TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Buổi Chiều Ở Thị Trấn Sông Pha
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Buổi Chiều Ở Thị Trấn Sông Pha

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
Lâm Huê



Ngày tham gia: 14 May 2009
Số bài: 53

Bài gửiGửi: Sun Nov 15, 2009 12:08 pm    Tiêu đề: Buổi Chiều Ở Thị Trấn Sông Pha
Tác Giả: Phạm Thành Châu

Truyen that de thuong. Xin moi doc    


Buổi Chiều Ở Thị Trấn: SÔNG PHA
Phạm Thành Châu


 Mưa càng lúc càng nặng hạt. Thị trấn Sông Pha với hai dãy phố trên quốc lộ 20 như chìm ngập trong mưa. Người đàn ông lom khom chạy, tay che đầu, cổ rụt xuống, tưởng như thế mưa sẽ không đổ xuống người. Khi đến một quán ăn, ông ta tạt vào hiên, đứng giũ giũ áo, phủi nước trên tóc rồi mới bước hẳn vào trong. Một cái quán bình thường, giống như bất cứ quán cơm, phở, mì nào trên quốc lộ, tỉnh lộ. Cũng mái tôle, vách ván, vài cái bàn gỗ mộc, trên để ống đũa, muỗng, mấy chai xì dầu, nước mắm.....vài con ruồi bay lãng vãng. Mùi ẩm mốc, mùi đất lẫn với mùi thức ăn gợi cho ông ta cảm giác dễ chịu, tưởng như quen thuộc với nơi nầy rất lâu.

Trong quán đã có vài ba người đang xì xụp ăn, mấy ly bia đã cạn. Có lẽ họ là thợ rừng vì bên lề đường có một xe be chở mấy súc gỗ to tướng, dài cỡ vài chục mét. Họ vừa ăn vừa nói chuyện nhát gừng với nhau. Người đàn ông tìm một góc, ngồi tránh gió lùa. Qua khung cửa sổ ông ta nhìn đăm đăm cái dốc cầu lỡ lói, rồi nghiêng người nhìn cho rõ cái cầu sắt, đen đủi, giống một con thú yên lặng chịu đựng cơn mưa lạnh. Mấy người đàn ông ăn xong, kêu lên “Tính tiền, bà chủ!” Một chị đàn bà, cỡ dưới bốn mươi, từ sau quày đi ra. Họ đối đáp, cười nói xã giao vài câu trong lúc trả tiền, rồi toán đàn ông cũng lom khom chạy ra xe, nổ máy. Chiếc xe be ì ạch leo lên giốc cầu, chậm chạp như con khủng long trườn qua giòng nước chảy xiếc phía dưới, mờ dần trong mưa.

Có tiếng lao xao ngoài đường. Mấy toán học sinh đi học về. Chúng đi từng bọn với nhau, trò chuyện. Những chiếc áo mưa đủ màu. Bọn con gái đi nép dưới hiên nhà, bọn con trai thì lội ngược giòng nước mưa, dùng chân tạt nước vào nhau, đuổi nhau...Buổi chiều mưa u ám bỗng như sống động hẳn lên vì lũ học sinh. Người đàn ông chợt nhớ lại, lần trước, cách đây vài mươi năm, ông cũng ngồi trong quán ăn nhìn ra đường và bọn học trò cũng đi học về. Cảnh vật, nhà cửa hai bên đường đã hoàn toàn đổi khác nhưng chiếc cầu sắt và lũ học trò vẫn thế, dù lần trước trời không mưa, các cô thì áo dài trắng, các cậu quần xanh áo trắng. Ông ngạc nhiên tưởng chừng những cô cậu học sinh ngoài kia vẫn cứ đi học từ lúc đó đến bây giờ. Dáng đi dịu dàng của các cô, vẻ nhanh nhẹn vô tư của các cậu vẫn thế. Và nếu không có cơn mưa, ông đã đứng trên dốc cầu ngắm các cô đi học về rồi lần xuống bờ sông, nhìn mê mãi giòng nước như ông đã làm trước đây, khi ông còn trai trẻ.
“Thưa ông dùng chi?”
Chị chủ quán đứng bên ông tự lúc nào “Xin lỗi chị!..”
“Dạ, không sao. Ông có định ăn hay uống món gì? Hay ông chỉ ngồi trú mưa, cũng không sao!”
“Chị có cháo lòng không? Tôi nhớ lần trước, có ghé lại một quán ăn nào đó, hình như đằng kia kìa, có món cháo lòng ngon lắm”
“Dạ tôi cũng có cháo lòng nhưng có lẽ không ngon như ở cái quán mà trước đây ông đã ăn”
“Thú thật tôi cũng không nhớ có ngon không, nhưng ở đó có một kỷ niệm nên tất cả thành ra đẹp và ngon. Lúc nãy tôi đi tìm quán cháo lòng thì người ta chỉ đến đây. Bây giờ sao không còn thấy cái quán đó nữa, chị?”
“Dạ, quán đó đã đóng cửa, bán nhà cho người khác rồi”
“Tiếc quá! Chị cho tô cháo” Trong lúc chị chủ quán lúi húi làm việc, ông ta để ý mới biết phía trước là quán ăn, phía sau làm nơi cư ngụ của cả gia đình. Lối đi vô nhà sau nằm ngay nơi bếp, cách biệt hẳn hai nơi rõ rệt.
Một cô học trò chạy ùa vào nhà “Thưa mẹ, con đi học về!” Nó xoay qua chào ông khách “Chào bác ạ!” “Vâng, chào cháu!” Nó chào xong là biến mất sau cửa.
“Hùng ơi! Nhớ nấu cơm kẻo ba con về không kịp” Tiếng con bé từ sau nhà vọng ra “Sao giờ nầy ba chưa về, mẹ?”
“Nghe ba con nói chiều nay ghé trường đón em con rồi ra xưởng họp hành gì đó” Chị chủ quán bưng tô cháo đến, ông ta hỏi “Con gái sao đặt tên Hùng như con trai?” Chị cười “Ở trường nó tên Hồng, ở nhà quen gọi Hùng từ lúc nhỏ, chúng tôi cắt tóc ngắn, cho mặc đồ con trai, chúng tôi thích con trai...”
“Tôi thấy tên Hùng đặt cho con gái có vẻ hợp lý. Nhiều ông tên Hùng mà chẳng hùng dũng gì cả, như tôi chẳng hạn”

Chị chủ quán đặt tô cháo trên bàn, không trả lời, chỉ liếc nhìn ông khách, xong chị quay về ngồi sau quầy, khuất sau mấy bó hành xanh, ớt chín đỏ treo tòn teng như những vật trang trí. Người đàn ông thong thả nhai những miếng lòng, miếng gan, mắt vẫn lơ đãng nhìn ra đường mưa. Chị chủ quán chăm chú nhìn ông khách ăn, rồi như chợt nhớ ra điều gì, chị lấy trái chanh, xắc mấy miếng, đặt trên cái đĩa nhỏ mang ra
“Tôi quên đem chanh. Ông có uống gì không? Nước ngọt hay bia?”
“Chị cho tôi xin trà nóng. Trời mưa uống trà thích lắm”
“Dạ, ông chờ cho chút, tôi có sau nhà, trà cho khách uống không được ngon”
“Cám ơn chị. Có lẽ tôi là khách đặc biệt mới được chị đãi trà ngon”
“Dạ, tôi đoán ông sành uống trà nên phải có trà thơm cho ông. Thường ngày khách chỉ uống cà phê, trà buổi sáng. Họ ngồi chuyện trò cả buổi nên chỉ dùng trà thường”

Chị chủ lại về ngồi chỗ cũ. Cô gái sau nhà đi ra, âu yếm ôm vai mẹ. Hai mẹ con chuyện trò nho nhỏ gì đấy. Ông khách nhìn và cười
“Ra đường người ta tưởng là hai chị em. Giống nhau quá!” Chị chủ quán cũng cười
“Nó lớn rồi, lên trung học mà cứ làm nũng với mẹ như con nít” Chị nói với con gái
“Nước sôi rồi, con lấy hộp trà trên bàn thờ ra đây cho mẹ. Xong rồi lo học bài, làm bài. Theo mẹ hoài, bác khách cười cho”

Ông khách không dám nhìn lâu, sợ bất nhã, nhưng cũng nhận ra chị chủ quán có đôi mắt đẹp và buồn xa xăm như đăm chiêu về một nơi nào. Bỗng ông nhíu mày lại, đôi mắt đó, hình như ông đã gặp ở đâu? Ông ngước nhìn chị, bắt gặp chị ta cũng đang nhìn ông. Cả hai có vẻ bối rối.
Ông đành hỏi một câu cho bớt ngượng
“Chị lập quán nầy lâu chưa?”
“Dạ, sau giải phóng độ vài năm”
“Chắc chị người vùng nầy? Tôi nhớ lần trước có thấy đâu đó mấy chữ Thị Trấn Sông Pha, hình như lúc vừa từ đèo đổ xuống, chữ lớn lắm”
“Nó còn đấy chứ, có lẽ trời mưa nên ông không thấy” Chị chủ quán bưng bình trà và một cái tách trên một khay nhỏ
“Mời ông dùng trà”
“Cám ơn chị. Buôn bán có khá không chị?”
“Dạ, cũng đủ sống. Mọi khi trời không mưa thì giờ nầy cũng có lai rai khách đến nhậu”
“Chị cho tính tiền”

Sau khi trả tiền, ông khách nhìn ra đường
“Mưa lớn quá!”
“Mọi năm, tháng nầy đâu có mưa. Hôm qua trời còn nắng mà cũng không lạnh” Và như hiểu ý, chị nói “Trời còn mưa, nếu không vội, ông cứ ngồi đây tự nhiên”
“Cám ơn chị, tôi định đi loanh quanh đây, nhưng mưa quá!”
“Có lẽ ông muốn tìm ai?”
“Tôi tìm một người quen. Thú thật, tôi chỉ nhớ tên, chứ không nhớ rõ người, lâu quá!”
“Chắc ông biết nhà?”
“Thì cái quán đằng kia, nhưng đã đổi chủ rồi nên tôi chỉ đi lang thang cho đỡ buồn. Nói đúng ra, tôi tìm một kỷ niệm. Mà chị biết, kỷ niệm thì người thích thì giữ, người không thích không muốn nhớ đến. Nhiều khi chuyện không đâu, chẳng có gì đáng nhớ, lại nhớ suốt đời...”

Chị chủ quán về lại sau quày, có vẻ tò mò
“Người quen mà mình quên mặt! Thế làm sao ông tìm?”
“ Giả như có tìm ra người, chắc gì người nhớ ra mình. Lâu quá! Cỡ vài mươi năm, cho nên tôi tìm cho biết thôi. Tôi nói thế nầy, chắc chị thông cảm với tôi liền. Bây giờ, tình cờ chị tìm thấy quyển vở, quyển sách thời còn đi học, hay rõ hơn, chị đọc lại quyển lưu bút chẳng hạn, chị sẽ bồi hồi nhớ lại tất cả, thương yêu tất cả. Mà những người bạn trước kia, nay đã khác rồi, từ gương mặt đến tâm hồn, suy nghĩ, cho nên trong những giây phút hồi tưởng đó, cách tốt nhất là chị đến trường cũ đứng nhìn, chị sẽ thấy lại cả một quãng đời thanh xuân với bạn bè ngày trước... Nghĩa là nó ở một thế giới khác, cách biệt hẳn với hiện tại. Tôi cũng thế, tôi muốn đến đấy, ngồi lại cái quán ăn cách đây mấy chục năm, gọi một tô cháo, ăn xong, lang thang trên đường nầy, đứng ở dốc cầu kia, ngắm mấy cô nữ sinh đi học về, rồi xuống dưới bờ nhìn giòng sông. Cũng may, con đường còn nguyên, cây cầu còn nguyên, giòng nước thì vẫn thế, chỉ có cái quán ăn không còn mà thôi. Cái lạ là người tôi muốn tìm, tôi cũng ước ao cô ta vẫn chỉ độ mười sáu, mười bảy tuổi thôi. Không phải cho tôi bây giờ, mà để tôi tìm thấy tôi lần đầu tiên trong đời được cô ta ban cho cái hạnh phúc đẹp đẻ, thánh thiện của tình yêu. Cho nên tôi nói với chị là tôi đi tìm dĩ vãng, tìm người cũng có, nhưng lại không muốn gặp người”

Ông khách nói một hơi như sợ không còn dịp để thổ lộ ý nghĩ mình. Chị chủ quán có vẻ thông cảm
“Coi bộ ông cũng lãng mạn dữ. Nhưng giả dụ, nay, ông gặp lại người cũ, dĩ nhiên bây giờ già rồi, xấu rồi, ông còn giữ tình cảm, đúng ra, tình yêu của ông đối với người đó không?”
“Chị với tôi đều lớn tuổi rồi, nên tôi nói chị sẽ hiểu ngay. Tình yêu lúc đầu là dáng người, ánh mắt, miệng cười, lời nói...Rồi theo thời gian nó không là hình bóng nữa mà là sự cảm thông, chấp nhận, hòa tan vào nhau. Ý tôi muốn nói ở đây là dù cô ta có thế nào tôi vẫn cứ yêu thương. Tôi yêu cái tình mà tôi tin rằng cô ta yêu tôi, yêu cả tình tôi yêu cô ta nữa. Thật khó giải thích! Nhưng chị còn nhớ một bài thơ của ông Phan Khôi có câu “Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi”?

Qua bao năm dài nó còn lại là tấm lòng chứ không phải vì tuổi tác hay sắc diện bề ngoài” Bàn của ông khách cách quày của chị chủ quán độ năm mét, nhưng tiếng mưa nghe rào rào trên mái tôle, ông khách sợ người nghe không rõ, không thông cảm nên ông nói lớn tiếng. Chị chủ quán có vẻ bối rối, nhìn ra đường rồi chị lại cúi xuống lấy ấm nước đến rót vào bình trà cho ông khách “Ông bảo đi tìm người ta mà lại không muốn gặp, vậy ông đến đây làm gì?... Để tôi bỏ thêm ít trà nữa” “Cám ơn chị. Thật tâm, tôi muốn gặp nhưng sợ người ta quên nên không dám đối diện. Mà dù có còn nhớ, tôi cũng không nên xáo trộn cuộc sống của người ta. Chắc chắn cô ta đã lập gia đình, có con cái, sống với hạnh phúc bình thường của một người bình thường” Chị chủ quán đi lấy hộp trà, mở ra, nghiêng đổ một ít vào lòng bàn tay rồi mở nắp bình trà, cẩn thận bỏ vào. Ông khách ngước nhìn chị, hai khuôn mặt gần sát nhau, ông thấy rõ đôi mắt đen chăm chú vào bình trà, chiếc mũi thon, hơi hếch lên, vẻ nghịch ngợm, miệng mím lại nửa như làm nghiêm, nửa như cười, gò má hồng, da mịn.

Ông nghe cả hơi thở nặng nề từ đồi ngực căng phập phồng sức sống của tuổi sung mãn. Ông nói nhỏ “Cám ơn chị, trà thơm quá! Vị đậm và có hậu” Chị chủ vẫn cúi xuống, lắc nhẹ bình trà “Ông chờ một lát cho trà ngấm. Trà Blao ướp ngâu, chúng tôi thường uống trà nầy, quen rồi” Chị quay về quày “Nghe ông kể tôi cũng tò mò, muốn biết câu chuyện ra sao và tên của người hân hạnh được ông nhớ mãi, suốt mấy mươi năm. Tôi sẽ cố tìm giúp ông, biết đâu tôi sẽ tìm thấy... Tôi là người ở địa phương nầy” “Lúc nãy chị bảo tôi lãng mạn, có lẽ đúng. Chuyện chẳng có gì. Với người khác không đáng để nhớ, nhưng với tôi lại là một biến cố lớn trong đời. Đại khái như thế nầy. Năm đó, tôi học đại học sắp ra trường, ở Sài Gòn. Trong dịp tôi theo mấy người anh họ đi dự đám cưới của một người bà con trên Đa Lạt, lúc quay về chúng tôi đồng ý sẽ ghé Nha Trang chơi. Tôi nhớ đó là lần đầu tôi theo quốc lộ 20 nên tất cả đều mới lạ và đẹp. Đèo Ngoạn Mục, Đa Nhim, Sông Pha... Lúc vừa vào thị trấn Sông Pha thì xe bị trục trặc, người lái xe bảo phải chờ hơn hai tiếng đồng hồ để người phụ tài đi mua phụ tùng về thay. Chúng tôi rủ nhau vào quán đằng kia. Trong khi các người anh nhậu nhẹt, tôi chỉ kêu một tô cháo lòng. Cô con gái của chủ quán đem cháo ra.. Tôi đoán thế vì tôi thấy cô đi học về, vào nhà thay đồ rồi ra phụ với gia đình ngay. Cô trông rất có duyên và vui. Bây giờ gặp lại, có lẽ tôi không nhận ra, chỉ còn ấn tượng là cô có đôi mắt đẹp, đen nhánh, như cười, môi hồng tự nhiên. Tôi bảo cô “Anh đi chiếc xe đò kia kìa, nó bị hư ph i sửa, ít nhất vài tiếng nữa. Anh ra đằng dốc cầu kia đứng chơi, khi nào xe đó sửa xong, em bảo họ chờ một lát và cho người ra kêu anh, được không?” “Được chứ, nhưng nếu kêu anh, anh sẽ thưởng gì?” “Nếu là người phụ việc ở đây, anh sẽ biếu ít tiền để cám ơn” “Nếu em gọi?” Tôi đùa “Nếu là em, anh sẽ tặng em quả tim của anh, để em nấu cháo, khách sẽ khen ngon” Cô le lưỡi “Anh nói nghe mà ghê!”

Tính tôi vẫn thế, đến chỗ lạ là thích lang thang, nghiêng ngó cảnh vật, đường sá, nhất là nơi nào có chiếc cầu bắc qua sông là tôi có thể đứng ngắm nhà cửa bên kia bờ, ngắm giòng nước cả giờ không chán. Tôi nhớ rất rõ, khi tôi đứng dưới dốc cầu, mặt trời lặn sau dãy rừng cây âm u phía xa, màu mây trời làm đỏ rực mặt sông, tiếng chim về tổ gọi nhau....Chị có ra đó đứng ngắm cảnh chiều tà lần nào chưa? Đẹp lắm! Vẻ êm đềm của thị trấn yên tĩnh, hiền hòa nầy cứ ở mãi trong trí tôi, biến thành ước ao ngày nào được về đây sống, và mỗi buổi chiều ra ngắm giòng sông... Trong lúc đang mơ màng thì tôi nghe tiếng kêu “Anh đó, về lẹ lên, xe sắp chạy rồi” Tôi ngẩn lên thấy cô học trò, con chủ quán, vừa chạy trên bờ vừa kêu. Cái bờ sông, tuy không cao lắm, nhưng có cỏ, nên cô bị trược chân, gượng lại không được, cứ chạy chúi nhủi xuống phía tôi. Tôi giữ được tay cô nhưng cô cũng ngã nhào vào người tôi, khiến tôi cũng suýt ngã theo. Đôi mắt cô ngước nhìn tôi sáng long lanh. Cô mắc cỡ nên má cô hồng. Tóc cô dài và đen, vướng đầy cánh tay tôi. Không hiểu sao tôi lại đủ can đảm hôn lên môi cô, chỉ hôn phớt thôi.. Môi cô mềm, hơi thở cô thơm như của trẻ thơ. Đó là nụ hôn khiến tôi rung động, hạnh phúc nhất trong đời. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn cảm tưởng như mới đây. Cô đẩy tôi ra, lùi lại, nhìn sửng tôi rồi cô cười và nói “Chạy tìm anh bắt mệt!” Tôi nói “Cám ơn em”. Có lẽ cô bị xúc động nên cứ lúng túng không lên được bờ dốc.. Tôi nắm tay cô kéo đi “Anh tên Hùng, em tên gì?” “Phúc Lan” “Anh sẽ trở lại thăm em” Lên khỏi bờ sông , cô gỡ tay tôi ra và chạy trước. Cô mới lớn, hơi cao và ốm nhưng dáng đi đã uyển chuyển, tóc cô bay trong gió...” Chị chủ quán bỗng kêu lên “Thôi chết, trời mưa mà tôi quên đậy mớ củi, ướt hết!” Chị khoác áo mưa, cứ để đầu trần chạy ra cửa, vòng ra sau hè. Người đàn ông không quan tâm, rót nước trà uống, ông ta như muốn kể cho riêng mình nghe. Một lát chị quay vào, cởi áo mưa treo trước hiên. Đầu tóc, mặt mũi ướt đẫm nước mưa. Chị phân bua “Mưa lớn quá, ướt hết cả!” Chị ra sau quày, lấy khăn xoa đầu tóc, lau mặt, rồi hỉ mũi sụt suỵt. Người đàn ông kêu lên “Chị bị cảm rồi đó!” “Cám ơn, tôi sẽ uống thuốc. Ông kể tới đâu rồi? Xin lỗi, tôi vội quá” “Chuyện đến đó là hết, chẳng có gì hay ho” “Ông hứa trở lại, rồi ông có trở lại không?” “Thú thật, đôi khi tôi cũng quên bẵng đi. Chẳng phải tôi có người yêu khác, mà cuộc đời cứ bắt đầu óc mình quay cuồng với bao chuyện rắc rối, khi nhớ đến cô bé đó thì lại tự hẹn mình chờ dịp thuận tiện.

Rồi vụ đổi đời năm bảy lăm, tôi không thể đi đâu được. Bây giờ tôi ở xa lắm. Hơn nửa đời người, bao nhiêu biến chuyển, chỉ còn đọng lại trong tâm hồn tôi kỷ niệm nhỏ bé với cô Phúc Lan và buổi chiều Sông Pha năm nào. Tôi nhớ người cũ, cảnh cũ lắm mới tìm về đây. Tôi thấy thích ở đây, ở đến già đến chết cũng được” Chị chủ quán cười “Nếu ông về ở đây, hễ đến quán nầy, tôi tính nửa giá thôi. Nhưng bây giờ ông định làm gì, có muốn gặp lại cô bé ngày xưa không? Theo ông kể, có lẽ tuổi cô ta cũng cỡ tôi, cũng đi học cùng trường với tôi, nhưng sao nghe cái tên lạ quá.. Để tôi giúp ông, tôi sẽ hỏi các bạn tôi ở đây, dù cô ta có đi nơi khác cũng còn bà con, bạn bè biết cô ta. Nhưng hỏi ra thì báo cho ông cách nào. Ông có địa chỉ không? Ông có muốn nhắn gì với cô ta không?” “Ý kiến chị vậy mà hay. Tôi chỉ cần biết cô ta ở đâu để có dịp tôi chỉ đến nhìn thôi, chứ không gặp. E cô ta đã quên hẳn tôi rồi! Lại nữa tôi không muốn xáo trộn cuộc sống của cô ta.. Tôi là kẻ ngoại cuộc rồi” “Ông cứ cho tôi địa chỉ, khi tìm ra, tôi sẽ báo cho ông” Rồi chị cười “Tôi cũng bắt chước cô bé ngày xưa của ông, hỏi ông, nếu tìm ra cô ta, ông thưởng gì cho tôi? Tôi không cần tiền cũng không cần quả tim của ông” “Chà, khó hè! Thôi thì như chị nói, tôi sẽ đến quán nầy hằng ngày, suốt quãng đời còn lại của tôi” “Đùa với ông thôi, bây giờ ông cho tôi địa chỉ, nhưng bà xã ông nổi ghen thì không phải lỗi của tôi đâu nghe” “Tôi chẳng có gia đình. Tôi đã là thanh niên râu rồi, lỡ thì rồi! Chị có giấy cho tôi xin tờ, cây viết nữa” Chị chủ quán gọi lớn “Hùng ơi, đem cho mẹ cây viết và tờ giấy” Cô bé chạy ra “Con đem cho bác đằng kia” Chị chủ quán ngồi nhìn con gái và ông khách, ngạc nhiên thấy hao hao như hai cha con. Ông khách hỏi ý kiến chị chủ quán “Có lẽ tôi nên viết mấy giòng cho cô ta để nhắc lại chuyện cũ xem cô có nhớ ra không. Tôi nên gọi cô ta là chị, là bà hay là cô?” “Tôi thấy ông nên viết là bà hợp lý hơn” “Phải rồi, gọi là bà đứng đắn hơn. Rủi người ta không nhớ ra mình cũng không bảo rằng mình thiếu lịch sự” Người đàn ông ngồi nép vào vách để tránh bụi mưa, chống cằm suy nghĩ một lúc rồi cắm cúi viết. Được độ nửa trang ông đọc lại rồi đem đến cho chị chủ quán “Chị xem tôi viết thế nầy có được không?”

“Kính gửi bà Phúc Lan,
“Tôi tên Hùng, cách đây gần hai mươi năm, tôi là người khách đến quán của gia đình bà ăn tô cháo. Xong, tôi ra bờ sông ngắm cảnh trong lúc chờ xe đò hỏng phải sửa chữa. Bà có ra gọi tôi vì xe đã sửa xong, tôi được biết tên bà là Phúc Lan. Tuy chỉ có thế nhưng tôi vẫn nhớ đến bà mãi. Hôm nay tôi ghé lại Sông Pha thì quán của gia đình bà không còn nữa! Tôi chỉ mong được biết tin về bà bây giờ ra sao? Bà chắc đã có gia đình, tôi thì cũng lớn tuổi rồi, không còn như ngày xưa! Thế nên tôi chỉ ước mong bà xem tôi như một người bạn nếu bà còn nhớ ra tôi. Còn như bà đã quên bẵng tôi thì tôi xin lỗi bà về những giòng chữ vô duyên nầy. Tôi đã kể hết cho chị chủ quán, người đưa mãnh giấy nầy, nếu tò mò, xin bà cứ hỏi chị ta. Kính chúc bà và ông nhà và các cháu khang an, vạn sự như ý.. Kính thư . Hùng”

Chị chủ quán đọc xong “Ông viết thế nầy đủ rồi, nếu cô ta có hỏi gì về ông, tôi sẽ kể lại như ông đã kể cho tôi nghe” “Cám ơn chị. Tiếc quá, hôm nay trời mưa, tôi không thể đi lòng vòng thị trấn nầy” “Ở đây buồn lắm, trời mưa lại càng buồn hơn. Ông từng đi đây đi đó...mà lại thích ở đây cũng lạ! Nếu ông chờ, hy vọng ngày mai mưa sẽ tạnh” “Sáng sớm tôi phải đi rồi. Chào chị!” Nói xong ông ta lại xòe tay che đầu, rụt cổ lại đi nép vào hàng hiên. Chị chủ quán ngồi nhìn theo ông ta cho đến khi đi khuất. Chị bần thần đọc lại lá thư rồi xé, ném vào bếp lửa, chỉ giữ lại cái địa chỉ.

Sông Pha Ngày...tháng.. ..năm...

“Anh thân yêu,
“Buổi chiều, lúc anh rời quán, em muốn chạy theo kêu anh, cho anh rõ rằng người anh muốn tìm là em, nhưng không hiểu sao, em chỉ biết ngồi chết lặng. Tối đó, em cứ thao thức mãi. Tưởng tượng anh đang ở trong quán trọ đằng kia, ngay tại Sông Pha nầy...Anh gần đó mà sao em thấy xa vời quá! Tình yêu của em, ước mơ của em, hạnh phúc của em...em tưởng là tuyệt vọng, bây giờ đã hiện ra, nhưng em không còn quyền quyết định nữa!

“Và giờ đây, em đang khóc khi viết cho anh. Khóc vì mừng và giận anh. Sao anh hẹn mà không trở lại? Chỉ một cái trượt chân định mệnh, em ngã vào vòng tay anh, em gỡ tay anh ra nhưng em không gỡ được linh hồn em, cuộc đời em ra khỏi anh.. Đã bao buổi chiều em ra ngồi ở dốc cầu, âm thầm khóc vì nhớ anh. Em tưởng như anh còn đứng đấy. Dáng anh cao, mắt anh sáng, miệng tươi cười với em. Vì lời hứa của anh mà em hy vọng mãi. Nghe tiếng xe đò ngừng trước đường là em hồi hộp, thầm nhủ rằng anh đang xuống xe và đến với em. Chỗ anh ngồi trong quán, không lúc nào là em không nhìn chừng.. Em yêu thương cả đến chỗ ngồi của anh! Và tên anh, nghe người ta gọi nhau, em cũng rung động, nhớ anh.

“Với tuổi thơ ngây, em chỉ cầu mong được gặp anh, nhìn anh, chuyện trò cùng anh, thế thôi. Đến khi trưởng thành, nụ hôn của anh, vòng tay anh thành ước mơ được anh ấp ủ, được quấn quít bên anh.

“Khi quyết định lấy chồng, em cũng ra dốc cầu ngồi khóc đến sưng cả mắt mà chẳng biết tâm sự với ai. Em chỉ biết kêu lên với giòng sông, với gió chiều “Xin hẹn anh kiếp sau” tưởng như gió sẽ đưa lời của em đến với anh. Nhưng biết anh nơi đâu? Chiều nay em cũng lại ra đấy, đứng nhìn giòng sông, lòng em vui khi anh đã quay lại nhưng không khỏi ngậm ngùi vì những ước mơ chẳng còn gì. Em cũng đành thì thầm với giòng sông, với gió chiều “Xin hẹn anh kiếp sau”. Anh bảo rằng đã quên em, chỉ nhớ đôi mắt em rất vui, rất đẹp.. Bây giờ đôi mắt không còn vui, cũng chẳng còn đẹp đến độ anh đã gặp mà không nhận ra em! Em thì giây phút đầu đã biết ngay là anh, nhưng không hiểu anh có còn nghĩ đến em không? Đến khi nghe anh kể lại, khi anh nhắc đến tên anh, tên em, em phải chạy ra ngoài mưa đứng khóc vì xúc động và để khỏi mềm lòng ngã vào tay anh. Yêu anh, nhớ anh đã là một hạnh phúc. Được biết anh cũng nhớ đến em, hạnh phúc và lòng biết ơn anh tràn ngập lòng em. Bao nhiêu năm rồi, nụ hôn của anh, có bao giờ em quên! Dù sao cũng là một an ủi cho em, không bỏ công em lập quán bên đường để chờ anh. Đứa con gái đầu lòng, em đặt tên anh để mỗi ngày gọi anh cho đỡ nhớ, và em cũng không ngờ nó lại phảng phất giống anh... Từ hôm nay em lại nhìn chừng về phía bàn anh ngồi, lại hy vọng. Anh vẫn thế, nhưng em đã thay đổi. Em đã có chồng, có con. Em thương chồng, thương con. Em có một gia đình bình thường, một hạnh phúc bình thường như anh đã bảo. Lý trí em thì nghe theo lời anh “Không muốn xáo trộn cuộc sống của em” Nhưng tự tim em, tự tâm hồn em, cứ mong ngóng được gặp lại anh hằng ngày.

“Hay là thế nầy. Chúng ta thỏa thuận, cứ vào gần cuối mùa Xuân, mỗi năm anh về thăm em một lần, cũng vào buổi chiều như hôm trước. Anh như là khách lạ, ghé vào quán của em. Anh đừng chuyện trò, hỏi han gì em. Anh cứ ngồi đấy, để em được nhìn thấy anh trong chốc lát, là ban cho em hạnh phúc tuyệt vời rồi. Xin anh đừng liên lạc gì với em cả. Em không ghi địa chỉ của em là vì thế.

“Em van anh, đừng thực hiện ý định về sống suốt đời ở thị trấn nầy. Dốc cầu còn đó, giòng sông còn đó, ánh nắng chiều vẫn vậy. Nếu anh về ở hẳn nơi đây, mỗi chiều anh ra đứng đấy thì cái thảm cỏ kia sẽ làm trượt chân em. Lần nầy, em biết, sẽ không gỡ tay anh ra được nữa”

Trích trong tập truyện ngắn “Nhớ Huế” của nhà văn Phạm thành Châu
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Sun Nov 15, 2009 9:55 pm    Tiêu đề:

xxxxx

Được sửa bởi lamnvo ngày Mon Jun 21, 2010 1:45 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Lâm Huê



Ngày tham gia: 14 May 2009
Số bài: 53

Bài gửiGửi: Mon Nov 23, 2009 8:41 pm    Tiêu đề: Trả Nợ Ngọc Lâm

Chào  Ngọc Lâm,

Ngọc Lâm nói đúng ! Ừ ! Đã mang danh dân Mả Thánh mà chơi... chạy coi không được tí nào. Nói kiểu chị Dạ Xoa, đừng để cho ... má nó khi.

Vậy bắt đầu từ đâu nhẩy cho Tờ-Khai-Lý-Lịch-Trích-Ngang của LH đây?

1. Chuyện Tình Xóm Khế.

Quê hương của LH là xóm khế Tấn Lôc. Năm LH ra đời sau nay nghe má LH kể lại, xóm khế nổi đình nổi đám chuyện tình ông giáo làng tên Nguyệt với cô Ba kháng chiến cũ. Hốm đọc NL kể chuyện, biết cô Năm cũng kháng chiến cũ trở về ngụ cư Tấn Lộc một thời gian, không biết cô Năm còn nhớ... chuyện cô Ba?

Nhớ ngày nào bà má LH kể chuyện tình của ông giáo bạn ba ( LH cũng là con nhà ... giáo ), chuyện thật mùi ... Năm đó, trong làng có ông giáo Nguyệt vừa mới cưới vợ được năm bảy tháng, vợ có bầu, chuyện bình thường thôi.

Nhưng không bình thường ớ chỗ ông giáo làng còn quá trẻ ( mới đôi mươi ), tình cờ gặp đâu trong xóm một cô gái lạ, hai bên chớp chớp sao đó thành ... sét đánh. Cũng nên mở ngoặc là làng TL quá nhỏ nên trai gái trong làng ít dám chọc nhau, bởi khi lỡ yêu nhau rồi, hỏi ra hỗng bà con gần thì cũng dính họ hàng xa. Thì ra là cô Ba làng xa ớn kháng chiến rồi, " dinh tê " về xóm khế.

Ông giáo Nguyệt đa tình, yêu vợ mà cũng yêu bồ, hai bên thư từ hò hẹn ra rít lắm.

Các bà chị chồng thấy vậy thương cảm em dâu : - Chớ mợ để vậy sao ?

Bà giáo Nguyệt mới vừa đôi tám,cũng còn nhí lắm, lí nhí trả lời : Ảnh dặn em, không được mét má. Em biết làm sao ?

Rồi chuyện cũng tới tai bà cụ, bà cho mời cậu quý tử lên nhà trên nói chuyện. Bà rào trước đón sau, bà ôn gia huấn ca, bà rèn câu Khổng tứ. Rồi bà cụ chỉ cho 2 lối :

- Con ơi ! Má bàn bạc thế này. Một là con quên đi tình trai gái lăng nhăng, biết trách nhiệm làm chồng và sắp trách nhiệm người cha. Hai là má cho phép con cuốn gói theo tình, ờ, má sẽ sắm mâm trầu rượu đến tạ lỗi với anh chị sui, xin anh chị chờ vợ con sinh nở vuông tròn tươm tất ba má sẽ mang trả con gái lại cho ảnh chỉ. Phần con, cho dù má đã nặng nhọc cưu mang chín tháng mười ngày, rặn đau như xé, nhưng thôi, má như đã sinh ra cái trứng gà, má luộc má ăn hồi nào mất đất. Má cho con kỳ hạn 3 ngày ...

( Lời bàn nhẹ của LH : Người xưa khôn tổ. Gì thì gì cũng nhất quyết bắt cháu, như đi buôn nắm chắc phần lời. Lỗ ai nấy chịu. )

Đúng ba ngày ông giáo lên trình bà cụ, dạ thưa rằng,  thôi thì thôi, tình là phù vân, như mây chiều bay, như nước cuốn qua cầu. Xin má thương con, đừng coi con như trứng gà, trứng vịt, luộc chão nước sôi thì tiêu tán đời con.

Ngồi bên bếp lửa ông Nguyệt lả chả lệ rơi bỏ từng lá thư tình vào lửa, ông mùi mẫn khóc :

- Tình ơi là tình ơi ! Còn đâu anh Nguyệt thương yêu là anh Nguyệt của một đời ... Tui đốt thư cho người ta vui lòng hả dạ ...

Bà giáo Nguyệt đứng xớ rớ đâu gần đó nhìn ông chồng mình bù lu bù loa thương khóc tình buồn, còn có ý giận hờn mình, bèn lên tiếng :

- Không có tui à nha ! Tui không có méc gì hết á ! Mà cũng xin : chia buồn tình... tan.

Xóm hiền nên chuyện có vậy thôi mà cũng một thời ầm ỉ. Nghe nói sau này bà giáo Nguyệt đôi lúc cũng lân la đến gần nhà cô Ba dù chỉ lảng vảng ngoài rào. Có người tưởng bà ... nhớ dai tình địch, bà trả lời,đâu có, chỉ nhìn xem có đứa nhỏ nào giống khuôn ông giáo đặng bắt về, chớ để lạc giòng lạc giống thiệt là tội nghiệp !

( LH lại lạm bàn : Ông thầy làm sai mà biết vâng lời mẹ cha đế sửa, như cổ học tinh hoa, như gương tốt cho trò noi theo, nên đâu lạ ngày xưa lời thầy dạy là vàng là ngoc. )

Cũng có đọc Thất Pháp viết về Tấn Lộc như một xóm Chàm khô cằn sỏi đá, không dám đâu. Ngoài danh xóm khế còn tên xóm rau cung cấp quanh năm cho thị xã. Trồng rau mà đợi nước trời, đợi chết sướng hơn.

Nhà LH ở xóm giữa, gần trường học, ngày ngày nghe quen giọng ê a của học trò, nên 4 tuổi LH vừa biết nói thì năm sau ông nội LH dẫn cháu đến trường giao thầy, ý chừng e ngại nhỡ LH câm lại thì dốt cả cuộc đời.

Thầy học đầu tiên của LH là thầy Can, thầy Hồ Đình Can, nhà thầy ở phố, sau lưng tiệm kem Tuyết Sơn bên hông nhà may Sơn Nữ đầu đường Phan Đình Phùng, ngày ngày thầy đạp xe chân 3 cây số đến trường, phục phịch, chiếc cặp táp to, như đi thể dục, xóm làng có hỏi thầy lên xe quá giang, thầy chỉ có cười.

Mấy mươi năm đi bộ mỗi ngày một vòng Phan Rang -Tấn Lộc, con đường thầy dám ôm vòng trái đất chớ dễ chơi sao !

Có nói ngoa là cả dân Tấn Lộc đều học trò thầy...Các đàn anh Duy Tân : Phan Thanh Mậu ( Mỹ ), Phạm Tá ( Canada ),... đàn em Lê Xuân Lộc ( Canada ), hay Đặng Ngoc Liễn ( nhỏ vậy mà vai anh mới chết )....  và cả những ai LH viết vội nên quên ( xin lên tiếng ), có phải đều đã ăn kẹo bòn bon xanh đỏ tím vàng thầy phát?

Nhớ ngày đầu LH đi học, chẳng chịu đâu, cứ khóc đòi về, làm cô út của LH lớn hơn cả giáp cứ phải cùng ngồi lớp cả tuần, và hàng ngày thầy vẫn lôi trong cặp táp cái bị kẹo to : con thích màu nào, xanh đỏ tím vàng, cứ lấy thầy cho, ăn ngon rồi học, a bê xê dắt dê đi... chơi.

Thì ra cái cặp táp thầy to chỉ toàn đựng... kẹo !

.....

( Kỳ sau : Làm Dân Mả Thánh. Hẹn Ngọc Lâm, anh Danny Luc và các anh chị em Duy Tân. Hì hì. )
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Mon Nov 23, 2009 11:34 pm    Tiêu đề:

xxxxx

Được sửa bởi lamnvo ngày Mon Jun 21, 2010 1:45 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
ledinhduc
Niên Khóa 1968-1975


Ngày tham gia: 12 Jan 2008
Số bài: 801
Đến từ: PR/SG/California/Arizona

Bài gửiGửi: Tue Nov 24, 2009 8:39 pm    Tiêu đề:

Ngọc Lâm thân mến:
Nghe NL và anh LH nhắc đến một người bạn của tai-hạ làm cho mình cũng...nhảy mũi dùm cho anh ấy.
Trên đời này, đối với L.Đ.Đ, chỉ có một Lê Xuân Lộc mà thôi, mà cũng chính là người mà NL đòi... trả thù đó.
Coi chừng nghe, vì nghe đâu LXL cũng có biết và còn nhớ rất chi tiết về chuyện tình...tay ba giữa NL, TP và cô XX ngày xưa còn bé của mấy bạn đó...
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Wed Nov 25, 2009 3:26 am    Tiêu đề:

xxxxx

Được sửa bởi lamnvo ngày Mon Jun 21, 2010 1:46 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Da xoa



Ngày tham gia: 21 Aug 2009
Số bài: 49

Bài gửiGửi: Wed Nov 25, 2009 8:49 am    Tiêu đề:

Dạ Xoa đây , quý vị có cần gì không mà nhắc đến tên.....tiện nữ , hahaha.
Ngọc Lâm không hổ danh là dân Mã Thánh Tây , tính tình ngang ngược , bộc trực , chơi tới bến .
Ngọc Lâm có trí nhớ tốt quá , chứ Dạ Xoa đây quên hết trơn , chỉ còn nhớ...ông xã , hihii.
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Wed Nov 25, 2009 7:54 pm    Tiêu đề:

xxxxx

Được sửa bởi lamnvo ngày Mon Jun 21, 2010 1:46 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
Lâm Huê



Ngày tham gia: 14 May 2009
Số bài: 53

Bài gửiGửi: Sat Dec 19, 2009 8:05 am    Tiêu đề: Học Trò Đạo Long





2. Học Trò Đạo Long.

      Trong mục Trường Cũ Tình Xưa có tấm hình Đám Cưới Ngày Xưa nói cô dâu là Thạch Thị Thường...
      Xem hình, LH chỉ nhận ra được người đầu tiên bên trái, cũng có thể người giống người, nhưng có nét của chị Hồ Thị Kim Thành, cô con gái rượu của thầy Hồ Sĩ Phan, thầy dạy LH năm lớp Tư Trường Đạo Long. Hôm nào nghe Mỹ Cương, cô bạn từ Đệ Thất thông tin chị Thành nay đã đi tu tại Tịnh Xá Ngọc Ninh.
      Bắt đầu kể chuyện... ngày xưa.
      Phải công nhận một điều, khởi đầu "sự nghiệp học đường" của LH toàn gặp thầy hiền, không như Ngọc Lâm bị thầy giáo Đủ Xóm Gò cho trận đòn té khói nhập môn. Cũng nghe nói thầy Dậm dạy lớp Nhì lúc đó, vào lớp ổng mà "cà chớn chống xâm lăng" thì ổng... dậm cho mà bằng chết. Cũng hên là LH chưa học tới, chưa phải bước chân vô lớp Nhì A của thầy.
      LH vào học trường Đạo Long được 3 lớp: Lớp Tư học thầy Phan, lớp Ba học thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Cung, và thêm lớp Ba sau với thầy Hồ Sĩ Yên nhà ở đường Cường Để.
      Trong 3 ông thầy này, thầy Yên được xếp hàng... khó nhất, thầy nghiêm nghị ít cười, và cực đoan kinh khủng: Dấu huyền phải kẽ xuôi, đứa nào viết dấu huyền quá dốc thì bị trừ điểm ngay tức thì. Bạn LH lớp Ba này có Đào Lạt xuất thân từ lò thầy Ngạc hẻm Ngô Quyền, làm toán cứ là cự phách, nhanh nhất lớp, mà chẳng bao giờ được điểm 10: Lời giải: Tổng số con bò với con trâu là: Chữ là bỏ dấu huyền dốc đứng như là mái nhà...rông xứ Thượng, không được, trừ 1 điểm. Có Hoàng Ngọc Quỳnh, Nguyễn Văn Hạnh, LH tái ngộ ở Đệ Thất Duy Tân.
      Cũng ở lớp Ba này trong một buổi tập làm văn thầy ra đề, em hãy thuật lại một câu chuyện cổ tích. Thầy Yên hỏi trò nào xung phong kể cho cả lớp nghe. Nhiều người lên kể lắm, từ sự tích trầu cau, cho đến giết chó khuyên chồng,... Đến Đĩnh giơ tay xin kể chuyện Tham thì thâm.
      Giờ không còn nhớ đầy đủ họ của Đĩnh, nhưng vẫn hình dung ra khuôn mặt nhỏ, da trắng, môi đỏ và mỏng tanh, nên dù thoắt nhìn cũng có thể đặt tên Đĩnh... Láu.
      Đĩnh kể:
      Ngày xưa có hai anh em nhà kia cha mẹ chết đi để lại gia tài. Vợ chồng người anh tham lam giành hết, chỉ chia cho người em miếng đất rẫy khô cằn sát chân núi với một con chó và một con mèo....
      Người em không lấy thế làm buồn, mới đưa vợ ra rẫy dựng chòi tá túc. Đất núi sỏi đá mà không có trâu cày, người em "sáng kiến" bắt chó với mèo thay.
      Cũng dí dí thá thá, cũng huơ roi thị oai, cũng quất chó chó la cái cẵng, phết đuôi mèo mèo kêu meo meo, làm thần núi thấy chuyện tức cười, há miệng cười to sang sảng, trời ơi, vàng ơi là vàng, vàng rực rỡ, vợ chồng người em chỉ có việc... hốt của làm giàu.
      Vợ chồng người anh biết chuyện nên xin hoán đổi lại gia tài. Vợ chồng người em được cái không tham vàng bỏ nghĩa anh em nên diễn biến sự việc êm ru.
      Rồi người anh hăm hở đánh chó rượt mèo cày tung sỏi đá, có mụ vợ vác bao bố lúp xúp chạy theo, chờ thời cơ đến.
      Chó la căng cẳng, mèo kêu meo meo, thần núi lại cười, vàng rực miệng thần, chồng cào vợ hốt bỏ bao.
      Lại cào lại hốt, sâu quá tới yết hầu thần làm thần bị nhột, thần mgậm miêng lại dính kẹt đôi tay ông chồng.
      Xoay tới xoay lui cố gỡ nhưng miệng thần chắc quá làm ông chồng kiệt sức. Ông thều thào chia tay vợ:
      - Em ơi! Em ở lại! Anh xin em một lần cuối: Em cởi...
      Thầy Yên đứng gần đó, sẵn que chỉ bảng trong tay, thầy phết cu cậu một roi, như phủi bụi, thầy cười:
      - Về chỗ! Kể chuyện tào lao!
      50 năm rồi, nhớ chuyện ngày xưa, có lẽ đó là lần duy nhất thầy cười mà LH thấy.
      Đó là chuyện lớp Ba sau. LH còn chuyện tình lâm ly vào năm lớp Ba trước nữa (hì hì, LH học đến 2 năm lớp Ba lận).
      Đầu tiên vào lớp Ba A do thầy Cung vừa làm hiệu trưởng vừa đứng lớp. Đâu được vài tháng thì thầy không dạy nữa, chỉ làm văn phòng. Ba của LH từ Hải Chữ đổi về dạy tiếp, là LH được học thầy ba. Rồi cũng đâu vài tháng thầy ba của LH phải động viên nhập ngũ, nên cả lớp Ba A nhập chung với Ba B của cô Hữu nhà ở đầu ngõ Ngô Quyền.
      Bạn lớp Ba A có Nguyễn Đình Nguyên, Nguyễn Hữu Trí (Xóm Gò), Phạm Duy Thanh (Xóm nguồn Đạo Long), Nguyễn Ngọc Mẫn (con ông Tám Sót, còn là bạn láng giềng, cùng chơi parking phòng ngủ Mỹ Mỹ).
      Hổm nào có nói với anh Danny Luc sẽ giới thiệu những nhân vật thời danh Mả Thánh, như ông Tám. Ờ, nghe nói trước nữa ông Tám làm nghề thợ hồ, rồi ông xây cả khu phố vuông vức, từ tiệm bà Một bán gạo có để banh bàn, đến tiệm uốn tóc, tiệm tạp hóa của vợ chồng ông Tàu điếc (sau này ông Tàu chuyển chỗ sang tiệm bánh Việt Hưng và cũng chuyển sang nghề mới: Cho mướn truyện võ hiệp kỳ tình), đến phòng ngủ Minh Châu, kéo dài cho tít dưới này, phòng ngủ Mỹ Mỹ.
      Đến khi LH biết ông Tám thì ông đã... về hưu rồi, chắc vậy. Bởi đâu thấy ông làm thợ nữa đâu. Coi như chương trình thể dục của ông, ngày 2 cử, trưa 10 giờ, chiều 4 giờ, ông y phục bà ba trắng, đầu đội nón cối mả vôi, hai tay chấp sau đít, ông lên đường, theo sau ông là đệ tử, thằng Long hay con Châu xách giỏ lon ton: Ông đi chợ.
      Ông thiện chí đỡ đần bà Tám lúc nhúc đàn con.
      LH ở theo nhà cô Hai của LH kế bên Phòng ngủ. Cô Hai buôn bán cau khô đường đậu. Sân chơi của LH ngày đó là sân đậu xe Mỹ Mỹ, với các bạn chơi: Mẫn, Long , con Châu (con ông Tám), Dũng (con chú Tựu, thiếu úy), Minh (ngày đó chưa... rèo), con Nga, thằng Anh, con Mỹ,...
      Còn thêm Nghĩa, Sĩ nữa, cách nhà Minh rèo con hẻm nhỏ. Ừ! Có Nghĩa, có Sĩ thì chưa có Mạnh...trịn ở đây!  Đúng thôi! Khuôn viên nhà đất này là của một ông công chức Ty Điền Địa, chẳng may vợ bị bệnh qua đời, buồn quá ông xin thuyên chuyển Sài gòn, ông dẫn các con ông là chị Dung, Loan, Nghĩa, Sĩ đi.
      Ông bán nhà và cô Năm tiếp nhận. Mới ra cơ hội cho cu Mạnh... trịn qua ngạch cửa nhà này.
      Kể chuyện lang bang quên đi ý chính.
      Ngày trước trai nhiều gái ít, nên lớp nào cũng vậy, ngoại trừ Trường Nữ với Trường Nam, hễ lớp A là phải toàn trai và lớp B có trai có gái.
      Nhờ thiếu thầy nên giờ LH mới được học  chung với học trò con gái, và bỗng dưng sét đánh ngang tai.
      Cô nàng tên là Lê Thị Út Bé cũng ngồi đầu bàn dãy bên kia sao mà xinh đẹp lạ kỳ. Chiếc mũi thon cao sao mà giống tượng Đức Mẹ LH thấy mỗi lần đi ngang trong khuôn viên nhà thờ Tấn Tài  để về Tấn Lộc.
      Cũng là hên khi tìm ra manh mối: Út Bé là dì út bạn LH, thằng Mẫn. Nên những cục đường tán Sài gòn màu vàng rựccủa cô Hai LH phát huy tác dụng hỗ tương: Mẫn vui vẻ dẫn LH về thăm nhà ngoại, một khu vườn cuối cùng của xóm Mả thánh Tây, sát ruộng trước khi lên đường cái quan đi Cửa hay Tấn Tài.
      Vừa nhăm nhi khế ngọt chấm muối ớt vừa len lén nhìn Út Bé má đỏ hây hây vì cay ớt.
      Có lần bà ngoại kêu dì Út Bé xách lồng ra khều vú sữa cho Mẫn đem về cho em. Út Bé giao cho Mẫn một bị to. Phần LH, Út chỉ cho 2 trái với dặn dò đem về dú trong hũ gạo 3 ngày, trước khi ăn nhớ vò vò cho mềm, kẻo mủ.
      Quen nhau rồi, vào lớp nhiều khi còn đùa giỡn, liếc liếc thấy cô quay lưng là hỏa tiển phi thuyền ném bay qua nhau. Một bữa LH cung tay bắn luôn cây bút, xẹt một cái không biết bút bay nơi nao, đến lúc chép bài, bạn bè cặm cụi viết, LH cũng làm bộ huý  hoáy mà sợ cô nhìn, eo ơi, tẻn tò, quê ơi là quê, một đống.
      Sau năm học đó, Ba không cho LH học "ngoại sổ"  nữa. Ba đâu có biết đã làm một hành động cực kỳ: Chia ly tình con.
      Bạn bè lên lớp. Út Bé cũng lên lớp.
      Chỉ có LH còn ngồi lại, buồn hiu.
      LH học thêm ở trường Đạo Long thêm năm nữa rồi cũng ra đi với ngậm ngùi.
      Mãi đến năm lớp Đệ Lục Duy Tân, một hôm vào giờ trống, ngồi chơi trong lớp, Lưu Ly, cô bạn cùng lớp đến gần bàn, cô tựa bên thành cửa sổ, cô cười cười:
      - Nhà ngươi có một đàn chị hỏi thăm!
      - Đàn chị nào ?
      - Ngũ 2.
      - Ai nhỉ ?
      - Nhà ngươi còn nhớ cây bút tên bay ?
      - Ứ  ư... không.
      - Vườn cây vú sữa ? Cũng không ?
      - Chắc vậy.
      - Tên  thì chắc nhớ: Lê Thị Út Bé: Tên hay.
      - Ờ  ờ...  nhớ  rồi. Mà sao hai người quen nhau hay vậy ?
      - Bí mật.
      - Giờ đã là... đàn chị!
      Lưu Ly đến gần, nàng cười nhỏ nhẻ, lời nhỏ đến không nghe, phải đoán:
      - Ta đây cũng là đàn... chị vậy.
      Nàng cười khoe răng khểnh. Răng duyên. Để LH một đời mộng mị.

Lâm Huê.


Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Sat Dec 19, 2009 7:06 pm    Tiêu đề:

XXXXX

Được sửa bởi lamnvo ngày Mon Jun 21, 2010 1:46 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
ledinhduc
Niên Khóa 1968-1975


Ngày tham gia: 12 Jan 2008
Số bài: 801
Đến từ: PR/SG/California/Arizona

Bài gửiGửi: Tue Dec 22, 2009 8:03 pm    Tiêu đề:

Đọc chuyện của Ngọc Lâm lúc nào cũng...bừng bừng...khí thế, nhất là khi nghe NL nói về đ. bà Mến hoặc là đ. của ông Bảy Ngà thì rất là....động lòng trắc ẩn.
Thời của tụi mình thỉ có bà N. ---Thú thật với NL, là cho đến bây giờ, Đức cũng không biết...chỗ của bả ở đâu, vậy mà năm lên lớp 10, Phạm Xuân Lợi và Phạm Chí Hùng ban cho kẻ này cái "nickname" rùng rợn là Bà N.! Bây giờ mà gặp lại bạn xưa như Trương Xuân Dũng, Nguyễn Tiết, Thái Duy Tuấn, Chu Việt Cường, Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Phúc Bình và Lê Xuân Lộc (nhóm Trúc Lâm...Bát Hiền ngày xưa!), ai nấy đều...âu yếm mà gọi Đức bằng cái tên ...định mệnh này...


Được sửa bởi ledinhduc ngày Wed Dec 23, 2009 11:19 pm; sửa lần 2.
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Wed Dec 23, 2009 2:47 am    Tiêu đề:

xxxxx

Được sửa bởi lamnvo ngày Mon Jun 21, 2010 1:47 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang
cỏ lau



Ngày tham gia: 14 Nov 2008
Số bài: 667

Bài gửiGửi: Wed Dec 23, 2009 8:18 am    Tiêu đề:

NL ơi! CHU VIỆT CƯỜNG bệnh rồi không nhậu được nữa đâu.
Về Đầu Trang
ledinhduc
Niên Khóa 1968-1975


Ngày tham gia: 12 Jan 2008
Số bài: 801
Đến từ: PR/SG/California/Arizona

Bài gửiGửi: Wed Dec 23, 2009 10:03 am    Tiêu đề:

Cám ơn Ngọc Lâm và Cỏ Lau đã bật mí tin về CVC. Quả đất tròn lắm nhé---CVC là anh của Mỹ Dung bạn của NL đó mà!
À, nhóm của tụi này là "Trúc Lâm... Bát Hiền"; xin đính chính kẻo không sẽ bị trách là Hán (.) không...rộng!
Về Đầu Trang
Nói không Được



Ngày tham gia: 07 Nov 2007
Số bài: 509
Đến từ: Viet Nam

Bài gửiGửi: Wed Dec 23, 2009 10:37 pm    Tiêu đề:

Ngọc Lâm viết về Mã Tây rất sinh động , chỉ tiếc là NKĐ không biết gì về xóm này nên không xía vô được , uổng quá  !.
Về Đầu Trang
Bánsamạc



Ngày tham gia: 24 Oct 2007
Số bài: 249

Bài gửiGửi: Thu Dec 24, 2009 1:23 am    Tiêu đề:

Lamvo đã viết :
NL kể chuyện quá khứ có thể va chạm cá nhân. Nếu admin thấy không thích hợp, xin vui lòng huỷ bỏ.


Lamvo ,ở website THDT người lớn nhất gần 100 tuổi là thầy hiệu trưởng, người nhỏ nhất cũng trên 40. Tôn Sư Trọng Đạo kính nể những người lớn tuổi cũng nằm trong chủ trương cùa diễn đàn. Lamvo phải biết cái gì nên viết và cái gì không nên viết để cho tất cả mọi người trên diễn đàn được vui.
Cách đây mấy hôm tôi có đọc bài CTCN chuyện viết lâm ly kể lại chuyện tình của một thương gia nỗi tiếng mà người PR ai ai đọc qua cũng biết sau đó đã biến mất vì người này đã qua đời và không ai ở PR muốn nghe nhắc đến chuyện buồn này nữa... Website THDT đã có chủ trương là một vườn hoa Hạnh phúc , một mái ấm gia đình, mang niềm vui và tiếng cười đến cho nhau....những danh từ này đầy rẫy trên web.
Tôi gởi theo cái link này để Lamvo đọc lại khỏi cần phải hỏi admin và rào trước đón sau làm gì. Đã vào đây thì là gia đình ,gia đình nào cũng tục lệ của nó. Như tôi ưa nhậu, nhưng không dám chửi thề ở đây chỉ mang rượu mời các bạn.
Một Diệu Đức bệnh cả cái "Hương trà tửu quán" buồn bã theo....
Nói ít hiểu nhiều chắc bạn không giận tôi chứ. Hy vọng sẽ cụng ly với bạn tại đại hội Duy Tân kỳ tới.

Xin đọc kỷ trước khi post bài
Về Đầu Trang
DIEU HUYEN
Niên Khóa 1962-1969


Ngày tham gia: 25 Sep 2008
Số bài: 4763
Đến từ: Vườn Hoa Hạnh Phúc

Bài gửiGửi: Thu Dec 24, 2009 8:30 pm    Tiêu đề:

Cám ơn anh BánSaMạc đã nhắc nhở  Lamvo và lo cho Diễn Đàn . Lam vo cũng ngại nên nói trước . Đúng như anh nói cái Chuyện CTCN bị đục bỏ bởi admin và người post bài cũng rất happy vì người này nghĩ là viết lại một chuyện có thật ,văn sĩ mà anh .....chuyện buồn này làm buồn lòng nhiều người nên không hợp với diễn đàn của mình .

Cám ơn anh BSM và LV .DH sẽ đi nhậu với nhị vị kỷ đại hội tới chịu không ,nhưng nói trước là DH chỉ có phá mồi  thôi nhé .

_________________

Về Đầu Trang
Nước sông Dinh



Ngày tham gia: 10 Aug 2009
Số bài: 209
Đến từ: Hoa-Thịnh-Đốn

Bài gửiGửi: Fri Dec 25, 2009 7:26 pm    Tiêu đề:

Ha....ha....đi nhậu theo kiểu của chị Diệu Huyền coi bộ được à nghe. Chị Diệu Huyền ơi! Cho NSD đi nhậu ké với......Ha....ha....ha....
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân