TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Xin hỏi về trị liệu giun sán .
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Xin hỏi về trị liệu giun sán .

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hỏi đáp
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Bánsamạc



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 249

Bài gửiGửi: Thu May 02, 2013 3:41 pm    Tiêu đề: Xin hỏi về trị liệu giun sán .

Để ủng hộ chương trình Duy Tân hỏi & đáp xin qúy vị có ai thể trả lời dùm câu hỏi này ?

Hỏi :
Ở Việt Nam các thầy thuốc cho con tôi uống thuốc xổ lãi, cứ theo định kỳ, dường như là khoảng 6 tháng một lần, người lớn cũng uống.
Ở Mỹ không thấy các thầy thuốc nhắc tới việc cho cho trẻ em hay người lớn uống thuốc xổ lãi gì hết ra tiệm thuốc cũng không tìm mua được thuốc xổ lãi.

Xin cho biết về bệnh giun lãi này, nguyên nhân, cách phòng ngừa và chữa trị.
Và những đứa trẻ mới qua Mỹ có cần tiếp tục uống thuốc lãi như ở Việt Nam hay không?"
Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Thu May 02, 2013 4:11 pm    Tiêu đề: Giun sán (Lãi)



Giun sán (Lãi)

(Người Đăng BSCK1 Phạm Xuân Hậu)


Trẻ em dễ bị chứng giun sán vì các cháu hay sờ mó vào mọi vật rồi lại đưa tay vào miệng. Hơn nữa, các cháu thường sống tập trung với nhau trong trường, lớp, mà chứng này lại rất dễ lây.

Làm sao biết được các cháu có giun, sán ?

Nếu có các cháu hay đau bụng, khi thì táo bón, lúc khác lại tiêu chảy, sức khỏe suy giảm, kém ăn, kém ngù, hay quấy: Xét nghiệm máu, thấy lượng bạch cầu toan tính (eosinophile) tăng. Xét nghiệm phân, có thể thấy giun sán.

Giun Kim - Các cháu nhỏ thường bị giun kim, dễ lây sang nhau hoặc tự làm cho mình bị nhiễm lại trứng giun của chính mình. Các cháu có giun kim hay bị ngứa ở hậu môn. Các bé gái thì bị ngứa cả ở âm hộ. Các con giun nhỏ, giống như những sợi chỉ trắng, dài vài milimét thường ra theo phân. Có thể nhìn thấy chúng cọ quậy trong phân. Muốn thu được trứng của chúng để xét nghiệm, người ta dán một đoạn băng dính (BĂNG KEO) vào gần hậu môn của bé.

Giun đũa - Trẻ em có giun đũa vì ăn các thức ăn không sạch. Trong cơ thể, giun đũa di chuyển theo một đường đi phức tạp: trứng giun nở ra ấu trùng ở dạ dày rồi ấu trùng di chuyển lên ở gan, vào phổi, cuối cùng trở về ống tiêu hóa và lớn lên ở ruột. Quá trình này tiến hành trong vòng 2 tháng gây ra những triệu chứng như ngứa phát ban và rối loạn ở hệ hô hấp.

Người ta xét nghiệm phân để tìm trứng giun. Nhiều khi tự nhiên giun bị tống ra ngoài qua đường hậu môn hoặc khi cháu bé nôn.

Sán - Cháu bé có sán do ăn thịt bò chưa nấu chín. Các cháu có sán thường đi ra những đoạn sán nhỏ mầu trắng. Những đoạn này chứa rất nhiều trứng ở bên trong. Người lớn có thể thấy những khúc sán như thế ở quần, ở trên giường cháu nằm. Ngoài sự việc này, không có hiện tượng nào khác.

Cách chữa trị - Hiện nay, có nhiều loại thuốc hiệu nghiệm đề trị bệnh giun sán. Mỗi loại có một thứ thuốc riêng. Ðể trị giun đũa hoặc sán chỉ cần uống thuốc một lần. đối với giun kim cần phải uống 2 liều, cách nhau 3 tuần lễ và giữ vệ sinh quần áo, tay, móng tay, giường... để khỏi phải bị lại. Tất cả mọi người tỏng gia đình, kể cả người lớn đều phải chữa trị cùng một lúc với cháu bé thì mới trị hết được.

                                                                                                   

Tài liệu bổ túc cho "SÁN MÓC & SÁN XƠ MÍT"

http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/287-35-633350372038360000/Nhung-benh-tat-thong-thuong-o-tuoi-hoc-tro/San-lai.htm




Được sửa bởi MAI THO ngày Thu May 02, 2013 5:25 pm; sửa lần 2.
Về Đầu Trang
tintuc



Ngày tham gia: 26 Nov 2012
Số bài: 106

Bài gửiGửi: Thu May 02, 2013 4:33 pm    Tiêu đề: Đáp

Mời vào link dưới đây để đọc lời giải đáp của Bác sĩ Hồ Văn Hiền hoặc muốn nghe thêm xin bấm vào;
Cám ơn Bánsamạc đã mở hàng và anh Mai-Thọ đã nhanh nhẹn trả lời
Chúc anh chị có 1 ngày thật VUI
http://www.voatiengviet.com/content/hoi-dap-y-hoc-tri-giun-san/164531.html
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4762
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Thu May 02, 2013 11:05 pm    Tiêu đề: Trả lời câu hỏi về Giun, sán ở Việt Nam và ở Mỹ



Trả lời câu hỏi về Giun, sán ở Việt Nam và ở Mỹ

DH copy lại bài của tintuc cho gia đình Duy Tân xem rõ hơn, tiếc là không tìm được cái hình lớn hơn, khi nào tim duoc DH sẽ đổi. Cám ơn tintuc và anh Mai Tho

Giun, sán ở Việt Nam và ở Mỹ

(Intestinal Parasites in Vietnam and USA)

Con sán (giun) tiếng Mỹ có thể gọi là "worm", tuy nhiên, chữ worm có nghĩa chung là con sâu, không phải riêng con sán sống ký sinh trong cơ thể chúng ta. Từ khoa học là helminth, do gốc tiếng Hy lạp cũng có nghĩa là "con sâu", để chỉ những con sán lãi (Ascaris lumbricoides), sán móc (Hookworm, Ancylostoma duodenale, Necator americanus) và sán tóc (Trichuris trichiura; [trich]= tóc; “whipworm” =có nghĩa là con sán hình như cái roi; whip là cái roi). Ba con ký sinh trùng kể trên thuộc về nhóm sán truyền qua đất (soil-transmitted helminths). Có chừng một tỷ người trên thế giới mắc bệnh sán đũa, hai con kia ký sinh chừng 600-700 triệu người (US CDC).

Sán đũa và sán tóc ở trong ruột người, đẻ ra trứng, trứng đi ra ngoài cùng với phân người. Nếu đi cầu ngoài đất, không dùng phòng vệ sinh đúng cách, hay dùng phân người bón cây, các trứng này nảy nở trong đất, bám vào thức ăn (như rau cải), vào tay người chế biến thức ăn hay tay của người bệnh đi vào miệng và đường tiêu hoá của người và gây bệnh.

Đối với sán móc, trứng theo phân ra ngoài, trứng không gây bệnh, mà phải nở ra thành con ấu trùng (rhabditiform larvae), ấu trùng phát triển qua một giai đoạn khác (filariform larvae), sống trên những ngọn cỏ, có được khả năng chui xuyên qua da người, đi vào máu người để lên phổi, từ phổi theo đàm (lúc ho) đi vào bao tử (dạ dày), vào ruột bệnh nhân và phát triển thành con sán móc trưởng thành.

Sán kim (pinworm, Enterobius vermicularis) là một ký sinh trùng chỉ sống ở người ta. Sán kim trưởng thành đến vùng ruột gần hậu môn sinh trứng, trứng ra ngoài, ở ngay tại hậu môn người bệnh, thường là trẻ con. Ấu trùng trong trứng sán phát triển trong vòng 4-6 giờ, những người hay gãi hậu môn (vì ngứa), hay thay tã (diaper) cho trẻ em, hay ngồi lên cùng bàn cầu tiêu có nhiễm trứng lãi kim có thể vô tình đem các trứng này vào miệng mình. Trứng vào ruột non, nở ra (hatch) và phát triển thành lãi trưởng thành trong đầu ruột già (cecum). 1-2 tháng sau khi nuốt trứng sán, thì con sán mẹ bắt đầu sinh được trứng, tuy nhiên, sinh xong thì sán mẹ chết. Cho nên nếu giữ vệ sinh đừng cho lây lại (không sờ hậu môn, rửa tay..) thì hy vọng có thể hết bệnh trong một thời gian.

Ở Mỹ cũng như châu Âu, Nhật (nước phát triển), đa số có nước máy (running water) sạch, phân người đều được xử lý tốt (không lọt ra ngoài nơi trồng trọt, chế biến thực phẩm), đa số trẻ con được dạy dỗ rửa tay sau khi tiêu tiểu và trước khi ăn, cho nên bệnh các ký sinh trùng truyền theo đất rất ít khi gặp. Dù gặp thì chỉ một số ít di dân từ xứ khác đến, hoặc những nơi rất nghèo nàn. Riêng sán kim (pinworm) là một bệnh khá phổ biến ở các nhà trẻ, vì trứng sán kim có thể theo phân các em bé qua tã và nắp cầu tiêu, các đồ chơi các bé dùng chung, các chiếu nằm chung, truyền từ trẻ này sang trẻ khác.

Các nơi tập trung nhiều người (nhà tù, viện mồ côi, nhà già... /institutionalized people) có thể đến 50% người mắc sán kim.

Theo kinh nghiệm bản thân hành nghề ở Mỹ mấy chục năm nay tại Fairfax County, Virginia là một vùng giàu có ở Mỹ, rất ít khi tìm thấy những trường hợp bị các ký sinh trùng này ở trẻ em Việt, mặc dù theo thói quen, phụ huynh vẫn hay nhắc nhở bác sĩ cho đi thử phân vì còn sợ các loại sán.

Hai mươi mấy năm trước, một vài trẻ em từ VN mới qua còn mang sán lãi (đũa) trong ruột. Một em mười mấy tuổi còn bị sán lãi bò lên miệng lúc ngồi trong lớp, em sợ quá, cắn con lãi và nuốt xuống để các bạn không biết. Những trường hợp như vậy không cò thấy xảy ra trên mười năm gần đây. Tôi có cho thử phân tìm ký sinh trùng cho những trẻ em mới nhập cư, nhưng hầu như chưa bao giờ tìm được ký sinh trùng đáng kể. Có lẽ nhờ các bs Việt nam cho uống thuốc xỗ lãi đều đặn, cũng như nền y tế và đời sống VN tiến xa hơn trước nhiều, ít lắm là cũng đối với những người thuộc diện di dân qua Mỹ.

Mebendazole (Vermox) là một thuốc trừ lãi rất hiệu nghiệm ở Mỹ, cần toa bác sĩ mới mua được.

Trẻ em 2 tuổi trở lên và người lớn:

● Sán kim (pinworm): chỉ cần nhai/ uống một liều (1 viên 100mg).

● Sán (giun) đũa (Ascaris), sán móc và sán tóc (whipworm) uống 1 viên x 2 lần trong ngày (2 viên trong 24 giờ), 3 ngày liên tiếp

● Các sán, giun khác, có thể uống lâu hơn, tuỳ bệnh.

● Sán kim có thể uống một liều nữa sau 2 tuần nếu chưa hết. Sán móc, sán tóc, lập lại sau 3-4 tuần nếu chưa hết.

Biến chứng có thể xảy ra gồm: dị ứng, ngứa, đau bụng (nhất là nếu có sán nhiều trong bụng, nhức đầu, ói; cần theo chỉ dẫn của bác sĩ mình. Tôi đoán là các bác sĩ ở VN dùng thuốc này để xổ lãi theo định kỳ. Hồi còn làm bác sĩ ở trại tỵ nạn 30 năm trước đây (Malaysia), tôi cũng từng đề xướng dùng thuốc cho mọi người đến trại.

Chúc quý vị may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

26. 04. 2013



_________________

Về Đầu Trang
MAI THO



Ngày tham gia: 20 Apr 2011
Số bài: 7284

Bài gửiGửi: Fri May 03, 2013 12:23 am    Tiêu đề: Nguyên tắc và phương pháp điều trị giun sán

Nguyên tắc và phương pháp điều trị giun sán
(Sưu tầm)

Hiện nay bệnh do giun sán ký sinh xảy ra khá phổ biến tại nước ta nhưng nhà nước và ngành y tế chưa xem xét đầu tư một cách thích hợp để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống. Ngoài bệnh giun sán thường gặp, còn có một số bệnh ký sinh trùng mới nổi gây lo lắng cho người dân. Chính vì vậy Tổ chức Y tế Thế giới đã gọi bệnh ký sinh trùng nói chung và bệnh do giun sán nói riêng là bệnh bị lãng quên. Trên thực tế, để điều trị bệnh giun sán có hiệu quả cần tuân thủ các nguyên tắc và phương pháp quy định.

Nguyên tắc điều trị bệnh giun sán

Muốn điều trị bệnh giun sán có hiệu quả, cần bảo đảm các nguyên tắc cơ bản như chọn lựa thuốc, tập trung thuốc có nồng độ cao; dùng thuốc tẩy sau thuốc điều trị, xử lý giun sán được tẩy ra và thực hiện các biện pháp vệ sinh sau khi tẩy giun sán; đồng thời phải điều trị tẩy giun sán định kỳ theo yêu cầu.

Việc chọn lựa thuốc phải bảo đảm loại thuốc được sử dụng có tác dụng hiệu quả đối với nhiều loại giun sán vì ở nước ta tình hình nhiễm nhiều loại giun sán phối hợp chiếm tỷ lệ cao. Một người thường có thể bị nhiễm từ 2 đến 3 loại giun sán.



Lãi (Giun) đũa



Giun đũa (ảnh internet)

Khi điều trị, cần tập trung dùng thuốc với nồng độ cao để có tác dụng mạnh đến các loại giun sán. Muốn thực hiện được vấn đề này, cần cho bệnh nhân uống thuốc vào lúc đói nhưng không đói quá vì dễ gây nên ngộ độc thuốc. Nên dùng thuốc nhuận trường hoặc thuốc tẩyđể tẩy sạch chất nhầy bao phủ trên cơ thể các loại giun sán, giúp cho thuốc ngấm được nhiều vào giun sán nhằm nâng cao hiệu quả điều trị. Phải chọn loại thuốc có độc tính thấp nhưng có hiệu quả cao.

Sau khi uống thuốc điều trị giun sán, nên dùng thuốc tẩy để tống nhanh các loại giun sán ra khỏi cơ thể, tránh sự nhiễm độc do độc tố của giun sán bị chết hoặc bị vữa nát, đồng thời phòng ngừa được khả năng giun sán có thể phục hồi sống trở lại. Khi chọn lựa thuốc điều trị, nên chọn những loại thuốc được bào chế đã có thêm cả thuốc nhuận trường phối hợp.

Sau khi tẩy giun sán ra khỏi cơ thể, phải xử lý chúng để tránh gây ô nhiễm môi trường vì giun sán thường chứa đựng một lượng trứng rất lớn.

Cũng ngay sau khi tẩy giun, cần áp dụng các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống và vệ sinh môi trường sống để phòng chống sự tái nhiễm. Ở nước ta, môi trường ngoại cảnh thường bị ô nhiễm nặng nề với các mầm bệnh giun sán và đây là cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho sự tái nhiễm giun sán trở lại.



Sán Lá



Sán lá (ảnh internet)

Sau đợt điều trị giun sán, nên có kế hoạch điều trị định kỳ tối thiểu từ 6 tháng đến 12 tháng một lần để phòng chống tái nhiễm và tránh các biến chứng có thể xảy ra. Việc điều trị giun sán định kỳ được xem là một giải pháp bổ sung cho chương trình phòng chống suy dinh dưỡng ở những vùng có bệnh giun sán lưu hành. Ở Tanzania, các nhà khoa học đã nghiên cứu và ghi nhận tỷ lệ tăng trọng lượng cơ thể của nhóm trẻ em được điều trị giun sán định kỳ lớn hơn 9% so với nhóm trẻ em đối chứng không được điều trị giun sán.

Phương pháp điều trị bệnh giun sán

Khi điều trị bệnh giun sán, tùy theo tình hình thực tế và điều kiện khả năng cho phép của mỗi địa phương; có thể sử dụng phương pháp điều trị hàng loạt hoặc điều trị chọn lọc.

Điều trị hàng loạt

Điều trị hàng loạt có chu kỳ cho tập thể là phương pháp điều trị cho toàn bộ dân cư sống trong khu vực. Đây là một trong những biện pháp can thiệp rất có hiệu quả trong công tác phòng chống các bệnh giun sán truyền qua đất. Phương pháp điều trị hàng loạt mặc dù được công nhận là một trong những biện pháp có hiệu quả nhất trong công tác phòng chống các bệnh giun sán truyền qua đất nhưng việc đầu tư tài chính đối với phương pháp này khá tốn kém.

Mục đích của việc điều trị hàng loạt không phải để tẩy hết giun sán ra khỏi cơ thể con người mà chỉ để giảm cường độ nhiễm bệnh và giảm tần số lan truyền bệnh. Khi áp dụng phương pháp điều trị hàng loạt, cần đặc biệt chú ý tốc độ tái nhiễm. Nên nghiên cứu cách thức sử dụng thuốc, tần số, khoảng cách... để chọn lựa biện pháp tốt nhất nhằm giảm tỷ lệ nhiễm và giảm tốc độ tái nhiễm.

Thuốc được sử dụng trong điều trị hàng loạt phải là loại thuốc ít độc, an toàn, có thể sử dụng rộng rãi trong nhân dân, không gây biến chứng. Hiện nay các loại thuốc điều trị an toàn, hiệu quả cao đối với nhiều loại giun sán là albendazole, mebendazole. Các nhà khoa học và y học khuyến cáo nên dùng thuốc điều trị tẩy giun mỗi năm khoảng 3 lần, cách nhau 4 tháng. Nếu thực hiện trong 3 năm liền liên tục sẽ có tỷ lệ tái nhiễm thấp nhất.

Điều trị chọn lọc

Điều trị chọn lọc là phương pháp can thiệp chỉ sử dụng để điều trị cho một nhóm người ở trong một khu vực nhất định. Mục đích của phương pháp này nhằm xây dựng biện pháp điều trị chon lọc đối với các đối tượng bị nhiễm giun sán nặng như trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị nhiễm giun sán cao nhất, cường độ nhiễm nặng nhất, ý thức vệ sinh kém nhất... nên trẻ em là nguyên nhân gây ô nhiễm mầm bệnh giun sán thải ra ngoại cảnh nhiều nhất, mạnh nhất và cũng chính là đối tượng bị tái nhiễm nhanh nhất. Qua kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy rằng chỉ cần tập trung điều trị cho đối tượng trẻ em dưới 16 tuổi, một đối tượng chiếm khoảng 50% dân số, cũng làm giảm được tỷ lệ nhiễm, cường độ nhiễm giun sán trong cả cộng đồng. Cũng đã có quan niệm cho rằng nếu chọn lọc những người có cường độ nhiễm nặng nhất và tập trung điều trị cho đối tượng này cũng sẽ mang lại hiệu quả tương tự.






Giun bò dưới da (ảnh internet)

***Ngoài hình ảnh Sán, lãi (giun) ở trên,  còn hình nhiều loại giun khác nữa !***

Phương pháp điều trị chọn lọc cũng có thể đạt được hiệu quả tương đương với phương pháp điều trị hàng loạt nhưng đầu tư về mặt tài chính ít tốn kém hơn, tiết kiệm được thời gian, công sức, nhân lực và đặc biệt có thể tiết kiệm được khoảng 50% kinh phí. Các nhà y học thường khuyến cáo áp dụng phương pháp điều trị chọn lọc đối với một số bệnh giun truyền qua đất, chúng có đặc điểm là loại giun dễ bị mắc nhất, tỷ lệ nhiễm cao, cường độ nhiễm nặng và thậm chí có thể áp dụng đối với một số loại bệnh ký sinh trùng khác.

Một số thuốc chủ yếu điều trị giun sán

Thuốc điều trị giun sán chủ yếu nói chung có nhiều loại, trong đó cần phân biệt thuốc điều trị giun và thuốc điều trị sán.

- Thuốc điều trị giun gồm có các loại như thuốc piperazin (diethylen diamin) với tên biệt dược là piperal, piperazin citrat, piperol, antepar...; thuốc levamisol với tên biệt dược là levaris, decaris, solaskil...; thuốc mebendazole với tên biệt dược là vermox, fugacar, soltric...; thuốc albendazole với tên biệt dược là zentel, zenben, alzental...; thuốc pyrantel với tên biệt dược là combantrin, antiminth, panatel...; thuốc thiabendazole (mitezol); thuốc diethylcarbamazin với tên biệt dược là DEC, banocid, notezin...;

Trong phương pháp điều trị chọn lọc đối với các loại giun truyền qua đất như giun đũa, giun tóc và giun móc trên đối tượng trẻ em, đặc biệt là học sinh tiểu học; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên sử dụng hai loại thuốc bảo đảm an toàn, có hiệu quả, ít tác dụng phụ là mebendazole và albendazole dùng liều duy nhất.


- Thuốc điều trị sán gồm có các loại như thuốc niclosamid với tên biệt dược là yomesal, niclocide, tamox...; thuốc praziquantel với tên biệt dược là pratez, bilcitrid, cesol...
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Hỏi đáp Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân