TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - DUY TÂN, KHUNG TRỜI KỶ NIỆM
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

DUY TÂN, KHUNG TRỜI KỶ NIỆM

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Danny Trinh



Ngày tham gia: 09 Jun 2008
Số bài: 165

Bài gửiGửi: Fri Aug 27, 2010 4:17 am    Tiêu đề: DUY TÂN, KHUNG TRỜI KỶ NIỆM
Tác Giả: Danny Trinh

Thân tặng Nguyễn Mỹ và các bạn lớp Đệ Nhất A&B Trung Học Duy Tân niên khoá 66-67 và 67-68, thân hữu và gia đình THDT

                                                           Duy Tân Khung Trời Kỷ niệm
                                                                                                                                Người Nại


       Nhìn đồ đạt ngỗng ngang đầy ắp trong gargage và các phòng ngủ tại căn nhà mới làm cho Hoàng ngán ngẩm mệt mỏi và thở dài! Hai tuần lễ trước, chiều nào đi làm về Hoàng loay hoay gom góp đồ đạt ở ngôi nhà cũ vào thùng giấy lớn sẵn để cuối tuần có xe chở sang nhà mới.  Mặc dù Hoàng đã sắp xếp đồ đạt riêng từng phòng, tuy nhiên khi chuyển qua nhà mới thì 4 phòng ngủ chưa sửa chữa xong nên tất cả đồ đạt chồng chất nhau lộn xộn để tạm trong gargage.  Nhân viên dọn nhà bỏ bừa, dồn hết vào nhà xe một cách không thứ tự, cái thùng này chồng chất lên cái kia, lộn xộn nên không phân biệt đồ đạt trong thùng giấy chứa đựng vật dụng thuộc về phòng nào.  Hoàng muốn lấy cái khăn đi tắm, muốn lấy cái áo, cái quần để mặc, hoặc tìm một bao thư trống để viết thư gởi đi thì cũng không biết nó đang ở đâu, Hoàng khệ nệ lôi ra các thùng giấy nặng nề và lục tìm, mệt quá rồi tự trách mình là người không có ngăn nắp cẩn thận.   Tất cả rối loạn, bực tức và chán nản!  Bất chợt, một tấm hình trắng đen rất quen thuộc, cũ kỹ kích thước 4x6 đã ngả màu vàng rơi hẳn ra ngoài từ trong xấp giấy tờ hồ sơ cũ khi làm thủ tục xin đi tị nạn CS. HO 14 vào năm 1992.  Ô hay, đây là tấm hình kỷ niệm năm học cuối của trường trung học Duy Tân niên khóa 1967-1968 tại PhanRang!  Hồi còn ở Việt Nam, Hoàng đã có giữ tấm hình này tại gia đình và anh đã không mang nó theo trong hành trang ly hương Việt Nam, vậy mà bây giờ nó đang xuất hiện nơi này. Hoàng cầm lên ngắm nghía thật lâu và bồi hồi xúc động! Nhìn tấm ảnh đen trắng nhợt nhạt, nhiều chỗ đã đổi màu vàng úa, trầy trụa theo thời gian trên 40 năm, hình ảnh bạn bè, thầy cô, thầy hiệu trưởng trung học Duy Tân vẫn còn rõ nét từng khuôn mặt, Hoàng cảm thấy một khung trời đầy kỷ niệm của thời học sinh dưới mái trường trung học Duy Tân PhanRang, chợt hiện rõ dần từ trong ký ức.


         Vừa thi đậu kỳ thi tú Tài phần I tại Sàigòn, Hoàng hí hửng trở về quê nhà ở Dư Khánh, rồi lên PhanRang để xin nhập học lớp Đệ Nhất B trường trung học Duy Tân niên khóa 1966-1967.  Lớp học có rất nhiều bạn bè thân quen cùng học lớp đệ Thất 2, năm đầu tiên của ngưỡng cửa bậc trung học ở trường bán công Nguyễn Công Trứ như anh em Lê văn Cam, Lê văn Quít, Hoàng văn Tý còn tục danh là Tý bờm (tóc quăn và bờn xòm nhà ở đường Ngô Quyền), Trương văn Tám mặt xương da ngâm đen, to con cao người, Trương Minh Trí nhỏ người nhà ở Tháp Chàm và một số bạn bè cùng quê Nại như Tăng văn Hào, Lại văn Mười, Trần cao Đạt...số người này nếu may mắn thì có lẽ họ đã đang theo học tại các phân khoa Đại học Sàigòn, Đà Lạt hay tại Huế.  Vì họ “học tài thi phận”, gian nan dự thi, không qua các cửa ải vào Đệ Thất trường trung học Duy Tân, các kỳ thi Trung Học Đệ Nhất cấp, Tú Tài I và II mỗi năm.  Giờ đây họ thở phào nhẹ nhõm vì đã vượt được cửa ải cam go Tú Tài I, nếu sau này có bị động viên đi lính thì họ cũng sẽ được vào trung tâm huấn luyện quân sự dành cho sĩ quan.  Họ sẽ là những sĩ quan ưu tú cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa!  Cũng do những suy nghĩ nông cạn ấy nên Hoàng thường cùng với họ trốn học,”cúp- cua” vào những giờ Triết học, môn học mới mẻ cho lớp Đệ Nhất, khô khan buồn chán. Cả nhóm lang thang hẹn hò vào các quán Cà-phê nổi tiếng khi xưa tại PhanRang như Thanh Quang, Tao Đàn, Diễm...tập tành thưởng thức hương vị chất đắng đặc sệt Cafein, phì phèo hút thuốc lá Mỹ, nghe nhạc tình buồn, nhạc lính, nhạc ngoại quốc hòa tấu của các ban nhạc lừng danh của thập niên 60-70, The Shadow, Venture, Beatle...như người sành điệu, từng trải trong cuộc đời.

       Hồi tưởng những năm tháng tại trường trung học Duy Tân, bạn bè cùng lớp Đệ Nhất rất đông, nay đã trên 40 năm nhưng Hoàng đã không quên những khuôn mặt, hình dáng, giọng nói và thuộc lòng tên họ của một số bạn bè cùng nhau “mài đáy quần” trên những băng ghế dưới mái trường trung học Duy Tân PhanRang. Hoàng còn nhớ rất rõ, chị Văn thị Ngọc Lan và Đặng Vũ Thúy Hòa là hai nữ sinh duy nhất của lớp Đệ Nhất B thời ấy.  Hai chị như bông hoa lạc giữa rừng gươm các nam sinh phá phách nghịch ngợm lười biếng nhất lớp học, chị Văn thị Ngọc Lan là con của ông bà công chức nổi tiếng trong Tòa Hành Chánh, gia đình có các người anh trai truyền thống học giỏi, thông minh và chăm học đã từng học tại trường Duy Tân này, còn chị Đặng Vũ Thúy Hòa là con gái cưng của thầy hiệu trưởng Đặng Vũ Hoản nghiêm khắt.  Nhiều bạn bè của Hoàng đã từng bị ông hiệu trưởng này gọi lên văn phòng và nếm mùi đau đớn bởi vết roi hằn trên đít vì các tội như chọc phá nữ sinh, trốn học, đi trễ, bị phạt cấm túc...  Hai chị rất thông minh, giỏi về môn Toán học và siêng năng “gạo bài” nên tháng nào tên hai chị cũng đứng đầu sổ, còn nhóm của Hoàng luôn luôn “đội sổ”, phá phách ham vui đùa.  Trong giờ học, vẫn chứng nào tật náy mặc kệ thầy cô giáo sư ở trên bục giảng bài phiá tay phải, bạn bè Hoàng ngồi băng ghế thứ nhì cùng dãy sau lưng hai chị, cứ thản nhiên táy máy tay chân cột tóc, cột vạt áo dài hai chị, dấu nón lá hoặc kều kều vào vai người đẹp mời ăn trái cây chua như Ổi, Cóc, Xoài, Me chua..

         Nam sinh trong lớp Đệ Nhất B mà Hoàng còn nhớ, họ học rất giỏi thông minh như Nguyễn Khoa Danh, kỹ sư nhà máy Công Ty Đường ở Tháp Chàm cũng đã từ trần sau một thời gian làm việc tại nơi nay, Lê văn Cẩm (hiện đang có phòng mạch tại Orange County), Lê văn Đích, Hà văn Vinh (tu sĩ), Lê Đình Kim...Con nhà giàu nổi tiếng phong lưu hào hoa như Nguyễn Công Lý (trạm xăng Khánh Chữ), Phương (con ông Bố), Phan Thanh Châu (tục danh Châu chà) tiệm bán Radio Tấn Lợi...Những người bạn trong băng nhóm quậy phá, lêu lổng học hành như Huỳnh Thanh Sơn, Trình Đế Đáng,Tăng văn Hào, Trần Cao Đạt, Hàn Trúc Lâm, Lê văn Năm, Trần Thanh Công, Lê Bá Tòng, Bùi Hữu Thơ, Ôn Minh Định, Trương văn Quốc, Lâm Minh Ngọc, Phan Thanh Mậu, Phan Thanh Hồng, Phan văn Hoàng(Cà Na), Giá (con ông ty quan thuế) Nặc, Nguyễn văn Giỏi, Phạm Dụng, Phan văn Quế, Cảnh (tục dung Cảnh thẹo) nhà ở Tháp Chàm.  Một số bạn đã sớm bị động viên vào trường sĩ quan trữ bị bộ binh Thủ Đức và ra trường trong năm có cuộc chiến khốc liệt Tết Mậu Thân, trong số đó có bạn trẻ tuổi Lê văn Năm đã sớm hy sinh. Nhớ lại trong thời gian học chung trong lớp Đệ Nhất B, nhóm bạn của Hoàng đã tổ chức nấu nướng đón mừng ngày lễ Chúa giáng Sinh tại nhà bạn Trần Thanh Công. Hoàng tự tay nấu món gà hấp rượu rất hấp dẫn đã học được của người thân trong thời gian học tại Sàigòn.  Cả nhóm gồm 10 người rất vui vẽ, cười nói om xòm, đi bộ la cà ngắm nhìn các giai nhân ở các thánh đường ở Tấn Tài, thành đường đối diện Tòa Hành Chánh; xem và dự lễ mà trong lòng các bạn như thầm nguyện “Lạy Chúa, con là người ngoại Đạo, xin cho con gặp được người con yêu...,” rồi kéo nhau trở về nhà bạn vào lúc nữa đêm. Cử hành bữa ăn nữa đêm như truyền thống người Tây phương theo Thiên Chúa giáo, cùng nhấm nhí một hai ly rượu bia, chia nhau những điếu thuốc lá Salem Mỹ nồng cay như người sành điệu. Cả nhóm nghêu ngao đàn hát văn nghệ thật ồn ào, vui nhộn gần hai ba giờ sáng, rồi lăn ra ngũ trên sàn nhà phòng khách!  Nhà bạn Trần Thanh Công rộng rãi có nhiều phòng riêng ở phía sau nhà, ông bà già rất thương yêu bạn Công nên để tự do cho nhóm của Hoàng tha hồ “quậy”.  Thật là một kỷ niệm khó quên trong đời học sinh tại PhanRang!

         Nhóm Hoàng hoạt động rất tích cực hoạt động hăng say vào những phong trào văn nghệ, báo chí do giáo sư Ngật phụ trách, nào là ra mắt tờ báo cho lớp học, đặc san lớp Đệ Nhất B.  Bạn bè Hoàng tập tành làm thi sĩ, viết truyện ngắn, tùy bút, thơ văn, rồi tìm nơi in ấn quay Roneo, đóng thành vài mươi tập tặng cho bạn bè cùng lớp học và một số giáo sư phụ trách.  Thật ra, tờ báo về nội dung và hình thức không có gì xuất sắc nổi bậc, nhưng đó là đứa con tinh thần, một lưu niệm khó quên trong đời học sinh mà ngày nay đã trên 42 năm, một số bạn bè cùng lớp vẫn còn lưu giữ như một kỷ vật, Đặc San Đệ Nhất B.  Về văn nghệ nhóm của Hoàng cũng tham gia văn nghệ toàn trường với tiết mục “Ngựa phi đường xa”, có các anh Trần Thanh Công đệm đàn, Lại văn Mười, Lê văn Cam thiết kế hóa trang cho sân khấu nhà trường, Phan Thanh Mậu, Hàn Trúc Lâm đạo diễn.  Đêm hôm đó, nhóm của Hoàng gồm bảy kỵ sĩ y phục màu đen có viền màu trắng nổi bậc ở tay áo đã phi ngựa Ô, rầm rập trên những chiếc bàn học kê làm sân khấu nhà trường...hí, hí...phụ họa theo lời hát điệu nhạc vui tươi, sống động chen lẫn những tiếng reo hò tán thưởng của các khán giả học sinh toàn trường. Đặc biệt ban nhạc trẻ trường Duy Tân xuất hiện với các danh đàn Trình Đế Đáng đệm accord, Lê Xuân Tý đi bass, Bông solo và tay trống Lê Minh Ánh.  Qua lời giới thiệu của xướng ngôn viên Lê văn Cam, ban nhạc xuất hiện trong y phục áo da màu đen, tiếng trống, phèng la khua rang tùm tùm...như ngày lễ hội, tiếng đàn Guitar solo réo rắc trầm bỗng, các ngón tay rải các họp âm đệm nhạc nghe rào rào như sóng biển đại dương và tiếng bass bùm- bum âm vang như muốn nhói tim, tức ngực khó thở theo điệu nhạc.  Ban nhạc đã hòa tấu nhạc phẩm “Apache và California Dreaming” nối tiếng vào thời 1960- 1970 của ban nhạc Mỹ lừng danh The Venture. Bạn bè, khán giả học sinh toàn trường đã vỗ tay reo hò tán thưởng ban nhạc lần đầu tiên xuất hiện trên sâu khấu văn nghệ trường trung học Duy Tân (Nhiều nữ sinh xinh đẹp ái mộ có gặp gỡ và xin chữ ký của các thành viên ban nhạc (chưa có tên )?!..)

         Ngoài hoạt động văn nghệ báo chí, lớp Đệ Nhất B cũng tham gia nhiều công tác xã hội dưới sự hướng dẫn của giáo sư Ngật phụ trách lớp!  Giáo sư Ngật dạy môn Toán, hình học không gian cho các lớp Đệ Nhất của trường học Duy Tân, ông cũng là một Phật tử mộ đạo, hăng say hoạt động xã hội cứu giúp người nghèo khổ. Hoàng còn nhớ có một lần cả lớp học xuống khu Bình Sơn gần bãi biển Ninh Chữ, suốt ngày phụ giúp cất nhà, dựng hàng rào, trồng cây Dương dọc theo lề đường cho các người ngoài Trung di dân lánh nạn vừa mới đến PhanRang lập nghiệp.  Khu này đã một thời phát triển nổi tiếng nhờ các đặc sản Hành, Tỏi và Nho...trước năm 1975, khu này đã 40 năm và nay đã thay đổi bộ mặt nhà cửa, phố xá, tuy nhiên hàng cây Dương kỷ niệm bên đừơng vẫn còn in dấu bàn tay người trồng cây ngày nào, nhiều cây đã già cõi xác xơ và đang lung lay, đong đưa trong mùa gió cát nóng.
Mải vui chơi, hoạt động “văn nghệ văn gừng”, chuyện học hành đã thiếu sự chuyên cần, kết quả kỳ thi Tú Tài Phần II, hầu hết nhóm của Hoàng đều bị “trược vỏ chuối,” nên phải học lại thêm một năm nữa dưới mái trường trung học Duy Tân. Một số bạn bè cũ đã vào Đại học Sàigòn, một số khác bị động viên lên đường làm nghĩa vụ người trai thời chiến, nhóm bạn bè của Hoàng được thêm một số bạn mới vừa thi đậu kỳ thi Tú tài phần I từ các trường tư thục Bồ Đề, Trương Vĩnh Ký...xin vào học trường Duy Tân đã tạo nên một lớp Đệ Nhất B cũ mới đầy đủ sắc thái và đặc thù riêng.  Vào lại lớp học, Hoàng thấy lòng mình bồi hồi hổ thẹn, trống vắng, thiếu một số bạn học cũ của niên học vừa qua, không gian lớp học không thay đổi nhưng vị trí chỗ ngồi của bạn mình phải nhường lại cho những bạn học mới.  Thành phần các giáo sư giảng dạy không thay đổi, giáo sư Ngật vẫn phụ trách lớp học, cô Sương dạy sinh ngữ Anh văn, giáo sư Em dạy Lý hóa, giáo sư Khai, giáo sư Quế...Cũng nhờ học thêm một năm Đệ Nhất nên nhóm của Hoàng có nhiều kinh nghiệm trong các bài tập và tiếp thu hiểu biết các môn học bài giảng tương đối nhanh chóng dễ dàng hơn các bạn mới từ Đệ Nhị mới lên.  Trường trung học Duy Tân có hai lớp Đệ Nhất A & B niên khóa 1967-1968, Anh Văn và Pháp văn đều học chung với nhau ngoại trừ đến giờ sinh ngữ chính Anh văn hay Pháp văn thì học sinh nam nữ của hai lớp Đệ Nhất A& B học chung với nhau.  Cũng nhờ học chung trong giờ Anh văn sinh ngữ chính, nên Hoàng có dịp quen nhiều bạn bè bên lớp đệ Nhất A. Một số bạn mới của lớp Đệ Nhất bao gồm sinh ngữ chính Anh và Pháp văn niên khóa 1967-1968 Hoàng đã không còn nhớ nhiều tên họ của bạn học ngày xưa.  Hôm nay, bất chợt tìm gặp tấm hình vô giá cũ kỹ đã trên 40 năm đã tạo cho Hoàng nhiều cảm xúc và kỷ niệm nhất vì anh và một nữ sinh họ Phạm. cùng lớp Đệ Nhất trong tấm ảnh ngày nay đã thành nghĩa phu thê nhiều năm qua.
Hoàng không nghĩ rằng anh và người phối ngẫu hiện tại, sao lại có duyên phận như vậy!  Nhớ lại trong thời gian chung nhau cùng lớp Đệ Nhất niên khóa 1967-1968, Hoàng học ban B và Anh văn là sinh ngữ chính, H.P học ban A và Pháp văn là sinh ngữ chính nên hai người chưa có dịp làm quen, cùng chung lớp học.   Hoàng đã biết H.P là một tiểu thư khuê cát, trẻ đẹp duyên dáng, con gái của một vị giáo sư khả kính đã từng dạy anh vào những năm tại trường trung học Bán Công Nguyễn Công Trứ. Hoàng chưa bao giờ có ý nghĩ trêu ghẹo, tán tỉnh làm quen!   Hai lớp Đệ Nhất A và B cùng chung một dãy nhà kế nhau gần bên phòng Y tế nhà trường, mỗi ngày khi sắp hàng diễm danh vào lớp học, Hoàng cũng đều có cơ hội liếc mắt, ngắm nhìn các cô nữ sinh giai nhân bên ban A với chiếc áo dài trắng tha thướt, mái tóc huyền óng ả tung bay và chiếc nón lá e ấp đang che cặp đựng sách vở... Hoàng đã nhiều lần ngẩn ngơ và mơ mộng tiếc rẻ vì đã chọn học ban B, môn Toán học khô khan, thiếu bóng dáng nữ sinh theo học. Và lớp học Đệ Nhất B năm nay chỉ có một mình chị Hữu Hoa, nữ sinh duy nhất học ban Toán, là nữ hoàng của lớp học mà nhóm của Hoàng thường to nhỏ nói với nhau.  Hoàng nhớ lại vào dịp Tết, nhà trường có tổ chức đêm văn nghệ do lớp Đệ Nhất phụ trách mà sân khấu được dàn dựng trước dãy hành lang trống, cạnh các lớp học Đệ nhị cấp bên phía tay trái, gần cổng phụ ra ngoài.  Trong những lần tập dợt các liên khúc “Hồn Vọng Phu I, II, III của nhạc sĩ Lê Thương” do giáo sư Lê Cảnh Em đạo diễn, các nam nữ sinh danh ca của hai lớp Đệ Nhất tham dự họp ca và Hoàng có dịp đệm đàn Guitar cho bài hát.  Hoàng vô tình không để ý tên các bạn học mình đã tham gia trong trình diễn nhạc phẩm này, đến mãi đến 17 năm sau hội ngộ, sau ngày cưới, H.P chợt nhìn thấy tấm hình của mình cùng các bạn học đang có mặt tại gia đình của Hoàng.  “Sao anh lại có tấm ảnh này và anh đang đứng chỗ nào,?” H.P thắc mắc hỏi.  Hoàng nhìn kỹ tấm nhìn kỷ niệm và chợt nhận ra người nữ sinh Hoàng P. khi xưa còn đang ngâm bài hát Hồn Vọng Phu, “Ai bế con... mãi đứng chờ...đợi chàng về..”  Hoàng không nhớ rõ làm sao anh có được tấm ảnh này vì đã lâu lắm rồi, trải qua bao biến cố lịch sử thăng trầm chiến tranh loạn lạc, biết bao của cải kỷ niệm mất mát chôn vùi theo thời gian nhưng anh vẫn còn lưu giữ hình ảnh kỷ niệm đáng giá này.  Nhìn tấm hình các khuôn mặt bạn học ngày xưa chợt hiện về, mơ màng nghĩ đến họ đang ở một phương trời nào và nay chỉ còn lại một mình H.P người vợ hiền đang hiện diện nơi đây với chàng, Hoàng còn nhớ là anh đã có mặt, đệm đàn cho bài hát lúc trình diễn và trong lúc ấy một người bạn học phóng viên tài tử nhà trường đã ghi hình ảnh tặng anh, thật là duyên kỳ ngộ!


               
        Nhìn tấm hình phai nhòa của lớp học Đệ Nhất niên khóa 1967-1968, đang làm Hoàng sống lại những kỷ niệm thời gian học cách đây trên 40 năm.  Anh đã hình dung ra những khuôn mặt bạn bè rất thân yêu quen thuộc thời học sinh dưới mái trường trung học Duy Tân, một khung trời thơ mộng ngây thơ tuổi học trò. Nhìn các vị giáo sư trung học rất oai nghi như giáo sư Lê Cảnh Em, Ngật, Khai, giám học Tiêm, vị đại diện phụ huynh học sinh, thầy hiệu trưởng Đặng Vũ Hoãn, ông Lê Thoại giám thị… thầy Mẫn.. rất trẻ trung, trang nghiêm chững chạc trong y phục của giáo sư trung học thời ấy.  Hiện nay Hoàng được biết một số vị đã lìa bỏ cõi trần tạm bợ để về một thế giới khác, nhiều người đã lưu lạc một phương trời nào, có người đang bệnh tật ốm đau và già yếu, có vị thì đầu tóc bạc phơ nhưng tinh thần vẫn còn tráng kiện như thầy hiệu trưởng Đặng Vũ Hoãn đang định cư tại Úc châu.  Bạn học mà Hoàng còn nhận biết được thì có Lê Mộng Hoàng (đang ở Sacramento, Cali), Nguyễn Huệ(xuất ngoại trước 1975, hiện đang sinh sống tại Bắc Cali.), Trần văn Măng đang ở miền Bắc California, Thông (em cô Sương đang ở tiểu bang Arizona) Lê Xuân Tý (Tý gô), Lê văn Lợi đang ở Texas, Lâm Minh Ngọc (Atlanta, Georgia), Lại văn Mười, Dương Huỳnh Quí, Tăng văn Hào (California), Hồ Kỳ Long (USA), Phan văn Quế, Chạnh (Arizona), Phan văn Hoàng (Florida?) Quảng Tài (người Chàm),Hàng Trung Cường (người Hoa), Trương Minh Dũng (xóm Gò), Công (Tri thủy) Trần văn Lương (Tri Thủy), Phạm Đức (Iowa) Ngô Duy Tuấn, Ảo (Phước Đức), Hưng (người Hoa) Trịnh Xuân Mô, Duận (nhà thờ PhanRang), Sửu, Bửu (Tháp Chàm), Huỳnh Thanh Sơn(Sàigon)), Trần Thanh Công(Hoa Kỳ), Nguyễn Mỹ (người Huế)... Bên phía nữ, Hoàng khó hình dung và nhớ tên tất cả những người có mặt trong tấm hình ngoại trừ các chị Xuân Mai, Xuân Diệu, Hữu Hoa, Liên Hương, Nguyễn thị Vân, Kim Nhi (Canada), chị Hương vợ anh Mai Hữu Phúc và người đẹp Phạm Hoàng Phấn đã đứng gần cạnh chàng... Tất cả bạn bè đã có mặt lưu vong khắp nơi trên thế giới, có người đã vùi thây trong chiến tranh, nơi biển cả, chốn rừng sâu trên bước đường tìm tự do, có người còn đang ở lại quê hương gió cát PhanRang… ...tuổi đời họ, đến nay có lẻ đã trên 60 năm.  Hoàng vừa nhắc lại tên và điểm danh một số khuôn mặt cùng một lớp học năm nào thì hình ảnh, nét mặt, nụ cười vóc dáng ngày xưa của họ chợt hiện ra và còn đang tuôn tràn trong tâm thức những kỷ niệm thuở còn cắp sách đến trường, ngồi chung lớp dưới mái trường trung học Duy Tân.   Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, tên trường trung học Duy Tân đã thay đổi, nhưng sân trường, lớp học mái ngói, vách từơng, vòng tường thành cũ kỷ và hàng cây Phượng vĩ già cõi xát xơ vẫn còn bên đường.  Tất cả không gian thân yêu ấy không thay đổi nhiều sau một thời gian dài của lịch sử, nhiều vách tường đã nứt, rêu phong phủ đầy, nhưng nơi ấy vẫn còn in dấu lưu giữ di tích một khung trời kỷ niệm Duy Tân năm nào.  

        Reng, Reng… tiếng chuông nhà trường báo hiệu đã đến giờ vào lớp!!!  Xin mời tất cả bạn cựu Trung Học Duy Tân khắp bốn phương trời...hãy sắp hàng vào lớp học!  
                                          DUY TÂN, KHUNG TRỜI KỶ NIỆM!

                                          California, mùa Xuân tháng 4 năm 2009

                                                                           Người Nại
 


Được sửa bởi Danny Trinh ngày Tue Aug 31, 2010 3:51 pm; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Thanh Dao
Cựu Giáo Sư Duy Tân


Ngày tham gia: 18 Jul 2008
Số bài: 1201

Bài gửiGửi: Sun Aug 29, 2010 12:38 pm    Tiêu đề: DUY TÂN KHUNG TRỜI KỶ NIỆM
Tác Giả: THANH ĐÀO



DUY TÂN KHUNG TRỜI KỶ NIỆM

( Cảm tác hồi ký  cùng tên của nhà văn Nguởi Nại.
Thân tặng anh chị Đáng+ Phấn và thân hữu)

Bức hình vô giá hiện ra
Bao nhiêu hoài niệm  trường xưa tuyệt vời.
Thầy trò một thuở xa xôi
Bốn mươi năm, vẫn sáng ngời lung linh.

Nhớ duyên kỳ ngộ bạn tình
Anh đàn, em hát, chúng mình thương nhau.
“ Hồn Vọng Phu” giọng ngọt ngào
Guitare anh đệm, má đào ngâm thơ.
Em là thục nữ lầu hoa
Còn anh nghệ sĩ ngẩn ngơ nhìn nàng.
Thướt tha áo trắng đài trang
Môi đào, mắt biếc, dịu dàng cô em.

Vô vàn quý báu tấm hình
Khung Trời Kỷ Niệm long lanh sáng lòa.
Ảnh hình Thầy, bạn trường xưa
Bao nhiêu hoài niệm nở hoa ân tình.

Tuyệt vời Hương Lửa Ba Sinh
Học cùng cấp lớp, chúng mình nên duyên.
Khung Trời Kỷ Niệm êm đềm
Răng long đầu bạc, tình mình thủy chung.

THANH ĐÀO




Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân