TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NHẢ CA và CỔNG TRƯỜNG VÔI TÍM
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NHẢ CA và CỔNG TRƯỜNG VÔI TÍM

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Dài
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
huynh mai



Ngày tham gia: 18 Apr 2012
Số bài: 1556

Bài gửiGửi: Tue Mar 31, 2015 8:01 am    Tiêu đề: NHẢ CA và CỔNG TRƯỜNG VÔI TÍM
Tác Giả: Trần vũ




Một trong những hiện tượng của văn học miền Nam thời 54-75 là sự xuất hiện của một số nhà văn nữ gần như cùng một lúc: Túy Hồng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương. Bối cảnh lịch sử đã đổi thay, xã hội không ngừng tiến hóa. Cho nên các nhà văn nữ có cái nhìn mới về gia đình, xã hội, về thân phận con người, nhất là thân phận người nữ. Họ có lối viết tự do, phóng khoáng; mỗi người mỗi vẻ đã làm cho nền văn học thêm phong phú.

Riêng Nhã Ca, từ lúc ra mắt lần đầu với độc giả đến cuối thời miền Nam đã không ngừng viết. Truyện “Đêm nghe tiếng đại bác” xuất bản năm 1966 đã mở đầu cho một loạt truyện xoay quanh hai chủ đề lớn: chiến tranh và tuổi học trò. Tính đến năm 1973, Nhã Ca có tới 28 tập truyện, điều này cho thấy tác giả có một mạch viết rất dồi dào.

Trong tác phẩm “Giải khăn sô cho Huế”, Nhã Ca đã khóc cho một thành phố Huế đổ nát, đầy tang tóc qua cơn lốc Mậu Thân. Nhưng tác giả cũng có một hình ảnh khác về Huế: Huế cổ kính, Huế nên thơ của các cô nữ sinh vừa mới lớn. Trong tác phẩm “Cổng trường vôi tím”, thành phố Huế được dùng làm khung cảnh cho truyện của một nữ sinh tên Phù Dung. Đời sống của một nữ sinh trong một thành phố khép kín, phẳng lặng có gì để nói? Thế nhưng trường hợp của Phù Dung thì có biết bao nỗi niềm ngổn ngang để giãi bày.






Nhà văn Nhã Ca

Cô bé Phù Dung vừa mới lớn, học lớp Đệ tứ B3 trường Đồng Khánh. Cuộc đời của một học sinh là sống trong hai thế giới: gia đình và trường học. Đối với Phù Dung nhà trường là không gian của hạnh phúc, nơi đây Phù Dung đã trải qua những ngày vô tư, sung sướng: “Tôi nhìn đoàn nữ sinh tràn ra phía cửa, những tà áo trắng với những dáng nhỏ nhắn xinh xinh, tôi sung sướng thấy mình còn là một ở trong đàn.”  Phù Dung biết rõ từng người bạn trong lớp, từ người trưởng lớp đứng đắn, nghiêm trang đến người bạn học dở nhất hay có chứng đau bụng. Phù Dung có hai người bạn thân: Cẩm Lệ và Đỗ Quyên. Bộ ba này sống với nhau rất mật thiết: chia sẻ với nhau những buồn vui, rồi giận hờn nhau, nhưng không ngớt yêu thương nhau. Ngoài giờ học ba người bạn cùng đi tắm sông, cùng ăn quà vặt, cùng đi xem bói, cùng lên chùa chuyện trò với một ni cô và có những trận cười nghịch ngợm. “Đời học sinh của chúng tôi là thế, chỉ tiếng cười cất lên là tan hết mọi lo lắng, ưu tư.” Cuộc sống không thể thiếu tình bạn: “Một buổi sáng Chủ Nhật thật vô vị nếu tôi không gặp được bạn bè.” Phù Dung giỏi môn Quốc văn, được cô Tịnh Nhơn, giáo sư Quốc văn, thương đặc biệt, và Phù Dung cũng đáp lại tình thương của cô Tịnh Nhơn đến nỗi muốn cô là sở hữu của riêng mình. Phù Dung đã đến tuổi mơ mộng, yêu thơ: “Chao ôi, tiếng thơ như rót nhẹ vào lòng tôi, cô gái mới lớn đang còn được ươm trong nắng vàng, trong lá xanh, trong cổng trường vôi tím những mơ ước lịm người.” Cô nữ sinh bắt đầu làm thơ và bạo dạn gởi đến một tờ báo Văn Nghệ học sinh, cô được một chàng thi sĩ tên Vịnh trong ban biên tập để ý. Hạnh phúc đã đến với lá thư tình đầu tiên của chàng: “Tôi phải òa vỡ niềm vui ra cho Cẩm Lệ, cho Đỗ Quyên cùng biết. Tôi cũng phải cho sách của tôi biết, bài vở, bàn ghế và thảm cỏ xanh ngoài sân trường biết nữa.”

Thế giới thứ hai là gia đình; trái với trường học, thế giới này nặng trĩu  buồn phiền. Gia đình Phù Dung ở thôn Vỹ Dạ, một nơi chốn nổi tiếng qua bài thơ của Hàn Mặc Tử, Phù Dung lãng mạn muốn những cô gái thế hệ của mình là những cô gái có mặt chữ điền. Phía sau ngôi nhà là một bến sông, Phù Dung thường tắm sông với các bạn, hoặc ngồi trên tảng đá học bài. Phù Dung là con gái út một gia đình ba con. Chị cả Phương Thảo là một người con gái ích kỷ, làm dáng, giả dối và hay đóng kịch. Chị Phương Thảo thẳng tay sai khiến Phù Dung như một người đầy tớ. Anh Toan của Phù Dung là một người con trai mặt mày lầm lì, ít nói, lúc nào cũng chúi đầu vào sách. Mẹ Phù Dung, một người đàn bà cay nghiệt, độc ác, đoạt hết quyền hành trong nhà. Người cha thì quá hiền lành đến nhu nhược, đôi khi hóa cộc cằn. Cái cảnh bất hòa giữa cha mẹ với những lời hiểm độc của người mẹ, những mâm cơn bay ra vườn, chén đĩa vỡ trong nhà làm Phù Dung ngao ngán, tâm hồn hướng về nhà trường để tìm an ủi.

Trong gia đình còn có hai nhân vật mà Phù Dung có cảm tưởng họ giữ kín một bí mật ghê gớm. Đó là chú Đặng và dì Tường. Chú Đặng điên bị nhốt trong một căn nhà cuối vườn, sau những cơn điên dữ dội chú trở nên hiền lành. Bà mẹ hất hủi chú, thường đòi gởi chú vào nhà thương điên. Dì Tường là một cô gái ba mươi tuổi, dì còn đẹp nhưng có vẻ sầu muộn, ủ rũ. Dì lo công việc bếp núc. Theo thành kiến của các bà già Huế, dì Tường là một cô gái già, bà mẹ mỗi lần nổi cơn giận không quên nhắc đến tình trạng ế chồng của dì. Để phản ứng lại tính tình độc ác của mẹ, Phù Dung rất thương cha, thương chú Đặng và dì Tường. Chị Thảo thì luôn luôn đứng về phía mẹ. Một đêm Phù Dung kinh ngạc trông thấy dì Tường rón rén đến trước cửa chú Đặng và gọi: “Anh Đặng, anh Đặng”, “Anh Đặng, em đây mà.” Rồi dì Tường khóc tức tưởi. Chẳng bao lâu Phù Dung được biết khi xưa chú Đặng và dì Tường yêu nhau, nhưng bà mẹ đã phá hoại cuộc tình duyên của hai người, khiến chú Đặng tự tử hụt và hóa điên. Thế rồi nhiều biến cố dồn dập xảy đến trong gia đình. Anh Toan nhận cưới một người vợ mà anh không hề thương yêu, để tránh tai tiếng với một cô gái khác, người vợ của anh biến thành người tôi tớ của bà mẹ. Chú Đặng chết bất ngờ; bà mẹ không cho làm đám tang trong nhà và không cho con cái để tang. Đám tang chỉ có cha của Phù Dung, dì Tường, anh Toan và Phù Dung. Rồi đến đám cưới chị Thảo. Không bao lâu cha Phù Dung chết, ông chết cháy trong căn nhà chú Đặng, người em mà ông đã thương yêu và cố bênh vực trước đây. Bà mẹ cho biết sau đám cưới chị Thảo bà sẽ gả dì Tường cho một người đàn ông góa vợ, rồi sẽ có lễ dạm hỏi của Phù Dung. Khi dì Tường hay tin sắp bị ép lấy một gã đàn ông mà dì ghê tởm, dì Tường bỏ nhà lên chùa tu. Vậy là gia đình tan rã.

Về phía nhà trường, Phù Dung cũng có những mất mát: Cẩm Lệ theo gia đình vào Sài Gòn, cô Tịnh Nhơn đi lấy chồng. Với bao lo âu, buồn phiền, Phù Dung ý thức mình đã khôn lớn: “Cổng trường vôi tím bây giờ không còn là nơi dung dưỡng tuổi hồng của tôi nữa… Ngày xanh mới đó đã thành kỷ niệm.”





Truyện “Cổng trường vôi tím” được xây dựng quanh chủ đề thoát ly. Trước mắt Phù Dung đã diễn ra nhiều cảnh thoát ly. Chú Đặng và cha của Phù Dung đã thoát ly bằng cái chết, vì hai anh em đều là nạn nhân của một người đàn bà. Dì Tường lên chùa để thoát ly một cuộc sống nô lệ đã chôn vùi mối tình tuyệt vọng của dì. Cô Tịnh Nhơn tìm trong hôn nhân một con đường thoát ly cuộc sống cô đơn với mấy con mèo.

Còn Phù Dung? Cô nữ sinh trước bao đổi thay đương nhiên không thể tiếp tục sống như trước. Phù Dung có bản lĩnh, có mơ ước lớn, có người yêu đang trông chờ. Phù Dung tâm sự với cô Tịnh Nhơn, mà Phù Dung gọi là chị, về mối tình đầu của mình. Cô Tịnh Nhơn liền tỏ ra thực tế: “Chị chắc chắn em sẽ không thể nào vượt được thành kiến của thành phố, vượt được áp lực của gia đình. Tình yêu này để lãng mạn, để tô điểm thời con gái, để có kỷ niệm đẹp trước khi về nhà chồng. Gia đình và thành phố chúng ta ở không bao giờ dung túng những chuyện đó.” Vậy là cô Tịnh Nhơn, người mà Phù Dung khâm phục và hết lòng thương yêu, đã cúi đầu trước những thành kiến dường như không lay chuyển được. Người phụ nữ thứ hai mà Phù Dung sẵn sàng hy sinh để đem lại hạnh phúc là dì Tường, nhưng dì cũng bó tay, chịu thua như cô Tịnh Nhơn.  Dì thú nhận: “… ở xứ Huế ni đầy thành kiến, dì không biết vùng vẫy ra răng được. Dì đành chịu…”. Phù Dung không chấp nhận thái độ thụ động của dì Tường: “Giá như tôi đặt vào hoàn cảnh dì, tôi làm nổ tung tất cả.” Cuối cùng nhờ Phù Dung khuyến khích, thúc đẩy dì Tường mới có can đảm ra đi. Cô Tịnh Nhơn và dì Tường là hai người phụ nữ đã bị thành kiến xứ Huế nhào nặn lâu ngày, đã trở nên hoàn toàn bất lực. Nhưng Phù Dung thì khác. Tâm hồn cô nổi loạn trước những bất công, những sai lầm. Thoát ly của Phù Dung sẽ là một thoát ly đôi: thoát ly một gia đình ngột ngạt và một thành phố đầy thành kiến, mặc dù Huế vẫn đẹp, sông Hương vẫn mơ màng và Đập Đá, Vỹ Dạ vẫn nên thơ, nhưng người Huế bị giam cầm sau bức bình phong của mỗi nhà, bức bình phong tượng trưng cho sự che giấu những bí ẩn của mỗi gia đình trước mối đe dọa của thành kiến. Phù Dung tự hỏi: “Tôi sắp lìa bầy, để bay đi xa hay để gãy cánh?” Dù sao cô nữ sinh Phù Dung cũng sẽ tung cánh bay xa, có hề chi những trở ngại, những khó khăn.

Trong một bài phỏng vấn của tạp chí Văn năm 1973, trả lời câu hỏi của Nguyễn Mai: “Chị có dự tính viết một tự truyện không?”, Nhã Ca cho biết: “Hơn ba mươi tuổi, với vài chục cuốn sách tầm thường, một đời sống phẳng lặng, tôi tự thấy chuyện về mình chưa đáng để phải làm bận mắt độc giả.” Tức Nhã Ca chưa viết tự truyện vào năm 1973. Vậy “Cổng trường vôi tím” xuất bản năm 1971 không phải là một tự truyện. Như chúng ta đều biết, một tác phẩm văn chương không bao giờ hoàn toàn khách quan, một cách vô thức tác giả đã để ít nhiều đời mình, kinh nghiệm bản thân và tâm trạng của mình vào tác phẩm. Dù “Cổng trường vôi tím” không phải là một tự truyện, nhưng có những yếu tố tự truyện như nhân vật cô Tịnh Nhơn, nhân vật người yêu tên Vịnh, vấn đề thoát ly, v.v…

Vào đầu thập niên 70, nghệ thuật kể truyện của Nhã Ca trở nên điêu luyện; “Cổng trường vôi tím” gợi cho người đọc một thời xa xưa, khi một thiếu nữ thấy những hứa hẹn của cuộc đời bắt đầu lấp ló ở chân trời.

St-



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Dài Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân