TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NHẬT KÝ NGƯỜI MẸ (Thu Trang)
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NHẬT KÝ NGƯỜI MẸ (Thu Trang)

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
LE-HOA
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 02 Feb 2009
Số bài: 1015

Bài gửiGửi: Sun Apr 13, 2014 12:10 pm    Tiêu đề: NHẬT KÝ NGƯỜI MẸ (Thu Trang)
Tác Giả: THU TRANG



NHẬT KÝ NGƯỜI MẸ

*THU TRANG

*Đêm 08 tháng 08 năm 1993

Bây giờ đã khuya lắm rồi, mặc dù mẹ đã làm biết bao công việc trong ngày để chuẩn bị chu đáo cho đêm Sinh nhật của con nhưng mẹ không cảm thấy mệt mỏi chút nào, hoặc nếu có thì cũng đã bị bao niềm hân hoan sung sướng làm cho tan biến cả. Đêm nay ba và mẹ đã âu yếm nhìn con nhí nhảnh vui tươi trong chiếc áo dài màu trắng trinh nguyên điểm vài cánh hoa lan màu hồng phớt e ấp giữa những chiếc lá xanh thon dài mềm mại, thấy con thật sự đã trưởng thành.

Để mở đầu buổi dạ tiệc, con đã đứng trước đám đông bạn bè (bạn của con và của các anh chị con họp lại cũng khá đông) mà từ hồi nào tới giờ con chưa một lần dám phát biểu một điều gì. Với giọng nói run run đầy cảm xúc và đôi phút ngượng ngùng bối rối con đã ngỏ lời cám ơn ba mẹ, các anh các chị con đã giúp đỡ để con có được buổi Sinh nhật hôm nay, và con cũng cám ơn các bạn con đã đến chung vui với con trong ngày có thể gọi là "trọng đại" nầy của con. Sau khi các bạn con hát bài chúc tụng Sinh nhật, con khẽ nghiêng mình làm mái tóc đen nhánh xõa xuống che kín phân nửa khuôn mặt thanh tú, lấy hết hơi con thổi tắt 18 ngọn nến nhỏ viền sáng chiếc bánh được trình bày vô cùng khéo léo với dòng chữ được nặn bằng chất kem hồng tươi "SN QUYÊN 08-08-93".

Sau đó con như con bướm trắng nhỏ bay lượn trong đám đông đầy màu sắc rực rỡ, đến chỗ này một chút chỗ nọ một chút, chia đều niềm vui với tất cả mọi người. Thỉnh thoảng con cũng chạy lại bên ba mẹ hỏi ý kiến nên làm thế nào nữa, con của mẹ vẫn còn là một cô bé quá ngây thơ trước ngưỡng cửa cuộc đời... Tiệc tàn vào lúc nửa khuya, sau khi tiễn người khách cuối cùng ra cửa, mọi người trong gia đình đã bắt tay ngay vào việc thu dọn chén dĩa ly tách, xê dịch bàn ghế gọn vào một chỗ, quét dọn rác rến, lau chùi sàn nhà sạch sẽ để kịp trả hội trường cho nhà thờ ngay sáng hôm sau. Về đến nhà cũng gần ba giờ sáng, cả nhà ai nấy đều nằm vật ra giường và chìm sâu vào giấc ngủ sau một đêm vui chơi và làm việc tận lực. Riêng mẹ vẫn còn thao thức trăn trở với bao niềm suy tư, cảm khái. Mẹ rón rén bước khỏi giường, đến cắm điện vào cây đèn để trên bàn viết, hạ bóng đèn thật thấp để khỏi làm chói mắt ba con mặc dù người đã ngủ say với tiếng ngáy đều đều trong đêm vắng. Mẹ ngồi vào bàn và bắt đầu thảo vội vàng những dòng này vì sợ những ý nghĩ bất chợt đến sẽ không tìm thấy lại được.

Sở dĩ ngày Sinh nhật thứ 18 nầy của con mẹ phải nói dài dòng vì con là con út của mẹ, đứa con xinh đẹp mà ngây thơ khờ dại nhất nhà. Và điều đáng nói nhất là sự ra đời của con gắn liền với niềm đau chung của cả nước: 18 tuổi đời của con đánh dấu 18 năm nước nhà rơi vào bàn tay Cộng sản. Ngày mà bộ đội miền Bắc với xe tăng Liên Xô và khí giới Trung Quốc hùng hổ tiến vào thủ đô Sài Gòn và những kẻ chiến thắng nghênh ngang tiến vào tiếp thu dinh Độc Lập thì mẹ đã mang con trong bụng được tròn sáu tháng.

Cách đây cũng ba bốn năm rồi đã có lần con hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, tại sao chúng ta không sống ở nước mình mà lại qua chi cái xứ lạnh lẽo nầy? Ở lại Việt Nam thì khí hậu ấm áp và hơn nữa việc học hành dễ dàng biết bao nhiêu, qua đây phải học thứ tiếng Đức nầy thật là khó!

Nghe những câu hỏi thật khờ khạo của con mẹ phải phì cười, con tôi thật ngây thơ. Ờ, phải rồi, ngày mấy mẹ con mình qua đây sum họp với ba và anh hai con thì con mới được 9 tuổi, vừa học hết lớp ba bên nhà. Con còn quá nhỏ để biết những gì đã xảy ra cho gia đình mình, cho đất nước mình, cho nên con đã đặt nhiều câu hỏi và mẹ cũng đã trả lời khá vắn tắt khả dĩ cho con hiểu được một đôi phần. Mẹ đã bảo con là để có dịp nào khi con lớn lên mẹ sẽ giải thích cho con tường tận hơn. Thì hôm nay là ngày đánh dấu sự trưởng thành của con, mẹ sẽ viết ra đây cho con biết rõ những gì con còn vướng mắc trong tâm tư, mẹ hy vọng con sẽ được thông suốt hơn. Con sẽ hiểu vì sao gia đình mình cũng như hơn một triệu người Việt Nam khác đã phải lìa bỏ quê hương xứ sở mà kéo lê kiếp sống tha hương nơi xứ người...

*
*   *

* Đêm 30 tháng 04 năm 1995 (Kỷ niệm 20 năm nước nhà rơi vào tay CS, và gia đình mình cũng đã sống 15 năm tại CHLB Đức, một nước rất tân tiến mà cũng rất lạnh lẽo nầy!)

Hồi tưởng lại hai mươi năm về trước... Vào một buổi sáng mùa xuân, khoảng thượng tuần tháng 3 năm 75, sau khi hết giờ dạy mẹ bước vào phòng họp của giáo sư trong một ngôi trường Nữ Trung Học của thị xã. Các cô giáo đều rực rỡ tươi đẹp trong những chiếc áo dài mới, hương vị ba ngày Tết vẫn còn quanh quẩn trong không khí học đường. Thế nhưng mẹ không còn nghe những tiếng nói cười rộn rã như mọi hôm mà trên nét mặt mọi người không giấu được vẻ trầm tư lo lắng.

Trong một góc phòng mấy cô đang ngồi bàn tán có vẻ nghiêm trọng. Ngọc Hân, cô giáo dạy Sử-Địa khuôn mặt bầu bĩnh hiền hậu, trên đôi mắt to đen của cô cố giữ cho khỏi trào ra những giọt nước mắt. Với giọng nói nghẹn ngào cô nói một thôi dài như để mọi người cùng chia xẻ niềm lo lắng của cô:

- Ban-Mê-Thuột mất rồi các chị ơi! (Điều nầy thì tối qua ba mẹ đã biết được qua đài phát thanh Quân Đội), Pleiku cũng đang bị bỏ ngỏ. Người ta tản cư vô số kể, mọi người đổ xô trên các quốc lộ 7 và quốc lộ 19 đổ về các thị xã Qui-Nhơn, Tuy-Hòa và Nha-Trang. Đường sá lại hư hết, chỗ thì bị đặt mìn chỗ thì bị đắp mô nên không thể đi bằng xe đò được. Nghe nói người ta thồ bằng xe đạp, xe ba bánh, hoặc gồng gánh lũ lượt kéo nhau đi bộ băng rừng vượt suối. Trời ơi, bây giờ em không biết gia đình em ở đâu? Ba má và các em của em ở Phú-Bổn có chạy được không? Em đã gởi mấy cái điện tín rồi mà không thấy trả lời, bây giờ chắc họ chạy hết cả rồi!

Thúy-Vinh, cô giáo Vạn-Vật cũng góp lời:

- Nghe nói đồng bào ở Huế đã di tản vào Đà-Nẵng gần hết và nơi nầy thiên hạ đang đổ xô ra các bến tàu để vào trong Nam. Gia đình bà dì em ở Quảng-Ngãi không biết bây giờ ra sao, không biết họ đã di tản chưa? Mấy đứa con của dì em còn nhỏ xíu mà đi bộ làm sao chúng nó chịu nổi!

Mỹ Linh dạy Việt-Văn người nhỏ nhắn, dáng gầy mảnh mai, cũng rươm rướm nước mắt than thở:

- Ba má em ở Sài-Gòn cứ gọi điện thoại ra ngày một, báo em phải thu xếp về ngay nhưng em đâu có thể bỏ nhiệm sở được.

Thầy Bảo, giáo sư biệt phái dạy Toán, vừa từ bên văn phòng bước qua, tay cầm ly nước trà nóng chu miệng thổi phù phù cho mau nguội, nghe các cô bàn tán xôn xao thầy cũng đi đến gần góp chuyện:

- Các chị đừng có lo quá. Theo tôi nghĩ thì quân đội ta rút lui có chiến thuật đấy. Họ chỉ tạm bỏ ngỏ miền cao nguyên thôi, để khi Việt-Cộng vào chiếm cứ các căn cứ, bên ta sẽ dùng Không lực tấn công làm cho họ trở tay không kịp. Làm gì họ đến Bình Định nổi! Sư đoàn 22 Bộ Binh ở đây là một Sư Đoàn thiện chiến lại thêm có căn cứ Không quân ở Phù-Cát nữa. Có hai lực lượng nầy thì Quy-Nhơn yên ổn như bàn thạch.

Câu nói lạc quan của thầy Bảo làm bầu không khí bớt căng thẳng nhưng câu chuyện vẫn xoay quanh việc di tản ra khỏi thành phố trước khi bộ đội miền Bắc tấn công tới.

Dương Nga, cô giáo cỡ lứa tuổi mẹ, có ba con còn nhỏ, kéo mẹ đến cuối phòng thầm thì:

- Ông Bảo nói rứa chứ mình thấy tình hình ni coi bộ không êm rồi. Mấy đứa con mình và con chị còn nhỏ quá mình phải lo tính trước mới được. Tụi mình định thuê một chiếc xe hàng nhỏ, nghe nói khoảng ba chục ngàn, để đi cả gia đình và có thể chở bớt đồ đạc theo. Bất cứ giá nào mình cũng phải chở theo cái máy may và chiếc xe Honda của ông xã. Còn anh chị tính răng?

Khi đó lòng mẹ còn bối rối lo sợ hơn các đồng nghiệp bội phần vì mẹ đã mang con trong bụng được gần bốn tháng rồi. Mẹ vốn ốm yếu và lại thai nghén chắc là không thể đi bằng bất cứ xe gì được trong hoàn cảnh nầy. Từ Quy-Nhơn vào Sài-Gòn đường xa diệu vợi, trên quốc lộ Số 1 nhiều chỗ đường bị cắt đứt lại nhiều bất trắc: đèo Cù-Mông, Đèo Cả, Đại-Lãnh, Rừng Lá... Chỗ nào cũng có thể bị phục kích, cướp bóc... Tuy nhiên mẹ cũng tán thành ý kiến của cô bạn:

- Bồ tính trước vậy cũng phải, nếu có điều kiện thì nên di tản sớm chừng nào tốt chừng nấy. Tụi nầy thì chắc chưa đi được nhưng cũng lo lắm đây. Bây giờ việc trước mắt là sắm cho mấy đứa nhỏ mỗi đứa một xách tay đựng vài ba bộ quần áo, đồ dùng cá nhân, lương khô và một số tiền giắt lưng, rủi ro có thất lạc cũng có thể sống được một thời gian. Thời buổi loạn lạc ai biết được việc gì sẽ xảy ra một khi Việt cộng tràn đến sau lưng, mạnh ai nấy chạy!

Câu chuyện còn kéo dài nữa nếu tiếng chuông không reo lên nhắc nhở giờ vào lớp. Mọi người uể oải người nào vào lớp nấy nhưng chắc ai cũng không còn tinh thần để tiếp tục bổn phận cao quý của mình. Từ ngày có lệnh tổng động viên để có đủ quân số gởi ra chiến trường đối phó với những cuộc tấn công của quân đội Bắc Việt ngày càng leo thang, thầy trò trở nên hoang mang ngơ ngác không tìm được hướng đi trước biến cố vô cùng nghiệt ngã của lịch sử. Trong trường Cường Để, một ngôi trường Trung Học lớn nhất thị Xã Q.N., lớp học ngày càng thưa thớt, kỷ luật trở nên lỏng lẻo mà trên cũng không có biện pháp gì khả dĩ ngăn chặn bớt tình trạng bỏ học, phá phách trường lớp, hoặc làm reo.... Nhiều hôm tới giờ vào học vài đồng nghiệp của mẹ lên lớp rồi lại trở xuống văn phòng ngao ngán phân bua với ban giám đốc:

- Chúng nó đóng chặt cửa lớp, tôi không vào được. Yêu cầu các ông lên giải quyết giùm!

Giải quyết xong lớp nầy thì lớp khác lại tái diễn cái trò "bế quan" để khỏi phải trả bài và nghe giảng bài! Trong mười mấy năm trời đi dạy mẹ chưa bao giờ gặp phải trường hợp nầy, vậy mà không ngờ vào một buổi sáng mà tình trạng học sinh hoang mang cực độ, sau giờ chơi mẹ lững thững ôm cặp lên lớp 11B8, một lớp khá ngoan so với mấy lớp 11 kia, thì thấy cửa lớp đóng kín, bên trong học sinh đồng thanh hát bài "Việt Nam! Việt Nam!", thì ra các lớp khác cũng đồng loạt làm reo, các thầy cô giáo lại lục tục trở về phòng họp giáo sư đợi... ban giám đốc giải quyết. Không ngờ đó là ngày cuối cùng, mẹ không còn gặp lại những học sinh thân yêu trong ngôi trường ở tỉnh miền Trung nầy nữa.

Đêm đó cuộc tấn công của quân đội Việt cộng bắt đầu hướng về đồng bằng các tỉnh miền Trung. Từng quả súng cối rót không ngớt vào các quận Phù-Mỹ, Phù-Cát và một số tại cửa biển Quy-Nhơn ở khu Hai gần sát dinh Tỉnh Trưởng. Ba mẹ thức sáng đêm thu xếp vội vàng hành lý để sáng sớm mẹ và các anh chị con di tản vào Sài-Gòn trước. Trời chưa sáng mà trên các ngã đường Cường-Để, Tăng-Bạt-Hổ, Phan-Bội-Châu, Gia-Long,... đã đầy những xe Cyclo, xe ba bánh... trên chất đầy rương hòm, va-ly, mùng mền, cùng những thứ cần thiết trong nhà, chạy về hướng bến xe đò "QuyNhơn - TuyHòa - NhaTrang".

Rút kinh nghiệm mùa hè đỏ lửa 72, mẹ không dám dẫn các con chen chúc trên những chiếc xe đò cũ kỹ thường bị "banh" hoặc bể bánh xe dọc đường, có đoạn đường bị mìn giật loang lổ phải xuống xe đi bộ cả cây số đã khiến mấy mẹ con đi từ Quy-Nhơn đến Nha-Trang phải trải qua hai ngày khổ nhọc, hành lý mất mát, còn người thì tơi tả thảm hại. Ba con chạy sang phòng Quân Bưu trước mặt trường Cường Để gặp Thiếu tá Chỉ Huy trưởng cũng là Hội-Trưởng hội Phụ-Huynh Học-Sinh của trường ba mẹ dạy, xin cho mấy mẹ con quá giang xe thư đến căn cứ Không quân Phù-Cát, nơi cậu Sáu con đang giữ nhiệm vụ khá quan trọng. Đang bận túi bụi nơi phòng hành quân, cậu con phải nhờ một hạ sĩ quan ra cổng phi trường chở mấy mẹ con về nhà cậu trong khu gia binh. Đêm ấy hỏa châu rực sáng cả một vùng, bầu trời như muốn nổ tung vì tiếng máy bay lên xuống vang rền cùng với tiếng đạn pháo kích rót không ngớt vào khu phi trường. Tiếng điện thoại trong nhà reo liên tục, báo cáo về những cuộc hành quân điện về tới tấp. Nghe nói Bồng-Sơn đã mất và dân chúng bắt đầu di tản về phía thị xã. Cậu con chưa kịp ăn xong bữa cơm tối đã phải chạy đến phòng hành quân làm việc sáng đêm. Ngay sáng hôm sau mấy mẹ con được gởi trên chiếc máy bay C.130 sắp cất cánh về phi trường Tân-Sơn-Nhất. Ngồi trên xe "Jeep" từ nhà đến chỗ máy bay đậu mẹ lo sợ tột cùng khi nhìn những xác máy bay trực thăng hai bên lề đường còn bốc khói, tiếng súng cối vẫn ì ầm từ xa vọng lại. Đàn bà trẻ con hối hả leo lên máy bay ngồi sát vào nhau dưới sàn tàu, hành lý cồng kềnh phải bỏ lại hết mới đủ chỗ chứa gần trăm người. Những đứa trẻ dù bị chật chội cũng không dám kêu khóc, người lớn cũng im lặng với những khuôn mặt buồn bã, thất thần, sợ hãi...

Những người đàn ông phải ở lại tới giờ phút cuối. Ba con thì ở lại trường với ban Giám Đốc, cậu con phải trấn giữ căn cứ với những người lính dũng cảm, cấp trên thì đã ra đi từ lúc nào! Nhưng cuối cùng rồi họ cũng chạy theo đám tàn quân. Một quân đội đông đảo đã được huấn luyện tinh thục bấy giờ thiếu người chỉ huy như rắn không đầu, chưa đánh đã chạy trước sức tấn công vũ bão của quân miền Bắc!

(Đây là một giai đoạn lịch sử vô cùng bi thảm đối với dân quân miền Nam đã được viết bằng máu và nước mắt của nhiều nhân chứng, một số đã được in thành sách. Ba mẹ có một vài quyển trong số đó, khi nào rảnh rỗi con hãy lần lượt đọc, chỗ nào chưa thấu hiểu ba mẹ sẽ giải đáp cho con).

*
*   *

Cuối cùng rồi Sài Gòn cũng mất. Vào buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 cả nhà ông Ngoại con, với đông đủ gia đình các cậu mợ dì dượng con từ miền Trung vào và từ Lục-tỉnh lên, quây quần bên chiếc máy vô tuyến truyền thanh lắng nghe giọng nói buồn rầu của ông Dương Văn Minh, vị tổng thống cuối cùng của VNCH, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Mọi người nhìn nhau thất vọng, đau đớn....

Người dân Sài-Gòn (một số đông những người có chức vị và giàu có đã chạy ra ngoại quốc trước ngày 30 tháng 4), số còn lại hoang mang lo sợ. Ban đầu họ rút vào trong nhà đóng cửa im ỉm nghe ngóng, chờ đợi. Sau đó họ đổ xô ra đường với đủ loại xe: xe Lam, xe Cyclo, xe Honda, xe đạp... chạy ngược xuôi về hướng Tân-Sơn-Nhất, bến Bạch-Đằng, xa cảng miền Đông, miền Tây, tòa Đại Sứ Mỹ... hoặc về hướng Vũng-Tàu, Rạch-Giá... mong tìm được chiếc tàu cuối cùng nào của Mỹ còn đến đón người ra đảo Guam chăng?! Một số chạy đi rồi lại chạy về vì sân bay T.S.N. không còn chiếc máy bay nào, tàu đón người cũng đã rời bến! Họ như đàn kiến bò trong lòng chảo, không lối thoát.

Mấy ngày sau thì Ủy Ban Quân Quản thành phố được thành lập và hết lệnh nầy đến lệnh nọ được ban ra. Quân nhân, công chức ai nấy phải trở về địa phương nơi cư ngụ khi trước để trình diện "học tập".

Cũng như hàng mấy trăm ngàn Quân Nhân Công Chức chế độ cũ miền Nam đã nhận thức thân phận kẻ bại trận và lầm nghe lời tuyên truyền với giọng điệu có vẻ "khoan hồng" của kẻ chiến thắng, đều lần lượt đi trình diện "học tập" 10 ngày. Lại nghĩ mình là nhà giáo "có làm gì nên tội!", nên sau những đêm dài đắn đo suy nghĩ, thấy không còn con đường nào cho một tương lai đen tối mịt mù, ba mẹ đành gởi các anh chị con nơi nhà ông bà ngoại, vội vã thu xếp các thứ đồ cần dùng, vài bộ quần áo... vào mấy xách tay rồi ra bến xe đò ở đường Petrus Ký để về nhiệm sở cũ ở một tỉnh miền Trung xa lăng lắc. Khi ấy mẹ đã mang con trong bụng hơn sáu tháng, đi đứng trở nên khó khăn mệt nhọc vô cùng. Đến thị xã QN, ba mẹ ở nhờ nhà một ngưòi quen tốt bụng cho tạm trú một thời gian. Ngày hôm sau ba con vội vã đến trình diện tại trại Cải Huấn tỉnh BĐ (dù là nhà giáo biệt phái cũng bị xem như "có tội với nhân dân"!). Còn mẹ thì cùng một số nữ đồng nghiệp và những nhà giáo chưa dính líu với quân đội, đi dự khóa học tập Chính Trị hai tuần lễ. Từ nhà đến ngôi trường Sư Phạm ở cách xa thị xã khoảng hơn ba cây số, mỗi ngày mẹ phải cuốc bộ đi về, dù khoảng đường nầy vẫn còn có xe Lam chạy qua đón khách. Mẹ phải tằn tiện từng đồng bạc còn lại để gia đình mình được sống lây lất ngày nào hay ngày ấy! Đi bộ nhiều khiến đôi chân mẹ càng ngày càng nhức mỏi và sưng phù lên nên bước đi càng chậm chạp nặng nề, hôm nào cũng đến chiều gần tắt nắng, vì còn phải ghé chợ mua vài thức ăn, mới về đến nhà. Việc ăn uống kể từ ngày đó cũng hầu như không còn chút thịt cá nào, trên mâm cơm chỉ vỏn vẹn rau với mắm!

Một buổi sáng mẹ vừa vào lớp thì một chị bạn kéo mẹ lại bảo nhỏ cho biết trên đường đi chị gặp một toán tù cải tạo, trong đó có ba của con và vài đồng nghiệp trong trường ba mẹ dạy lúc trước, đang di chuyển về hướng ngoại ô. Mẹ bỏ ngang giờ học tập CT, vội vàng ra về, ghé qua một chợ nhỏ mua vài thứ lương khô, vài chiếc bánh ú, nải chuối, và một bịch chè đậu có đá lạnh... Rồi mẹ đón một chiếc xe Honda ôm, bảo tài xế chạy theo hướng đoàn tù đang di chuyển. Khi đã theo kịp đoàn người đang thất thểu dưới ánh nắng trưa gay gắt, mẹ xuống xe và bắt gặp được ba con, lúc ấy mọi người được nghỉ 5 phút bên vệ đường. Trong cơn đói khát, ba con hút thật nhanh bịch chè còn lỏng chỏng vài viên nước đá vụn, nắm tay mẹ dặn dò đôi ba câu rồi theo đoàn tù tất tả lên đường. Mẹ còn bịn rịn, cố đi thật nhanh để theo kịp bước với đoàn người. Các bạn tù đi bên cạnh ba con đều nhìn mẹ thật ái ngại, một người buộc miệng:"Thôi chị về đi, kẻo bị bệnh thì thêm khổ!" Ba con thì nước mắt đã rưng rưng, không nói được lời nào. Thực sự mẹ cũng không còn hơi sức nữa. Bụng dạ nặng nề, lòng cũng nặng chĩu nỗi đau nỗi buồn, bước chân rã rời, mẹ đành đứng lại gạt nước mắt trông theo đoàn người càng lúc càng xa dưới cơn nắng chói chang mùa hè, để đi về một nơi nào vô định...

Sau khi học xong khóa CT, mẹ vẫn còn ở lại thành phố nầy vài ba tháng nữa để thăm nuôi ba con nên đã nhờ người quen đem hai anh và một chị lớn của con ra ở với mẹ để các con có thể tiếp tục đi học (còn hai con nhỏ vẫn còn ở lại nhà Ngoại). Cứ hai tuần lễ mẹ lại bới xách đồ ăn đi thăm nuôi. Nơi ba con đang lao động khổ sai tuy chỉ cách xa thị xã khoảng 12 cây số nhưng phải đi ghe máy qua một eo biển nhỏ. Buổi sáng lúc đi trời còn tốt, biển lặng sóng êm, cũng đỡ mệt nhọc. Đến khi ghe cặp bến, mẹ còn phải xăn quần thật cao khỏi bắp đùi, bước xuống nước lội bì bõm một khoảng xa để vào bờ. Khi đến trại rồi còn phải chờ đợi hơn tiếng đồng hồ mới gặp được ba con. Chuyện trò được nửa tiếng đồng hồ, chưa kịp nói hết bao nhiêu chuyện nhà, thăm hỏi nhau cho bõ những ngày xa cách, là đã hết giờ thăm nuôi. Ánh mặt trời chỉ còn le lói nơi chân trời, mẹ phải hấp tấp xuống chuyến ghe cuối cùng để về thị xã. Càng về chiều, sóng biển càng dâng cao. Từng đợt sóng dồn dập phủ lên chiếc ghe nhỏ trồi lên trụt xuống theo làn sóng, bao nhiêu người ngồi trên ghe đều bị ướt sũng từ đầu đến chân. Người nào người nấy hai tay phải bíu chặt thành ghe, nếu không sẽ dễ dàng bị rơi xuống nước. Có lẽ mẹ là người bị sóng nhồi làm cho tơi tả nhất. Vốn yếu đuối, thường hay bị say sóng lại mang con trong bụng, xoay trở khó khăn trong khoang chiếc ghe nhỏ chật hẹp, mẹ chỉ biết úp mặt xuống sàn ghe tránh những đợt sóng càng ngày càng cao ập đến, và không ngớt cầu nguyện cho chuyến đi về được bình an... Sau nầy khi hồi tưởng đến những giây phút ấy mẹ không khỏi hãi hùng, nếu như không may bị sóng cuốn đi, chưa chắc có người kịp cứu, thì thật oan uổng một người hai mạng, và bầy con còn nhỏ của mẹ sẽ ra sao, thật mẹ không dám nghĩ đến điều đó!

Trong những tháng ngày nầy, mẹ vì quá cực nhọc, ăn uống kham khổ, lo nghĩ quá nhiều việc nên ngã bệnh nằm li bì trên giường mấy ngày liền. Nhưng mẹ luôn tự nhủ phải kiên cường, phải phấn đấu để sống còn, và mẹ cũng thầm bảo con cũng nên kiên cường, nhẫn nại nằm yên trong bụng mẹ. Trời sanh voi, sanh cỏ, mẹ cũng gắng gượng dậy lo cho các anh chị con tạm sống qua ngày. Đến lượt anh Ba con, một hôm không biết bị muỗi hay ong chích, bỗng nổi lên mụn nhọt nơi cánh tay. Lại thêm bởi ăn uống thiếu thốn, trong người bị nhiệt trong mùa hè nắng cháy miền Trung, mụn nhọt càng ngày càng to, nhức nhối ngày đêm. Mẹ chỉ biết rang các thứ đậu rồi nấu cho anh con uống giải nhiệt, và luôn đắp thuốc dán hiệu "Con rắn" lên chỗ mụn nhọt. Cho đến ngày chín muồi, mụn to gần bằng cái trứng gà, vỡ miệng ra, máu mủ tuôn ướt đẫm cả tay áo. Nhờ một cậu trẻ (tuy bị câm nhưng rất tốt bụng) là con bà chủ nhà, ra tay nặn cho đến khi ra hết cục cồi lẫn trong máu mủ chứa gần một thau nhỏ. Cậu ấy lục tìm trong nhà còn ít thuốc đỏ thoa lên miệng vết thương và lấy một mảnh vải sạch băng bó lại. Cách chữa trị nầy thật thô sơ, thiếu sót những biện pháp vệ sinh cần thiết, có lẽ nhờ Trời Phật thương phù hộ khiến mụn nhọt không bị nhiễm độc và độ tuần lễ sau là lành miệng hẳn.

Đến khoảng đầu tháng tám năm ấy, mẹ lại lo thu xếp tất cả đồ đạc, và dắt díu ba anh chị em con lên chuyến xe đò chật như nêm từ QN về nhà Ngoại con ở Sài-Gòn để đợi ngày sinh con.

Đó là những ngày tháng khốn khổ tận cùng, mẹ như từ cõi thiên đường bỗng dưng rơi xuống vực sâu thăm thẳm. Những ngày tháng kinh hoàng không những đối với gia đình mình mà hầu như mọi người dân miền Nam đều cùng chung số phận. Và đó cũng chỉ là những ngày mở đầu cho cuộc sống khổ ải trong địa ngục trần gian trong một khoảng thời gian sau nầy nữa...

Con ra chào đời vào lúc ba con và các cậu các chú con đi "học tập" đã được hơn ba tháng. Mẹ nằm trong căn phòng rẻ tiền nhất của một nhà bảo sanh nhỏ ở Sài Gòn. Đêm đêm ôm con vô cùng bé nhỏ mẹ đã giọt vắn giọt dài nghĩ đến tương lai mù mịt, nhớ đến ba con đi "cải tạo" chốn rừng thiêng nước độc, và thương con ra đời trong một thời điểm đen tối nhất của người dân miền Nam. Đứa con út của mẹ đã vô phước ra đời trong cảnh nước mất nhà tan, con như con chim non yếu ớt trước cơn giông bão của cuộc đổi đời.

Khi người ta đến hỏi mẹ đặt tên con là gì để ghi vào giấy khai sanh thì mẹ đã không ngần ngại nói lên tiếng nói tận đáy tim:

- Tôi đặt tên con tôi là "Quyên - Nguyễn Thị Quyên".

(Từ "Quyên" ngoài nghĩa "đẹp tốt" (như thiền quyên), còn có nghĩa là chim Quốc, cũng gọi là "Tử qui".) (1)

Mẹ muốn con mang tên nầy với cả hai ý nghĩa trên.

*
*   *

*Tháng 08 năm 2001 (Năm nầy con vừa Tốt nghiệp Cử nhân ngành Kinh tế Kinh doanh tại Đại học tỉnh Essen- Đức quốc)

Con chim bé nhỏ của mẹ nay đã lớn lên, khỏe mạnh và tràn trề sức sống đang đứng trong tổ ấm ngước mặt nhìn khoảng trời khoáng đạt trước mắt, sắp sửa dang đôi cánh vững chải tung bay nhập cùng đàn chim Việt rải rác đó đây trong vùng trời Âu cũng như Mỹ, Úc...

Dù được sống trong một môi trường đầy đủ vật chất của văn minh Tây-phương, mẹ mong con đừng bao giờ quên tổ quốc mình là dải đất hình chữ S trải dài bên dãy Trường-Sơn hùng vĩ và nhìn ra biển Đông bao la, được bồi đắp bởi phù sa của sông Hồng và sông Cửu. Một giang sơn gấm vóc với nhiều hầm mỏ, tài nguyên, và một vựa lúa khổng lồ ở miền Nam mà dân chúng lầm than đói khổ và không được một chút tự do của con người.

Để cứu vãn một đất nước nghèo khổ chậm tiến và có cơ nguy bị chia năm xẻ bảy, hiện nay đã có một lớp người thuộc thế hệ chú bác con ở trong nước cũng như ở ngoài nước đang hy sinh cuộc đời mình để tranh đấu từng giờ từng phút quyết tâm đem lại tự do, dân chủ và no ấm thật sự cho dân mình.

Rồi mai nầy đến lượt thế hệ trẻ trung các con sẽ trở về, với vốn kiến thức thu thập được nơi các nước văn minh tiên tiến, các con sẽ cùng nhau hàn gắn những vết thương trong lòng đất nước và trong lòng người đã bị băng hoại trong mấy thập niên vừa qua, xây dựng lại quê hương cho ngày càng thêm giàu mạnh.

Và rồi đây sẽ không còn nữa những người dân Việt lưu lạc khắp nơi trên thế giới, mòn mỏi cả cuộc đời trong cảnh:

"Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh."(2)

Đức quốc, Tháng 08 năm 2001
(Bổ túc lần thứ 1)

THU TRANG

(1) Theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh

(2) Thơ Vũ Hoàng Chương.

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân