TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - HOÀ LAN - Amsterdam
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

HOÀ LAN - Amsterdam

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Mon Aug 30, 2010 7:44 pm    Tiêu đề: HOÀ LAN - Amsterdam




Hoà Lan, đất nước thanh bình

Bút ký của Nguyên Nhung

Xe chuyển bánh đưa phái đoàn Hoa Bưởi Vượt Đại Dương xa dần vương quốc Belgium êm đềm, bỏ lại những con đường ngoại ô xanh mát bóng cây mùa hè, những cánh đồng mơn mởn lá non và rượu bia còn thơm mùi lúa mạch. Dù chỉ một lần ghé qua nhưng vẫn ghi đậm trong tâm khảm tình đồng hương cuả người Biên Hoà trên xứ lạ, mới đó rồi lại chia xa, nghe như vòng tay ôm còn mang theo tình đồng hương người xứ Bưởi.

Từ Bỉ qua Hoà Lan là một chặng đường khá dài,  mọi người ngủ gà ngủ gật cho đến khi xe qua biên giới và những cánh đồng cỏ xanh rờn màu lá mạ của Hoà Lan hiện ra trước mặt, từng đàn bò sữa lốm đốm hai màu đen trắng nổi bật giưã cánh đồng cỏ bạt ngàn nối tiếp nhau. Xe chạy dọc theo những xa lộ mà một bên là  khu kỹ nghệ hay công nghiệp, một bên là nhà cửa xen lẫn những con kinh đào thơ mộng y hệt những con rạch miền đồng quê miền Nam Việt Nam cùng khắp đất nước này. Những bức tranh đồng quê nối tiếp nhau, sự hoà hợp Đất và Nước là hình ảnh cuả Hoà Lan, một xứ sở được gây dựng bởi chính công sức và sự chinh phục trường kỳ cuả người dân nơi đây, một đất nước thấp hơn mặt biển cả thước mà tồn tại được là một điều hết sức kỳ diệu.

Thực ra thì Hoà Lan không rộng bao nhiêu, với diện tích hơn 41.000 km2, dân số khoảng gần 17 triệu người, nhưng thủ đô Amsterdam đã cho du khách nhiều thú vị khi ghé thăm. Tên chính cuả Hòa Lan là “The Netherlands”, vùng đất thấp hơn mặt biển. Khí hậu ở đây rất ngộ, Miên Thuỵ, một cô bạn văn đã có lần viết bài mô tả về những cánh đồng hoa Tulip thật đẹp, nhưng  thời tiết thất thường khi nắng khi mưa như người đàn bà dễ hờn dễ giận. Đặc biệt là gió, để người phương xa chuẩn bị áo mưa, dù che đầu và khăn quàng cổ khi bất chợt cơn mưa chiểu đổ xuống thành phố đa số phương tiện di chuyển bằng xe đạp. Thật ra chính phủ Hoà Lan đã khuyến khích người dân cuả họ đi xe đạp, lý do vì thành phố nhỏ, đường xá không rộng rãi lắm nên việc di chuyển bằng xe đạp rất tiện lợi, không làm ô nhiễm không khí.

Trở lại chuyến hành trình trên đường trường xa, rải rác là những cối xay gió bằng gỗ cuả người Hồi  dùng sức gió để xay bột, bơm nước rất tiện dụng cho nông nghiệp. Xe ngừng lại dọc đường để bà con xuống chiêm ngưỡng một chiếc cối xay gió tận mắt, trên một cánh đồng mông mênh. Hai cánh quạt gió khổng lồ, gợi nhớ đến câu chuyện đọc ngày còn nhỏ về anh chàng hiệp sĩ Đông Ki Khốt khùng điên, tưởng mình là một nhân vật anh hùng trừ gian diệt bạo, đánh nhau suốt đêm không mỏi mệt với cánh quạt cối xay vươn những cánh tay dài nghêu ngao giữa trời khuya im vắng.

Nhà cửa ở Hoà Lan cũng thật xinh xắn nhỏ bé tương xứng với địa lý cuả đất nước này, những ngôi nhà như trong truyện cổ tích nằm kề cận nhau có mái dốc xuôi xuôi, lợp ngói đỏ bên cạnh những con kinh đào làm tăng thêm vẻ tươi mát. Vùng quê Hoà Lan nói lên sự trù phú cuả đất nước họ, không có mái rơm mái rạ, không có con trâu cái cày khi nền nông nghiệp đã được công nghiệp hoá, nhởn nhơ những đàn bò sữa mập mạp cống hiến cho kỹ nghệ sữa bò và phô mai dồi dào nhất trên thế giới.

Đến thăm một xứ sở nào cũng vậy, du khách không thể chỉ tìm đến nơi phồn hoa đô hội để kết luận đó là một đất nước giàu đẹp, như người Việt tha hương nay trở lại quê nhà, chỉ quanh quẩn trong những khách sạn, nhà hàng, siêu thị, giải trí cho dân rủng rỉnh tiền bạc, rồi kết luận rằng quê hương ta giờ đây giàu đẹp lắm. Nếu chui vào những khu dân sinh chen chúc trong những con hẻm Sàigòn dây điện giăng tứ tung, giá như chịu khó nhìn ngắm những người phụ nữ buôn gánh bán bưng trên vỉa hè, người ăn xin ngồi hàng dãy trước cửa những ngôi giáo đường huy hoàng tráng lệ buổi lễ sáng ngày chủ nhật, mới biết cái no đủ hạnh phúc thật chỉ là màu sắc diêm duá, trong cái “gam” màu tối cuả bức tranh xám nghoét.

Tôi vẫn yêu miền quê ở sự thuần hậu trên nét mặt con người, ở cảnh thiên nhiên không màu mè giả tạo, vì thế khi xe lăn bánh chầm chậm đi trên con đê thật cao nằm sát bờ biển, để đi vào một làng chài Volendam  thì mọi người reo lên thích thú. Anh tài xế  người Pháp cho xe đi dần xuống khu làng chài vòng vo để tìm bãi đậu xe, lùi sát mé biển là những hõm sâu , lúc đó bà con ngồi trên xe như lên cơn sốt, tim muốn ngừng đập vì chỉ cần gie mạnh một chút là mọi người đều được tắm biển bất đắc dĩ, hay cũng bể đầu gãy xương.

Mô Phật! Một chị thở phào chắp tay vái lia lịa nhảy vội xuống xe, mọi người lục tục theo đuôi rồi tuá vào khu làng Chài Volendam, trên con dốc cao là một dãy hàng quán mọc lên quảng cáo hải sản  ra sức mời chào du khách bằng những bảng hiệu trưng đầy cá, cá chiên, cá nướng, cá hấp, ăn kèm với bánh mì nướng cũng rất ngon. Những quán nhỏ mọc  ven bờ biển, thuyền bè đậu  san sát cạnh mé nước. Người dân ở đây có nét mặt hiền hoà đôn hậu, với số lượng cá đánh bắt mỗi ngày dư sức cho họ bán buôn một cách thật hào phóng, khá rẻ để du khách có thể mua và ngồi ăn ngay trên những băng dài đặt dọc theo bờ biển.

Đứng trên mặt đê rồi nhìn ra biển, một đàn chim bay sà thấp trên mặt nước bắc thành nhịp cầu Ô Thước thật ngộ nghĩnh. Rồi so sánh sự chênh lệch cuả bờ và biển, du khách không khỏi nghĩ vẩn vơ nếu như ngày nào đó một cơn sóng lớn tràn vào, sẽ ra sao nhỉ? Mái nhà chỉ cao ngang tầm tầm với con đê, sau phiá ngoài quán hàng buôn bán có những con dốc nhỏ, đi xuống phiá sau là một xứ đạo Hoà Lan, nhà cửa cũng liền nhau trong những ngõ hẻm lớn nhỏ, nhà nào sân trước cũng trồng nhiều khóm hoa nhỏ đủ màu rất đẹp mắt, phiá ngoài cửa sổ cũng trồng hoa, đi khắp các nước Âu Châu vào cuối xuân sang hè, du khách đều nhìn thấy vẻ vui tuơi cuả hoa cỏ tràn lan khắp nơi.

Tôi và cô bạn mới quen bên Pháp rủ nhau ghi lại vài tấm hình trước nhà một người trong xóm đạo có cây hồng leo tít lên mái nhà thật đẹp. Gần ngay đó là một chiếc cầu bắc qua con  rạch sâu, đàn vịt bơi lội thoả thuê và trên sân lộ thiên cuả một ngôi nhà xinh xinh, chú chó con ngồi chồm chỗm nhìn khách suả rân lên, sau tấm màn mỏng rua thật đẹp qua cưả sổ thấy thấp thoáng bóng người nhìn ra mỉm cười thân thiện. Vài thân liễu mềm rủ bóng xuống mặt nước, bước qua sân ngôi giáo đường miền quê đơn sơ nhưng rất dễ thương. Du khách từ các nơi, cũng có thể là những người hành hương mộ đạo, lúc đó  đang xúm quanh một hướng dẫn viên du lịch, để nghe cô kể về lịch sử cuả ngôi giáo đường và sự hình thành của xóm đạo.

Mọi người tản mát ra đi vòng quanh làng Volendam, một vài tiệm buôn bán đồ kỷ niệm như khăn quàng, dây chià khoá và guốc gỗ, một dãy guốc gỗ xanh đỏ đủ màu vẽ hoa, trông rất  vui mắt. So với những đôi guốc mộc hay guốc Dakao cuả Việt Nam thì thua xa, vì vẻ thô kệch cuả nó, nhưng nghe nói những đôi guốc gỗ này bắt nguồn vì sống trong miền đất  thấp hơn mặt biển, đường xá ngập bùn xình nên chỉ có  những đôi guốc gỗ mới chịu nổi thôi.

Chúng tôi như lạc vào một khung cảnh êm đềm cuả quê nhà ngày xưa, con ngõ nhỏ trồng rất nhiều hoa cảnh ven theo lối đi, cuộc sống bình dị của làng Chài cũng giống hệt một xóm nhỏ ở Việt Nam thuở nào. Khách du lịch muốn biết nhà nào giàu hay nghèo, chỉ cần nhìn qua tấm rèm cửa bằng tơ lụa để thấy cách trưng bày cuả ngôi nhà ấy, sẽ biết được cách sống cuả họ ra sao? Một gian phòng nhỏ trưng bày theo lối cổ , bao giờ cũng thấp thoáng bàn thờ, trước lò sưởi để vài  đôi guốc gỗ, cái đặc biệt cuả một gia đình Hòa Lan nền nếp quý là ở chỗ này, họ muốn duy trì lại như để bảo tồn nét văn hoá trong gia đình Hòa Lan thuần tuý.

Sau khi ăn uống no nê và dạo vòng quanh ven biển, không thể nói đây là một nơi danh lam thắng cảnh, nhưng muốn đi sâu vào đất nước con người Hòa Lan thì không nơi nào bằng nơi này. Nhìn thật gần sự phấn đấu cuả người dân xứ sở này, để biết tại sao họ hãnh diện nói rằng đất nước này là món quà cuả thượng đế ban cho họ, nhưng sức phấn đấu để biến biển thành ruộng lúa nương dâu  trù phú như bây giờ, là sự kiên trì bền bỉ cuả người dân Hoà Lan.

Bây giờ đã xế  trưa, trước khi vào thủ đô Amsterdam xe còn ghé vào một xưởng sản xuất “Fromage” cuả Hoà Lan. Đây gần  như một trang trại miền quê có tiếng chó sủa, đàn gà tuá ra vườn tìm mồi, mấy con bò sữa đứng, nằm dưới gốc cây râm mát. Du khách ai muốn xem cho biết đều được phép vào chụp ảnh, một thiếu nữ Hoà Lan rất đẹp hướng dẫn cho mọi người biết quá trình chế biến từ sữa ra phô mai có nhiều loại khác nhau, ai cũng được nếm thử trước khi mua về làm quà cho gia đình, những bánh phô mai  tròn xếp trên mặt quầy đang chờ bỏ vào túi cuả khách du lịch. Tuy nhiên, những người ăn không quen sẽ không thích thú gì lắm với những loại phô mai này vì nó hơi nặng mùi một chút.

Buổi sáng trời thật đẹp, nắng óng ả, vậy mà buổi xế chiều khi xe rời làng Chài đưa du khách về trung tâm thủ đô Amsterdam, ông trời xầm mặt  xuống báo hiệu một cơn mưa. Khí hậu Hoà Lan quả thật dễ thay đổi như cô gái dậy thì với bao nhiêu biến chuyển cho một ngày, khiến du khách đóng vai tình nhân chẳng làm sao hiểu nổi  lòng dạ cuả nàng để mà đeo đuổi. Ai nấy tiu nghỉu khi xe vào bãi đậu, trời lắc rắc mưa, nhìn thành phố về chiều có rất nhiều người xử dụng xe đạp chạy nháo nhào trên phố. Ở đây hình như ưu tiên cho người đi xe đạp chứ không phải cho người đi bộ, nên nhiều khách bộ hành phải nép vào lề đường để cho những chiếc xe đạp chạy vù vù qua mặt.

Thế là trời mưa, thế là thất hẹn với cô bạn thơ dễ mến đang nôn nao chờ đợi bạn xa đến thăm. Tiếc thật là khi cùng ngồi đợi trên con phố ấy, cùng lang thang trên các ngả đường này mà lại không đủ duyên để gặp nhau. Mưa bắt đầu nặng hột và khách chạy vội  vào vỉa hè núp mưa, rồi nhào vào cưả tiệm bách hoá , áo mưa dã chiến và dù bán đắt như tôm tươi, thôi thì trước che mưa sau mang về làm kỷ niệm, giá cả tương đối  nhẹ nhàng. Lâu lắm mới được đi dưới mưa để nghe những giọt mưa lộp độp gõ từng phím buồn trên chiếc dù nhỏ, một chút lãng mạn cuả tuổi trẻ Sài Gòn năm nào trở về, cũng những con phố buồn thưa người thấp thoáng những chiếc xe đạp vụt qua một thời học trò trong ký ức. Chiều mưa Amsterdam giống lạ lùng chiều mưa ở Sài Gòn năm xưa, khách bộ hành không hối hả mà chỉ lững thững đếm bước như mỗi người đang đi tìm lại trong đáy lòng cảm giác một chiều mưa trong dĩ vãng.

Amsterdam có nhiều nhà hát, phòng hoà nhạc, viện bảo tàng và quán ăn, rất nhiều những kiến trúc lâu đời có từ thế kỷ thứ 17. Muà hè khí hậu thật mát mẻ, nhưng về muà đông mưa gió thất thường, trời lạnh ẩm ướt mà lại rất nhiêù gió nên có vẻ như tất cả đều cô đọng khiến lòng người bỗng thành ra trầm cảm. Lo gì! Vì là một xứ sở tôn trọng mọi thứ tự do, nên chỉ cần bước qua bên kia cầu bắc ngang con kinh đào thật thơ mộng, đã thấy một mặt khác khá hấp dẫn cuả thủ đô, đó là Khu Đèn Đỏ và rất nhiều quán cà phê thơm mùi “cỏ”. Đối diện với dãy quán cà phê loại này là một ngôi chuà Trung Hoa, đứng bên lề đường còn nghe vọng tiếng tụng kinh lẫn trong hồi chuông mõ ngân nga như muốn réo gọi những tâm hồn lạc loài về với chân tâm. Giữa thế giới xô bồ này, tiếng chuông tiếng mõ kia có lấn át được tiếng nhạc gầm rú thác loạn cuả loài người nhầy nhụa  truỵ lạc và bóng đèn mờ trong những quán cà phê ?!

Có một cái gì đó tương phản trong lòng du khách khi lạc bước đến đây, dù sao thì cũng đã tới  rồi, xem qua có gì lạ như lời thiên hạ đồn thổi về một thành phố đầy những điều khó hiểu. Những con đường nhỏ giao nhau như khu bàn cờ, khấp khểnh bước thấp bước cao du khách có thể tò mò nhìn vào căn phố nào có đèn đỏ, một hoặc hai cánh hoa thấp thoáng trong ô cưả kính, trơ trẽn phô bày từng đường cong nét lượn để đợi khách mua hoa. Ngó quanh thì đám du khách phụ nữ đã biến gần hết, chỉ còn một vài ông tò mò nhìn lom lom vào tủ kính ngắm người đẹp đang mỉm cười chiêu mời khách giang hồ lãng tử. Thực ra thì cũng giống như hằng trăm người đẹp diện “bikini” trên bãi biển thôi, nhưng ở đây những người nhạy cảm có thể nhận ra nỗi buồn len lén hiện về trong đôi mắt nhung đen cuả các nàng kỹ nữ buôn hương bán phấn. Ôi thân phận đàn bà, nào là “hồng nhan đa truân”, nào là “hồng nhan bạc phận”, rồi thì “hồng nhan bạc mệnh” chi chi đó phải chăng đẹp cũng ẩn trong cái nghiệp khổ muôn đời cuả cái đẹp.

Trong đầu tôi bỗng như nghe vẳng lại một ca khúc rất hay cuả miền Nam thuở ấy, tôi không nhớ là cuả nhạc sĩ nào, và hình như đây là một bài thơ phổ nhạc, viết cho những người phụ nữ có cảnh đời truân chuyên nhiều nợ tình:

“ Ta tiếc cho em, ta tiếc cho em

Nhìn em tay nâng ly rượu

Môi cười mà lệ như rơi ...

Môi cười mà lệ như rơi ...”

Cuộc đời nghĩ cho tận cùng thì cũng chỉ là ảo mộng. Tôi miên man nghĩ đến câu thơ cổ mà ông thầy già thời Trung Học hay đọc cho lũ học trò nghe, một buổi chiều mưa trong lớp học mù mù ánh đèn vàng soi xuống những dãy bàn học  lem luốc vết mực. Tiếng ngâm nga cuả ông thầy giáo già yêu văn chương như đọng mãi trong lòng tôi:

“Công hầu bạch cốt, hồng phấn khô lâu”

Vô thường cả, tôi đã xin phép thầy dịch thoáng bài thơ cho mấy đưá bạn tuổi học trò hiểu thêm chút nữa về cuộc đời muôn mặt :

« Phù du ta đánh một vòng

Công hầu  xương trắng, má hồng sọ khô. »

Nguyên Nhung

( Mùa hạ 2010)



Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Mon Aug 30, 2010 7:48 pm    Tiêu đề:





Kính qúi vị,
Cám ơn qúi vị đã gửi cho tôi, một cự dân ở Amsterdam từ năm 1985 đến nay.
Tôi xin mạn phép bổ tức và giới thiệu rõ hơn về Hòa Lan nhé; đồng thời có chút phê bình bài viết !

Tác giả có nói Hòa Lan là The Netherlands, thấp hơn mực nước biển cả thước ! Nhưng lại không nói rõ hơn về hệ thống đê điều ra sao ? Thật đáng tiếc. Tôi nghĩ bởi vì tác giả chỉ được CỠI NGỰA XEM HOA

1/
HL có diện tích bằng 1/3 mỗi miền Việt Nam, như thế tạm nói bằng 1/9 nước ta thôi. Dân số bằng 1/6 (16 triệu ở HL so với gần 90 triệu hiện nay ở VN), như thế mật độ dân số (population density) ở HL cao hơn VN.
Tuy nhiên nhớ có sự DÀN ĐỀU DÂN SỐ thật hay, nên không thấy sự đông đảo đến ngột ngạt như ở VN hay các nước khác (như Paris, London, Berlin, New Yori, San Francisco ....)

Dẫn chứng nhé, không thôi qúi vị lại bảo tôi "mèo khen mèo dài đuôi" !

Thủ đô Amsterdam có dân số khoảng 800.000, tức chưa tới 1/16 dân  số cả nước (trên 16 triệu).
Trong khi đó nội thành Paris khoảng 8 triệu ; cộng thêm ngoại thành (banlieu) thành 12 triệu nữa. C\'est à dire bằng khoảng bao nhiêu nhỉ so với dân số khoảng 65 triệu ?
Bỉ nhỏ hơn Hòa Lan với dân số khoảng 10 triệu, thế mà thủ đô Bruxelles có dân số khoảng 2 triệu (1/5 cả nước) !
New York gần 20 triệu so với khoảng 300 triệu cả nước Mỹ rộng mênh mông hơn cả Âu châu. Nhìn dân NY ở khu downtown đông không thua gì dân Tàu ở Thượng Hải, Bắc Kinh hay bất cứ thành phố lớn nào của Tàu lục điạ.
Thành Hồ chính thức dân số khoảng 6-7 triệu, nhưng thật sự có thể lên đến trên dưới 9 triệu. So với cả nước thành Hồ đã cuốn hút khoảng 1/9 dân số cả nước về mình.

Ba thành phố lớn khác là Den Haag (The Hague; La Haye), cảng Rotterdam lớn thứ nhì thế giới (sau Thượng Hải và trên New York) và Utrecht ở trung tâm Hòa Lan có dân số chưa tới 1/2 triệu. Các thành phố lớn khác dân số chưa tới 300 ngàn, như Einhoven, căn cứ của hàng Phillips nổi tiếng về kỹ thuật, Den Bosch ...

2/
Hòa Lan cho ngay mọi người cảm giác RELAX hoàn toàn (totally the whole body and also your mind !

2.1/
Thứ nhất, đó là nhờ các đàn bò sữa khoang điển hình HL là lốm đốm loang lổ màu trắng đen vàng ... với bàu sữa nẳng trĩu đang thảnh thơi nhơi cỏ trên những cánh đồng cỏ xanh tươi mơn mởn và xẻ ngang dọc bởi những mương rãnh nước và dĩ nhiên nằm trong các con kênh chạy dọc theo đường cái !

Vâng Hòa Lan có điạ hình điạ vật cứ như là miền Tây ở miền Nam nước ta. Đó là một vùng bằng phẳng không núi non, nhiều sông ngòi và kinh rạch chằng chịt, lắm đầm lầy ao truông hồ. Ngoại trừ vùng đất ở phiá biên giới với Đức và Bỉ là hơi có đồi cao cao một chút.
Chính vì thế mà chính tôi hay nói đùa: HL như một bé gái  chừng 10 tuổi tôi,  "trước sau như một" !
Bởi cũng như đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, HL là phần cuối của hai con sông lớn. Một là sông Rhine phát nguyên ở vùng biên giới giữa Thụy Sĩ và Đức, chảy dài qua nhiều nước như TS, Đức, Pháp, Bỉ và cuối cùng là Hòa Lan. Sông Rhine dài 1232 km, là một trong hai con sông dài nhất ở Tây Âu (con sông kia là Danube / Donau). Hai là con sông Meuse ( Maas), dài gần 1000 km, chảy qua ba nước Pháp, Bỉ và Hòa Lan đễ ra biển Bắc Hải của Đại Tây Dương. Cảng Rotterdam nằm trên con sông này.

2.2/
Người HL đã hãnh diện nói với du khách rằng: Bạn có thể đi đến bất cứ nơi nào ở nước tôi bằng xe hơi, xe đạp và bằng thuyền ! Chính nhờ thuận lợi đia thế nói trên nên dân HL có thể xem là "vua đi xe đạp", bơi lội giỏi và chèo thuyền hay!
Du khách sẽ rất ngạc nhiên khi thấy xe đạp thật nhiều ở HL, và xe đạp dựng khắp nơi khắp chốn thật bừa bãi.
Tính trung bình thì nói không ngoa mỗi người dân HL trên 5-6 tuổi là sở hữu một chiếc xe đạp. Vâng ngay từ bé mẹ cha đã sắm cho con mình cái xe đạp nhỏ xíu tương xứng với tuổi, để các em đạp xe đến trường, hay ít ra đạp theo mẹ cha vào ngày nghỉ đi chơi lanh quanh khu phố nhà mình. Có người sở hữu hai  cái xe đạp: một để đi làm và một loại thật xin để đi chơi xa !
Người đạp xe đạp hưởng nhiều ưu tiên và lái xe hơi phải chú ý nhưỡng cho xe đạp, chứ ko phải ở nơi khác cứ ỷ thế mà lấn quyền kẻ yếu thế hơn mình. Bởi thực sự tài xế xe hơi cũng là người đạp xe đạp, cho nên nhìn người nghĩ đến ta mà thôi !

Cứ thử tượng tượng thấy quanh mình thật nhiều người đi xe đạp với đồng cỏ bò sữa thảnh thơi nhơi cỏ .. rồi trên bến dưới thuyền dù nhộn nhịp thật, nhưng vẫn êm ả hơn là toàn là xe cơ giới bao quanh và khô ráo thiếu nước phải ko ạ ! Đó là chưa kể sự dàn đều dân số khắp nước như đã tả làm cho khó mà bị stress lắm.

Ghi chú :
Transport ở HL bằng đường thủy gần 70 %, đường bộ (xe hơi, xe lửa) gần 30 % và còn lại là bằng đường hàng không. Bên Đức ngược lại đường bộ khoảng 70 và đường thủy 30 %. Hệ thống đường bộ Đức phát triển hơn HL nhiều và trên xa lộ lúc nào cũng nườm nượp xe cộ, nhất là xe tải hạng nặng chiếm trọn đường chạy trong cùng thấy mà phát khiếp.
Rồi Đức là nước sản xuất xe hơi loại xịn thế giới nên trên đường toàn xe chiến như Mercedes, BNW, hay tệ hơn là Volkwagen và Opel. Xe xịn nên tài xế đường ngon ... nên tài xế Đức và Pháp dễ trở thành các "yên hùng xa lộ" xả ga chạy từ 130 đến 160 km là chuyện bình thường ở huyện ! Nhưng lái mau như điên như khùng cũng làm cho kẻ khác dùng chung con lộ trở nên căng thẳng !!!
Trong khi tốc độ lái xe ở Hòa Lan trung bình là ... 100 km thôi. Lái xe rất relax. Chưa kể vào xa lộ vòng đai các thành phố lớn tốc độ bắt buộc chỉ còn ... 80 km. Chạy lố chừng 5 km là lãnh giấy phạt 80 euro; càng quá tốc độ ấn định tiền phạt càng cao lên .

2.3/
Sự hiếu khách và thân thiện của dân bản xứ mà bạn khó thấy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Dân HL hầu hết nói được tiếng Anh và nói khá là đẳng khác. Những điều này tạo cho du khách một cảm giác vừa dễ chịu vừa an tâm thật nhiều
Lý do tại sao dân HL lại thế rất nhiều. Tôi xin điểm sơ qua thôi nhé.

So với lân bang và các nước khác ở Tây Âu như Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha ... HL chả là cái thớ gì cả. Từ cảnh quan cho đến bề dầy lịch sử với nhiều chiến công hiển hách .... Vì thế chỉ còn sự dễ thương làm đầu cũng như sự thoải mái dành cho du khách để lôi cuốn khách phương xa mà thôi. Chính vì thế mà từ xưa người HL đã nổi tiếng là NGƯỜI TÀU Ở ÂU CHÂU (The Chinese in the Europe). Đó là bản tính của người thương nhân, có dòng máu con buôn cuồn cuộn chảy trong người ! Rồi đất hẹp người đông phải tha phương cầu thực khắp thế giới, nên có thể nói họ hiểu rõ tâm trạng của kẻ sống tha hương ra sao ? Từ đó họ thấu hiểu tâm lý thiên hạ hơn ai hết. Nên biết cộng đồng người HL làm nên nước Nam Phi ngày nay đó nhé, tiếng Nam Phi là thổ ngữ (dialect) của tiếng HL đấy. Cộng đồng người HL cũng đóng góp phần lớn làm nên New York, nên có Khu Harlem (là mang tên thành phố Haarlen của Hòa Lan; cũng như ở Cali có điạ danh Anaheim là tên của thành phố Arnhem của HL đấy ạ). Dân HL di dân qua Canada, Úc, New Zeeland  rất nhiều và tạo nên càng khu làng HL tại đó.  

(còn tiếp)



_________________

Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Tue Aug 31, 2010 1:15 am    Tiêu đề:



Thú thực mấy hôm nay bận tiếp khách phương xa nên ko có thì giờ viết thêm giới thiệu quê hương thứ hai do chính mình chọn lựa ! Tuy nhiên để cám ơn một thân hữu gửi bài viết về Hòa Lan, nên tôi cố "nặn óc"  viết thật mau một đoạn ngắn giới thiệu về VÙNG ĐẤT THẤP mà tác giả viết bài còn bỏ trống, chưa (thể) giải thích rõ tại sao lại thấp hơn mặt biển ? nhất là ko đề cập đến hệ thống đê điều hay nói rõ hơn về CÁC CÔNG TRÌNH TRỊ THỦY nổi tiếng thế giới của dân HL.

Rồi một thân hữu "mới toanh", "trưởng lão" Hoàng Cơ Định, lại mau chóng góp ý thật hay về một chi tiết thú vị ít người để ý. Đó là các viên đá hình khối lục lăng để làm các con đê, như con đê dài AFSLUITDIJK đã ngăn biển Bắc Hải và Nam Hải lại, nhằm  biến Nam Hải thành hồ nước ngọt khổng lồ IJSSELMEER,đồng thời lấn đất ra biển nên thành lập được thêm tỉnh thứ 12 là tỉnh FLEVOLAND ở phiá đông bắc Amsterdam !

Người HL rất tự hào về việc thay trời tạo ra đất nước mình bằng câu nói bất hủ:  NẾU THƯỢNG ĐẾ LÀM RA QUẢ ĐẤT, THÌ NGƯỜI HÒA LAN LÀM RA NƯỚC MÌNH !

Chính xác là thế. Vi ở ta hai con sông Hồng và sông Mekong đã mang lại nhiều phù sa để hình thành nên vùng châu thổ (delta) của hai con sông này và ngày một lần thêm ra biển. Ngược lại các con sông Rhine và Meuse ko mang phù sa mà chỉ tạo nên các đầm lầy lẫn lụt lội khi thượng nguồn mưa to gió lớn. Chưa kể các nước thượng nguồn như Pháp, Đức lại tuồn về hạ nguồn các chất thải kỹ nghệ và gia cư từ các khu kỹ nghệ và đô thị lớn nằm dọc hai con sông này. Người HL chẳng những đã phải phấn đấu chống với tai họa thiên nhiên, mà cả từ dân các nước lân bang, nhằm giữ cho vùng lưu vực hai con sông trên ko bị ô nhiễm hay làm hại do các đập trên thượng nguồn.

Tuy nhiên ta hơn người Hòa Lan ở cái tài NÓI PHÉT !!!

Xin dẫn chứng ngay không có vị vội vã kết tội tôi là nói xấu ông cha mình.

Từ câu chuyện trị thủy các cụ ta đã để lại cho con cháu dòng giống Tiên Rồng chuyện cổ tích thú vị, mang tính huyền thoại là, cuộc tranh giành người đẹp vương giả là nàng công chúa Mị Nương, con vua Hùng, giữa ha vị thần Sơn Tinh và Thủy Tinh !

Người Hòa Lan chỉ có thể sáng tác ra chuyện mộc mạc là một cậu bé dạo chơi trên đê vắng. Tình cờ cậu thấy đê có chỗ rò rỉ nhỏ nên nước sẽ khoét rộng ra làm vỡ đê gây lụt lội, nên cậu nhanh trí chọc ngón tay nhỏ bé của mình mình vào đó và ngồi chịu trận chờ có người đi ngang la lên cầu cứu. Và cậu đã trở nên một anh hùng dân tộc.

Thú thiệt tôi nghe chuyện kể cứ y như chuyện Vixi bịa ra chuyện anh hùng thiếu niên Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Chín gì đó đã dùng thân mình làm ngọn đuốc sống đốt kho đạn địch là thực dân Pháp. Chuyện kể nghe lãng nhách, không có tính lãng mạng hay hào hùng làm gợi hứng cho văn nhân thi sĩ như truyện cổ tích Sơn Tinh và Thủy Tinh của ta được.

Nếu vị nào đã đọc truyện ngắn cực kỳ cảm động và thật bổ ích (vì giới thiệu thảm thực vật ở vùng duyên hải, cũng như mang ý nghiã ngụ ngôn rất hay) KHU RỪNG MẮM của Bình Nguyên Lộc sẽ thấy ông trời thương dân mình nhiều lắm lắm. Có phù sa từ các con sông lớn lại ban cho các loại cây như mắm, đước, bần, tràm ... để giữ đất phù sa không bị cuốn trôi mất tăm mất tích vào lòng đại dương.

Ở vùng ôn đới lại ko có phù sa nên người HL ko được hưởng các thuận lợi thiên nhiên ấy của cha trời mẹ đất, cho nên họ phải động não suy nghĩ cách giành đất với biển về mình. Họ tạo dựng những công trình thủy lợi thật hay và truyền từ đời này sang đời nọ đã biến những vùng đầm lầy thấp hơn mực nước biển trung bình thành đất liền có thễ làm nhà ở và trồng trọt (thổ cư và đồng ruộng) ...

Nói tóm lại, họ vừa chống thần biển Long Vương lại phải đương cự với thần sông Hà Bá, tức đắp đê dọc theo bờ biển để bảo vệ vùng duyên hải, cũng như đắp đê dọc theo các con sông tránh lũ lụt về mùa mưa ... Nhìn chung họ đã đào nát đất nước mình bằng hệ thống kinh đào để tưới tiêu nước, chả khác gì các cụ ta đã làm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm rửa phèn và rửa mặn (về mùa khô) các vùng đất bồi do phù sa tạo nên và xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ cho sự vận chuyển ở vùng lắm nước ít đất !

Du khách đến Hòa Lan mà ko đi xem đê điều kinh rạch là một điều thiếu xót to lớn. Cũng như cư ngụ ở Hòa Lan mà ko biết, ko hiểu về cách cấu trúc đê biển ra sao thì chưa thể gọi là thần dân của vương quốc Hòa Lan thật sự.

Đến HL mà chỉ chúi đầu vào khu đèn đỏ, khu mài kim cương, mà không đi thăm bảo tàng viện quốc gia để xem tranh các danh hoạ bậc sư Hòa Lan như Rembrandt, Vermeer, cũng như bảo tàng viện Van Gogh, hay bảo tàng viện hàng hải ... là chưa biết mấy về tài ba của dân Vùng Đất Thấp.

Nhân đây cũng xin nhắc luôn cho mọi người biết về tài đóng tầu và hàng hải của dân Hòa Lan.

1/ Mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Hòa Lan. Ở Á thuộc điạ của họ chính yếu là Nam Dương / Indonesia và có môt tí ở Mã Lai nằm trên vịnh Malacca; Nam Phi như đã nói; Suriname ở phiá Nam Mỹ cũng như các đảo nhỏ Curacao, St Martin ...

2/ Theo Lược sử Trần Trọng Kim ngày xưa ta gọi đạo kitô là đạo Hòa Lan ! Tôi độ chừng có thể cố đạo Hòa Lan mang đạo này vào ta trước hay thật nhiều chăng ? Cũng như có loại đậu mang tên là đậu Hòa Lan. Nê biết là đô thị cổ Hội An có công sức của thương buôn HL đó nhé.

3/ Người HL rất giỏi về đóng tàu nên Sa Hoàng đã thân chinh cùng tùy tùng sang HL (vùng Zaandam) để học tập và nơi này vẫn còn giữ nguyên nơi ông vua Nga này ở trọ học việc.

Có người bạn già HL giải thích cho tôi rõ, tầu gổ ngày xưa chỉ hải hành một lần về các vùng xa xôi như Á châu, Úc châu hay Mỹ châu là coi như vất đi, vì hư hỏng ko thể sữa chữa được. Nên biết ngày xưa họ phải đi vòng qua Phi châu mới vào được Ấn Độ Dương rồi vùng biển Thái Bình Dương. Các chuyến hải hành đầy sóng gió, kéo dài một vài năm là thường, phải đánh nhau rất thường xuyên với hải tặc ...

Do nhu cầu nên phải đóng thật nhiều tàu cho các công ty tầu biển lớn nhằm cạnh tranh buôn bán cũng như tìm chiếm thuộc điạ, thị trường ... Từ đó ở HL đã có ý nghĩ đóng tàu theo kiểu làm việc dây chuyền, thậm chí làm sẵn rồi ráp nối (assemble) như ngày hôm nay.

Hòa Lan có hai công ty hàng hải nổi tiếng trong nhiều thế kỷ là công ty Đông Ấn và Tây Ấn. Khi thuận tiện tôi sẽ nói rõ thêm. Cũng như kỹ thuât đặp đê biển ra sao.

(còn tiếp)


Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Du Lịch Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân