TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - NGƯỜI CHÚ PHONG TRẦN
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

NGƯỜI CHÚ PHONG TRẦN

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
SNOW WHITE



Ngày tham gia: 29 Oct 2007
Số bài: 3689

Bài gửiGửi: Wed Jan 16, 2008 7:15 am    Tiêu đề: NGƯỜI CHÚ PHONG TRẦN - (NGUYÊN KHÁNH)




NGƯỜI CHÚ PHONG TRẦN

NGUYÊN KHÁNH

“Người trai thời loạn phong trần
Sa trường trận mạc bao lần xông pha.
Bốn phương lính tráng làm nhà
Đổi Đời tù tội cà tha mút mùa.
Quan Ba ngày trước lắm cô
Bây giờ quạnh quẽ, vợ ta treo giò.
May mà con cái thương cha
Chút tình an ủi ông già phòng đơn.”


Nguyên đang cặm cụi ôm bình xịt thuốc trừ sâu rày lên giàn nho xanh tốt. Nho kỳ này khá sai quả. Những chùm trái xanh um, chen lẫn một vài trái bắt đầu chuyển sang màu vàng nhạt tím rịm. Chiếc bình cũ kỹ làm bằng kim loại trắng muốt i-nốc xi đáp. Bình không sét rỉ vì có tráng lớp kim khí sáng lóng lánh. Trời càng về trưa, bầu không khí càng trở nên nóng nực, oi ả vô cùng. Nắng gay gắt đổ xối xả xuống khoảng sân cạnh cây mít cao to, cành lá xum xuê, rậm rạp, che kín cả một góc mặt trước nhà. Cây mít lai Tố Nữ, mùa này, có nhiều trái treo lủng lẳng trên cành và thân xù xì xám xịt. Trông thật đẹp mắt. Phân bò chàng thu nhặt về chứa một khoảng sân nhà. Phân lấy từ các ngã đường quê hay bãi cỏ, nơi có trâu bò gặm nhấm. Hay từ các rẫy vườn, các lề đường. Chàng đem về trữ, ủ, chứa, để dành bón phân cho vườn nho và cây ăn trái. Bây giờ, vườn nho quanh nhà, được tươi tốt, xanh um, mơn mởn như thế này là nhờ công sức của vợ chồng Nguyên.

Ông đang lao động hăng say ngoài trời, chợt có tiếng xe Honda đổ xịch trước cổng ọp ẹp xập xệ cũ mèm. Cổng làm bằng dây kẽm bọc sắt. Giờ nó đã hao gầy sét rỉ lỗ chỗ. Chiếc xe dừng bánh trên con hẻm nằm sâu trong xóm nhỏ của dân lao động nghèo thuộc Khu Máy Nước Phan Rang. Phía sau nhà ông Nguyên là những thửa ruộng nằm phơi mình dưới ánh nắng gay gắt của Thị Trấn Khô. Bên kia là khu xóm Tấn Lộc chìm trong hoa nắng vàng rực rỡ như pháo bông.

Năm, chồng của Phượng vào báo tin Chú Tám Thiên, đã từ trần sáng nay tại An Xuân, Bà Láp. Nguyên nghe hung tin này, chàng xúc động thật sự. Chàng không ngờ người Chú chưa già lắm, còn khỏe mạnh, lại đột nhiên lìa đời. Thế là chàng vội vã thu dọn dụng cụ xịt nho. Tắm vội vã, mặc quần áo, lấy xe gắn máy đi ngay. Con đường lộ đi ngang qua núi Cà Đú dài hun hút. Nắng chói chang. Nắng như thiêu, như đốt. Nắng nhá lửa. Hoa nắng bay mênh mông, bát ngát trong buổi trưa hè nóng nực hết nói. Cây cối hai bên đường đứng im phăng phắc, vàng úa, xác xơ, tiêu điều quá cỡ thợ mộc... Quang cảng núi rừng Cà Đú quạnh hiu, ảm đạm, khô cằn sỏi đá nằm phơi mình, lịm dần trong hơi nóng đang bốc lên ngùn ngụt. Nhất là khu Nghĩa Trang nằm sát núi đá mênh mông khô khốc, càng lồ lộ vẻ thê lương, hoang vắng. Những nắm mồ cứ lan dần.

Khi Nguyên bước vào nhà Lương, đứa con trai trưởng của Chú, thì trời đã đứng bóng. Chú nằm đó, trên chiếc phản nhỏ, giữa nhà. Chú đã hồn lìa khỏi thân xác tứ đại, ô trượt, vô thường, giả tạm từ hồi nào. Tuy nhiên, đôi mắt Chú còn mở trừng trừng. Hình như kẻ xấu số còn nuối tiếc gì đó. Bụng Chú sình trương nhô cao dần dần lên trên. Trông tư thế của người chết thật là khiếp đảm. Nguyên ngồi xuống tấm phản gỗ bóng láng, sát Chú. Chàng vuốt mắt sư thúc.

- Chú Tám bị bịnh gì mà chết lẹ vậy?

Nguyên quay lại hỏi cô Lành, là vợ Lăng, làm giáo viên Cấp 2 tại trường Phổ Thông Cơ Sơ An Xuân. Cô nàng dáng cao gầy, có khuôn mặt thông minh, lanh lợi, đôi mắt sáng long lanh. Linh nhanh nhẩu đáp:

- Dạ Ba bịnh thận lâu rồi, thưa anh Hai. (Nguyên thứ hai trong gia đình mình)

Chàng nhìn kỹ ông Chú vắn số lâu hơn. Da Chú trắng nhợt. Mặt Chú hơi sỉn.

- Chú đó sao, Chú Tám?

Nguyên nói khẽ với chính mình. Ông Chú là con trai út của Ông Bà Nội. Sau Chú, còn Chú Chín Hồng. Tuy nhiên, Chú này sống đời không lâu. Chú đã về chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế hồi còn bé tí tẹo hà. Ngoại trừ, Cô Mười là gái út. Nay đã thành Bà Nội, Ngoại rồi.

o0o

Chàng còn nhớ Chú Tám là một thanh niên, kiên cường, khỏe mạnh, dũng cảm hết chê. Một quân nhân kiêu hùng, bất khuất, gan dạ, từng vào sanh ra tử, xông pha trận mac, dù Chú đang ở trận tuyến nào. Lúc còn trẻ, sống chung với cha mẹ ở Phước Khánh. Chú ít có nhịn ai, dù là người thân hay anh ruột trong nhà. Có mấy lần xích mích với Ba Nguyên, là anh cả trong gia đình, nhưng Chú bướng bỉnh, không chịu nhường nhịn. Chú đã đánh u đầu anh Hai, tức ông Hải, bố chàng, rồi bung cửa, bỏ chạy lúc nửa đêm. Nhưng sau đó, khi cơn giận đã nguội dần, anh em hòa cả làng và vui vẻ với nhau như bình thường. Có lần, Nguyên bị Ông Nội giận dữ đánh chàng một bạt tai nhá lửa vì có lỗi đã gây ra xích mích với người hàng xóm, cũng là bà con bên Nội. Đó là Ông Lý, nhà sát nhà Bà Nội. Khi đi gắp lửa về nấu ăn, cậu day qua lấy mấy cây tre dùng làm bẫy dong, đem về mắc trên chái bếp. Một hôm, Chú An, con Ông Lý, qua bếp nhà Bà Nội tìm lửa về nhóm lò để nấu ăn. Trông thấy bẫy dong của mình bị ai lấy đút lên đấy. Thế là chú cầm về nhà hết trơn vì là của chính tay chú vót ra mà. Không ngờ, Chú Tám bắt gặp, tưởng ăn cắp của nhà mình. Chú nổi giận tát Chú An một bạt tai trời giáng. Tuy Chú Tám dáng người lùn hơn Chú An một cái đầu, nhưng Chú lớn hơn chú này vài ba tuổi gì đó. Vả lại chú có sức mạnh và gan bẫm hơn, Không ngờ câu chuyện do hiểu lầm nhỏ như vậy mà bỗng vỡ ra, phình thành to. Chỉ vì hai hiệp sĩ người hùng “Tâm Tượng” vốn không ưa nhau từ lâu. Cả hai gia đình ở sát nhà nhau, tuy là bà con với nhau, nhưng thực tế, cũng không mấy thích nhau. Quả là:

“Cái ta nhiều lúc lớn mênh mông
Thù hận, ghét ghen, chẳng thể ngừng.
Ai cũng muốn hơn người khác cả
Cõi đời trần tụỉc quả đau thương.”


Lúc đó, Ông Ba Lý thấy con mình bị kẻ khác hiếp đáp, đánh sưng mặt. Vốn binh vực thương yêu chìu chuộng thằng con trai một quá mức. Họ nâng niu cậu út rượu, cậu ấm, cậu chiêu, khôi ngô tuấn tú giống bố vô cùng. Ví thế Chú Tám bị Ông Bà Lý, hợp cùng công tử Phước Khánh, xông ra một lượt. Bộ tam tấn công ồ ạt, dữ dội. Họ tha hồ đánh, thoi túi bụi vào mặt, vào người, xô Chú ngã nằm ngửa đưới mặt đất tại ngay lối thông giữa hai nhà phía sau, gần vườn trầu của Bà Nội Nguyên. Tuy nhiên, Chú gan dạ, bất khuất, can cường, lì đòn. Chú tỏ ra dũng cảm, kiên cường, đương dầu đơn thương, độc mã. Chú chấp tất cả. Chú không sợ thằng Tây, thằng Tàu, thằng Nhật... nào cả. Dù bị thất thế, bị tấn công bất ngờ ngay từ đầu, nhưng Chú chiến đấu không hề nao núng, không hề rên la, than vãn, hay đầu hàng ai cả. Ngược lại, Chú may mắn chụp rị được đầu tóc Ông Lý và đập Ông tơi tả, hoa lá cành. Ông bị thương, sưng vù mặt mũi, đau đớn vô cùng, Hai người kia cứu không được dù cứ đánh vào thân Chú cụi cụi, bành bạch. Chú cứ dùng bàn tay mặt to thô cứng như thép của mình nện mặt ai đã đời, cú nào cú nấy như trời giáng. Cuối cùng, Ông Lý chịu không nổi nữa. Ông la làng, la xóm bai bải.

- Ối làng nước ôi! Ối bà con, cô bác, ôi. Thằng Thiên nó giết tôi. Cứu tôi với, làng nước ôi!

Ba người mà đánh không lại một người. Ông Bà Nội nghe ồn ào, tiếng cầu cứu om sòm inh ỏi của ông Lý, vội chạy ra. May mà can ngăn kịp lúc, bằng không thì không biết hậu quả sẽ ra sao. Sau khi nghe kể rõ đầu đuôi sự việc. Ông Nội biết ngay nguyên do chính yếu sự xung đột đả thương nhau là tại thằng cháu đích tôn, con trai đầu của Hải, trưởng nam của Ông. đã dại dột gây ra. Ông giận dữ quay lại cậu bé lúc đó chừng 6 tuổi. Ông trừng mắt nhìn cu cậu, mặt tái nhợt vì sợ hãi. Ông đưa tay chấn cậu một bạt tai tá hỏa tam tinh.

“Một lần cháu tởn tới già
Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân”.


Nguyên còn nhớ, một chuyện đau buồn đã xẩy ra cho gia đình Ông Bà Nội, sau đó không lâu. Việt Nam lúc này, đã bị thực dân Pháp đô hộ trở lại sau khi Nhật Bản thua trận và đầu hàng quân Đồng Minh. Ngày hôm đó, lính Pháp đi ruồng khắp làng Phước Khánh. Một toán lính Tây hành quân. Chúng ngang nhiên xé rào phía trước hiên ngôi nhà của Ông Bà Nội và xông vào lục soát bươi móc, xô ngã, tung xới đồ đạc tứ nhãn âm binh, tùm lum, tu dí, khắp cả trong ngoài nhà Từ Đường. Tuy nhiên, nhà Nội nghèo mạt rệp, đâu có gì quý cho chúng cướp giựt, chôm chĩa. Lúc bấy giờ, Má Nguyên chừng 25 xuân xanh là cùng. Má chàng vốn là hoa khôi vùng quê duyên hải, Sở Muối Thương Diêm / Cà Ná. Má cao ráo, mặt hoa, da phấn, tóc huyền óng ả. Má chàng là một giai nhân tuyệt sắc lúc đó tại nơi khỉ ho cò gáy này, dưới con mắt của cậu. Bà Lê, mẹ cậu, khôn lanh đáo để. Má bôi mặt bằng lọ nồi, giống như cô bé Lọ Lem. Má trùm mền rên hừ hừ giả bịnh. Má biết chút ít tiếng Tây, nhờ hồi nhỏ theo học tại trường Sơ Học Thương Diêm. Mấy thằng lính háo sắc dâm đãng, khi đi ruồng, hễ gặp gái trẻ đẹp là hiếp dâm. Một cô gái ở Sông Cạn, cách đây có mấy hôm, diễm lệ quá chừng, bị một đại đội Lính Pháp và Lê Dương hãm hiếp. Cô ta bị ngất xỉu, nhưng chúng không tha vì nàng quá xinh xắn, nõn nà, một mỹ nhân. Nghe nói sau này, tới thằng thứ ba mươi hai, thì nàng đã tắt thở từ hồi nào. Thật là bi thảm tang thương cho má hồng mệnh bạc.

Trở lại tại nhà Nội Nguyên hôm đó. Bọn lính Thượng theo sau thằng Quan Một, gốc Gaulois trăm phần trăm, bà con ơi! Nó tiến lại phía Má cậu định làm ẩu. Tuy nhiên Bà Lê thều thào:

- Je suis malade, très malade Monsieur.

Tên Pháp liền lấy thuốc đưa cho má cậu. Tuy nhiên, tên lính Thượng đóng khố đi theo tên Sĩ Quan Pháp, sau khi lục lọi khắp nhà, không tìm thấy vật gì quý giá, chúng có thể vơ vét được. Ông Nội có chiếc kính lão, bị nó cướp đi. Ông vội chạy theo nó năn nỉ ỉ ôi cách mấy, công mất công. Hôm đó, nhiều thanh niên trốn thoát được. Song có một số bị rượt bắn chết tại ngoài đồng ruộng lúa, tọa lạc phía trước ngôi làng quê nghèo nàn, đất cày lên sỏi đá. Trong số nạn nhân bị giết thê thảm, xác phơi ngoài đồng trống trơn, trơ gốc rạ, có xác Chú Năm Trinh, anh của Chú Bẩy và Chú Tám. Vợ con chú khóc thảm thiết. Chú chết đi, để lại một vợ, hai con gái. Một số cán bộ Việt Minh bị Pháp bắt và hành quyết sau đó. Ủy Ban Kháng Chiến địa phương làm những ngôi mộ giả phía trước Chùa Phước Khánh và long trọng làm Lễ Truy Điệu tử sĩ sau khi giặc Pháp rút khỏi làng. Nhiều thanh niên tham dự lễ này. Sau đó Chú Tám đi theo Kháng Chiến.

Trong thời gian Nguyên ở nhà Nội tại ngôi làng bé nhỏ ven dòng Sông Dinh sát thành phố Phan Rang. Quê Nội chàng nằm cách Thị Trấn Khô chỉ một chuyến đò ngang vào mùa nước lớn. Giặc Pháp thường bố ráp, truy lùng Việt Minh hoạt động tại đây. Nguyên còn nhớ, hôm đó Nguyên đi xuống quán mua cho Nội vài thứ cần dùng nấu nướng. làm đồ gia vị như đường, tiêu... Chàng đi ngang qua ngôi đình cạnh cây me to cao chất ngất, cành lá xum xuê, tỏa mát cả một vùng đất trống. Nhiều lính quốc gia đang ngồi nghỉ dưới bóng cây me. Nào khẩu trung liên Bar, tiểu liên, súng trường, họ để nằm ngổn ngang trên mặt đất. Lúc cậu đi qua con đường lộ chính của làng, chợt cậu nghe có người gọi từ phía gốc cây keo, nằm cạnh khu nghĩa trang bé nho, chỉ rải rác có mấy nắm mồ, xơ xác, cỏ cây úa vàng trong một góc thôn làng vắng vẻ, đìu hiu. Nắng chang chang. Trời nóng nực vô cùng.

- Này cậu bé!

Nguyên quay lại thấy một chú lính trẻ đang ngồi phục kích dưới gốc cây keo. Trên đầu người lính, treo lủng lẳng bị đạn vào cành cây tua tủa gai nhọn. Chú cầm khẩu súng trường, Y vẫy tay. Cậu cảm thấy sợ hãi, phải tuân lệnh kẻ có vũ khí trong người. Cậu ríu rít, từ từ tiến lại gần y. Y ra lịnh, vừa nghiêm nghị, vừa khẩn trương:

- Này cậu bé! Cậu hãy vào trong xóm xin cho chú một gáo nước uống. Nhanh lên. Chú khát quá.

Người lính trông có vẻ phờ phạc, mồ hôi mồ kê rìn rịn trên khuôn mặt trẻ trung. Da hơi sạm chút sương gió, cát bụi đường xa. Bộ quần áo trận xanh nhạt, còn mới. Nguyên thấy tội nghiệp vội chạy vào xóm tìm xin nước cho y. Chàng múc một gáo dừa nước sông trong veo từ trong lu của một nhà dân, tận xóm bên kia đường. Y vui vẻ cầm lấy gáo nước uống một hơi, như người đang khát dữ lắm. Y không nói cám ơn. Y ngước nhìn cậu bé lại ra lịnh:

- Cậu ra đứng bên ngoài và giơ tay lên. Ta sẽ hành quyết cậu vì cậu là liên lạc viên cho Việt Minh.

Trời đất quỷ thần ơi! Cậu la hớt hải: “Không phải! Không phải!” Vừa la, vừa ba chân bốn cẳng, cậu chạy thục mạng. Chạy nhanh như cắt. Chạy như bị ma đuổi. Chạy lẹ như tên bắn. Cậu chạy rẽ qua con đường dưới hàng tre cao, rậm rạp bên hông Chùa. Chạy một mạch trên con đường quê đất bùn, rồi rẽ vô lối đi nhỏ vào tới cổng nhà Bà Nội mới ngưng lại. Cậu bé còn kinh hãi vì sợ người lính bắn theo. Lúc bước lên thềm an toàn, cậu mới nhận ra là chú lính chỉ dọa thôi. Bởi vì, nếu chú muốn bắn thì cậu làm sao thoát được đây? Tại cậu nhát như thỏ đế. Mới nghe hù dọa là kinh hoàng dọt nhanh như cắt. Chắc y nhìn theo cậu bé cười ngặt nghẽo khoái chí vô cùng.

Chú Tám đi kháng chiến một thời gian lâu. Chú hoạt động vùng Thương Diêm - Cà Ná và nhắn tin cho Bà Lê, mẹ Nguyên biết lúc họ đang ngụ tại nhà Bà Ngoại cậu. Nguyên còn nhớ tối hôm ấy, hai mẹ con cậu đi gặp Chú. Cậu còn nhớ rõ sự việc như mới vừa xẩy ra hôm qua. Trời đã chạng vạng. Bóng tối buông phủ rất nhanh trùm xuống ngôi làng duyên hải vùng Sở Muối Thương Diêm, cạnh núi rừng bao la bát ngát. Con mương thoát nước ra biển cả xuống phía nam. Nước từ suối nguồn xa tít tận trên cao, vùng sâu thăm thẳm ngút ngàn nào đó. Về mùa mưa lũ. Con nước từ rừng núi phía xa chảy ra biển theo hai hướng. Một là chảy qua Cầu Hoằng làm bằng đá thấp thoai thoải trên con lộ nối từ Ngã Ba Cà Ná cây số 30km và Quốc Lộ 1 gần nhà ga Cà Ná. Hai là nước từ nguồn xa đổ xuống con mương nhỏ, chạy dọc theo con đường quan từ Ngã Ba nói trên, chạy về hướng Sở Muốt làng Thương Diêm.

Tối hôm ấy, con mương trước làng nói trên, nước dâng cao đột ngột, lũ về ào ạt. Hai mẹ con phải xắn quần lội qua. Cậu bé bị ướt cả chiếc quần đùi màu cháo lòng, Lúc họ lên tới bờ bên kia thì đã có Chú Tám và mấy người cán bộ du kích đứng đợi sẵn, gần Ngôi Đình nằm ở đầu làng. Lúc bấy giờ, Nguyên chỉ thấy một người du kích mang băng đạn quanh lưng quần. Súng ống họ giấu đâu hết. Nghe nói Chú Tám thủ cây tiểu liên. Còn mấy người du kích khác mang lựu đạn, dao găm, súng trường. Nguyên thấy Chú mình không cao hơn xưa nhưng dáng dấp dạn dày phong sương và phong cách Chú lồ lộ nét can trường, dũng cảm hơn trước kia. Chú tươi cười, đưa bàn tay mặt hơi sần, chai cứng vò đầu Nguyên. Chú nhìn thẳng vào đôi mắt chàng như sáng hơn trong bóng mờ mờ của ánh trăng thượng tuần vừa nhô lên ở phương đông. Chú ôn tồn khuyên cháu:

- Cháu rán ngoan giúp đỡ Má nhé! Ba cháu đang ở nhà Bà Nội. Nghe nói ông đã khỏi bịnh.

Nghe Bố mình ở Phước Khánh và đã hết bịnh Nguyên rất mừng. Má cậu cũng vui khi tin chồng khỏe mạnh, sức khỏe trở lại bình thường, sau thời gian nằm nhà thương Phan Rang. Má Nguyên đem quà cho Chú Tám, gồm có mấy kí đường, mực, cá khô và đậu nếp. Nguyên nghĩ chắc quà này sẽ chia đều cho các đồng chí. Cuộc gặp mặt ông Chú chừng nửa giờ. Khi nghe tiếng súng của tuần cảnh Pháp nổ phía xa xa. Chú Tám từ giã mẹ con. Đám du kích Thương Diêm - Cà Ná rút lẹ vào rừng núi mênh mông bao la. Họ bước nhanh dưới ánh trăng vàng nhạt lung linh, sáng dần dần càng về đêm. Gió lạnh vi vu thổi vì vèo qua cành cây kẽ lá. Thôn làng duyên hải như thiếp mình trong không khí tĩnh mịch của đêm tối mênh mông, đang bao trùm cảnh vật điu hiu hoang vắng của vùng quê xa xôi hẻo lánh, chó ăn đá, gà ăn muối.

Sau đó cậu cùng Má và em rời căn nhà vùng nước mặn của Ngoại. Họ về sống với Ông Hải, Ba Nguyên ở Phan Rang khi Ba cậu đã đăng cảnh sát tại Thị Xã “Hầu như nóng bốn mùa” này. Riêng Chú Tám theo kháng chiến chống Pháp một thời gian kéo dài mấy năm trường. Chú đã trải qua biết bao gian khổ, thiếu thốn trên chiến khu, mật khu 35, rồi mật khu 7 quanh vùng núi gần Sơn Hải, Chà Bang thuộc dãy Trường Sơn âm u, diệu vợi, thăm thẳm mù khơi. Chú đã tham dự nhiều trận đánh ác liệt. Chú đã chiến đấu một cách kiên cường, dũng cảm chống lại quân thù xâm lược. Chú nổi tiếng là người chiến sĩ anh hùng gan dạ bảo vệ quê hương đất nước thân yêu của mình. Tuy nhiên, càng ngày Chú càng nhận thấy rõ nét mình bị lợi dụng. Dù gian khổ, hiểm nguy cách mấy, Chú cũng chịu đựng được. Song lý tưởng, hoài bão ôm ấp trong tâm khảm của người trai thời loạn đã dần dần phai nhạt khi chứng kiến tận mắt những cảnh thương tâm bất công đấu tranh giai cấp, nuôi dưỡng hận thù của người Cộng sản, chống đối triệt để, tiêu diệt tận cùng với khẩu hiệu “Đả trí, phú, cường hào, Đào tận gốc, trốc tận rễ.” (Hà Văn Tập). Họ chủ trương Tam Vô chủ nghĩa “Vô gia đình, vô tổ quốc và vô tôn giáo”. Chủ Nghĩa Duy Vật Vô Thần thật xa lạ với nhiều người tham gia kháng chiến lúc bấy giờ vì tinh thần yêu nước, yêu đồng bào, yêu quê hương, xứ sở. Vì thế Chú chán chường, rời khỏi chiến khu. Chú về ở luôn tại quê nhà một thời gian. Rồi, người hùng Phước Khánh đăng lính quốc gia. Một hôm phía bên kia đem quân tấn công Đồn Phú Quý. Khi đó, Chú đóng tại đây. Chú đã chống trả mãnh liệt những đồng đội, những bạn hữu cùng sống trong mật khu kháng chiến, đã từng vào sinh, ra tử tại tại các chiến trường chống quân Pháp trước kia, Họ cứ gọi tên Chú hãy đầu hàng. Tuy nhiên, Chú vẫn kiên cường chống trả trước sự tấn công mãnh lịệt của đối phương. Trận chiến đẫm máu kéo dài đến gần sáng thì họ phải rút lui khi quân họ bị nhiều thương vong.

Từ đó, Chú của Nguyên trôi giạt theo bước đường phiêu lãng sông hồ của đời lính chiến đầy gian khổ và phong sương. Nhưng ông Thiên lại ưa cuộc đời binh nghiệp. Chú tình nguyện theo học khóa Sĩ Quan Trừ Bị Trường Bộ Binh Thủ Đức, Khóa Đặc Biệt. Song vì vốn liếng văn hóa không khá lắm, Chú thi hỏng, ra Hạ Sĩ Quan Bộ Binh. Chú tánh võ biền, can cường, bất khuất phục cấp trên. Do đó, Chú cứ bị đì, bị đưa đi các đơn vị tác chiến dài dàì. Chú cứ đóng ở các tiền đồn đèo heo hút gió, nơi chó ăn đá, gà ăn muối. Chú trải dài cuộc đời nhà binh hầu như khắp bốn vùng chiến thuật. Nơi nào có địch quân hoạt động quấy phá quê hương là nơi đó có đơn vị Chú trú đóng, canh giữ, phòng ngự hay truy quét. Trong một trận đánh lớn trong Nam sau đó, Chú bị thương nặng, phải nằm Tổng Y Viện Cộng Hòa một thời gian dài. Cuối cùng cánh tai phải của Chú bị cán giá suốt đời. Nhưng Chú không thích giải ngũ. Chú vẫn lưu dụng trong quân đội.

“Người hùng yêu mến nghiệp binh
Xông pha trận mạc thỏa tình nam nhi.
Người trai thời loạn đi về
Phong sương, gian khổ, sá chi hiểm nghèo.
Quê hương bảo vệ cứ theo,
Kiên cường, bất khuất, bồng phiêu hải hồ”.


Ông Thiên thích sống hiên ngang, sống hùng, sống mạnh, sống như một tráng sĩ trong thời chiến tranh, nhiễu nhương, loạn lạc khắp nơi. Ông luôn luôn vui sống và chiến đấu cho lý tưởng, hoài bão của mình đã ấp ủ từ thưở hoa niên. Ông thích hợp với nếp sống nhà binh, thích tác chiến, đánh đấm với quân thù để bảo vệ Tổ Quốc, quê hương, hơn là cuộc sống trầm lặng, bình thản, an toàn hơn, của người lính miền hậu phương, lính văn phòng, chỉ lo canh gác, làm công tác hậu cứ, tiếp vận, yểm trợ cho quân đội đang chiến đấu ngoài sa trường trận mạc. Ông nổi tiếng là “Lính đa tình, đa cảm, lãng mạn ti tí, Sĩ Quan hào hoa phong nhã” (Sau này nhờ có nhiều chiến công ông được đặc cách lên lon nhiều lần. Hiệp sĩ cũng có quá nhiều huy chương cao quý nhờ tài đánh giặc, nhiều mưu trí, dũng cảm và chiến thắng kẻ thù nhiều phen thập tử, nhứt sanh, khi xông pha trận tuyến hiểm nghèo). Vì tánh thích phong tình, hay thương hương tiếc ngọc, hay ưa các cô, các bà sồn sồn có chút nhan sắc, đang độc thân tại chỗ. Cho nên, Chú Tám của chàng đi đâu cũng có bồ bịch, có bạn gái đến đồn binh thăm viếng người hùng bảnh trai vô cùng, dù Chú dáng dấp không cao lắm. Nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. Yêu thương nhau là quý rồi, nhất là trong thời buổi chiến tranh càng lúc càng sôi động càng lan tràn khắp nơi. Chết chóc, thương vong, tang tóc, khổ đau, cứ xẩy ra hằng ngày như cơm bữa. Phải nói hôn nhân của Chú thật là lao đao, lận đận, ba chìm bẩy nổi chín long đong.

Bà vợ đầu tiên cùng quê Phước Khánh, có hai mặt con, một trai, một gái, đã chia tay vì Chú đi xa và có bồ nhí tùm lum. Có lẽ ghen tuông, giận hờn lang quân thiếu chung thủy. Chú thích xé rào, đi ngang, về tắt. Chàng ưa xơi nem chua lạ miệng, lai rai. Cho nên, thiếp cũng khoái chả lụa thơm phức. Người đẹp đã ôm cầm sang thuyền ai. Hai người xây tổ ấm tại Bảo Lộc vì chàng có vườn trà, cà phê nơi đây. Nàng dẫn theo đứa con gái út, giống mẹ như đúc. Thằng con trai trưởng, da trắng, môi đỏ, thiếu thước tấc chút chút, nhưng khá khôi ngô tuấn tú như bố, thì nàng giao cho Bà Nội nuôi. Không chết thằng Tây nào cả. Hợp nhau thì ở chung. Không hợp thì bái bai. Còn trẻ mà .

“Anh có bồ, em có kép
Anh ưa chả, em thích nem.
Anh mê các nường nhan sắc.
Lão giàu đeo riết ai liền.

o0o

Người hùng bạc tiền như nước
Rẫy trà, bát ngát cà phê.
Tình nhân cứ mê dáng ngọc
Thuyền hoa đã rước nàng về.”


Sau đó, Chú Tám gặp một cô, quê Bà Láp / An Xuân. Giai nhân mỹ danh “Đại Mặt Hoa” vì nàng mặt đẹp, môi đỏ, da trắng, tóc huyền óng ả. Quả là hoa khôi trong vùng. Chú mê tít cô nàng sau đó! “Trời xui, đất khiến gặp nàng, anh hùng say đắm dung nhan mặn mà” Má hồng trẻ hơn hiệp sĩ Tâm Tượng khá nhiều tuổi. Nàng nhỏ thua chàng cũng phải 10 tuổi. Hai bên hạnh ngộ như “Cá gặp nước, rồng gặp mây” như “Heo quay thơm phức, gặp bánh hỏi Gò Đền và mắm nêm rau sống, bánh tráng mè nướng vàng um, dòn rụm, hương bay ngào ngạt. Khoái khẩu quá cỡ! Đã thèm quá cỡ, bà con ạ!”. Họ sáp nhau cái ào. Bất kể trời trăng mây nước. Chông gai trở ngại trên đời, không thể nào ngăn trở tình yêu say đắm của chàng - nàng. Tình xuân còn dạt dào, sung mãn. Sau đó, Ngài Quan Ba Thiên đi đi, về về với hiền thê. Chàng cho nàng bốn mống. Hai trai hai gái. Con trai giống bố, khôi ngô tuấn tú, dáng cao ráo hơn cha. Có lẽ vì Thím Tám nhỉnh hơn lang quân đẹp trai một cái đầu chăng? Nhị Long công Chúa xinh đẹp diễm kiểu như mẹ.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến càng ngày càng ác liệt, thì cuộc tình và mái ấm của hai người cũng biến chuyển dần dần theo. Thật vậy, bom nổ, đạn bay, mìn sập các nơi hủy phá nhà cửa công sự, đường bộ, quốc lộ, liên tỉnh lộ, tỉnh lộ. Cuộc sống và sinh mạng cùa toàn dân cả nước bị đe dọa trầm trọng. Chú Tám phải túc trực theo đơn vị hành quân hay trú đóng tại các tiền đồn heo hút, xa xôi hẻo lánh tận Miền Nam xa xôi diệu vợi. Thím Tá không còn theo chồng nữa. Bà Đại Mặt Hoa cứ đóng đô tại quê mình. Từ đó Chú chỉ lai rai gửi tiền về nuôi vợ con. Chú hiếm khi về gặp mặt họ. Nghe đồn Chú có bồ nhí ở xa. Cũng theo tin tức bà con, người hùng đã thành lập Phòng Nhì tại Quận Mỏ Cày thuộc tỉnh Bến Tre, gần nơi Chú đóng Đồn. Tuy nhiên, Thím Tám dù thuộc dạng Sư Tử An Xuân, đáng Chị Hai của Hoạn Thư, dù ghen chồng dữ lắm, Thím cũng tuyên bố với các bạn hàng xóm láng giềng, (Cũng đồng hội, đồng thuyền đồng màu, đồng cảnh có chồng đi lính thú ở xa tít mù khơi hà. Lang quân hay phong lưu, dan díu trai gái, có vợ bé, bồ bịch tùm lum tu día):

- Tôi đếch thèm ghen. Thời buổi chiến tranh ác liệt, an ninh đường sá xa xôi, hẻo lánh, nguy hiểm vô cùng. Tội gì phải lặn lội hàng mấy trăm cây số, để đến đồn lính rình rập bắt ghen, làm nhục chồng đang đứng ở đầu tên, mũi đạn. Thời buổi loạn ly, trai thiếu, gái thừa. Mình đâu có thể nào theo sát mấy ổng. để giữ chằng chằng, ngăn ngừa ổng có bạn gái.

Nhưng Nguyên dư biết tánh ghen của đàn bà quá hiển nhiên. Thím nói dzậy mà không phải dzậy. Ông bà ta có câu “Ớt nào là ớt chẳng cay, Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng” “Gái ghen là gái thương chàng Gái không tình cảm, thì nàng làm ngơ” Thím đã mê Chú vô cùng và cho chàng bốn chốc cơ mà. Lý nào nàng không ghen chàng ư? Đùng một cái, bố Nguyên đột ngột từ trần vì bị tai biến mạch máu não. Cậu đánh điện qua Tiểu Khu Ninh Thuận nơi chàng đang phục vụ. Cậu xin phép Tiểu Khu Bến Tre, cho phép Chú về thăm anh ruột vừa tạ thế. Lúc đó, Nguyên còn nhớ, khi Chú về tới Phan Rang thì đám tang đã xong từ bao giờ. Chú vào thắp nhang tại bàn thờ ông anh trưởng. Xong, Chú đi thăm vợ con và Chú rời quê hương nắng gió. Chú biền biệt mất tiêu. Tứ đó, Nguyên không thấy Chú ghé nhà thăm mẹ con chàng nữa.

Khi Miền Nam sụp đổ, nghe nói Chú bị tập trung cải tạo ở trong Nam nhiều năm. Sau này Chú mò về quê cha đất tổ thì cha mẹ đã quy Tiên từ lâu rồi. Chú bị chánh thất ở An Xuân lạnh nhạt. Chú đã thân tàn, ma dại tay trắng. Các giai nhân, các người tình cũ đã “ô rờ lui” có khói. Đã bái bái người hùng trước kia, chức trọng, quyền cao hào hoa, phong nhã, khôi ngô tuấn tú một thời. Thật vậy, Ngài Quan Ba vào tù khổ sai mút mùa lệ thủy, trời ạ! Chàng sống cu ki trong Địa Ngục Trần Gian.

Tại Phước Khánh, Chú Bẩy, hiện tại trở thành anh cả trong gia đình bên Nội của Nguyên. Thằng con trai lớn, con bà vợ trước của Chú Tám, thằng Theo, đã thành gia thất mấy năm nay. Tuy nhiên. nó đổi xử với ông không được tử tế, tôn kính lắm, dù nó giống cha như đúc. Có lẽ vì ông bỏ bê nó cho Bà Nội nuôi lớn khôn, cho ăn học chút chút với người ta. Còn đứa con gái, em kế nó, đang ở Đà Lạt với mẹ và dượng ghẻ. Nó cũng có nhiều em cùng mẹ khác cha tại thành phố mù sương “Đà Thành rực rỡ hoa đào, Giai nhân da trắng, lao xao mưa phùn”. Nó cũng có chồng con trên cao nguyên rồi. Ông Thiên đã nương nhờ người anh tốt bụng một thời gian. Nhưng anh ông là một nông dân cao tuổi, gia đình con động. Chú Bẩy cũng nghèo đói tơi tả, bữa cơm bữa cháo khi làm Hợp Tác Xã Nông Nghiệp, làm ăn tập thể mà. Nhà Nước Quản Lý toàn bộ đất đai, trâu bò nông cụ... Cho nên, anh không thể giúp em lâu dài được. Cũng may mà các con ở quê vợ thương cha đem về nuôi dưỡng chu cấp. Đứa con trai thứ của ông, thằng Hồng đã bị bịnh hiểm nghèo chết mấy năm trước lúc ông còn trong tù ngục của kẻ chiến thắng. Thằng con trai duy nhất của nó theo mẹ về quê Ngoại ở Cà Ná. Mẹ nó tái giá. Cháu Nội của ông đã khai theo họ người cha ghẻ Cách Mạng nòi từ đời nào rồi. Con gái Út, con Linh, có chồng ở Bà Râu. Thôn làng gồm người Kinh và Thượng ở lẫn lộn, êm ả, hòa đồng. Sơn thôn tọa lạc sát núi rừng bao la bát ngát, nằm cạnh Quốc Lộ 1, trên đường ra Du Long.

Hiện tại, ngụ ở An Xuân có hai con ông. Thằng Lương, Trưởng Nam chí hiếu và con gái thứ con Phượng như đã kể đoạn trên, Chúng chu cấp tiền bạc, cơm nước quần áo, mọi nhu yếu phẩm khác cho bố. Nhà bà xã, tức mái ấm ngày xưa, thì ông cũng lui tới trò chuyện với Thím Tám, cố tri, giai nhân, mà ông từng say mê một thời. Giờ đây, ông cũng còn thương yêu bà cả ghê lắm, Nhưng nàng vẫn còn giận chàng vô cùng. Lửa tâm lên xuống tùy thời tiết nắng mưa của quê hương Ninh Thuận mà lị.

“Lửa tâm càng dập, càng nồng
Tại chàng mê mãi má hồng đâu đâu.
Phong lưu nhiều ả, nhiều cô
Bây giờ phải chịu hững hờ của ai”


Chú Tám ơi! Lúc này Chú đã an giấc ngàn thu. Bao nhiêu khổ lụy, gian nan, khốn đốn của một kiếp người cũng đã tàn tạ theo mây khói, phù du. Đám tang của Chú được tổ chức đơn sơ. Hai Sư Cô Chùa An Xuân tụng kinh cầu siêu đưa hương linh Chú một quãng đến Khu Nghĩa Trang quạnh quẽ đìu hiu, núi rừng bao la bát ngát. Bãi tha ma đón tiếp thêm một linh hồn của chúng sanh vừa giũ sạch nợ trần. Chú ra đi thanh thản... Chú yên nghỉ trong lòng đất lạnh. Chú nằm đây giữa vùng tiêu sơ hoang vắng cách xa xóm làng. Ngôi mồ là nhà của Chú ở Cõi Âm. “Sống có cái nhà Chết có nắm mồ”. Từ nay, Chú làm bạn với cỏ nội, hoa ngàn, với trăng thanh, gió mát... Cả một đời phong sương gian khổ của Chú, của người trai thời loạn, còn in trong trí nhớ của người thân, vợ Chú, các con Chú, các cháu của Chú, anh em Chú...

Những năm tháng dài vào sanh ra tử trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhiều năm đi lính Quốc gia, bảo vệ quê hương đất nước. Chú đã từng nằm gai nếm mật, bị thương tật bao lần. Chú cứ lặn lội hành quân tác chiến liên miên, tù tì, của người trai thời thế nhiễu nhương. Chiến tranh tương tàn, ý thức hệ khốc liệt, tang thương biến đổi, ụp phủ lên dân tộc Việt Nam. Rồi nhiều tấm lịch người hùng phải bóc trong các trại tù khổ sai lao động của kẻ chiến thắng, sau ngày Đổi Đời đầy bi thảm của đất nước Việt Nam thân yêu, xứ sở của con Rồng Cháu Tiên. Cháu cầu mong Chú an nghỉ trong cõi an vui. Cháu cầu nguyện hương linh của Chú được siêu sanh vào cõi an lạc hạng phúc vĩnh hằng.

“Chú nằm đó an nhiên Âm Cảnh
Mọi khổ đau, tiêu tán gió lùa
Nợ trần dứt, Chú về Cõi Tịnh
Cỏ và hoa tươi thắm mộ người xưa.”


NGUYÊN KHÁNH

Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân