thừa (Thừa=thặng= chiếc xe chở kẻ tu hành đến nơi giác ngộ). Năm đường lối tu hành để đến nơi giác ngộ. 1) Nhân Thừa 2) Thiên Thừa 3) Thanh Văn Thừa 4) Duyên Giác Thừa 5) Bồ Tát Thừa. Cao nhầt là Phật Thừa. (Theo cuốn ” Tiểu Từ Điển Phật Học Thông Dụng” của nhà biên khảo Thiện Nhật Huỳnh Hữu Hồng) .
26) Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Năm thứ này tương sinh và tương khắc nhau. Chẳng hạn: Kim sinh Thủy. Thủy sinh Mộc. Mộc sinh Hỏa. Hỏa sinh Thổ. Thổ sinh Kim. Và tương khắc nhau: chẳng hạn Kim khắc Mộc. Môc  khắc Thổ. Thổ khắc Thủy. Thủy khắc Hỏa. Hỏa khắc Kim.    
   
     “Ngôi Sao Năm Cánh tuyệt vời
      Tượng trưng Phật Pháp sáng ngời gương soi.
      Làm lành, lánh dữ con người
      Từ bi hỷ xả, cuộc đời thong dong.
      Bao dung nhẫn nhục xanh dòng
      Cho ta an lạc sống trong cõi đời.
      Phật pháp giáo lý sáng soi
      Quy luật Nhân Quả rạng ngời trần gian.
      Vô minh, cuồng tín đi hoang
      Trụ vào chánh niệm người càng an vui.
      Thần Thánh không giúp được người
      Thiên đàng- Địa ngục chính thời Tâm ta. ”

THANH ĐÀO



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân