TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG :: Xem chủ đề - Tôi đi học
TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG
Nơi gặp gỡ của các Cựu Giáo Sư và Cựu Học Sinh Phan Rang - Ninh Thuận
 
 Trang BìaTrang Bìa   Photo Albums   Trợ giúpTrợ giúp   Tìm kiếmTìm kiếm   Thành viênThành viên   NhómNhóm   Ghi danhGhi danh 
Kỷ Yếu  Mục Lục  Lý lịchLý lịch   Login để check tin nhắnLogin để check tin nhắn   Đăng NhậpĐăng Nhập 

Tôi đi học

 
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi...
Xem chủ đề cũ hơn :: Xem chủ đề mới hơn  
Người Post Đầu Thông điệp
buihongloan
Niên Khóa 1970-1975


Ngày tham gia: 01 Aug 2008
Số bài: 488

Bài gửiGửi: Mon Sep 28, 2009 7:07 pm    Tiêu đề: Tôi đi học
Tác Giả: Thanh Tịnh

Tôi đi học

Thanh Tịnh


Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.

Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy, tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này, tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học .

Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quí và không đi ra đồng nô đùa như thằng Sơn nữa.

Trong chiếc áo vải dù đen dài, tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn.

Dọc đường thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt, nhưng một quyển vở cũng xệch ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước ôm sách vở nhiều, lại kèm cả bút thước nữa. Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.

Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:

- Mẹ đưa bút thước cho con cầm.

Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:

- Thôi để mẹ cầm cũng được.

Tôi có ngay cái ý nghĩ vừa non nớt vừa ngây thơ này: chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.

Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi.

Trước sân trường làng Mỹ Lý dày đặc cả người. Người nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.
Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim quyên với thằng Minh, tôi có ghé lại trường một lần.

Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ . Tôi đi chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không có cảm tưởng nào khác là nhà trường cao ráo và sạch sẽ hơn các nhà trong làng.

Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý trông vừa xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình làng Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn trong những buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ .

Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ . Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ .

Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Cảm thấy mình trơ vơ là lúc này. Vì chung quanh là những cậu bé vụng về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một quả ban tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng trong các lớp.

Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đến đứng trước lớp ba. Trường làng nhỏ, nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong lúc ông ta đọc đến tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả mẹ tôi đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc nhìn chúng tôi nói sẽ:

- Thế là các em được vào lớp năm. Các em phải gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy các em được sung sướng. Các em đã nghe chưa.

(Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có một tiếng dạ ran của phụ huynh đáp lại.)

Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động. Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút này, chúng tôi được người ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy, đã lúng túng, chúng tôi càng lúng túng hơn.

Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:

- Thôi, các em lên đây sắp hàng để vào lớp học.

Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ.

Không giữ được chéo áo hay cánh tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lưng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.

Ông đốc tươi cười nhẫn nại chờ chúng tôi.

- Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà. Và ngày mai lại được nghỉ cả ngày nữa.

Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi đi vào lớp năm. Một thầy trẻ tuổi, gương mặt tươi cười đang đón chúng tôi trước cửa lớp. Trong thời thơ ấu, tôi chưa lần nào thấy xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ.

Vì có những hôm đi chơi suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.

Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì treo trên tường, tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất cẩn thận, rồi tự nhiên lạm nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tý hon ngồi bên tôi, một người bạn tôi chưa hề quen biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá, đến nỗi tôi cũng không dám tin có thật.

Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt rè rồi vỗ cánh bay cao.

Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa hay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong trí tôi.

Nhưng tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật.

Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đánh vần đọc:

- Bài tập viết : TÔI ĐI HỌC !                                                                            

Quê mẹ, tập truyện ngắn,
Nhà xuất bản Đời nay,
Hà Nội, 1941
Thanh Tịnh
Về Đầu Trang
nguyenthiminhhuong



Ngày tham gia: 03 Feb 2009
Số bài: 221

Bài gửiGửi: Mon Sep 28, 2009 7:43 pm    Tiêu đề:

Cám ơn Bùi Hồng Loan đã gởi một truyện ngắn của Thanh Tịnh mà chị MHN rất "mê" thời mới biết đọc truyện.
Ngày xưa chị không để ý, bây giờ đọc lại mới lấy làm lạ : sao chỉ thấy các cậu bé mà chả thấy cô bé nào của ngày đầu niên học!!!!
Có lẽ vì đây là một trường làng (Làng Mỹ Lý) và ngày xưa ở các làng quê, các cô bé chưa được... quyền đi học chăng? Crying or Very sad  Crying or Very sad  Crying or Very sad
Về Đầu Trang
buihongloan
Niên Khóa 1970-1975


Ngày tham gia: 01 Aug 2008
Số bài: 488

Bài gửiGửi: Tue Sep 29, 2009 6:11 am    Tiêu đề:

Ừ nhỉ, chị Minh Hương nói Loan mới để ý. Ngày ấy con gái không được đi học? Ít có đi học? Loan cũng không không rỏ nữa. Chỉ riêng Loan rất thích bài đọc này vì những câu:

“Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều, và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.
.
Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này, tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học .”


Vì đã nhắc đến ngày đầu Mẹ Loan dẫn Loan đi học. Đi từ đường Ngô Quyền rồi quẹo sang đường lên nhà thương bà Mụ Mận để đến trường Nữ Tiểu Học.
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Tue Sep 29, 2009 1:39 pm    Tiêu đề:

Đây chỉ là view point của Thanh Tịnh được thi vị hóa. Ngày đầu tôi đi học là một sự kinh hoàng: tiêu tùng những ngày lang thang cùng đám trẻ trong xóm trên cánh đồng ngát hương lúa, Còn đâu là những ngày làm bè chuối vượt sông Dinh, Rồi đi câu, đào chuột, đánh đáo, chơi tổng, chơi vụ ... Kissing goodbye!

Nghe bọn trẻ kể về cái roi của ông thầy nghiêm nghị, bàn tay sưng vù và cái mông hằn vết roi đỏ lưởng, tôi mất ngũ nhiều đêm. Trước đó vài ngày, bà ngoại tôi hăm dọa, dụ dỗ, hối lộ, khuyên răn, an ủi..., tôi vẫn không an tâm. Ngày đầu đi học, tôi khóc từ nhà đến trường! Bà ngoại phải vừa lôi vừa kéo như chăn con bò bướng bỉnh. Tôi chỉ chờ bà ngoại lỏng tay là chạy thì làm gì thấy "những đám mây bàng bạc".

Nhà tôi đối diện trường tiểu học Đạo Long, ngày tựu trường nào cũng nhìn thấy những đôi mắt hoang mang sợ hải, những tiếng khóc của các cu cậu ham chơi, ngỗ nghịch trong xóm bị bố mẹ dắt đến cửa Khổng sân Trình, kinh ơi là kinh!

Hì ... hì, Hy vọng cách nhìn khác của dân Mã Thánh không làm taint bài "Tôi Đi Học".
Về Đầu Trang
moa



Ngày tham gia: 31 Aug 2009
Số bài: 136

Bài gửiGửi: Tue Sep 29, 2009 3:25 pm    Tiêu đề:

Cám ơn buihongloan nhiều nhen, tuyệt vời  !  Bao nhiêu năm rồi mới đọc lại được bài " Tôi Đi Học ", dễ thương ghê, giờ mới biết là của Thanh Tịnh. Cả một kỷ niệm Trường Nam Tiểu Học PhanRang khi Cô Hồng dạy tụi này làm Luận phải tả lại Tôi Đi Học dựa trên bài của Thanh Tịnh.  
Đọc mấy dòng tóm tắt về bài đó của buihongloan mà moa bồi hồi nhớ lại vài kỷ niệm không quên.

Trường Mỹ Lý của Thanh Tịnh chắc không khác gì Trường Mỹ Hương ... hình như là Trường Nữ TH PhanRang ta mà, moa sợ nhớ lộn. Không biết còn mấy cây me chua sau trường không vậy  :) hay là chúng cũng quỳ theo luật tạo hóa rồi.

Anh lamnvo ở trước Trường Đạo Long hèn chi bị lây, viết văn giỏi ghê. Gu của moa à nhen. Moa thật tình nói vậy chứ không ẩn ý gì khác. Không thấy smilies hoa nên phải phải viết thế hoa vây. Cười chơi nhen.

Cám ơn buihongloan lần nữa nhé, còn mấy thứ này thì cho lên đọc nữa nhen bạn. Bravo ! Xin thân chào tất cả.
Về Đầu Trang
DIEU DUC



Ngày tham gia: 03 Oct 2008
Số bài: 1032

Bài gửiGửi: Wed Sep 30, 2009 2:24 am    Tiêu đề:

Ai trong chúng ta cũng đều mang hình ảnh trong ký ức về  Buổi học đầu tiên  với không gian là mây bàng bạc và thời gian là Vào Thu  , lá ngoài đường rụng đầy... một hình ảnh thật nên thơ và đầy kỷ niệm qua bài TÔI ĐI HỌC của Thanh Tịnh .
Tác giả đã cho ta thấy lại hình ảnh rụt rè của một cậu bé lên năm trong ngày nhập học  .Với ánh mắt ngơ ngát trước sinh hoạt trang nghiêm của trường lớp mới , với  tâm hồn bỡ ngỡ bên Thầy , bên bạn khi chung quanh tất cả đều xa lạ .
Kỷ niệm về niên học đầu tiên của tôi là năm lớp một tại trường Nữ tiểu học Nha Trang .
Dạo đó nhà tôi không ở gần trường , phải đi vòng khu chợ Đầm và cuốc bộ thêm một đoạn đường
nữa mới đến lớp học . Anh Bùi quang Phước là ngưới có phận sự rước tôi mỗi chiều tan trường .Anh cũng học Trường nam cạnh đó nhưng theo xuất sáng .
Anh hơn tôi hai tuổi , có nhóc tì nào không phá phách nghịch ngợm ở lứa tuổi lên tám đâu , nhất là
con trai ! Mỗi chiều , anh thường đến trường sớm hơn độ nửa giờ . Thay vì đứng yên như người lớn trong khi chờ đợi , nhưng anh Hai tôi thường không ngoan như thế .
Có lần sân trường đang yên lặng , tôi bỗng nghe có tiếng gọi tên nick- name của tôi thật lớn : " H. ơi " , rồi ù chạy mất !
Trong lớp , cô giáo nhìn ra với cái nhìn bực bội nhưng chắc vì tà áo dài vướng víu nên cô không thể làm gì hơn!
Dạo đó , tôi nhất định đòi về mét Ba , làm ảnh phải ghé  quán bên đường mua kẹo để ... cầu an với tôi .
TÔI ĐI HỌC hình như là bài Kim văn đầu tiên được nghe giảng khi vào lớp sáu. Chặng đường khó khăn nhất ở  ngưỡng cửa này là kỳ thi Đệ thất .
Anh Hai tôi có bao nhiêu cô em gái đi thi là có những lần xôn xao mỗi độ Hè về .
Trung tâm dự thi của tôi đã là Trường nam tiểu học Phan Rang . Năm đó , nhìn qua cửa sổ  tôi thấy anh lăng xăng với cái loa cầm tay giữa đám đông , tuy nhiên bên cạnh anh  một người nữa cầm loa
cũng đang đọc ồn ào như anh vậy !  Thì ra , sự ồn ào này đã không giúp gì nhiều cho các thí sinh nhí
bên trong . ( Chuyện bênh lề , đây cũng là lần đầu tiên anh Phước đã gặp một người đẹp
Duy Tân trong đám đông này , đó là chị Tr.Kh mà mãi mấy tháng sau , khi chính thức là học sinh
D.T ảnh mới được biết tên ) .
Kỳ thi đó tôi đã gặp một vị thầy khả kính làm giám khảo .Thỉnh thoảng , thầy đến bên cạnh nhìn bài tôi làm rồi gật gù . Mãi sau này tôi mới biết thầy đã nhận ra Ba tôi là người quen khi thấy Ba dắt tay
tôi đưa đến phòng thi . Đó là thầy Đoàn Lu , một giáo sư toán của trường Duy tân .
Sau 75 , tôi nghe tin thầy mất về bệnh phổi vì bụi phấn bám đầy khí quản .
Hôm nay , TÔI ĐI HỌC đã trở về với tôi như một kỷ niệm êm đềm . Bài văn này , mỗi lần đọc lại là một lần gợi nhớ về quãng đời thơ mộng thuở nào :
Nhớ bước ngập ngừng đầu niên học
Duy Tân tên gọi mái trường xưa
Chút bỡ ngỡ một thời thơ dại
Theo vào đời niềm  nhớ bâng khuâng .

Bùi Hồng Loan , cảm ơn em về sự gợi nhớ ý nghĩa này .
Về Đầu Trang
buihongloan
Niên Khóa 1970-1975


Ngày tham gia: 01 Aug 2008
Số bài: 488

Bài gửiGửi: Wed Sep 30, 2009 9:37 am    Tiêu đề:

Bài văn này Loan chuẩn bị cho hoc trò mỗi năm vào dịp tựu trường. Lúc đọc những dòng chử của chị Minh Hương nhắc đến mùa Thu đã về trên đất Mỹ, chợt nhớ rằng học sinh đã bắt đầu đi học lại, nên đăng lên để tặng cho mọi người trong gia đình Duy Tân.

Mỗi học sinh trong con người chúng ta có một kỉ niệm “tôi đi học” ngày đầu khác nhau. Có người hạnh phúc mơn man, có người sợ hải “kinh hoàng”. Nhưng bài văn này là một kỉ niệm khó quên trong đời học sinh của rất nhiều người.

Đã  đi học thì bài văn này ai cũng tâp đọc qua, ai cũng dùng để làm bài văn mẫu bởi vì cách hành văn rất tượng hình. Qua rồi thời kỳ đi học, mỗi khi đọc lại, lời văn vẫn đủ để làm rung động lòng người.    

Kỷ niệm “tôi đi học” của Loan là hạnh phúc mơn man trong tim. May mắn hơn Ngọc Lâm là Loan được Mẹ đưa đi học chứ không phải bà Ngoại. Lúc đó Loan (con gái) náo nức đi học chứ không có tiếc nuối ‘kissing goodbye” các trò chơi (như con trai). Loan vào lớp Năm trường Nữ Tiểu Học Phan Rang ở gần đình Minh Hương (anh Moa nhớ đúng rồi).

Trường  Nữ Tiểu Học ở giữa ngã năm, một đường đi đến rạp hát Việt Tiến. Gần bên Khuông Tự (chưa được thành chùa) Mỹ Hương, đình Mỹ Hương. Một đường  đi lên Hùng Vương nơi có trại mộc của Ba Loan. Một đường đi ngang dinh Tỉnh trưởng. Một đường đi ngang nhà thương Bà Mụ Mận, và một đường dẫn đến “lò heo”. Sự sống được chào đời ở bên cạnh sự chết chóc.

Loan vào lớp Năm học với cô Thanh. Mẹ Loan đưa đến trường dặn dò xong rồi đi về. Trong lúc đợi gọi tên Loan thấy cô bạn hàng xóm ngồi trong lớp, không cần gọi tên Loan chen vào ngồi bên cạnh cô ấy. Lúc điểm danh cả lớp xong thì thiếu Loan. Loan đưa tay lên hỏi, cô Thanh bảo Loan lanh lẹ, cho làm trưởng lớp. Loan bắt đầu đi học với cô bạn nối khố Trần Thị Thu Hồng và các bạn Văn Nữ Hoàng Anh, Hồ Công Thị Lệ Hồng Trang.

Lên đến lớp Tư Loan học với cô Định, Loan vẫn làm trưởng lớp, Lúc cô sinh em bé, Loan dẫn cả lớp đến thăm. Cô cảm động vô cùng.  

Lớp Ba Loan học với cô Bùi Thị Minh Châu (vợ thầy Nguyễn Tiêm). Cô là bạn (chơi hụi) với Mẹ Loan nên Loan lại làm trưởng lớp. Vào những buổi trưa hè nóng nực, cô sai trưởng lớp đi đến rạp Việt Tiến mua chè đậu ván nước đá lạnh cho cô. Đi mua chè thường xuyên vậy mà Loan vẫn đứng đầu lớp.    

Đến lớp Nhì thì lớp Loan có cô giáo mới từ Sư Phạm Huế đổi về. Cô tên là Nguyễn thị Loan Anh, cô nói tiếng Huế đúng giọng thành nội. Năm ấy Loan có thêm cô bạn mới, Ngô Thị Anh Thư con của ông Tỉnh Trưởng Ngô Hán Đồng. Có hôm rảnh Anh Thư dẫn Loan vào dinh Tỉnh Trưởng chơi và nhờ mấy chú lính gác hái cho mấy chùm me chín. Học chưa đầy một năm, Anh Thư theo Bố đổi về Sài Gòn, Anh Thư về sống ở Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa và Bố Anh Thư qua đời trong cuộc chiến.

Năm cuối ở tiểu học, cô Loan Anh thương lớp Loan nên xin đổi theo lên dạy lớp Nhất. Năm đó là năm con gái tiểu học đã biết đến sự tồn tại của con trai các trường khác. Con trai trường Đạo Long là “dân Mã Thánh Tây” nên sợ phải tránh xa, mà con gái trường nữ cũng chẳng bao giờ dám “venture” xa hơn cái rạp hát Thanh Bình vì sợ gặp phải đám “con ranh con lộn”. Con trai trường Nam Tiểu học thì có “đụng độ” vài lần. Con trai trường Nam thích lấy cành hoa phượng làm đạn và bắn “lén” con gái trưởng Nữ. Bị đau nhiều lần ấm ức Loan về “mét” với anh Loan. Mấy lần tan học anh Tuấn (đang học Duy Tân) dẫn thêm vài người bạn đến đón em gái về.  Bọn con trai trường Nam sợ không dám bắn nữa. Sau này vào Duy Tân học chung, có lần hỏi có ai từng đi bắn con gái trường Nữ không? Không ai dám trả lời.

Loan rời trường Nữ Tiểu Học vào trường trung học Duy Tân, rời những hàng me rậm rạp sau trường. Mùa xuân lá me trổ màu xanh non, mùa Thu lá me vàng bay bay trong gió . Hơn 30 năm rồi Loan không biết hàng me có còn hay không. Me sống lâu bao nhiêu tuổi Loan cũng không rỏ. Nhưng mỗi năm mùa tựu trường, cho học trò tập đọc bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, là hình ảnh Phan Rang, hình ảnh trường Nữ Tiểu Học lại êm ái hiện về trong Loan.
Về Đầu Trang
Thong Reo



Ngày tham gia: 10 Mar 2009
Số bài: 620

Bài gửiGửi: Wed Sep 30, 2009 1:33 pm    Tiêu đề:

Hàng năm lá rụng thu về
Trên không bàng bạc phiêu bồng mây trôi
Nao nao kỷ niệm đầu đời
Tựu trường một thủa bồi hồi nào quên
Tay mang cặp táp nhỏ xinh
Tay được Ba dẫn vào trình các Cô
Nhẹ nhàng Cô nắm tay vô
Vào trong lớp học bạn thơ hiền hoà
Ba năm tiểu học Nha Trang
Cô thương bạn mến lòng tràn niềm vui
Trường Âu Cơ nhớ một thời
Trên đường tan học hẹn hò lẫn nhau
Trò Yến trò Oanh trò Trang
Tụi mình ba đứa rỏ ràng đừng quên
Mai mốt mười tám đi tu
Yến Oanh Trang hứa cười vang đoạn đường.
Lớp nhì lớp nhất Phan Rang
Trường nữ tiểu học ngày vàng bạn Cô
Cô Hạnh Cô Dung hiền lương
Đem lòng tận tuỵ mến thương học trò
Những lời nhắn nhủ nhỏ to
Chăm học như ngọc sáng ngời thêm lên
Nơi đây gặp gở bạn Kim
Cẩm-Kim tri kỷ nối liền Duy Tân..
Cám ơn Bùi Hồng Loan đã gợi nhớ kỷ niệm đầu đời đến trường đầy dấu ấn..Mình nhớ lại lúc học ở tiểu học Phanrang ,cứ đến giờ ra chơi là chúng mình chơi nhảy dây hai sợi một lần ,các cô giáo đứng ở hành lang nhìn ra cười vui lây.Còn hàng me tây sau vườn rợp bóng mát những lớp học bọn mình ,cũng là nơi để rượt bắt trốn chạy.Mình cũng nhớ bà Cai bán chè bánh kẹo..để bọn mình nhóp nhép..Thỉnh thoảng được Cô sai vặt thì mừng lắm ,Cô cười khen càng mừng hơn. Còn nhớ năm thi vào đệ thất ,mình đậu thứ..ba mươi lăm, chao ơi dạo đó mắc cở lắm lắm..,cả nhà cười um...bạn hỏi không muốn nhắc lại, kỳ quá hà... Surprised  !!
Về Đầu Trang
lamnvo



Ngày tham gia: 28 Feb 2009
Số bài: 238

Bài gửiGửi: Wed Sep 30, 2009 2:42 pm    Tiêu đề:

Trích dẫn:
Nhưng tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật.

Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm bẩm đánh vần đọc:

- Bài tập viết : TÔI ĐI HỌC !


Hãy lưu tâm đến vấn đề kỷ thuật. Có ai lưu ý những điểm vô lý của bài "Tôi Đi Học" không?

1- Con nít mới vào lớp Năm thì làm sao có thể đánh vần? Chẳng nhẻ bà mẹ làng quê lớn lên ở thời trước Tự Lực Văn Đoàn lại có thể preschool con mình? Nhà Thanh Tịnh lại không đối diện trường học như nhà NL thì cũng không thể nghe bọn trẻ ngêu ngao để tự học.

2- Ngày đầu dạy lớp Năm thì tại sao thầy lại dạy tập viết "Tôi Đi Học"? Ngày đầu đi học, thầy dạy nội qui trường lớp cho con nít học vở lòng biết phép tắc. Vài ngày sau đó mới bắt đầu "O tròn như qủa trứng gà..." và gạch hàng rào. Vần "ÔI" và "OC" thì mãi đến hết vần xuôi, nghĩa là vào khoảng 2/3 học kỳ lớp Năm mới đến và cuối cùng là bài "Kỳ nghĩ hè, ta về quê, nhà ta ở mé bờ đê..."

Không phải NL vạch lá tìm sâu, muốn trịn bài TT. Chỉ là nghi vấn về logic từ lúc đọc nó lần đầu tiên vào lớp sáu.
Về Đầu Trang
Jen
Niên Khóa 1973-1975


Ngày tham gia: 01 Jun 2009
Số bài: 34

Bài gửiGửi: Wed Sep 30, 2009 7:37 pm    Tiêu đề:

Ha ha ha...Sao em với chị Thông Reo giống nhau quá, thi vào lớp 6 em cũng đứng 35 cũng cảm thấy...mắc cỡ quá đi thôi. Phải chi , chị đứng 1 cho em...nhờ  hihihi. Ở gần cho chị cốc một cái.
Nhớ ngày đầu tiên theo Ba vào trường Nữ tiểu học, cảm thấy sung sướng vì mình được...làm người lớn, các bạn nhiều người mắt đỏ hoe, lúc Ba nói" Con ở lại để học, Ba đi làm đây"  hơi sợ một chút nhưng nhanh chóng hòa vào các bạn. Có lẽ thấy Jen lanh lẹ nên cô cho làm lớp trưởng. Giờ ngồi nghĩ lại thấy nhớ ơi là nhớ....
Về Đầu Trang
Trình bày bài viết theo thời gian:   
Gửi bài mới   Trả lời chủ đề này    TRUNG HỌC DUY TÂN - PHAN RANG -> Truyện Ngắn, Bút Ký, Tạp Ghi... Thời gian được tính theo giờ GMT - 4 giờ
Trang 1 trong tổng số 1 trang

 
Chuyển đến 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn

    
Powered by phpBB © 2001, 2005 phpBB Group
Diễn Đàn Trung Học Duy Tân