TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - ÔNG NHÀ VĂN
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

ÔNG NHÀ VĂN

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Lưu Trần Nguyễn
Thân Hữu Duy Tân


Ngày tham gia: 11 Oct 2008
Số bài: 16

Bài gửiGửi: Sun Oct 19, 2008 11:24 pm    Tiêu đề: ÔNG NHÀ VĂN - (Lưu Trần Nguyễn)




ÔNG NHÀ VĂN

Lưu Trần Nguyễn

Thường thường thì mỗi buổi sáng ông hay ngồi độc ẩm nơi này, trên chiếc bàn nhỏ kê sát góc bếp, hướng mặt ra vườn. Sau khi bà vợ đi làm, cô con gái 18 tuổi đi học, thì thời gian và không gian này là của riêng ông. Ít bạn bè, họa hoằn lắm mới có một độc giả ái mộ đến thăm, nhưng ông chả cần, chỉ phí thì giờ vô ích.

Đặc biệt hôm nay có một sự kiện khiến ông cứ băn khoăn, bình trà đã lạnh tanh mà ông vẫn chưa có cách nào giải quyết, bỏ thì thương, vương thì tội. Trước khi ra khỏi nhà bà vợ đã nghiêm khắc dặn ông:

- Hôm nay ở nhà ông làm ơn dọn dùm cái gara nhé. Tôi không muốn thấy mấy cái thùng của nợ chất ngổn ngang nữa. Bày đặt, có người gọi đến xin thì như người ta biếu mẹ nó cho hết đi, nhưng miệng lại cứ ráo hoảnh là; không còn cuốn nào.

Ông cảm thấy bực tức vô cùng bởi cái quyết định oái oăm của bà vợ. Đúng là trí óc người đàn bà không cao hơn ngọn cỏ. Kẹt một cái là hôm nay là ngày cuối cùng được đổ rác ra đường, mà sức ông không thể nào rê nổi 10 pound thì làm cách nào ông thanh toán được tám thùng sách của ông.

Đang rối rắm với cái nan đề này thì bỗng điện thoại reo vang. Thường mọi nghe tiếng chuông reo vào giờ này ông vui lắm, uống trà một mình mà đàm thoại với độc giả ái mộ thì còn có gì sung sướng hơn. Nhưng hôm nay thì ông chẳng muốn tí nào. Bài toán chưa giải xong còn vui nỗi gì. Xong ông vẫn nhấc ống điện thoại, nhưng vẫn không quên cái thói quen mà ông đã cố tạo cho mình từ ngày qua Mỹ, tằng hắng lên giọng thật chững chạc, nửa lịch sự, nửa bất cần, lại có pha chút kẻ cả của bậc đàn anh.

- A lô! Nhà văn Trần Nghiệp Dĩ tôi nghe, xin lỗi cho biết quý danh.

Bên đầu giây một giọng nữ vang lên thánh thót.

- Dạ, thưa em là Lê thị Liễu Mộng, người rất ái mộ văn của ông. Nhất là cuốn sách Con Cá Bống của ông em có nghe báo chí ca tụng từ hồi còn trong nước mà chưa có dịp đọc. Hôm nay em gọi đến, trước là để xin ông một cuốn, hoặc mượn về đọc, sau là để nghiên cứu làm tài liệu cho một bài viết có liên quan đến nền văn học hải ngoại của em, được không ạ?

Ông cố tình ngần ngừ một tích tắc

- Ờ…ờ! …Xin lỗi cô nhé. Trước hết tôi cũng có lời cám ơn cô đã có lời khen. Rất tiếc cuốn sách mà cô hỏi, ngay bản thân tôi cũng muốn tìm để sửa chữa lại chút đỉnh rồi cho tái bản, nhưng cũng đành chịu thua. Tôi có viết thư hỏi các nhà sách, và nhà xuất bản, họ đều trả lời, sách đã bán sạch sành sanh từ lâu. Mong cô thông cảm. Tôi sẽ cố gắng liên lạc với một số độc giả để mượn lại, rồi sẽ liên lạc với cô sau.

- Ui chao tiếc quá. Vậy em cũng đành phải chờ thôi. Thú thật với ông, em cũng rất khó tính khi đọc một tác phẩm. Riêng ông, thì tác phẩm nào em cũng mượn hoặc vào net để đọc, em rất thích cái lối viết đầy kịch tính của ông. Ơû đây nhà văn nhà thơ nhiều lắm, nhưng em chả thèm đọc của ai hết. Em chỉ đọc những tác giả high level như ông thôi. Vậy trước lạ sau quen, nếu có dịp xin được hân hạnh mời ông ghé tệ xá để vợ chồng em có dịp được diện kiến, chồng em cũng là một trong những kẻ rất ái mộ tên tuổi của ông. Sau đây là số cell phone của em…00012

Ông gác điện thoại và tự thưởng cho mình một nụ cười ngạo nghễ, ít nhất cũng vậy chứ, sách in ra là phải bán chạy như tôm tươi, thế mới hách. Bộ cái tên tuổi lẫy lừng như ông mà lúc nào sách cũng có đầy ở gara, ai hỏi là chạy đi lấy ký liền à, đừng có tưởng bở, chỉ có mấy thằng nhà văn nhà thơ cóc cắn sau này mới dại dột như thế. Còn ông ấy à, tết Marốc.

Dẫu sao thì mỗi lần được một cú điện thoại như thế, đối với ông kể ra còn hiệu nghiệm hơn những viên thuốc bổ thận mà mỗi ngày ông mỗi uống, mạch máu ông dường như chạy mau hơn, những van tim của ông cũng dường như bơm mạnh hơn, khiến ông mím môi, mà môi vẫn cứ như đang tủm tỉm . Nếu không vì lời dặn quái ác của bà vợ, thì cuộc sống của ông cứ đều đặn như vậy. Và niềm hạnh phúc cũng cứ thỉnh thoảng nhỏ giọt như thế, ông có xá gì đâu mà không thể kéo lê được cuộc sống héo hon mà đầy hoài vọng này dài thêm chút nữa.

Ông mở toang cửa gara rồi bước ra đường, nhìn dáo dác ra ngoài lẩm bẩm, mẹ tiên sư nó, sức ông thế này mà nó nỡ hành ông. Bộ nó tưởng 8 thùng sách là 8 thùng bông gòn hay sao ấy. Bao nhiêu năm nay đâu còn đó, sao hôm nay lại nổi hứng đòi dọn gara để sửa thành cái phòng cho mướn. Rõ là lối suy nghĩ thấp kém của đàn bà

Lẩm bẩm vậy thôi, chứ ông vẫn phải tìm cho ra kế sách. Sợ vợ thì tuyệt đối ông không nằm trong danh sách này. Nhưng những gì có lý thì ông luôn luôn nghe theo, mà chưa bao giờ những phán quyết của bà mà ông lại có can đảm cho là vô lý.

Đang phân vân, ông chợt nghe tiếng cót két của chiếc gara nhà kế bên mở, chiếc xe truck bên trong từ từ lui ra. Ông chợt à một tiếng mừng rỡ, rồi chạy vội đến chiếc xe vẫy rối rít, ông hàng xóm Mỹ đen này mới từ đâu dọn đến được một tuần lễ, còn rất trẻ, khoảng 30 ngoài, miệng lắp bắp:

- Hi ! you, I…I need your help.

Sau một hồi đánh vật với ngôn ngữ, ông Mỹ đen có lẽ cũng hiểu ý ông, Và cuối cùng tám thùng sách cũng được an vị nơi quy định. Ông thở phào nhẹ nhõm và văng ra những lời cám ơn rất nồng thắm.

- I thank you very much, you drink tea with me? Ý ông muốn nói, xin cám ơn ông, mời ông vào dùng trà. Vừa nói xong, bỗng nhiên ông há hốc miệng, trố mắt toát mồ hôi lạnh, khi nghe ông hàng xóm ngoại quốc vui vẻ trả lời.

- Dạ cám ơn bác, cháu không biết uống trà.

Trong tích tắc ông tưởng như mình nghe lầm, ấp úng hỏi lại

- You, you nói tiếng Việt Nam được à.?[/size][/color]

[color=blue][size=18]Ông bạn trẻ ngoại quốc hàng xóm cười:

- Mẹ cháu là người Vĩnh Long, Cháu đi theo diện con lai, qua đây cũng hơn 10 năm rồi. Cháu ở Việt Nam học tới lớp 10 chứ bộ. Chữ Việt, tiếng Việt cháu giỏi hơn tiếng Mỹ.

Ông chưa kịp hỏi han thêm, thì ông láng giềng nói tiếp:

- Hồi còn ở Việt Nam cháu cũng thích đọc sách lắm. Cháu thấy bác bỏ mấy thùng sách còn mới quá. Cháu muốn xin vài cuốn Con Cá Bống đọc được không ạ?

Ông cảm thấy như có ai cầm ly nước đá dội vào lưng ông giữa mùa đông vậy. Chết bỏ bố ông rồi, tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Tiên sư thằng này, nó mà đi rao giảng rằng cuốn sách Con Cá Bống sáng giá nhất của ông, đang khan hiếm trên thị trường sách vở Hải Ngoại, lại được chính tay nó khiêng vào đống rác tới 8 thùng còn mới nguyên, thì còn gì là đời văn nghiệp của ông nữa. Cái nan đề này, xét ra còn khó giải gấp tỷ lần cái nan đề khiêng thùng sách ra ngoài. Mồ hôi ông nhỏ giọt qua hàng lông mi thưa thớt, rớt vào giữa tròng mắt cay như dằm ớt hiểm.

Nhưng chỉ vài giây động não thôi, chẳng có gì làm khó được ông, ngay cả trong trường văn trận bút nữa là, huống hồ đối phó với ông láng giềng da mầu học lớp tám này.

Lần này ông sửa lại tư thế đứng và cách phát âm của giọng nói. Ông tằng hắng để tăng âm thanh của cuống họng cao hơn lúc nói tiếng Mỹ một bát âm. Giọng chững chạc và kẻ cả như lúc ông trả lời điện thoại với cô Liễu Mộng lúc xin sách.

- Ồ vậy hả, thế cháu biết đọc sách tiếng Việt à. Để thư thả bác lục cho cháu mấy tác phẩm nổi tiếng của bác. Còn tám thùng sách này, cái thằng nhà in nó in lộn, cái bìa là của bác, còn bên trong ruột lại là tiếng Mễ. Bác định đưa nó ra tòa, nhưng nó chịu bồi thường cho bác nên bác cũng bỏ qua. Thôi vào nhà uống trà.

Ông bạn láng giềng cười:

- Dạ thôi cám ơn, cháu cũng đến giờ phải đi làm, gặp bác sau.

Ông thở phào nhẹ nhõm như trút gánh nặng nghìn cân, nhìn theo chiếc xe truck mất hút, nở một nụ cười hơi có chút xỏ lá, cộng thêm sự khinh miệt. Mẹ! Cũng bày đặt đọc sách với đọc siếc. Không biết có hiểu cái chó gì không mà cũng học đòi văn chương chữ nghĩa.

Sau khi ông bạn láng giềng đi khỏi, ông bèn lấy mấy tấm nệm cũ tấn lên trên những thùng sách, rồi dùng giây cột thật chắc. Ông phải đề phòng mấy lão Việt Nam hay táy máy đi ngang tìm đồ cũ, vô phúc có lão nào mà vớ phải thùng sách này thì có tài thánh ông cũng không cứu vãn nổi.

Để chắc ăn, ông bắc chiếc ghế ngồi ngoài cửa, mang theo bình trà để canh chừng. Chẳng biết bao giờ mấy thằng hốt rác chết tiệt mới mang cái đống của nợ đi đổ. Ông băn khoăn đứng lên ngồi xuống, mà thời gian chờ đợi sao nó lại dài lê thê đến thế.
Chờ lâu quá, ông vươn vai đi vào nhà, lục lọi cái tủ kiếng chưng sách kiếm một vài cuốn đọc cho qua thì giờ. Oâng cầm một cuốn truyện, lật vài trang, rồi thở dài: Mẹ! văn với viết, thế mà cũng ra sách, làm nhục cả cái tên ông. Lẩm bẩm xong ông lại trịnh trọng cất vào tủ sau khi đọc rất kỹ lời tặng của tác giả: Em xin kính biếu nhà văn nhà thơ thần tượng của em. Đây là sáng tác đầu tay gởi đến ông để mong được chỉ dậy.

Đại loại những cuốn sách được trưng bày rất kỹ ngoài phòng khách, không phải là vì lời văn ý thơ, màbởi vì những lời đề tặng quá tế nhị. Ông đã từng bỏ một ngày trời để chỉ đọc những lời đề tặng của tác giả, xem nên giữ cuốn nào, và nên cho cuốn nào vào thùng rác. Cuối cùng ông đành phải cất trong tủ hàng trăm cuốn đủ loại, là chính bởi những lời đề tặng đã làm mát lòng ông.

Cuối cùng ông cũng lựa một tập truyện ngắn để giết thì giờ trong khi chờ đợi, nhìn kỹ lại, thì cũng lại là tác phẩm của chính mình. Ông vừa cầm vừa đọc một cách say sưa, dù ông đã đọc cuốn sách này hàng tỷ lần. Không thể chê vào đâu được. Tiên sư cái con Lê Thị Liễu Mộng này quả là có cặp mắt tinh đời. Sách của ông không đọc thì còn đọc sách của đứa chó nào.

Ông chờ cho đến 4 giờ chiều xe rác mới hốt sạch đống của nợ đi. Ông nhìn theo thở phào nhẹ nhõm, nhưng lòng luống ngậm ngùi an ủi: kể ra bà ấy cũng có lý. Ông mang bình trà, đóng cửa gara thẫn thờ bước vào nhà, bắc nồi cơm, lấy bó rau muống ra nhặt, rửa sạch sẽ.

Đúng 5 giờ chiều thì bà và đứa con gái trở về. Sau khi kiểm tra lại cái gara, bà bước vào nhà với nụ cười vui, khác với mọi khi. Nhìn cái dáng gầy guộc của ông đang lui cui trong bếp, bà chợt thấy chạnh lòng, hỏi một câu nghe ra có hơi gượng ép và vô nghĩa:

- Ủa, ông đã dọn sạch gara rồi đấy à. Thôi vào tắm rửa để mẹ con tôi làm cơm. Giọng nói mà bà đã cất dấu đi hàng mấy chục năm, nghe ra âm hưởng vẫn còn như thuở nào. ôâng cảm thấy thế cũng đủ trả cái công mệt mỏi khi ông phải đấu trí với ông bạn Mỹ đen khi trưa rồi.

Một lát sau cơm nước đã được dọn sẵn, và ông lại lấy lại cái tư thế chững chạc của những năm tháng còn ở quê nhà, cái thuở mà nền văn minh của nước Mỹ chưa hề hiện diện trong tư tưởng của bất cứ người đàn bà Việt Nam nào, ông được mời ra sơi cơm một cách trịnh trọng, và ông cứ thế thong thả từ buồng tắm đi ra, thong thả ngồi xuống bàn ăn, và thong thả cầm chén cơm hất hàm nói với vợ con một cách rất ư là ông chủ, ăn đi, rồi từ từ gắp miếng ngon nhất thả vào miệng, gật gù tán thưởng.

Bà dường như cũng thông cảm được điều ấy, nên trong một thoáng bà tạm quên đi những công việc vất vả hàng ngày, trở về cái quá khứ cũng chẳng vinh quang gì của mình. Nhưng sao tất cả quá khứ xấu tốt cũng đã thành kỷ niệm, mà kỷ niệm thì hầu hết là đẹp. Ngày xưa ông đi làm, bà chỉ có nhiệm vụ nội trợ. Hôm nay thì lại đổi ngược.

Bà nhìn chồng cám cảnh nỗi hiu quạnh và bất lực của ông, rồi nhẹ nhàng nói:

- Thôi thì ông chịu khó hy sinh. Cái gara sửa thành căn phòng, cho bác Tư, cũng là bà con xa của tôi, share. Mỗi tháng mình cũng có được món tiền nhỏ, đủ để đi chợ, sau là ông có thêm được ông bạn, cùng nhau nhâm nhi trà nước cho đỡ buồn.

Ông im lặng, nhin mông lung ra sau vườn gật gật cái đầu. Bỗng nhiên tiếng điện thoại reo vang. Ông nhổm dậy cầm điện thoại bước vào phòng riêng theo phản ứng tự nhiên như mọi ngày, mỗi khi có điện thoại, nghe ông trả lời với độc giả, bà thường rít lên buông những lời đay nghiến, mà ông thì rất sợ những lời của bà lọt vào tai độc giả của ông.

Nhìn ông vừa đi vừa áp cái phone vào tai, đôi vai dường như cao hơn đầu, lưng còng xuống, ông không quên với theo cái tăm. Lòng bà sắt se. Những âm thanh mà bà hầu như đã thuộc làu làu từ bao năm qua lại vang lên, vẫn chững chạc, kẻ cả, nhưng lần này có thêm chút tự hào và tự tin một cách khẳng định, khiến bà nửa thương hại nửa bực tức.

- Đã bảo với cô, sách của tôi hiện nay không còn một cuốn. Sáu tháng sau khi phát hành, các tiệm sách trên toàn nước Mỹ đã bán sạch không còn một cuốn. Tôi cũng rất cần có một cuốn để sửa lại chút đỉnh rồi cho tái bán. Nhưng ngay bản thân tôi cũng tìm không ra. Thôi cô thông cảm nhé. Cô là Lê thị Liễu Mộng tôi đã nhớ cái giọng đất thần kinh của cô rồi. Vâng cám ơn lời khen của cô.

Bà nhìn cô con gái rồi chì chiết.

- Cái thằng bố mày, cà cuống chết đến đít vẫn cay sè. Chứng nào tật nấy. Rõ rởm đời!!

Lưu Trần Nguyễn



Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân